Tại Sao Người Hoa-kỳ Thương Yêu Đức Đạt Lai Lạt Ma

26 Tháng Bảy 201612:24(Xem: 5305)

TẠI SAO NGƯỜI HOA-KỲ 
THƯƠNG YÊU ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA 
Why Americans Love The Dalai Lama
Jessica Ravitz | Chuyển Ngữ: Nguyễn Văn Tiến 
 Source-Nguồn: www.cnn.com - Bài Đăng Ngày 22/2/2010

Tại Sao Người Hoa-Kỳ Thương Yêu Đức Đạt Lai Lạt Ma


Tại Sao Người Hoa-Kỳ Thương Yêu Đức Đạt Lai Lạt Ma 

ĐIỂM NỔI BẬT CỦA BÀI VIẾT NẦY:

- Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, được rất nhiều tổ chức, và đoàn thể ở Hoa Kỳ hâm mộ ngài

- Tâm bình an của ngài truyền cảm hứng cho nhiều người; một cuộc bỏ phiếu thăm dò ý kiến cho thấy có 56% người Hoa Kỳ ngưỡng mộ ngài

- Ngài lấp đầy chỗ trống của hai biểu tượng là ông Gandhi, và ông Martin Luther King (MLK), một người trong ban chấp hành của Tibet House nói như thế

- Đạo Phật giúp cho ngài không bị dính mắc vào danh vọng, và sự nổi tiếng, cũng như giúp ngài không tự kiêu vì cái-tôi của mình

(CNN) Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận được rất nhiều giải thưởng, và ngài được xem là một trong những người gây ảnh hưởng nhất trên thế giới. Ngài nói chuyện trong các phòng hội-thoại đầy kín người, và ngài vẫy tay chào các đám đông, đang đứng xếp hàng dọc theo các đường phố, để may mắn trông thấy ngài trong vài giây phút ngắn ngủi. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bắt tay với vô-số người có tước-vị cao trên thế giới, và ngài đã có một số lượng người hâm mộ to lớn trên trang Facebook, mà có thể tương đương với các ngôi sao màn bạc của Hollywood.  

Ngài là Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, là vị lãnh đạo tinh thần 74 tuổi của Tây Tạng, và cũng là người đứng đầu của chính phủ lưu vong Tây Tạng, có trụ sở ở Dharamsala, Ấn Độ. Và cho dù ngài tự miêu tả mình, trong trang mạng của ngài là "một nhà sư Phật Giáo đơn giản," nhưng qua tình thương yêu đối với ngài, của rất nhiều người Hoa Kỳ, và của nhiều người ở quốc gia khác, thì luôn luôn vững chắc, không nghi ngờ, bởi vì họ xem ngài là một biểu tượng cao quý - cho dù ngài có nhìn nhận như thế hay không.

"Tôi rất mong muốn được gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi rất mong muốn được đi tham dự buổi nói chuyện của ngài," bà Jerilee Auclair, 55 tuổi, ở Vancouver, Washington, nói như thế vì bà vẫn chưa có được niềm vui nầy. "Tôi khát khao có được cơ hội nầy. Tôi xem lịch trình của ngài, để biết khi nào ngài tới khu tôi ở ... Tôi thương yêu những gì mà ngài biểu tượng. Tâm bình an của ngài truyền cho tôi cảm hứng, để tôi đi tìm tâm tôi, mỗi ngày."

Bà không phải là người duy nhất, ngưỡng mộ Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Một cuộc thăm dò của CNN/Opinion Research Corp công bố vào ngày Thứ Năm, cùng ngày Đức Đạt Lai Lạt Ma thăm viếng Tòa Bạch Ốc, cho thấy là có 56% người Hoa Kỳ ngưỡng mộ ngài, đặt ngài "ở cùng một vị trí với những nhà lãnh đạo tôn giáo lớn khác," Giám Đốc Phiếu-Thăm-Dò CNN, Keating Holland nói. Bảng xếp hạng về sự ngưỡng mộ cho Đức Giáo Hoàng là 59%, và Billy Graham là 57%, có nghĩa là các con số nầy giống như nhau."

Bảng xếp hạng trên là một điều đặc biệt, đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma, một người sống ở phía xa xôi, bên kia quả địa cầu, một người đã tranh đấu nhiều chục-năm để bảo vệ cho một nền chính trị và văn hóa mà nhiều người không hiểu, và ngài đã sống theo một truyền thống mà chỉ có số ít người Hoa Kỳ biết đến và gìn giữ. Số người Hoa Kỳ theo Đạo Phật là ít hơn 1 phần trăm (1%), và trong số nầy có ít hơn là 0,3 phần trăm (0,3%) là theo Phật Giáo Tây Tạng, theo thống kê của The Pew Forum On Religion & Public Life.

Tuy nhiên, những gì ngài đại diện gây tạo ra những âm thanh vang dội, đến những người Hoa Kỳ mà đang cần một người như Đức Đạt Lai Lạt Ma để giúp đỡ về mặt tinh thần, Ganden Thurman nói như thế, ông là giám đốc điều hành của Tibet House ở thành phố Nữu Ước, một tổ chức dành riêng cho việc bảo tồn nền văn minh, và văn hóa của người Tây Tạng.

"Đức Đạt Lai Lạt Ma đại diện cho người đạt được hòa-bình qua con-đường hòa bình, và giờ đây các ông Gandhi và Martin Luther King không còn nữa, ngài là người thế chỗ cho địa vị đặc biệt nầy," ông nói. "Ngài nói rằng ngài là 'một nhà sư đơn giản,' nhưng điều nầy làm khó cho ngài trong thực tế. Vì, ngài là một nhà sư đang gánh vác trên vai nhiều trách nhiệm, chuyên chở các niềm hy vọng, và các niềm ước mơ của hàng triệu người dân Tây Tạng ... Ngài đang làm hết sức mình với trách nhiệm nầy, và tôi xin nói thẳng, ngài là loại người làm cho chúng ta ngưỡng mộ."

Tuy nhiên, anh Thurman, 42 tuổi, luôn luôn đối xử tôn kính với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Bố của anh là ông Robert Thurman, đồng sáng lập ra Tibet House, là một vị giáo sư nghiên cứu Phật Giáo Ấn Độ-Tây Tạng tại Đại Học Columbia, và ông giữ ghế đặc-biệt đầu tiên (ông được giải thưởng uy tín, endowed chair) về Nghiên Cứu Phật Giáo Phương Tây, theo tiểu sử trực tuyến của trường đại học nầy. Ông bố Thurman, cũng là bố của nữ diễn viên Uma Thurman, ông cũng là học trò riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma, và vì mối quan hệ nầy mà người con trai của ông đã gặp vị lãnh đạo tinh thần lần đầu tiên.

"Kỷ niệm đầu tiên của tôi khi gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, là khi tôi 4 tuổi. Tôi là cậu bé ngỗ nghịch, 4 tuổi," anh nói với tiếng cười vang, chúng ta đoán rằng anh ta có thể đã nhảy lên người Đức Đạt Lai Lạt Ma, và anh ta đã giật lấy cái kính đeo mắt của ngài. "Lúc đó, nghi thức ngoại giao thì đứng ở vị trí thấp trong danh sách các ưu tiên của tôi."

Tenzin Tethong đã quen biết Đức Đạt Lai Lạt Ma từ khi ông còn là một cậu bé. Ông làm việc trong chính phủ lưu vong, và ông phục vụ như người đại diện cho nhà lãnh đạo tinh thần ở Nữu Ước, và Washington trong những năm 1970, và 1980. Giờ đây ông là chủ tịch Tổ Chức Của Đức Đạt Lai Lạt Ma, ở thành phố Redwood, tiểu bang California, là tổ chức nhằm thúc đẩy hòa bình, Tethong nói rằng ông đã tổ chức chuyến viếng thăm đầu tiên cho nhà lãnh đạo Tây Tạng đến Hoa Kỳ vào năm 1979, 20 năm sau khi ngài phải sống lưu vong.

Khi nhớ lại, ông và Đức Đạt Lai Lạt Ma không chắc là chuyến viếng thăm nầy sẽ thành công, bởi vì vào những năm đầu của thập niên 1970, Hoa Kỳ đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, mà từ lâu họ đã xem Đức Đạt Lai Lạt Ma là mối đe dọa cho sự thống nhất quốc gia của họ, về vấn đề tự chủ của người Tây Tạng. Tuy nhiên, khi họ đến theo lời mời của các trường đại học và các nhóm tôn giáo khác nhau, rồi người Hoa Kỳ bắt đầu đam mê Đức Đạt Lai Lạt Ma - họ tò mò về quá khứ thú vị, khác thường của ngài, về niềm tin, và về những bài giảng dạy của ngài, tuy ngắn và đơn giản nhưng lại rất rõ ràng, vào thời bấy giờ, ông Tethong nói.    

Trong nhiều chục-năm kể từ khi đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma càng ngày càng nổi tiếng, khi người Hoa Kỳ đã hiểu biết thêm về sự quyết tâm của ngài trong sự đấu tranh bất bạo động, trong nỗ lực hòa hợp giữa các tôn giáo, và nhiều điều khác nữa. Vào năm 1989, ngài đã đoạt giải Nobel Hòa Bình. 

Những người nổi tiếng ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma, như diễn viên Richard Gere, đã giúp cho sự đấu tranh của ngài, và dân Tây Tạng nổi bật lên trong nền văn hóa phổ-biến hiện đại, họ cũng phát hành trong dòng-chính một số phim như "Bẩy Năm Sống Ở Tây Tạng" với diễn viên Brad Pitt, và "Kundun" (tên người Tây Tạng thương yêu gọi Đức Đạt Lai Lạt Ma) của đạo diễn Martin Scorsese.

Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma xuất hiện nhiều hơn trên phương tiện truyền thông, thì các bảng dán trên các cản-xe như "Tự Do Cho Tây Tạng" ngày càng thịnh hành, cùng sự xuất hiện của các lá cờ cầu nguyện của người Tây Tạng ở vùng ngoại ô, và trên Facebook nơi các người hâm mộ ngợi-khen ngài hết lời.

"Đức Đạt Lai Lạt Ma, cầu chúc ngài có một ngày vui vẻ, và dễ chịu khi gặp Tổng Thống Obama! Xin Chắp Tay Chào Ngài (Namaste)" một phụ nữ đã viết hôm Thứ Năm. "Cảm ơn ngài đã cho chúng tôi tình thương yêu, sự dìu dắt, và trí tuệ ... ngài đã thay đổi cuộc đời tôi", một người đàn ông viết thêm vào. Và sau đây là một sinh viên đại học hâm mộ ngài: "Đức Đạt Lai Lạt Ma!! Ngài chiến thắng những người xấu ác!!"

Để tâm ngài không bị vướng bận vì quá nhiều sự chú ý như nói trên, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã làm gì?

"Khi một người trở nên nổi tiếng, họ thường bị cảm xúc lôi kéo đi, có phải vậy không? Mặc dù ngài được mọi người tôn kính, cũng như sùng bái, Đức Đạt Lai Lạt Ma thì rất ý thức về điều nầy" Tethong nói. "Một trong những sự thực tập của Phật Giáo là chúng ta luôn luôn nhận biết về cái-tôi, chú ý đến cái-tôi, để không bị cái-tôi lôi kéo chúng ta đi."

Đức Đạt Lai Lạt Ma không câu nệ hình thức - ngài đùa nghịch ném tuyết vào các phóng viên đứng bên ngoài Tòa Bạch Ốc vào ngày Thứ Năm - con người ngài thực tế, tỏa ra sự thân thiện, và lòng tử tế, cùng tính tình vui vẻ khiến cho ngài dễ thương, những người ngưỡng mộ ngài nói như thế. 

"Đức Đạt Lai Lạt Ma vô cùng tốt đẹp, vì ngài có tâm trong sạch - ngài là một người đàn ông hết-sức đáng yêu. Ngài sống theo các giá trị cao-quý của ngài" Jami Metzl nói, ông là phó chủ tịch của Asia Society, một tổ chức toàn cầu nỗ-lực tăng gia sự thông-cảm trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Á Châu. "Nhận ra được một người mà sống theo các nguyên tắc đạo đức, tích cực như thế giúp cho tất cả mọi người phát triển."

Metzl nói rằng ông đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma ba lần, và mặc dù chính phủ Trung Quốc buộc tội ngài, Metzl nói rằng họ vô tình giúp cho mọi người chính thức ủng hộ, và nhìn nhận ngài. Khi người Trung Quốc tuyên bố Đức Đạt Lai Lạt Ma là "con chó sói đội lông con cừu", ông Metzl nói điều nầy không đúng với những gì mọi người đã đọc và trông thấy ở ngài, "người Trung Quốc đang làm một điều tuyệt vời, để biến ngài thành một ngôi sao nhạc rock." 

Nhưng để trân quý Đức Đạt Lai Lạt Ma nhiều hơn, thì chúng ta hãy sống gần ngài, ông Charles Raison nói, ông là bác sĩ tâm thần của Trường Đại Học Y Khoa Emory. 

Raison, là người đã tham gia vào một chương trình mà các bác sĩ Tây Phương cùng làm việc, và cùng trao đổi sự giảng dạy với các nhà sư Phật Giáo, kể lại thời gian khi ông, cùng vợ ông và một số người khác gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, cách đây bốn năm.

"Nhiều người, kể cả tôi, có một kinh nghiệm rất cảm động khi gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma. Lúc đó trong tôi, dòng nước mắt dường như không ngừng tuôn chảy." ông nói. Và vợ tôi, người mà ông nói "không có niềm tin vào tôn giáo" thì "gương mặt cô rạng rỡ với nụ cười."

Ông nói rằng từ lâu các nghiên cứu cho biết con người có phản ứng vật lý đối với các hành vi, với các cảm xúc, và ngay cả với mùi hương tỏa ra từ những người khác.

Ông nói thêm, "các người Phật Tử tin rằng mùi hương ngọt ngào tỏa ra từ một vị thiện thần - cho thấy dấu hiệu vị nầy đạt được sự thăng tiến về tâm linh."

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn