Ở cho yên ổn ngồi cho vững vàng

18 Tháng Giêng 201514:48(Xem: 3828)
BÂY GIỜ MỚI THẤY
Thích Nhất Hạnh
Nhà xuất bản Phương Đông 2014

Ở cho yên ổn ngồi cho vững vàng

Người yêu ơi, nếu anh đứng không yên và ngồi không vững là tại vì anh không an trú được trong cái bây giờ. Anh phải biết cái bây giờ là cái chắc thật nhất, là cái nền tảng của cái mười phương và ba đời. Anh chỉ cần để ý tới hơi thở vào của anh, hoặc để ý tới hơi thở ra của anh, nhận diện nó và mỉm cười với nó. Anh đang thở nghĩa là anh đang có mặt. Sự có mặt của anh là một mầu nhiệm, một phép lạ. Thở như thế anh đem tâm trở về với thân và có mặt thật sự trong giây phút hiện tại. Anh sẽ trân quý giây phút ấy và an trú một cách thảnh thơi trong giây phút ấy. Mỗi hơi thở là một phép lạ, mỗi hơi thở có công năng nuôi dưỡng. Mỗi hơi thở có công năng trị liệu. Anh thấy anh là pháp thân mầu nhiệm, anh thấy anh là người yêu của thế giới. Anh thấy anh là đất Mẹ, là cha Trời. Nếu bước chân của em không vững là vì tâm em đang đi tìm một cái gì đó trong quá khứ hoặc trong tương lai. Em chưa biết rằng cái em đang đi tìm ấy đang có mặt ngay trong cái bây giờ, trong cái hiện tại. Nếu bước chân em đưa em về được với cái bây giờ thì bước chân ấy sẽ vững chãi lại ngay. Vững chãi như là đất Mẹ. Mỗi bước chân như thế sẽ làm cho một đóa sen nở trên đường em đi. Mỗi bước như thế mang theo sự thảnh thơi, mang theo sự an bình, mang theo niềm mãn nguyện. Bộ bộ liên hoa khai, sen nở từng bước chân. Em sẽ là người đẹp nhất của những người đẹp, vì em an trú được trong cái bây giờ. Em không tìm cầu gì nữa, bởi vì chính em là đối tượng của mọi sự tìm cầu. Nếu không, thì dù được ở trong môi trường an ổn thong dong, như cõi Tịnh độ của Bụt A Di Đà, em cũng đứng ngồi không yên, như Phạm Duy đã nói trong bài hát: Trăng ơi, yên lặng suốt đời, mà sao ta cứ đứng ngồi không yên14.

Người yêu ơi, mỗi khi được ngồi bên người, tôi cảm thấy bình an chi lạ. Năng lượng bình an của người tỏa chiếu và đi vào trong tôi. Tôi biết là người đang có cái ấy, nghĩa là có cái bây giờ trong trái tim người. Mỗi khi được đi cùng người, tôi cũng cảm được cái suối nguồn an lạc vi diệu đó. Người đi mà không cần tới. Hoặc giả người tới với từng bước chân. Mỗi bước chân đưa người trở về với hải đảo tự thân, với giây phút hiện tại. Bước chân của người tự tại và thong dong giúp cho bước chân của tôi cũng có được cái tự tại và thong dong ấy. Tôi đi với người cũng như một giọt nước đang đi với dòng sông. Giọt nước không cần đi. Giọt nước được dòng sông ôm lấy và chuyên chở về đại dương của hiện tại. Người có hai cánh tay kỳ diệu có thể hái được cả những chùm hoa sao đẫm sương vào buổi sáng, và những trái trăng vàng ửng chín vào buổi chiều. Mỗi khi người ngồi uống trà, tôi cũng cảm được rằng người đang có cả một thiên thu để chỉ thưởng thức một chén trà. Mây ngừng bay, gió ngừng thổi. Mây đang có mặt trong chén trà. Gió cũng đang có mặt trong chén trà. Và tôi cũng đang có mặt trong chén trà của người. Người uống trà như là người đang uống mây.


14 Trăng Già (Rong Ca 8), Phạm Duy, 1988.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Ba 2015(Xem: 5293)
Thông tin về bức thư hoạ Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ mang lại niềm tự hào cho người Việt về một vị danh nhân văn hoá của Việt Nam nhưng cũng có những ý kiến phân vân về tính xác thực của bức thư hoạ.
20 Tháng Hai 2015(Xem: 12711)
Trần Nhân Tông (chữ Hán: 陳仁宗; 7 tháng 12 năm 1258 – 16 tháng 12 năm 1308,) là vị vua thứ 3 của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông trị vì 15 năm (1278 – 1293) và làm Thái Thượng hoàng 15 năm. Trần Nhân Tông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông có vai trò lãnh đạo quan trọng trong Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần 2 và lần 3.
17 Tháng Hai 2015(Xem: 10649)
Tôi không nhớ rõ vào mùa Xuân Kỷ Dậu 1969 hoặc Xuân Canh Tuất 1970, Ôn Mãn Giác, tức thi sĩ Huyền Không lúc bấy giờ là giáo sư kiêm Khoa trưởng phân khoa Phật học và Triết học Đông phương tại Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn có đề hai câu đối mừng Xuân trước thềm sân trường tọa lạc số 222, đường Trương Minh Giảng cũ SG như sau:
18 Tháng Giêng 2015(Xem: 7776)
Đến bây giờ mới thấy đây. Câu nói này của ai mà nghe quen thuộc thế? Của Nguyễn Du rồi. Ô hay! Cái ở đây chỉ có thể thấy được khi mình trở về được với cái bây giờ. Đến được cái bây giờ thì mới thấy được cái ở đây. Cái ở đây là cái không gian. Cái bây giờ là cái thời gian. Cái bây giờ đang gặp cái ở đây. Có thể nào gỡ cái bây giờ ra khỏi cái ở đây được không?
09 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 7297)
Kể từ buổi khai thiên lập địa tới bây giờ, trên mặt đất hoang vu mịt mù sương khói còn thấp thoáng những bóng người đi giữa thiên thu vời vợi. Lớp lớp người đến rồi đi trong lặng lẽ chập chùng qua bao thời đại âm thầm.
15 Tháng Mười Một 2014(Xem: 5932)
Văn học là một trong những phương thức biểu đạt tình cảm và trí thức của loài người. Một tác phẩm văn học hay, không chỉ tạo ra tiếng vang rộng lớn tại thời điểm và địa phương nào đó, thậm chí nó có khả năng siêu vượt biên giới thời-không, dẫn dắt nhân tâm bước vào cảnh giới chân- thiện- mỹ.
04 Tháng Mười 2014(Xem: 6437)
Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm. Ông là con trai trưởng của vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu Trần Thị Thiều, sinh ngày 11 tháng 11 âm lịch năm Mậu Ngọ, niên hiệu Thiệu Long năm thứ 1 (tức 7 tháng 12 năm 1258.) Ngày 22 tháng Mười âm lịch năm Mậu Dần (tức 8 tháng 11 năm 1278), ông được vua cha là Trần Thánh Tông nhường ngôi, lấy hiệu là Trần Nhân Tông. Ông ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi, qua đời ở am Ngoạ Vân núi Yên Tử, đưa về táng ở Đức lăng (nay thuộc tỉnh Thái Bình.)