Bí Ẩn Của Pho Tượng Phật Chùa Bút Tháp - Họa Sĩ, Nhà Điêu Khắc Lê Đình Quỳ

10 Tháng Sáu 201100:00(Xem: 24138)


 BÍ ẨN CỦA PHO TƯỢNG PHẬT CHÙA BÚT THÁP

Họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ 

Pho tượng nổi tiếng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp chứa đựng nhiều "ẩn ngữ", triết lý sâu xa. Nó cho ta biết nhiều nét về quan điểm thẩm mỹ, nhân sinh quan và vũ trụ quan của người Việt thời Hậu Lê, nửa sau thế kỷ 17. 

blankTượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp, Bắc Ninh, do Trương Thọ Nam tạc và hoàn thành vào năm 1656, thời Hậu Lê. Trên bệ tượng ghi: Nam Đông Giao, Thọ Nam - Trương tiên sinh - phụng khắc (tạm hiểu: Nam Đông Giao là địa chỉ, Thọ Nam là tên hiệu, Trương là họ, tiên sinh là bậc trí giả, phụng khắc là phụng mệnh trời đất dựng tượng để thờ). Theo quan niệm của một số nhà nghiên cứu, chữ "phụng khắc" được dịch là khắc theo ý chỉ của nhà vua (nhưng nếu phụng mệnh vua mà khắc thì tượng phải để ở kinh đô, trong khi đó pho tượng này lại được thờ ở một ngôi chùa). 

Tượng Quan Thế Âm bồ tát thiên thủ thiên nhãn - dân gian gọi là Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, có thể xem là một vũ trụ thu nhỏ, được sáng tác theo hệ thống quy luật rất chặt chẽ. Đó là những quy luật âm dương ngũ hành và bát quái, luôn bao hàm các cặp phạm trù đối lập nhưng thống nhất: Dương - Âm (thiện - ác, đỏ - đen, sáng - tối, trời - đất). Để bạn đọc nhận biết những mặt đối lập trên bố cục tác phẩm của Trương Thọ Nam, xin phân tích như sau: 

1. Tượng Quan Âm được làm theo thế tam tài giả, tức là mối quan hệ tổng hòa thiên - địa - nhân. Khi nhìn vào tượng, vòng tròn phía sau được gắn gần một nghìn bàn tay, trong mỗi bàn tay được khắc một con mắt, đó là biểu tượng của Trời. Trời theo quan niệm ở đây là vũ trụ thu nhỏ. Trong vũ trụ, cái thiện được biểu tượng ở thế "tam quang giả" tức là 3 cái sáng bao gồm: mặt trời, mặt trăng và các vì sao. 

blankTừ xa xưa, người Việt cổ đã nhận thức được mặt trời là trung tâm sự sống, sức mạnh thần kỳ của nó được thể hiện ở chính giữa trống đồng Đông Sơn. Ở pho tượng này, tác giả cũng đặt mặt Quan Âm vào trung tâm của pho tượng. Mặt trời là mặt Phật Quan Âm nổi bật nhất, sáng ngời, đầy vẻ từ bi hỉ xả. Mặt trời ở đây được thể hiện là bình minh, những tia sáng chiếu tỏa lên trên chứ không tỏa ngang, ý nói: Cái thiện là thế đang đi lên, có sức mạnh chiến thắng, biểu tượng cho văn minh xã hội. Mặt trời sáng ngời còn biểu tượng cho trí tuệ đức Phật Quan Âm đi khắp muôn phương xua tan bóng tối. Những kẻ có hành vi ám muội cũng không thể che nổi mắt Phật. Để diễn tả thâm ý này, tác giả đã khắc con mắt trong lòng bàn tay biểu tượng cho hàng nghìn vì sao trong thiên hà. Tất cả con số trên pho tượng đều là số lẻ, hơn 900 bàn tay và hơn 900 con mắt. Tác giả cho rằng số 1.000 là số chẵn, âm, tĩnh, không phát triển. Số lẻ, dương, động và phát triển không ngừng. Điều đó có nghĩa là trong vũ trụ có vô vàn vì sao đang quan sát trần gian. 

2. Trên đã có trời, hình tròn, động, thuộc dương, nên dưới hệ tượng được biểu hiện cho đất, tĩnh, thuộc âm; hình vuông, nối giữa trời và đất là người - nhân vật Quan Âm. Trời, đất, người là 3 thế lực siêu nhiên trong vũ trụ, có sức sáng tạo không ngừng. Con rồng đen dưới tòa sen là Hắc Long dưới Biển Đông, tượng trưng cho cái Ác. Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ngồi trên tòa sen, cả tòa sen lại đặt trên đầu con rồng đen, tượng trưng cho cái thiện bao giờ cũng ngự trị cái ác. Hai cánh tay của con rồng chỉ đỡ hờ vào tòa sen tạo nên một bố cục chặt chẽ, nó còn nói lên một điều rằng: Cái ác cũng có một sức mạnh phi thường, chỉ một cái đầu cũng đủ đội cả toàn tượng lên trên. Trên mũ của Quan Âm có 3 tầng đầu, mỗi tầng có 3 đầu, đầu thứ 9 là Phật A Di Đà - tượng trưng cho cõi Niết bàn. Như vậy, mỗi cái đầu là biểu tượng của một tầng trời. Điều thú vị là A Di Đà cùng với con chim Thiên Đường ở phía sau được gắn với hai cái đầu (số 2 thuộc âm, biểu tượng cho linh hồn của người đã chết siêu thoát ở cực lạc). 3 cái đầu đó chụm lại gợi cho ta về cõi tam thế "quá khứ - hiện tại - tương lai". 

3. Trong các chùa, 3 ngôi tam thế bao giờ cũng được đặt ở ngôi cao nhất. Trong nghệ thuật bố cục, Trương Thọ Nam đã gắn kết các hiện tượng với nhau thành một biểu tượng: Cả vòng tròn lớn đằng sau được gắn kết với con chim Thiên Đường, tạo thành hình tượng của lá bồ đề mà tâm của Phật là cuống của lá. Đạo Phật lấy lá bồ đề làm biểu trưng. Hình tượng mặt trăng được đặt trước tâm của Phật như một cái gương soi lại lòng mình để xem xét hành động hằng ngày đúng hay sai, thiện hay ác, sáng hay tối... Trên có Thiên Đường là cõi Niết bàn, nơi ngự trị của Phật A Di Đà, dưới có địa ngục được biểu hiện ở 4 góc, đó là 4 nhân vật to béo đang chịu cảnh thụ hình nhằm răn đe những ai rắp tâm làm điều ác. 

blank

4. Trong bố cục của pho tượng này, những cánh tay được sắp xếp tuy phức tạp nhưng lại rất nhất quán về phương pháp biểu hiện theo quy luật. Có 3 phương pháp cơ bản để biểu hiện ý nghĩa của thế tay: Thứ nhất là hai bàn tay chắp trước ngực, đó là ý chí của con người, tâm niệm làm điều thiện. Thứ hai là 42 cánh tay gắn ở hai bên hông tượng tỏa ra nhiều hướng hàm ý muốn thắng được cái ác phải sử dụng cả văn lẫn võ (những cánh tay bên phải biểu tượng cho văn, những cánh tay bên trái biểu tượng cho võ). Thứ ba là thế tay của Quan Âm nâng niu mặt trăng trước tâm của mình, tượng trưng cho sự soi xét tự kiểm. Để tu hành đắc đạo, chúng sinh phải có lòng kiên nhẫn, tu hết đời này truyền sang đời khác, cây đức trồng càng lâu thì phúc càng dày. Hai cánh tay để trên đùi của Phật biểu tượng cho ý chí kiên định tạo nên thành quả. 

5. Tượng Quan Âm ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử đã chín muồi: Tác giả Trương Thọ Nam đã tiếp thu và nâng nghệ thuật của pho tượng này lên đỉnh cao bởi giao lưu với nền nghệ thuật điêu khắc Ấn Độ, nền điêu khắc Chăm, nhất là những cánh tay của Phật như những cánh tay vũ nữ thanh khiết của Chăm. Trang phục của Quan Âm được tác giả chuyển sang hình khối, bố cục đường nét rất lãng mạn theo phong cách Việt Nam mà ông đã tiếp thu được từ nền nghệ thuật Lý - Trần qua cách mô tả sen. Sen thời Lý được chạm rồng trên các cánh hoa, sen thời Lê được chạm khắc theo những nét lửa Lê - ngọn lửa của truyền thống chống ngoại xâm. 

Ở châu Á, đạo Phật khởi nguồn nên chủ đề "Quan Âm nghìn mắt nghìn tay" được tạc ở một số nước, nhưng tác phẩm do nhà điêu khắc thiên tài Trương Thọ Nam sáng tác có nội dung hoàn chỉnh bậc nhất về thế giới quan và nhân sinh quan theo quan điểm Phật giáo truyền thống, có hình thức nghệ thuật đạt được sự hoàn mỹ tuyệt vời. Pho tượng này đã đạt giải đặc biệt khi tham gia triển lãm nghệ thuật Phật giáo Quốc tế tại Ấn Độ năm 1958. 

Họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ 
 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6425)
Ngẫu nhiên được thiện hữu Nguyên Giác có nhã ý gửi cho kinh Khemaka dịch theo bản Anh ngữ của Bodhi Bhikkhu, mới nhận ra đây cùng nội dung với kinh Sai-Ma mà đại sư Đàm-ma Da-Xá dịch vào khoảng thế kỷ 5 theo yêu cầu của Ưu bà di Phổ Minh. Nhân đây, xin được mạn đàm thêm một vài điều vây quanh những sử kiện về kinh này
01 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6351)
Trong Phật giáo có rất nhiều lễ hội, nhưng lễ hội quan trọng nhất vẫn là lễ hội Đại Giới Đàn (còn gọi là pháp hội). Bởi vì pháp hội Đại Giới Đàn là ngày hội lễ tổ chức tuyển người làm Phật. Trong giới đàn có một hội trường để cho các vị Giới Sư truyền giới cho các vị Giới Tử, nơi ấy có bảng hiệu “Tuyển Phật Trường”.
13 Tháng Mười 2015(Xem: 6757)
Phật giáo thật sự phát triển không phải nhiều chùa to lớn, đông đúc tu sĩ, học vị học hàm thật nhiều... đó chỉ là phát triển hình thức của Tướng và Dụng. Một khi Thể không được chú trọng thì Tướng và Dụng chỉ là hình thái như bao nhiêu hình thái của thế tục.
26 Tháng Chín 2015(Xem: 5748)
Để nhận định đúng đắn về một vấn đề, thì cần phải có kiến thức chuyên môn về lãnh vực đó. Không có kiến thức chuyên môn mà lạm bàn, thì dễ nảy sinh những hiểu lầm nguy hại. Đây cũng là điều được Đức Phật dạy trong kinh Tăng chi: Không can thiệp vào việc không có thẩm quyền1.
25 Tháng Chín 2015(Xem: 5743)
Giai đoạn thịnh trị nhất trong lịch sử dân tộc là thời Lý - Trần, đã bộc lộ nhiều dấu hiệu cho thấy sự thành công trong đường lối trị nước bằng pháp (đạo đức). Tuy nhiên, với cái nhìn thiên lệch, phiến diện, chủ quan, các vị sử quan biên soạn ĐVSKTT đã nhìn nhận không công bằng đối với các vị vua Phật tử.
01 Tháng Chín 2015(Xem: 16750)
Trang tổng hợp các tin tức về Trưởng lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu viên tịch tại Tổ đình Từ Quang, thành phố Mantreal, Canada
26 Tháng Tám 2015(Xem: 9122)
Sáng nay, 26-8 (13-7-Ất Mùi), tại tổ đình Từ Quang, Montreal, Canada, sơn môn pháp phái tổ đình Từ Quang, môn đồ pháp quyến và gia đình đã tổ chức trang nghiêm lễ trà tỳ cố Đại lão HT.Thích Tâm Châu, nguyên Chủ tịch Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, nguyên Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN, viện chủ tổ đình Từ Quang (Canada).