Kệ Kết Thúc

13 Tháng Mười Một 201300:00(Xem: 4751)

TRÁI TIM CỦA TRÚC LÂM ĐẠI SĨ
Thích Nhất Hạnh
Nhà xuất bản Phương Đông

Kệ kết thúc

KỆ KẾT THÚC


Cư trần lạc đạo thả tùy duyên.
Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch;
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.

 

BÌNH GIẢNG

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Nếu muốn thực tập theo tinh thần Cư Trần Lạc Đạo, tức là ở trong chốn bụi bặm mà có hạnh phúc với chánh pháp thì phải biết áp dụng nguyên tắc tùy duyên. Tùy duyên tức là ta phải hội nhập vào hoàn cảnh đó mà đừng có đòi hỏi điều kiện này hay điều kiện khác. Tùy duyên là tùy theo những điều kiện đang có đó, đừng có nói rằng: "Nếu không có những điều kiện này thì tôi sẽ không ở đây! Tôi sẽ không có hạnh phúc." Nói như vậy là không có tùy duyên. Phải biết chấp nhận và hạnh phúc với những điều kiện sẵn có, gọi là tùy duyên. Chỉ cần biết chấp nhận là thấy khoẻ liền, là lạc đạo liền. Nếu không biết chấp nhận thì đi đâu ta cũng không có hạnh phúc. Đó là nguyên tắc đầu của Cư Trần Lạc Đạo.

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên

Đây là nguyên tắc thức hai: Đói thì ăn, khát thì uống. Cái chữ đói ăn khát uống trong thiền môn không có nghĩa là mình sống theo cái bản năng của mình đâu. Nếu ai hiểu như vậy là chết thiền! Đói ăn khát uống tức tức là ta phải thật sự ăn, ta phải thật sự uống. Tại vì đã có những người chết khát ở bên bờ sông. Chúng ta mỗi người đều có những nhu yếu đích thực, và tu tập trước hết là tìm ra được những nhu yếu nào là những nhu yếu đích thực của mình, như là đói thì phải ăn, khát thì phải uống. Tại vì có những nhu yếu không đích thực, ta có thỏa mãn nó hay không thỏa mãn nó cũng không có quan trọng. Mà đôi khi chạy theo những nhu yếu không đích thực này, chúng ta còn làm tan nát cuộc đời của chúng ta. Những cái không cần mà chúng ta cứ tưởng là cần rồi chạy theo chúng thì mất hết đời của chúng ta, mà nắm được chúng trong tay thì chúng làm bỏng tay ta, phá tan cơ thể và tâm hồn của chúng ta. Đó là những nhu yếu không đích thực.

Khi thấy được những nhu yếu nào là đích thực và những nhu yếu nào là không đích thực thì ta đã đi một bước khá lớn ở trên con đường tu học rồi. Phải quán chiếu để thấy cho rõ những nhu yếu đích thực của mình. Và khi quán chiếu thấy được đó là nhu yếu cần thiết để có được vững chãi, có thảnh thơi, có an lạc, thì tự nhiên ta sẽ thực tập theo nguyên tắc đói ăn khát uống. Tức là hằng ngày ta chỉ ăn và uống cái đó thôi, còn thì ta từ chối tất cả những cái khác. Ta cần vững chãi, ta cần thảnh thơi, ta cần an lạc, thì ta phải biết bản chất và phương pháp để làm thỏa mãn những nhu yếu đó của ta. Khi nào buồn thì ta biết làm thế nào để cho bớt buồn, khi nào giận thì ta biết làm thế nào để cho bớt giận, khi nào cô đơn thì ta biết làm thế nào để cho hết cô đơn, khi nào thiếu vững chãi thì ta biết làm thế nào để đem vào tâm hồn mình những chất liệu vững chãi... Đó là đói ăn khát uống. Nếu không có đói thì đừng có ăn, ăn vào là chết đó! Nếu không khát thì đừng có uống, uống những cái đó vào là chết!

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch

Đây là nguyên tắc thứ ba: Trong nhà chúng ta đã sẵn có châu báu, đừng có đi tìm ở đâu xa nữa. Gia trung là trong nhà. Hữu bảo là có châu báu. Hưu là ngưng lại. Tầm mịch là tìm tòi, tìm kiếm. Đừng có chạy đi đâu để tìm kiếm nữa hết vì những cái ta cần đã có sẵn ở trong ta rồi.

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền

Đối cảnh vô tâm là nguyên tắc thứ tư. Cảnh là những cái gì đang xảy ra ở trước mặt ta. Những gì xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của ta thì ta phải biết đáp ứng lại với những sự kiện đó bằng thái độ vô tâm. Vô tâm không có nghĩa là không có chánh niệm. Theo phương pháp tu chánh niệm là cái gì đang xảy ra thì ta biết là cái gì đang xảy ra, đang xảy ra trong lòng ta hay đang xảy ra xung quanh ta, và ta phải ý thức được nó với phương pháp vô tâm. Vô tâm ở đây có nghĩa là không vướng mắc cũng không chán ghét. Tức là ta không bị vướng vào trong hai cực: tham đắm và chán ghét. Chán ghét là một thái cực và tham đắm là một thái cực khác. Một bên là dính như múi mít, một bên là sợ bỏ chạy, thoát ra khỏi cả hai cực này thì tự nhiên ta sẽ có an, có lạc. Cái đó gọi là xả. Đó là chất liệu của tự do. Nếu ta muốn thật sự có hạnh phúc, có tự do thì ta phải có thái độ vô tâm. Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền: nếu ta có thể đối cảnh vô tâm thì đừng có hỏi tới thiền làm gì nữa! Ta đã nắm thiền quá vững rồi. Mạc vấn thiền là đừng có hỏi về thiền nữa.

Nếu chúng ta có thể làm được bốn nguyên tắc trên thì hỏi về thiền làm gì nữa !


TỔNG LUẬN

Chúng ta thấy bài Cư trần Lạc đạo của Trúc Lâm Đại Sĩ rất có giá trị thực tiễn, không phải là lý thuyết. Cố nhiên bài này nói lên được cái thái độ và phương pháp tu học của Trúc Lâm Đại Sĩ, một ông vua đã xuất gia, đã thành đạo và đã sáng lập ra được một tông phái thiền rất có tính cách thiền học. Đó là thiền phái Trúc Lâm.

Chúng ta may mắn được đọc tác phẩm này chung với nhau. Phần sau được dịch theo văn mới để con cháu ta đọc có thể hiểu được dễ dàng. Chúng ta cũng có thể dịch ra tiếng Anh hay tiếng Pháp.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Mười Hai 2016(Xem: 5743)
15 Tháng Mười Một 2016(Xem: 7084)
18 Tháng Ba 2016(Xem: 5610)
Bài kệ nổi tiếng Thị Tịch của Thiền sư Tịnh Giới đã được rất nhiều bật ‘sư tổ’ luận bàn nên tôi không dám múa rìu qua mắt thợ bằng cách nhai đi nhai lại ý của những tiền bối. Tôi chỉ xin trình bài nó qua một lăng kính khác...thường, không giống ai vì tôi bị méo mó tuệ nhãn thấy cái gì cũng ‘sang trang chạy quàng’ như thi sĩ ‘không tỉnh’ Bùi Giáng.
04 Tháng Mười Một 2015(Xem: 5788)
Avadāna có thể nói là thứ văn học truyện sự tích sử ca Phật giáo. Do đó, nó không cố tình trình bày những giáo lý thâm sâu, trái lại là những truyện kể và có tính chất giáo huấn, vừa có tính chất giải trí lành mạnh. Cho nên, đúc Phật ở đây xuất hiện như một con người, giảng giải đạo lý cho những con người khác, cả xuất gia lẫn tại gia, và trở thành đối tượng tín ngưỡng của mọi người.
06 Tháng Mười 2015(Xem: 8184)
Cư dân cùng xóm, khi đi dạo trên lối mòn quanh co ven dòng suối, thường dừng bước trước hàng hiên tôi, vừa ngắm nghía, vừa thì thào khen ngợi. Mà có chi nhiều đâu! Hai rừng lựu, một vườn hồng, hai bồ đề đại thụ, hai rừng mai, một vườn quýt, một bụi chuối, hai vườn chanh
12 Tháng Tám 2015(Xem: 6929)
Viện Việt Học cho biết sẽ tổ chức buổi ra mắt sách Tỉnh Mê Một Cõi, tức Hứa Sử Truyện, vào Chủ Nhật 30-8-2015 từ 2 giờ chiều tới 5 giờ chiều tại trụ sở của Viện.. Tác phẩm là một tiểu thuyết thơ chữ Nôm, soạn từ thế kỷ thứ 18, được suy đoán là do nhiều tác giả soạn, trong đó hiệu đính và in khắc bởi Hòa Thượng Toàn Nhật
04 Tháng Tám 2015(Xem: 5379)
Đây là tác phẩm thuộc loại thi ca hầu như là duy nhất đã được nhập Tạng (ĐTK/ĐCTT, tập 48, No 2014, 1 quyển), chứng tỏ tác phẩm, ngoài giá trị văn học còn có những giá trị lớn về Thiền học. Chứng đạo ca đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Ở Việt Nam, trước 1975 có bản Việt dịch - giới thiệu của Trúc Thiên