Chiếc Gậy Tôn Giáo Và Bánh Xe Dân Chủ Của Miến Điện

01 Tháng Năm 201300:00(Xem: 13813)

CHIẾC GẬY TÔN GIÁO
VÀ BÁNH XE DÂN CHỦ CỦA MIẾN ĐIỆN
Nguyễn Văn Hóa

myanmar_mapNhững mốc thời gian về diễn tiến dân chủ của Miến Điện 

Trong vòng hơn hai năm qua, Miến Điện là hình ảnh của một quốc gia đang mở ra một kỷ nguyên mới đầy hy vọng và mong đợi của thế giới. Chuyển mình từ một chế độ độc tài quân phiệt non nửa thế kỷ, người dân Miến đã đến lúc phải được sống trong một xã hội tự do, dân chủ và phát triển. Dư luận quốc tế đã nhìn vào hình ảnh của các phong trào đấu tranh dân chủ và những đoàn sư Phật giáo can đảm trong quá khứ với tấm lòng cảm mến và kính phục. Song, sự kính phục ấy chưa hề phai mờ thì dân chủ đã gặp phải những gai góc trong lòng người. Trước khi mổ xẻ những ‘gai góc’ ấy, ta thử vẽ lại những diễn tiến dân chủ đó đã xảy ra như thế nào. 

Tháng Ba, 2011: Thein Sein tuyên thệ nhậm chức tổng thống của chính quyền dân sự mới.

Tháng Tám, 2011: Tổng thống Thein Sein gặp bà Aung San Suu Kyi tại Nay Pyi Taw.

Tháng Chín, 2011: Tổng thống Thein Sein hủy bỏ dự án xây dựng đập thủy điện Myitson được Trung quốc tài trợ, một dấu hiệu cho thấy sẽ có sự cởi mở hơn nữa trước công luận.

Tháng Năm, 2012: Thủ tướng Ấn độ Manmohan Singh chính thức viếng thăm Miến Điện lần đầu tiên, kể từ năm 1987. Thủ tướng Singh ký 12 thỏa ước tăng cường quan hệ mậu dịch và ngoại giao, đặc biệt dành cho Ấn độ một số ưu tiên về phát triển ở các vùng biên giới giữa hai nước.

Tháng Tám, 2012: Tổng thống Thein Sein thành lập một ủy ban điều tra vụ bạo động xảy ra giữa nhóm Phật giáo Rakhine và Hồi giáo Rohingya thuộc vùng phía tây Miến Điện. Có vài chục người thiệt mạng và hàng ngàn người phải ly tán, không nơi cư ngụ.

Trong tháng này, chính quyền Miến hủy bỏ luật kiểm duyệt báo chí, có nghĩa là từ nay các phóng viên, ký giả sẽ khỏi gửi một bản sao bài báo mình viết cho nhà nước kiểm duyệt trước. Cải tổ quan trọng của nội các Thein Sein là thay thế Bộ trưởng Thông tin “rắn đầu” bằng một người ôn hòa là Aung Kyi; đại diện phe quân đội thương thảo với lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi.

Tháng Chín, 2012: Moe Thee Zun, lãnh tụ sinh viên tranh đấu năm 1988 bị lưu đày trở lại quê hương sau khi Miến Điện xỏa bỏ danh sách đen gồm 2.082 người.

Tháng Mười một, 2012: Chủ tịch Hiệp hội Âu châu tuyên bố viện trợ Miến Điện hơn 100 triệu Eu trong quỹ phát triển.

Thêm một vụ bạo động mới giữa Phật giáo Rakhine và Hồi giáo Rohingya, chừng 90 người thiệt mạng.

Giữa tháng, Tổng thống Barack Obama viếng thăm Miến Điện và đề nghị góp một “bàn tay thân hữu” để mong chính phủ Miến cải cách nhiều hơn nữa. Obama thuyết phục chính phủ nên hòa giải với người thiểu số (Hồi giáo) Rohingya.

Tháng Giêng và Hai, 2013: quân đội Miến Điện mở một cuộc tấn công bao vây vùng Laiza, một thành phố lớn nhất được kiểm soát bởi nhóm nổi dậy Kachin gần biên giới Trung quốc, làm tan vỡ chương trình ngưng bắn của chính quyền. Chính quyền Miến và quân nổi dậy tiến tới thỏa thuận ngưng chiến và bắt đầu đối thoại chính trị, sau cuộc thương lượng được Trung quốc bảo trợ ở thành phố Ruili, phía nam Trung quốc.

Tháng Ba, 2013: Dấy loạn bạo động giữa Phật giáo và Hồi giáo lại xảy ra ở Meiktila, phía nam thủ đô Mandalay, để lại mười người chết và nhiều mosque Hồi giáo bị đốt cháy.

Tháng Tư, 2013: Sau gần 50 năm nhà nước độc quyền báo chí , lần đầu tiên 4 tờ báo do tư nhân điều hành xuất hiện, là một bước tiến lớn tiếp nối với quyết định hủy bỏ chính sách kiểm duyệt báo chí vào tháng Tám năm 2012.

ashin_wirathuChiếc gậy tôn giáo thọc vào bánh xe dân chủ 

Tròn chẵn mười hai tháng (từ tháng 3, 2011 đến tháng 3, 2013), trong khi dân chủ bước tới những bước tiến tốt đẹp, nhưng sự đàn áp người Hồi giáo Miến Điện không hề ngưng nghỉ. Sự đàn áp đã mang một diện mạo khác, không còn cảnh quân đội của chế độ dùng súng bắn chết 200 người Hồi giáo như trong tháng Tư năm 2004 (theo tài liệu của Liên Hiệp Quốc), bây giờ là người dân Phật giáo chống dân Hồi giáo. Vụ bạo động gần đây nhất, xảy ra ở Meiktila. Mạng lưới Irrawaddy tổ chức một cuộc phỏng vấn nhà sư Ashin Wirathu –được coi như một vị lãnh đạo tu sĩ của phong trào ‘969’, chống Hồi giáo kịch liệt nhất. Xin trích một vài đoạn trả lời của sư Wirathu: 

“Hỏi (Irrawaddy) : Đặc sứ Miến Điện của tổ chức Liên Hiệp Quốc Vijay Nambiar và cơ quan truyền thông quốc tế IPM cho rằng cuộc dấy loạn ở Meiktila là cuộc bạo động có tổ chức? 

Sư Mirathu : “Không hề có tổ chức hay sắp xếp gì cả trong hai ngày đầu. Thật ra, bọn ở ‘khu Kalar’ Hồi giáo mới là bọn có tổ chức (danh từ chỉ người Hồi giáo hay Ấn độ có ý ‘miệt thị’ -nvh.). Chúng mang gậy, dao và vũ khí tấn công bất cứ người Miến nào mà chúng bắt gặp. Khi nghe tin một vị sư bị giết, lúc ấy đám đông dân Miến (Phật giáo) mới kéo đến khu Kalar Quarter; quả thực họ chẳng có mang vũ khí gì cả. Chỉ có một người mang cây gậy lấy từ ngôi nhà bị phá hủy, không có thứ gì khác. Trong khi, bọn Hồi dùng dao chém vào đám đông, làm hai người tử thương và 16 người khác bị thương. Thế thì chính bọn Hồi giáo mới có tổ chức, có kế hoạch…” (1) 

Trái ngược với câu trả lời của sư Wirathu, ông Win Htein –một thanh niên rất can trường trong phong trào dân chủ, đã từng trải qua 20 năm tù đày trong kinh hoàng, chỉ vì trung thành ủng hộ bà Aung San Suu Kyi –Liên minh Dân tộc vì Dân chủ của Miến Điện. Htein là một cựu đại úy trong quân đội, từng chứng kiến nhiều cuộc bạo động tôn giáo, nhưng ông vẫn lắc đầu không tin những gì mình chứng kiến đã xảy ra ở Meiktila tháng trước, khi trả lời với Jonathan Head -thông tín viên BBC ở Đông Nam Á. 

Ông Htein nói, “Tôi thấy tám cậu bé bị giết trước mặt tôi. Tôi cố gắng để chận bọn họ lại, la lên hãy về nhà đi. Nhưng chúng hăm dọa tôi, rồi cảnh sát lôi tôi đi. Bọn cảnh sát không làm gì cả -Tôi không hiểu tại sao. Có thể họ không có kinh nghiệm, mà cũng có thể nhận được lệnh không phải làm gì cả.

Trên bờ đê, hàng ngàn người reo hò. Khi có một ai bị giết chết, họ reo mừng. Rồi họ la hét ‘ngày hôm qua chúng đã giết Sư của chúng ta, bây giờ chúng ta phải giết chúng.’ Bọn họ có cả phụ nữ, tu sĩ, thanh niên. Tôi cảm thấy ghê tởm –và xấu hỗ.” (2) 

Jonathan cho biết “có khoảng chừng 30% dân số ở Meiktila là người Hồi giáo. Họ có tiếng là giỏi về thương mại và làm chủ nhiều cửa hàng. Giờ đây, họ bị lùa vào trong những trại tạm cư thô sô, có cảnh sát võ trang canh chừng nghiêm ngặt. Chúng tôi tìm cách vào trại để phỏng vấn dân tị nạn, nhưng họ lễ phép từ chối. Chúng tôi thấy có thực phẩm cứu trợ với nhãn hiệu quốc tế chở tới, song điều kiện sống thì quá dơ dáy, hoàn toàn không có vệ sinh.” (3) 

Đó là chưa nói tới rất nhiều trường hợp, tặng phẩm cứu trợ dân tị nạn Hồi giáo bị những nhóm Phật giáo có tổ chức (‘969’) tìm mọi cách để chận đứng không cho vào các lều trại tị nạn của dân Hồi giáo. Dân tị nạn sợ bị ngược đãi và tàn sát, tràn qua biên giới Đông Hồi (Bangladesh) liền bị lính biên phòng đuổi trở về đất Miến; họ dùng thuyền vượt biển ra Ấn Độ dương, có khi bị phát giác, quân đội Miến dùng phi cơ trực thăng truy kích. Dân tị nạn Hồi giáo trở thành thứ dân bơ vơ không đất dung thân. Tới bước đường cùng thì trước sau gì họ cũng sẽ tổ chức để chống lại các đám đông Phật giáo quá khích. Mâu thuẫn Phật giáo và Hồi giáo không còn đơn thuần thu hẹp trong mâu thuẫn tôn giáo, nó ảnh hưởng rồi lan rộng trong mọi lãnh vực: xã hội, chính trị, kinh tế, giáo dục… Không sớm thì muộn, vấn đề xung đột chủng tộc và tôn giáo sẽ là một quốc nạn cho Miến Điện; tôn giáo biến thành cây gậy sắt chọc vào bánh xe 'chuyển luân' dân chủ của Miến Điện; dù chậm, nhưng đang chạy ngon trớn.

969_logo_aloneTừ '911' khủng bố đến ‘969’ Tam Bảo 

‘Logo’ là một cái tên, một biểu tượng bằng hình ảnh nhỏ, một nhãn hiệu thương mại… để cho mọi người nhận ra dễ dàng một tổ chức, một nhóm hoạt động, một sản phẩm thương mại v.v.. Có khi logo làm biểu tượng cho một biến cố: Nhìn vào nó là ta nhận diện ra sự kiện, hay nói về nó một cách vắn tắt, ngắn gọn làm cho ta liên tưởng tới biến cố đó. Ví dụ: ‘911’ là con số để gọi cảnh sát trong trường hợp bị nguy biến, khẩn cấp ở Mỹ; nhưng ‘911’ còn là ngày không ai quên được về cuộc khủng bố với hai chiếc máy bay dân sự do dân Ả-rập điều khiển đâm vào Tòa tháp đôi (World Trade Center) ở New York; bất cứ một người dân Mỹ nào (hay cũng có thể khắp cả toàn cầu), mọi người đều nhớ ngay đó là biến cố xảy ra vào ngày 11 tháng 9. Có lẽ vì thấy tính phổ cập toàn cầu của con số 911, nên những nhà sư lãnh đạo của phong trào Phật giáo Miến Điện nghĩ ra con số ‘969’ làm biểu tượng để cho quần chúng Phật tử địa phương (và thế giới?) dễ nhận diện về phong trào của họ?.

Nhà sư Wirathu, một trong những nhà sư cầm đầu phong trào ‘969’, giải thích về các con số đó như sau: 

“Hỏi (Irrawaddy) : Trong lúc này, truyền thông quốc tế đã dùng từ ngữ “Phật giáo cực đoan” ám chỉ tới chiến dịch ‘969’. Ông có thể giải thích cho chúng tôi ý nghĩa của ‘969’ là gì? 

Wirathu : Được rồi. Số 9 đầu thay thế cho 9 thuộc ngữ của Đức Phật, số 6 thay thế cho 6 thuộc ngữ của Phật pháp, số 9 sau là 9 thuộc ngữ chỉ Tăng già. Có nghĩa là Tam Bảo của Phật giáo (three Treasures of Buddhism) –Đức Phật, Pháp và Tăng. Tương tự các biểu ngữ khác như: “Quy y Phật” (Buddhan Saranan), “Quy y Pháp” (Arahan) hay “Quy y Tăng” (Sekya), “969” này chỉ có nghĩa là biểu tượng của Phật giáo. Giờ đổ lỗi cho “969” là một sự buộc tội không có cơ sở, người ta không thể chứng minh là ai có tội, chỉ là sự cáo buộc. Ngay cả một tờ giấy viết về con số 969 ở Meiktila cũng không có. Chẳng có ai phân phát truyền đơn ở đấy. Khi tôi đến giảng pháp, tôi chỉ phân phối có 25 sticker. Những sticker ấy mang những dòng chữ có nghĩa là “Hãy Cứu lấy Tương lai Chúng ta”. Thế thôi. Vậy mà họ lại buộc tội “969”. Không liên quan gì cả. “969” chỉ là thuộc ngữ của Phật giáo. Nó vô tội.”

Hỏi: Bộ Tôn giáo vụ ở Naypyidaw cho biết “969” không hề đăng ký để được chấp nhận như một biểu tượng Phật giáo. Chúng tôi muốn biết quan điểm của ông về vấn đề này?. 

Sư Wirathu: chúng tôi chỉ sắp xếp công việc với mọi nổ lực chúng tôi có thể, với những gì chúng tôi biết. Chúng tôi không có đăng ký chính thức. Chẳng hạn, có người lo sắp đặt, có người hỗ trợ tài chánh, có người đi phân phối, chúng tôi không thương mại hóa việc này bằng cách đăng ký với chính phủ.” (4) 

Quả nhiên, nhóm số ‘969’ nó vô tội, nhưng người sử dụng nó với một mục đích chính trị bạo động thì có tội; hơn nữa ‘969’ dùng để biểu thị thay thế cho ý nghĩa của Tam Bảo của Phật giáo là lệch lạc, tầm thường hóa ý nghĩa của một tôn giáo cứu độ nhân sinh thì cái tội càng lớn hơn.

Ray Downs của mạng lưới vice.com phỏng vấn về ý nghĩa của nhóm số ‘969’ với tiến sĩ Muang Zarni, và được ông giải thích như sau: 

“Ray Downs (Vice): 969 là ai, con số này có nghĩa là gì?

“Tiến sĩ Muang Zarni: Những người lãnh đạo 969 là những thanh niên Miến khoác áo tu sĩ. Hơi khó để nói họ có thật sự là những tu sĩ hay không, bởi họ thuyết giảng những điều thù ghét người Hồi giáo và đạo Hồi, hoàn toàn trái ngược với giáo lý yêu thương người của Phật giáo. Chùm số 969 thay thế cho ba điều: số 9 thay thế cho những đức tính đặc biệt của Đức Phật, người sáng lập đạo; số 6 thay thế giáo pháp mà người giảng dạy; và số 9 sau cùng thay thế cho những đức tính đặc biệt của tăng già.

“Ông từng mô tả nhóm 969 là một “phong trào dân tộc Phật giáo tân-Quốc-xã (neo-Nazi) phát triển rất nhanh ở Miến Điện?

“Zarni: Tôi dùng chữ tân-Quốc-xã bởi vì chủ đích diệt chủng trong ý tưởng của họ là những người Hồi giáo ở Miến Điện –hầu hết, kể cả người người gốc Miến –là giống đỉa hút máu trong xã hội giống như người Do thái hút máu dưới chế độ Reich III khi đảng Quốc xã bắt đầu đâm rễ.

“Có một sự tương đồng với những gì mà chúng ta đã thấy ở Đức Quốc-xã và đang thấy ở Miến Điện ngày nay. Phong trào 969 với những phát ngôn nhân của họ kêu gọi tấn công người Hồi giáo ở Miến Điện –không phải chỉ ở Rohingya phía tây nước Miến, những người bị đổ thừa là những di dân bất hợp pháp từ Bangladesh, mà tất cả những người Hồi giáo khắp lãnh thổ. Kể cả những người Phật giáo nào tìm cách giúp đỡ hay mua hàng hóa từ các cửa hàng của người Hồi thì bị đánh đập, trả thù hoặc bị tẩy chay với những người Phật giáo khác.

“Thêm nữa, quân đội đã tham gia vào phong trào này. Nếu tình thế khá nhất, là các người cầm quyền quân đội lờ đi những thông điệp mang tính thù ghét từ các vị tăng sĩ. Tệ nhất, và tôi tin đây là sự thật, nhiều phần tử trong vai trò lãnh đạo quân sự đã hỗ trợ phong trào ở đàng sau. Trong 50 năm qua kể từ khi quân đội chiếm chính quyền, giới lãnh đạo quân sự đều có một mô hình giống nhau là họ dựng lên những tổ chức ủy thác trong cộng đồng người Miến khắp lãnh thổ xui khiển bạo động chống lại một nhóm dân tộc nào đó –coi họ như thành phần phản động, trước là người Tàu, bây giờ là người Hồi giáo.”… (5)

Chúng ta thử xét trên nền tảng của ‘từ nghĩa’, xem có thể dùng nhóm số ‘969’ để làm biểu tượng cho Phật giáo được không?. Theo Giáo lý Tam Bảo, Phật có 9 phẩm chất siêu việt (có người gọi là “ân đức Phật”); Pháp thì có 6 phẩm chất đặc biệt (6 ân đức Pháp); Tăng có 9 phẩm chất đặc biệt của tăng già (9 ân đức Tăng). Song, không thể hiểu đây là 9 nguyên tắc (hay 9 thành tố) tạo nên Phật, Pháp hay Tăng già, mà phải hiểu đó là những thuộc tính liên đới về kết hợp từ nghĩa (triết học) của tiếng Pali, để tổng hợp những phẩm chất siêu việt không ai có thể có được (ngoài Phật), không một tổ chức cộng đồng tăng sĩ tôn giáo ưu đẳng nào có thể so sánh (Tăng già) và, không một giáo lý tôn giáo nào trí tuệ hơn (Pháp).

Có thể nêu vài ví dụ về sự liên hợp các khái niệm thuộc tính nhằm cấu tạo một ý nghĩa bao quát, ưu việt tuyệt đối của Phật, Pháp, Tăng:

-Phật đã có phẩm chất Araham (bậc cao thượng thân, khẩu, ý), đồng thời lại có phẩm chất ‘tuyệt vời’ nữa (Bhagava). Phật đã có phẩm chất thông suốt tam giới (Lokavidū) gồm: chúng sinh thế giới, cõi thế giới, pháp hành thế giới, đồng thời lại có thêm phẩm chất: Bát Minh và 15 Đức Hạnh cao thượng khác (Vijācaraṇasampanno), và v.v..

-Về ví dụ ‘6 phẩm chất ưu việt của Pháp’: ‘Pháp’ (Dhammo) gồm Svākkhāt (giáo pháp của đức Phật không phải là một triết học suy đoán, mà căn cứ vào phân tích hiện tượng…), Sandiṭṭhik (nghiên cứu, kiểm tra khoa học. Pháp chứng bằng mỗi kinh nghiệm của bản thân), Akāliko (Pháp được chứng ngộ trong thực tại, Pháp không thời gian tính –ngàn năm trước và ngàn năm sau không thay đổi), Ehipassik (Pháp là đến mà thấy, qua thử nghiệm), Opaneyyiko (dẫn dắt con người đến gần với ‘sự giải thoát’, và người ấy phải tự thân chứng nghiệm 'giải thoát') , và Paccattaṃ veditabbo viññūhi dhammo (chứng đắc Pháp do bởi chính mình). Tỳ kheo Hộ Pháp đã giảng nghĩa thêm như sau: “Chánh pháp đó là 9 pháp Siêu tam giới mà chư bậc thiện trí Thánh Nhân đã chứng đắc rồi, tự mình biết rõ, tự mình nhập Thánh Quả hưởng an lạc Niết Bàn tịch tịnh.” Và trong Pháp (Dhammo) đứng đầu còn có khái niệm “Pháp gồm có 10 chánh pháp mà Đức Phật đã thuyết giảng hoàn hảo phần đầu, phần giữa, phần cuối, có ý nghĩa đầy đủ, văn chương trong sáng, rõ ràng và thanh tịnh. 10 chánh pháp là: Pháp học chánh pháp và 9 pháp Siêu tam giới (4 Thánh Đạo + 4 Thánh Quả + 1 Niết Bàn).” (6,7)

-Trong 9 phẩm chất ưu việt của Tăng già cũng có ý nghĩa tương tự. Nhóm từ ngữ này đều có khái niệm thuộc tính bổ túc cho nhau, có khi một phẩm chất còn mang một số khái niệm thuộc tính khác nữa, bao hàm một khái niệm chung nhất “là đoàn thể của các bậc thánh cao sang, những người đã phát triển tuệ giác và giới đức thanh khiết, đã đạt Niết Bàn hay trên đường gần đến Niết Bàn, thường được gọi là các quả thánh.” Cho nên, một đệ tử ‘quy y Tăng’ có nghĩa : “người ấy quy y vào một đoàn thể của những vị thượng trí, có tuệ giác và giới đức trong sạch, có một trình độ cao cả, hơn hẳn những người tầm thường.” .. (8)

Nói vắn tắt, những người Phật giáo Miến Điện dùng logo ‘969’ làm biểu tượng cho Tam Bảo của Phật giáo là không chính xác, dễ bị hiểu một cách khập khiểng, làm sai lạc tinh thần Phật Pháp. Nhưng với chủ đích vận động cho một chiêu bài chính trị, người ta có thể lợi dụng tất cả mọi phương tiện.

‘Sư Sân Si’ và nghiệp quả của ngôn từ

Người dân gốc Miến dùng danh từ ‘Kala’ để ám chỉ tới những người thiểu số trong nước họ: ban đầu là để ám chỉ ngoại nhân như người Ấn, người Bangladesh (tên mới của Đông Hồi –East Pakistan), và bây giờ là người theo đạo Hồi. Trong triết học, ‘kala’ là tiếng gốc của Pali, đánh vần đúng là ‘ku-la’. Pali là ngôn ngữ dùng trong các văn bản sớm nhất của Phật giáo. “ku” nghĩa là sức khỏe/chữa trị/ thuốc men; “la” là bậc thầy, gọi chung là bậc Thầy Chữa bệnh, Thầy Y khoa; nó còn có nghĩa rộng hơn trong tiếng Pali để ám chỉ một bậc "thiên y sư", là hậu duệ dòng giõi của Đức Phật. Đức Phật thuộc giai cấp quý tộc, cho nên có người khi được gọi là ‘kala’ thì lấy làm hãnh diện, trong khi một số người khác lại giận dữ -có thể vì họ không hiểu thấu đáo về nghĩa từ. Thành ra, cả người sử dụng lẫn nạn nhân đều hiểu sai lầm như nhau mà họ không biết?

Và theo thời gian “kula biến hóa và phổ cập thành “kala”. ‘Kula’ đã bị hiểu sai, lại được dùng để buộc tội những người di dân nói chung. Ban đầu, ‘kala’ để ám chỉ những người Hồi giáo ở Rohingya, nhưng về sau, được sử dụng trong 'ám chỉ' rộng hơn: Hồi giáo, Ấn độ giáo và ngoại nhân... Ví dụ: ‘Kala fru’ (ngoại nhân da trắng); ‘Kala mae’ (ngoại nhân da đen).

Cách dùng ngôn từ vô nghĩa đó, vào năm 1992, cũng đã được bọn quân phiệt dùng để buộc tội người được giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi là “kala fru Mayaa Suu Kyi” (tiếng Miến ‘fru’: da trắng, ‘mayaa’: người vợ); có nghĩa miệt thị là “một thứ đàn bà làm vợ cho dân da trắng Âu châu”. Ở những quốc gia văn minh, không ai lại sử dụng một nhóm chữ nhằm hạ thấp một phụ nữ có uy tín và nổi danh trên thế giới như thế, nhưng ở Miến Điện nó đã được dùng rộng rãi trên báo chí một thời.

Cho đến hôm nay, người có gốc Nam Á thường bị khinh thị ở Miến Điện, họ bị gọi là dân ‘kala’ với ý nghĩa kỳ thị là ‘bọn ngoại’ hay ‘bọn Ấn’ (tương tự như người Việt gọi người Ấn là ‘Chà và’). Nhưng lạ thay dân Âu da trắng lại gọi họ là ‘dân kala pyu’ mà theo tiếng Miến có nghĩa là “dân Ấn da trắng”. 

Cách dùng sai ngôn từ, hay sáng tạo ngôn từ (trong nhầm lẫn và vô ý thức) để ‘phỉ báng’ người khác thật là tai hại. Sự tai hại có khi là một định mệnh thật nghiệt ngã: Những nước chậm phát triển, có một chút sắc thái văn hóa riêng thường ‘cứng đầu, ương ngạnh, ngang ngược’, họ cái cái ‘ngã mạn’ rất cao. Những quốc gia chậm tiến trong các thế kỷ 18, 19 thường dễ dàng trở thành những nước thuộc địa; nên việc sử dụng ngôn từ một cách sai lạc, hoặc cố tình để nhằm hạ nhục người khác, nâng tự ái bị tổn thương cao lên, đều có hoàn cảnh giống nhau. Sự ‘sân si’ giữa người sử dụng ngôn từ (tự tôn mặc cảm) và nạn nhân (mặc cảm tự ti vì bị phỉ báng, khinh rẻ) đều có nguyên nhân và hậu quả của sự sân hận. Sự sân hận sẽ tạo ra những lý cớ khác, để biện minh cho hành động bạo lực. Chúng ta sẽ phát hiện tâm lý 'kín đáo' của Sư Ashin Wirathu khi trả lời ký giả Jonathan Head (BBC) như sau:

Người Miến Phật giáo chúng tôi quá hiền lành. Chúng tôi thiếu một tinh thần hãnh tiến về lòng yêu nước.”

Bọn họ -dân Hồi giáo –rất giỏi về làm ăn, họ kiểm soát giao thông, xây dựng. Bây giờ thì họ đang chiếm đoạt luôn các đảng phái chính trị của chúng tôi nữa đấy. Nếu sự kiện này cứ tiếp diễn, cuối cùng chúng tôi sẽ giống như A-phú-hãn hay Nam Dương.” (9)

Dĩ nhiên, giỏi về làm ăn buôn bán, giỏi về tổ chức và kinh doanh không thể coi là cái tội, nhưng khi lòng đã sân hận lên rồi, thì những ‘ưu điểm’ lý ra là người ‘thua kém’ phải cần học hỏi, lại biến thành nguyên nhân chính đáng để bị lên án, và nhất là khi những ưu điểm của ‘đối thủ’ chuyển sang ‘ưu thế’ trong xã hội, cái ‘ưu thế’ đó phải là một ‘trọng tội’ không thể tha thứ. Điều đó giải thích lý do tại sao Sư Ashin Wirathu buộc tội “người Hồi giáo liên tục hiếp dâm phụ nữ Phật giáo, sử dụng sự giàu có của họ chiêu dụ lấy phụ nữ Phật giáo làm vợ, xong rồi giam hãm họ ở trong nhà. Trong khi dân số của họ phát triển quá nhanh đi, họ chiếm hết.” (10) 

Và, khi một nhóm người đã được định hình là những kẻ có căn tính của ‘trọng tội’ vi phạm vào tội làm chết một người của ‘lương dân’, tất phải bị đền mạng gấp vài chục lần cũng chưa tương xứng. Biến cố bạo động ở Meiktila bắt đầu từ một cặp vợ chồng Phật giáo đến một tiệm vàng do người Hồi giáo làm chủ vào ngày 20 tháng 3, để bán nữ trang. Một lát sau, có sự cãi vả về giá cả, rồi dẫn tới bạo hành. Sau đó, có một tu sĩ Phật giáo bị tấn công. Ông được chở đi bệnh viện, nhưng vì vết thương nặng, ông từ trần. Tin đó được loan truyền, thì tức thời châm ngòi cho một đám đông tấn công bất cứ một người Hồi giáo nào cư ngụ trong vùng. Có vài dư luận cho rằng, cơn cuồng nộ tự phát ấy một phần, do một thế lực có tổ chức bên ngoài thúc đẩy.

Nhưng, để bảo vệ cho thanh danh của ‘chánh đạo’, thì phải biết tránh cái tiếng bị thúc dục từ ‘thế lực bên ngoài’ ấy, người ta ví von với triết lý hóa hành động: “Khi anh lấy một hạt giống từ cây để trồng trong chùa, mới đầu anh thấy nó còn nhỏ lắm. Nhưng anh biết một ngày nào đó phải cắt bỏ nó đi, trước khi nó phát triển quá lớn làm hư hại nhà chùa.” Từ lý luận đó, Ashin Wirathu hô hào người Phật tử khắp cả nước phải tẩy chay dứt khoát việc bán buôn với người Hồi giáo. (11) 

Như vậy, ‘thế lực bên ngoài’ (tức chính quyền) là kẻ sẽ thủ đắc thành quả (từ bạo hành đến diệt chủng), chứ đâu phải tập thể sư sãi hay quần chúng Phật giáo? Đâm ra chính các sư và quần chúng Phật giáo là ‘nạn nhân’ mà không nhận ra mình là nạn nhân.

Về phía chính quyền, giả dụ được thủ đắc họ sẽ đạt những gì? Theo tiến sĩ Zarni : “Cho tới lúc này, tôi có thể nói họ có ba mục đích. Một là, lãnh đạo quân sự đã choàng lấy chiếc áo dân sự, nhưng thực chất họ còn duy trì một chế độ độc tài, toàn trị trong sự tuyệt vọng. Họ bị ám ảnh về an ninh và một số người của họ cho rằng cải cách đã đi quá xa. Họ muốn làm chậm lại và kéo lùi tiến trình cải cách. Để đạt mục đích, họ tạo ra một tình huống xã hội bất ổn và mong manh, để nói rằng, “Thấy chưa, dân chúng không biết sống trong tự do ngôn luận, tự do lập phong trào và tổ chức. Vì thế, rất cần một bàn tay cứng rắn để ôn định tình thế và bảo vệ người dân sống trong trật tự và không giết hại lẫn nhau nữa.”

Thứ hai, khi làn sóng bạo động nổi lên chống người Hồi giáo Rohingya năm ngoái, quân đội và các tổ chức chính trị ủy nhiệm của quân đội ở trong mối lo sẽ bị thất cử. Nếu bị thất bại, trong vòng hai tháng, họ quyết định sẽ tạo một cuộc chống người Hồi giáo cực khốc liệt trên toàn quốc. Và lúc này, Suu Kyi [cùng các nhà hoạt động và lãnh đạo chính trị An San] sẽ ở trong tình thế nan giải; bà không thể nào sử dụng ngôn ngữ phoáng khoáng, nhân quyền và dân chủ như xưa nữa, và thế là bà không đủ cường lực tinh thần so với quân đội và thành phần tu sĩ tân-Quốc-xã cố ý quất mạnh thêm vào. Trong một cuộc đấu với phong trào tôn giáo bất thường này, ngôn ngữ về nhân quyền chẳng nhằm nhò gì cả.

Thứ ba, tôi nghĩ bọn quân phiệt không có một cơ may chiến thắng nào cả. Nên, để chúng có thể thắng cuộc bầu cử vào năm 2015, chúng muốn chắc rằng phải có một phong trào chính trị ủy nhiệm mới để tấn công vào đảng chính trị của Suu Kyi. Kết quả, phong trào tân-Quốc-xã ‘969’ trở thành phong trào bành trướng khắp nước.” (12)

Bằng một gợi ý về sự can thiệp của các chính quyền Tây phương, quan trọng nhất là Mỹ -mạng lưới Vice.com hỏi, “Nếu có thể, chính quyền phương Tây sẽ đóng vai trò gì trong tình huống này?”

“Tiến sĩ Zarni: Miến Điện là yếu tố cốt lõi trong chính sách đối ngoại mới của Tổng thống Obama nhằm tái cân bằng quyền lực và quyền lợi của Mỹ ở vùng Á châu Thái Bình dương. Chúng tôi nằm giữa hai cường quốc chính là Ấn độ và Trung quốc. Và, chúng tôi lại kề cận bên cạnh Thái lan -là một mạng lưới chiến lược trong các hoạt động về tình báo, ngoại giao và kinh tế ở Đông Nam Á.

Thương vụ của Mỹ và Cộng đồng Âu châu đang nhắm tới các thị trường mới nhằm thoát ra sự suy thoái kinh tế của họ, và Miến Điện có một nguồn tài nguyên khổng lồ về dầu lửa, khí đốt, uranium, lâm sản, và nhiều nữa. Vì thế, họ không thể kết bạn với một thương nhân trong một thị trường đang lên có thành tích diệt chủng.

Nếu như phương Tây trưng ra những bằng chứng xác đáng về nạn diệt chủng đang xảy ra ở Miến Điện, thì cộng đồng quốc tế sẽ đòi hỏi thủ phạm phải được mang ra trước công lý. Đấy là lý do tại sao tôi nghĩ là cộng đồng quốc tế vẫn còn nương tay với quân phiệt Miến Điện.”… (13)

Việc Mỹ trưng ra bằng chứng về nạn diệt chủng ở Miến Điện –xuất phát từ thế lực quân phiệt đứng đàng sau thì quá dễ. Nhưng nước Mỹ không phải là ‘ông thánh’ thần thông thiên nhãn, muốn gì cũng được. Nhất là việc dùng tự do, dân chủ, tinh thần bác ái và phát triển kinh tế để thay đổi cái Tâm vẩn đục của con người thì quá khó. Song, việc khó trong cái tầm lớn mà nước Mỹ có thể làm được trong trường hợp của Miến Điện thì họ có thể chuyển thế cờ từ một nước đang ở thế yếu -vốn là một ‘chủ nhân ông’ có truyền thống đi bảo bọc ‘ngoại nhân’ bằng “nhân quyền và cuộc sống sung túc” song song với phương tiện vũ khí tối tân sát sinh kinh hoàng không ai địch nổi –sẽ lấy lại hình ảnh của một anh nhà giàu quân tử, trọng nhân ái và biết sùng kính tôn giáo của những thập niên đầu thế kỷ 20 vậy.

Nguyễn Văn Hóa

12.4.2013

 

Chú thích:

(1, 4, 12, 13) Interview with U Wirathu, the leader of 969 Movement -The Irrawaddy, March 29 2013 

http://drkokogyi.wordpress.com/2013/03/30/interview-with-u-wirathu-the-leader-of-969-movement/ 

(2, 3, 9, 10, 11) What is behind Burma's wave of religious violence? -The BBC's South East Asia correspondent Jonathan Head looks at the causes of the violence. 

http://www.bbc.co.uk/news/world-asia-22023830

http://www.atimes.com/atimes/South_Asia/IK14Df02.html

http://thesail.wordpress.com/who-is-kalakuu-lar/

(5) Is Burma’s anti-Muslim Violenced by “Buddhist Neo-Nazis”? by Ray Downs

http://www.vice.com/read/is-burmas-anti-muslim-violence-led-by-buddhist-neo-nazis 

(6,7) The Nine Qualities of the Buddha; The Nine Supreme Atributes of The Lord Buddha by Aung Thein Nyunt

http://thebuddhisttemple.org/index.php?option=com_content&task=view&id=71&Itemid=72

http://www.thisismyanmar.com/nibbana/buddha9.htm 

The Nine Special Qualities of the Sangha by U Jota Lankara 

http://www.tbsa.org/articles/sangha.html

(7,8) Ý Nghĩa 6 Ân Đức Pháp Tỳ Kheo Hộ Pháp 

http://trungtamhotong.org/NoiDung/ThuVien/QuyYTamBao/TamBao2.htm

The Teaching of the Buddha has six supreme qualities:

http://en.wikipedia.org/wiki/Dharma_(Buddhism)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn