Phật Giáo Ấn Độ Thời Phục Hưng

01 Tháng Mười Một 201300:00(Xem: 5645)

LỊCH SỬ PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ
Tác giả: MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH

Phật Giáo Ấn Độ Thời Phục Hưng

 

Sau khi xâm lăng Ấn Độ lập nên đế quốc Hồi giáo từ đầu thế kỷ XII, Phật giáo gần như hoàn toàn bị tiêu diệt ở đây. Cho mãi đến đầu thế kỷ IXX, người châu Âu tìm đến, đầu tiên là Bồ-đào-nha, Hà Lan rồi Pháp. Người Anh tuy đến sau nhưng họ đã thống trị toàn diện và lập nên nhà nước Anh-Ấn vào năm 1877, do Nữ hoàng Victoria cử quan toàn quyền đến cai trị thuộc địa.

Dưới sự lãnh đạo của thánh Gandhi, đến năm 1948, Anh phải nhượng bộ, trao trả quyền độc lập cho dân Ấn. Nhờ chủ trương sáng suốt và ôn hòa, thánh Gandhi đã kết hợp tư tưởng Ấn Độ giáo và Phật giáo, lấy tinh thần “bất bạo động, bất hợp tác”, đoàn kết toàn dân, đấu tranh mà không đổ máu. Thánh Gandhi thường nêu dẫn tinh thần Từ bi, không tổn hại của đức Phật và thông điệp “bất sát” của vua Asoka trong những bài diễn thuyết của mình. Nhờ sức mạnh tinh thần ấy, không gươm đao, vũ khí, không giết hại, không hận thù – thánh Gandhi đã trở thành biểu tượng tâm linh thời đại, đưa dân tộc mình thoát khỏi vòng nô lệ, duy nhất trên thế giới, mà không sử dụng súng đạn. Một năm trước khi Ấn Độ được độc lập, do sự xung đột gay gắt giữa Ấn Độ giáo và Hồi giáo mà lãnh thổ Ấn Độ phải phân chia; nước Pakistan là của Hồi giáo, phần còn lại là của Ấn Độ giáo, dưới sự giám sát của chính phủ Anh.

Sau thời Gandhi và sau khi nhà nước Hồi giáo được tách ra, người Ấn Độ giáo dường như không còn xem Phật giáo là thù địch nữa. Điều đó cũng dễ hiểu, đã nhiều thế kỷ rồi, người Ấn Độ dường như quên hẳn đức Phật. Hình bóng ngài chỉ còn hiện hữu đâu đó trên những trang sách nghiên cứu của các học giả Ấn, một số tri thức văn-triết-sử hoặc từ cửa miệng của các bậc lãnh tụ. Thủ tướng J.Nê-ru, bậc lãnh đạo uy tín của đất Ấn thường tuyên bố: “Đức Phật là người con tinh hoa của đất mẹ Ấn Độ”, hoặc: “Ấn Độ là tổ quốc của đức Phật. Đạo Phật là đạo của hòa bình. Để khỏi hổ thẹn với đức Phật, mỗi người dân Ấn chúng ta phải là một Phật tử, phải biết đem rao giảng giáo lý hòa bình ấy đi khắp trên thế giới”.

Nói tóm lại, Phật giáo Ấn Độ có dấu hiệu phục hưng, không phải bây giờ mà từ những năm tháng trước và trong khi đang ở dưới sự thống trị của đế quốc Anh. “Ánh sáng Phật giáo đã làm một cuộc viễn du ngoạn mục, nó lan tỏa khắp thế giới rồi chiếu dọi trở về cố quốc”.

 

1. Những công trình nghiên cứu, dịch thuật của các học giả phương Tây

Trong khi người Anh đô hộ Ấn Độ và Srilaṅca, người Tây phương đã thường lui tới hai xứ sở này để nghiên cứu nền văn hóa bản địa. Họ là những học giả, những sử gia, những nhà khảo cổ. Tiêu biểu là những vị ra mắt công trình dịch thuật của mình ở thế kỷ IXX.

1.1. George Turnour

Ông nghiên cứu ở Srilaṅca rồi công bố một ấn bản và một bản dịch tiếng Anh quan trọng thuộc văn hệ Pāḷi, đó là cuốn biên niên sử Srilaṅca, có tên là Mahāvaṃsa (Đại sử), xuất bản năm 1837. Theo đó người Tây phương bắt đầu biết đến một vị minh quân ở Ấn Độ có tên là Asoka, đã có công rất lớn với đảo quốc này. Nhờ vậy mà sau này, các nhà khảo cổ, trong đó có James Priusep đã đến Ấn Độ để nghiên cứu, tìm cách đọc các bia ký bằng tiếng Pāḷi của vua Asoka.

1.2. Giáo sư Vincent Fausboll

Một học giả xuất chúng khác, đã tung ra một ấn bản Pāḷi và một bản dịch bằng tiếng La-tinh bộ kinh Pháp cú vào năm 1855. Ông còn dịch ra tiếng Anh trọn bộ “Tập bộ kinh”, 6 tập “Túc sanh truyện” đều là những công trình tổn sức, dài hơi.

Song song với kinh điển bằng văn hệ Pāḷi kể trên, một số học giả khác phiên dịch những kinh điển thuộc văn hệ Saṅskrit.

1.3. B.H. Hodgson

Nghiên cứu bộ sưu tâp các kinh sách Phật giáo thuộc văn hệ Saṅskrit được tìm thấy ở Népal – nhà học giả này đã công bố chúng trong các thư viện ở châu Âu và Ấn Độ vào các năm 1821 – 1841.

1.4. Engene Burnouf

Nhờ sự công bố rộng rãi của Hodgson mà Engene Burnouf nghiên cứu các văn hệ Pāḷi, Saṅskrit, Tây Tạng – để rồi sau đó, ông viết một quyển sách nổi tiếng: “Giới thiệu lịch sử Phật giáo Ấn Độ”, xuất bản năm 1844. Burnouf đã có cái nhìn khái quát, xác đáng, khách quan, trung thực về văn học Ấn Độ; đồng thời, ông còn làm sáng tỏ mối quan hệ giữa Pāḷi và Saṅskrit. Burnouf còn có những bài viết bằng tiếng Anh, nhận xét về “Bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh”, “Nhập Lăng-già kinh”. Ông cũng có một văn bản dịch bằng tiếng Pháp bộ “Diệu pháp liên hoa kinh”, xuất bản năm 1852.

1.5. Hermann Oldenberg

Ông là người có công đức rất lớn phổ biến kinh điển văn hệ Pāḷi trên khắp thế giới. Công trình lớn nhất của ông là dịch bộ Luật Tạng Pāḷi, và, bài giới thiệu uyên bác của ông đã nâng bộ luật lên tầm quan trọng trong việc tìm hiểu đời sống Tăng-già thời đức Phật. Bộ Luật Tạng này được xuất bản từ năm 1879 – 1883. Trong đó, các bộ Giới bổn (patimokkha), Đại phẩm (mahāvagga), Tiểu phẩm (cullavagga) là các bản dịch tiếng Anh với sự cộng tác của giáo sư Rhys Davids – ngay sau đó được đưa vào bộ sách: “Thánh thư phương Đông”, xuất bản năm 1881 – 1885.

Hermann Oldenberg còn rất nhiều công trình quan trọng khác nữa. Quyển “Đức Phật” dịch ra tiếng Anh năm 1882, đã trở thành quyển sách giáo khoa đầu tiên ở châu Âu, được căn cứ hoàn toàn trên văn hệ Pāḷi. Các bộ Trưởng lão Tăng kệ, Trưởng lão Ni kệ xuất bản năm 1883. Bộ “Đảo sử” xuất bản năm 1897…

1.6. Giáo sư Rhys Davids

Ông là người sáng lập “Hội thánh điển Pāḷi” (Pāḷi Text Society) và rồi như sau đó, đã dành suốt cuộc đời phiên dịch Tam Tạng Pāḷi ra tiếng Anh để công bố rộng rãi khắp thế giới.

Năm 1864, giáo sư Rhys Davids là một công chức tại Srilaṅca, ông học tiếng Pāḷi với một vị Thượng tọa và thường lui tới các trung tâm Phật giáo ở thủ đô Colombo để học hỏi và nghiên cứu giáo lý này. Năm 1872, về lại Anh quốc, ông miệt mài nghiên cứu các công trình của Fausboll, của Oldenberg… Năm 1879, ông xuất bản bản dịch tiếng Anh cuốn “Truyện đản sanh đức Phật”. Sau đó, cùng Oldenberg, hợp tác phiên dịch các bộ thuộc Luật tạng – như đã nói ở trên. Năm 1881, ông sáng lập Hội thánh điển Pāḷi nhằm xuất bản, phổ biến rộng rãi những dịch phẩm của ông cũng như các học giả khác từ Tam Tạng Pāḷi văn. Cũng trong năm này, Rhys Davids được mời sang giảng dạy tại Châu Mỹ. Ở đây, ông long trọng tuyên bố trước hàng thức giả cử tọa, rằng là “Bộ thánh điển Pāḷi của Phật giáo là những văn kiện quan trọng của lịch sử tư tưởng thế giới, đặc biệt là về lịch sử tôn giáo minh triết Đông phương”. Cả phương Đông, phương Tây và thế giới ủng hộ ông, nhiều học giả kiệt xuất sốt sắng giúp đỡ ông hoàn thành sự nghiệp vĩ đại và cao quý này. Suốt 41 năm còn lại của cuộc đời, ông dành hết thời giờ cho Hội thánh điển Pāḷi. Cái nhìn thiện cảm của ông đối với Phật giáo và sự nhiệt tình hy hữu đối với gia tài tinh thần nhân loại đã khiến ông trở thành “nhân vật số một” của thời đại trong lãnh vực chuyên biệt này.

Hiện nay trên thế giới, người Tây phương biết đến Phật giáo, nghiên cứu Phật giáo đều lấy kinh sách của Hội thánh điển Pāḷi làm sở y. Ngoài ra không biết bao nhiêu kinh sách và dịch phẩm đã được hội xuất bản. Tác phẩm vĩ đại đắc ý cuối đời ông là bộ từ điển Pāḷi-Anh cùng soạn chung với tiến sĩ William Stede – thay thế quyển cũ của Childers đã lỗi thời. Ông sống cho đến khi nhìn thấy được 3/4 bộ từ điển vĩ đại này được xuất bản, năm 1922, mới yên tâm nhắm mắt. Người bạn cộng sự xuất sắc của ông, tiến sĩ Stede, hoàn thành 1/3 còn lại, in năm 1925.

Sự nghiệp nghiên cứu văn hệ Pāḷi của giáo sư Rhys Davids thật phi thường và độc đáo, có một không hai trong lịch sử Phật giáo vậy. Tuy nhiên, bên cạnh ông, bà C.A.F Rhys Davids cũng là một học giả thông thái, một cộng sự viên đắc lực đem đến vinh quang cho chồng mình. Năm 1922, sau khi Rhys Davids qua đời, bà điều hành công việc của Hội, vượt bao trở ngại khó khăn để hoàn thành tâm nguyện cho chồng. Ngoài công việc điều hành, quản lý, bà còn biên tập lại hằng chục bộ sách lớn mà chồng bà chưa làm kịp. Ví dụ, biên tập lại cho dễ hiểu các bộ sách thuộc Abhidhamma như Vibhaṅga, Paṭṭhana, Yamaka, Dhammasaṅgaṃ-saṅghaha… Công trình phiên dịch của bà, như bộ “Trưởng lão Ni kệ” được đánh giá là giọng văn có nét trữ tình, giàu cảm xúc nữ tính rất hợp với chủ đề. Dịch phẩm “Tương ưng bộ kinh” cũng là một tuyệt tác của văn học dịch. Ngoài ra, bà còn dịch nhiều sách có giá trị về việc đánh giá tư tưởng Phật giáo và nguồn gốc của Phật giáo. Luôn với một giọng văn nhẹ nhàng, uyển chuyển, điềm đạm nhưng với một đức tin sâu sắc, từng chữ từng câu… đi vào lòng người, mang đậm dấu ấn, phong cách của một thiện trí thức giữa cuộc đời này. Bà mất năm 1942, và Hội thánh thư Pāḷi của vợ chồng bà đã chinh phục trí thức, học giả nhiều châu lục, nhiều thời đại.

 

2. Những người có công trực tiếp về việc phục hưng Phật giáo Ấn Độ

Nhờ các công trình phiên dịch rầm rồ của các học giả phương Tây và Hội thánh điển Pāḷi ra đời cùng với uy tín của dịch giả và dịch phẩm – đã thức tỉnh thế giới phải nghiên cứu về Phật giáo. Phải kể là có đến hàng chục học giả hữu danh, trong suốt một thế kỷ, đã nghiên cứu kinh điển các văn hệ Pāḷi, Saṅskrit, Tây Tạng; cho ra đời hằng trăm dịch phẩm, liên hệ hằng chục hệ phái của Phật giáo Theravāda, Mahāsaṅghika và cả Mahāyāna. Nhưng những người có công trực tiếp phục hưng Phật giáo tại Ấn Độ, tiêu biểu có những học giả sau đây:

- Ông Alexandre Cunnigham là người có tầm hiểu biết sâu rộng về nền văn hóa cổ xưa của Ấn Độ, kể cả phong tục tập quán địa phương. Chính ông đã tìm lại nguồn gốc từng địa danh của Phật giáo rồi công bố cho thế giới được biết. Ông đã giải thích từng thánh tích và giới thiệu chúng với từng chi tiết lịch sử liên hệ.

- Ông Edwin Arnold là người viết lại cuộc đời đức Phật trong cuốn Light of Asia (Ánh sáng Đông phương), đã làm va động tâm thức và xúc động trái tim của hàng chục triệu người trên thế giới. Cuốn sách này mở ra một thế giới tâm linh thiêng liêng, dường như còn ẩn tàng đâu đó trên xứ sở huyền bí này, bắt người ta phải đổ xô tìm về Ấn Độ.

- Học giả Max Muller, người Đức, ông đã soạn rất nhiều bộ sách Phật học, để cung cấp những tài liệu Phật học đáng kể đến các học giả và giới Phật giáo đồ.

Tuy nhiên, người có công đức lớn nhất cho Phật giáo Ấn Độ, lại là cư sĩ Anāgārika Dhammapāla, người Srilaṅca.

2.1. Anāgārika Dhammapāla

Ông thuộc gia đình truyền thống Phật giáo nhiều đời ở Colombo, Srilaṅca. Vì sống vào thời đô hộ của Anh nên thuở nhỏ ông phải vào học trường dòng của Thiên chúa giáo. Tuy nhiên, tư tưởng hữu thần của tôn giáo xa lạ này chẳng ảnh hưởng gì đến ông cả, mặc dầu ông cũng đọc kinh cầu nguyện Chúa hằng ngày như mọi người.

Nhân khi đại tá Henry Steet Scott, người Mỹ, qua Srilaṅca để chấn hưng Phật giáo ở đây, Dhammapāla tình nguyện xin được làm phụ tá. Tuổi thanh niên của Dhammapāla, đã có một tâm đạo rất vững chắc, ngoài việc giúp đỡ đắc lực cho đại tá Scott, ông còn để tâm nghiên cứu Phật học ngày một uyên thâm. Tâm nguyện của ông, sau này là phải nối gót Scott, không những phục hưng Phật giáo Srilaṅca mà còn phục hưng cả Phật giáo Ấn Độ nữa.

Năm 1891, 29 tuổi, nghĩ mình đã bằng tuổi đức Phật thuở xuất gia, Dhammapāla sang Ấn Độ, bắt đầu sự nghiệp phục vụ hợp với sở nguyện của mình. Đầu tiên, đến Lộc Uyển, nơi Phật Chuyển Pháp Luân, ông đau lòng đến rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh điêu tàn nơi thánh địa này. Đến Bodhi-Gayā, nơi Phật Thành Đạo, ông thấy được cây Bồ-đề cùng ngôi tháp cũ xưa cao to, uy nghiêm, lừng lững; cảnh sinh tâm, quỳ xuống, ông phát lời thệ nguyện: “Uy nghiêm, cao cả thay là thánh tích. Đây là một thắng cảnh hy hữu không đâu trên thế giới có thể so sánh được. Mỗi Phật tử chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, duy trì; lúc đủ duyên hãy dâng lại cho các bậc tu hành tôn túc. Không thể để cho thánh địa vĩ đại này phải điêu tàn thêm nữa”(1).

Rồi Dhammapāla lấy ngày ông chiêm bái (21/01/1891) làm ngày kỷ niệm phực hưng Phật giáo Ấn Độ. Năm 1892, ông đến Calcutta diễn thuyết với đề tài: “Sự quan hệ giữa Phật giáo và Ấn Độ giáo”. Đồng thời, ông cho phát hành tờ “Bồ Đề tạp chí” (Bodhi journal) làm cơ quan truyền bá Phật giáo và liên lạc với Phật giáo đồ các nước trên thế giới, kêu gọi sự ủng hộ “Phục hưng Phật tích tại Ấn Độ”. Cũng trong năm này, Hội Thánh điển Pāḷi lập chi nhánh ở đây được chính quyền địa phương hết lòng giúp đỡ.

Mấy năm sau, Dhammapāla đi Nhật Bản, Hawai, Hoa Kỳ, Châu Âu… để bắt nhịp cầu liên lạc cho một sự hộ trì có kết quả thiết thực hơn. Trở lại Ấn Độ, ông sáng lập “Hội Đại Bồ Đề Ấn Độ” (Mahābodhi Society of India). May mắn thay, ông nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người hảo tâm, như bà Mary Footer, người Hawai, giúp đỡ tài chánh, F.S. Olcott, người Mỹ, bà E.V. Vlavaski, người Nga, ông Kojen Gunaratna, người Nhật… đều là những cộng sự đắc lực thuộc nhiều lãnh vực.

Dhammapāla thường đi diễn thuyết nhiều nơi trên đất Ấn, biết họ đa phần là người Ấn Độ giáo, nhưng Phật giáo cũng cùng một gốc nguồn, một quê hương; nên ông tuyên bố rất tình cảm, rất xúc động: “Phật giáo của quê hương Ấn Độ chúng ta đã lưu lạc tha phương ngót 800 năm; ngày nay, Phật giáo đã trở lại cố quốc, là niềm an ủi lớn lao cho tất cả chúng ta. Ngay lúc này đây, người dân Ấn phải thức tỉnh, phải vươn lên mọi định kiến giai cấp và tín điều; chỉ với một mục đích duy nhất là cùng với Hội Đại Bồ Đề, đem giáo lý của đức Phật tặng lại cho nhân dân Ấn Độ”.

Suốt gần 40 năm tận tụy với công việc truyền bá giáo lý, đào tạo nhân tài, xây dựng cơ sở, cơ cấu những phân chi hội, tạo mọi điều kiện dễ dàng cho khách hành hương đến thăm viếng Phật tích; lúc đã già, vào ngày 13/07/1930, ông mới chính thức xuất gia tỳ-khưu. Ngày 28/04/1933, ông an tâm nhắm mắt lìa đời, nhưng công đức phục hưng Phật giáo Ấn Độ của ông sẽ còn mãi trong lòng Phật tử năm châu và trong sự biết ơn của người dân Ấn. Hội Đại Bồ Đề của Dhammapāla còn được kế thừa và duy trì cho đến ngày nay.

2.2. Dr. Ambekar (Tiến sĩ An-bồi-khắc)

Vốn sinh ra trong gia đình tiện dân, nên thuở nhỏ, Ambekar đã chịu đựng mọi sự kỳ thị giai cấp bất công, bị tủi nhục và bị ngược đãi, chèn ép. Ông đã vô cùng cay đắng và bất mãn sâu sắc những tín điều áp đặt, hệ thống giai cấp thiếu nhân tính của Ấn Độ giáo. Có một giáo sĩ Cơ Đốc giáo nhìn thấy tư chất sáng láng, sắc bén và nhanh nhạy của Ambekar, nghĩ rằng có thể đào tạo ông trở thành một tín đồ Cơ Đốc giáo trung kiên và tài giỏi, nên tạo điều kiện giúp đỡ ông sang du học ở Anh. Sau thế chiến thứ hai, người con trai ưu tú, thông minh của đất Ấn đã không phụ lòng kỳ vọng của mọi người, ông đã lấy luôn năm bằng đại học về các chuyên khoa. Ấn Độ độc lập (từ năm 1948), về nước, Ambekar được trọng dụng ngay, chính phủ bổ nhiệm ông làm Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên. Chính Ambekar là người khởi thảo Hiến pháp mới, cũng là người lãnh đạo trẻ trung đầu tiên của Ấn Độ mới. Ngay chính lúc này, có thực lực, có quyền hành lẫn cả uy tín trí thức, Ambekar muốn cải cách những tệ đoan xã hội thì phải biết dựa vào giáo lý của đức Phật mới phù hợp. Phải chủ trương cả bốn giai cấp đều là công dân Ấn, đều được hưởng mọi quyền lợi và đều bình đẳng như nhau trước pháp luật. Phải nâng đỡ và cứu vớt đám tiện dân nghèo khổ – giai cấp được xã hội coi là thấp kém – đã bị chà đạp, bị nguyền rủa, bị bóc lột nhiều đời. Phải đứng về phía kẻ yếu, chung vai sát cánh với họ bằng tình thương, bằng tâm từ bi của đức Phật như thánh Gandhi đã từng áp dụng trong suốt cuộc đấu tranh của mình.

Đầu năm 1955, Ambekar thay đổi tín ngưỡng, bỏ Cơ Đốc giáo theo Phật giáo. Ông tuyên bố rộng rãi lý do cải đạo của mình, đồng thời khuyến khích mọi người nên theo Phật giáo, nhất là giai cấp tiện dân. Quần chúng xúc động. Vào ngày 14/06/1956, với một nghĩa cử vô cùng cao đẹp trong lịch sử tôn giáo; vợ chồng tiến sĩ Ambekar đã dẫn đầu năm vạn công dân – đông nhất là tiện dân – đến quảng trường rộng lớn hơn 40 mẫu Anh, ỏ thành phố Nagpur, Trung Ấn để cùng quy y Phật đạo. Vị lão sư tôn túc thời ấy là trưởng lão Chandramani Mahāsthavira nổi tiếng đã đại diện Tăng đoàn, chứng minh và làm lễ quy y tập thể đó. Trong hội chúng quy y có những vị trí thức thời danh, như cựu Viện trưởng Pháp viện Cao đẳng, tiến sĩ Niyogi – Viện trưởng Viện Đại học…

Tiếc thay, người Phật tử tri thức trung kiên ấy phục vụ cho chính phủ Ấn, cho dân nghèo, cho Phật giáo không được bao lâu. Như ánh sáng của ngôi sao chổi, lóe lên rồi tắt. Tháng 12 cùng năm, tại Đại hội Phật giáo thế giới lần thứ IV tổ chức ở Népal, tiến sĩ Ambekar vừa đọc xong bài tham luận uyên áo và sâu sắc thì mất. Bộ sách của ông để lại: “Thích-ca và tôn giáo của Người”, đã được Hội nghị Phật giáo toàn Ấn Độ thông qua ngày 24/11/1968 và được dùng làm thánh điển Phật giáo mới của Ấn Độ (2). Cả toàn dân Ấn thương tiếc ông, nhưng xót xa thay, ông không có người kế thừa sự nghiệp. Vợ ông là một tín đồ thuộc giai cấp Bà-la-môn nên những việc còn lại dễ dàng rơi vào quên lãng.

Nói tóm lại, nhờ danh tiếng của những dịch phẩm kinh điển, nhờ âm vang của những công trình đầy tâm huyết của những bậc trí thức nhiều đạo tâm, Phật giáo Ấn Độ đang từng bước phục hồi. Chính phủ Ấn đã cho rải nhựa các con đường đi đến các thánh tích. Các phái đoàn hành hương khắp nơi trên thế giới, mỗi năm đến viếng quê hương Phật ngày càng đông. Nó không những thu hút tín đồ sùng mộ mà lôi cuốn cả những người ngoại giáo, nhà văn, nhà thơ, học giả, sử gia…

Lâm-tỳ-ni (Lumbini)

Nơi Bồ-tát Đản Sanh, địa điểm này nay thuộc nước Népal. Nhiều công trình kiến trúc xưa được tìm thấy, nhất là trụ đá sư tử 4 đầu còn khắc chữ Pāḷi của vua Asoka. Hiện nay Lumbini đã lác đác có các chùa Phật giáo; các nhà khảo cổ đang miệt mài tìm kiếm những di vật thiêng liêng. Nó đang được bảo trì, giữ gìn tôn tạo nhưng vẫn cố gắng không làm mất đi nét cổ kính thiêng liêng.

Bodhi-Gayā (Bồ Đề Đạo Tràng)

Nơi đức Phật thành đạo, phải nói là địa danh thiêng liêng nhất trong lòng Phật tử năm châu. Ngôi Đại tháp Bồ Đề cao gần 50 mét, có nhiều tầng, vẫn nguyên vẹn từ đầu thế kỷ XVII đến nay. Cây Bồ-đề – là cây con đâm nhánh từ cây mẹ – hiện có hàng rào bảo vệ. Xung quanh ngôi Đại tháp còn khá nhiều công trình kiến trúc của nhiều thời đại khác nhau với nét điêu khắc tinh tế, mỹ miều – dấu ấn của triều đại Gupta. Bên cạnh tháp có một ngôi nhà, trở thành kho chứa của những tác phẩm điêu khắc, những chi tiết điêu khắc mỹ thuật rơi rớt lại qua nhiều thời kỳ. Trong vùng kế cạnh, có dấu tích của bảy thánh địa, kỷ niệm bảy tuần – 49 ngày, đức Phật lưu lại sau khi đắc quả Chánh Đẳng Giác.

Hiện nay, xung quanh Bồ Đề Đạo Tràng đã có nhiều ngôi chùa của Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Tạng, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam…

Sarnath (Lộc Uyển, Vườn Nai)

Nơi đức Phật chuyển Pháp Luân, gần Ba-la-nại, có nhiều công trình kiến trúc nguy nga, nhiều tu viện và trụ đá của vua Asoka đã đổ nát. Riêng đầu hình sư tử còn lưu giữ tại viện Bảo tàng khảo cổ gần đấy. Nơi đây còn có một tu viện do hội Đại Bồ Đề xây cất để thờ Xá-lợi Phật.

Kusinārā (Câu-thi-na)

Chỗ đức Phật nhập diệt, cũng là địa điểm đông đúc khách hành hương. Thuở xưa đã mọc lên nhiều điện thờ và nhiều tu viện. Ngọn tháp kỷ niệm của vua Asoka cũng đã bị chôn vùi, chỉ còn một tượng Phật nằm thật lớn – tư thế Phật nhập Niết-bàn – đã đổ nát nhưng đã được phục chế khéo léo. Gò đất nơi nhục thân đức Phật hỏa thiêu, chia tám phần Xá-lợi đã được nghiên cứu, khảo sát một phần.

Ngoài bốn chỗ động tâm trên, các địa điểm quan trọng khác như: Sāvatthi (Xá-vệ) nơi có tịnh xá Kỳ thọ Cấp Cô Độc. Rājagaha (Vương Xá) nơi có Trúc Lâm tịnh xá; Vesāli (Tỳ-xá-ly hay Vệ-xá) với nhiều chùa tháp không sao kể xiết; tu viện Nālanda… đều được các nhà khảo cổ, chính phủ Ấn và thế giới quan tâm, không còn để cho thời gian và con người vô tâm làm cho điêu tàn thêm nữa.

Theo thông tin của Hội Quốc Liên -1957 – tín đồ Phật giáo tại Ấn Độ đã có được bốn triệu người; nửa thế kỷ qua, con số này đã có thể tăng thêm được vài triệu nữa. Đấy là tất cả dấu hiệu đáng mừng của công cuộc phục hưng Phật giáo Ấn Độ vậy.

 

Chú thích:

(1) Phỏng theo “ Phật giáo Đại niên giám Nhật Bổn”.

(2) Xem “ Lịch sử PG thế giới” của pháp sư Thánh Nghiêm – trang 281.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Giêng 2016(Xem: 6062)
Chí nguyện thứ nhất của tôi trong đời sống, như một con người, là thúc đẩy những giá trị nhân bản và những phẩm chất đó của tâm linh là những nhân tố then chốt trong một cuộc sống hạnh phúc, cho dù là một cá nhân, một gia đình, hay một cộng đồng.
07 Tháng Giêng 2016(Xem: 5904)
Trong mười lăm năm, tôi đã đi theo và thông dịch lời giảng dạy của ngài trong hệ thống thiền tập Thời Luân - Kalachakra, được xem như tối thượng bởi những Phật tử Tây Tạng và hồi hướng cho hòa bình thế giới.
11 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 6357)
Unalome [u-na-lô-mê] là một biểu tượng rất phổ biến trong đời sống tâm linh tại Thái Lan. Đó là một hình tượng xoắn lò xo dạng tháp. Thông thường biểu tượng này được vẽ trên các hình xăm, hoặc khắc trên các tấm bùa hộ mệnh mà hầu hết các du khách đến Thái Lan đều có dịp xem qua hoặc sở hữu.
14 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6706)
Tôi sinh ra là một người Thiên Chúa Giáo, được giáo dục trong các trường học Thiên Chúa Giáo, và thậm chí tôi còn ca hát trong ca đoàn nhà thờ địa phương. Nhưng vào năm tôi 16 tuổi, lúc tôi đọc cuốn sách đầu tiên về Phật Giáo, ngay lập tức, tôi biết rằng tôi là một người Phật Tử
29 Tháng Mười 2015(Xem: 6950)
Trong bài viết này, tôi nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đề cao sự hiểu biết, độ lượng và đối thoại liên tôn giáo vì mục đích tôn trọng các dị biệt về văn hóa và tôn giáo trên toàn cầu.
19 Tháng Chín 2015(Xem: 9394)
Thông thường Tây Tạng hạn chế các phương tiện truyền thông nước ngoài, nhưng tuần này các quan chức Trung Quốc đã hướng dẫn phái đoàn báo chí ngoại quốc tới thăm khu vực này, gần hai tuần sau khi Bắc Kinh tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày họ chiếm đóng trên toàn lãnh thổ Himalaya.
08 Tháng Chín 2015(Xem: 7564)
Từ hơn hai thập niên, cả thế giới thắc mắc về tình hình của ngài Ban Thiền Lạt Ma, một định chế được xem như cao quý thứ nhì định chế Đức Đạt Lai Lạt Ma đối với dân tộc Tây Tạng. Nhà nước Trung Quốc sau khi bắt cóc cậu bé được nhiều người tin là hậu thân của Đức Ban Thiền Lạt Ma đã giữ im lặng suốt hai thập niên. Bây giờ mới lên tiếng, rằng cậu bé bây giờ là một thanh niên bình thường.
06 Tháng Chín 2015(Xem: 10827)
Những Phật tử ở phương Tây chú ý chủ yếu đến khía cạnh thiền định, triết lý, giáo lý đạo đức của Phật. Tác giả nhận thấy phương Tây là nơi tiếp nhận Phật giáo nhưng lại vẫn duy trì được những giá trị tốt đẹp thực sự của tôn giáo này. Những gì họ đã tiếp nhận ở tôn giáo này thì đó mới đích thực là Đạo Phật, Le Monde kết luận.
05 Tháng Chín 2015(Xem: 6895)
Một chủ đề riêng, ngoại vi của Thiền, nhưng cũng thể hiện được sự cần thiết của Phật giáo phổ quát khắp nơi; Phật giáo đến Phương Tây như thế nào ? Là câu hỏi được nhiều người đặt ra và khảo cứu,