1. VẤN ĐỀ TRUYỀN BẢN TÊN GỌI VÀ NIÊN ĐẠI

01 Tháng Giêng 201615:17(Xem: 3927)
Lê Mạnh Thát
TỔNG TẬP 
VĂN HỌC PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẬP 1 
Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh 2000

PHẦN II
KHƯƠNG TĂNG HỘI

 1. VẤN ĐỀ TRUYỀN BẢN TÊN GỌI VÀ NIÊN ĐẠI

Về Lục độ tập kinh, bản kinh lục xưa nhất hiện còn là Xuất Tam tạng ký tập 2 ĐTK 2145 tờ 7a27-b1 đã ghi thế này: “Lục độ tập kinh 9 quyển, hoặc gọi Lục độ vô cực kinh, hoặc gọi Độ vô cực tập, hoặc gọi Tạp vô cực kinh (...) Thời Ngụy Minh đế (228-240) sa môn Thiên Trúc Khương Tăng Hội dịch ra vào đời Ngô chúa Tôn Quyền (222-252) và Tôn Lượng (253-258) [5]”. Cao tăng truyện 1 ĐTK 2059 tờ 326a21 xác nhận Khương Tăng Hội có dịch Lục độ tập ở chùa Kiến Sơ. Pháp Kinh viết Chúng kinh mục lục 6 ĐTK 2146 tờ 144a11 vào năm Khai Hoàng thứ 14 (585) dưới mục Tây phương chư thánh hiền sở soạn tập đã ghi: “Lục độ tập 8 quyển, Khương Tăng Hội đời Ngô dịch”. Năm Khai Hoàng thứ 17 (597), Phí Trường Phòng viết Lịch đại tam bảo ký 5 ĐTK 2034 tờ 36b24 đã nói: “Năm Thái Nguyên thứ nhất (251) ở Dương đô chùa Kiến Sơ dịch các kinh Lục độ tập v.v... 4 bộ 16 quyển”. 

Hơn mười năm sau vào năm Nhân Thọ thứ 2 (603) Ngạn Tôn soạn Chúng kinh mục lục 2 ĐTK 2147 tờ 161b7 lại xếp “Lục độ tập 8 quyển, Khương Tăng Hội đời Ngô dịch” vào mục Hiền thánh tập truyền. Tỉnh Thái cũng ghi như vậy trong Chúng kinh mục lục 2 ĐTK 2148 tờ 195a28 viết năm Lân Đức thứ nhất (664). Đạo Tuyên soạn Đại đường nội điển lục 2 ĐTK 2149 tờ 230a6-c23 chép: “Lục độ tập kinh 9 quyển, một chỗ gọi Lục độ vô cực kinh, một gọi Độ vô cực kinh, một gọi Tạp vô cực kinh. Xem Trúc Đạo tổ lục và Tam tạng ký (...) Đời Tề vương nhà Ngụy trong năm Chính Thỉ (241-249) sa môn Thiên Trúc Khương Tăng Hội (...) ở chùa Kiến Sơ dịch ra...” 

Minh Thuyên viết Đại châu san định Chúng kinh mục lục lược ghi ý kiến của Đạo Tuyên, nói: “Lục độ tập kinh 1 bộ 8 quyển 145 tờ, một tên Lục độ vô cực kinh, một tên Độ vô cực kinh, một tên Tạp vô cực kinh. Trên đây do Khương Tăng Hội đời Ngô dịch ở Vũ Xương. Rút từ Nội điển lục”. Tỉnh Mại soạn Cổ kim dịch kinh đồ ký 1 ĐTK 2152 tờ 352a26-b22 ghi: “Sa môn Khương Tăng Hội là con trưởng của đại thừa tướng nước Khương Cư (...) vào năm Thái Nguyên thứ 2 nhà Ngô nhằm năm tân mùi ở Dương đô dịch Lục độ tập kinh 9 quyển, Ngô Phẩm kinh 5 quyển (...)” 

Trí Thăng trong Khai nguyên thích giáo lục 2 ĐTK 2154 tờ 490b4-491b23 nhận ra năm Thái Nguyên Tân Mùi là thứ nhất, chứ không phải thứ hai, đã viết: “Lục độ tập kinh 8 quyển, hoặc 9 quyển, hoặc gọi Lục độ vô cực kinh, hoặc gọi Độ vô cực tập, hoặc gọi Tạp vô cực kinh. Xem Ngô lục của Trúc Đạo Tổ và Tăng Hựu lục (...) sa môn Khương Tăng Hội (...) vào năm Thái Nguyên thứ nhất tân mùi (251) của Tôn Quyền ở chùa Kiến Sơ do mình lập, dịch các kinh Lục độ...” Viên Chiếu sao lại toàn bộ ý kiến của Trí Thăng trong Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục 3 ĐTK 2157 tờ 787c4-788c21. 

Qua các kinh lục, ta thấy Lục độ tập kinh có 8 hoặc 9 quyển và được gọi bằng nhiều tên như Lục độ tập, Lục độ vô cực kinh, Độ vô cực kinh hay Tạp vô cực kinh. 

Truyền bản bây giờ có 8 quyển và có tên Lục độ tập kinh. Chúng ta chấp nhận tên gọi này. Về niên đại, tất cả các kinh lục đều nhất trí nói Khương Tăng Hội dịch Lục độ tập kinh ở chùa Kiến Sơ tại Trung Quốc. Điều này có nghĩa Hội phải dịch nó sau năm 247. Tăng Hựu, Huệ Hạo, Pháp Kinh, Ngạn Tôn, Tỉnh Thái và Đạo Tuyên không nói rõ Hội đích xác dịch vào năm nào, chỉ biết trong koảng 222-258, hoặc ngắn hơn trong khoảng 241-249. 

Nhưng đến Phí Trường Phòng, Tỉnh Mại, Trí Thăng và Viên Chiếu, họ đồng ý đặt thời điểm dịch Lục độ tập kinh vào năm Thái Nguyên Tân Mùi của Tôn Quyền nhà Đông Ngô, tức năm 251. Trong tình hình tư liệu hiện nay, nếu chỉ giới hạn niên đại 251 này cho Lục độ tập kinh chúng ta tất không có một phản bác nào. Tuy nhiên, vì Tỉnh Mại và Trí Thăng đều có ý muốn nói các tác dịch phẩm khác của Khương Tăng Hội cũng được thực hiện vào thời điểm đó hay sau nó không lâu, nên vấn đề nảy sinh. Trong năm tác phẩm dịch hiện còn của Khương Tăng Hội, đó là Lục độ tập kinh, Cựu tạp thí dụ kinh, An ban thủ ý kinh chú giải, An ban thủ ý kinh tự và Pháp kính kinh tự thì 4 trong số chúng đã có những dấu hiệu nội hay ngoại tại cho thấy chúng được hoàn toàn thành hay chuẩn bị tư liệu trước năm 247 khá lâu, trừ Lục độ tập kinh.

Cụ thể là An ban thủ ý kinh tự và An ban thủ ý kinh chú giải. Nội dung An ban thủ ý kinh tự trong Xuất Tam tạng ký tập 6 ĐTK 2154 tờ 43b18-c1 nói An Thế Cao đến “ở kinh sư”, nói Khương Tăng Hội “mới biết vác củi, cha mẹ chết mất, ba thầy viên tịch, ngữa trông mây trời, buồn không biết hỏi ai, nghẹn lời xem quanh, lệ rơi lã chã. Nhưng phước xưa chưa hết, may gặp Hàn Lâm từ Nam Dương, Bì Nghiệp từ Dĩnh Xuyên, Trần Tuệ từ Cối Kê (...) Tôi theo xin hỏi, thước giống góc khít, nghĩa không sai khác. Trần Tuệ chú nghĩa, tôi giúp châm chước, chẳng phải lời thầy thì không truyền, không dám tự do...”. 

Căn cứ An ban chú tự của Đạo An trong Xuất Tam tạng ký tập 6 tờ 43c22-23, ta biết: “Đầu đời Ngụy, Khương Hội viết chú nghĩa. Nghĩa hoặc có chỗ chìm chưa rõ, An trộm không tự lượng mình, dám nhân người trước, giải thích ở dưới”. Vậy, theo Đạo An, Khương Tăng Hội đã viết An ban thủ ý kinh chú giải vào “đầu đời Ngụy” (Ngụy sơ). Nhà Ngụy do con Tào Tháo là Tào Phi thành lập năm 221 và chấm dứt năm Hàm Hy thứ nhất (265) của Nguyên đế Tào Hoán, kéo dài được 45 năm. Cho nên nếu Hội viết An ban thủ ý kinh chú giải vào đầu đời Ngụy thì ông phải viết nó vào khoảng những năm 221-230, tức những năm đầu của nhà Ngụy, chứ không thể sau những năm 247 hay 251 trở đi được. 

Chính vì viết giữa khoảng 221-230, Khương Tăng Hội mới nói An Thế Cao đến “ở kinh sư”, nhằm chỉ Lạc Dương, kinh đô nhà Hán cũng như nhà Ngụy. Và chính trong khoảng đó, lúc Hội trên dưới 20 tuổi, tang cha mẹ và thầy mới để lại những ấn tượng đau buồn sâu sắc thể hiện trong đoạn văn dẫn trên của lời tựa. Việc viết An ban thủ ý kinh chú giải cùng lời tựa do thế chắc chắn không thể xảy ra sau năm 247 hay 251, như các nhà kinh lục đã có. 

Cựu tạp thí dụ kinh cũng vậy. Ta ngày nay tuy không thể nào xác định chắc chắn Khương Tăng Hội dịch nó vào thời điểm nào, nhưng có thể nghĩ Hội phải chuẩn bị khá sớm cho công trình phiên dịch ấy. Lý do nằm ở chỗ 14 đoạn văn bình luận sau 13 truyện của bản kinh đó đã được Hội bảo là do “thầy nói” (sư viết). “Thầy” đây không chỉ một người nào khác hơn là vị thầy của Hội, như sẽ thấy dưới đây, khi nghiên cứu về Cựu tạp thí dụ kinh. Một khi các đoạn bình luận ấy là của vị thầy của Hội, điều hiển nhiên là Hội đã ghi chép chúng lại, trong khi thầy giảng Cựu tạp thí dụ kinh cho Hội nghe. Song có lẽ mới giảng được 13 truyện thì thầy đau bịnh và đột ngột từ trần (điêu táng). Cho nên, ngày nay chỉ có 14 đoạn văn bình luận vừa nói. 

Từ đó, ta có thể rút ra kết luận là Cựu tạp thí dụ kinh là một văn bản được ghi chép lại khá sớm trong toàn bộ sự nghiệp phiên dịch trước tác của Khương Tăng Hội. Quá trình hình thành văn bản đó có thể giải thích như sau. Ông đã chép lại một nguyên bản tiếng Việt. Rồi thầy ông, từng buổi học, giảng cho ông một truyện. Mỗi buổi giảng xong một truyện, vị thầy đã tóm tắt ý chính và Khương Tăng Hội ghi lại bên lề. Chính nhờ lối ghi chép cẩn thận và trân trọng này, ta mới không thấy có rối loạn, dù các truyện có bình luận không được xếp đặt theo một thứ tự nhất định, từ truyện 4, rồi 6, 7 tới 9, 13, 14, 17, 18, 19, 22, 26, 32 và 40. 

Qua phân tích 3 trường hợp hiện biết trên, tức An ban thủ ý kinh tự, An ban thủ ý kinh chú giải và Cựu tạp thí dụ kinh, ta nhận ra một sự thực là quan điểm của các nhà kinh lục về niên đại của một số tác dịch phẩm của Khương Tăng Hội là không thể chấp nhận được, đặc biệt khi họ bảo chúng được thực hiện “tại chùa Kiến Sơ do Hội sáng lập” ở Trung Quốc. Tối thiểu 4 trong 5 tác dịch phẩm hiện còn, ta biết chắc chắn đã viết hay chuẩn bị tư liệu tại nước ta, như đã thấy. Vì thế, khi Phí Trường Phòng, Tỉnh Mại và Trí Thăng bảo Lục độ tập kinh được dịch “vào năm Thái Nguyên thứ nhất tân mùi (251) của Tôn Quyền ở chùa Kiến Sơ”, ta không thể hoàn toàn tin được.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
10 Tháng Chín 2014(Xem: 10906)
14 Tháng Tám 2014(Xem: 6595)
Thông thường, nhắc đến các vị Thiền sư đời Trần, chúng ta vẫn chỉ nghe nhắc đến Trần Thái Tông, Huệ Trung thượng sĩ, Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Trần Thái Tông là tác giả Khóa Hư Lục, bản văn Thiền đồ sộ nhất đời Trần. Huệ Trung thượng sĩ là tác giả Thượng sĩ ngữ lục, bản văn Thiền đã biểu lộ một trí huệ sắc bén, một phong cách phóng khoái không thua gì những ngữ lục của các thiền sư nổi tiếng Trung Hoa.
01 Tháng Bảy 2014(Xem: 7398)
Truyện Kiều là tác phẩm thơ nổi tiếng nhất của nền Thi ca Việt Nam. Người trẻ nào trong thời gian học Trung học cũng có dịp được nghe về truyện Kiều và học một ít về truyện Kiều. Nhưng vì truyện Kiều là một tác phẩm cổ điển và lại có nhiều điển tích cho nên đối với người trẻ, thưởng thức hết được cái hay của truyện Kiều là một chuyện không dễ.
26 Tháng Sáu 2014(Xem: 7911)
Trăng hạ huyền chếch trên đầu ngọn thông cuối đường. Một mình giữa đêm. Trụ đèn kiên nhẫn đứng thẳng và im lặng; bên cạnh cây bạch đàn cao ngất đang lao xao trước gió. Đèn vàng lay lắt tỏa bóng trong màn sương. Màu bông giấy đỏ rực dưới nắng mai, giờ trở nên tím sẫm.
20 Tháng Sáu 2014(Xem: 5357)
Sau khi đại phá quân Nam Hán tại sông Bạch Đằng năm 938 thì năm 939, Ngô Quyền lên ngôi vua, chấm dứt 1000 năm lệ thuộc, đem lại nền độc lập tự chủ cho dân tộc. Ông ở ngôi được 6 năm, đến năm 949 thì mất. Và sau đó là loạn lạc kéo dài, đến năm 965 thì nhà Ngô sụp đổ. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên 12 sứ quân, lập nên nhà Đinh – Đinh Tiên Hoàng - đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư.
11 Tháng Sáu 2014(Xem: 9399)
Phóng cuồng ngâm: Từ trước đến nay, chữ “cuồng” này người ta thường hiểu là ngông, là cuồng, là điên. Đấy là hiểu theo nghĩa đen. Khá hơn chút nữa – đa phần bản dịch – đều nói cuồng là cuồng nhiệt, ý khí mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng trong ‘Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục dịch giải’ - đã nói về cái cuồng theo nghĩa như thế này, đáng cho chúng ta suy gẫm:
10 Tháng Sáu 2014(Xem: 5680)
Tuệ Trung Thượng Sĩ đã tiếp thu được mọi nguyên lý sâu xa, vi diệu nhất của Thiền học từ sư phụ Tiêu Diêu, rồi truyền dạy lại cho Trần Nhân Tông, đệ nhất tổ phái Thiền học Trúc Lâm Yên Tử. Chính vì thế Tuệ Trung Thượng Sĩ được coi là người tiên phong của phái Thiền học Trúc Lâm Yên Tử.