Sự Ra Đời Của Tổng Liên Đoàn Phật Giáo Quốc Tế - Thích Chí Giác Thông Thực Hiện

04 Tháng Hai 201200:00(Xem: 23047)

Sự ra đời của Tổng liên đoàn Phật giáo quốc tế
Thích Chí Giác Thông thực hiện

blankBan Biên tập: Đại hội Giáo đoàn Phật giáo Toàn cầu 2011 do Hội Truyền giáo Asoka đăng cai tổ chức từ ngày 27 đến 30-11-2011 tại khách sạn Asoka, thủ đô New Delhi, Ấn Độ với sự hiện diện của hơn 800 đại biểu tham dự đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ là niềm vui chung của cộng đồng Phật giáo thế giới và đặc biệt là cộng đồng Phật giáo Ấn Độ, nơi khai sinh đạo Phật. Trong lễ bế mạc Đại hội ngày 30-11-2011, Tổng Liên đoàn Phật giáo Quốc tế (TLĐPGQT) được thành lập với mục đích thống nhất Phật giáo toàn cầu vì mục đích phát triển Phật giáo trên toàn thế giới, thể hiện tiếng nói và trí tuệ tập thể của cộng đồng Phật giáo thế giới đối với các vấn nạn toàn cầu, nhằm góp phần xây dựng một thế giới hòa bình và phát triển bền vững. TT.Thích Nhật Từ là thành viên Ủy ban soạn thảo Hiến chương của TLĐPGQT đã dành cho Đạo Phật Ngày Nay các trao đổi thú vị sau đây về giá trị và tương lai của TLĐPGQT.

Hỏi: Đâu là ý nghĩa của việc thành lập TLĐPGQT?

TNT: Kể từ khi, Phật giáo bị mất gốc khỏi Ấn Độ vào cuối thế kỷ XII, do sự xâm lược của Hồi giáo, đây là lần đầu tiên Đại hội Phật giáo Toàn cầu đã thu hút sự tham dự của hơn 800 đại biểu quốc tế với ba trường phái Phật giáo Nam tông, Bắc tông và Kim Cang thừa, đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, nhằm thiết lập nhịp cầu Phật giáo thế giới, cất tiếng nói Phật giáo tại các diễn đàn quốc tế bao gồm Liên Hợp Quốc, thể hiện sự quan tâm của Phật giáo đối với các vấn đề đương đại mang tính toàn cầu, nhằm góp phần chia sẻ trí tuệ và trách nhiệm phổ quát của Phật giáo, giải quyết xung đột, mang lại hòa bình thế giới, phát triển bền vững của các quốc gia và hạnh phúc cho các cộng đồng, gia đình và cá nhân trên thế giới. Ngoài ra, việc thành lập TLĐPGQT còn lại cơ hội quý giá, góp phần phục hưng Phật giáo Ấn Độ, bảo vệ và bảo tồn các di sản Phật giáo thế giới tại Ấn Độ, Nepal và khắp nơi.

Ấn Độ là cái nôi khai sanh đạo Phật và cũng là trái tim của đạo Phật thế giới trong thời đức Phật cần phải được phục hưng, nhằm khẳng định vị trí tâm linh đặc biệt mà nước này đã từng có từ thế kỷ thứ VI trước công nguyên đến cuối thế kỷ XII Tây lịch. Việc thành lập một tổ chức Phật giáo toàn cầu mới, đặt trụ sở tại Ấn Độ, không chỉ là nguyện vọng chánh đáng và cần thiết của cộng đồng Phật giáo Ấn Độ, mà đây cũng là nguyện vọng chung của cộng đồng Phật giáo thế giới. Nhu cầu biến Ấn Độ thành trung tâm Phật giáo thế giới, không chỉ có ý nghĩa lịch sử đối với Ấn Độ, mà còn là bước ngoặt mới của Phật giáo toàn cầu trong sự “trở về” của đạo Phật tại quê hương đức Phật.

Hỏi: Có tin cho rằng chính phủ Trung Quốc thông qua con đường ngoại giao chính trị đã gây áp lực với chính quyền Ấn Độ nhằm ngăn cản việc hình thành TLĐPGQT. Đâu là sự thật của vấn đề này?

blankTNT: Sức ép của Trung Quốc đối với chính quyền Ấn Độ là có thật, nhất là nửa tháng trước khi Đại hội Phật giáo toàn cầu được dự kiến diễn ra tại 5 khách sạn 5 sao hàng đầu ở New Delhi từ ngày 27-30/11/2011. Chính quyền Trung Quốc đã hủy bỏ cuộc họp cấp cao giữa hai nước trước Đại hội diễn ra 2 ngày vì lo ngại rằng Ấn Độ có thể sử dụng việc thành lập TLĐPGQT làm công cụ chống lại chính sách một nước của Trung Quốc đối với Tây Tạng.

Dầu chính phủ Ấn Độ có phần nhượng bộ trong việc thay thế Tổng thống và Thủ tướng Ấn Độ bằng lãnh đạo đảng đối lập của hạ viện Ấn Độ và thống đốc bang Delhi, chính quyền nước này vẫn cương quyết ủng hộ và bảo vệ cho đại hội được diễn ra một cách thành công như mong đợi.

Lãnh đạo cộng đồng Phật giáo thế giới thấy rất rõ rằng việc hình thành TLĐPGQT không phát xuất từ động cơ chính trị từ phía Ấn Độ hay nội bộ Phật giáo nên đã nhiệt tình tham gia ủng hộ việc thành lập tổ chức Phật giáo thế giới toàn cầu này. Trong 4 ngày đại lễ diễn ra, không có một thông điệp chính trị được sử dụng trong diễn đàn nhằm chống Trung Quốc, hay ủng hộ Ấn Độ và cộng đồng Phật giáo Tây Tạng.

TLĐPGQT là nhịp cầu nối kết các cộng đồng Phật giáo thế giới theo đúng nghĩa cho các hoạt động Phật sự và sự dấn thân nhập thế Phật giáo trên các châu lục nhằm tạo hiệu quả phụng sự của Phật giáo cho lợi ích của nhân loại trong thiên niên kỷ thứ 3.

Sự ra đời của TLĐPGQT là nguồn hy vọng mới, là một bước chuyển ngoặt mới của cộng đồng Phật giáo thế giới tại Ấn Độ nói riêng và trên thế giới nói chung. Các sức ép chính trị từ phía Trung Quốc do đó không đủ sức để ngăn cản và phá hoại nhu cầu chính đáng của Phật giáo thế giới. Đại hội đã thành công với bao niềm vui của hàng triệu con tim trên toàn cầu.

Hỏi: Trước giờ khai mạc Đại hội, đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ, lãnh đạo cao cấp Hội đồng Trị sự, các ban ngành Trung ương và các Ban Trị sự tỉnh thành đã ra phi trường về Hà Nội. Có thông tin cho rằng quyết định không tham dự lễ khai mạc của GHPGVN là hệ quả của sức ép từ phía Trung Quốc. Là thư ký của đoàn đại biểu GHPGVN, xin thầy cho biết đâu là nguyên do?

TNT: Đó là thông tin ngộ nhận đáng tiếc, nếu không nói là có khuynh hướng xuyên tạc với mục đích xấu, nhằm phá hoại mối liên hệ hữu nghị giữa PGVN với PG Ấn Độ và cộng đồng Phật giáo thế giới.

Vì đoàn đại biểu GHPGVN đi chuyên cơ của VietNam Airline nên giờ cất cánh tại phi trường Delhi về Hà Nội đã được ấn định trước hơn 1 tháng trước ngày lễ khai mạc diễn ra là 14h30. Đại diện sứ quán Việt Nam, bản thân chúng tôi và đại diện của tập đoàn AVG đã liên lạc nhiều lần với Ban tổ chức sắp giờ phát biểu của đức Pháp chủ vào lúc 10h30, để kịp giờ cho đoàn 138 người rời hội trường, ra phi trường, làm thủ tục hải quan và an ninh đúng với thời gian đã ấn định. Ngoài ra, các vị lãnh đạo Giáo hội còn phải lo tang lễ cố HT.Thích Thanh Tứ - Phó Chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN vừa viên tịch và nhập liệm vào sáng hôm sau.

Trưa ngày 26-11-2011, Ban Tổ chức cho biết giờ phát biểu của đức Pháp chủ là 11h20 (được ghi rõ trong sổ tay của Đại hội). Chúng tôi đã cấp tốc liên hệ với Ban Tổ chức xin được điều chỉnh giờ nhưng không thành công. Tối ngày 26, đức Pháp chủ và lãnh đạo Giáo hội đã họp khẩn cấp để bàn về vấn đề này. Đức Pháp chủ cử HT.Thích Giác Toàn làm trưởng đoàn, HT.Thích Thiện Tâm thay mặt đức Pháp chủ đọc thông điệp.

Chúng tôi đã lập tức báo cho Ban Tổ chức và tối hôm đó và sáng hôm sau. Ngay giờ khai mạc diễn ra HT.Lobzang, Tổng Thư ký Ban tổ chức cho biết đã sắp xếp giờ phát biểu của đức Pháp chủ theo yêu cầu, nhưng tiếc thay lúc đó đoàn Việt Nam đã lên xe từ khách sạn hướng về phi trường.

Sự cố này là cơ hội cho người thiếu thiện chí tấn công và phê phán GHPGVN trên diễn đàn internet. Nếu vì sức ép của phía Trung Quốc thì đoàn Việt Nam đã không còn 20 người tham gia Đại hội từ đầu chí cuối, 2 người phát biểu chính thức tại 2 diễn đàn (tôi và ĐĐ. Quang Thạnh) và 2 người tham gia trong ủy ban làm việc đại diện (HT.Thiện Tâm và tôi). Cái gì là sự thật, cái đó là chân thật bất hư.

Hỏi: Là thành viên của Ủy ban soạn thảo Hiến chương, xin thầy cho biết mục đích và chương trình hoạt động của TLĐPGQT?

TNT: Đại hội Phật giáo toàn cầu đã giao trách nhiệm cho 40 thành viên đại diện các tổ chức Phật giáo tham dự soạn thảo Nghị quyết của Đại hội, được toàn thể đại biểu thông qua trong lễ bế mạc vào ngày 30-11-2011.

Nghị quyết này nêu rõ 13 mục đích và nhiệm vụ của TLĐPGQT (xin tham khảo nguyên văn bản dịch của chúng tôi). Về chương trình làm việc, Nghị quyết khẳng định rõ Ủy ban Làm việc đại diện sẽ soạn thảo hoàn tất hiến chương, đồng thời thay mặt các tổ chức Phật giáo triệu tập Đại hội lần thứ nhất để bầu lãnh đạo của TLĐPGQT.

Đây là công việc lớn lao liên hệ đến lộ trình gồm các trình tự: Đề cử lãnh đạo Phật giáo thế giới, vận động và cung thỉnh các ngài tham gia vào Ban tổ chức Đại hội lần thứ nhất, lên kế hoạch và làm việc trong tinh thần tập thể và dân chủ nhằm đạt được sự đồng thuận lớn nhất cho các Phật sự chung như đã nêu trong Nghị quyết của Đại hội.

Tùy theo điều kiện tài chính, Đại hội dự kiến diễn ra mỗi năm một lần tại Ấn Độ nhằm đúc kết các hoạt động Phật sự trong năm đối với các mối quan tâm toàn cầu, đồng thời nêu ra phương hướng Phật sự cho năm mới.

Tại mỗi đại hội, các chủ đề hội thảo khoa học sẽ xoay quanh các vấn nạn toàn cầu mà xã hội đương đại chúng ta quan tâm, nhằm góp phần chia sẻ trí tuệ Phật giáo cho các vấn nạn thế giới.

Hỏi: Thông điệp của GHPGVN gửi đến Đại hội Phật giáo toàn cầu 2011 là gì?

TNT: GHPGVN thể hiện sự nhất quán trong việc ủng hộ Đại hội Phật giáo toàn cầu 2011 nhằm thành lập Tổng liên đoàn Phật giáo quốc tế. Tại Văn phòng II GHPGVN vào ngày 4-8-2011, trong buổi tiếp xúc với HT. Logzang, Tổng thư ký Ban tổ chức TLĐPGQT, HT. Thích Thiện Nhơn, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự đã khẳng định rằng: “GHPGVN sẵn sàng hợp tác, tham gia thành lập, đóng góp tiếng nói và trí tuệ cho Phật sự quốc tế của Tổng liên đoàn.”

Tại phiên họp trù bị cho công tác tổ chức ĐHPGTC vào ngày 25-8-2011, HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế cho rằng: “Sau khi thành lập TLĐPGQT, tổ chức Phật giáo toàn cầu này nên đại diện hợp pháp cho tiếng nói và trí tập thể của các tổ chức Phật giáo trên thế giới, nhằm tham gia, thể hiện sự quan tâm và đóng góp của Phật giáo cho các vấn nạn toàn cầu và đương đại, khẳng định tông chỉ nhập thế của đức Phật.

Mặc dù không tham dự và phát biểu trực tiếp tại Đại hội, đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ, thông qua HT.Thích Thiện Tâm đã gửi đến Đại hội những chúc nguyện chân thành sau đây: “Đây chính là cơ hội rất tốt cho tất cả chúng ta hội tụ, ngồi lại với nhau trên tinh thần hữu nghị và hòa hợp nhằm tìm hiểu và trao đổi văn hóa Phật giáo giữa các nước anh em trên thế giới; thảo luận và tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất qua lời dạy trong sáng của đức Phật nhằm khôi phục lại toàn cầu về các phương diện: Đạo đức, giáo dục, sinh thái, tinh thần nhập thế của đạo Phật, .v..v.. trong thế giới hiện đại; và làm thế nào để phát triển một thế giới hòa bình, làm thế nào để đề xướng quan điểm cùng chung sống trong hòa bình, làm thế nào để đẩy mạnh tinh thần về sự hiểu biết, khoan dung, đoàn kết, sự hợp tác anh em giữa các đệ tử Phật từ nhiều giáo phái khác nhau trên thế giới.”

Đây chính là thông điệp của GHPGVN gửi đến ĐHPGTC nhân việc thành lập Tổng liên đoàn Phật giáo thế giới.

Cảm ơn các thông tin bổ ích của Thượng tọa. Kính chúc TLĐPGQT thành công trong sứ mệnh lịch sử của mình.

"Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay - số 13

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Giêng 2016(Xem: 6063)
Chí nguyện thứ nhất của tôi trong đời sống, như một con người, là thúc đẩy những giá trị nhân bản và những phẩm chất đó của tâm linh là những nhân tố then chốt trong một cuộc sống hạnh phúc, cho dù là một cá nhân, một gia đình, hay một cộng đồng.
07 Tháng Giêng 2016(Xem: 5904)
Trong mười lăm năm, tôi đã đi theo và thông dịch lời giảng dạy của ngài trong hệ thống thiền tập Thời Luân - Kalachakra, được xem như tối thượng bởi những Phật tử Tây Tạng và hồi hướng cho hòa bình thế giới.
11 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 6357)
Unalome [u-na-lô-mê] là một biểu tượng rất phổ biến trong đời sống tâm linh tại Thái Lan. Đó là một hình tượng xoắn lò xo dạng tháp. Thông thường biểu tượng này được vẽ trên các hình xăm, hoặc khắc trên các tấm bùa hộ mệnh mà hầu hết các du khách đến Thái Lan đều có dịp xem qua hoặc sở hữu.
14 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6706)
Tôi sinh ra là một người Thiên Chúa Giáo, được giáo dục trong các trường học Thiên Chúa Giáo, và thậm chí tôi còn ca hát trong ca đoàn nhà thờ địa phương. Nhưng vào năm tôi 16 tuổi, lúc tôi đọc cuốn sách đầu tiên về Phật Giáo, ngay lập tức, tôi biết rằng tôi là một người Phật Tử
29 Tháng Mười 2015(Xem: 6953)
Trong bài viết này, tôi nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đề cao sự hiểu biết, độ lượng và đối thoại liên tôn giáo vì mục đích tôn trọng các dị biệt về văn hóa và tôn giáo trên toàn cầu.
19 Tháng Chín 2015(Xem: 9394)
Thông thường Tây Tạng hạn chế các phương tiện truyền thông nước ngoài, nhưng tuần này các quan chức Trung Quốc đã hướng dẫn phái đoàn báo chí ngoại quốc tới thăm khu vực này, gần hai tuần sau khi Bắc Kinh tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày họ chiếm đóng trên toàn lãnh thổ Himalaya.
08 Tháng Chín 2015(Xem: 7564)
Từ hơn hai thập niên, cả thế giới thắc mắc về tình hình của ngài Ban Thiền Lạt Ma, một định chế được xem như cao quý thứ nhì định chế Đức Đạt Lai Lạt Ma đối với dân tộc Tây Tạng. Nhà nước Trung Quốc sau khi bắt cóc cậu bé được nhiều người tin là hậu thân của Đức Ban Thiền Lạt Ma đã giữ im lặng suốt hai thập niên. Bây giờ mới lên tiếng, rằng cậu bé bây giờ là một thanh niên bình thường.
06 Tháng Chín 2015(Xem: 10827)
Những Phật tử ở phương Tây chú ý chủ yếu đến khía cạnh thiền định, triết lý, giáo lý đạo đức của Phật. Tác giả nhận thấy phương Tây là nơi tiếp nhận Phật giáo nhưng lại vẫn duy trì được những giá trị tốt đẹp thực sự của tôn giáo này. Những gì họ đã tiếp nhận ở tôn giáo này thì đó mới đích thực là Đạo Phật, Le Monde kết luận.
05 Tháng Chín 2015(Xem: 6895)
Một chủ đề riêng, ngoại vi của Thiền, nhưng cũng thể hiện được sự cần thiết của Phật giáo phổ quát khắp nơi; Phật giáo đến Phương Tây như thế nào ? Là câu hỏi được nhiều người đặt ra và khảo cứu,