Lễ Tưởng Niệm 265 Năm Tổ Sư Liễu Quán - Tin Và Ảnh: Trí Năng

20 Tháng Sáu 201100:00(Xem: 19253)


LỄ TƯỞNG NIỆM 265 NĂM TỔ SƯ LIỄU QUÁN

Tin và ảnh: Trí Năng

Sáng 30-12-2007 (21-11-Đinh Hợi), tại Tổ đình Thiên Thai Thiền Tôn, chư tôn đức Tăng, Ni và Phật tử Thừa Thiên-Huế đã vân tập trang nghiêm cử hành lễ giỗ lần thứ 265 Tổ sư Thiệt Diệu-Liễu Quán.

Tổ sư Thiệt Diệu-Liễu Quán sinh năm 1667 tại làng Bạch Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, xuất gia tại chùa Hội Tôn, sau đó tầm sư học đạo tại Thuận Hóa-Phú Xuân-Huế, đắc pháp với Tổ sư Minh Hoằng Tử Dung (khai sơn chùa Ấn Tôn-Từ Đàm). Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, mục Chùa quán, Tổ là người khai sơn Tổ đình Thiền Tôn và các chùa Viên Thông, Viên Giác-Huế và là người khai mở chi phái thiền Thiên Thai Thiền Tôn, tức chi phái Liễu Quán thuộc phái thiền Lâm Tế chánh tông với bài kệ: "Thật Tế Đại Đạo, Tánh Hải Thanh Trừng, Tâm Nguyên Quảng Nhuận, Đức Bổn Từ Phong v.v..." làm pháp hệ truyền thừa cho Phật giáo xứ Đàng Trong và đến nay hầu hết các chùa ở vùng Trung và Nam Việt Nam đều thuộc phái thiền Lâm Tế này. Tổ Liễu Quán viên tịch ngày 22-11-Nhâm Tuất (1742), tính đến nay vừa tròn 265 năm.

Trước đó, chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử cũng đã vân tập về núi Thiên Thai-Huế, nơi tôn trí bảo tháp của Tổ sư Thiệt Diệu-Liễu Quán làm lễ "tảo tháp" và dâng hương tưởng niệm.

Hình ảnh ngày Tảo tháp Tổ sư


blank



blank

blank 

blank 

Tin&ảnh Trí Năng
http://chuyenphapluan.com/chude.php?tn=view&id=1665 

 
THIỀN SƯ LIỄU QUÁN - CHÙA THIỀN TÔN HUẾ (1667-1742)
HT. Thích Thiện Siêu

Nước ta từ sau ngày Doãn Quốc Công Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) vào trấn thủ đất Thuận Quảng, dần dần biến thành một vùng cai trị riêng cắt đứt liên hệ với vua Lê ở miền Bắc, lấy sông Danh làm ranh giới chia cắt Việt Nam thành hai mà sử gọi là Đàng Trong và Đàng Ngoài. 

Tuy nhiên, chế độ cầm quyền dù có khác nhau mà lòng dân vẫn là một. Dân Đàng Trong hay dân Đàng ngoài vẫn coi nước Việt Nam là một, phong tục tập quán, văn hóa, tín ngưỡng vẫn giống nhau. Dân Đàng Ngoài tin Phật giáo, dân Đàng Trong cũng tin Phật giáo, mặc dù Phật giáo lúc này đã suy vi rất nhiều so với Phật giáo thời Lý Trần. Song do có lòng tin đó, mà Đàng Trong hay Đàng Ngoài vẫn có các vị Thiền sư kể cả các vị Thiền sư Trung Quốc qua tiếp tục truyền bá đạo Thiền thuộc phái Lâm Tế và Tào Động. 

Gặp lúc ở Tàu nhà Mãn Thanh lên thay nhà Minh, những Tăng sĩ Tàu không thần phục nhà Thanh mới bỏ sang Việt Nam. Người vào đất Bắc như Chuyết Công Hòa thượng, Minh Lương Hòa thượng, người vào đất Nam như Tế Viên Hòa thượng, Giác Phong Lão tổ, Thọ Tôn Nguyên Thiều, Minh Hoằng Tử Dung, Thạch Liêm Đại Sán v.v... sang ở vùng Thuận Hóa và Bình Định. Trong khoảng thời gian này, ở Đàng Trong có một vị Thiền sư Việt Nam, đạo đức cao siêu, tâm quang sáng rực, được tôn làm Tổ, đó là Hòa thượng Liễu Quán mà cuộc đời của Ngài thật là một tấm gương tốt chói lọi của một trong những vị Sư thông thái nhất xứ này. 

Tổ Liễu Quán mở pháp môn ở núi Thiên Thai thuộc Thuận Hóa. Ngài đặt bài kệ: "Thật Tế Đại Đạo, Tánh Hải Thanh Trừng v.v..." để làm pháp hệ truyền thừa mãi đến này vẫn còn tiếp nối. Hầu hết các Chùa ở vùng Trung và Nam Việt đều thuộc phái Thiền Lâm Tế này, trong khi việc truyền bá của các vị Thiền sư Trung Quốc không mấy rộng rãi và liên tục cho bằng. Tổ Liễu Quán thật đã có một vị trí sáng chói trong lịch sử Phật giáo cuối đời Hậu Lê. Vậy ở đây ta hãy tìm hiểu rõ hơn về Ngài. 

Ở khoảng ba cây số về phía Nam đàn Nam giao có một ngôi Tháp đến nay còn được giữ gìn hoàn hảo đẹp đẽ ở trên một thửa đất có tường thành bao quanh, có tam cấp và hồ sen. Đó là ngôi Tháp của Tổ Liễu Quán. Có thể nói đây là ngôi Tháp hùng vĩ, cổ kính, uy nghiêm nhất từ xưa còn lại ở miền Trung và Nam Việt. 

Khuôn viên thấp gồm có kiến trúc Tháp tường thành, nền hồ vôi, rộng vào khoảng 70 mét vuông, nếu kể toàn diện tích đất chung quanh thì có thể gần một héc-ta, trong đó có phần trồng thông và xoài. 

Tháp có hai lớp tường thành bằng đá bao quanh. Lớp trong hình bát giác cao độ 0m60 ở gần Tháp. Lớp ngoài hình tứ giác cao độ 1m80, dày 1m. trước Tháp có tam cấp danh dự ngang 4 mét gồm 10 bậc. Ở ngoài nhìn trên cổng tường vào Tháp có biển đề chữ: "Đàm hoa lạc khứ hữu du hương" (Hoa Đàm rụng hương thơm vẫn còn). Hai bên có hai câu đối: "Bửu đạt trường minh bất đoạn môn tiền lưu lục thủy; Pháp thân độc lộ y nhiên tạo lý khán thanh sơn" (Tiếng linh báu ngân dài cùng dòng nước lục trước cửa chảy hoài không dứt; Pháp thân lộng y nhiên bất động ngắm núi xanh). 

Phía trong tường thành là ngôi Tháp dựng ở chính giữa, hình bát giác hồ vôi, cao 7 tầng độ 6 mét, mặt trước có bia đá áp sát vào và mang các dòng chữ: bên trên: "Vô lượng quang", dòng giữa bia: "Sắc tú Chánh giác Viên ngộ Liễu Quán lão Hòa thượng chi Tháp.” Hai bên có hai câu đối: "Bỗng át chân phong gia kế thuật; Tân lương mỹ hóa quốc bao sùng" (Chân phong của phép Thiền đánh hét được Ngài kế thừa truyền thuật; Đức hòa tốt đẹp của bậc Thầy hướng đạo được cả nước khen ngợi tôn sùng). 

Áp sát mặt trong tường thành bên trái của Tháp có tấm bia đá sa thạch cao 1m, rộng 0m60, văn bia gồm gần 1.500 chữ Hán, do người cháu trong đạo của Tổ Liễu Quán, bấy giờ đang làm Sư ở Chùa Tang Liên bên Trung Quốc soạn và dựng năm thứ 9 niên hiệu Cảnh Hưng (1748, vua Lê Hiển Tôn), đúng 6 năm sau ngày Tổ Liễu Quán viên tịch. 

Chính nội dung tấm bia này là một tài liệu đầy đủ nhất còn lại cho ta biết rõ công hạnh tu chứng và hóa đạo của Tổ Liễu Quán. 

Dưới đây là bản dịch các điểm chính tấm bia ấy: "Đặc điểm căn bản của Phật giáo chúng ta là gì? - Theo Phật giáo, con người không phải từ cửa tử sanh ra, cũng chẳng phải chết đi là đi vào cửa tử. Thế nên người xưa sống trong rừng sâu hang động, chỉ ăn ngủ sơ sài, chẳng có gì quan trọng đáng lo nghĩ hơn là vấn đề sống và chết. 

Tìm được một người chấp nhận hy sinh cho đạo pháp, nhất là lúc Phật giáo đang suy đồi như Hòa thượng Liễu Quán của chúng ta thật là điều hy hữu. 

Ngài Quán làng Bạc Mã, huyện Đồng xuân phủ Phú Yên, họ Lê, pháp danh Thiệt Diệu, hiệu Liễu Quán. Tu học từ thuở nhỏ, Ngài tỏ ra thông minh khí tiết hơn các bạn đồng học. Mất mẹ năm lên sáu, theo ý nguyện của Ngài, thân phụ Ngài đã gởi Ngài đến Chùa Hội Tôn thụ giáo với Tế Viên Hòa thượng. Bảy năm sau Tế Viên Hòa thượng tịch, Ngài ra Huế vào Chùa Hàm Long (tức Chùa Bảo Quốc ngày nay) thụ học với Giác Phong lão tổ. 

Năm Tân Tỵ (1691), sau khi xuống tóc được một năm, Ngài được gọi về làng cũ để giúp đỡ phụ thân trong lúc già yếu. Nhà nghèo Ngài phải đi hái củi bán lấy tiền lo thuốc thang. Bốn năm sau phụ thân qua đời vào năm Ất hợi (1695) Ngài lại trở ra Huế chính thức thụ giới Sa-di với Thạch Liêm Đại Sán Hòa thượng. Năm Đinh sửu (1697) Ngài tiếp tục thụ giới Cụ túc với Từ Lâm lão Hòa thượng. 

Năm Kỹ Mão (1699) Ngài đi khắp Tòng Lâm thăm viếng nhiều Chùa để học hỏi đạo lý, và quyết định hiến thân cho đời sống đạo, chẳng quản đạm bạc gian lao. Từ đó Ngài tinh chuyên tu tập. 

Năm Nhâm ngọ (1702) Ngài đến Long Sơn đầu sư với Tử Dung Hòa thượng (người sáng lập Ấn Tôn Từ Đàm hiện nay), một vị Hòa thượng có tiếng thông thái khéo dạy người niệm Phật tham Thiền của thời này. 

Trước khi chấp nhận Ngài làm học trò, Hòa thượng Tử Dung đã thử nhiều lần và bắt Ngài giải thích câu sau đây: "Muôn pháp quy về một, một về đâu?” Ngài đã tìm kiếm 8, 9 năm không ra câu giải đáp và đã thất vọng. 

Một hôm nhân đọc Truyền Đăng Lục, Ngài gặp câu: "Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ" (Chỉ vật truyền tâm, chỗ mà người ngoại cuộc không hiểu được), bỗng nhiên Ngài thấy đã tìm ra câu giải đáp mà Thầy mình đã đặt ra, nhưng vì đường sá xa xôi cách trở, không thể đến trình chỗ ngộ với Thầy ngay được. 

Năm Mậu Tý (1708) Ngài đến Long Sơn (Huế) để đệ trình kết quả với câu: "Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ.” Hòa thượng Tử Dung lại dạy câu: "Đứng ở mé bờ cao vút buông tay, tự mình chịu lấy, chết rồi sống lại, bấy giờ không ai có thể dối người" (Huyền nhai tán thủ, tự khẳng thừa đương, tuyệt hậu tái tô, khi quân bất đắc). Ngài vỗ tay cười lớn tiếng. Hòa thượng nói: "Không phải vậy đâu.” Ngài liền đọc: "Xứng chùy nguyên thị thiết.” (Cái dùi nguyên là sắt). Hòa thượng đáp: "Cũng không phải vậy đâu.” 

Hôm sau Hòa thượng lại tiếp tục thử Ngài bằng câu: "Công án ngày qua chưa giải đáp xong, hãy nói lại xem?” Ngài liền đọc hai câu: “Sớm biết đèn là lửa, cơm chín đã lâu rồi.” Hòa thượng tán thán. 

Năm Nhâm thìn (1712) khi Hòa thượng Tử Dung vào Quảng Nam để làm lễ Toàn Viện, Ngài Liễu Quán trình Hòa thượng bài kệ dục Phật (tắm Phật). Xem bài kệ, Hòa thượng đặt cho Ngài câu hỏi sau đây: "Tổ Tổ truyền cho nhau, Phật Phật trao cho nhau, chưa rõ truyền trao cái gì ấy?” Ngài Liễu Quán đáp: "Măng đá mọc chồi dài một trượng, phủ phất lông rùa nặng ba cân.” Hòa thượng Tử Dung tiếp hỏi: "Thuyền trượt trên núi cao, ngựa chạy dưới đáy biển" nghĩa là gì? Ngài đáp: "Trâu đất gãy sừng rống thâu đêm, đàn cầm không giây gảy suốt ngày.” 

Rồi Ngài chép lại tất cả những câu đối đáp trình ngay lên Hòa thượng Tử Dung và được Hòa thượng hoàn toàn thừa nhận. 

Ngài là người có trí thông minh phi thường, chí nguyện siêu việt. 

Năm Nhâm dần (1722) Ngài về trụ ở Tổ đình Thiền Tôn - Huế. Trong các năm Quý sửu. Giáp dần, Ất mão (1733, 1734, 1735) Ngài mở bốn đại giới đàn theo lời thỉnh cầu của các hàng cư sĩ, xuất gia và các quan viên hộ pháp. Năm Canh thân (1740) sau khi truyền giới đàn Long Hoa, Ngài trở lại tổ đình. 

Đương thời Hiếu Minh vương Nguyễn Phúc Chu cảm phục đạo đức và danh tiếng của Ngài, triệu Ngài vào cung, nhưng Ngài muốn giữ sự tự tại ở chốn lâm tuyền nên đã từ tạ lời thỉnh mà không đến. 

Mùa xuân năm Nhâm tuất (1742) Ngài lại mở giới đàn tại Chùa Viên Thông. Vào cuối Thu, tháng 9 năm ấy (tháng 10 năm 1742) Ngài lâm bịnh nhưng không có dấu hiệu gì trầm trọng. Tháng 10 năm ấy, Ngài họp các đệ tử nói: "Tôi sẽ ra đi, sứ mạng của tôi ở đời này đã xong.” Các đệ tử khóc òa. Ngài khuyên bảo: "Tại sao các vị khóc? Chư Phật còn nhập Niết-bàn. Tôi cũng vậy, tôi đến đi rõ ràng, về có nơi chốn. Xin đừng buồn rầu, hãy cố gắng tinh tấn hơn lên.” 

Tháng 11 âm lịch năm ấy, mấy ngày trước khi mất, Ngài ngồi dậy tự tay viết bốn câu: 

"Ngoài bảy mươi năm trong thế giới 

Không không sắc sắc thấy dung thông 

Ngày nay nguyện mãn về nơi cũ 

Nào phải ân cần hỏi tổ tông.” 

Viết xong, Ngài bảo các đệ tử: "Các vị xem này, tôi đến với cõi đời này giản dị biết bao nhiêu. Tôi sẽ ra đi trọn vẹn. Mai sau các vị hãy áp dụng thực hành Thánh hạnh. Xin hãy cố gắng chớ quên lời dạy bảo của tôi.” 

Ngày 22 tháng 11 năm Nhâm tuất (tháng 12 năm 1742) sau khi dùng trà, hành lễ buổi sáng, Ngài hỏi đệ tử mấy giờ. Các đệ tử đáp bây giờ là giờ Mùi (khoảng 1 đến 3 giờ chiều), Ngài thở hơi cuối cùng. 

Chúa Minh vương Nguyễn Phúc Chu ban thụy hiệu là Chánh Giác Viên Ngộ Hòa thượng để khắc bia. 

Di thể được chuyển mai táng ngày 19 tháng 2 năm Quý hợi (1743) ở ngôi Tháp mới nằm phía Nam núi Thiên Thai, trên thửa đất làng An Cựu, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên (cũ). 

Ngài Liễu Quán sinh giờ Thìn (khoảng 7 đến 9 giờ sáng) ngày 13 tháng 11 năm Đinh vị (1667), viên tịch ngày 22 tháng 11 năm Nhâm tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ III (1742), 43 tuổi hạ, 76 tuổi đời, độ 49 đệ tử xuất gia danh tiếng và rất đông đệ tử tại gia. 

Người thế tục cho rằng thế gian có sanh tử khứ lai, nhưng đối với Ngài Liễu Quán thì không như vậy. Thương kính Ngài, vị Thiền sư khả kính của chúng ta không còn nữa, Ngài đã nhập Niết-bàn. Vậy không phải nói gì cho Ngài nữa, nhưng những công nghiệp phục vụ đạo pháp của Ngài được ghi lại đây là để làm tỏ rạng đạo giáo cho tương lai chúng ta. 

Xin thú nhận rằng, nhân duyên nhập đạo, sự nghiệp truyền đăng của Ngài quá đặc biệt lớn lao, tôi không sao rõ hết được, nên nơi đây chỉ thuật lại được đôi phần, như kẻ mù rờ voi vậy. 

Pháp hiệu Thiện Kế kính soạn. 

(Sư Thiện Kế sau về Trung Quốc và mất luôn bên ấy). 

Hiện nay cách phía sau Tháp độ 800 mét có Chùa Thiền Tôn do Ngài sáng lập và các đệ tử tiếp tục thừa kế trùng tu còn được đẹp đẽ khang trang, trong đó có quả đại hồng chung đúc năm Cảnh Hưng thứ 8 (1747) là di vật quý nhất. 

TƯỞNG NIỆM TỔ SƯ LIỄU QUÁN
(HT. Thích Khế Chơn)

Thiền sư Liễu Quán sinh vào giờ Thìn, ngày 13 tháng 11 năm đinh Mùi (1667) tại làng Bạch Mã Sông Cầu, huyện đồng Xuân, tỉnh Phú Yên bên cạnh dãy Trường Sơn hùng vĩ là xương sống của tổ quốc Việt nam. 

Hôm nay dưới bóng mát thiền lâm Thiên Thai pháp phái, trước giây phút thiêng liêng tỏa ngát hương đàm, chúng con đang qui tụ về đây, nơi vùng đất Thánh, nơi đã ghi đậm nét lịch sử một đời người xuất thị nhập sơn, tầm rong độ nhật, nơi Ngài đã thể hiện công án thoại đàu, luôn luôn quấn quýt đeo đẳng tâm tư với những tháng năm dài chẻ chia suy cứu- Thiền pháp trầm tịch nhưng hưng suy, trừng thanh nhưng hoạt diễm ấy đến nay vẫn còn phong khí nức hương.

Ôn lại lịch sử đời Ngài là ôn lại bước chân truyền thống bên trong chiều sâu ’Hải để tẩu mã, sơn thượng hành thuyền’ chiết trung là cả một dòng suy tưởng lớn trong đại pháp bạt ngàn huyền nhiệm. 

Ngài sinh vào giờ Thìn, ngày 13 tháng 11 năm đinh Mùi (1667) tại làng Bạch Mã Sông Cầu, huyện đồng Xuân, tỉnh Phú Yên bên cạnh dãy Trường Sơn hùng vĩ là xương sống của tổ quốc Việt nam. Ngài sinh ra trong một gia đình bình dân, mồ côi mẹ từ thuở lên sáu. Ngài hiện hữu như một sự thách thức với phong khí thiên nhiên, sông thâm núi hiểm.

Đã hơn một lần trắc nghiệm tâm linh, ngày lại ngày qua hạt giống từ tịnh giác quang trứt mầm nở hạt đó là lúc Ngài được thân phụ dẫn đến ngưỡng cửa Hội Tôn bái yết Hòa thượng Tế Viên lúc 12 tuổi. 

Trong thời gian sáu bảy năm trời ở Thiền viện Hội Tôn tuy bên ngoài thị hiện một chú tiểu đồng chất phác ngây ngô, nhưng bên trong tàng ẩn hạnh nguyện vị tha tuyệt luân xuất chúng. Ngài đã sống trọn vẹn với lý tưởng ‘Thật tế lý địa, bất thọ nhất trần, Phật sự môn trung, bất xã nhất pháp’. Ngài có tiếng hầu thầy tận trung, học bạn tận tín ; với phong thái đó Ngài chững chạc bước vào rừng pháp luật nghi với đôi chân vững chắc, quả tim nhiệt tình và khối óc tin yêu. 

Nhưng cũng trong thời gian đó Sư phụ viên quy Phật cảnh, nên tâm thức Ngài thêm một lần chấn động hoang tiêu, Ngài cư tang trong niềm mất mát quặn lòng.

Tuy xứ Phú Yên dừa xanh bát ngát, thuyền khí ni thiên cũng không tài ngăn được bước chân Ngài khi chí nguyện kiên trinh đã hướng thẳng về một trời Bắc phương đang đón chờ cơ duyên xiển khai hưng phát. Ngài đã đạp nát ngai chông, băng đèo vượt ải, hơn mấy trăm cây số ngàn Phú Yên-Thuận Hóa đã xích lại gần hơn trong tâm khảm Ngài. 

Thế rồi một bóng đơn phương, cô thân chích ảnh, dòng máu xuất trần đang thúc hối, giục ruổi đôi chân, với gói hành trang đơn hàn bé bỏng. đôi guốc mộc của Ngài đã đạp bằng cát bụi Trường Sơn để đặt chân lên xứ Huế. 

Năm Canh Ngọ (1690), Ngài hướng đến Hàm Long Thiên Thọ - tức Tổ đình Báo Quốc ngày nay để bái yết Giác Phong Lão Tổ. Cư trú ở đây gần được một năm, hay tin thân phụ ngọa bệnh nan y, Ngài trở lại cố hương phụng dưỡng cha già. Hằng ngày vào rừng đốn củi để đem về đổi gạo nuôi cha. 

Ròng rã bốn năm trời, sau thân phụ vĩnh biệt ra đi, Ngài tận tụy lo tròn hiếu đạo. Trong thời gian bảy năm trời, ngài đã hai lần chứng kiến cảnh tử biệt sinh ly. Ngoại cảnh hơn một lần chấn động tâm linh, nhưng cũng chính âm ba đó đã thôi thúc Ngài trực nhận phân minh bến bờ sinh tử. Cánh hải âu đã lồng lộng lướt gió tung mây, những cụm tơ trời làm sao cột chặt tâm hồn vốn sẵn tư phong tầm nghiên chân lý.

Năm Ất Hợi (1695), Ngài trở ra Thuận hóa chọn vùng đất này thọ giáo cầu tu. Ngài đã thọ Sa-di với Ngài Hòa thượng Thạch Liêm và hai năm sau - tức năm đinh sửu (1697)- Ngài đã đăng đàn thọ Cụ túc giới.

Đối với Ngài, bản hoài tự độ độ tha không phải là cơm chén nước ly mà bước hoạn đồ phải lắm gian truân thao thao khổ lụy. Cảnh thấy trước mắt, tiếng động bên tai, lục căn đối trần vẫn là ba động trường canh thoạt sinh thoạt diệt. Cho nên, niềm tâm tư khắc khoải vẫn nằm trong vức giới suy tưởng dâng trào. Muốn đạt đến chân trời cứu cánh đó, không gì khác hơn cần nỗ lực tấn tu, nghiên tầm pháp yếu... 

Đến năm Kỷ mão (1699), Ngài bắt đàu tham lễ khắp chốn Thiền lâm, hễ nghe đâu có danh tăng xuất hiện là ở đó có bóng hình Ngài. Trên dặm đường tầm pháp ấy, Ngài đã dõng mãnh vượt thoát bao nỗi gian truân. Với Ngài, trở lực chính là bước thăng hoa, là mốc giới đánh dấu con đường hiển thánh. 

Nhưng cánh chim hồ hải đâu có thể bay mãi đến vô cùng và chính phong khí Long sơn nơi Tổ Từ Dung hoằng hóa, khai sơn Tổ đình Từ đàm, lưới pháp huyền linh đã cột chặt chân Ngài trong yếu chỉ thoại đàu ‘Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ’(Muôn pháp về một, một về chỗ nào). Với dòng tâm linh trơn trợt thuận chiều, lối suy tư đó đã được gút lại trong vỏ cứng tư duy, cần dũa mài đẽo gọt và đợi chờ chuỗi ý thức bùng vỡ.

Hoát nhiên bùng vỡ là hoát nhiên đại ngộ. Những sự kiện ấy cần kinh qua thời gian chiêm nghiệm, quá độ của chiêm nghiệm là thực tại bức thúc, chia chẻ, chiết ly. Chính điều này đã đeo đẵng Ngài suốt bảy tám năm trời chết sống. Nội tại tâm giới qua những lần sống chết triền miên - vạn pháp hiện hữu đơn vị. Vạn pháp sẽ về một, về với cội nguồn chơn chất bản lai; nhưng một sẽ về chỗ nào nếu không phải là đắng cay tủi nhục ôm lấy bó gai nhọn khó khăn này. 

Ngài bắt đầu tìm về núi Thiên Thai kết bạn với hoa ngàn cỏ nội, gần gủi với thú dữ ma thiêng... Ngài sống cảnh rong rêu độ nhật, hoa quả đoạn ngày, một mình một bóng, tháng lại ngày qua, năm chầy tiết mãn. Tất cả cho tâm giới suy tư, tất cả cho vết hằn xé óc, tim buốt, gan nhừ. đi tìm nguyên ủy nhất như chính là đi tìm cái ta trong ta, Pháp trong Pháp, Phật trong Phật. 

Rồi một buổi nọ, sau bảy tám năm trời suy tầm chiêm nghiệm, Ngài đã gõ đúng ô cửa ‘truyền đăng’mà một chỉ là ‘Chỉ vật truyền đăng, nhất bất hội xứ’. Bỗng nhiên Ngài được bừng sáng.

Mùa xuân năm Mậu tý (1708), trên con đường trở lại Kinh đô, cỏ dại rêu phong sau 2920 ngày đã lấp đầy lối cũ. Ngài tìm đến Long sơn cầu Hòa thượng Tử Dung ấn chứng. Ngài đem chỗ công phu của mình tuần tự bộc bạch rõ ràng. Hòa thượng Tử Dung đã cho Ngài nếm thêm một lần pháp dược:

Ra nơi hố thẳm buông tay, 
Lao mình nhảy xuống hiểm nguy cam đành. 
Chết đi sống lại chính mình, 
Không còn ai kẻ dối khinh được nào!’ 

Như khế hợp với niềm mong ước từ lâu, Ngài vỗ tay reo cười với nỗi mừng vui cháy sáng. Như con chim đã chui qua mạng lưới, Hòa thượng Tử Dung đã xé toạc những mắc võng cuối cùng bằng lối phủ nhận có dấu than. Tổ dạy: ‘Chẳng nhằm, chẳng nhằm!’. Có nghĩa là không nhằm nhưng không nhằm mới đích thị là nhằm. đây là triển khai lý sắc không Bát-nhã. Chính vì điểm khế hội ấy nên Ngài nhậm lẹ đối ngôn:

Xưa nay sự thật rõ ràng, 
Quả cân này vốn làm bằng sắt kia’. 

Lại hai chữ ‘không nhằm’toát ra từ kim khẩu của Tử Dung Lão Tổ. đây chính là lưỡi dao sắc, cắt nốt mắt lưới cuối cùng để cho cánh hồng điểu tung trời lướt gió.

Nếu như sớm biết đèn là lửa, 
Nếu chắc chắn rằng cơm chín đã lâu’. 

Bấy giờ hoàng điểu đã cao bay, càng lúc càng cao, cao tận chóp đỉnh trời xanh lồng lộng. Tổ Tử Dung thỏa dạ thúc đẩy cho chim thoát gió băng ngàn bằng pháp yếu :

Xưa nay Phật, Tổ truyền nhau, 
Chẳng hay Phật, Tổ truyền trao vật gì ?’

Có sẵn vốn am tường nhất chơn pháp giới đã được ngộ hoạch, Ngài thưa đáp lại lời Tổ Tử Dung nhưng cũng chính là trả lời cho mình:

Tảng đá mọc măng cao một trượng, 
Lông rùa làm chổi nặng ba cân’. 

Tổ Tử Dung tiếp:

Lung linh nước chảy qua đèo, 
Ngựa đua dưới nước, thuyền chèo trên non’. 

Ngài ứng khẩu:

Trâu đất gãy sừng thâu đêm rống, 
đàn cầm dây đứt suốt ngày rung’. 

Sau khi đã mở được những chuỗi khóa siêu tuyệt, bằng lối phép ngôn thấn đối đó, Tử Dung Lão Tổ đã ấn chứng, Ngài lại trở bước lên đường hoằng du độ thế. Với khối óc, con tim và đôi chân không biết mỏi mệt, Ngài đã vân du hóa độ đó đây. Hết Huế đến Phú Yên, xong Phú Yên trở lại Huế, từ vua quan tể tướng cho đến sĩ thứ nhân dân, xã hội có bao nhiêu giai tầng là có bấy nhiêu ứng thân hóa hiện.

Suốt dọc chặng đường miền Trung không đâu là không có bước chân Ngài và lắm lúc Ngài đã sử dụng thần thông để thâu ngắn những quãng đường hóa đạo. Suốt cuộc đời Ngài là một chuỗi ngày dài thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh.

Mùa xuân năm Nhâm dần (1722), Ngài về Huế ở thảo am Thiên Thai, tức Tổ đình Thiền Tôn bây giờ. Trong những năm Quý sửu (1733), Giáp dần (1734), Ât hợi (1735), Ngài khai liên tiếp bốn đại giới đàn theo lời thỉnh cầu của hàng xuất gia, của các quan viên hộ pháp cũng như thiện tín Phật tử gần xa. Năm Canh Thân (1740), sau khi truyền giới tại Giới đàn Long Hoa, Ngài đã trở về thảo am.

Đương thời Hiếu Minh vương Nguyễn Phúc Chu cảm phục đạo đức và danh tiếng của Ngài, muốn thỉnh Ngài vào cung, nhưng Ngài chỉ thích thanh tịnh, tự tại ở chốn Thiền lâm nên đã từ tạ lời thỉnh cầu mà không đến.

Ngoài thời gian tu luyện ở thảo am dưới chân núi Thiên Thai, Ngài còn khai sơn chùa Viên Thông, nơi đây vua quan và Phật tử thường tới lui học đạo. Mùa xuân năm Nhâm tuất (1742), Ngài chứng minh đại giới đàn tại chùa Viên Thông. đây là Phật sự tối hậu của cuộc đời Ngài.

Suốt hơn bảy mươi năm trong thế giới này, hơn bảy mươi mùa lá đổ mưa sa, nhưng nước đổ về nguồn, lá rơi về cội, đó là định kiến pháp nhĩ hiển nhiên. Cũng thế, tấm thân tứ đại của Ngài đã phân hóa hao mòn theo lớp bụi thời gian chồng chất. Mảnh cà sa phấn tảo năm nào bây giờ đã nhuộm đày phong sương trong suốt những tháng năm dài hoằng hóa và đã chọn vùng đất này làm chỗ sở quy thị hiện Niết bàn vào trưa 22 tháng 11 năm Nhâm tuất (1742) sau khi hội họp môn đồ lại để dạy bảo lần cuối cùng và phú kệ cho đồ chúng:

Thất thập dư niên thế giới trung, 
Không không sắc sắc diệc dung thông, 
Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý, 
Hà tất bôn man vấn Tổ tông’. 
(Ngoài bảy mươi năm trong thế giới, 
Không không sắc sắc thảy dung thông, 
Ngày nay nguyện mãn về quê cũ, 
Nào phải ân cần hỏi Tổ tông?' 

Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 3, chúa Nguyễn bấy giờ ban thụy hiệu là ‘Chánh Giác Viên Ngộ Hòa thượng’. Ngài thọ 76 tuổi đời và 45 tuổi hạ. đệ tử xuất gia danh tiếng có 49 vị và rất đông đệ tử tại gia. Tang lễ của Ngài được tổ chức suốt gần 3 tháng, đến ngày 19 tháng 2 năm Quý hợi mới cung nghinh kim quan của Ngài an táng và được triều thần tôn tạo ngôi bảo tháp hùng vĩ đến ngày nay.

Sự thoát hóa quy Tây của Ngài đã để lại biết bao thương cảm. Dòng Hương giang soi bóng năm xưa bây giờ đã mất đi hình ảnh cố nhân và mây đỉnh Ngự bình như sững sờ không chịu cuốn theo chiều gió:

Núi Ngự tuần đầy mây chẳng rã, 
Sông Hương ngày trọn nước không trôi’. 

Bấy giờ chúng hậu còn ngậm ngùi nước mắt trông theo, và trên đỉnh cao thâm thiên giới một vì sao chợt biến giữa hoàn vũ bình nhiên đang đợi đón đưa Ngài vào cảnh giới bất diệt bất sinh.

Ngưỡng bạch Giác linh đại Lão Tổ sư, giờ đây, trước đỉnh trầm tỏa ngát hương từ, đàn hậu bối chúng con hiệp tụ về đây, ôn lại đời Ngài để học đòi đạo hạnh cao khiết, đức nhẫn nan suy, hiếu đạo trọn đường, pháp lưu sơn thủy.

Hồi tưởng lại ba trăm năm trước, đây là vùng rừng sâu núi thẳm, chân người tuyệt dấu,sơn lam chướng khí, thú dữ vây quanh, bao mối hiểm nguy thường xuyên đe dọa. Chúng con liên tưởng về những đêm đông giá rét mà Ngài trải qua ròng rã bảy năm dài, những đói lạnh làm sao tránh khỏi khi thiền sàng chỉ là bông cây thảm cỏ, rong xanh đáy hồ đã góp phần duy trì mạng mạch sắc thân. độc cư ở chốn u tịch hoang vu, một tiếng xào xạc cũng làm lạnh người rợn gáy... Thế nhưng tất cả đói lạnh hiểm nguy, sợ sệt đã lùi bước trước chí nguyện siêu phàm của Ngài.

Hơn hai thế kỷ rưỡi trôi qua, sau khi Ngài nhập diệt nhưng chúng sinh vẫn còn đó với nghiệp chướng sâu dày, giáo pháp nhiệm màu vô thượng vẫn còn đây. đệ tử chúng con nguyện bước theo gót chân Ngài với tất cả tấm lòng hưng đạo độ mê.

Bóng hình Ngài tuy không còn nữa nhưng đạo phong trác tuyệt xuất thế của Ngài đã nhuận đượm khắp cả khoảng thời gian vô cùng và không gian vô tận. Ân triêm ấy Ngài đã ban cho chúng con là cả một gia tài quý báu, chúng con nguyện khắc cốt ghi tâm và mãi mãi xứng danh là cháu con của một vị đắc truyền Tổ đạo Việt Nam.

Trong giờ phút linh thiêng và thanh tịnh này, nhạc thông gió ngàn tấu khúc hòa cùng thành tâm cung kính của đệ tử chúng con. Ngưỡng kính Giác linh Ngài phò trì gia bị cho chúng con đi trọn quãng đường còn lại trong sự nghiệp hoằng pháp độ sinh và tiến hành Phật sự đại trùng tu Tổ đình Thiền Tôn sớm được thành tựu viên mãn.

Chúng con thành kính đảnh lễ Giác linh Ngài.

Nam mô Lâm Tế Chánh tông tam thập ngũ thế khai sơn Thiên Thai Thiền Tôn tự, húy thượng Thật hạ Diệu hiệu Liễu Quán đại lão Tổ sư. 

HT. Thích Khế Chơn 


KỶ NIỆM 266 NĂM TỔ SƯ LIỄU QUÁN VIÊN TỊCH
Ý NGHĨA PHÁP KỆ TRUYỀN THỪA CỦA TỔ LIỄU QUÁN
Thích Viên Giác

Sự xuất hiện của Tổ sư Liễu Quán (1667-1742) như là một Bồ tát bổ xứ, thực hiện sứ mệnh lịch sử: Không chỉ duy trì và phát triển mạch sống Phật giáo Việt Nam giữa bối cảnh xã hội tối tăm, Phật pháp suy đồi mà còn thể hiện sự xả thân vì đạo; lập thảo am, ăn rong, uống nước suối, hơn mười năm tham cứu công án, tu hành đắc đạo. 

Điều đặc biệt là sau khi đắc đạo, Tổ Liễu Quán tự mình biệt xuất pháp kệ để khai sinh một dòng thiền mới, chứng tỏ Tổ có một sự tự tin mạnh mẽ, có tầm nhìn đầy tuệ giác về sức sống và nhu cầu của xã hội đương thời. Tại sao Tổ sư Liễu Quán không thuần túy kế thừa pháp hệ truyền thống Lâm Tế? Chúng tôi nghĩ rằng:
Một là, dòng thiền Lâm Tế khi qua Việt Nam chỉ còn ý nghĩa truyền thừa pháp hệ mà không còn chất liệu sinh động “đánh, hét” một thời. Tổ sư Minh Hoằng-Tử Dung khi trao cho Tổ Liễu Quán một công án và sau ấn chứng sự đắc pháp theo truyền thống Thiền tông Trung Hoa nói chung, không mang bóng dáng đặc thù của thiền Lâm Tế.

Hai là, mạch nguồn tâm linh Trung Hoa không phù hợp với dòng tâm thức Việt Nam, không đáp ứng được căn cơ và nhu cầu thời đại.

Ba là, bối cảnh lịch sử phức tạp từ Trung Hoa cho đến Việt Nam thời bấy giờ đã làm phai nhạt mối gắn bó pháp hệ chính thống. Cần phải có một pháp hệ mới để nối tiếp mạch nguồn tuệ giác.

Bốn là, với ý thức của người dân Việt, Tổ Liễu Quán muốn định hướng cho dòng thiền của ngài tiếp nối được mạch nguồn tuệ giác đã tạo nên dòng văn hóa Việt. 

Do vậy, chúng tôi cho rằng pháp kệ truyền thừa của Tổ Liễu Quán có một ý nghĩa đặc biệt, đó là định hướng đường lối tu học cho các thế hệ đương thời. Chúng ta thử tìm hiểu, với ước mong làm sáng tỏ được phần nào ý hướng của Tổ sư: 

Pháp kệ Liễu Quán 

Thiệt tế đại đạo
Tánh hải thanh trừng.
Tâm nguyên quảng nhuận
Đức bổn từ phong.
Giới định phước huệ
Thể dụng viên thông.
Vĩnh siêu trí quả
Mật khế thành công.
Truyền trì diệu lý
Diễn xướng chánh tông.
Hạnh giải tương ưng
Đạt ngộ chơn không.

Dịch:

Đường lớn thực tại
Biển thể tính trong.
Nguồn tâm thấm khắp
Gốc đức vun trồng.
Giới định phước huệ
Thể dụng viên thông.
Quả trí siêu việt
Hiểu thấu nên công.
Truyền giữ lý mầu
Tuyên dương chính tông.
Hành giải song song
Đạt ngộ chân không.

(Nhất Hạnh dịch)

Khi tham khảo cả bốn dòng kệ: 1-Tổ Vạn Phong, đời 21 xuất kệ (ngài Liễu Quán kế thừa). 2-Tổ Đạo Mân đời 31 Lâm Tế. 3-Tổ Minh Hải và 4-Tổ Liễu Quán, ta sẽ thấy tính biện chứng và tính thực tiễn của dòng kệ Liễu Quán rất rõ nét, điều đó chứng tỏ Tổ Liễu Quán đã xây dựng con đường tu tập, hành đạo theo một trật tự mà qua đó biểu hiện lộ trình tu chứng và hành đạo của ngài. Đồng thời cũng nói lên ước vọng của ngài về sự phát triển Phật pháp trong tương lai. 

Pháp kệ truyền thừa của Tổ sư Liễu Quán mang tính định hướng lộ trình tu hành chứ không chỉ là pháp hệ truyền thừa về mặt hình thức, điều này rất có ý nghĩa đối với tình hình Phật giáo lúc bấy giờ. Đây là điểm đặc sắc của Tổ. Pháp kệ của Tổ Liễu Quán có 48 chữ, 12 câu theo thể tứ cú, toàn kệ có thể chia ra làm sáu phần hoặc lộ trình tu hành gồm sáu bước:

1- Thể tính vắng lặng
2- Tâm thức thánh thiện
3- Công phu hoàn chỉnh
4- Trí tuệ vẹn toàn
5- Hóa độ nhân gian 
6- Thành tựu thánh quả

1.Thể tính vắng lặng 

Thiệt tế đại đạo/Tánh hải thanh trừng (Đường lớn thực tại/Biển thể tính trong).

Thiệt tế có hai nghĩa, một là nội dung đắc đạo tuyệt đối không hư vọng. Hai là, lý thể chân như. Thiền tông thường dùng từ “Thiệt tế lý địa” chỉ cho thế giới bình đẳng nhất như. Trong ý nghĩa triết học chỉ cho chân lý hay sự thật hoặc thực tiễn, thiền sư Nhất Hạnh dịch là thực tại.

Đầu tiên nói về nền tảng uyên nguyên của vũ trụ, trên nền tảng ấy mà chư pháp hiện hữu. Cái nguyên lý phổ quát ấy vốn thanh tịnh, vô nhiễm ở nơi thánh không thêm, ở nơi phàm không bớt, Phật và chúng sanh đồng dạng, hữu hình vô hình đều cùng một tính chất. Đây là nói đến nguyên lý của sự tồn tại, khẳng định giá trị siêu việt, bình đẳng ở nơi mỗi chúng sinh.

2.Tâm thức thánh thiện

 Tâm nguyên quảng nhuận/Đức bổn từ phong (Nguồn tâm thấm khắp/Gốc đức vun trồng).

Các nguyên lý phổ quát ấy biểu hiện ở nơi con người là nguồn tâm thức rộng lớn. Tâm thức muốn tương ứng với đạo lớn phổ quát ấy phải là nguồn tâm rộng lớn vô lượng mà nền tảng là đức từ bi. Khi tình thương yêu không đủ thì năng lượng giải thoát không mạnh, Phật giáo Việt Nam thường đặt từ bi đi trước trí tuệ, chùa chiền được gọi là cửa từ bi. Khơi dậy mạch nguồn vô lượng bằng tình thương bao la, nhờ vậy mà thấu suốt được nỗi thống khổ của chúng sinh, mới phát khởi đức tinh tấn dõng mãnh để cầu đạo giải thoát. Như vậy, nền tảng của mọi đức hạnh là từ bi, đó là tính chất của nguồn tâm thanh tịnh rộng lớn, ngược lại là tính chất ích kỷ chấp ngã, tâm lượng hẹp hòi, đóng bít cánh cửa đại đồng. Ngọn gió từ bi mà Tổ Liễu Quán nói đến là nội hàm của nguồn tâm. 

3. Công phu hoàn chỉnh 

Giới định phước huệ /Thể dụng viên thông (Giới định phước tuệ/Thể dụng viên thông).

Động lực cứu đời đã thiết lập, còn lại là việc tu hành dựa trên sự thành tựu giới định và phước tuệ. Ở đây Tổ muốn nói: Xây dựng hành vi và tâm lý đạo đức sẽ tạo nên phước lớn và tu tập thiền định sẽ đạt được tuệ giác. Đây là con đường tu tập truyền thống mà Đức Phật đã dạy, không riêng cho tông phái nào. Tổ đã thực hiện trọn vẹn cả hai lãnh vực ấy trong quá trình cầu pháp, mọi đạo đức căn bản đều thực hiện vẹn toàn, mà khi đọc về cuộc đời của ngài ta thấy rất rõ.

Thể dụng, thể là điều kiện căn bản để mọi pháp tồn tại. Ở đây chỉ cho giới và định. Dụng là cái vận hành của một pháp. Ở đây chỉ cho phước và tuệ, đầy đủ phước đức và trí tuệ thì sự vào ra trong chốn hồng trần mới an ổn và ích lợi. Phước và tuệ luôn dựa trên giới và định, đây là một quy luật về sự thành tựu tâm linh. Phước có thể tổn, tuệ có thể giảm nếu không có nền tảng căn bản là giới và định. Thể dụng viên thông, chính là công phu tu tập được hoàn chỉnh.

4. Trí tuệ vẹn toàn 

Vĩnh siêu trí quả/Mật khế thành công (Quả trí siêu việt/Hiểu thấu nên công).

Sau khi giới định phước huệ đã được trang bị, công phu tu tập đã miên mật sẽ đưa đến một tâm thái sáng rỡ, soi chiếu mọi góc tối của nghiệp, như một tia chớp của một lưỡi kiếm sắc bén, mọi u tối chướng ngại đều bị cắt đứt. Sự thấy biết sắc bén ấy, kinh tạng Nguyên thủy gọi là Liễu tri (cái biết rốt ráo). Cái thấy ấy thông suốt với cái thấy của mọi bậc Thánh, cái thấy đến nơi đến chốn, pháp hiệu của ngài là Liễu Quán, chính là ý nghĩa này. Lúc ấy, mọi hành giả luôn được năng lượng Phật, Bồ tát hộ niệm, sự giác ngộ được khẳng định, nên gọi là Mật khế thành công. 

5. Hóa độ nhân gian

Truyền trì diệu lý/Diễn xướng chánh tông (Truyền giữ lý mầu/Tuyên dương Chánh tông).

Thành tựu trí tuệ siêu việt chưa phải là hoàn tất lộ trình giải thoát như nhiều người lầm tưởng, nhất là theo lộ trình tu tập của Bồ tát. Năng lượng từ bi ở nơi nguồn tâm chưa được giải tỏa, Bồ tát không thể hưởng thụ an lạc nội tại, Bồ tát hướng tâm đến nhân gian thực hiện mục tiêu hóa độ chúng sinh. Diệu lý là đạo lý giác ngộ, giải thoát của Phật, Chánh tông là đường lối tu hành của Phật. Thông qua việc truyền trao nguồn tuệ giác cho đời, giữ gìn mạch sống giác ngộ của đạo, đó là một sứ mệnh thiêng liêng. Sức sống của Phật pháp tùy thuộc vào hai yếu tố: Bảo tồn nguồn mạch tuệ giác và truyền bá Chánh pháp. Vấn đề thứ nhất, cần đào tạo được người để giao cho trọng trách giữ gìn mạch sống của Đạo, điều nầy rất khó, như người xưa thường nói: “Đệ tử tầm sư dị, sư tầm đệ tử nan”. Vấn đề thứ hai, phải đem giáo lý truyền bá tuyên dương để lợi ích cho hữu tình, tạo ảnh hưởng vào xã hội nhân sinh. Tổ sư đã tích cực di chuyển từ kinh đô về Phú Yên trong nhiều năm dù đường sá xa xôi. Ngài liên tục thiết lập pháp hội thí giới, mở đạo tràng tiếp dẫn đồ chúng, thuyết pháp độ sanh, những bước đi của ngài đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh của mình.

6. Thành tựu thánh quả

Hạnh giải tương ưng/Đạt ngộ chơn không (Hành giải song song/Đạt ngộ chơn không).

Hóa độ nhân gian là sự thành tựu trọn vẹn của một hành giả Phật tử mà một trong những định nghĩa về Phật là Giác hạnh viên mãn. Bước cuối cùng của lộ trình tu tập là tự giác và giác tha được thành tựu. Ở đây, nói đến hạnh và giải tương ưng tức là trí tuệ và đức hạnh song hành. Biểu hiện của hạnh giải là làm đúng như nói và nói đúng như làm, tri hành hợp nhất. Sự thành tựu của công trình tu tập phải ở nơi đời sống thực tiễn của con người xã hội chứ không phải ở nơi tâm thức hay trong sự vắng lặng của núi non. Sự thành tựu ấy gọi là Diệu hữu, theo chủ trương của Phật giáo Đại thừa, và qua Diệu hữu mà hiển lộ Chơn không. Đạt ngộ chơn không của Tổ sư Liễu Quán đặt sau cuối bài kệ như một sự trở về cội nguồn viên mãn sau một cuộc hành trình dài vô tận. 

Như vậy, với lộ trình sáu bước, pháp hệ truyền thừa của Tổ Liễu Quán có tính cách định hướng đường lối tu tập và hành đạo, qua đó thể hiện ý chí của Tổ một cách rõ ràng rằng, nội dung mà một dòng thiền chuyên chở phải là sự vận hành công đức giải thoát và giác ngộ trong đời sống của xã hội nhân sinh. Đó là một định hướng mở rất phóng khoáng phù hợp với bối cảnh phát triển xã hội của dân tộc Việt vào thế kỷ XVIII. 

Thích Viên Giác  
 


DẪN VÀO THẾ GIỚI THIỀN HỌC CỦA TỔ SƯ LIỄU QUÁN 
Huỳnh Kim Quang

Thiền có thể nào là một hệ thống giáo nghĩa? Hay một cách trực diện hơn, Thiền có thể nào bị đóng khung trong một hệ thống học lý? Cái gì bị đóng khung hay bị hệ thống hóa đều không còn giữ được bản sắc sinh phong và hoạt dụng của chân thân. Thiền từ tôn chỉ đến phương tiện hành đạo đều cốt ở chỗ dĩ tâm truyền tâm, đối vật chỉ vật, ứng biến vô ngần, chuyển hóa diệu dụng, không trụ trước, chẳng nệ không. Hễ dừng lại dù chỉ một ý niệm mảy may đều bị nghiền nát ra thành cát bụi vùi dập dưới gót chân điên đảo của vô minh. Hễ khởi niệm thao tác dù trong sát na vi tế đều là nhân duyên khiến cho sơn hà đại địa biến tướng muôn trùng. Như thế, "Thế giới Thiền học" chỉ là cách nói mượn danh ngôn ước lệ để dẫn dắt kẻ sơ cơ, như mượn ngón tay mà trỏ mặt trăng vậy. 
Trong ý nghĩa đó, bài viết này chỉ xin được xem như là một gắn gượng vụng về của một tâm thức phàm phu, mạo muội xưng tán công đức sâu dày của bậc đại Thiền sư của Phật giáo Việt Nam. 
 
Từ giữa thế kỷ 18 trở lại đây, tại miền Trung Việt Nam, một phái Thiền do vị Thiền sư Việt Nam khai sáng đã phổ cập sâu rộng trong nhân gian. Vị Thiền sư ấy là Tổ sư Liễu Quán, người ở làng Bạc Má, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (tức xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên ngày nay). Tại các tỉnh miền Trung Việt Nam, phái Thiền Liễu Quán chiếm một vị thế quan yếu và sâu đậm trong sinh hoạt của các chốn Thiền môn. Điểm đặc biệt cần nhấn mạnh ở đây chính là bản sắc thuần túy Việt Nam của phái Thiền Liễu Quán đã được người Việt Nam tiếp dụng một cách tích cực. Chính điều này là chứng liệu cụ thể về khả tính khế lý, khế cơ ưu việt của phái Thiền Liễu Quán suốt hai thế kỷ qua. 
 
Sử liệu ghi rằng vào năm 1702 ngài Liễu Quán, lúc đó còn là một Tỳ kheo trẻ tuổi, lặn lội đường xá xa xôi từ Phú Yên ra núi Long Sơn ở Thuận Hóa để tham học với Tổ Minh Hoằng Tử Dung. Ở đây ngài đã được Tổ Minh Hoằng Tử Dung trao cho công án "Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ?" (Muôn pháp trở về một, một trở về chỗ nào?). Từ đó ngài vào núi Thiên Thai chuyên tâm tham cứu công án trên suốt 8, 9 năm ròng, nhưng vẫn chưa đạt ngộ. Một hôm nhân đọc Truyền Đăng Lục đến câu "Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ" (Chỉ thẳng đối tượng, lấy tâm truyền tâm, người ngoài không thể liễu đạt được chỗ này), ngài hốt nhiên đại ngộ. 
 
Công án là một pháp môn của Thiền để kiến tánh. Công án đã được ứng dụng phổ biến trong quá trình lịch sử Thiền Trung Hoa. Khi một hành giả đến cầu đạo với một vị Thiền sư, vị thầy tùy theo căn cơ của môn đệ mà trao cho một công án, có tất cả 1700 công án trong Thiền Trung Hoa. Vị môn đệ khi được thầy trao cho công án rồi thì ngày đêm chú tâm vào việc tham cứu công án ấy, bất luận là đang làm việc gì, tâm cũng phải không rời khỏi công án, như bóng với hình. Một công án đúng nghĩa và có hiệu năng tuyệt đối khi nào nó là một bí mật ngàn đời mà người tham cứu không tài nào đoán nổi mặt trái giải đáp của nó.

Nếu không như vậy, tác dụng kỳ diệu của công án đối với người tham cứu sẽ không còn. Ví dụ, đối với công án "Vô" của Thiền sư Triệu Châu, nếu người tham cứu biết được mặt thật của nó là gì (khi biết được mặt thật của nó thì là đại ngộ và lúc đó không cần công án nữa) thì người ấy không tài nào có thể vận dụng hết năng lực bình sanh để đẩy nghi tình của mình lên đến chỗ cùng tột. Việc đẩy nghi tình lên đến chỗ cùng tột rất quan trọng và khẩn thiết trong cách tham cứu công án, vì không có nghi tình thì không có nhất tâm, không có nhất tâm thì không có đại ngộ. 
 
Việc trao công án cho một hành giả Thiền là một việc vô cùng trọng đại và việc này chỉ các bậc đạo sư đắc đạo mới có thể làm được. Vì muốn trao công án cho một người tham cứu, vị đạo sư ấy phải biết được căn cơ của môn đệ đến mức nào, có nghĩa là tùy theo căn tánh của mỗi người, tùy theo trạng thái tâm linh hiện tiền trong lúc tiếp xử mà vị đạo sư trao cho công án khác nhau. Chính vì thế, không có quy tắc nào nhất định, không có tiêu chuẩn nào được đặt ra trước phải tuân theo trong việc trao công án cho hành giả Thiền. Đó chính là chỗ diệu dụng bất khả tư nghì của Thiền học mà không một tâm thức vọng động nào, không một cấp bậc thế trí biện thông nào có thể giám định được. 
 
Đối với sinh hoạt Thiền ở nước ta, việc trao truyền và tham cứu công án, nếu có thì chỉ diễn ra một cách âm thầm kín đáo, ít khi được ứng dụng trong cách dạy đạo hằng ngày giữa thầy và trò. Cho nên, tại các chốn Thiền môn Việt Nam không có cái không khí vừa lắng đọng tịch tĩnh, vừa nóng bỏng sôi trào của cách thức tu tập công án. Trường hợp thầy trò của ngài Liễu Quán là một biệt lệ đáng chú ý và nổi bậc trong sinh hoạt Thiền ở xứ ta. Có thể nói rằng Thiền sư Liễu Quán đã làm sống dậy cái không khí tham cứu công án đầy hứng khởi của sinh hoạt Thiền bắt nguồn từ Trung Hoa. 
 
Nhưng khi phá tung được cái công án "Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ?" Thiền sư Liễu Quán đã thấy được gì bên trong thế giới bí nhiệm ngàn đời ấy? Không biết! Không ai trong chúng ta có thể đoán được ngài đã thấy gì, mà nếu gắng gượng suy nghiệm theo quan kiến vọng động của phàm phu thì lại càng mơ hồ xa cách với chỗ nghiệm chứng của ngài. Những gì chúng ta có thể biết được chút ít là qua bài kệ từ biệt mà Tổ Liễu Quán đã để lại trước khi ngài viên tịch. 
 
"Thất thập niên dư thế giới trung 
Không không sắc sắc diệc dung thông 
Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý 
Hà tất bôn man vấn tổ tông." 
 
Đã hơn bảy mươi năm hiện hữu trong thế giới 
Không không sắc sắc tất cả đều dung thông 
Ngày nay hạnh nguyện đã viên mãn nên trở về nhà cũ 
Hà tất phải bận lòng hỏi đến gốc gác làm gì. 
 
Ngộ chứng của Thiền chính là khai phát đến tận cùng biên tế sâu nhiệm của trí tuệ Bát Nhã để mở ra diệu dụng không thể nghĩ bàn của trí tuệ rốt ráo này trong việc quán chiếu tất cả các pháp. Qua đó, chiếu kiến được tất cả các pháp đều gỉa hợp, không tự tánh, là Không. Không ngay trong lúc các pháp đang hiện tiền (đương thể tức Không). Không là không có tự tánh chứ không phải là hư vô theo nghĩa đối chiếu với cái Có thuộc vọng chấp đoạn thường của phàm phu. Không phải tiêu diệt cái Có rồi mới được Không. Không ở ngay trong chính cái Có. Cũng chính nhờ các pháp là Không, cho nên, các pháp mới hiện hữu. Hiện hữu trong ý nghĩa này chính là sự hiển lộ sinh động của mối tương quan, tương duyên, tương tức, tương nhập giữa tất cả các pháp, từ tâm đến vật. Chính vì vậy, nói các pháp thật sinh hay thậït diệt đều không đúng. Không nói các pháp sinh hay diệt cũng chẳng nhằm. Hễ còn bám víu vào bất cứ phạm trù nào, ý niệm nào, tư tưởng nào, hình danh nào đều là vọng chấp, là sai lầm, là hý luận. 
 
Tổ Liễu Quán đã sử dụng cách dùng từ trùng lập trong câu "Không không sắc sắc diệc dung thông" chính là một chủ ý để khai thị. "Không không sắc sắc" nói lên ý nghĩa trùng trùng duyên khởi của lý duyên sanh vô tánh và vô tánh duyên sanh. Mật nghiã này là nội dung cốt lỗi của diệu lý "Duyên khởi" của Hoa Nghiêm, diệu lý "Không" của Bát Nhã mà đại biểu là kinh Kim Cang một bộ kinh được phổ biến và trân trọng trong Thiền tông. "Không sắc" trong quan kiến vọng chấp của chúng sanh là hai thái cực lưỡng lập của hai thực thể như sống và chết, ban ngày và ban đêm, có và không. "Không sắc" trong trí tuệ Bát Nhã không là hai thực thể vì chúng chẳng có tự tánh.

Khi đức Thế Tôn khai thị về diệu nghĩa của "Không sắc," ngài chỉ sử dụng nó như phương dược để trị lành căn bệnh biến kế chấp, sở tri chướng trong tâm thức chúng sanh. Đối với người chấp có, ngài dạy quán các pháp đều không tự tánh. Đối với người chấp không, ngài dạy quán các pháp do không tự tánh mà duyên hợp hiện hữu. Từ thế xả ly vọng chấp một chiều, ngài dẫn dắt vào con đường Trung đạo để chỉ cho thấy thực tướng của chư pháp là chơn không diệu hữu, ly tứ cú, tuyệt bách phi. Siêu việt lên trên thế lưỡng lập tương đãi của có và không chính là nhập thể vào chân thân của thực tại. Ở đó không có biên tế giữa năng sở, bỉ thử, có không, sinh diệt hay đoạn thường. Ở đó là một trạng thái dung hợp kỳ diệu, là cõi dung thông vô ngại mà Tổ gọi là "Không không sắc sắc diệc dung thông." 
 
Thực tại từ bổn lai vẫn như vậy, không sinh không diệt, không đoạn không thường, không đến không đi, không một không hai. Cái có sinh diệt, có đoạn thường, có đến đi, có một hai chính là tâm thức vọng động của chúng sanh. Còn mang thức tâm vọng động này thì ở bất cứ chỗ nào cũng khởi sinh phiền não khổ lụy. Càng mang tâm vọng động đi tìm thực tại thì càng đi càng lạc lối. Nếu biết dừng lại thì bến bờ chính là đây. Cho nên cái diệu dụng Thiền là ở chỗ biết chận đứng lại sự dong ruỗi của tâm thức vọng động và đập vỡ cái khối tri thức vọng chấp có không thường tình để chọc thủng vào biên tế sau cùng giữa mê mà ngộ. Chỉ một cái chớp mắt, một sát na là đủ để rũ sạch mọi trần cấu và lẫm liệt tận diện "bổn lai diện mục" của mình. Ở đó có gì lạ? Hãy nghe Tổ nói: 
 
"Tảo tri đăng thị hỏa, phạn thục dĩ đa thì." 
 Sớm biết đèn là lửa, thì cơm đã chín tự lâu rồi. 
 
Vì khi nhìn đèn chúng sanh chỉ thấy cây đèn mà không thấy lửa. Thậm chí còn xách đèn đi tìm lửa khắp nơi. Thật ra chẳng ai biết lửa là gì, chỉ nghe người ta nói lửa là thế này, là thế nọ. Rồi khởi niệm tác tưởng cho rằng lửa là như thế này hay như thế kia. Nhưng đến khi đụng đến lửa thật sự và có vị minh sư chỉ cho biết đèn là lửa thì mới biết rằng mình đã mộng tưởng tự bấy lâu nay. Thì ra đèn là lửa không hai không khác, chẳng có gì lạ khi thấy đèn và cũng chẳng có gì mới khi thấy lửa. Quán trọ cũng là quê nhà. Vậy tại sao còn phải hỏi đi về đâu? 
 
"Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý 
Hà tất bôn man vấn tổ tông." 
 
Ngộ chứng của Thiền thì siêu thoát như thế, nhưng không phải vì thế mà buông lung phóng túng đối với lục căn, lục trần. Không phải vì thế mà phủ nhận pháp môn này, chê bai phương thức hành trì nọ. Cũng không phải vì thế mà phá bỏ mọi thể thức tu tập vốn là phương tiện thiện xảo để trưởng dưỡng đạo nghiệp thêm sâu dày. Do vậy, cho nên, trong bài kệ truyền pháp Tổ đã dạy: 
 
"Giới định phước huệ, thể dụng viên thông." 
 
Tu tập cả Giới, Định và Tuệ để thể nhập vào chỗ viên thông vô ngại của thể và dụng. 
 
Đây là chỗ đặc thù của Thiền học của Tổ sư Liễu Quán. Nhiều hành giả Thiền thường quan niệm rằng Thiền vượt ra ngoài tất cả mọi ràng buộc có tính cách quy ước của giới định. Họ quên rằng Lục Tổ Huệ Năng đã thân hành thọ nhận và hành trì giới bổn của một Tỳ Kheo Tăng theo tinh thần Luật tạng của Tiểu thừa. Họ cũng quên rằng từ đức Thế Tôn đến các vị Thiền sư đều không bao giờ lơ là trong việc nghiêm trì cấm giới và thực hành thiền định mỗi ngày để thanh tịnh lục căn và siêu thoát lục trần. Hành giả Thiền lúc nào mà lại không ở trong trạng thái tỉnh tâm an định vượt lên trên sự vướn mắc của tâm và cảnh.

Đó không phải là nghiêm cẩn hành trì giới và định thì là gì? Nói rằng đạt đến trạng thái ngộ chứng của Thiền là siêu thoát tự tại, điều này có nghĩa là không bị triền phược bởi bất cứ tâm cảnh nào chứ không có nghĩa là mặc ý buông lung chạy theo trần cảnh. Siêu thoát tự tại cũng chính là thể tính tối hậu của giới và định. Thể dụng của Giới là siêu thoát tự tại, của Định là thanh tịnh tịch lặng, của Tuệ là linh minh chiếu kiến. Chính vì vậy, còn thấy giới luật và thiền định là những quy ước ràng buộc thì thật sự chưa thể nhập vào chỗ viên thông của chúng. Những hạng người này cần phải đi lại từ đầu thực hành nghiêm cẩn những bước tu tập căn bản của giới, định và tuệ. 
 
Thiền tự nó là một pháp môn đoạn trừ hý luận. Cho nên, việc lý giải suông theo tính cách ước lệ của ngôn thuyết và vọng niệm đều không có chỗ đứng trong Thiền. Liễu giải của Thiền không là chức năng của lý trí nhận thức nhị nguyên. Liễu giải của Thiền là diệu dụng của giác ngộ, là sự chiếu kiến tận cùng vào thực thể của con người và vạn hữu. Trong ý nghĩa này, kiến giải của Thiền không thể tách rời sự chứng nghiệm hay công hạnh tu tập. Giải chính là Hạnh. Cho nên Tổ Liễu Quán nói trong bài kệ truyền pháp rằng: "Hạnh Giải tương ưng, đạt ngộ Chơn Không." Hạnh và giải xứng hợp nhau, tương tức nhau, từ đó đạt ngộ đến Chơn Không. Chơn Không cũng chính là Chơn Như, thật tại, Niết bàn, chơn tâm. 
 
Tổ sư Liễu Quán ra đời và trưởng thành trong bối cảnh lịch sử bất an và phân hóa của đất nước ta vào thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh. Cả hai miền Nam Bắc, đều nằm dưới quyền thống ngự của hai chúa Trịnh và Nguyễn. Mặc dầu không xưng Vương và đều nói là phù trợ nhà Hậu Lê, cả hai họ đều nắm hết quyền chính trong tay. Các chúa Trịnh và Nguyễn đều nổ lực phát huy thanh thế, gầy dựng cơ đồ cho riêng mình. Cho nên đã không ngần ngại tranh bá đồ vương với nhau qua nhiều cuộc chinh chiến, khiến cho dân chúng lầm than, sơn hà điêu đứng. Đó chính là cái cớ cho nhà Mãn Thanh đưa quân xâm lược nước ta một lần nữa vào hậu bán thế kỷ thứ 18. 
 
Trong bối cảnh xã hội như vậy, làm sao tránh được chuyện nhân tâm ly tán, đạo đức suy vi, tiền đồ dân tộc đen tối. Trước vận nước điêu linh và tâm thức con người thời đại đảo điên, Tổ sư Liễu Quán đã chọn cho ngài một đạo lộ để vừa tự giải thoát mình, vừa giải thoát quần sanh. Đạo lộ ấy chính là pháp môn Thiền thuần túy Việt Nam có công năng chuyển hóa tận gốc vô minh, phiền não, bất an và tăm tối cho con người và xã hội. Cùng kỳ lý, Ngài thật sự đã chọn đúng phương thuốc để trị căn bệnh trầm kha cho vạn dân. Chẳng phải thế sao? Mầm móng của mọi bất an và khủng hoảng của cá nhân và xã hội không phải từ bên ngoài mà ở ngay trong chính tâm thức đảo điên vì vô minh và phiền não của mỗi người và của xã hội.

Vô minh và phiền não ấy không thể dùng bạo lực hay quyền uy thế tục có thể dẹp trừ được, vì bạo lực và uy quyền thế tục lại là sản phẩm của vô minh và phiền não. Chỉ có phương pháp kiến tánh giác ngộ bằng con đường tu tập Thiền quán hay tham cứu công án là có thể soi chiếu và phá tung được vô minh. Một người giác ngộ là một thành trì nhỏ của vô minh bị phá hủy, một nước giác ngộ là thành trì lớn của vô minh bị tiêu diệt. Vô minh bị tiêu diệt đến đâu thì ánh sáng chân lý, niềm tin, an lạc, hạnh phúc, bình đẳng, công chính có mặt ở đó. 
 
Đây chính là lý do tại sao các chúa Nguyễn đã nhiều lần triệu thỉnh Tổ vào cung để đàm đạo nhưng ngài nhất quyết không vào. Không vào không phải vì sợ uy quyền thế tục, vì uy quyền thế tục chỉ là thứ giả tạo mong manh như sương mai, như giấc mộng, mà vì không muốn làm mất thì giờ cho những việc làm hữu ích khác đối với hàng vạn dân lành đang khốn khó, khổ đau. Suốt mấy mươi năm còn lại của đời người, Tổ đã vân du khắp nơi từ Phú Yên ra Thuận Hóa để hoằng hóa độ sanh. Ngài đã kiên trì và tận tụy khơi dậy từng ánh lửa trong tâm thức con người thời đại với niềm tin sắt đá rằng chính những ánh lửa này sẽ góp lại thành mặt trời soi sáng nhân gian. 
 
Niềm tin của Tổ đã hiện thực, vì sau khi Ngài viên tịch, dòng Thiền Liễu Quán của Ngài đã phổ cập khắp nơi, rồi cùng đi theo với bước chân của dòng Thiền ấy là vô số những ánh lửa bùng lên thắp sáng cả một miền Nam đất Việt suốt trên hai thế kỷ nay. Trong đó có biết bao người nhờ ánh sáng này mà tái dựng lại cuộc đời hướng mục tiêu của đời người đến cứu cánh giác ngộ! 

TỔ LIỄU QUÁN
Thích Tín Nghĩa (sưu lục)

Căn cứ theo tài liệu nghiên cứu của Thiền sư Mật Thể trong cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, thì dưới triều chúa Nguyễn ở đàng Trong, phong trào phát triển Phật giáo nói chung và Thiền phái Lâm Tế nói riêng bành trướng rất mạnh mẽ ; đồng thời, đã lưu lại cho nền văn học Phật giáo nhiều kiến trúc mỹ thuật, hội họa rất nổi tiếng. Tuy nhiên, khi nhà Tây Sơn thống nhất đất nước, kéo quân từ Nam ra diệt Nguyễn thì đoàn quân lính nầy đã hủy diệt đi những công trình quý báu đó. Bi ký, chứng liệu bị thất tung. Và, Phật giáo đã mất đi nhiều vốn liếng quý giá của mình. Và cũng từ đó, nền sử liệu có vài phần phiến diện. 

Và, nếu ở đàng Ngoài, thiền sư Chân Nguyên được xem như là nhân vật then chốt cho cuộc phục hưng Chánh pháp ở đàng Ngoài ; thì ở đàng Trong, Tỗ Liễu Quán cũng là nhân vật quan trọng đặc biệt về vấn đề lãnh đạo Phong trào Phục hưng Phật giáo ở đàng Trong vậy. 

Vậy, chúng ta hãy đi vào một vài nét đơn thuần về cuộc đời tu học, hành hóa của Tổ Liễu Quán như thế nào. 

Thân thế : 

Ngài thọ sanh năm 1670, tại làng Bạch Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, miền Trung nước Việt, trong một gia đình không mấy được khá giả. Mồ côi mẹ khi ngài vừa lên sáu tuổi. 

Năm 1682, được 12 tuổi, theo cha đi chùa Hội Tôn lễ Phật, gặp thiền sư Tế Viên, ngài cảm mến và xin phụ thân xuất gia tại đây. Ngài rất được thiền sư Tế Viên thương mến và hết lòng dạy dỗ. Những năm hành điệu tại chùa Hội Viên, ngài chỉ làm những công việc nhỏ nhặt như gánh nước cũng như hai thời khóa công phu và luật tiểu Sa di, ... Tu tập ở đây được chín năm thì thiền sư Tế Viên viên tịch, ngài tròn 19 tuổi. Sau khi chu tất tang lễ của thầy, ngài từ giả quý huynh đệ đồng tu ở đây rồi một mình lên đường tìm thầy học đạo tiếp tục.

Năm 1690, vượt Trường sơn ra đất Thuận Hóa, đầu sư với Giác Phong lão tổ ở chùa Thiên Thọ, núi Hàm Long (tức Phật học đường Báo Quốc bây giờ). Được một năm thì phụ thân thọ bệnh, ngài xin phép được trở về nhà để săn sóc. Hằng ngày vào rừng lo đốn củi đổi gạo và thuốc men để chăm sóc cho phụ thân. Bốn năm sau, phụ thân mãn phần, lo tang chay và giao hết nhà cửa hương hỏa cho bà con quyến thuộc xong xuôi, ngài tiếp tục lên đường học đạo.

 Sự nghiệp tu học : 

Năm 1695, nghe thiền sư Thạch Liêm tổ chức giới đàn ở chùa Thiền Lâm, cố đô Huế, ngài xin cầu thọ Sa di thập giới với đạo hiệu thượng Liễu hạ Quán húy Thiệt Diệu, thuộc dòng Lâm tế chánh tông đời thứ 35.

Năm 1697, thiền sư Từ Lâm làm Đàn đầu Hòa thượng, ngài tròn 27 tuổi được tấn đàn Tỳ kheo giới. Đắc giới xong, ngài ở lại đây hai năm để cầu học những giới pháp đã tho chọ được thông suốt rồi lại tiếp tục tham cầu Phật pháp với các bậc tôn sư khắp nơi.

Năm 1672, ngài gặp thiền sư Tử Dung tại chùa Ấn Tôn (tức tổ đình Từ Đàm bây giờ), ở núi Long sơn, cố đô Huế, tổ Tử Dung dạy cho ngài tham cứu câu thoại đầu :

 - “Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ ?”.

 Nghĩa là : 

Muôn pháp về một, một ấy đi về đâu ?

 
Từ câu thoại đầu nầy, làm cho ngài ngày đêm suy nghĩ miên mang. Cuối cùng, ngài lại phải trở về chốn cũ Phú Yên để tịnh tu và tham cứu cho được câu mà tổ đã trao. Suốt năm năm liền mà vẫn chưa làm bung vỡ được thâm ý của câu thoại đầu, lòng tự hổ thẹn. Một hôm, nhân đọc cuốn Truyền Đăng Lục, khi đọc đến câu : 

 “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hồi xứ” 

Nghĩa là : Chỉ vật mà truyền tâm, chính vì vậy mà người ta không hiểu nổi ; thoạt nhiên ngài tỏ ngộ và buông sách xuống với một tâm niệm an lạc.

Năm 1708, ngài tìm ra núi Long Sơn để gặp tổ Tử Dung và trình bày ý của ngài cho Tổ rõ về công phu đã tu tập trong mấy năm qua.

Tổ bảo :

 - “Hố thẳm buông tay, 
Một mình cam chịụ, 
Chết đi sống lại, 
Ai dám chê mình ?”.

 Ngài vỗ tay cười ha hả, Tổ liền nghiêm nét mặt, nói :

 - “Chưa được”. 

 Ngài nói : 

 - “Bình thùy nguyên thị thiết” 

 Nghĩa là : 

Trái cân vốn là sắt, 

Tổ lắc đầu : Sáng hôm sau, tổ thấy ngài đi ngang, liền gọi vào và bảo : 

- “Chuyện ngày hôm qua chưa xong, hôm nay hãy nói lại xem sao”

Ngài đọc :

-“ Sớm biết đèn là lửa, 
Cơm chín đã lâu rồi !”.

 Tổ nghe xong lấy làm đẹp ý và hết lời khen ngợi.
 
Năm 1712, khi Tổ và ngài gặp nhau lần thứ ba nhân cùng đi dự đại lễ Toàn Viện ở tỉnh Quảng Nam, ngài đem trình lên tổ Tử Dung bài kệ Tắm Phật. Tổ hỏi :

 - “Tổ tổ tương truyền, 
Phật Phật thọ thọ, 
Vị thẩm truyền thọ cá thập ma ?”

Nghĩa là :

Tổ truyền cho Tổ, 
Phật truyền cho Phật, 
Chẳng hay các ngài truyền cho nhau cái gì ?

Ngài liền đáp :

 - “Thạch duẫn trừu điều trường nhất trượng
Quy mao phủ phất trọng tam cân”. 

Nghĩa là : 

Búp măng trên đá dài một trượng
Cây chổi lông gà nặng ba cân.

Tổ dạy tiếp :

- “Cao cao sơn thượng hành thuyền,
 Thâm thâm hải đề tẩu mã”.

Nghĩa là :

 Chèo thuyền trên núi cao, 
 Cởi ngựa dưới đáy biển.

Ngài đáp :

 - “Chiết giác nê ngưu triệt dạ hống, 
 Một huyền cầm tử tận nhật đàn”.

Nghĩa là : 

Gãy sừng trâu đất rống thâu đêm, 
Dây dứt đàn tranh chơi suốt sáng.

 Đến đây thì tổ Tử Dung rất bằng lòng về sự tu tập của ngài.

Hoằng hóa độ sanh :

Ngài đắc pháp và được truyền tâm pháp vào lúc ngài vừa 42 tuổi. Nếu thiền sư Chân Nguyên được xem là nhân vật chủ chốt để phục hoạt Phật giáo ở đàng Ngoài (Chúa Trịnh), thì tổ Liễu Quán là nhân vật quan trọng tiêu biểu cho công nghiệp phục hưng, xiển dương và trực tiếp lãnh đạo Phật giáo ở đàng Trong (Chúa Nguyễn). 

Trước sau, ngài đã gặp và tham khảo cũng như được tổ Tử Dung ấn chứng diệu pháp là ba lần : 

- Lần thứ nhất năm 1702, 

- Lần thứ hai năm 1708, lần nầy tổ Tử Dung ấn chứng cho ngài về sự đạt ngộ chánh pháp của Phật và cũng là năm mà ngài khai sáng tổ đình Thuyền Tôn.

- Lần thứ ba vào năm 1712 tại đất Quảng Nam khi tổ Tử Dung và ngài cùng dự lễ Toàn Viện, lần nầy ngài đã trình bài kệ Tắm Phật với tổ.

Ngài đã lập nhiều đạo tràng để truyền giáo như : 

- Tổ đình Thuyền Tôn ở núi Thiên Thai, xóm Ngũ Tây, huyện Hương Thủy vào năm 1708, nhưng mãi đến năm 1747, chúa Nguyễn Phúc Khoát mới ban biển sắc tứ cho chùa nầy; đồng thời, Đại Hồng Chung đang được thờ tại đây cũng được đúc cùng năm nầy, tức là năm Cảnh Hưng thứ tám.

- Tổ đình Viên Thông sau lưng núi Ngự Bình (Chúa Nguyễn Phúc Khoát rất sùng kính uy đức và đạo hạnh của ngài, nhiều lần thỉnh ngài vào kinh để tham vấn giáo lý, ngài đều từ chối, vì không muốn dính líu sự lui tới ra vào với triều đình; do đó, chúa và quần thần hay vào tổ đình Viên Thông để hỏi đạo, nên núi nầy có tên là núi Ngự).

- Tổ đình Hội Tôn, Tổ đình Cổ Lâm và Tổ đình Bảo Tịnh ở Phú Yên.

- Từ năm 1733 đến năm 1735, ngài đã mở liên tiếp ba Đại giới đàn để truyền trao giới pháp cho hàng xuất gia và tại gia. Trong những đại giới đàn nầy, ngài cung thỉnh các bậc Cao Tăng và tể quan cư sĩ ở Đế đô để chứng minh và ngoại hộ cho Phật pháp.

- Năm 1740, ngài làm Đàn đầu Hòa thượng cho Đại giới đàn Long Hoa ở tổ đình Thuyền Tôn.

- Năm 1742, lúc nầy ngài đã 72 tuổi, vì sự nghiệp Phật pháp, ngài lại phải làm Đàn đầu Hòa thượng cho Đại giới đàn tại tổ đình Viên Thông và có đến gần bốn ngàn người tại gia cũng như xuất gia phát nguyện thọ giới.

Một buổi sáng đẹp trời mùa đông năm 1742, nhằm ngày 21 tháng 11 âm lịch, tại tổ đình Viên Thông, ngài dạy đồ chúng đem bút mực ra để viết bài kệ như sau:

 Thất thập dư niên thế giới trung,
 Không không sắc sắc diệc dung thông,
 Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý,
 Hà tất bôn mang vấn tổ tông ?

Nghĩa là :

 Ngoài bảy mươi năm trong thế giới,
 Không không, sắc sắc đã dung thông,
 Hôm nay nguyện mãn về chốn cũ,
 Nào phải ân cần hỏi tổ tông?

Sau khi, ngài làm bài kệ xong, dùng trà thì Đại chúng đảnh lễ và đứng hầu quanh ngài. Trong chúng có vị khóc thành tiếng, ngài dạy :

 - “Quý vị đừng khóc. Chư Phật thị hiện còn nhập niết bàn, còn tôi (tức là ngài Liễu Quán) thì đường đi nẻo về đã rõ ràng, không việc gì mà phải khóc ...”

 
Mọi người đều im lặng. Ngài căn dặn và tâm sự cùng đồ chúng một hồi lâu, ngài hỏi :
 
- “Đã đến giờ Mùi chưa ?”.

 Chúng đáp :
 
- Dạ, vừa đúng.

 Ngài dạy :

 - “Sau khi tôi đã đi rồi, quý vị phải nghỉ đến sự vô thường nhanh chóng của cuộc đời mà siêng năng tu tập trí huệ, chớ nên quên lời dặn của tôi.”.

Ngài dặn dò xong, thân ngồi kiết già và nhắm mắt thị tịch. Chúa Nguyễn Phúc Khoát sắc làm bia ký và dựng tháp phụng thờ ngài trên núi Thiên Thai cạnh tổ đình Thuyền Tôn, xóm Ngũ Tây với thụy hiệu : Đạo Hạnh Thụy Chánh Giác Viên Ngộ Hòa Thượng. 

Tháp của ngài được xây gần Tổ đình Thuyền Tôn, trên núi Thiên Thai. Trước khi ngài viên tịch, ngài phú pháp cho hàng đệ tử và truyền kệ như sau:

Thiệt Tế Đại Đạo,
Tánh Hải Thanh Trừng,
Tâm Nguyên Quảng Nhuận,
Đức Bổn Từ Phong,
Giới Định Phước Tuệ,
Thể Dụng Viên Thông,
Vĩnh Siêu Trí Quả,
Mật Khế Thành Công,
Truyền Trì Diệu Lý,
Diễn Xướng Chánh Tông,
Hành Giải Tương Ưng,
Đạt Ngộ Chơn Không.

Tổ Liễu Quán đã làm cho thiền phái Lâm Tế trở thành một tông phái đặc thù và linh động, có một nền móng vững chắc ở đàng trong (tức là từ Thanh hóa trở vào). Trước khi tổ Liễu Quán xuất hiện, thiền phái Lâm Tế ảnh hưởng của Trung quốc (vì có ngài Nguyên Thiều, ngài Thạch Liêm, ngài Tử Dung, v.v..). Chính tổ Liễu Quán đã Việt hóa tất cả từ văn hóa, kiến trúc và nghi lễ, v. v.. 

Ngài có bốn vị đệ tử lớn: Tổ Huấn, Trạm Quan, Tế Nhân và Từ Chiếu. Bốn ngài nầy đã tạo lập bốn trung tâm hoằng dương chánh pháp lớn lao khắp đó đậy ở đàng Trong. Và, từ thế kỷ thứ 18 trở về sau nầy nghiễm nhiên với danh xưng Thiền Phái Liễu Quán 

Khi chúa Nguyễn mở mang bờ cõi về phương Nam, Thiền Phái Liễu Quán cũng đi dần theo quần chúng ở các vùng đất mới

Và từ đó, Thiền Phái Liễu Quán cứ phát triển và lớn dần lên mãi. Những năm đầu chấn hưng Phật giáo qua các thập niên ba mươi, bốn mươí và cận đại, thiền phái Liễu Quán đã đóng một vai trò trọng yếu của Giáo hội.

Hằng năm, tùy theo hoàn cảnh và thời tiết, chúng ta là hậu duệ, đều có tổ chức ngày Giổ Tổ để kỷ niệm ân đức cao dày của Ngài, nhưng, cũng là mục đích nhắc nhở cho đàn hậu tấn xuất gia cũng như tại gia biết về sự diễn tiến chánh pháp từ sơ khởi cho đến lúc huy hoàng về Thiền Phái Liễu Quán. Ngày giổ đầu tiên được tổ chức tại Tổ Đình Từ Đàm Hải Ngoại tháng Mười ta năm Canh thìn – 2000 và suy tôn Hòa Thượng Thích Đức Niệm là Trưởng Môn phái tại Hoa Kỳ. Năm Tân tỵ - 2001, là ngày Giổ Tổ thứ hai. Và cứ như thế, luân phiên nhau mãi mãi. Quý Ngài cũng như quý Phật tử nên thông tin cho nhau biết thêm về ngày Giổ Tổ nầy để trong tương lai được đông đúc và khắn khít với nhau về tình đạo nhiều hơn.
 

Tín Nghĩa sưu lục 



TỔ LIỄU QUÁN
Nguyễn Đình Chúc

1. Tháp chùa Hội Tôn và Cổ Lâm:

Chùa Hội Tôn là nơi Tổ Liễu Quán đã”đồng chơn nhập đạo” năm lên 6 khi mẹ vừa qua đời.Theo ý nguyện của Ngài,cha bằng lòng cho xuất gia với Hòa thượng Tế Viên người Trung Hoa đang hoằng hóa đạo pháp tại đây. Dấu tích của chùa Hội Tôn vào giữa thế kỷ XVII, nay chỉ còn một ngôi tháp cổ cạnh nhà thờ Mằng Lăng thuộc thôn Hội Tín, xã An Thạch, huyện Tuy An tỉnh Phú Yên. Bên tháp ấy còn có nhiều ngôi mộ mà kiểu cách và thời điểm xây dựng khác nhau: Có mộ cổ lâu đời dáng kiều ngựa, búp sen, con rùa…Có hai mộ tập thể mà theo giáo dân trong vùng là của tổ tiên họ bị giết trong thời ‘’sát tả” ở nhiều nơi được cải táng về đây. Điều ngạc nhiên là tháp và mộ của các giáo dân cùng ở trên diện tích rất hẹp và chen chúc nhau. Vật liệu xây dựng bằng vôi, đá tổ ong hoặc bằng gạch cũ. Trong vùng từ Mằng Lăng đến Lò Gốm thôn Quảng Đức rải rác cũng có mộ kiểu dáng này. Chủ nhân là ai: người Chăm, người Hoa hay người Việt, còn là vấn đề của các nhà nghiên cứu xác minh.
 
Chùa Hội Tôn tồn tại trong một thời gian dài? rồi sau đó mới dời đến chùa Cổ Lâm xây dựng trên lưng chừng núi Sơn Chà, cách địa điểm cũ chừng 300m theo đường chim bay.Tương truyền mộ tháp được di dời và xây lại nơi chùa mới 10 ngôi tháp, có 7 tháp Hòa thượng và 3 tháp búp sen chỉ còn lại một tháp Hòa thượng nơi chùa cũ như là chứng tích. 

Chùa Cổ Lâm hoang phế, di tích còn lại là những bức tường gạch sập đổ và móng, nền vỡ vụn.. Biển thờ “Pháp vũ thọ” của Cổ Lâm được lưu giữ tại chùa Liên Trì cùng thôn Hội Tín. Theo sự hiểu biết của người dân trong vùng, cháu của thầy dòng Nguyễn Hữu Tài kể lại: Những ngày cấm đạo dưới triều Nguyễn có vị sư đã che dấu hai thầy truyền giáo trong họ đạo trốn thoát khi sắp bị sát hại. Sau này, chính họ đã hướng dẫn để cải táng mộ của những giáo dân bị giết hại.

Những tháp ở chùa Cổ Lâm có cùng thời điểm và mô hình cũng như chất liệu xây dựng chứng tỏ đây là những tháp được xây dựng cùng một lúc trong khi phải dời chùa. Mộ tháp không có bia ký. Trước đây Thầy Khế Tâm có gắn bia”Cổ Lâm đường thượng tứ thập thế" vào một ngôi tháp. Các tháp còn lại cần được tu sửa, bởi có tháp đã nghiêng theo triền dốc ! Và tháp còn lại nơi chùa Hội Tôn cách đây hơn 300 năm phải tìm hiểu thận trọng và chính xác ! Đây là sự kiện của các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lãnh vực, trước mắt là tôn giáo cần quan tâm.

2. Tổ Liễu Quán:
 
Ngài họ Lê, húy Thiệt Diệu hiệu Liễu Quán người làng Bạc Mã, huyện Đồng Xuân, nay là thôn Trường Xuân thị trấn Chí Thạnh huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Sinh giờ Thìn ngày 13 tháng 1 năm Đinh Vị (1667) đời vua Lê Huyền Tôn. Năm 6 tuổi mẹ mất, Ngài được thân sinh cho xuất gia với TếViên Hòa thượng tại chùa Hội Tôn. thôn Hội Tín xã An Thạch, huyện Tuy An tỉnh Phú Yên. Ngài tỏ ra thông minh khí tiết hơn các chúng đồng tu. Học đạo được 7 năm thì Hòa thượng qua đời. Năm Canh Thìn (1680), Ngài ra Huế thọ học với Hòa thượng Giác Phong ở chùa Hàm Long Huế, tức chùa Báo Quốc ngày nay. Năm Tân Mùi (1691) Ngài phải trở vào Phú Yên để nuôi cha già yếu, nhà nghèo phải hái củi để có tiền thuốc thang lúc cha bệnh và qua đời năm Ất Hợi (1695). Ma chay xong, Ngài trở ra Huế thọ sa di với Hòa thượng Thạch Liêm và thọ cụ túc giới với Hòa thưọng Từ Lâm vào năm Đinh Sửu (1697).

Năm Kỷ Mão (1699), Ngài đi tham lễ cầu học ở các thiền môn, đến năm Nhâm Ngọ (1702) Ngài đến Long Sơn bái yết Hòa thượng Minh Hoằng Tử Dung, Tổ sáng lập chùa Aán Tôn nay là Từ Đàm và được trao công án: Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xư 萬法歸一一歸何處 (Muôn pháp quy về một. một quy về đâu). Sau một thời gian không tìm ra giải đáp, Ngài trở về Phú Yên và một hôm nhân đọc Truyền đăng lục: Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ 指物傳伈,人不會處 (Chỉ vật truyền tâm, chỗ mà người ngoài không biết). Ngài bỗng nhiên ngộ nhập và tìm ra câu giải đáp, nhưng vì xa cách không thể trình Thầy nên mãi đến năm Mậu Tý (1708) Ngài đến Long Sơn để cầu Hòa thượng ấn chứng, nhưng không được. Hòa thượng Tử Dung còn nêu ra nhiều câu hỏi khác nữa. Sau đó, Ngài phải đến núi Thiên Thai lập thảo am để tham thiền nhập định. Thảo am đó là chùa Thuyền Tôn ở Huế hiện nay, một ngôi chùa của tông phái Thiền. 

Mùa Hạ năm Nhâm Thìn (1712), Ngài trình bài kệ Dục Phật lên Hòa thượng và trả lời thông suốt nhiều câu hỏi đáp thì được Tổ ấn khả. Tổ Minh Hoằng Tử Dung đời thứ 34 phái Thiền Lâm Tế chính tông truyền tâm ấn cho ngài Liễu Quán, húy Thiệt Diệu là tổ đời thứ 35 đã tiếp nối và làm rạng rỡ dòng Thiền Lâm Tế ở Thuận Hóa gọi là Tử Dung - Liễu Quán. Về sau đã biệt xuất dòng kệ 48 chữ: Thiệt Tế Đại Đạo, Tánh Hải Thanh Trừng, Tâm Nguyên Quảng Nhuận, Đức Bổn Từ Phong… rồi hoằng truyền đạo pháp khắp miền Trung và cả nhiều tỉnh ở miền Nam hiện nay. Từ năm Nhâm Dần (1722) Ngài về Tổ đình Thuyền Tôn, Huế và sau đó mở nhiều đại giới đàn truyền giới theo thỉnh cầu của hàng cư sĩ, xuất gia và quan viên. Năm Canh Thân (1740), Ngài trở lại Tổ đình. Chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) cảm phục đạo hạnh của Ngài thường triệu vào cung, nhưng Ngài tạ từ không đến. Năm Nhâm Tuất (1742), Ngài chứng minh đại giới đàn tại chùa Viên Thông, tháng 9 năm ấy Ngài nhóm bệnh rồi tháng 11 trước khi viên tịch Ngài họp đệ tử và dạy rằng: Nhơn duyên đã mãn, ta sắp tịch đây và Ngài còn viết: 

Thất thập niên dư thế giới trung
Không không sắc sắc diệc dung thông
Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý 
Hà tất bôn man vấn tổ tông.

Dịch nghĩa:

Ngoài bảy mươi năm trong thế giới
Không không sắc sắc thảy dung thông 
Ngày nay nguyện mãn về quê cũ
Nào phải ân cần hỏi tổ tông.

Ngày 22 tháng 11 năm Nhâm Tuất (1742) vào giờ Mùi Ngài thị tịch với 76 tuổi đời, 43 hạ lạp. Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 -1765) ban hiệu là Đạo Hạnh thụy là Chánh Giác Viên Ngộ Hòa thượng. Ngày 19 tháng 2 năm Quý Hợi (1743) mới nhập tháp ở phía Nam núi Thiên Thai thuộc làng An Cựu, huyện Hương Trà nay thuộc thành phố Huế. Gần 3 tháng sau ngày Tổ viên tịch mới nhập tháp, có lẽ vì chờ đợi chư sơn ở Phú Yên, quê hương xa cách của Tổ ra dự lễ.

3. Đệ tử đắc pháp của tổ Liễu Quán:
 
Tổ Liễu Quán có 49 đệ tử xuất gia danh tiếng và rất nhiều đệ tử tại gia. Ở Huế có 9 vị gồm: 

-Tế Hiệp: Đệ tử đắc pháp trực tiếp ở chùa Thuyền Tôn, ngôi Tổ đình lớn nhất ở Thuận Hóa. Ngài húy Hải Điện thụy Viên Minh Hòa thượng. Ngài trú trì 33 năm và viên tịch năm 1775 tại Tổ đình.

-Tế Mẫn Tổ Huấn kế thế Tổ Tế Hiệp trú trì Tổ đình từ 1775 - 1777,và Ngài Tế Hiển Trạm Quang là pháp lữ của hai Tổ trên.

-Tế Nhơn Hữu Bùi chùa Báo Quốc húy Viên Giác thụy Giác Viên Hòa thượng 

( -1753) về sau truyền vào Phú Yên. Ngài Tánh Thông Giác Ngộ Hòa thượng, đã 41 năm tu luyện trong núi được tôn phong là “Sơn nhân tăng” có phép thần túc thông và chữa được bệnh mù mắt mẹ vua Minh Mạng, là Tổ khai sơn chùa Bát Nhã tại Mỹ Phú, xã An Hiệp huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên thuộc pháp phái của Tổ Tế Nhơn.

-Tế Ân Lưu Quang, trùng hưng chùa Báo Quốc thụy Viên Giác là vị Tổ phát huy rộng khắp Thiền phái Tử Dung - Liễu Quán ở Thuận Hóa, Huế và nhiều tỉnh miền Trung.

-Tế Vĩ Trường Chiếu, Tổ khai sơn chùa Đông Thuyền, ở Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên, thụy là Viên Hiệu Hòa thượng

-Tế Phổ Viên Trì đã kế thế Tổ Liễu Quán trú trì chùa Viên Thông. Tổ kế thừa húy Đại Nguyện thụy là Viên Đoan Hòa thượng, phái Lâm Tế đời 37. Đời thứ 38, Ngài Đạo Thiện thụy là Viên Trừng Hòa thượng. Đời thứ 39 có ngài Tánh Trạm thụy là Quảng Phong trú trì nhưng chùa suy dần. Năm Thành Thái nguyên niên (1889) Hòa thượng Pháp Lâm húy Chơn Kim, Tổ kế thừa thứ 5 chùa Châu Lâm ở PhúYên, thuộc dòng kệ của Thiền sư Minh Hải chùa Chúc Thánh, Quảng Nam ngang với thế hệ 40 phái Lâm Tế đã trùng hưng chùa. Sau đó.Ngài viên tịch, đệ tử Như Thừa Hoằng Nguyện đời thứ 41 kế thế khai khẩn đất đai với tinh thần “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”.

-Tế Ngữ Chánh Dũng, Tổ khai sơn chùa Từ Lâm. Tế Huy Quảng Tánh chùa Khánh Vân. Chùa này do ngài Giác Thù (1664 -1754) phái Tào Động khai sơn. Sau đó hai phái thay nhau trú trì.

Tỉnh Phú Yên có khoảng 10 đệ tử kế thừa Tổ Liễu Quán đã khai sơn các chùa:

-Tế Hẩu hiệu Khánh Liên Đại lão Hòa thượng kế thừa Tổ khai sơn chùa Bảo Tịnh húy là Thiệt Diệu, hiệu Liễu Quán thụy Chánh Giác Viên Ngộ Hòa thượng

-Tế Duyên chùa Kim Cang hiệu Quảng Giác Hòa thượng. Chùa được sáng lập từ thời Lê trung hưng được nhà vua ban sắc tứ vào năm thứ 5 niên hiệu Vĩnh Hựu (1739). Chùa còn giữ được độ điệp của vua Minh Mạng cấp vào năm 1830.

-Tế Dũng Tổ khai sơn chùa Bình Quang phường 4 Thành phố Tuy hòa, tỉnhPhú Yên.

-Tế Căn (1702-1767) Tổ khai sơn chùa Hồ Sơn hiệu Từ Chiếu Lão Tổ Hòa thượng. Chùa năm trên ngọn đồi ba bề là ruộng đồng thuộc phường 9 thành phố Tuy Hòa.

-Tế Khoán : hiệu Trừng Hưng Hoà thượng khai sơn chùa Dương Long thôn Phú Aân ,xã Hòa An huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.

-Tế Ngạn Tổ khai sơn chùa Long Sơn (chùa Bầu Đục) thôn An Nghiệp xã Hòa Định huyện Tuy Hòa nay là huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên hiệu là Thanh Tùng Hòa thượng

-Tế Thường hiệu An Dưỡng Hòa thượng, Tổ khai sơn chùa Vĩnh Xương thôn Phú Lương xã An Phú huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

-Tế Đài hiệu Khánh Thụy Hòa thượng, Tổ khai sơn chùa Kim Long phía Đông núi Nhạn thuộc phường I thành phố Tuy Hòa.

-Tế Ý hiệu Hoằng Câu Hòa thượng, Tổ khai sơn chùa Long Sơn, thôn Phú Hòa xã An Mỹ huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên Tế Tín hiệu Pháp Vị Hòa thượng có long vị thờ ở chùa này.

Cùng thời với Tổ Liễu Quán khai sơn chùa Bảo Tịnh, ở Phú Yên còn có các thiền sư phái Lâm Tế đời thứ 35 như Thiệt Lãm hiệu Chí Kiên Hòa thượng khai sáng chùa Bảo Sơn Thiên Hải ở Phú Ốc và chùa Thiên Hưng ở Hội Phú xã An Ninh Đông huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Chùa Viên Quang ở An Nghiệp huyện Tuy An, Tổ khai sơn húy Phật Đạt hiệu Mặc Tùy và chùa Châu Lâm nguyên thủy là chùa Long Thủy ở làng Bạc Mã tổng An Hải, nay là thôn Quảng Đức xã An Thạch huyện Tuy An do Tổ kế thừa húy Phật Đoan (theo dòng kệ Đạo Mân) phái Lâm Tế đời thứ 35..

4. Chùa Châu Lâm và Đền thờ Tổ Liễu Quán:

Chùa Châu Lâm ở phía Nam núi Aman tại làng Ngân Sơn ( nguyên là Bạc Má xã, Hạ tổng, huyện Đồng Xuân), nay là thôn Quảng Đức xã An Thạch huyện Tuy An. Chùa nguyên thủy đồng thời với chùa Hội Tôn vào cuối thế kỷ XVII, bởi Tổ kế thừa là Phật Đoan phái Lâm Tế đời thứ 35 cùng đời với Tổ Liễu Quán.

 

 blank

Chùa Cổ Châu Lâm - Ảnh: Lâm Vy 

Chùa ở trên độ cao 10m có chánh điện, nhà đông, nhà tây. Đền thờ Tổ Liễu Quán được sư Khế Tâm xây dựng trên núi Aman phía tây chùa ở độ cao 20m. Đền xây kiên cố có tầng lầu thờ tượng Tổ Liễu Quán tư thế ngồi. Tầng dưới thờ Bia Tổ chạm khắc bằng đá Non Nước cao 1.2m rộng 0,8m. Mặt trước khắc chữ Hán theo bản chính của Pháp điệt Thiện Kế chùa Tang Liên tỉnh Phúc Kiến. Mặt sau là phần dịch tiếng Việt và các đệ tử kế thừa đời thứ 36 ở Phú Yên.

Chùa Châu Lâm còn lưu giữ tượng Phật Thích Ca bằng đồng nặng 2.000 cân, cao 1,5m và bia bằng đá của 24 vị nữ đệ tử của thiền sư Pháp Lâm, đã hoằng hóa đạo pháp ở chùa Viên Thông tại Huế. Các đệ tử tưởng nhớ Tổ đường Châu Lâm nên đã khắc bia và cúng dường đại hồng chung lưu niệm. Đại hồng chung có sự chứng minh của Hòa thượng các chùa sắc tứ Bảo Lâm, Từ Hiếu, Quốc Ân, Tường Vân ở Huế và các vị Hoàng thân cùng công chúa…Hòa thượng Quảng Đức với “ Quả tim bất diệt” là pháp điệt của thiền sư Hoằng Thâm đệ tử của Tổ kế thừa húy Chơn Kiâm hiệu Pháp Lâm phái Lâm Tế, đời thứ 40.

Chùa Châu Lâm ngày xưa trước mặt là cánh đồng nên chùa còn có tên Đồng Mạ. Những năm chiến tranh tàn phá, chùa bị hư hại nặng nề, vậy mà các tượng Phật và khí mảnh thờ phượng trong chánh điện không hề hư hỏng. Châu Lâm ngày nay khang trang nơi có Đền thờ và Bia Tổ Liễu Quán.

Nguyễn Đình Chúc
http://www.baophuyen.com.vn/
 

Tư liệu tham khảo:

- Lược sử Phật giáo và các chùa Phú Yên - Nguyễn Đinh Chúc - Huệ Nguyễn, nxb Thuận Hóa - Huế 1999.
- Lịch sử Phật giáo xứ Huế - Thích Hải Aán - Hà Xuân Liêm, nxb Tp HCM năm 2001.
-Những ngôi chùa Huế - Hà Xuân Liêm, nxb Thuận Hóa - Huế 2000.
- Chùa Thiền Tôn và Tổ sư Liễu Quán - PL.2543.
- Tiểu sử Tổ sư Liễu Quán -Tỉnh hội Phật giáo Phú Yên, PL 2543. 



BIA MINH THÁP CỦA HÒA THƯỢNG LIỄU QUÁN 
THUỘC DÒNG LÂM TẾ CHÁNH TÔN ĐỜI THỨ 35 
ĐƯỢC SẮC PHONG LÀ CHÁNH GIÁC VIÊN NGỘ 
HT. Thích Thiện Siêu dịch 

Ôi, trong giáo pháp Phật đà của ta, việc trọng đại nhất là gì ? Con người sinh ra không từ cửa tử mà đến, chết không vào cửa tử mà đi. Thế nên người nằm non ở tổ, bỏ ngủ quên ăn, chẳng tiếc thân mạng, đều vì việc lớn sinh tử.

Ở thời giáo suy pháp mạt này mà có người vì việc lớn sinh tử như Hòa thượng Liễu Quán, thật là hy hữu.

Sư sinh giờ Thìn, ngày mười tám tháng 11, năm Đinh Mùi (1667) tại làng Bạch Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (nay là làng An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Sư họ Lê, húy Thật Diệu, hiệu Liễu Quán; đi tu từ nhỏ. Sư có thiên tư cao lớn, khí vũ siêu quần. Sáu tuổi mồ côi mẹ, chí muốn xuất trần, được thân sinh đưa đến chùa Hội Tôn xin tu học với Hòa thượng Tế Viên; được 7 năm thì Hòa thượng viên tịch. Sư tìm ra Huế đô lễ Giác Phong Lão tổ ở chùa Hàm Long - Báo Quốc. Năm Tân Mùi (1691) xuống tóc xuất gia, vừa tròn một năm lại trở về quê Phú Yên hằng ngày bán củi nuôi cha. Thắm thoắt bốn năm thì cha qua đời. Năm AᴠHợi (1695), Sư trở lại Thuận đô thọ giới Sa-di với Hòa thượng Thạch Liêm. Hai năm sau, nhằm năm Đinh Sửu (1697), thọ giới Cụ túc với Từ Lâm Lão Hòa thượng. Năm Kỷ Mão (1699), Sư tham lễ khắp chốn tòng lâm, cam sống đời đạm bạc, tâm thường suy nghĩ: "Có pháp gì cao siêu nhất ta quyết bỏ thân mạng để theo pháp đó tu hành". Nghe nhiều bậc thiền hòa các nới nói: "Hòa thượng Tử Dung là vị khéo dạy người niệm Phật, tham thiền nhất".

Năm Nhâm Ngọ (1701), Sư tìm đến Long Sơn, tham yết Hòa thượng Tử Dung, cầu pháp tham thiền. Hòa thượng dạy tham cứu câu "Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ" - "Muôn pháp về một, một về chỗ nào". Ngày đêm tham cứu, trải qua tám chín năm mà không ngộ được gì, tâm rất hỗ thẹn. Ngày nọ nhân đọc Truyền Đăng Lục đến câu "Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xư馱uot; - "Chỉ vật truyền tâm, chỗ người không hiểu" bỗng nhiên ngộ nhập. Song vì biển núi xa cách, không thể trình bày chỗ ngộ với Thầy. Mãi đến xuân Mậu Tý (1708) mới trở lại Long Sơn cầu Hòa thượng Tử Dung chứng minh, đem công phu tham cứu trình xin ấn chứng, đến câu "Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xư馱uot;, Hòa thượng dạy: "Huyền nhai tán thủ, tự khẳn thừa đương; tuyệt hậu tái tô, khi quân bất đắc" "Vực thẳm buông tay, tự mình đương lấy; chết đi sống lại, dối ông sao được". Thế nào, thế nào, nói xem. Sư vỗ tay cười lớn: Ha ha ! Hòa thượng dạy: "Chưa nhằm". Sư thưa: "Bình chùy nguyên thị thiết" - "Cái cân nguyên là sắt". Hòa thượng dạy: "Chưa nhằm". 

Hôm sau, Hòa thượng dạy: "Công án ngày qua chưa rồi, nói ại xem". Sư thưa: "Tảo tri đăng thị hỏa, phạn thục dĩ đa thời - Sớm biết đèn là lửa, cơm chín đã lâu rồi". Hòa thượng rất khen.

Mùa hạ năm Nhâm Thìn (1712), Hòa thượng đến sách tấn rộng rãi toàn viện, Sư trình bài kệ "Dục Phật" (Tắm Phật), Hòa thượng hỏi: "Tổ Tổ tương truyền, Phật Phật thọ thọ, vị thẩm truyền thọ cá thậm ma? - Tổ Tổ truyền cho nhau, Phật Phật trao nhận với nhau, chưa rõ trao nhận cái gì?". Sư đáp: "Thạch duẩn trừu điều trường nhất trượng; quy mao phất tử trọng tam cân - Măng đá nảy cành dài một trượng; phủ phất lông rùa nặng ba cân". Hòa thượng lại dạy: "Cao cao sơn thượng hành thuyền, thâm thâm hải để tẩu mã - thuyền đi trên đỉnh núi cao; ngựa chạy dưới đáy biển sâu là thế nào?" Sư thưa: "Chiết giác nê ngưu triệt dạ hống, một huyền cầm tử tận nhật đàn - Đàn cầm đứt dây rung suốt buổi; trâu đất gãy sừng rống thâu đêm". Mỗi mỗi nêu ra và vào thất cầu chứng, Hòa thượng xem xong, rất vui, rất bằng lòng ấn khả. Sư gặp cơ hội, lấy trí biện đáp rất thích hợp, như nắp đậy hộp, sữa hòa nước. Cơ duyên rất nhiều, không thể chép hết.

Năm Nhâm Dần (1722), Sư trở lại Huế đô, trú ở Tổ đình luôn trong ba năm Quý Sửu, Giáp Dần và AᴠMão thể theo lời thỉnh cầu của Cư sĩ Tể Quan hộ pháp và các hàng xuất gia tại gia, mở bốn giới đàn lớn. Năm Canh Thân (1740) lại tấn đàn Long Hoa truyền giới rồi trở về Tổ đình.

Bấy giờ chúa Nguyễn quý trọng đạo đức Sư, có tâm ân cần vì pháp đối với đạo vị của Sư nên xuống chiếu sắc mời Sư vào cung, nhưng Sư vốn cao thượng, chí nguyện ở suối rừng mà tạ từ chiếu chỉ, không đến.

Mùa xuân năm Nhâm Tuất (1742) lại mở giới đàn ở chùa Viên Thông; đến mùa thu năm ấy nhuốm bệnh nhẹ, giống như không bệnh; đến giữa tháng 10, Sư gọi môn đồ đến dạy rằng: "Duyên ở đời đã hết, ta sắp đi đây". Môn đồ khóc lóc, Sư bảo: "Các ngươi khóc cái gì? Chư Phật ra đời còn nhập Niết-bàn, ta nay đến đi rõ ràng, về tất có chỗ, các ông không nên buồn khóc".

Đến tháng 11 năm ấy, trước khi thị tịch mấy ngày, Sư ngồi ngay thẳng, lấy viết chép kệ từ biệt đời. Kệ rằng:

"Hơn bảy mươi năm trong thế giới, 
Không không sắc sắc thảy dung thông, 
Ngày nay nguyện mãn về nhà cũ, 
Nào phải bôn ba hỏi Tổ tông". 

Tuy nhiên như vậy, câu cuối cùng của Lão tăng hiểu thế nào, hãy nói: "Nguy nguy đường đường, vĩ vĩ hoàng hoàng. Tích nhật giá cá lai, kim triêu giá cá khứ, yếu vấn lai khứ sự nhược hà. Trạm trạm bích thiên thu nguyệt hạo, đại thiên sa giới lộ toàn thân - Nguy nguy đường đường, sáng láng rực rỡ. Ngày xưa cái ấy đến, ngày nay cái ấy đi, cần hỏi việc đến đi thế nào. Trời xanh lặng lặng trăng thu sáng, thế giới đại thiên lộ toàn thân". Sau khi ta đi, các ông hãy nên nghĩ đến vô thường mau chóng, siêng học Bát-nhã, chớ bỏ qua lời ta. Mỗi người hãy nên cố gắng. Vào ngày 22, sáng sớm uống trà, nói chuyện và hành lễ xong, Sư hỏi: "Bây giờ là giờ gì?" Môn đồ đáp: "Giờ Mùi". Sư an nhiên thị tịch.

Chúa sắc làm bia ký ca ngợi đạo hạnh của Sư, ban thụy hiệu là: CHÁNH GIÁC VIÊN NGỘ HÒA THƯỢNG.

Sư sinh giờ Thìn ngày mười tám tháng 11 năm Đinh Mùi, thọ 72 tuổi; 43 năm được truyền y, 34 năm thuyết pháp lợi sinh. Đệ tử nối pháp có 49 người. Hàng tại gia, xuất gia được lợi ích nhờ sự hóa đạo của sư có cả ngàn vạn.

Ngày 19 tháng 2 năm Quý Hợi, nhập tháp tại phía nam núi Thiên Thai thuộc xã An Cựu, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.

Kế tôi gặp lúc đi đến phương nam hỏi han, nghe nói Sư đạo phong cao lớn, hành hóa ở xứ này, độ người vô số, khế hợp tâm Phật tổ, nối đời xuất gia, công hạnh và kiến giả chơn thật, xa gần đều khâm phục. Rất tiếc tôi không kịp được gặp. Nay các môn nhân và đồ chúng nghĩ rằng: Tháp đã làm xong, cần phải dựng bia ký, biết Kế tôi là người trong cuộc, chắc biết việc trong cuộc nên đặc biệt yêu cầu tôi viết bài minh để dựng bia. Kế tôi thẹn mình bút mực sơ sài, đâu dám nhận lãnh. Song kẻ hèn này đã ở trong cửa pháp, tình pháp hữu hẳn khó chối từ; vả lại, khâm phục đạo phong cao khiết, nếu không nêu cao sự nghiệp hoằng pháp độ sinh của Sư thời đời sau không có ai chép lại.

Ôi, nếu lấy mắt thường xem thời thấy có tướng sinh diệt đi lại; nếu lấy mắt đạo xem thời không phải vậy. Sư tuy tịch diệt mà thật đã chứng cảnh Niết-bàn không sinh không diệt, đâu cần tán dương. Nhưng vì Sư trong lúc ở đời có nhiều công đức, sự nghiệp lớn lao, không thể để cho mai một. Song sự tướng ở đời và nhân duyên vào đạo của Sư sợ chưa được rõ hết, nên tôi soạn lời bia ký này; thí như người mù sờ voi, chỉ ghi lại được đôi phần mà thôi.

Bài minh ghi rằng:

Lờ đờ nước chảy, 
Nguồn xa dòng dài 
Đèn tuệ nối lửa 
Đạo tổ sáng hoài 
Cháu con vô số 
Như voi như rồng 
Núi báu bỗng hiện 
Tôn phong siêu lạ 
Trí biện dung thông 
Cơ thiền nhạy bén 
Hóa duyên đã mãn 
Ai nấy tôn phong 
Bên núi Thiên Thai 
Dựng tháp Vô Phùng 
Pháp thân hiển lộ 
Ở giữa muôn trùng. 

Năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748), tháng Tư, ngày Tốt, Trung Hoa, Phúc Kiến, Huyện Ôn Lăng, chùa Tang Liên, cháu trong đạo là Hòa thượng Thiện Kế soạn. 


ĐI TÌM DÒNG SÔNG TRONG HUYỀN THOẠI CỦA 
THIỀN SƯ LIỄU QUÁN
Hồ Đắc Duy

Năm ngoái khi ghé thăm nhà nuôi trẻ em nghèo của vợ chồng anh Trần Quang Lãm ở trên đường Ngũ Tây Xã Thủy An gần chùa Thuyền Tôn , tôi nói với anh là tôi muốn ghé lại thăm ngôi chùa nổi tiếng này , anh Lãm liền tặng tôi một cuốn tiểu sử thiền sư Liễu Quán và dặn là tôi nên ghé lại thăm ngôi bảo tháp của ngài. Lúc bấy giờ tôi chỉ đi thăm thú các nơi trong chùa mà không để ý đến cảnh vật chung quanh chùa lắm , khi về nhà mới đọc cuốn sách được tặng. Thật vô cùng thú vị khi đọc đến đoạn huyền thoại về thiền sư phải ăn rong để sống và rong đó được vớt tại con sông trước chùa , tôi vội vàng chạy xe lên lại chùa và đi tìm con sông .
 
Thật bất ngờ trước chùa và chung quanh chùa không có con sông nào cả , hỏi thăm các cư dân ở trong vùng họ bảo ở đây không có sông mà chỉ có khe và suối nhỏ. Tự nhiên ,trong tôi, giòng sông trở thành một thúc bách ám ảnh trong một thời gian khá dài . Giòng sông là một ẩn dụ . Sông , suối hay khe đây? với 300 năm biết bao vật đổi sao dời , sông biến thành suối hay khe cũng là chuyện thường tình . Ba trăm năm trước núi rừng Thiên thai đầy cọp dữ với những cây cao cỗ thụ với những tàng thông bạt ngàn , khu rừng rậm ở đây là phần đất bìa của dãy Trường Sơn . Đứng trên núi Ngự Bình có thể định vị đỉnh núi Thiên Thai và các hòn núi đá bên cạnh nó xanh ngắt nhưng bây giờ trống trơn , xói mòn có nơi nhà cửa san sát.

Tôi trở vào chùa lúc đó hoàn hôn đã xuống và ở đâu đó trong ngôi chùa vẩn còn âm vang những câu nói về giòng sông này.

Sách Ô Châu Cận Lục của Dương văn An năm 1555 , trong bài tựa ông viết : " kể từ thời mở nước Việt ta , do hoạch dịch tự sách trời, ngoài bốn thừa tuyên thì người Chấu Ái khẳng khái hiếu nghĩa tinh thần hiếu học , Châu Hóa ta tiếp liền xứ Quãng…Xét miền Ô Lý nước ta nối liền với cõi Nam hoang vu… Tuy nhiên khảo cứu tận nguồn đất này , thì trước đời Lý Trần , vẫn là bờ cõi của Chiêm Thành , về đời Hồ Lê mới là quận huyện của triều đình … "

Trong Đại Nam nhất thống chí, theo Hán Thư thì Nhật Nam là Tượng Quận nhà Tần xưa năm Nguyên Đỉnh thứ I đổi làm quận Nhật Nam , Tỵ Ảnh và Chu Ngô là 2 trong 5 thành của quận Nhật Nam đến đời Hán là ứng với châu Ô và châu Lý của Chiêm Thành thời bấy giờ 

Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư , quyễn VI trang 91 cho biết năm 1306 Hai châu Ô, Lý đựơc vua Chiêm Thành là Chế Mân dâng để làm lễ dẫn cưới công chúa Huyền Trân , năm sau (1307) hai châu này được đổi tên là Thuận Châu (nửa nam tỉnh Quảng Trị hiện nay); và Hóa Châu (toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện nay) 2 châu này được vua Trần Anh Tông giao sai Hành Khiển Đoàn Nhữ Hải đến vỗ yên dân vùng này. Thuận Hóa dần dần trở thành nơi gặp gỡ và giao lưu hai nền văn hóa, tín ngưỡng rất khác nhau . Dân Đại Việt chịu ảnh hưởng văn hóa và tín ngưởng của người Hoa , trong khi dân bản địa là Chiêm Thành có một nền văn hóa Ấn - Hồi.

Dưới sự nam tiến mạnh mẽ đạo Phật đã nổi bật lên là một tôn giáo mới . Vào thời các chúa Nguyễn, xứ Thuận Hóa đã có vô số chùa chiền và thảo am. Thiền sư Liễu Quán, từ phủ Phú Yên đi theo thuyền buôn ra Thuận Hóa vào năm 1690 , khai sơn thảo am Viên Thông vào khoảng năm 1697 phía nam dưới chân núi Ngự Bình , sau đó vào khai sơn thêm một thảo am ở chân núi Thiên Thai gần đó vào năm 1708 , trong Đại Nam Nhất Thống Chí quyễn 2 , trang 126 mô tả ngọn núi này như sau : Núi Thiên Thai ở phía tây bắc huyện Hương Thủy hình thế cao vót , phía tây trông ra cánh đồng bằng , cạnh núi có chùa, gọi là chùa Thiên Thai Nội ( Thuyền tôn ) , ngọn núi vòng quanh ôm chầu vào chùa, phong cảnh tuyệt đẹp… " , núi Thiên Thai nổi tiếng có nhiều cọp dữ , ở địa phương có câu ca " núi Thiên Thai , mười hai con cọp''. Thiền sư đã ăn rong , uống nước suối để sống , quyết chí tu hành cho đến khi đến đắc đạo. 

MÔN PHÁI LIỄU QUÁN

Nếu ở Đàng Ngoài thiền sư Chân Nguyên được xem là nhân vật then chốt để phục hưng Phật Giáo , thì ở Đàng Trong thiền sư Liễu Quán cũng được xem là vị thiền sư lãnh đạo công cuộc phục hưng Phật Giáo.

Thiền sư Liễu Quán là người làng Bạc Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, sinh năm 1670 (Nguyễn Lang , Thích Tín Nghĩa )( TT Thích thiện Siêu , TT Khế Chơn , viết ngài sinh năm 1667 ) từ một gia đình nghèo. Thiền sư mồ côi mẹ từ hồi lên sáu tuổi. Năm mười hai tuổi người đi chùa Hội Tôn với cha. Gặp thiền sư Tế Viên, người xin ở lại chùa để học đạo. Được cha ưng thuận. Làm chú tiểu ở chùa Hội Tôn, người được thiền sư Tế Viên thương yêu. Ở chùa, ngoài việc nấu nước, nhặt rau thì học chữ Hán, hai thời khóa tụng, luật sa di và những kinh điển dễ học. Chín năm sau, thiền sư Tế Viên thị tịch. Tang lễ của thầy làm xong, một mình lên đường học đạo.

Năm 1690, người ra Thuận Hóa , núi Hàm Long (Bảo Quốc), cầu học với thiền sư Giác Phong. Người được chấp nhận ở lại đây để tu học. Được một năm người lại nghe tin thân phụ bị bệnh. Xin phép trở lại quê nhà để lo săn sóc cha. Hàng ngày lên rừng đốn củi, đem về đổi vạo nấu cơm . Bốn năm sau, thân phụ từ trần. Lo ma chay cho cha xong, người lại lên đường vào Thuận Hóa học đạo. Năm 1695, nghe nói thiền sư Thạch Liêm tổ chức giới đàn lớn tại chùa Thiền Lâm, người đến xin ghi tên thụ giới tỳ khưu tại giới đàn do thiền sư Từ Lâm là Hòa Thượng Đường Đầu. Lúc thiền sư khai sơn thảo am Viên Thông năm 1697, lúc mới có 27 tuổi. Ở đó được 2 năm, thiền sư lại lên đường cầu học, tham lễ khắp các tổ đình.

Năm 1702 được gặp thiền sư Tử Dung tại chùa Ấn Tôn núi Long Sơn (Từ Đàm), Thuận Hóa. Thiền sư dạy người tham khảo về công án: " Muôn pháp về một, một về chỗ nào? " (Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ?). Người về núi Phú Yên tĩnh cư, tham cứu đến 5 năm mà chưa phá vỡ được công án ấy. Một hôm đọc Truyền Đăng Lục đến câu "trỏ vật mà truyền tâm, chính vì vậy mà người ta không hiểu" (Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ), thoạt nhiên người thấy tỏ ngộ, bèn buông sách xuống. Năm 1708 người vào Thuận Hóa – Viên Thông rồi vào núi Thiên Thai , khai sơn một thảo am ở đây, trở lại Long Sơn, trình bày công phu của mình với thiền sư Tử Dung. 

Ngài Tử Dung nói: 

Hố thẳm buông tay
Một mình cam chịu
Chết đi sống lại,
Ai dám chê mình. 

Thiền sư vỗ tay cười. Ngài Tử Dung nghiêm nét, nói: "Chưa được". Người lại nói: "Trái cân vốn là sắt" (Bình thùy nguyên nhị thiết). Tử Dung lắc đầu.

Sáng hôm sau, ngài Tử Dung thấy người đi ngang, gọi lại bảo: "Chuyện ngày hôm qua nói chưa xong, hôm nay hãy nói lại xem". Thiền sư đọc: 

Sớm biết đèn là lửa
Cơm chín đã lâu rồi!
 
Bây giờ ngài Tử Dung không tiếc lời khen ngợi. Mùa hè năm 1712 khi hai vị thiền sư gặp nhau lần thứ ba tại đại lễ Toàn Viện tại Quảng Nam, thiền sư đem trình ngài Tử Dung bài kệ Tắm Phật mà người mới làm. Tử Dung hỏi: "Tổ truyền cho tổ, Phật truyền cho Phật, chẳng hay họ truyền nhau cái gì nhỉ?" (Tổ tổ tương truyền, Phật Phật thụ thụ, vị thẩm truyền thụ các thập ma?). Thiền sư Liễu Quán đọc liền hai câu: 

Búp măng trên đá dài hơn trượng,
Cây chổi lông rùa nặng mấy cân.
(Thạch duẩn trừu điều trường nhất trượng
Quy mao phủ phất trong tam cân)

Ngài Tử Dung lại đọc: 

Chèo thuyền trên núi cao
Phi ngựa dưới đáy biển
(Cao cao sơn thượng hành thuyền
Thâm thâm hải để tẩu mã)

thiền sư lại đọc tiếp: 

Dây đứt đàn tranh chơi suốt buổi
Gảy sừng trâu đất rống thâu đêm
(Chiết giác nê ngưu triệt dạ hống
Một huyền cầm tử vận nhật đàn) 
Ngài Tử dung gật đầu tỏ ý rất bằng lòng.

Thiền sư Liễu Quán lúc bấy giờ đã 42 tuổi. Người đã có nhiều đạo tràng hành đạo: đó là chùa Thuyền Tôn, chùa Viên Thông ở Thuận Hóa và các chùa Hội Tông, Cổ Lâm và Bảo Tịnh ở Phú Yên. 

Bốn giới đàn lớn được tổ chức từ 1733 đến 1735 tại Thừa Thiên, có sự tham dự của các bậc cao tăng và các bậc tể quan cư sĩ ở kinh đô; thiền sư Liễu Quán được thỉnh cầu làm tọa chủ. 
 
Giới Phật tử rất hâm mộ ngừõi , năm 1740 hội chúng lại thỉnh cầu thiền sư chủ tọa giới đàn Long Hoa. Xong giới đàn này, trở về chùa Thuyền Tôn. 

Năm 1742, lúc ấy thiền sư đã 72 tuổi (Thích Tín Nghĩa ) (76 ?), Thiền sư vẫn được cử làm Hòa Thượng Đường Đầu của giới đàn tổ chức tại chùa Viên Thông. 

Đệ tử thụ giới của thiền sư kể cả xuất gia lẫn tại gia có tới gần bốn ngàn người. 

Mùa thu năm ấy,Thiền sư Liễu Quán an trú tại chùa Viên Thông; sáng ngày 21 tháng 11 âm lịch năm Nhâm tuất ( 1742 ) , người gọi thị giả mang giấy bút , và viết bài kệ sau đây:

Ngoài bảy mươi năm cõi sắc không
Sắc không không sắc đã dung thông
Sáng nay vẹn ước, về quê cũ
Há phải tìm cầu hỏi tổ tông 
(Thất thập dư niên thế giới trung
Không không sắc sắc diệc dung thông
Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý
Hà Tất bôn mang vấn tổ tông?) 
 
Viết bài kệ xong, thiền sư ngồi dùng trà. Đại chúng làm lễ, có người than khóc. Người nói: "Quý vị đừng khóc. Các đức Phật thị hiện còn nhập Niết bàn, còn tôi thì đường đi nẽo về đã rõ ràng, không việc chi phải khóc". Mọi người im lặng. 
Thầy trò nói chuyện hồi lâu, ông hỏi: "Đã đến giờ mùi chưa?" Mọi người đáp: "Phải". Thiền sư Liễu Quán nói: "Sau khi tôi đi, quý vị phải nghĩ đến sự vô thường nhanh chóng của cuộc đời mà siêng năng tu tập trí tuệ, chớ quên lời dặn của tôi". 

Nói xong thiền sư nhắm mắt mà tịch trong tư thế kiết già.

Chúa Nguyễn Phúc Khoát rất sùng kính đạo hạnh của người, nhiều lần triệu thỉnh vào phủ, nhưng thiền sư một mực từ chối, không muốn lui tới nơi triều đình. Vì vậy, chúa thường tới chùa Viên Thông để thăm và hỏi đạo. 

Khi nghe tin thiền sư thị tịch chúa sắc làm bia và tháp cho người, và ban thụy hiệu là "Đạo Hạnh Thụy Chính Giác Viên Ngộ Hòa Thượng".

Tháp người được dựng tại thảo am dưới chân núi Thiên Thai. Thiền sư là người thuộc đời thứ 35 dòng Lâm Tế. Thiền sư đã để lại bài kệ truyền pháp sau đây : 

Thiệt tế đại đạo
Tính hải thanh trừng
Tâm nguyên quảng nhuận,
Đức bổn từ phong
Giới định phúc tuệ
Thể dụng viên thông
Vĩnh siêu trí quả
Một khế thành công
Truyền trì diệu lý
Diễn xướng chính tông
Hành giải tương ứng
Đạt ngộ chân không 

Dịch: 

Đường lớn thực tại
Biển thể tính trong
Nguồn tâm thấm khắp
Gốc đức vun trồng
Giới định cùng tuệ
Thể dụng viên thông
Quả trí siêu việt
Hiểu thấu nên công
Thuyền giữ lý mầu
Tuyên dương chính tông
Hành giải song song
Đạt ngộ chân không

Thiền sư Liễu Quán đã làm cho thiền phái Lâm Tế trở thành một thiền phái linh động, có gốc rễ ở Đàng Trong. Trước thiền sư, Phật Giáo ở Đàng Trong mang nặng màu sắc Quảng Đông. Người đã Việt hóa thiền phái Lâm Tế, và làm cho thiền phái này trở thành thiền phái của đa số Phật tử Đàng Trong. Kiến trúc lễ nhạc bắt đầu trút bỏ màu sắc Trung Quốc và từ từ mang lấy màu sắc dân tộc. Những bài tán lễ như "Cực lạc Từ Hàng" , đã hoàn toàn mang màu sắc Việt Nam. 

Bốn vị đệ tử lớn của người là Tổ Huấn, Trạm Quan, Tế Nhân và Từ Chiếu dã tạo lập bốn trung tâm hoằng đạo lớn, và hàng chục tổ đình được tạo dựng khắp Đàng Trong trong thế kỷ XVIII đã thuộc về môn phái Liễu Quán. ( trích tác giả Nguyễn Lang ) 

Thiền sư Liễu Quán trở thành một vị Tổ của một phái Thiền gọi là Thiền phái Tử Dung-Liễu Quán, mà ảnh hưởng của Thiền phái này bao trùm Đàn Trong từ 3 thế kỷ cho đến nay. 

CHÙA THUYỀN TÔN VỚI THỜI GIAN 

Mười hai năm sau khi khai sơn thảo am Viên Thông , thiền sư Liễu Quán đi vào chân núi Thiên Thai ở gần đó , người dựng lên một thảo am khác mang tên Thuyền tôn vào năm 1708 ( Nguyễn phúc Chu 1691-1725, Lê Dụ Tông 1705-1728) Thảo am tọa lạc tại đia phận ấp Ngũ Tây, xã An Cựu, tổng An Cựu, huyện Hương Thủy. tỉnh Thừa Thiên.

Năm thứ 3 Cảnh Hưng (1742 ) ( Lê Hiễn Tông 1740-1786) Thiền sư viên tịch
Năm 1747, tức 5 năm sau khi thiền sư Liễu Quán qua đời, chùa Thuyền tôn được chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) ban biển ngạch sắc tứ.Cũng cũng vào năm này Đoàn Tài Hầu là quan thái giám đứng ra hô hào thiện nam tín nử đúc đại hồng chung , chuông có niên đại Cảnh Hưng năm thứ 8 (6 ?) .

Năm 1777 (Nguyễn phúc Thuần 1765-1777) chùa Thuyền tôn được sửa sang lần thứ nhất 

Thời đầu Tây Sơn xã hội loạn lạc vừa chiến tranh Trinh - Nguyễn vừa chiến tranh giữa chúa Nguyễn và anh em Tây Sơn kéo dài từ 1771 cho đến 1789 tất cả tài nguyên nhân vật lực kể cả đình chùa , miếu mạo bị bỏ phế hư hại nặng nề cho đến năm Kỷ Dậu (1789) khi Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, đánh bại quân Mãn Thanh thì xã hội bấy giờ mới tạm yên , kỷ cương mới được tái lập , chùa chiền mới được sửa sang trùng tu lại

Năm 1793 bà Đốc Hựu phát nguyện dựng lại chùa tranh , thiện nam tín nử càng ngày càng đông. 

Năm 1799 Hoàng đệ Thái Tể, ủy cho Đại Tư Mã tái tạo sửa sang chùa lần hai 
Năm 1803 Khi Gia Long đã lên ngôi Hoàng đế , Hòa thượng Trung Hậu. xin lại đại hồng chung và chuông lại được mang về chùa Thuyền tôn vì vàp thời Tây Sơn, hồng chung bị đem làm tự khí ở Văn Thánh

Vua Gia Long sắc cấm Ba gò Huyền Võ của núi Thiên Thai, giếng xưa bên chùa sửa lại bờ thành, Cảnh chùa có nơi xây nhà ngói, nơi dựng nhà tranh, chỉ trong 4, 5 năm, quan cảnh chùa trở lại như xưa.

Năm 1807 dựng nhà phương trượng. 
Năm 1809 dựng chánh điện, tiền đường, phạm vũ trở lại nguy nga. 
Năm 1815 các môn đồ trùng tu tháp Tổ và dựng hai bia
Năm 1885 kinh đô thất thủ 
Năm 1886 cải sửa tụ vũ. 

Năm1898 đệ tử Quảng Kế . . . phung phá tự điền tự, khí thờ mất mát chùa lại rơi vào cảnh hoang tàn đổ nát.

Năm 1899 tăng ni phật tử xin sửa sang lại văn khế đã mục nát, đổi dời kiến thiết tự vũ đem trở lại trên nền cũ, cấu tạo hậu điện. 

Năm 1900, sửa san lần thứ ba , làm lễ khánh tán, vạn pháp viên mãn …như vậy trải qua gần 200 năm ba lần tụ ba lần tán

Năm 1937 Đệ tử đời thứ 10 của thiền sư là Hòa thượng Trừng Thủy - Giác Nhiên tổ chức đại trùng tu ngôi chùa.

Năm 2000 chùa được trùng tu với cửa tam quan , tháp chuông , điện thờ. hậu liêu , văn phòng… nguy nga đố sộ , Ngôi chùa đựơc che khuất bởi những cây thông già . Chùa Thuyền Tôn hiện nay có dáng dấp của nét kiến trúc cổ được xi măng và điên khí hóa có hệ thống thờ tự truyền thống. Ở chánh điện, án giữa thờ Phật Tam Thân, phía trước là tượng đức Phật Thích-ca. Tiền án thờ tượng Bồ-tát Chuẩn Đề hai bên là ảnh vẽ Bồ-tát Văn-thù và Bồ-tát Phổ Hiền. Tiếp đến là bàn chuông, mõ. Án tả thờ Bồ-tát Quan Âm, hai bên có ngài Xá Lợi Phất và ngài Ca-diếp. Án hữu thờ Bồ-tát Địa Tạng. Ngoài ra còn có hai án thờ Thập điện Minh Vương ở hai bên vách. Phía ngoài là hai bàn thờ Hộ Pháp và Quan Thánh

Hiện nay chùa tọa lạc ở thôn Ngũ Tây, xã Thủy An, thành phố Huế Nơi chùa được xây cất hiện nay không biết nó có nằm đúng trên nền củ của chùa xưa hoặc thảo am hay là nó được dựng một chổ khác 

Nguyễn Du đã mô tả cảnh chùa qua bài thơ Vọng Thiên Thai Tự , Nguyễn Du cho biết ống đã đến viếng chùa 2 lần , lần thứ 2 có lẽ ông không vào chùa được vì bị vướn một con sông , nên chỉ đứng bên này sông mà ngắm cảnh chủa . Bài thơ sáng tác vào thời gian 1805-1812 khi Ông được thăng hàm Đông Các Đại Học Sĩ , làm quan ở kinh đô 5 năm . Bài thơ như sau :

Thiên Thai sơn tại đế thành đông
Cách nhất điền giang tự bất không.
Cổ tự thu may hoàng diệp lý
Tiên triều tăng lão bạch vân trung
Khả liên bạch phát cung khu dịch
Bất dữ thanh sơn tương thủy chung.
Ký đắc niên tiền tằng nhất đáo
Cảnh Hưng chung quải cựu thời trung

Núi Thiên Thai ở phía Đông hoàng thành ,Cách một dòng sông không đến được, Mùa thu, chùa cổ như vùi trong lá vàng ,Vị sư triều trước già trong mây trắng , Khá thương mình đầu bạc rồi vẫn phải chịu để người sai khiến , Không cùng với núi xanh giữ được niềm thủy chung, Nhớ năm trước ta từng một lần đến đây ,Còn thấy có treo quả chuông đúc thời Cảnh Hưng ngày trước

Hoặc theo lời mô tả của TT Thích Thiện Siêu : " Hiện nay cách phía sau tháp độ 800 mét có chùa Thiền Tôn do Ngài sáng lập và các đệ tử tiếp tục thừa kế trùng tu còn được đẹp đẽ khang trang, trong đó có quả đại hồng chung đúc năm Cảnh Hưng thứ 8 (1747) là di vật quý nhất."

, , , , , " Hiện nay cách phía sau tháp độ 800 mét có chùa Thiền Tôn do Ngài sáng lập và các đệ tử tiếp tục thừa kế trùng tu còn được đẹp đẽ khang trang, trong đó có quả đại hồng chung đúc năm Cảnh Hưng thứ 8 (1747) là di vật quý nhất."

DÒNG SÔNG TRONG HUYỀN THOẠI
 
Nhiều tác giả mỗi người nói một cách khác nhau về câu chuyện thiền sư ăn rong để sống trong tiểu sử của ngài , người cho rằng ngài ăn rong khe , uống nước suối độc( Hà Xuân Liêm ) , kẻ thì nói thiền sư ăn rong ở hồ (Tầm rong độ nhật…. khi thiền sàng chỉ là bông cây thảm cỏ , rong xanh đáy hồ đã duy trì mạch mạng sắc thân … TT Tích Khế Chơn ) người thì khẳng định ngài ăn rong con sông trước mặt chùa 

Vậy thì sự thật rong lấy ở đâu ? sông , hồ , khe hay suối ?
 
Dù chỉ là huyền thoại về câu chuyên thiền sư Liễu Quán đã ăn rong để sống nhưng chúng tôi nghĩ tìm được địa chỉ nơi ngài đã từng lấy rong quả thật là hạnh phước tuyệt vời cho những ai tìm ra nó
 
Thử vẽ phát trong tâm trí cảnh một sa di lội xuống sông vớt một bè rong , để lên rỗ , mang về thảo am . phơi… và khi vị thầy tu trẻ qua đường bằng thứ rong đó
Cơm hay rong đối với ngài cũng chẳng khác chi nhau như ngài đã từng viết trong bài kệ : Không không sắc sắc diệc dung thông

Thử tưởng tượng bước chân hành thiền của vị sa di một mình , đơn độc trong rừng vắng dầy cọp beo và rắn độc mỗi lân đi vớt rong để đòi sống được tồn tại , một người trẻ tuổi đã hành thiền trong mọi sinh hoạt thường nhật của cuộc sống
Và khi về già , trước khi viên tịch ngài đã nói cùng môn đồ "Quý vị đừng khóc. Các đức Phật thị hiện còn nhập Niết bàn, còn tôi thì đường đi nẽo về đã rõ ràng, không việc chi phải khóc" Đúng như ngài nói : Người đến nơi thảo am Viên Thông lúc còn rất trẻ và trở về lại Thiên thai nội tự đã ngoài bảy mươi

Câu chuyện đi tìm giòng sông lần 2 trong chuyến ra thăm chùa Thuyền Tôn vào tháng 8 năm 2007 sau khi đã góp nhặt kinh nghiêm đi tìm con sông trong bài thơ Qua Đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan , chúng tôi đã phải tham khảo các tài liệu trứõc đó nhiều tháng một cách cẩn trọng về đia lý hình thể sông suối núi non vùng Thiên Thai , Ngự Bình , Trường Bia , Thiên An , Trúc Lâm , Ba Đồn ... các chùa gần đó như Viên Thông , Tra Am , Tây Thiên ,Trúc Lâm , Hồng Ân , Diệu Viên ...tựõng đài Huyền Trân , khu vực chín hầm , cơ ngơi của ông Ngô đình Cẫn , bảo tháp của thiền sư…trên sử liệu rồi mới vẽ sơ đồ dự đoán trước khi thăm dò quan sát thực địa
 
Sửa soạn lặn lội những nơi có thể tới được để tìm ra gốc gát mạch nguồn của giòng sông thiên liêng ấy tôi đã để tâm hồn trống rỗng
 
300 năm thì sông cũng có thể đã là thành khe thành suối , thành ao, thành hồ , nhưng dấu xưa ắc hẵn vẫn còn đâu đó , lời của thiền sư hình như vẫn còn âm vang trong gió qua những đọt thông già , tôi đi trong miêng mang , tại sao mình không đi như trò chơi đi tìm kho báu của thời niên thiếu của một thời hướng đạo , Phật tử… 
 
Một chỉ dẫn được hướng đạo từ vô thức không lý giải : Giòng sông huyền thoại đó đã hiện ra trước mắt tôi , cho dù thiên nhiên và con người đã làm biến dạng khuôn mặt thế gian nhưng hình ảnh vị sa di trẻ tuổi đang trên đường đi tìm chứng quả mà phải tầm rong độ nhật để duy trì mạch mạng sắc thân đã trở thành một ấn tượng hướng những bước chân tôi đến giòng sông đó

Tôi vẫn tin mấy câu của Nguyễn Du trong bài Vọng Thiên Thại Tư là thật
Thiên Thai sơn tại đế thành đông
Cách nhất điền giang tự bất không.
Cổ tự thu may hoàng diệp lý…
 
Và tôi nghĩ hướng về ngài với những bước chân trong rừng thông vắng lặng , Tai tôi cố nghe tiếng róc rách chảy qua khe đá , tiếng rì rầm của giòng suối hay sự lặng thinh của một con sông đang chảy âm thầm dịu dàng dưới chân núi Thiên Thai , mũi cố ngữi thấy mùi rong mới vớt , miệng lưởi tôi cố quên vị tanh tao và nhạt nhẻo của rong và trước mắt tôi là một khoảng không gian mờ ảo
Giòng sông , giòng sông , giòng sông ở đâu ? vang lên từ một cỏi mơ hồ nào đó vọng lại hay từ tiền kiếp xa xưa

Hình ành vị sa di trẻ tuổi hiện ra trước mắt tôi , vị sa di mà về sau này đã trờ thành tổ sư của Thiền phái Tử Dung Liễu Quán , giòng sông nằm sau lưng người về hướng tây , bên kia sông là một ngọn núi đúng như câu ghi hai câu đối nơi cổng tường đi vào bảo tháp của người: "Bửu đạt trường minh bất đoạn môn tiền lưu lục thủy; Pháp thân độc lộ y nhiên tạo lý khán thanh sơn" (Tiếng linh báu ngân dài cùng dòng nước lục trước cửa chảy hoài không dứt; Pháp thân lộng y nhiên bất động ngắm núi xanh) đã mô tả . 

Và tôi cũng chợt thoát ra khỏi cơn…vội vàng định vị ngay tọa độ mình đang đứng : Đó là trước của tam quan nơi bảo tháp của người , tôi chỉ còn dùng bước chân mình để đo khoảng cách từ chân hồ sen đến giòng sông

Ngày hôm sau , tôi cùng mấy ngưới bạn cũ , chống gậy , vạch lau , đạp cỏ leo lên một triền núi nhỏ , rồi đi qua một cánh đồng dốc thoai thoải theo dấu chỉ dẫn cùa HT Thiện Siêu là cách phía sau tháp độ 800 mét để đến một ngôi chùa nổi tiếng ở Huế và điều này cũng đúng như nhận xét của Đại Nam Nhất Thống Chí quyễn II , trang 203 " Chùa Thiên Thai nội ở xã Dương Xuân có tên nữa là Thuyền Tôn ( Thiền Tông ) . Tương truyền do Liễu Quán hòa thượng dựng dựa vào núi , trông ra đồng bằng , phong cảnh cũng đẹp…"

Bây giờ , trước bảo tháp của thiền sư Liễu Quán là một con đường đất đỏ , một khoảng đất trống chừng một mẫu và nghe đâu chủ nhân của mãnh đất này muốn thực hiện một…
và giòng sông thì vẫn còn đó , nhưng biến dạng đến đau đớn.

Nếu có một lần nào đó bạn được nhìn sông Tô Lịch của Hà Nội , ba mươi sáu phố phường hôm nay và thật diễm phúc cho những ai như quan Phủ Sứ Đặng Vân đã nhìn thấy giòng sông Tô Lịch khi công chúa Huyền Trân rời kinh độ Đại Việt về Vijaya 

Và cũng như vậy tâm trạng của Nguyễn Du khi dứng trước giòng sông trong huyền thoại cua thiền sư Liễu Quán 

Khả liên bạch phát cung khu dịch
Bất dữ thanh sơn tương thủy chung.
Ký đắc niên tiền tằng nhất đáo 
Cảnh Hưng chung quải cựu thời trung

Còn bạn xin hãy ghé thăm ngôi bảo tháp và con sông huyền thoại bây giờ

BS Hồ Đắc Duy 
 
 10-01-2008 08:45:23

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn