Thiền Thi Tuệ Trung Thượng Sỹ

12 Tháng Mười Hai 201820:42(Xem: 5406)

THIỀN THI TUỆ TRUNG THƯỢNG SỸ
Tâm Nhiên


blank
Thầy Tuệ Sỹ và tác giả

Tuệ Trung Thượng Sỹ (1230 - 1291) tên thật Trần Tung, con trai trưởng của An sinh vương Trần Liễu. Trần Tung là anh ruột Trần Hưng Đạo và hoàng thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm, phu nhân của vua Trần Thánh Tông.

Thuở thiếu thời, Tuệ Trung Thượng Sỹ nhân từ, bẩm chất mẫn tuệ, thông minh. Sớm học đạo với thiền sư Tiêu Dao, bậc đạo cao đức trọng, lãnh hội, thấu triệt mau chóng gia phong, yếu chỉ Thiền tông. Lớn lên được ban chức Hưng ninh vương, trấn giữ đất Hồng Lộ, coi cả một vùng rộng lớn quân dân. Sau hai lần tung vó ngựa quan san nghìn dặm, mịt mù bụi cát sa trường, vung cung kiếm, gươm đao hào sỹ đầy hùng tâm tráng khí, dẹp tan lũ giặc Bắc phương xâm lược nước ta, ngài bèn treo ấn từ quan, lui về Thái Bình, ẩn cư nơi Tịnh Bang, còn gọi là làng Vạn Niên, lập Dưỡng Chân Trang sống nhàn hạ giữa miền cô thôn điền dã.

Hoa cỏ thanh lương, thường thả thuyền trôi dọc ven sông Cửu Khúc, mặc cho hồn thơ viễn mộng, thung dung. Cung cách đặc thù, khí lượng uyên thâm, phong thần nhàn nhã. Qua lại tiếp xúc, chung đụng gần gũi với mọi thành phần dân chúng, biết dung hòa, linh động, ứng cơ tiếp vật nhạy bén nên được mọi người cảm phục, quý mến. Bất cứ người nào hữu duyên, có tâm đến học đạo đều được ngài chỉ ngay chỗ cương yếu để họ nhận rõ ràng bản tâm, thầm khế hội chơn tánh, một cách dễ dàng.

Bát ngát như mây núi ngàn cao, mênh mông như trùng dương, đại hải, tính ngài phóng khoáng, thênh thang, không hề bị ràng buộc vào những tiểu tiết, nghi lễ, hình thức tế toái bề ngoài. Một hôm, vua Trần Thánh Tông cho vời vào triều, hoàng thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm đãi tiệc thịnh soạn. Ngài hầu chuyện vua, lời lẽ mạch lạc, khúc chiết, siêu tục đầy minh triết, nhân đó được vua tôn làm sư huynh, tặng cho danh hiệu Thượng Sỹ.

Khi dự tiệc, ngài không phân biệt chay mặn, cứ thản nhiên gắp thịt cá ăn. Thái hậu lấy làm lạ hỏi : “Anh bàn chuyện Thiền,  mà ăn thịt cá thì thành Phật sao được ?” Ngài trả lời : “Phật là Phật, anh là anh. Anh chả cần làm Phật, Phật cũng chả cần làm anh. Há chẳng nghe bậc cổ đức nói : “Văn Thù là Văn Thù, Giải ThoátGiải Thoát đó sao ?” Chứng tỏ một cốt cách phi phàm, không còn chấp kẹt, mắc vướng vào bất cứ sự vật gì gì nữa cả. Vượt thoát các ý niệm phân biệt, đạt đến tâm cảnh hoàn toàn tự do, tự tại ngay nơi đương xứ tức chân, đầy tinh thần khoáng đạt, sáng tạo..

Hào sảng, khoan dung, Tuệ Trung Thượng Sỹ là một bậc kỳ nhân dị thường làm dậy sóng nguồn thiền, âm vang lên tận đỉnh ngàn cao xanh lồng lộng của tâm linh. Tính tình rộng lượng, thường tiêu dao, ngao du sơn thủy, thuận đồng với thiên hạ, hòa nhịp cung cầm giọt lệ và nụ cười giữa lòng nhân thế. Tuy bổng lộc đầy đủ nhưng vẫn sống đơn sơ, giản dị, vì đã khám phá ra kho tàng ngọc quý ở ngay trong lòng tâm thâm diệu của mình rồi.

Cầm cây tuệ kiếm Kim cang ngoạn du, viễn hành ca thỏa thích, tung hoành ngang dọc khắp nơi, mọi chốn, tùy duyên khai thị cho mọi người tỉnh thức, biết đem đạo lý áp dụng vào sinh hoạt thường nhật, ân cần nhắc nhở, dặn dò. Có một lần nọ, chính vua Trần Nhân Tông ( con hoàng thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm ) lúc còn niên thiếu đã học Thiền với Tuệ Trung Thượng Sỹ, ngài hỏi : “Yếu chỉ Thiền tông là gì ?” Tuệ Trung Thượng Sỹ đáp : “Hãy quay lại xét phần gốc của chính mình, chứ không thể từ ai khác bên ngoài mà đạt được.” Chứng tỏ một đạo phong thâm hậu, thấu tình đạt lý.

Lý sự viên dung, vung thanh gươm trí tuệ đầy thần khí, chém đứt những sự phân biệt gây biết bao phiền não, khổ đau của thế giới nhị nguyên, đối đãi như có không, sống chết, đến đi, suy thịnh, thấp cao, lớn nhỏ, tốt xấu, giàu nghèo, được mất, hơn thua, đúng sai, phải trái, chê khen, ghét thương, sướng khổ, thiện ác, ngu trí, tỉnh mê… Đưa con người trở về cái đang là, đưa muôn vật trở về Chân Như với pháp giới thuần túy, tự nhiên.

Một khi đã mở được kho báu, đẩy cửa vảo thực tại hiện tiền, triệt ngộ tự tánh thanh tịnh, vô vi, Tuệ Trung Thường Sỹ thong dong, thõng tay vào chợ rong chơi, thể hiện cái thần thái tân kỳ tiêu sái ấy là bài thơ Phóng Cuồng Ca xuất thần, nhập thánh, thanh thản, rỗng rang :

Thay Tue Sy va Tam Nhien 2
Taqc giả và thầy Tuệ Sỹ

Trời đất liếc trông hề sao thênh thang
Chống gậy chơi rong hề phương ngoài phương
Hoặc cao cao hề mây đỉnh núi
Hoặc sâu sâu hề nước trùng dương

Đói thì ăn hề cơm mười phương góp
Mệt thì ngủ hề nơi chẳng quê hương
Hứng lên hề thổi sáo không lỗ
Lắng xuống hề đốt giải thoát hương

Mỏi nghỉ chút hề đất hoan hỷ
Khát uống no hề tiêu dao thang
Quy Sơn láng giềng hề chăn con trâu đất
Tạ Tam chung thuyền hề trỗi khúc Thương lang

Thăm Tào Khê hề ra mắt Lư Thị
Viếng Thạch Đầu hề sánh vế Lão Bàng
Vui ta vui hề Bố Đại vui sướng
Điên ta điên hề Phổ Hóa điên gàn

Chà chà bóng ngày hề qua khe cửa
Ối ối mây nổi hề mộng giàu sang
Chịu sao hề thói đời ấm lạnh
Đi chi hề gai góc đường quan

Sâu thì nhón gót hề cạn thì dấn bước
Dùng thì phô ra hề bỏ thì ẩn tàng
Buông bốn đại hề đừng nắm bắt
Tỉnh một đời hề thôi chạy quàng

Thỏa nguyện ta hề rỗng rang tĩnh lặng
Sống chết bức nhau hề ta vẫn như thường

Phóng Cuồng Ca đích thực là bản tiêu dao ca quá cùng xuất chúng, phiêu bồng, thông lưu, tuôn trào thấu triệt. Tiếng hát ấy bay lên từ trái tim mãnh liệt, rực ngời pháp khí, siêu quần bạt tụy, là điệu thở thuần nhiên, thoát tục giữa bình sinh cuộc sống đời thường.

Phóng Cuồng Ca là một thái độ khiêm hạ mà cũng biểu lộ tính chất tự tại của một tâm hồn thượng đạt, ngang tàng, thấu thị lẽ tử sinh, là khúc hát ngông nghênh, xiêu quàng, nghêu ngao, chuếnh choáng, thoát khỏi mọi ràng buộc hạn hẹp nhỏ bé của thế gian, bằng điệu cười vô ngại, đại hỷ xả, hòa cùng ánh sáng quang minh.

Tình thơ và ý thơ bay chất ngất trời xanh. Bay vi vút chao lượn khắp mười phương trời lãng đãng, rồi nghiêng xuống vườn lòng thanh thản, an nhiên, Tuệ Trung Thượng Sỹ lại cất lên tiếng thiền ca trên cung bậc Bất nhị, vì đã nghe ra và cảm khái trong tiết nhịp đồng thanh tương ứng Phật Tâm Ca, hòa âm thâm mật suốt từ kim cổ xưa nay :

Phật Phật Phật không thể thấy
Tâm Tâm Tâm chẳng thể bàn
Hễ khi tâm sinh thì Phật sinh
Bằng lúc Phật diệt thì tâm diệt…

Xưa không tâm
Nay không Phật
Phàm thánh trời người như chớp lóe
Tâm thể không thị cũng không phi
Phật tánh chẳng hư cũng chẳng thực…

Muốn cầu tâm
Chớ tìm ngoài
Bản thể như nhiên vốn không tịch
Niết bàn sinh tử chớ buộc chi
Phiền não Bồ đề đâu đối nghịch

Tâm tức Phật
Phật tức tâm
Diệu chỉ sáng ngời kim cổ chiếu
Xuân đến hoa xuân bừng rộ trổ
Thu về ao nước hiện trong veo

Bỏ vọng tâm
Giữ chân tánh
Tựa người tìm ảnh mà quên kính
Nào hay ảnh hiện từ gương ra
Chẳng biết vọng từ trong chân đến
Vọng đến chẳng thực cũng chẳng hư
Gương nhận không tà cũng không chánh…

Lặng lặng lặng
Chìm chìm chìm
Tâm của muôn pháp tức tâm Phật
Tâm Phật nếu cùng tâm mình hợp
Pháp vốn như nhiên suốt xưa nay…

Tỉnh tỉnh mau
Mau tỉnh tỉnh
Bốn bề dẫm đất không nghiêng lệch
Ai người như thế tin được vậy
Đạp đỉnh Tỳ Lô bước lên trên

Đỉnh Tỳ Lô tức đỉnh cao nhất của tuệ giác tối thượng. Bước lên đó là đã về đã tới, nhập cùng vi diệu Pháp thân. Phật Tâm Ca là bài thơ chỉ ra cái lẽ thật : Phật và tâm tuy hai mà một. Phật vốn vô tướng, không thể thấy bằng mắt, tâm vô hình cũng không thể dùng ngôn ngữ diễn tả. Vì vọng tưởng nên chúng ta coi Phật vả tâm là hai thực thể khác nhau. Đâu hay, Phật từ tâm được thành lập mà tâm bản tánh vốn rỗng không. Cho nên, tâm sinh thì Phật sinh, tâm diệt thì Phật diệt. Không thể bỏ tâm thì còn Phật hay bỏ Phật còn tâm, vì tâm và Phật vốn Bất nhị, viên dung cùng một thể tánh đại đồng.

Phật và tâm bản lai tịch tịnh, bình đẳng, vượt ngoài mọi ý niệm so sánh. Khi tâm mình khởi vọng tưởng tham lam, thù hận, giận ghét, u buồn, cuồng si, mê muội làm điên đảo, ngã nghiêng, khiến cho lùng bùng, lúng túng quên mất bản tánh, chuốc lấy phiền não, khổ đau thì mình đem tâm vọng động chạy tìm tâm thanh tịnh. Đâu ngờ sóng với nước là một, tâm động hay tâm tịnh vốn chưa từng rời nhau. Ngay lúc đó, ngay lúc tâm giận dữ, thù hận khởi lên, mình nhận biết cơn thù hận, giận dữ đang có mặt, tức khắc cơn giận dữ bị mình nhận diện liền lập tức.

Sự nhận biết âm thầm là tâm thanh tịnh, tỉnh giác. Khả năng nhận biết ấy là năng lượng Phật tánh mà lâu nay mình bỏ quên, ít khi dùng tới. Với tâm sáng suốt nhận biết, nhận diện tất cả những đối tượng mình tiếp xúc từ bên trong tâm hồn cho đến bên ngoài xã hội mà không khởi sinh vọng tưởng xao động là mình sống trong tỉnh thức rồi vậy.

Thực ra, tâm với Phật xưa nay vẫn thế, sự sống muôn đời vẫn cứ như thị, như nhiên : Xuân đến thì cỏ cây hoa lá tự nhiên bừng trổ, thu về thì ao hồ tự nhiên trong trẻo nước xanh biếc hơn. Không phải trừ bỏ vọng tâm mà chính ngay nơi tâm vọng, mình nhận biết đó là vọng tâm thì chơn tâm liền xuất hiện. Cũng như ngay nơi sóng thấy đó là nước, ngay nơi kính thấy đó là ảnh, ngay nơi phiền não thấy đó là Bồ đề, ngay nơi sinh tử thấy đó là Niết bàn. Đâu cần phải loại bỏ sóng mới có nước, loại bỏ kính mới thấy ảnh, loại bỏ phiền não mới có Bồ đê, loại bỏ sinh tử mới có Niết bàn.

Nói một cách dễ hiểu hơn, vấn đề chỉ có mê và ngộ. Khi mê thì chơn vọng là hai, lúc ngộ, thì vọng chơn chẳng khác. Hoan hỷ, tự tin với cái nhìn Bất nhị đó, Tuệ Trung Thượng Sỹ đưa chúng ta quy hồi cố xứ, đưa muôn vật trở về tự tánh thanh tịnh, Nhất Như, qua bài thơ Vạn Sự Quy Như :

Từ không hóa có có không thông
Có có không không rốt ráo đồng
Phiền não Bồ đề nguyên chỉ một
Chân Như vọng niệm thảy đều không

Thân như huyễn cảnh nghiệp như ảnh
Tâm tợ thanh phong tánh tợ bồng
Chớ hỏi tử sinh ma với Phật
Muôn sao chầu Bắc nước về Đông

Từ không hóa thành có, nên có và không giống nhau. Phiền não, Bồ đề vốn chẳng khác, Chân Như, vọng niệm cũng đều không, chẳng thật hiện hữu. Thân, nghiệp, tâm, tánh chỉ là giả tạm, hư ảo như gió thoảng, mây bay. Thôi đừng chạy tìm kiếm, tra hỏi làm chi ma với Phật. Cứ để mọi sự mọi việc theo trật tự thiên nhiên như các vì sao chầu quanh ngôi sao chính Bắc thần, bao nhiêu sông suối thì mãi trôi xuôi êm ả ra biển Đông mông mênh, bát ngát.

Bát ngát, mênh môngcàn khôn vũ trụ, thái hư. Cứ để muôn sự vật như nó đang là, chứ đừng cầu chân dứt vọng chi cả. Chuyện sinh tử, Phật ma cũng đừng bận tâm, thắc mắc, cứ để muôn sự thuận theo lẽ tự nhiên, như nhiên là tuyệt diệu rồi. Đời sống trở thành vấn đề rắc rối là do vọng tưởng, mê lầm. Khi vọng tưởng dấy lên, phát khởi hai mặt đối lập : Phiền não đối Bồ đề, thiên đường đối địa ngục, chân đối vọng, sinh đối tử… nhưng thực ra, tự tánh sinh tử vốn là Không. Nên chi, khi vọng niệm dứt thì mọi mê mờ, hư tưởng cũng tan theo, những vạc nước sôi, lò lửa hồng cũng là gió mát trăng trong, rừng gươm đao hay cung tên, gươm kiếm nơi địa ngục cũng tiêu tan hết, mọi phiền não, khổ đau cũng không còn bóng dáng não phiền. 

Cho nên chỉ cần thấy Tánh là yên, không cần thuyết pháp, tọa thiền, bởi vạn pháp Nhất Như vô phân biệt. Khi mình khởi tâm tìm cái chân, sự thật thì đã là giả, hư vọng rồi, vì chân vốn ở nơi đương xứ, tức ngay nơi sinh tử mà thấy ra thật tánh Vô sinh. Kẻ mê si thì sợ hãi chuyện sinh tử, còn người đại trí thì vẫn thản nhiên, vì thấy được Sống Chết Chuyện Thường Thôi :

Tâm vọng sinh thì sinh tử sinh
Vọng tâm diệt thì sinh tử diệt
Sinh tử xưa nay vốn tánh Không
Thân huyễn hóa này rồi cũng diệt

Phiền não Bồ đề phải tiêu tan
Địa ngục thiên đường khô cạn kiệt
Vạc sôi lửa bỏng thoắt mát tươi
Núi kiếm rừng đao tự gãy hết

Thanh văn ngồi thiền ta không ngồi
Bồ tát nói pháp ta nói thật
Sinh vốn sinh giả chết chết giả
Tứ đại vốn không từ đâu nổi ?…

Đã tới nhà rồi chớ hỏi đường
Thấy trăng lìa khỏi ngón tay thôi
Kẻ ngu sinh tử luôn sợ hãi
Người trí rỗng rang thản nhiên cười

Mỉm cười vô sự, thung dung, Tuệ Trung Thượng Sỹ đi về thế giới ta bà với một thái độ vô chấp, nhập cuộc hòa chan. Vạn sự, vạn vật lưu chuyển theo nhịp vận hành của vũ trụ, càn khôn, pháp nào an trụ trong pháp ấy, như kinh Pháp Hoa nói : “Thị pháp trụ pháp vị. Thế gian tướng thường trụ.” Muôn pháp vốn không đối lập, nhưng do vọng tưởng của tâm mình mà thành ra phân biệt sai khác. Sự phân biệt sai khác này không phải thật, chỉ là huyễn hóa mà thôi.

Bởi vì Phật ma, tà chánh, thánh phàm, chân vọng, có không, mộng thực, đúng sai, phải trái… chẳng phân hai, không hề chướng ngại. Cái này có vì cái kia có, nương vào nhau mà tồn tại, chỉ là khái niệm, giả lập trên mặt danh từ, ngôn ngữ để dễ phân tích, biện luận mà thôi. Sở dĩ, thấy khác nhau là vì mê với ngộ. Tâm mê muội dấy lên mến thương, oán hận, giận ghét, hằn học, căm thù… dẫn đến bao não phiền, điên đảo. Tâm bừng ngộ thì dứt được nẻo mê, tự nhiên tiêu trừ hết bệnh đảo điên, phiền não, vì thấy Phàm Thánh Chẳng Hai, tất cả đều hòa quyện, huyền đồng :

Thân từ vô tướng vốn là không
Huyễn hóa phân hai thành nhị kiến
Ta người như khói thoảng sương bay
Phàm thánh ánh lòe như chớp điện

Công danh phú quý tựa phù vân
Thân thế tháng ngày như tên bắn
Bỗng chốc nổi lên thương rồi ghét
Như kiếm bánh bò mà bỏ bột

Mày ngang mũi dọc đều chẳng khác
Phật với chúng sinh cùng giống nhau
Ai là phàm tục ai là thánh ?
Kiếp kiếp kiếm tầm mất căn tánh

Phi tâm không thị cũng không phi
Vô kiến chẳng tà cũng chẳng chánh…

Nhị kiến là cái nhìn phân biệt phàm thánh, chánh tà… trái với quan điểm Nhất Như của Thiền. Phi tâm còn gọi là vô trụ tâm, như kinh Kim Cang diễn đat : “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.” Ý nói, dù ở bất cứ cảnh giới nào thì tâm kia vẫn rỗng rang, không chấp dính, kẹt vướng, trụ bám vào đâu mà sinh khởi tự nhiên. Tâm không chấp dính, vướng mắc một mảy may nào vào đối tượng trước mắt, thì mới linh động, vô cùng diệu dụng như nước chảy mây trôi.

Trôi chảy hòa âm, nhập cuộc chịu chơi cùng vạn pháp, thõng tay vào chợ, bắt tay cùng phàm phu tục tử, uống rượu với bọn văn nghệ sỹ, thi nhân, ngân nga hòa điệu, bồng tênh trên cung bậc vô phân biệt thánh phàm, trí ngu, thấp cao, mê ngộ… để hào hứng ngâm thơ Mê Ngộ Chẳng Khác Nhau giữa cát bụi, mù sương, chan hòa gió mây, mưa nắng :

Khi mê sinh không sắc
Lúc ngộ chẳng sắc không
Sắc không mê ngộ ấy
Một lẽ xưa nay đồng

Vọng dấy tam đồ dấy
Chân thông ngũ nhãn thông
Tâm Niết bàn tịch lặng
Biển sinh tử trùng trùng

Chẳng sinh cũng chẳng diệt
Không thủy cũng không chung
Chỉ cần quét nhị kiến
Pháp giới thảy bao dung

Tam đồđịa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, ba nẻo đường dữ, do thân khẩu ý của mình tạo nghiệp đưa dẫn tới. Còn ngũ nhãnnhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn. Khi mình có đầy đủ ngũ nhãn nhìn suốt thông các pháp hữu vi lẫn vô vi, thì biển sóng sinh tử liền trạm nhiên, yên lặng, hiện ngời lên cảnh giới Niết bàn, bất sinh bất diệt, không thủy không chung.

Khúc ca Mê Ngộ Bất Dị, ngộ mê chẳng hề khác nhau, là ca khúc trầm hùng, vang dội lên bầu trời tâm thức rực rỡ, tỏa ngời một thứ ánh sáng thiên thanh vĩnh thúy. Vì mình mê nên mới nói đến ngộ, nhưng trong thực tại chẳng hề có ngộ mê. Thành thử, mê ngộ là nói người chưa thấy Tánh, còn người thấy Tánh rồi thì mê ngộ dung thông, rỗng rang, ra vào vô quái ngại giữa vạn pháp chập chùng.

Cùng tuyệt là tiếng thơ uyên nguyên, ảo dị của Tuệ Trung Thượng Sỹ, một thiền sư thi sỹ đạt đạo lý Thiền. Tiếng thơ ấy mang đầy tính chất chân nghĩa, khí vị sâu xa, hòa quyện chập chùng cùng lý sự viên dung. Hùng khí bàng bạc trong tiếng thơ thiền bay bổng vẫn còn hoài ngân vọng trong đêm dài sinh tử giữa nhân sinh trường mộng, làm bừng lên một ngọn lửa tuệ giác, quang đãng, xua tan đi ngàn bóng tối vô minh.

Thinh lặng, lắng nghe, lắng nghe và nhập diệu, phiêu linh vào tinh túy những dòng thiền thi bất khả tư nghì của bậc thượng thừa, kẻ viết bài này bỗng nhiên thấy lạ lùng, Tuệ Trung Thượng Sỹ xuất hiện, đang đứng sờ sờ ngay trước mắt nhìn mình mỉm cười. Ơi chao ! Nghìn năm một thuở, mình liền vội cầm tay ngài, xin phép đọc một bài thơ để tỏ lòng tôn kính, ngưỡng mộ vô cùng :

Cung đình gác bỏ về yên tĩnh
Tịnh Bang trang trại thắp lửa thiền
Khiến trần gian lạnh tan u tối
Từ ngày thấu triệt lẽ tâm nguyên

Trong cây có lửa tìm chi nữa
Trong mình sẵn ngọc sáng xanh trong
Đêm dài sinh tử bừng chiếu diệu
Thấy ra tất cả chính nơi lòng

Thõng tay vào chợ thênh thang hát
Khúc phóng cuồng ca hòa điệu chơi
Chơi vô phân biệt luôn tùy hỷ
Tùy duyên bất biến giữa cuộc đời

Phàm thánh ngộ mê đều chẳng khác
Bàn chân Bất nhị bước phiêu diêu
Diệu quan sát trí nhìn đâu cũng
Thương yêu sâu thẳm khắp muôn chiều

Tâm Nhiên

(Vô Trú Am, hạ 2018 )
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn