Edwin Arnold (1832-1904)

27 Tháng Ba 201100:00(Xem: 10038)

Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay
CÁC HỌC GIẢ ANH QUỐC VÀ PHẬT GIÁO ÂU MỸ
HT. Thích Trí Chơn
Nhà xuất bản Phương Đông 2010

EDWIN ARNOLD (1832-1904)

edwin_arnoldEdwind Arnold sinh ngày 10 tháng 7 năm 1832 tại Gravesend, quận Kent (đông nam nước Anh), con thứ hai của ông Robert Coles Arnold và bà Sarah Pizzey ở Framfield, quận Sussex (vùng đông nam Anh Quốc).

Thân phụ của Arnold sanh năm 1797 là con út của một gia đình gồm có 12 anh em. Edwin Arnold thuở nhỏ sống với cha và gia đình ở nông trại Southchurch Wick tại quận Essex (đông nam nước Anh). Những núi đồi, đồng cỏ xanh bát ngát nơi thôn quê đã ảnh hưởng nhiều đến tuổi trẻ của ông. Arnold yêu thiên nhiên và biển cả. Ông rất dở toán, nhưng giỏi môn học cổ điển (classics), lại có tâm hồn thi sĩ, thích làm thơ. Năm 17 tuổi, giữa mùa thu năm 1849, Arnold được cấp học bổng và chiếm giải thưởng về các bài văn xuôi, văn vần bằng Anh văn và cổ ngữ La tinh. Ông cũng có khiếu về ngôn ngữ học và biết ít nhất là 19 thứ tiếng.

Về đời sống tinh thần, Arnold chịu ảnh hưởng sâu đậm Phật Giáo sau khi tìm đọc một số sách Phật của các học giả Phật tử bấy giờ. Từ ngày hiểu đạo, Arnold bắt đầu chấm dứt việc đi săn bắn các loài vật, chim muông, vốn là thú vui của ông lúc tuổi còn thanh niên.

Sau khi hoàn tất chương trình tiểu học tại trường King ở Rochester, quận Kent (miền đông nam nước Anh), Arnold vào học đại học London (thành lập năm 1836), tại đây ông được cấp học bổng nhận vào đại học College (thành lập năm 1249) ở Oxford (trung nam Anh quốc). Thời gian này, ông sống chung cùng phòng với nữ thi hào Anh, bà M.W. Shelley (1797-1851). Bài thơ đầu tiên Arnold sáng tác mang tựa đề: “The Feast of the Belshazzar” (Buổi tiệc của Belshazzar) đã chiếm được giải thưởng văn chương Newdigate vào năm 1852.

Năm 22 tuổi, Arnold lập gia đình với Catherine Elizabeth Biddulph, chị của một sinh viên bạn ông. Sau khi tốt nghiệp đại học, Arnold được mời làm giáo sư dạy ở trường King Edward VI tại Birmingham (miền trung Anh quốc), đến năm 25 tuổi ông xin nghỉ dạy. Tháng 11 năm 1857, Arnold sang Ấn Độ nhận giữ chức viện trưởng đại học Deccan ở Poona (tiểu bang Maharashtra, miền tây Ấn Độ). Cùng đi với ông có cô vợ Catherine và bé trai đầu lòng Lester.

Sùng Kính Các Tôn Giáo Đông Phương

Theo tài liệu trong tập “The Cabinet Portrait Gallery” xuất bản năm 1893 cho biết thời gian Arnold sống tại Ấn Độ “đã giúp ông rất nhiều trong sự phát triển tinh thần, văn chương cũng như lòng tôn kính các đạo giáo Đông Phương mà chúng đã ảnh hưởng sâu xa đến văn nghiệp sau này của ông”.

Làm Báo Và Khảo Cổ

Năm 1861, Arnold trở lại Anh quốc và được mời cộng tác viết bài cho tờ “Điện Tín Hằng Ngày” (The Daily Telegraph) tại Luân Đôn (London). Sau đó, ông nhận làm chủ bút cho nhật báo này trong suốt 40 năm liền. Năm 1893, ông qua Constantinople nhận làm chuyên viên kỹ thuật cho hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) để khám phá khai quật các thành phố xưa bị chôn vùi ở thị trấn Assyria (một vương quốc cổ nằm trong vùng tây nam Á châu). Công tác này của Arnold đã mở đầu một trang sử mới cho Anh Quốc trong việc khảo cứu lịch sử của một nền văn minh nhân loại thời xa xưa.

Đi Nhiều, Học Nhiều

Có thể nói Arnold là con người đa dạng, có nhiều tài ba và tích cực hoạt động, ham đi, thích viết, như Lester, con trai của ông đã kể trong một câu chuyện về ông như sau: “Arnold đi khắp nơi, học các thứ tiếng, đọc mọi điều và viết đủ loại; hôm nay là ký giả thuần túy, ngày mai là tư tưởng gia, bữa nọ lại trở thành nhà thơ v.. v..”.

Nghiên Cứu Triết Lý, Chính Trị, Khoa Học

Arnold cũng thích nghiên cứu về khoa học, chính trị v.. v.. Nhiều nhà khoa học, chính trị, triết gia người Anh nổi tiếng bấy giờ là bạn thân của ông và ông thường liên lạc qua thư từ để thảo luận với họ về các vấn đề trên. Một số quý vị trong đó là nhà vạn vật học Thomas H. Huxley (1825-1895), triết gia Herbert Spencer (1820-1903), nhà bác vật học Charles R. Darwin (1809-1882), chính trị gia John Stuart Mill (1806-1873) và nhà hóa học William Crookes (1832-1919). Ông còn thích tìm hiểu về thuyết duy linh và là hội viên của Hội Nghiên Cứu Tâm Thần Học (Society for Psy- chical Research), đã từng kết bạn với các đại thi hào Anh quốc Lord Tennyson (1809-1892); nhà tâm lý học kiêm triết gia Mỹ William James (1842-1910) và Andrew Lang (1844-1912) nhà văn kiêm học giả Tô Cách Lan (Scotland).

Những Đóng Góp Cho Phật Giáo Của Edwin Arnold

- Sáng tác thi phẩm “The Light of Asia” (Ánh Sáng của Á Châu)

Arnold đã viết tác phẩm này phần lớn tại Hamlet House, gần Southend thuộc quận Essex (miền đông nam nước Anh). Vào thời điểm hậu bán thế kỷ 19, Phật Giáo còn quá xa lạ với người Âu Mỹ vì kinh sách Phật Giáo bằng Anh văn và các ngôn ngữ Châu Âu khác còn khan hiếm, thi phẩm “Ánh Sáng Á Châu” của Arnold xuất bản đầu tiên năm 1879 là món quà pháp bảo quý báu đã góp phần to lớn cho sự truyền bá Phật Giáo tại các nước Tây Phương.

Bằng những vần thơ linh động, trong sáng đầy tình cảm diễn tả cuộc đời của đức Phật từ lúc đản sinh đến khi Ngài nhập Niết bàn đã thu hút sự chú ý say mê của độc giả từ đầu tới cuối. Cuốn sách dày 177 trang, không kể lời nói đầu của tác giả và bài giới thiệu của ông E. Denison Ross, giám đốc trường Luân đôn Nghiên cứu Đông Phương (London School of Oriental Studies); với tổng cộng khoảng 5.300 dòng và 41.000 chữ. Tác phẩm được chia ra làm 8 chương như sau:

Chương 1: Diễn tả sự ra đời và giai đoạn ấu niên của thái tử Cồ Đàm (Gotama).

Chương 2: Cuộc sống của thái tử từ lúc 18 tuổi đến khi Ngài kết hôn với công chúa Da Du Đà La.

Chương 3: Thời gian thái tử sống trong cung điện hưởng mọi thú vui bên cạnh công chúa Da Du Đà La đến lúc Ngài dạo chơi ra ngoài thành tiếp xúc với bốn cảnh sanh, già, bệnh, chết và giải thoát của vị Sa Môn.

Chương 4: Thái tử nhìn vợ con lần cuối, nửa đêm vượt thành xuất gia tầm đạo giải thoát để cứu độ chúng sanh.

Chương 5: Thái tử tu khổ hạnh trong rừng với các tu sĩ ngoại đạo khác.

Chương 6: Sau khi dùng bát cháo sữa dâng cúng của nàng Tu Già Đa (Sujata), thái tử đã chiến thắng Ma Vương, thành Đạo dưới cội Bồ đề.

Chương 7: Cảnh buồn khổ của vua cha Tịnh Phạn; vợ, công chúa Da Du Đà La; và con, La Hầu La, sau bảy năm vắng bóng thái tử Tất Đạt Đa.

Chương 8: Đức Phật thành lập đoàn thể Tăng Già và truyền bá chánh pháp cho dân chúng.

Đây là cuốn sách được phát hành phổ biến rộng rãi nhất so với các tác phẩm Phật Giáo khác bấy giờ, với sự hưởng ứng tìm đọc của hầu hết độc giả Phật tử khắp nơi trên thế giới. Ấn bản đầu tiên năm 1879 đã thu được kết quả rực rỡ ngoài sức tưởng tượng, và chỉ trong vòng một năm đã tái bản lần hai. Sau 5 năm, thi phẩm được Arnold sửa chữa lại và ông cho nhà xuất bản Trubner tại Luân Đôn (Anh quốc) giữ bản quyền, đã phát hành được hơn 30 ấn bản từ năm 1885 đến nay.

Tại Hoa kỳ, các nhà xuất bản đã cho in lại, phát hành trong nghiều năm nguyên bản đầu tiên (chưa sửa chữa) của tác phẩm này. Tại Anh đến năm 1970, cuốn sách đã in đến lần thứ 60 và tại Mỹ, số người đọc thi phẩm nhiều gấp bội, đã xuất bản đến ấn bản thứ 80. Hiện nay, tác phẩm vẫn còn được các nhà xuất bản tại Hoa Kỳ và Anh quốc giữ bản quyền và tiếp tục cho in lại nhiều lần, con số sách bán ra đến hàng triệu cuốn.

Thực vậy, giá trị vĩnh cửu của tác phẩm đã được bày tỏ một phần qua lời nói đầu của chính tác giả: “Những vần thơ sau đây bằng óc tưởng tượng của một Phật tử nhiệt thành, tôi đã diễn tả cuộc đời, nhân cách và triết lý của một đấng siêu nhân và cách mạng tuyệt luân của thái tử Cồ Đàm (Gau- tama) của Ấn Độ, người đã sáng lập nên Phật Giáo. Thế hệ trước đây, rất ít và không ai ở Châu Âu biết đến tôn giáo vĩ đại này của Ấn Độ, mặc dù nó đã tồn tại 24 thế kỷ qua... Bốn trăm bảy mươi triệu tín đồ đã sống và chết trong giáo lý của đức Phật, và ảnh hưởng tinh thần của vị giáo chủ xa xưa này đến nay vẫn còn lan rộng từ Nepal, Tích Lan đến Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Tạng, Trung Á, Xi-bê-ri (Siberia) và cả Thụy điển v.. v.. Cho nên, hơn phần ba nhân loại đã tiếp nhận những ý tưởng đạo đức từ vị thái tử siêu việt này...

Và trong phần giới thiệu về tác phẩm, Denison Ross cũng đã viết: “Ánh Sáng Á Châu... với những tên gọi, danh từ Phạn ngữ mới lạ đã đạt được thành quả nhanh chóng, là một bằng chứng cho thấy câu chuyện do tác giả kể khá hấp dẫn và cuốn sách rõ ràng là có giá trị. Những lời dạy luân lý của đức Phật rất quen thuộc với Tây Phương, song những cảnh trí và biểu tượng của Ấn Độ thì quá mới lạ với mọi người; trong khi cuộc sống thực tế của thái tử Cồ Đàm đã trình bày một tấm gương đạo đức toàn hảo đối trước hàng ngàn độc giả... Tác phẩm, tôi nghĩ... chứa đựng những vần thơ trong sáng, đẹp đẽ cũng như sự diễn tả đầy đủ nhất bằng ngôn ngữ của chúng ta về cuộc đời đức Phật... Đối với một số người, thực vậy, cuốn sách đã gây nên sự ngạc nhiên lớn lao về cái điều là 5 thế kỷ trước Chúa Giê-Su (Christ) ra đời, đức Thế Tôn đã dạy tất cả những lời khuyên đạo đức căn bản của Thiên Chúa Giáo...

Thi phẩm “Ánh sáng Á Châu” sau 8 năm ra đời, lần đầu tiên được bác sĩ Arthur Pfungst, một sinh viên Phật Giáo, dịch ra tiếng Đức từ ấn bản thứ 24 của tiếng Anh; và dịch bản này đã phát hành tại Leipzig (trung nam Đông Đức) vào năm 1887 với sự hưởng ứng tìm đọc của đa số dân chúng bấy giờ. Năm 1891, bản dịch Đức ngữ thứ hai do Konrad Wernicke thực hiện, có thêm lời chú thích. Cuốn sách đã được Albrecht Schaeffer dịch ra tiếng Đức lần thứ ba mang tựa đề: “Das Kleinod in Lotos”, xuất bản năm 1923. Thi phẩm này cũng đã được dịch ra tiếng Hòa Lan năm 1895, tiếng Pháp năm 1899, tiếng Tiệp Khắc năm 1906, tiếng Ý năm 1909, và sau đó là tiếng Thụy Điển và thế giới ngữ (Esperanto).

Tác phẩm “Ánh sáng Á Châu” đã được quay thành phim tại Ấn Độ với sự giúp đỡ cung cấp các vật dụng cần dùng cho việc đóng phim như y phục, voi, lừa và ngựa của vị Đại Vương thị trấn Jaipur, thủ phủ của tiểu bang Rajasthan, miền tây bắc Ấn. Cuốn phim đã được chiếu tại Boston (Hoa Kỳ) năm 1929. Cuốn sách cũng đã được bà G. Jones Walton ở Mỹ viết thành kịch và lần đầu tiên năm 1918 được trình diễn tại California, kéo dài liên tiếp trong 35 đêm. Ngoài ra, thi phẩm cũng đã được phổ thành nhạc. Tất cả những phim kịch bản và nhạc khúc này đã được chuyển âm, dịch ra hơn 7 thứ tiếng Châu Âu, nhờ vậy mà Phật Giáo ngày càng được nhiều người biết đến ở Tây Phương. Năm 1879, vua Thái Lan Rama V (Chulalongkorn, trị vì: 1868-1910) đã viết thư cám ơn và tán dương công đức đóng góp truyền bá Phật Giáo của Arnold qua tác phẩm “Ánh Sáng Á Châu” (The Light of Asia), và đức vua đã cấp thưởng cho ông một huân chương “Bạch Tượng” (White Elephant).

Những Nhà Phê Bình Về Tác Phẩm “Ánh Sáng Á Châu”

Một thời gian sau khi cuốn “Ánh Sáng Á Châu” (The Light of Asia) của Arnold ra đời, ảnh hưởng của nó thật to lớn, nhiều nhà bình luận đương thời đã lên tiếng khen lẫn chê về tác phẩm này.

Trước hết, nhà văn Mỹ Oliver Wendell Holmes (1809-1894), giáo sư dạy đại học Harvard (Hoa Kỳ) đã đề cao giá trị của tác phẩm như cuốn Tân Ước Kinh (New Testament) của Thiên Chúa Giáo. Richard Henry Stoddard đã so sánh thơ của Arnold với các thi hào Anh quốc như C.G. Rossetti (1830-1894) và A. C. Swinburne (1837- 1909) v.. v..

Người đã tấn công mạnh nhất xem cuốn “Ánh sáng Á Châu” như một tài liệu chống đạo Thiên Chúa (antichrist) là W.C. Wilkinson. Trong tập sách “Edwin Arnold as Poet- izer and Paganizer” (Arnold, nhà thơ và kẻ theo tà đạo), ông viết: “Sự xuất bản tác phẩm của Arnold đã xảy ra cùng lúc với việc phát triển, cả tại Hoa Kỳ và Châu Âu, về tánh hiếu kỳ và lòng ham thích muốn tìm hiểu các tôn giáo vô thần, đặc biệt nhất là Phật Giáo. Ánh Sáng Á Châu đã đáp ứng tốt đẹp khát vọng nhất thời này của người Tây Phương. Vì thế, tôi nghĩ rằng cuốn sách sẽ được nhanh chóng phổ biến cho người Mỹ tìm đọc. Và ông Arnold hẳn nhiên, do bởi thiên tài hoặc may mắn, đã vượt trội hơn những tác giả khác, trong phương cách mở rộng sự thu hút các độc giả Hoa Kỳ chuẩn bị tiếp nhận đầy thiện cảm giáo lý của đức Phật...

Và ông Samuel Kellogg cũng báo động về sự ấn hành cuốn “Ánh Sáng Á Châu”. Trong tập sách ông viết nhằm chống lại điều gọi là “Sự đe dọa của Phật Giáo” (The Buddhist Menace), Kellogg trình bày: “Sự ham thích nghiên cứu đạo Phật của số người trí thức tại các quốc gia theo thiên chúa giáo là một trong những hiện tượng tôn giáo đặc biệt và hấp dẫn của thời đại chúng ta. Tại Hoa Kỳ, sự hâm mộ này chỉ có giới hạn nơi một số người tự nghĩ rằng họ hiểu biết chút ít về Phật Giáo, nhưng từ năm 1879 sau khi ông Arnold cho ấn hành cuốn Ánh Sáng Á Châu’, mức độ quần chúng muốn hiểu biết Phật Pháp đã gia tăng. Nhiều người... đã bị lôi cuốn bởi những vần thơ hay đẹp đầy quyến rủ của Arnold. Sự phát hành những ấn bản rẻ mạt của tập sách, chỉ bán có vài xu một cuốn, đã khiến cho đại đa số quần chúng chưa biết gì về đạo Phật, nay họ chú ý nhiều hơn đến tôn giáo này...

Nhưng Arnold chẳng cần để ý gì đế sự phê bình chỉ trích khen chê của thiên hạ, vì tự biết rằng đã có số đông nhiệt tình ủng hộ tìm đọc thi phẩm của ông.

Viếng Thăm, Thuyết Giảng Phật Giáo Tại Các Nước Á Châu. Góp Phần Tranh Đấu Giành Lại Chủ Quyền Thánh Tích Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) Tại Ấn Độ.

Sự thành công rực rỡ của tác phẩm “Ánh Sáng Á Châu” đạt đến cao điểm của nó với nhiều người tìm đọc là vào giữa năm 1884 và 1885. Nhờ vậy mà Phật tử khắp nơi trên thế giới đã ca tụng xem Arnold như nhà vô địch truyền bá đạo Phật lúc bấy giờ. Ông được các tổ chức Phật Giáo tại Ấn-Độ, Tích Lan, Miến Điện và Thái Lan mời sang thăm để thuyết giảng về đạo Phật. Arnold đã đến chiêm bái các Phật tích Ấn Độ như vườn Lộc Uyển (Sarnath), nơi đức Phật thuyết Pháp đầu tiên và Bồ Đề Đạo Tràng, nơi đức Phật thành Đạo. Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) từ cuối thế kỷ 16 về trước thuộc quyền kiểm soát của Phật tử, nhưng vào lúc Arnold đến viếng, thánh địa này lại nằm trong tay chiếm đoạt của các ông Mahant theo Ấn Độ Giáo. Đại Đức Tích Lan Ana- garika Dharmapala (1864-1933) đầu tiên đến chiêm bái Bồ Đề Đạo Tràng năm 1891 thấy tình trạng đau lòng như vậy nên đã phát nguyện quyết tâm tranh đấu gianh lại chủ quyền thánh địa này cho các Phật tử.

Năm 1893, Arnold đã hưởng ứng tiếp tay với Đại Đức Dharmapala bằng cách viết một bài báo mang tựa đề: “East and West: A Spendid Opportunity (Đông và Tây: Một Cơ hội Thuận lợi) và cho đăng trên nhật báo “Điện Tín Hằng Ngày (The Daily Telegraph) của ông, nhằm đưa vấn đề trên ra trước dư luận Phật Giáo thế giới và ủng hộ lập trường của ngài Dharmapala, là cương quyết yêu cầu các ông Mah- ant (theo Ấn Giáo) phải hoàn trả quyền làm chủ, kiểm soát thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng cho các Phật tử. Sau đó, để rộng đường dư luận, bài báo đã được tái đăng ở tập san “East and West” (Đông và Tây) và tạp chí Phật Giáo của Hội Ma Ha Bồ Đề (The Maha Bodhi Society), phát hành tại Calcutta, thủ đô của tiểu bang West Bengal (miền đông Ấn Độ).

Từ Ấn Độ, Arnold qua thăm Tích Lan (Sri Lanka) và mang theo mấy chiếc lá bồ đề ông hái từ cây Bồ Đề chính ở Bồ Đề Đạo Tràng. Nơi đầu tiên ông đến viếng là thị trấn Pan- adura, tại đây Arnold được nhà sư kiêm học giả tiếng Pali, thượng tọa Sumangala cùng với hàng ngàn chư Tăng, thiện nam tín nữ đón tiếp vô cùng trọng thể. Trong bài diễn văn chào mừng của các đoàn thể Phật Giáo Tích Lan, có đoạn viết: “Sự xuất hiện của học giả Arnold đã làm lu mờ danh tiếng của các nhà trí thức khác như ngọn núi kim cương đã che khuất sự rực rỡ, chói sáng của các loại đá quý thường”. Sau hai giờ thảo luận với Thượng Tọa Sumangala, nhà lãnh đạo Phật Giáo cao cấp của Tích Lan, Arnold đã trình bày về tình trạng đáng buồn xảy ra ở Bồ Đề Đạo Tràng và góp ý vấn đề cần được giải quyết êm đẹp giữa các ông Mahant (Ấn Giáo) với chính quyền Ấn Độ. Ông cũng đề nghị nên đặt chùa Bồ Đề Đạo Tràng dưới sự quản trị của một Hội Đồng gồm nhiều đại diện các quốc gia Phật Giáo.

Sau cùng, đáp lời thỉnh cầu của chư Tăng và Phật tử Tích Lan, qua nhật báo “Điện Tín Hằng Ngày” của mình, Arnold đã đạo đạt ý kiến trên lên quý ông thống đốc của Tích Lan và tiểu bang Madras (miền nam Ấn Độ).

Từ Panadura, Arnold trở lại Colombo (thủ đô Tích Lan) thăm trường đại học Đông Phương Vidyodaya Pirivena, tại đây ông được các học giả, chư Tăng và đông đảo thiện nam tín nữ, trong đó có đại tá H.S. Olcott (1832-1907), một Phật tử Hoa Kỳ, niềm nở tiếp đón. Sau đó, Arnold đến thăm Kan- dy (miền trung Tích Lan), nơi có chùa thờ xá lợi “Răng của Phật”. Tại đây, ông cũng được chư Tăng và dân chúng Phật tử nhiệt liệt chào mừng vô cùng cảm động. Ông đã tặng cho chùa Kandy những lá bồ đề ông mang qua từ Ấn Độ. Những lá bồ đề này được đặt trong một cái hộp bằng vàng cho Phật tử lể bái suốt tuần lễ. Đáp lại, các thượng tọa chùa Kandy đã tặng ông một bình bát và một chiếc y màu vàng.

Arnold đầu tiên qua thăm Nhật Bản vào năm 1889. Trong một buổi diễn thuyết tại đây, ông đã kêu gọi Phật tử Nhật nên lưu tâm đến những quyền lợi thiêng liêng của Phật tử tại các thánh tích Phật Giáo ở Ấn Độ, và sau đó một Hội Phật giáo đã được thành lập tại Nhật nhằm hoạt động cho quyền lợi của Bồ Đề Đạo Tràng. Lần thứ hai, Arnold trở sang thăm Nhật vào năm 1892. Trong một buổi họp mặt đông đảo, ông tuyên bố rằng ông sẵn sàng hy sinh, cả mạng sống nếu cần, cho quyền lợi thiêng liêng của đất thánh Phật Giáo. Arnold đề nghị Hội Phật Giáo Nhật Bản nên mua đất lập chùa và gửi chư Tăng qua thường trú tại Bồ Đề Đạo Tràng. Đặc biệt, nhân dịp trở qua Nhật lần này, Arnold đã làm lễ kết hôn với một cô gái Nhật trẻ đẹp mới 20 tuổi tên Tama Kurokawa. Sau đó, ông đưa cô ta về sống ở Luân Đôn chung với gia đình mấy người con của ông.

Du Thuyết Tại Hoa Kỳ

Do lời mời của Charles William Eliot (1834-1926), viện trưởng đại học Harvard ở Boston (tiểu bang Massachussetts), Arnold đã qua thăm Hoa kỳ vào ngày 22 tháng 8 năm 1889. Trong dịp này, ông đã đến thăm tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn, tại đây Arnold được Benjamin Harrison (1833-1901), vị tổng thống thứ 23 của Hoa kỳ tiếp đón trọng thể. Sau đó, ông đến thăm đại thi hào Mỹ Walt Whitman (1819-1892) ở Philadelphia, lúc ấy đã già, và Arnold có đọc lên cho Whitman nghe một vài trang trong thi phẩm “Ánh Sáng Á Châu” của ông. Cuối tháng 9, Arnold đến thăm ông viện trưởng đại học Harvard C.W. Eliot và gặp các nhân vật nổi tiếng của Hoa kỳ như các ông Oliver Wendell Holmes (1841-1935), nhà văn kiêm giáo sư đại học Harvard, đại thi hào J.G. Whittier (1807-1892) v.. v.. Tháng 10 năm 1889. Arnold được mời thuyết giảng hai lần ở Sand- ers Theatre tại đại học Harvard, một hôm về đề tài triết lý Áo Nghĩa Thư (Upanishads) và ngày khác về tư tưởng triết học trong Đại Thi Tập Mahabharata của Ấn Độ.

Cuối năm 1891, Arnold trở qua thăm Hoa kỳ lần thứ hai trong chuyến du thuyết do James Burton Bond tổ chức. Ông được mời thuyết trình ở Hàn Lâm Viện âm nhạc ở Philadel- phia. Buổi nói chuyện của ông kéo dài hai tiếng rưởi đồng hồ, có rất đông người đến dự thính. Tiếp đến, ông đi giảng ở New York, Boston, Cambridge rồi trở lại Philadelphia. Ban đầu ông dự tính sẽ thuyết trình khoảng 50 bài giảng, sau thể theo lời yêu cầu của thính giả, ông có ý định sẽ tăng số bài thuyết giảng lên đến 100. Tuy nhiên, sau đó vì sức khỏe kém, ông không thể tiếp tục cuộc du thuyết nên đành bỏ dở nửa chừng. Cuối cùng, trước khi rời Mỹ, Arnold đã ghé lai chơi vài ngày với người bạn triệu phú của ông là Andrew Carn- egie (1835-1919).

Những Đóng Góp Văn Hóa

Ngoài thi phẩm nổi tiếng “Ánh Sáng Á Châu”, Arnold còn là bút giả của những tập thơ và tác phẩm giá trị dưới đây:

- 1852: Thi tập “The Feast of Belshazzer” (Buổi tiệc của Belshazzer)

- 1853: Poems Narrative and Lyrical (Những vần thơ tự thuật và trữ tình).

- 1875: The Indian Song of Songs (Những bài ca Ấn Độ)

- 1881: Indian Poetry (Thi Ca Ấn Độ)

- 1891: The Light of the World (Ánh Sáng của Thế Giới)

- 1891: Seas and Lands (Biển Cả và Đất Liền)

- 1893: Adzuma, a Japanese Tragedy (Adzuma, thảm kịch của Nhật Bản).

Arnold còn viết thiên khảo luận về “Nền giáo dục ở Ấn Độ” (Education in India), một bộ sử gồm hai tập về “Tổ chức hành chánh của Lord Dalhousie (1812-1860)”, vị phó vương của Ấn Độ. Ông cũng soạn cuốn “Văn phạm tiếng Thổ Nhĩ Kỳ” (Turkish Grammar) vào năm 1877, và dịch từ tiếng Phạn (Sanskrit) tập tiểu luận về các thi hào Hy Lạp (Greek Poets) v.. v..

Sự đóng góp phong phú và đa dạng của Arnold vào những công trình khảo cứu và kiến thức của nhân loại đã giúp ông đạt được sự khâm phục và kính trọng của nhiều nhân vật danh tiếng bấy giờ như nữ hoàng Victoria (1819-1901) của Anh quốc cùng vua các nước Ba Tư (Persia), Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản v.. v..

Những Ngày Cuối Cùng

Sau bao nhiêu năm hoạt động cho nền báo chí, văn học nghệ thuật và lý tưởng Phật Giáo, không ngừng du thuyết khắp nơi để gieo rắc ánh đạo vàng của đức Thế Tôn đến với mọi người từ Âu sang Á, Arnold đã ngã bệnh trong vòng một tuần lễ. Sau đó, sức khỏe của ông sa sút lần đến ngày 24 tháng 3 năm 1904, ông từ trần một cách an lành tại Luân Đôn (Anh quốc), hưởng thọ 72 tuổi. Trước khi mất, Arnold dặn người thân là nên hỏa táng, vì ông muốn được cảm thấy thân xác mình từ từ trở thành tro bụi trong thế giới vô thường khổ đau mà mọi người ai cũng phải một lần lìa bỏ để vĩnh viễn ra đi.

Đại thi hào Arnold hiện nay đã không còn ở thế gian này với chúng ta, nhưng sự nghiệp hoằng pháp to lớn qua tác phẩm “Ánh Sáng Á Châu” (The Light of Asia) nổi tiếng của ông, đã bất diệt đi vào lịch sử Phật Giáo nói riêng cũng như văn hóa nhân loại nói chung. Những người con Phật hôm nay, dù Âu Mỹ hay Á Châu, không ai có thể phủ nhận giá trị đóng góp của Arnold cho việc truyền bá giáo lý đức Phật đến với mọi người vào giai đoạn mà Phật Giáo vẫn còn mới mẻ, xa lạ đối với đa số dân chúng Tây Phương khi ông ta sáng tác thi phẩm “Ánh Sáng Á Châu” này. Với sự qua đời của Edwin Arnold bấy giờ, nhân loại thực sự đã mất đi một nhà thơ, nhà văn, ký giả tài ba lỗi lạc; và thế giới Phật Giáo vắng bóng một đạo hữu chân thành, một vị hộ pháp trung kiên, đắc lực, đã đem hết thi tài của mình để góp phần xây dựng, phục vụ cho đạo pháp và chúng sanh.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn