QUYỂN HAI

01 Tháng Giêng 201616:15(Xem: 3627)
Lê Mạnh Thát
TỔNG TẬP 
VĂN HỌC PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẬP 1 
Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh 2000

PHẦN II
KHƯƠNG TĂNG HỘI

LỤC ĐỘ TẬP KINH
Sa môn Khương Tăng Hội, nước Khương Cư, đời Ngô Dịch 
BẢN DỊCH TIẾNG VIỆT

QUYỂN HAI

11 

KINH VUA BA DA

Xưa vua nước Ba La Nại tên là Ba Da lấy nhân từ cai trị đất nước, bỏ binh khí, dẹp gậy gộc, hủy nhà tù, đường không có tiếng than. Mọi người vừa ý, nước giàu dân mạnh, chư thiên khen ngợi đức nhân từ. 

Thành vua dài rộng 400 dặm, chu vi 1600 dặm, mỗi ngày vua cho mọi người trong thành ăn theo ý nguyện của họ. Lân quốc nghe nước này giàu có, tai nạn diệt hết, bèn cùng bề tôi mưu rằng: "Nước kia giàu có, dân chúng sướng vui, ta muốn chiếm nó. Nếu đến ắt thắng". Các quan đều tâu: "Xin vui theo ý vua". 

Liền khởi binh đến nước nhân từ ấy. Quần thần nước nhân từ tâu vua, muốn chống cự lại. Vua nhân từ buồn bã nói: "Vì thân một người mà giết thân triệu dân; Vì yêu mạng ta một người mà tàn sát mạng cả triệu dân. Một miệng ngày hai bữa, một thân vài bộ áo quần, thì còn tranh giành gì với ai, mà bỏ đức của trời xuân, giữ thói tàn hại của giống sài lang ư? Ta thà bỏ mạng sống một đời, chứ không bỏ chí lớn, quên mình để yên ổn quần sinh, đó là lòng nhân bao trùm trời đất vậy". Bèn gọi quần thần đến nói: "Các khanh hãy về ngày mai lại bàn". Đêm ấy vua vượt thành, trốn vào trong núi, ngồi dưới gốc cây. Có phạm chí tuổi độ sáu mươi đi đến hỏi vua: "Vua nước nhân từ kia vạn phúc an lành chứ?". Vua đáp: "Ông Vua ấy đã chết rồi!". Phạm chí nghe nói lăn xuống đất khóc than. Vua hỏi ông ấy: "Sao ông khóc than quá lắm thế?". Phạm chí đáp: "Tôi nghe vua ấy nhân từ thấm khắp quần sinh như trời Đế Thích, nên ruỗi đến gởi thân, vậy mà vua ấy đã chết, già tôi cùng rồi" Vua nói: "Ông vua nhân từ ấy chính là ta đây. Vua nước láng giềng nghe nước ta giàu có, dân mạnh, nhiều của quí, nên ra lệnh cho vũ sĩ rằng: "Ai lấy được đầu ta thì sẽ được thưởng tôi trai tớ gái mỗi thứ một nghìn, nghìn con ngựa, nghìn con trâu, vàng bạc mỗi thứ nghìn cân. Nay ngươi hãy lấy đầu ta, đem mũ vàng kiếm báu làm tin, đến chỗ vua ấy, sẽ được thưởng nhiều, có thể làm của truyền đời, lòng ta rất vui". Phạm chí đáp: "Bất nhân trái đạo, thà chết chứ không làm". Vua nói: "Ông này cậy ta được sống, mà khiến ông phải khốn cùng sao? Nay ta lấy đầu cho ông để ông không mang tội". Bèn đứng dậy cúi lạy mười phương, rơi lệ thề rằng: "Quần sinh ai nguy, ta sẽ làm cho an ổn, ai bỏ chân theo tà, ta sẽ khiến quy mạng tam bảo. Nay tôi lấy đầu này để cứu ông hết nghèo, khiến ông vô tội". Liền rút kiếm tự hủy mình để cứu nạn cho kẻ kia. Phạm chí lấy đầu, kiếm và mũ đi đến chỗ vua kia. Vua hỏi cựu thần rằng: "Vua nhân từ sức mạnh địch cả nghìn người mà lại bị tên này bắt được sao?" Cựu thần cúi đầu lăn xuống đất, kêu khóc đau đớn không thể đáp được. Bèn hỏi phạm chí, phạm chí kể rõ đầu đuôi, dân chúng kêu khóc đầy đường, hoặc có người thổ huyết, có người chết giấc, phơi thây, Vua quan vũ sĩ lớn nhỏ đều nghẹn ngào. Vua ngửa mặt lên trời than: "Ta thật vô đạo, tàn hại một bậc nhân từ như trời!" Bèn lấy thi hài và đầu của vua nhân từ gắn liền lại, đem vàng dát vào thây rồi để ngồi trên điện, làm vua 32 năm, sau lập con vua ấy lên ngôi. Nước láng giềng không ai là không yêu thương như yêu thương con mình. Vua nhân từ chết rồi bèn sinh lên trời. Đức Phật bảo các tỳ kheo: "Vua nhân từ ấy là thân ta, vua nước láng giềng là Mục Kiền Liên, quần thần nước ấy là các tỳ kheo".

Hạnh thương cho vượt bờ của Bồ tát, bố thí như vậy. 

12 

KINH VUA NƯỚC BA LA NẠI

Xưa thái tử vua nước Ba La Nại tên Ca Lan, có hai anh em. Khi vua cha chết, đem nước nhường nhau, không chịu lên ngôi. Người anh đem vợ trốn vào núi học đạo, đến ngụ ở gần bờ sông. 

Bấy giờ nước khác có kẻ phạm tội, phép nước chặt hết tay chân, cắt mất tai mũi, bỏ thuyền trôi sông. Tội nhân kêu trời kể lể. Đạo sĩ nghe thấy buồn bã xót thương nghĩ rằng: "Người ấy là ai mà khốn khổ lắm thế? Phàm người rộng lòng nhân từ, quên mình nguy thân để cứu ách nạn cho quần sinh, đó chính là sự nghiệp của bậc đại sĩ." Liền lao mình xuống sông, rẽ sóng lướt tới, kéo thuyền người ấy vào bờ, rồi cõng về nhà hết lòng nuôi dưỡng. Đến khi vết thương khỏi, thân mình lành kể có bốn năm, thương nuôi không mệt mỏi. Người vợ dâm đãng không từ ai, đã cùng tội nhân âm mưu giết chồng, nói: "Chàng giết nó đi, thiếp sẽ cùng chàng chung sống". Tội nhân nói: "Người kia là kẻ hiền, cớ sao mà giết đi?". Người vợ lại nói như trước. Tội nhân nói: "Tôi không còn tay chân, không thể giết được". Người vợ nói: "Chàng ngồi xuống đây, thiếp tự có kế rồi". Bèn giả bộ đau đầu, nói với chồng: "Bệnh này chắc do thần núi làm ra, thiếp muốn giải nó. Vậy sáng mai thiếp theo chàng để cúng cầu phúc". Người chồng nói: "Tốt lắm" 

Sáng ngày vợ chồng đi đến bờ núi cao 40 dặm, hai mặt vách đứng sững, ai thấy cũng sợ. Người vợ nói: "Theo phép, chàng đứng quay về phía mặt trời, để mình thiếp tế lễ". Người chồng liền quay về phía mặt trời, người vợ giả vờ đi vòng quanh mấy bận, rồi xô chồng rơt xuống núi. Lưng chừng núi có một cây, lá dày đặc lại mềm mại. Đạo sĩ vịn cành đứng được, trái cây ấy ngon ngọt, ăn vào thì được toàn mạng. Cạnh cây có rùa, thường ngày cũng đến ăn trái, thấy cây có người, sợ không dám đến. Bị đói đã năm ngày, nó mạo muội đến ăn quả. Cả hai đều không hại nhau, dần dần trở nên gần gũi. Đạo sĩ nhảy qua cưỡi rùa, rùa sợ quá phóng xuống đất. Thiên thần giúp cho, nên cả hai đều không thương tổn, nhân vậy trở về cố quốc. Người em đem nước nhường anh. Người anh quên mình, đem lòng từ rộng lớn cứu giúp quần sinh, làm vua cai trị nước ấy. Mặt trời mọc là bố thí trong khoảng bốn trăm dặm, người ta, xe ngựa và các báu vật cùng đồ ăn uống tự do, đông tây nam bắc đều cho nuôi như vậy. Công ơn, tiếng tốt của vua vang khắp nơi, mười phương ca ngợi đức vua. 

Người vợ, tưởng chồng đã chết, người trong nước không ai biết mình, bèn cõng người chồng què quặt vào trong nước, tự giải bày: "Kể từ kết tóc, gia thất gặp đời suy loạn, thân thể lại tàn tật, nhưng lòng mến thiên vương có lòng từ bố thí nên đến xin". Người trong nước khen bà như thế nên mách rằng: "Vua trời thương khắp, nuôi hết quần sinh, ngày mai chắc ra cửa đông bố thí. Vậy ngươi hãy đón ngài, vì quí cái hạnh tốt của ngươi, chắc sẽ cho ngươi nhiều". 

Sáng ngày, người ấy theo vua xin ăn. Vua ngầm biết nó, nói rõ đầu đuôi về người vợ cho quần thần nghe. Một bề tôi nói" Phải thiêu nó đi". Một bề tôi khác nói: "Chém nó đi". Quan chấp pháp đại thần nói: "Phàm tội không gì lớn hơn là bỏ chính theo tà, làm hạnh bội nghịch. Vậy hãy đóng đinh người hung ác, rồi treo lên lưng con quỷ cái ấy để nó phải cõng mãi mãi". Quần thần đều nói: "Phải đấy! Hãy cho chúng theo cái chúng thích, để làm rõ việc chấp chính". Vua đem mười điều thiện giáo hóa dân chúng, không ai là không vui mừng vâng nhận. Vua cùng quần thần sau khi chết thì sinh lên trời. Vợ chồng tội nhân khi chết đọa vào vào địa ngục. 

Phật bảo các tỳ kheo:" Ông vua bấy giờ là thân ta, tội nhân là Điều Đạt, người vợ là con gái của Hoài Vu". 

Hạnh thương cho vượt bờ của Bồ tát, bố thí như vậy. 

13 

KINH VUA TÁT HÒA ĐÀN

Xưa có quốc vương hiệu Tát Hòa Đàn, có nghĩa bố thí tất cả. Có ai đến xin, đều chẳng trái ý. Bố thí như vậy, tên tuổi của vua vang đến tám phương không ai là không nghe biết. 

Bấy giờ ngài Văn Thù Sư Lợi muốn đến thử xem, bèn hóa làm một thanh niên bà la môn từ nước khác đến thẳng cửa cung vua nói với người giữ cửa rằng: "Tôi từ xa đến muốn yết kiến đại vương". Lập tức người giữ cửa vào tâu thưa như vậy. Vua rất vui mừng, liền ra ngoài đón rước như con gặp cha. Trước hết, chào hỏi, rồi mời ngồi, thưa rằng: "Đạo nhân từ đâu đến mà mạo hiểm vượt qua đường sá lầy lội, có được khỏe không?" Phạm chí nói: "Tôi ở nước khác, nghe công đức vua, nên đến để gặp, nay muốn xin của". Vua nói: "Rất tốt! Muốn gì được nấy, chớ có ngờ vực. 

Tôi nay tên Bố thí tất cả. Vậy ngài muốn xin những vật gì?" Bà la môn nói: "Tôi chẳng cần vật gì khác, chỉ muốn vua làm đầy tớ và vợ vua làm nữ tỳ cho tôi. Nếu được như vậy thì đi theo tôi". Vua rất vui vẻ đáp: "Rất tốt! Nay thân ta đây, tự ta định đoạt được, xin giao đạo nhân để hầu hạ sai khiến, còn như phu nhân là con gái của một đại quốc vương, phải đến hỏi ý xem sao?" Vua liền vào cung nói với phu nhân: "Nay có Đạo nhân, tuổi nhỏ đoan chính, từ phương xa lại, muốn xin thân ta để làm đầy tớ, lại muốn xin khanh làm nữ tỳ. Vậy ý khanh thế nào? 

Phu nhân hỏi: "Vua trả lời họ làm sao? Vua nói: "Ta hứa làm đầy tớ cho người nhưng chưa hứa cho khanh". Bấy giờ phu nhân nói: "Vua sắp bỏ thiếp, riêng mình được tiện mà không nhớ độ thiếp". Ngay khi ấy, phu nhân liền theo vua đi ra, bạch với đạo nhân: "Xin được đem thân này cúng cho Đạo nhân sai sử". Bấy giờ bà la môn lại hỏi vua: "Ngài xét kỹ chưa? Giờ ta muốn đi". Vua bạch với đạo nhân: "Đời ta bố thí đến nay chưa hề có hối hận". 

Khi theo đạo nhân rồi, nhà tu nói: "Các ngươi theo ta, đều phải đi chân đất, không được mang dép, đúng phép nô tỳ, chẳng được che dấu". Vua cùng phu nhân đều nói: "Thưa vâng! Xin theo lời dạy bảo của đại gia, không dám trái lệnh" 

Bấy giờ bà la môn liền dẫn nô tỳ vượt đường mà đi. Văn Thù Sư Lợi liền hóa ra người khác thế chỗ vua và phu nhân để cai trị việc nước, khiến được như cũ. Vợ vua vốn là con gái của một đại quốc vương đoan chính vô song, tay chân mềm mại, sinh trưởng thâm cung, không quen lạnh khổ, lại mình nặng vì mang thai mấy tháng mà đi bộ theo đại gia, nên toàn thân đau đớn, bàn chân lở loét, không thể đi lên phía trước nữa, mệt mỏi đi thụt đằng sau. Bấy giờ bà la môn quay lại mắng: "Ngươi nay làm nữ tỳ thì phải như phép nữ tỳ, không thể có thái độ thời xưa của ngươi". Phu nhân quì xuống thưa: "Tôi không dám thế nhưng quá mệt mỏi, nên dừng lại nghỉ một chút". Phạm chí la: "Mau đến đây, nhanh theo sau ta, đi tới phía trước, đến chợ kinh đô, bán riêng làm đầy tớ". 

Rồi bán mỗi người một chủ cách nhau vài dặm. Bấy giờ có vị trưởng giả, mua được tớ trai, khiến về giữ nhà, có ai đến chôn thì thâu tiền thuế, không được làm bậy. Lúc ấy nữ tì thuộc về đạo sĩ. Vợ đạo sĩ rất ghen, sớm tối sai làm, không được lười nghỉ. Sau đó mấy ngày tớ gái mãn kỳ, sinh được con trai. Người vợ giận mắng: "Ngươi là con ở, đâu có được đứa con này, mau đem giết đi". Làm theo lời vợ đạo sĩ bảo, bèn đem giết đứa bé. Khi mang đi chôn, bèn đến chỗ tớ trai. Hai người gặp nhau, nữ tỳ nói: "Thiếp sinh được đứa con trai, hôm nay đã chết, mà không đem tiền theo thì có thể dối chôn nó được không?" Tớ trai đáp: "Đại gia rất nóng, nếu nghe điều này, tội ta không nhỏ, khanh mau đem đi, tìm đến chỗ khác, đừng đứng ở đây". 

Vua cùng phu nhân tuy được gặp nhau, nhưng không nói đến chuyện khổ cực cũng không ai có lòng oán hận. Nói năng như vậy trong chốc lát, nhấp nháy như mộng, vua và phu nhân tự nhiên trở về nước mình, ngồi trên chính điện trong cung như trước không khác. Cùng các quần thần hậu cung thể nữ thảy đều như xưa. Thái tử sinh ra cũng tự nhiên sống. Trong lòng vua và phu nhân tự nghĩ: "Duyên cớ gì đến như vậy?". 

Văn Thù Sư Lợi ở giữa không trung, ngồi trên hoa sen bảy báu, hiện thân sắc tướng ca ngợi: "Lành thay! Ông nay bố thí chí thành thế". Vua và phu nhân nhảy múa vui vẻ, liền đến trước mặt làm lễ. Văn Thù Sư Lợi vì đó giảng kinh, ba nghìn quốc độ đều rung động mạnh, người trong cả nước phát ý đạo vô thượng chính chân. Vua và phu nhân ngay khi ấy được quả pháp nhẫn vô sanh. 

Phật bảo A Nan: "Ông vua bấy giờ là thân ta, phu nhân lúc ấy là Câu Di, thái tử nay là La Vân". Phật dạy: "Này A Nan, Ta kiếp trước bố thí như vậy, vì mọi người nên không tiếc thân mạng, đến vô số kiếp, không có hối hận, không mong sang giàu, chỉ nhắm giác ngộ chân chính". 

Hạnh thương cho vô bờ của Bồ tát, bố thí như vậy.

14 

KINH TU ĐẠI NOA

Xưa vua nước Diệp Ba hiệu là Thấp Tùy tên là Tát Xà, lấy điều ngay thẳng trị nước, dân không oán hận. Vua có thái tử tên Tu Đại Noa, dung mạo rực rỡ hơn đời, nhân hiếu khó sánh, dùng tứ đẳng độ khắp, lời nói không thương tổn người. Vua có con một nên quí vô cùng. Thái tử thờ cha giống như thờ trời. Đến tuổi hiểu biết, thường mong bố thí cứu giúp quần sinh, khiến cho đời sau hưởng phước vô cùng. Kẻ ngu không thấy vô thường thay đổi, nên nói: "Mọi vật có thể giữ được". Kẻ sĩ có trí thấy rõ năm nhà nên chi kẻ sĩ chuộng bố thí. Chư Phật mười phương, Duyên giác, bậc Vô sở trước không ai không ca ngợi bố thí là điều quí báu nhất đời. Thái tử bố thí nhiều hơn, cho khắp chúng sinh. Ai muốn được ăn mặc, lên tiếng là cho. Vàng bạc, châu báu, xe, ngựa, ruộng, nhà, không có gì xin mà không cho. 

Tiếng thơm bay xa, bốn biển khen ngợi. Vua cha có một con voi trắng, sức mạnh uy vũ địch được sáu mươi voi thường, nước địch đến đánh, voi đều chiến thắng. Các vua bàn nhau: "Thái tử là bậc hiền thánh, không có gì xin mà không cho. Vậy sai tám người phạm chí, đến chỗ thái tử xin con voi trắng. Nếu xin được thì ta sẽ trọng thưởng các ông. Các phạm chí vâng mệnh lên đường, mặc áo da nai, cầm bình mang dép, chống gậy, trải qua các quận huyện xa hơn nghìn dặm, đến nước Diệp ba. Họ đều chống gậy đứng một chân, hướng về cửa cung, rồi gọi vệ sĩ bảo: "Ta nghe Thái tử bố thí cho người nghèo thiếu, thấu khắp quần sinh, nên từ xa đến đây xin những gì ta thiếu". Vệ sĩ liền vào như việc ấy tâu lên. Thái tử nghe xong mừng rỡ ra đón, như con gặp cha, cúi đầu sát chân, an ủi hỏi: "Vì sao đến đây mà khổ thân thế nầy? Muốn xin vật gì mà lại đứng một chân như vậy?" Các đạo sĩ đáp: "Thái tử đức sáng khắp tám phương, trên thấu trời xanh, dưới đến suối vàng, vòi vọi như núi Thái, không ai là không thán phục. Ngài là con của vua trời, nói ra lời gì, ắt đáng tin tưởng, ưa bố thí không trái ý nguyện mọi người, Nay chúng tôi muốn xin con voi trắng đi trên hoa sen. Con voi ấy tên La Xà Hòa Đại Đàn". Thái tử nói: "Rất tốt! Xin dâng các ngài vàng bạc châu báu, mặc lòng mong muốn. Xin đừng tự làm khó". Liền sai thị giả mau thắng voi trắng yên cương vàng bạc, rồi dẫn đến, tay trái cầm dàm voi, tay phải cầm bình vàng, rửa tay các phạm chí, rồi thương yêu vui vẻ trao voi cho họ. Các phạm chí cả mừng bèn chú nguyện xong, đều lên cỡi voi, mỉm cười mà đi. 

Tể tướng các quan không ai là không buồn bã nói: "Voi này anh hùng mãnh lực, đất nước nhờ nó được yên. Kẻ địch đến đánh liền bị vỡ chạy. Mà nay thái tử đem cho nước thù thì lấy gì để cậy nhờ. Tất cả đều đến tâu vua: "Voi trắng ấy sức mạnh địch nổi 60 voi thường, là của báu đánh địch của nước này, mà thái tử lấy cho kẻ thù nguy hiểm. Kho tàng ngày một trống không, Thái tử tự ý bố thí không ngừng, trong vòng mấy năm, chúng thần sợ rằng vợ con cả nước ắt làm vật bố thí hết. Vua nghe lời đó, buồn rầu hồi lâu nói: "Thái tử ưa thích đạo Phật, đem của giúp người nghèo thiếu, thương nuôi quần sinh là hạnh đầu của muôn hạnh. Nếu ta ngăn cấm hay bắt phạt thì là vô đạo". Trăm quan đều thưa: "Lời dạy thiết tha là khuôn phép không dám trái, nhưng bắt phạt vì ngang ngược, chúng thần xin tâu, cho trục xuất khỏi nước, để nơi ruộng đồng trong khoảng mười năm, cho xấu hổ mà tự hối lỗi, đó là ý nguyện của chúng thần". Vua liền sai sứ giả đến bảo thái tử: "Voi là vật báu của nước, mà đem cho nước địch là tại làm sao? Vua không nỡ gia phạt, vậy hãy mau ra khỏi nước". Sứ giả vâng mệnh đến bảo thái tử như vậy. Thái tử đáp: "Chẳng dám trái lệnh trời, nhưng xin cho bố thí giúp kẻ nghèo thêm bảy ngày nữa rồi ra khỏi nước cũng không ân hận". Sứ giả về tâu. Vua nói: "Hãy mau đi khỏi, ta không cho phép ngươi". Sứ giả trở lại đáp: "Lệnh vua chẳng cho". Thái tử lại nói: "Không dám trái lệnh trời, ta có của riêng, không dám xâm phạm của nước". Sứ giả lại tâu, vua liền chấp thuận. Thái tử vui mừng, sai kẻ hầu đi nói rằng: "Trong nước dân chúng có ai nghèo thiếu khuyên mau đến đây sẽ theo ý muốn, mặc lòng không trái. Đất nước, quan tước, ruộng nhà, của báu đều là những huyễn mộng, không gì là không bị ma diệt". Dân chúng lớn nhỏ chạy đến cửa cung, Thái tử đem thức ăn uống áo mền bảy báu và các món quý, mặc ý dân muốn. Bố thí xong rồi, người nghèo đều giàu. 

Vợ Thái tử tên Man Đề, là con gái dòng vua, nhan sắc mỹ miều, cả nước vô song. Từ đầu đến chân đều mang bảy báu anh lạc. Thái tử gọi vợ đến bảo: "Hãy nghe lời ta nói. Đại vương đày ta đến núi Đàn Đặc với hạn mười năm. Nàng có biết chưa?" Người vợ kinh hãi đứng lên, mắt nhìn Thái tử rơi lệ hỏi: "Chàng có tội gì mà bị đuổi đi, bỏ nước giàu sang mà ở nơi rừng sâu vậy?" Thái tử đáp lời vợ: "Vì ta bố thí hết của trong nước, con voi nổi tiếng là vật báu chiến đấu cũng đem cho kẻ thù, nên vua cùng quần thần giận đuổi ta đi". Người vợ liền nói lời thề lớn nguyện cho đất nước sung túc, vua quan muôn dân giàu có, sống lâu vô cùng, còn mình sẽ lập chí ở nơi núi đầm kia mà thành đạo. Thái tử nói: "Núi đầm kia là nơi ghê rợn, cọp sói thú dữ khó là chỗ ở được. Lại có sâu độc quỷ mị, ma chết sấm chớp, giông tố gió mưa, mây mù rất là đáng sợ. Nóng lạnh quá mức, cây cối khó nương, gai góc sỏi đá, chẳng phải là nơi khanh chịu được. Khanh là con vua, sinh ra trong sung sướng, lớn lên trong cung cấm, mặc thời mềm mại, ăn uống ngọt ngon, nằm thì nằm trướng, âm nhạc vui tai, muốn gì được nấy. Nay ở núi đầm, nằm thì gối cỏ, ăn thì quả rừng, chẳng phải ai cũng chịu được, sao khanh kham được?" Người vợ đáp: "Áo quần mềm mại, châu báu mùng mền, thức ăn ngon ngọt nào có ích gì khi mà sống phải cùng Thái tử chia ly. Đại vương lúc đi, có cờ làm hiệu, lửa lấy khói làm hiệu, người vợ lấy chồng làm hiệu. Thiếp nay nương nhờ Thái tử như đứa trẻ nương tựa mẹ cha. Thái tử ở trong nước bố thí bốn phương, thiếp cũng cùng ý nguyện. Nay chàng phải trải qua bao nguy hiểm mà thiếp đành ở lại giữ sự vinh hoa, há là nhân đạo ư? Thảng hoặc có người đến xin, mà thiếp không thấy chàng, thì lòng thiếp thương nhớ, ắt là chết chứ chẳng nghi ngờ gì". Thái tử nói: "Nếu người nước xa đến xin vợ con, ta không trái ý, còn nàng vì tình quyến luyến, thảng hoặc làm trái đạo bố thí thì sẽ mất hết ơn lớn thấm nhuần, phá hoại trách nhiệm nặng nề của ta". Người vợ nói: "Thái tử bố thí ở đời ít có, hãy thành đạt lời thề lớn, cẩn thận đừng mệt mỏi. Trăm nghìn vạn đời, không có người nào như chàng, tiếp nối trách nhiệm nặng nề của đức Phật, thiếp không dám trái ý". Thái tử nói: "Tốt!" Liền đem vợ con đến từ biệt mẹ, cúi đầu sát đất, xót xa giã từ: "Xin mẹ đừng lo, hãy giữ gìn ngọc thể, việc nước có gì trái ương, xin mẹ nhiều phen nhân từ can gián, đừng để tự do, mà oan uổng dân trời kia, phải nhẫn điều không thể nhẫn, chịu nhẫn là quí". Người mẹ nghe lời từ biệt, quay bảo người hầu: "Thân ta như đá, lòng ta như thép cứng, nay có một đứa con mà đuổi đi, lòng ta bao nỡ. Khi chưa có con thì kết nguyện cầu tự, đến lúc thọ thai như cây ươm hoa, ngày ngày đợi thành. Trời chẳng cướp lời nguyện, khiến ta có con, nay nuôi thành người mà phải sinh ly sao?" Phu nhân tần thiếp, người nào ghen ghét thì vui mừng chẳng còn kính trọng. Thái tử và vợ con cúi đầu lạy rồi từ lui. Trong cung lớn nhỏ không ai là không nghẹn ngào, ra đi cùng trăm quan và dân chúng buồn rầu nói lời tiễn biệt. Họ đều ra khỏi thành, không ai là không trộm nghĩ: "Thái tử là thánh linh của nước, là thứ tôn quí trong các báu, mà hai thân lòng nào lại đuổi đi như thế?" Thái tử ngồi ngoài thành tạ ơn những người đưa tiễn, khiến họ trở về chỗ ở của mình. Dân chúng bái phục, tất cả đều phát khóc, hoặc có người vật mình dưới đất kêu trời, tiếng vang cả nước. 

Thái tử cùng vợ lên đường, tự biết đã cách xa nước mình, liền ngồi dưới một gốc cây. Có phạm chí từ xa đi đến xin thái tử cởi áo báu trên mình và châu ngọc của vợ con đem cho hết, rồi bảo vợ con lên xe, tự mình cầm cương mà đi. Vừa muốn lên đường, lại gặp một phạm chí đến xin con ngựa, thái tử tháo ngựa ra cho, tự mình vào trong càng xe, kéo xe lên đường. Lại gặp phạm chí đến xin xe. Thái tử liền đỡ vợ con xuống, lấy xe đem cho. Xe ngựa áo quần châu báu trên mình và các vật khác của Thái tử đều cho hết không còn gì. Bèn bảo vợ ẳm đứa con gái còn mình thì bồng đứa con trai. Khi còn ở trong nước bố thí cho kẻ khác voi quí và các báu vật ngựa xe, đến nỗi bị đuổi đi mà chưa từng có giận hối, lòng vẫn hòa hơp vui vẻ vào núi. 

Hai mươi mốt ngày thì đến núi Đàn Đặc. Thái tử thấy cây cối trong núi tốt tươi, suối chảy nước trong, quả ngọt đầy dẫy, le nhạn uyên ương vui chơi trong đó, trăm chim líu lo cùng nhau vui hót. Thái tử thấy vậy gọi vợ bảo: "Nàng có thấy núi này không, cây cối rợp trời, ít có gãy đổ, đàn chim líu lo hót giọng dễ thương, mỗi nơi đều có suối chảy, các quả rất nhiều, có thể dùng để ăn uống, chỉ lấy đạo làm sự nghiệp, đừng trái lời thề".

Trong núi đạo sĩ đều giữ tiết tháo, thích học. Có một đạo sĩ tên A Châu Đà, ở lâu trong núi, có đức sâu mầu. Thái tử cùng vợ con đi đến đảnh lễ, rồi đứng chắp tay hướng về đạo sĩ thưa: "Tôi đem vợ con đến đây học đạo, xin Ngài rủ lòng từ rộng lớn dạy dỗ cho tôi thành đạt chí nguyện". Đạo sĩ dạy gì, Thái tử làm theo, bèn lấy cây cỏ làm nhà, kết tóc cỏ làm áo, ăn trái uống nước suối. Đứa con trai tên Đa Lợi, mặc chiếc áo cỏ nhỏ, ra vào theo cha. Đứa gái tên Kế Noa Diên, mặc áo da nai, theo mẹ ra vào. Ở núi được một đêm thì trời làm tăng nước suối mùi vị ngọt thêm, sinh cây thuốc quí, quả tốt xum xuê. Sau có phạm chí già nghèo ở huyện Cưu Lưu, vợ phạm chí tuổi đã lớn mà nhan sắc đoan chính thường cầm bình đi lấy nước. Trên đường gặp một người tuổi trẻ chận lại trêu chọc: "Nàng sống nghèo vậy thì lấy gì để nuôi thân, tham chi của cải lão già ấy mà về ở với nó. Lão ta học đạo sai đúng không thông, thời gian giáo hóa khó thành một người, ngu si điếc lác mà nàng còn định tham sao? Mặt mày đen xấu, mũi chính vểnh vẹo, thân thể rệu rẹo, mặt xô môi dày, ngôn ngữ ngọng nghịu, hai mắt lại xanh, dạng hình như quỷ, toàn thân không đẹp, ai không chán ghét. Vậy mà nàng làm vợ nó, không thấy xấu hổ chán chường ư?" Người vợ nghe lời chê chồng như thế thì rơi lệ mà rằng: "Ta thấy ông kia râu tóc bạc phơ, như sương dính cây, sáng tối trong lòng mong cho mau chết, mà chưa thỏa nguyện. Không vậy thì sao." Khi về, bèn nói mọi sự cho chồng nghe và rằng: "Chàng phải có đứa đầy tớ để sai, thiếp không đi lấy nước nữa đâu. Nếu còn như vầy thì thiếp bỏ chàng mà đi đó". Người chồng nói: "Ta nghèo làm sao có được đầy tớ để sai". Người vợ nói: "Em nghe bậc thượng sĩ bố thí là Tu Đại Noa, lòng từ rộng lớn cứu giúp mọi người đến hết cả của nước, vua cùng quần thần đày ở trong núi. Vị ấy có hai đứa con, nếu xin ắt sẽ cho chàng. Người vợ nói nhiều lần, vì yêu vợ nên khó trái lời. Bèn nghe lời ấy, đến nước Diệp Ba, thẳng đến cửa cung thưa: "Thái tử bình yên không?". Vệ sĩ đem tâu lên vua, Vua nghe lời ấy, trong lòng nghẹn ngào, nước mắt ràn rụa, giây lát mới nói: "Thái tử bị đuổi cũng vì bọn này, mà nay lại đến nữa sao?" Bèn gọi đến tỉ mỉ hỏi nguyên do. Lão đáp: "Tiếng thơm thái tử, xa gần khen ngợi, nên tôi từ xa đến để nương nhờ, hầu được sống còn". Vua nói: "Các báu vật Thái tử bố thí hết sạch, nay ở rừng sâu, ăn mặc không đủ lấy gì mà cho ngươi". Lão đáp: "Đức thái tử sáng vòi vọi, từ xa hết sức ngưỡng mộ, quí hồ thấy được mặt rồi thì có chết cũng không ân hận". Vua sai người chỉ cho đường tắt mà đi. 

Trên đường gặp một chàng thợ săn, lão hỏi: "Ông từng đi qua các núi, có thấy Thái tử đâu không?". Chàng thợ săn vốn biết lý do thái tử bị đuổi, nổi giận mắng: "Ta chém đầu ngươi chứ hỏi thái tử làm chi?" Phạm chí vừa xấu hổ vừa sợ hãi nghĩ: "Ta ắt bị tay này giết mất", nên quyền biến dối rằng: "Vua cùng quần thần ra lệnh gọi thái tử về nước làm vua". Thợ săn đáp: "Tốt lắm! Liền vui vẻ chỉ chỗ ở của thái tử. Xa xa thấy một túp lều nhỏ, thái tử cũng thấy lão phạm chí đến. Hai đứa trẻ thấy vậy, trong lòng hoảng sợ, anh em bàn với nhau: "Cha mình ưa bố thí, mà nay người này đến, của cải hết sạch không có để cho, ắt đem anh em ta cho đó". Chúng dắt tay nhau đi trốn. Lúc trước bà mẹ có đào cái hố, lòng hố chứa được người, hai đứa trẻ cùng vào trong hố, lấy củi phủ lên cùng dặn nhau: "Nếu cha có kêu thì đừng trả lời".

Thái tử ngửng đầu hỏi thăm, mời ngồi trước mình, đem nước vắt và trái cây để trước mặt. Ăn quả uống nước xong, bèn an ủi nói: "Ngài đi đường xa chắc mệt mỏi". Lão đáp: "Tôi từ nước kia đến, toàn thân đau nhức lại rất đói khát. Tiếng thơm Thái tử tám phương khen ngợi, vòi vọi chiếu xa như núi Thái, thiên thần địa kỳ ai cũng khen hay. Vì vậy, nay tôi từ xa đến xin nương tựa chỗ nghèo, hầu kéo dài mạng sống bé mọn". Thái tử xót xa nói: "Tôi không tiếc, nhưng của cải đã hết rồi". Phạm chí nói: "Ngài có thể đem hai đứa bé cấp dưỡng cho mạng già này". Thái tử đáp: "Ông từ xa đến xin con, tôi không trái ý. Thái tử kêu con. Hai anh em sợ hãi, cùng nhau bàn: "Cha mình kêu tìm, ắt là đem cho con quỉ đó. Chúng trái lệnh không đáp. Thái tử biết chúng núp trong hố, bèn giở củi ra thấy con. Hai đứa chạy ra ôm cha run rẩy khóc nức nở bảo: "Ông kia là quỉ, chẳng phải phạm chí. Chúng con từng thấy phạm chí, mặt mày chưa từng như ông này. Cha đừng đem chúng con cho quỉ ăn thịt. Mẹ con hái quả sao về chậm thế, hôm nay nhất định bị quỉ nuốt chết, khi mẹ về tìm chúng con sẽ như trâu mẹ đi tìm nghé con, chạy cuồng kêu gào, cha sẽ hối hận". Thái tử nói: "Ta từ lúc sinh ra bố thí đến giờ chưa từng mảy may hối hận nên ta đã hứa, các con đừng trái ý". Phạm chí nói: "Ngài lấy lòng từ rộng lớn mà cho tôi, nếu để mẹ những đứa trẻ về ắt làm hư ơn lớn, trái với bổn nguyện của tôi. Chẳng bằng sớm đem đi". Thái tử nói: "Khanh muốn xin trẻ, nên từ xa đến, trước sau tôi không dám trái ý, vậy hãy đi mau". Thái tử tay phải rửa tay phạm chí, tay trái dắt con trao cho phạm chí. Phạm chí nói: "Tôi già khí lực suy yếu, nhỡ hai đứa này bỏ trốn đến chỗ mẹ nó thì tôi làm sao bắt được? Thái tử rộng cho, xin trói chúng lại giao cho tôi". Thái tử giữ con, khiến hạm chí trói lại, tự tay nắm đầu dây. Hai đứa trẻ vùng vẫy vật vã trước mặt cha, nức nở gọi mẹ: "Hỡi thiên thần địa kỳ, thần núi thần cây xin hãy một lượt thúc gọi lòng mẹ con rằng: Hai trẻ đã đem cho người, hãy mau bỏ những trái kia, thì có thể gặp mặt con một lần chót". Buồn cảm đến đất trời, thần núi xót thương, nên gây nổ lớn giống như sét đánh. Người mẹ bấy giờ đang hái trái, lòng thấy xốn sang, ngửa ngó trời xanh, không thấy mây mưa, mắt phải giật, nách trái ngứa, hai vú chảy sữa liên tục. Người mẹ nghĩ: "Việc này rất lạ, ta còn hái quả làm chi, mau kịp trở về xem con ta có việc gì chăng?" Liền bỏ hết quả, nhanh chóng trở về, hoảng hốt như điên. Trời Đế Thích nghĩ: "Bồ tát chí cao, muốn hoàn thành trách nhiệm nặng nề của lời thề sâu rộng, nếu để vợ về sẽ phá hoại chí cao. Bèn hóa làm sư tử ngồi chận giữa đường. Người vợ nói: "Người là vua trong loài thú, ta cũng là con vua loài người, đều ở trong núi này. Ta có hai đứa con hãy còn bé nhỏ, sáng giờ chưa được ăn gì, còn mong ta về". Sư tử tránh qua người vợ mới được lên đường. Một lần nữa lại hiện trước mặt, hóa làm con sói trắng. Người vợ nói như trước, sói lại tránh đường. Lại hóa làm cọp, thấy phạm chí đã xa, bèn lùi tránh đường. Người vợ về thấy thái tử ngồi một mình, buồn bã lo sợ hỏi: "Con ta đi đâu mà nay chàng ngồi một mình? Hai trẻ thường khi trông thấy thiếp hái quả về thì chạy đến, nằm lăn xuống đất, rồi lại đứng lên nhảy nhót vui cười reo lên: Mẹ về! Con đói được no! Nay sao không thấy, hay đem cho người nào rồi? Khi thiếp ngồi các con đứng hai bên, thấy mình thiếp dính bụi, chúng tranh nhau phủi đi. Nay hai trẻ không thấy lại, cũng không thấy ở nơi nào. Chàng đã đem chúng cho ai rồi vậy? Hãy mau nói cho thiếp biết, cầu xin đất trời, tình thật khó nói, chàng cho cả đến con nối dõi tốt lành. Nay đồ chơi của con, nào voi đất, trâu đất, ngựa đất, heo đất, đủ thứ đồ chơi đẹp, ngổn ngang dưới đất, thấy chúng lòng thiếp xót xa, chắc thiếp phát điên. Hay bị cọp sói quỉ yêu, đạo tặc nuốt rồi. Hãy mau giải thích gút mắc này nếu không, chắc thiếp chết mất". Thái tử hồi lâu mới nói: "Có một phạm chí đến xin hai con, nói rằng: Vì tuổi già sức yếu, muốn đem chúng về giúp đỡ mình, tôi đã đem cho rồi". Người vợ nghe nói như vậy, xót xa vật vã dưới đất, kêu khóc ai oán, rơi lệ mà rằng: "Đúng như giấc mộng. Trong một đêm, mơ thấy lão phạm chí già cả nghèo nàn, cắt hai vú của tôi cầm mà chạy, chính là chuyện hôm nay đây". Nói rồi khóc lóc kêu trời, vang cả khu núi: "Con ta đi đâu, ta phải đi tìm. Thái tử thấy vợ kêu khóc càng thảm thiết, bèn gọi bảo: Ta xưa cùng nàng đã thề vâng giữ hiếu cao, chí ta đạo lớn, ưa cứu chúng sinh, không có gì xin mà không cho. Lời thề rất rõ, mà nay sao thương khóc để làm loạn tâm ta. Người vợ nói: "Thái tử cầu đạo, sao nhọc quá thế? Phàm nhà kẻ sĩ, quí trọng chỗ vợ con, không ai là không như thế, huống gì là bậc nhân tôn ư?" rồi nguyện rằng: "Xin cho cầu gì được nấy như bậc nhất thiết trí". 

Đế Thích chư thiên đều bàn: "Thái tử hoằng đạo, cho khắp khôn ngăn, đem vợ thử chơi, xem lòng thế nào? Đế Thích liền hóa làm một phạm chí, đến trước Thái tử nói: "Tôi nghe Ngài có lòng nhân như trời đất, cứu khắp quần sinh, bố thí không trái ý, nên đến nương nhờ. Vợ Ngài trinh hiền, đức thơm bay xa, nên tôi đến xin. Nếu như bằng lòng thì xin đem cho tôi". Thái tử đáp: Tốt lắm! bèn dùng tay phải đem nước rửa cho phạm chí, tay trái dắt vợ. Khi vừa muốn trao, chư thiên ca ngợi, không ai là không khen hay. Trời đất bỗng nhiên động mạnh, người quỉ không ai là không kinh ngạc. Phạm chí nói: "Thôi, ta không nhận đâu". Thái tử hỏi: "Người đàn bà này chắc có gì xấu chăng? Về cái xấu của đàn bà, người này đều không có, còn về cái lễ của đàn bà, người nầy đứng đầu đầy đủ. Vua cha nàng chỉ có người con gái này. Nàng trọn lễ thờ chồng, chẳng ngại lầm than, thú vui ăn mặc, chẳng cầu đẹp ngon, siêng năng mạnh khỏe, mặt đẹp hơn cả mọi người. Nếu ngươi nhận thì ta vui, đó là cách tốt nhất để trừ hậu hoạn. Phạm chí nói: "Người đàn bà hiền lành đúng như lời Ngài nói, xin kính vâng nhận, nhưng ta đem gửi cho Ngài đừng đem cho ai nữa. Lại nói: Ta là Đế Thích, chẳng phải người thường cõi thế, nên đến thử Ngài. Ngài chuộng Phật tuệ hình bóng khuôn phép khó sánh. Nay Ngài muốn cầu việc gì, mặc lòng xin sẽ được như ý. Thái tử nói: "Nguyện được giàu to, thường ưa bố thí không tham. hơn cả bây giờ, khiến vua cha ta và thần dân trong nước nghĩ tới gặp mặt". Trời Đế Thích nói: "Tốt"! Ngay lúc ấy không còn thấy nữa. 

Phạm chí kia vui được như ý, nên đi không biết mệt, lôi dẫn hai trẻ, muốn được trông nhờ. Nhưng trẻ là cháu vua, giàu sướng tự do, nay rời cha mẹ, lại bị dây trói, chỗ trói bị trầy, buồn khóc gọi mẹ, bị phạm chí đánh mà chạy. Ban ngày phạm chí nằm ngủ, hai trẻ trốn đi, tự trầm mình hồ sen, lấy lá sen phủ lên, thủy trùng quấn thân. Thức dậy, phạm chí đi tìm, lại bắt được trẻ, bèn lấy gậy quất ngang dọc, máu chảy đỏ đất. Thiên thần xót thương mở trói, chữa thương, vì chúng hóa ra quả ngọt, khiến đất mềm mại. Anh em hái trái, cùng đưa nhau ăn mà nói: "Quả này ngọt giống như quả trong vườn vua, đất này mềm mại như nệm thảm bên vua. Anh em ôm nhau ngửa mặt lên trời gọi mẹ, nước mắt ràn rụa đầy người. Còn chỗ Phạm chí đi, đất ấy gập ghềnh sỏi đá gai góc, chân mình đụng vào, thành vết thương độc đau nhức. Nếu thấy quả nào thì hoặc đắng hay cay. Phạm chí da bọc lấy xương, còn hai trẻ da thịt tươi mịn, nhan sắc trở lại như xưa. 

Khi về đến nhà, lão vui cười nói: "Ta vì nàng kiếm được hai đứa nô tì, từ nay tùy ý sai bảo". Người vợ thấy hai đứa bé nói: "Nô tì không phải thế. Hai đứa này đoan chính, tay chân mịn màng, không thể làm nặng. Mau đem ra chợ bán, rồi mua đứa ở khác để sai". Phạm chí lại bị vợ sai, muốn đến nước khác, nhưng trời làm lộn đường, bèn đi về nước cũ. Dân chúng biết được đều nói: "Đây là con của thái tử, là cháu của đại vương". Họ nghẹn ngào chạy đến cửa cung tâu vua. Vua kêu phạm chí đem hai trẻ vào cung. Người cung nhân lớn nhỏ, không ai là không rấm rứt. Vua gọi lại muốn bế, hai trẻ chẳng đến. Vua hỏi: "Vì sao?" Trẻ đáp: "Xưa là cháu vua, nay là đứa ở. Đứa ở hèn hạ, sao dám ngồi trên gối vua". Vua hỏi Phạm chí: "Ông làm sao có được hai đứa trẻ này?" Phạm chí cứ như mọi việc trình bày. Vua bảo: "Mua trẻ hết bao nhiêu tiền?" Phạm chí chưa trả lời, đứa con trai liền đáp: "Con trai giá một ngàn đồng bạc, một trăm trâu đực, con gái giá hai ngàn đồng vàng, hai trăm trâu cái". Vua hỏi: "Con trai lớn mà rẻ, con gái nhỏ mà đắt, việc ấy vì sao?" Đứa bé đáp: "Thái tử vừa là bậc thánh lại có lòng nhân, thấm khắp đất trời, thiên hạ vui vẻ nương theo như con trẻ nương nhờ cha mẹ. Người ấy được lòng thiên hạ, mà bị đuổi đi xa ở núi đầm cùng cọp sói sâu độc làm bạn, ăn trái cây, mặc áo cỏ, mưa sấm run thân. Phàm tiền của là thứ cỏ rác, mắc tội (xài) bị đuổi đi. Nên biết con trai là rẻ còn con gái của thứ dân, nếu có nhan sắc, thì đem ở thâm cung, nằm thì nệm êm, đắp thì trướng quí, mặc áo quần nổi tiếng trong thiên hạ, ăn những thức dâng của thiên hạ, cho nên con gái đắt". Vua nói: "Đứa bé lên tám mà có sự luận nghị của bậc cao sĩ, huống gì cha nó". Cung nhân lớn nhỏ nghe lời nói bóng gió như vậy không ai là không phát khóc. Phạm chí nói: "Trả giá bạc một nghìn đồng, trâu đực, cái mỗi thứ trăm con thì tôi cho Ngài hai trẻ là tốt, còn không thì chúng là của tôi". Vua nói: "Được", liền trả đủ số. Phạm chí lui ra. Vua bế hai cháu ngồi lên gối rồi hỏi: "Lúc nãy sao không đến cho ta bồng? Nay sao chạy lại mau thế?" Trẻ đáp: "Lúc ấy là nô tì, còn nay là cháu vua". Vua hỏi: "Cha con ở núi ăn gì để sống?", hai đứa bé đều nói: "Hái rau vi, nhặt quả cây ăn để tự sống. Ngày cùng trăm thú muông chim vui chơi, cũng không có lòng buồn", vua sai sứ giả đi rước về. Sứ giả lên đường. 

Trong núi cây cối cúi ngửng co duỗi như có lễ quỳ xuống đứng lên, trăm chim thương kêu tiếng buồn não ruột. Thái tử nói: "Đây là điềm gì?" Người vợ nằm dưới đất nói: "Chắc lòng cha đã hiểu, sai sứ đến đón, thần đất giúp vui nên gây điềm ấy". Người vợ từ lúc mất con, nằm dưới đất, sứ giả đến mới đứng dậy lạy nhận lệnh vua. Sứ giả nói: "Vua và hoàng hậu bỏ ăn khóc lóc, thân thể ngày một yếu suy, mong gặp thái tử". thái tử ngó nhìn bốn bề, quyến luyến cây cối suối khe trong núi, gạt lệ bước lên xe. Từ lúc sứ giả lên đường, cả nước vui mừng, sửa đường quét dọn, lo liệu trướng màn, đốt hương rải hoa, ca nhạc cờ lọng. Cả nước đều đi chúc thọ vô lượng. Thái tử vào thành cúi đầu tạ tội, rồi lui bước an ủi hỏi han mọi người. Vua lại đem kho tàng trân báu của nước giao cho thái tử khuyên hãy bố thí. Dân nghèo nước bên đầu đuôi quy thuận như các sông chảy về biển cả. Oán cũ đều tiêu, thảy đều dâng biểu xưng thần, vâng theo cống hiến. Giặc cướp chuộng nhân, kẻ trộm đua nhau bố thí, binh khí cất kho, nhà tù dẹp bỏ, quần sinh mãi mãi an lành, mười phương đều khen ngợi, tích đức không ngừng, bèn được đạt đạo chính chân vô sở trước của Như lai, đạo pháp tối chính giác, thầy của trời người, một mình đi trong ba cõi, làm vua các bậc thánh. 

Phật bảo các tỳ kheo: "Ta nhận trách nhiệm nặng nề của chư Phật, thề cứu chúng sinh, tuy chịu cực khổ nay mới làm bậc không bị che lấp, thái tử sau khi chết sinh lên trời Đâu suất. Từ cõi trời hạ xuống, do vua Bạch Tịnh sinh ra nay là thân ta. Còn phụ vương là A Nan, người vợ là Câu Di, con trai là La Vân, con gái là mẹ của La Hán Châu Trì, Trời Đế Thích là Di Lặc, người đi săn là Ưu Đà Da, A Chu Đà là Đại Ca Diếp, người phạm chí bán trẻ là Điều Đạt, người vợ nay là Chiên Già vợ của Điều Đạt. 

Ta từ xưa đến nay siêng năng khổ nhọc vô số, nhưng trọn không sợ hãi mà trái lời thề lớn, đem pháp bố thí vì các đệ tử mà nói cho nghe.

Hạnh thương cho vô bờ của Bồ tát, bố thí như vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn