Phật Giáo Việt Nam Và Tuổi Trẻ Âu Mỹ - Minh Mẫn

21 Tháng Sáu 201100:00(Xem: 12531)

PHẬT GIÁO VIỆT NAM VÀ TUỔI TRẺ ÂU MỸ
Minh Mẫn

chuahuequangHiện nay, người Việt ở hải ngoại đã qua ba thế hệ, họ sớm hòa nhập với xã hội công nghiệp, nhất là tuổi trẻ thuộc thế hệ thứ ba. Vấn đề tôn giáo đối với thế hệ nầy gần giống như cư dân bản địa, còn chút gì chăng là do tính huyết thống của ông bà cha mẹ lưu truyền.

Năm 1975 và tiếp theo những năm sau đó, hàng loạt người bỏ nước ra đi với những phương tiện , hình thức và lý do khác nhau. Dù hòa nhập với xã hội mới, thế hệ đầu tiên vẫn không tránh khỏi khó khăn về ngôn ngữ, tập quán; chính vì thế mà trong lòng luôn hướng về quê hương, nơi còn những thân bằng quyền thuộc sống trong nghèo khó. Trên đất khách tha phương, họ cật lực lao động để ổn định cuộc sống và có dư để giúp ruột thịt quê nhà. Những năm sau đó họ đóng góp công tác từ thiện cho đồng bào các vùng sâu vùng xa thiếu tiện nghi vật chất; chính vì thế mà giếng đóng, cầu đường, học bổng, trường lớp vùng sâu vùng xa được họ dang tay thực hiện. Ngoài số ít có căn bản học vị và năng lực chuyên môn, đã thành đạt trên đất khách, đa phần còn lại là những người lớn tuổi, lao động phổ thông, chính vì thế mà mức thu nhập ngoài tầm kiểm soát không phải đóng thuế. Những người con theo họ từ Việt Nam hoặc ra đời tại Âu Mỹ, được tiếp cận văn hóa và nếp sinh hoạt xứ người, tuổi trẻ ấy dễ tiếp thu và nhanh chóng hòa nhập; tuy nhiên vẫn còn 50% bảo lưu truyền thống quê hương ông bà, vì thế giữ được nếp sông cổ truyền. Thế hệ thứ ba được ra đời, hoàn toàn sinh ra, lớn lên trên đất người, cha mẹ họ đã có 50% chịu ảnh hưởng tập quán sinh hoạt và giáo dục văn hóa bản địa, vì thế, lớp trẻ kế thừa hoàn toàn 90% được báo động là sẽ mất gốc Việt Nam, ít nói được tiếng Việt. Thế hệ trẻ ít có điều kiện sinh hoạt chung với ông bà cha mẹ. Các thành viên trong gia đình ít đoàn tụ với nhau trong mâm cơm hàng ngày, vì công việc đòi hỏi họ thường xuyên ít gặp nhau. Tuy nhiên, thế hệ trẻ nầy dễ thành đạt do được thừa hưởng tính thông minh và sự cần cù của một Việt tộc khi được giáo dục đào tạo theo một chương trình văn minh tiến bộ của Âu Mỹ. Chính vì thế, không ít trẻ trở thành ngôi sao trên nhiều lãnh vực như toán học, khoa học, y học…

Khi con cháu thành đạt làm đẹp mặt gia phong, ông bà đó, cha mẹ đó tạ ơn Trời Phật bằng cách đi chùa để cầu nguyện. Ngoài ra, những thế hệ thứ nhất và thứ hai, dù chưa có cháu con thành đạt, họ cũng có nhu cầu về tìn ngưỡng sau những ngày làm việc, để bớt trống vắng và nhớ quê. Họ gặp nhau cuối tuần dưới mái chùa để tìm thấy chút an ủi với đồng hương. Có nhiều chùa do Phật tử đóng góp xây dựng rồi thỉnh thầy về trụ trì. Với diện tích quá rộng lớn của nước Mỹ, dân số Việt kiều sống rãi rác khắp nơi, tu sĩ không đủ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, vì vậy có những cuộc bảo lãnh từ Việt Nam qua hoặc các quốc gia khác vào. Cũng không hiếm những tu sĩ đi với diện thăm viếng, diễn giảng rồi ở lại luôn. Những trường hợp nầy, chùa trở thành nơi nương náu ban đầu để những tu sĩ trẻ tràn đầy ham muốn mọc cánh tung bay khi được một số Phật tử quý mến, yểm trợ có một cơ ngơi riêng biệt. Từ đây phát sanh lắm tệ nạn lạm dụng và chạy theo nguồn lợi của nếp sống thực dụng. Đó là trường hợp cá lẻ, phần lớn các tu sĩ trẻ tiếp thu văn hóa mới, có tầm nhìn và cách sống cởi mở hơn, vì thế tâm huyết hoằng pháp cho quần chúng người Việt có định hướng mà không còn bị áp lực chính kiến như quý thầy trước kia vào những năm trước. Tuy áp lực chính trị do một số phẩn uất, nhưng hầu hết các tu sĩ Phật giáo trẻ hiện nay trên đất Mỹ có khuynh hướng tu tập nghiêm túc hơn và chí nguyện hoằng truyền Phật Pháp tốt hơn.

chuavietnam-losangeles-contentPhật giáo du nhập vào đất Mỹ thông qua giới trí thức và các Thiền sư vào thế kỷ XX. Riêng người Việt đầu tiên có HT Thích Thiên Ân là người đem Phật giáo vào giới trí thức Âu Mỹ. Ngài thành lập ngôi chùa Việt Nam rất sớm vào năm 1970 tại California. Mặc dù Đài Loan, Triều Tiên đều có mặt tại Mỹ trước lâu, họ có trên ngàn ngôi chùa, nhưng không mấy hiệu quả trong việc hoằng pháp, vì vậy chỉ còn hơn vài trăm tự viện hiện nay, vì thế sinh hoạt không ảnh hưởng rộng đến xã hội. Đến khi Thiền sư T. Nhất Hạnh thành lập Làng Mai, tầm sinh hoạt của Tăng Thân bắt đầu lan tỏa khắp châu Mỹ, và nhất là đợt di dân tị nạn của người Việt, nhu cầu tôn giáo và tín ngưỡng đòi hỏi hệ thống sinh hoạt thiền môn để giải quyết khát khao tín ngưỡng của những kẻ xa quê, đồng thời ma chay cho người quá cố theo tập tục cổ truyền cũng trở nên bức thiết. Chính điều nầy cần các sư tụng niệm hơn là giảng dạy và tu tập.

Một khi các tu sĩ trẻ thành lập cơ sở thờ tự riêng, phải đối diện với bao khó khăn chứ không dễ dàng như quê nhà họ tưởng. Phần lớn họ mua nhà để thờ phượng như một tư gia. Ít có chùa xử dụng chuông trống như ở Việt Nam, vì bị hạn chế bởi luật pháp bảo vệ yêu cầu của cư dân bản địa, những chùa như Trúc Lâm ở Atlanta, Georgia, xa cách nhà dân nên có thể xử dụng chuông trống. Tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, chùa Hoa Nghiêm ở VIRGINIA, đường Backlick. Fort Belvoir phải mất 5 năm xin phép xây dựng chính thức là một ngôi chùa. Do các Phật tử trí thức đứng ra thành lập. Một chùa hội như thế mà còn phải đối mặt với pháp lý và công nợ thì cá nhân một tu sĩ phải xoay xở để đóng thuế và bao nhiêu loại khoản phí khác, quả là một khó khăn, như vậy thì giờ đâu để tu học hoặc thăng tiến kiến thức học vị! Ngay cả nhà thờ là cơ sở tín ngưỡng cổ truyền bản địa, còn phải đóng cửa và chuyển nhượng vì không có tín đồ, không có thu nhập để đóng thuế.

Các tu sĩ đến Mỹ, một là trụ trì, hai là theo đuổi việc học, ba là diễn giảng, tu tập và nghiên cứu. Trụ trì gặp phải nhiêu khê như đã nói, việc hỷ cúng từ quần chúng có hạn vì mức sinh hoạt bản xứ quá cao, thu nhập phổ thông vừa đủ sau khi trừ bao nhiêu khoản phí như thuế má, bảo hiểm, tiết kiệm… Vả lại, với số tiền vài ngàn cúng cho chùa tại Mỹ, chả thấm vào đâu, cũng với số tiền đó đem về Việt Nam giá trị sẽ lớn gấp bội, vì thế họ dồn về V.N để cúng và là từ thiện. Các vị lớn tuổi mất sức lao động, tiền do con cháu chu cấp hạn chế. Tuổi còn đi làm, có thể tìm thêm việc phụ thì phải đóng thuế thu nhập. Cuối tuần họ đến chùa như một lối thoát ức chế tâm lý và nhu cầu tín ngưỡng. Các tu sĩ phải thông thạo khoa nghi để có thu nhập và gần gủi cộng đồng. Các chùa hội lập ra, mong có quần chúng tu tập đông, vừa giải quyết công nợ vay ngân hàng, vừa giúp cho quần chúng có nơi tu học, vì thế đòi hỏi các giảng sư có trình độ tương thích với bản xứ để thu hút tuổi trẻ, làm mới cách hoằng pháp mà tuổi trẻ hiện nay không cần đến kinh điển, chỉ cần học hiểu được giáo lý. Những tu sĩ đáp ứng được đòi hỏi như thế quả là rất hiếm. Các tu sĩ biết ngoại ngữ nói chuyện với tuổi trẻ, sống với tuổi trẻ, phải là những tu sĩ trẻ, điều nầy, phần lớn tu sĩ Việt Nam hiện nay thiếu trình độ.

Có những tu sĩ từ Việt Nam qua do sự thỉnh cầu, cũng chỉ là những tu sĩ quen cách diễn đạt trên bục giảng hơn là cách hòa nhập thân thiện bình đẳng của tuổi trẻ âu Mỹ. Những tu sĩ tốt nghiệp thế học, có thể đảm đương hoằng pháp theo phong cách mới, quả là hiếm hoi, chưa đủ 10 đầu ngón tay. Hiện nay cũng chỉ vài ba tu sĩ tuy không còn trẻ, cũng đủ khả năng thu hút một số lớp trung niên và người cao tuổi qua cách diễn đạt khôi hài, đúng hơn là trò giải trí chứ không thể xem là giáo dục chuyên sâu vào giáo lý hoặc hướng dẫn tu tập, một nhu cầu chính đáng của quần chúng tha hương hiện nay. Thỉnh thoảng một vài chùa có khóa tu, tạm đủ và đúng để tín đồ xem đó là pháp môn khả hữu mà sau khi ra về, họ còn có thể thực hiện trong cuộc sống thường nhật. Quần chúng mục đích giải thoát tâm linh chứ không phải trở thành cảm tình viên của tôn giáo hay chỉ là người thuần phục cung dưỡng. Như vậy, số tu sĩ đáp ứng nghi thức ma chay đã chưa thể phát triển Phật giáo trên đất nước tiến bộ như âu Mỹ, số tu sĩ đủ năng lực chuyển hóa quần chúng và giới trẻ đang thiếu trầm trọng, những tu sĩ chuyên tu và thực hành có hiệu quả để quần chúng nương tựa cũng đang là vấn đề chưa đáp ứng đủ hiện nay. Số vị chuyên tu, ít nằm trong lớp tu sĩ trẻ, phần nhiều là bậc lão thành đã kinh qua trường đời, chinh vì thế mà tâm họ thuần thành và chân chính, họ không tham cầu danh lợi, địa vị, họ không muốn sở hữu chùa chiền, họ ẩn mình để chuẩn bị hành trang cho cuộc sống kiếp sau; thời gian còn lại trên cỏi đời đối với họ rất quý mà thời trai trẻ họ đã phí phạm vô lý. Những bậc chuyên tu như thế, về mặt sinh hoạt, quả thật họ không giúp được gì cho cộng đồng người Việt, nhưng rất khả dụng cho từ trường tâm linh. Chính những nguyên nhân nầy, chùa mọc rất nhiều làm cho kinh tế và tài chánh của quần chúng phân tán mỏng, tỷ lệ nghịch với hiệu quả hoằng pháp, để rồi cộng đồng Phật tử không còn biết nương và tin vào ai trong khi mỗi tu sĩ cát cứ một lãnh địa khi mà ảnh hưởng chính trị bị áp đặt, và không thiếu những lãnh địa đó không ăn nên làm ra, họ lại bán như bán căn nhà bình thường, họ bỏ luôn tôn tượng, pháp khí cho kẻ mua nhà muốn vứt đâu thì vứt. Chưa nói đến áp lực chính trị phải hô hào ủng hộ chống đối để có đất sống. Cộng đồng Phật giáo Việt Nam trên đất Mỹ hiện nay như chợ trời bày đủ loại mặt hàng, quần chúng bất lực nhắm mắt chọn lựa giữa hàng chục tổ chức đoàn thể giáo hội...mặc dù có trên 600 ngôi chùa Việt khắp nước Mỹ.

Tóm lại, tuổi trẻ Việt Nam tại Âu Mỹ, tuy thành đạt trong xã hội, nhưng truyền thống tín ngưỡng tâm linh vẫn là điều ràng buộc theo huyết thống; sinh hoạt các chùa chưa đủ sức thuyết phục, các tu sĩ chưa thu hút được chúng qua giáo lý cao siêu. Phải mất nhiều năm nữa, lớp tu sĩ trẻ hấp thụ văn hóa và ngôn ngữ, tập quán bản địa mới giúp phát triển Phật giáo Việt Nam trên đất âu Mỹ, và đáp ứng thỏa mãn nhu cầu tâm linh của giới trẻ Việt Nam đang được cha mẹ ông bà cố duy trì truyền thống tộc Việt. Quý thầy Việt Nam trên đất Mỹ phải đối diện quá nhiều khó khăn, vừa áp lực chính trị, vừa áp lực kinh tế, vừa áp lực học vấn, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh và khoa nghi tôn giáo cho quần chúng trong khi phải đáp ứng những điều kiện khắc khe của luật pháp Hoa Kỳ về hội đoàn có lợi nhuận mà không xem tôn giáo là một mãng tách biệt như ở Việt Nam; Thế nhưng, quý thầy và quần chúng Phật tử vẫn luôn dành sự quan tâm cho đồng bào trong nước để chia xẻ một phần vật chất có được sau những năm tháng vất vả trên xứ người. Nhìn những vật dụng của quý thầy ở Mỹ, trong đó có cell phone, mới thấy giản dị so với các tu sĩ trong nước rất nhiều. Có những tu sĩ phải tìm việc làm để tự sống. Có đến mới thấy, hiểu, cảm thông cái khó của họ; những người còn sống trên quê hương, cứ nghĩ ai ở Mỹ cũng sung sướng giáu sang! Vật dụng chư Tăng còn như thế thì Phật tử tín đồ cũng không khá hơn là bao.

MINH MẪN
19/6/2011

Hình trên: Chùa Huệ Quang , TP. Santa Ana trong ngày lễ Vu Lan
Hình thứ nhì là hình Chùa Việt Nam TP. Los Angeles do Thầy Thích Thiên Ân khai sáng

Xem thêm:
PHẬT GIÁO VIỆT NAM ĐANG LỤI TÀN HAY KHỞI SẮC (?!) Trần Kiêm Đoàn
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Tám 2016(Xem: 6591)
Lời ban biên tập - Nhà báo Malcolm Browne là một trong những nhân chứng người nước ngoài có mặt tại sự kiện Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn vào ngày 11-6-1963, ông đã chụp liên tục khoảng 10 cuộn phim ghi lại hình ảnh HT.Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân mà trong đó có một bức ảnh được xem là biểu tượng đã mang lại cho ông giải thưởng ảnh báo chí quốc tế năm 1963 và đoạt giải Pulitzer vào năm 1964. Trước khi từ giã cõi đời vào ngày 27-8-2012 ở tuổi 81 tại Hoa Kỳ, ông đã có cuộc trò chuyện với Patrick Witty, biên tập viên hình ảnh của Tạp chí Time tại nhà riêng của ông ở Vermont, Hoa Kỳ về sự kiện lịch sử mà ông là nhân chứng. Chúng tôi trân trọng gởi đến quý độc giả nội dung của buổi trò chuyện giữa hai người qua bản dịch Việt của Tường Anh và Tịnh Thủy hiệu đính.