Có lúc trèo lên đầu chóp núi

18 Tháng Giêng 201514:54(Xem: 3507)
BÂY GIỜ MỚI THẤY
Thích Nhất Hạnh
Nhà xuất bản Phương Đông 2014

Có lúc trèo lên đầu chóp núi

Cái giờ phút tuyệt vời nhất trong đời ấy đã đến với anh chưa? Cái giờ phút hào sảng nhất ấy, cái giờ phút mãn ý nhất ấy nếu đã xảy tới một lần thì nó sẽ xảy tới nhiều lần khác nữa. Nhưng ta có thể làm gì được để giúp cho nó xảy ra, nhất là những khi ta muốn nó xảy ra?

Nếu trong ba mươi năm qua, giờ phút ấy chưa từng xảy ra thì có thể trong ba mươi năm tới nó cũng có thể sẽ không xảy ra, và sẽ không bao giờ sẽ xảy ra cả. Anh đừng mơ ước hão huyền. Vấn đề là phải biết cách làm cho nó xảy ra. Khi nào? Ngay trong giây phút hiện tại. Bằng một sự thức tỉnh. Wake up! Thức dậy để thấy được những mầu nhiệm trong ta và quanh ta ngay trong giờ phút này. Nếu anh biết cách thì giây phút nào của đời anh cũng sẽ là một giây phút như thế. Nếu em biết cách thì giây phút nào của đời em cũng sẽ là một giây phút như thế. Mời anh tới đây, tì tay vào chiếc cửa sổ này. Nhìn ra, anh có thấy cái bao la thênh thang mầu nhiệm trước mặt anh không? Anh thấy đại dương xanh mênh mông. Anh thấy cánh hải âu đang vờn nắng. Nhìn ra ngoài anh thấy như thế, và nhìn vào bên trong anh cũng thấy như thế. Ngoài kia bao la như thế nào thì trong này cũng bao la như thế đó. Vì thực tại vượt thoát cả hai ý niệm trong và ngoài. Chiếc cửa sổ mầu nhiệm này đang có mặt nơi anh. Đang có mặt khắp nơi. Nó cho ta thấy cái vô sinh bất diệt mầu nhiệm.

Thiền sư Không Lộ tìm được một nơi cư trú tuyệt vời ở miền núi non hoang dã, và sớm hôm vui thú với cảnh sơn thủy nhiệm mầu. Có lúc thiền sư hứng chí leo một mạch lên đỉnh cô phong ngay trước tịnh thất. Đứng trên đó, người hú dài một tiếng. Cả bầu thái không đáp lại tiếng hú ấy. Tiếng hú làm lạnh cả bầu trời. Đó là một giây phút sảng khoái tuyệt vời. Mà giây phút nào cũng có thể là một giây phút như thế, nếu anh có thì giờ, nếu anh có cơ hội. Không Lộ có vô số thì giờ, vô số cơ hội. Bởi vì Không Lộ có cái bây giờ. Giây phút nào của ông cũng là một cơ hội. Có lúc trèo lên đầu chóp núi. Hú dài một tiếng lạnh hư vô21. Có lúc... lúc nào? Hữu thời... hà thời? Lúc nào cũng có thể là lúc ấy cả. Lúc nào cũng là một cơ hội. Tiếng hú của Không Lộ còn đang vang vọng, tới ngày nay và mãi mãi về sau.

Ai là vị cổ Phật mà thiền sư Đạo Nguyên trích dẫn trong thi phẩm Hữu Thời? Hữu Thời nghĩa là “có lúc” hoặc “có những lúc”22.

Có lúc đứng trên đỉnh núi cao
Có lúc đi dưới đáy biển sâu
Có lúc làm thần nhân ba đầu tám tay
Có lúc làm thân vàng thước sáu
Có lúc làm tích tượng, phất tử
Có lúc làm cột trụ, lồng đèn
Có lúc làm anh ba Trương hoặc anh tư Lý
Có lúc làm đại địa hư không.

Đứng trên đầu chóp núi để hú lên một tiếng dài, cố nhiên là hào sảng rồi. Nhưng làm một thần nhân ba đầu tám tay như trong truyền thống Ấn độ giáo cũng hay lắm chứ. Làm một đức Phật với thân vàng một trượng sáu cũng rất mầu nhiệm. Nhưng mà làm một cái cột trụ, một cái lồng đèn, một cây gậy chống, một chiếc phất trần? Hoặc làm một bác ba Trương bá vơ nào đó, hoặc một chú tư Lý bá vơ nào đó? Vâng, làm gì cũng mầu nhiệm cả. Bởi vì Tịnh độ và Niết bàn đang có mặt trong mỗi bông hoa nhỏ xíu, trong mỗi con ễnh ương, trong mỗi con rắn nước, và cả trong chất bùn tanh hôi đang nuôi dưỡng những bông sen trắng tươi tinh khiết. Thấy mình là đại địa, là hư không, là tiếp xúc được với Niết bàn, với tự tính bất sinh và bất diệt. Vậy thì thời gian là để làm cái đó. Cái đó có thể là đỉnh núi. Khi nhìn đỉnh núi, anh là đỉnh núi, đỉnh núi là anh. Đỉnh núi là thời  gian. Đỉnh núi là cái bây giờ – là cái hiện pháp, drstādharma. Khi em thấy đại địa thì em là đại địa. Đại địa là thời gian. Đại địa là cái bây giờ, là cái hiện pháp. Em không thể lấy bất cứ một cái gì ra khỏi bất cứ một cái gì.

 

Rong chơi trời phương ngoại

Thiền sư Không Lộ cũng như thiền sư Đạo Nguyên là những người đã có được cái bây giờ cho nên đồng thời họ cũng có được cái ở đây. Các vị không phải chỉ đang rong chơi trong cái bây giờ và cái ở đây, mà họ cũng chính là cái bây giờ và cái ở đây. Thời gian, không gian, vật thể và tâm thức không phải là bốn cái riêng biệt. Tập sống được với cái bây giờ, bạn sẽ thấy được cái không gian của vật thể cũng như cái thời gian của một kiếp người không đủ thiếu gì với bạn. “Cõi người ta” nếu chỉ là “trăm năm” thì quả là chật hẹp23. Nếu “cõi người ta” mà chỉ như thế thì bầu trời được nhìn thấy trên đỉnh núi của Không Lộ cũng không đủ bao la. Sống sâu sắc trong cái bây giờ, bạn sẽ có cơ hội vượt thoát được thời gian, đi vào kiếp ngoại. Kiếp ngoại (akalpa) là thời gian ngoài thời gian, cũng như phương ngoại là không gian ngoài không gian. Tuệ Trung Thượng Sĩ đã nói đến chuyện chống gậy rong chơi trời phương ngoại24.


21  Hai câu trong bài kệ của thiền sư Không Lộ. Nguyên văn chữ Hán: Trạch đắc long xà địa khả cư, dã tình chung nhật lạc vô dư. Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh, trường khiếu nhất thanh hàn thái hư. Nguyễn Lang, trong sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận quyển I, dịch như sau: Chọn nơi địa thế đẹp sông hồ, vui thú tình quê quên sớm trưa. Có lúc trèo lên đầu chóp núi, hú dài một tiếng lạnh hư vô. Thiền sư Không Lộ là người Việt Nam, thuộc thế hệ thứ mười của phái thiền Vô Ngôn Thông, sống ở thượng bán thế kỷ 12, tịch năm 1141.

22  Hữu Thời (Being Time) là một chương ngắn trong bộ sách Chánh Pháp Nhãn Tạng của thiền sư Đạo Nguyên của truyền thống Tào Động Nhật Bản. Hữu Thời được viết năm 1240. Thiền sư Không Lộ của truyền thống Vô Ngôn Thông ở Việt Nam tịch năm 1141, nghĩa là một trăm năm trước khi thiền sư Đạo Nguyên viết xuống Hữu Thời. Cả hai đều có nguồn cảm hứng từ danh từ “có lúc”.

23 Trăm năm trong cõi người ta, câu đầu của Truyện Kiều, Nguyễn Du.

24 Trượng tích ưu du hề, phương ngoại phương, một câu trong bài kệ Phóng Cuồng Ca trích trong tác phẩm Thượng Sĩ Ngữ Lục của Tuệ Trung Thượng Sĩ (Trần Quốc Tung), anh ruột của Tướng Trần Hưng Đạo

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
10 Tháng Chín 2014(Xem: 10951)
14 Tháng Tám 2014(Xem: 6639)
Thông thường, nhắc đến các vị Thiền sư đời Trần, chúng ta vẫn chỉ nghe nhắc đến Trần Thái Tông, Huệ Trung thượng sĩ, Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Trần Thái Tông là tác giả Khóa Hư Lục, bản văn Thiền đồ sộ nhất đời Trần. Huệ Trung thượng sĩ là tác giả Thượng sĩ ngữ lục, bản văn Thiền đã biểu lộ một trí huệ sắc bén, một phong cách phóng khoái không thua gì những ngữ lục của các thiền sư nổi tiếng Trung Hoa.
01 Tháng Bảy 2014(Xem: 7456)
Truyện Kiều là tác phẩm thơ nổi tiếng nhất của nền Thi ca Việt Nam. Người trẻ nào trong thời gian học Trung học cũng có dịp được nghe về truyện Kiều và học một ít về truyện Kiều. Nhưng vì truyện Kiều là một tác phẩm cổ điển và lại có nhiều điển tích cho nên đối với người trẻ, thưởng thức hết được cái hay của truyện Kiều là một chuyện không dễ.
26 Tháng Sáu 2014(Xem: 7945)
Trăng hạ huyền chếch trên đầu ngọn thông cuối đường. Một mình giữa đêm. Trụ đèn kiên nhẫn đứng thẳng và im lặng; bên cạnh cây bạch đàn cao ngất đang lao xao trước gió. Đèn vàng lay lắt tỏa bóng trong màn sương. Màu bông giấy đỏ rực dưới nắng mai, giờ trở nên tím sẫm.
20 Tháng Sáu 2014(Xem: 5408)
Sau khi đại phá quân Nam Hán tại sông Bạch Đằng năm 938 thì năm 939, Ngô Quyền lên ngôi vua, chấm dứt 1000 năm lệ thuộc, đem lại nền độc lập tự chủ cho dân tộc. Ông ở ngôi được 6 năm, đến năm 949 thì mất. Và sau đó là loạn lạc kéo dài, đến năm 965 thì nhà Ngô sụp đổ. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên 12 sứ quân, lập nên nhà Đinh – Đinh Tiên Hoàng - đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư.
11 Tháng Sáu 2014(Xem: 9457)
Phóng cuồng ngâm: Từ trước đến nay, chữ “cuồng” này người ta thường hiểu là ngông, là cuồng, là điên. Đấy là hiểu theo nghĩa đen. Khá hơn chút nữa – đa phần bản dịch – đều nói cuồng là cuồng nhiệt, ý khí mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng trong ‘Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục dịch giải’ - đã nói về cái cuồng theo nghĩa như thế này, đáng cho chúng ta suy gẫm:
10 Tháng Sáu 2014(Xem: 5719)
Tuệ Trung Thượng Sĩ đã tiếp thu được mọi nguyên lý sâu xa, vi diệu nhất của Thiền học từ sư phụ Tiêu Diêu, rồi truyền dạy lại cho Trần Nhân Tông, đệ nhất tổ phái Thiền học Trúc Lâm Yên Tử. Chính vì thế Tuệ Trung Thượng Sĩ được coi là người tiên phong của phái Thiền học Trúc Lâm Yên Tử.