Thiền phái Khương Tăng Hội

01 Tháng Giêng 201603:41(Xem: 6397)

THIỀN PHÁI KHƯƠNG TĂNG HỘI
Thích Nhất Hạnh

 

LƯỢC QUA TRUYỀN THỐNG SINH ĐỘNG THIỀN TẬP ĐẠO BỤT VIỆT NAM

Khi học về truyền thống sinh động của thiền tập đạo Bụt, chúng ta đã bắt đầu từ Ấn Độ rồi sang Việt Nam. Khi nói về thiền Việt Nam, chúng ta có cơ hội xét lại thiền tông ở Trung Quốc.

Chúng ta làm khác với cách thông thường là từ Ấn Độ đi sang Trung Quốc, rồi từ Trung Quốc mới về Việt Nam. Lý do là vì ở Việt Nam chúng ta có thiền phái Tăng Hội, được thiết lập vào thế kỷ thứ 3, tức 300 năm trước  ngày tổ Bồ-Đề Đạt-Ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa để dạy thiền.

Sau khi thiết lập tông thiền này tại Giao Chỉ, thiền sư Khương Tăng Hội đã sang nước Ngô để dạy thiền. Như vậy sơ tổ của thiền tông Việt Nam đã sáng lập một tông phái thiền ở Việt Nam, và đã sang Trung Quốc để thiết lập tông phái đó ở Trung Quốc, gọi là thiền Tăng Hội.

Thiền Tăng Hội không phải chỉ là thiền của một thiền sư dạy mà là cả một tông phái. Sách Thiền Uyển Tập Anh có bằng chứng tông phái đó đã kéo dài hàng ngàn năm. Trong câu chuyện về thiền sư Thông Biện, sách Thiền Uyển Tập Anh có câu: "Đại diện cho tông phái của thiền sư Tăng Hội là thiền sư Lôi Hà Trạch đang sống trong thời đại của chúng ta". Thời đại đó là đời nhà Lý.

Như vậy nghĩa là từ thế kỷ thứ 3 cho đến thế kỷ thứ 12, tông phái thiền gọi là tông phái Tăng Hội vẫn sống, vẫn truyền thừa, và nhờ tác phẩm đó mà chúng ta biết rằng người nối giỏi cho tông phái thiền Tăng Hội là thiền sư Lôi Hà Trạch.

Chúng ta không chịu ghi chép đàng hoàng, cho nên chúng ta thiếu tài liệu. Điều đó không có nghĩa là các thiền phái ở đất nước ta không được truyền thừa liên tục.

Chỉ cần một câu trong Thiền Uyển Tập Anh là chúng ta biết rằng phái thiền Tăng Hội không phải chỉ có mặt trong thời Tăng Hội còn tại thế, mà sau khi thầy Tăng Hội đã sang Tàu để dạy thiền, thì phái thiền Tăng Hội vẫn tiếp tục. Bằng cớ hùng hồn nhất là chúng ta có một thiền sư đại diện cho phái thiền Tăng Hội trong đời nhà Lý, tên là Lôi Hà Trạch.

 

VẤN ĐỀ TRUYỀN THỪA

Chuyện truyền y, truyền bát cũng tạo ra nhiều vấn đề, cho đến nỗi có nhiều vị tổ sư đã nói rằng: Thôi bắt đầu từ đời tôi, tôi không truyền y bát nữa, tại vì các sư em, sư anh ganh nhau quá! Tuy vậy, mình không thể chấm dứt được hình thức đó.

Theo nguyên tắc thì sự trao truyền xảy ra hàng ngày. Nếu mình được học với thầy, được sống với thầy, được sống với tăng thân, thì hơi nóng của chánh pháp, ngọn lửa của chánh pháp được truyền cho mình trong từng giây từng phút, và mình đã được truyền đăng rồi. Việc tổ chức một buổi lễ để trao cây đèn, chẳng qua chỉ là một hình thức để cho người kia thêm một ít năng lượng mà ra làm việc cho dễ thôi. Vì vậy mà cần có tăng thân họp lại và có buổi lễ, chứ không phải vì người kia không đủ sức dạy hay chia sẻ những chứng ngộ của mình với những người khác.

Một điều ta cần ghi nhớ khi nói đến các thiền phái của Phật giáo Việt Nam là tuy có những thiền phái mà chi tiết các thế hệ truyền thừa không được ghi chép rõ ràng, nhưng những thiền phái đó vẫn còn có mặt. Cho nên chúng ta không thể nói rằng những thiền phái như thiền phái Tăng Hội đã bị đứt đoạn. Không, nó không bị đứt đoạn! Nếu quán chiếu cho kỹ trong ta thì quý vị sẽ thấy thiền phái Tăng Hội vẫn còn sống.

Chính cá nhân tôi, một hôm tôi giật mình vì thấy được một sự thật rất mầu nhiệm. Đó là trong bao nhiêu năm đi giảng dạy về thực tập thiền học tại hơn 25 quốc gia trên thế giới, tôi đã sử dụng những kinh điển thiền tập Nguyên thủy nhiều hơn là kinh điển Đại thừa. Tôi đã sử dụng kinh An Ban Thủ Ý, kinh Niệm Xứ, kinh Người Biết Sống Một Mình, kinh Giáo Hóa Người bệnh v.v... Điều đó, khi nhận ra thì mình thấy mình là một sự tiếp nối đường lối của thiền sư Tăng Hội. Trong thế kỷ thứ 3 thiền sư Khương Tăng Hội đã làm như vậy. Nghĩa là đã giảng dạy thiền học bằng những thiền kinh gọi là Tiểu thừa, hay là Nguyên thủy. và ngài đã giảng dạy trong tinh thần cởi mở, phóng khoáng của Đại thừa.

Giờ đây con cháu của thầy Tăng Hội, sống vào thế kỷ thứ 20, 21 cũng đã và đang giảng dạy thiền giống như sơ tổ của thiền tông Việt Nam: Sử dụng các thiền kinh căn bản của Nguyên thủy, và giảng dạy với cái nhìn phóng khoáng của Đại thừa. Điều đó không phải là tình cờ hoặc do lý thuyết mà ra. Đó là do sự nối tiếp một cách rất tự nhiên. Nó có nghĩa là dòng máu, dòng sinh lực của Tăng Hội vẫn tiếp tục trao truyền đến chúng ta, tuy đã trải qua gần 18 thế kỷ.

Chúng ta không thấy ghi chép lại những thế hệ truyền thừa rõ ràng, rằng thế hệ thứ nhất là Tăng Hội, và thế hệ thứ hai, thứ ba là ai. Cùng với chi tiết trong Thiền Uyển Tập Anh, có người cho rằng Lôi Hà Trạch, (thầy của Dương Không Lộ) là người thừa kế đời thứ 9 dòng thiền Khương Tăng Hội[1]. Tuy vậy, vấn đề thế hệ thứ mấy vẫn chưa được kiểm chứng.

Trên thế giới, Việt Nam là nước duy nhất mà Bắc tông và Nam tông được phối hợp trong cùng một giáo hội, gọi là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Không có nước nào có chuyện đó. Sau này nước Mỹ có thể trở thành như vậy, tại vì ở Hoa Kỳ có mặt tất cả các truyền thống Phật giáo trên thế giới. Cho nên ở Mỹ, một ngày nào đó sẽ có Phật giáo thống nhất. Bây giờ cũng đang có khuynh hướng đó. Mỗi khi Làng Mai sang mở một khóa tu thì các thiền sinh của tất cả các tông phái đều tới học mà không cảm thấy cấn cái, và vẫn cảm thấy thoải mái như thường. Nó cũng giống như khi một trái núi hiện ra thì mây từ bốn phương đều tụ hội lại, rất là vui. Cho nên người ta gọi tăng thân của chúng ta ở Hoa Kỳ là một Floating Sangha.

Như vậy Phật giáo Mỹ cũng đang có tính chất của Phật giáo thống nhất. Các Phật tử bên Mỹ đã, đang và sẽ thâu nhập những cái hay nhất, những cái đẹp nhất từ các truyền thống Phật giáo trên thế giới, trong đó có Phật giáo Nhật Bản, Trung Hoa, Ấn Độ, Triều Tiên, Tây Tạng, Miến Điện, Tích Lan, Thái Lan, Việt Nam v.v...

Những người theo Nam tông Huệ Năng trong đó có chúng ta, phải biết nhìn về phương diện nội dung mà đừng bị kẹt về phương diện hình thức quá. Chúng ta cũng thuộc về phái thiền Lâm Tế, cùng lúc với phái thiền Tăng Hội.

 

SỰ CHÁP NỐI TRUYỀN THỪA 28 VỊ TỔ

Người ta thường nói truyền thống thiền ở Trung Quốc là truyền thống không đứt đoạn, từ tổ thứ nhất là Ca Diếp, sang tổ thứ hai là A Nan, cho đến hết 28 vị tổ ở Tây Vứt, rồi mới tới các vị tổ ở Đông Độ như Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn, Huệ Năng v.v...

Nhưng chỉ có những người không học thì mới tin vào chuyện đó. Những người có một ít kiến thức về sử học thì biết rằng danh sách 28 vị tổ ở Ấn Độ là hoàn toàn do những người trong thiền phái Huệ Năng đặt ra. Những tên đó là những tên có thật, nhưng người ta đã chắp nối vị này với vị khác, và họ cũng đã sáng tạo ra những bài kệ truyền thừa của các tổ để gây thêm niềm tin cho học giả.

Sự ăn gian đó là một sự ăn gian rất thành kính, rất có thiện chí. Ăn gian như vậy là để gây đức tin cho người ta. Tuy thiện chí có đó, tuy sự thành kính có đó, nhưng người xưa đâu có biết rằng ngày nay các nhà khoa học đã dùng những phương pháp Khảo cổ học, Văn bản học, Bác ngữ học mà khám phá ra được sự thật. Họ biết rằng những tác phẩm nào, những kinh điển nào xuất hiện tại địa phương nào và trong thời đại nào. Vì vậy cho nên nói rằng thiền đã được truyền lại từ Ca Diếp cho đến bây giờ không đứt đoạn, đứng về phương diện nội dung thì ta có thể chấp nhận được, nhưng đứng về phương diện hình thức như họ đã trao truyền, như họ đã trình bày, thì chúng ta không thể nào chấp nhận được, vì điều đó trái chống với khoa học.

Ngay cả sự có mặt của tổ thứ ba là Tăng Xán cũng rất là mơ hồ. Trong Cao Tăng Truyện không có tiểu sử của Đệ Tam Tổ Tăng Xán, và trong Truyền Đăng Lục chỉ nói rằng sau Huệ Khả là tới Tăng Xán mà thôi. Chúng ta cũng không tìm được bài kệ truyền thừa của Tăng Xán trao cho Đạo Tín, tức là tổ thứ Tư. Nhân cách cũng như sự thật về tổ Tăng Xán cũng không được rõ ràng. Do đó mà có người đã nghĩ rằng có sự góp nhặt, có sự chế tác có tính cách nhân tạo trong sự thiết lập lại truyền thống thiền Trung Quốc. "Công trình" đó là của Nam tông, là của thầy Thần Hội và các đệ tử đã chế tác ra.

Trong lịch sử thiền Việt Nam chúng ta thấy có những tông phái như Vô Ngôn Thông hay Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi, có ghi chép tên các thiền sư từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự ghi chép đó tới khoảng thế kỷ thứ 12, 13 thì đứt đoạn. Nhưng như vậy không có nghĩa là trên thực tế sự truyền thừa của các tông phái đó đứt đoạn.

Mỗi người Phật tử Việt Nam đều có trong dòng máu của mình chất liệu của các thiền phái đó. Chúng ta không thuộc về một thiền phái, chúng ta thuộc về rất nhiều thiền phái, và thiền phái đầu tiên có mặt trong máu huyết ta là thiền phái Tăng Hội. Dòng máu của Tăng Hội đã được tôi trao truyền cho quý vị. Đó là việc tôi sử dụng những thiền kinh căn bản của Phật giáo Nguyên thủy và thực tập các kinh đó bằng con mắt cởi mở, rộng rãi của Đại thừa. Đó là gia tài của Tăng Hội.

Thiền phái thứ hai do tổ sư Đạt Ma Đề Bà thiết lập ở Việt Nam vào thế kỷ thứ 5, cũng vậy. Đó là thiền phái sử dụng kinh điển Đại thừa. Nhưng nó cũng có mặt trong ta, và thầy Huệ Thắng, đệ tử của thầy Đạt Ma Đề Bà cũng đã qua Trung Hoa để giảng dạy thiền học. Chúng ta nên biết rằng thiền Việt Nam đã đóng góp rất nhiều cho thiền Trung Quốc trong thời đại đầu của thiền học, ngay trước khi có sự xuất hiện của tổ Bồ-Đề Đạt-Ma.

Ngày nay, thực tập giáo lý của ngài Tăng Hội, chúng ta thực tập theo phương pháp của ngài Tăng Hội và chúng ta giới thiệu cho thế giới biết về nhân cách, về con người, và phương pháp thực tập của thiền phái Tăng Hội.

Trong khi thầy Bồ-Đề Đạt-Ma, từ nhân cách, tiểu sử cho đến giáo lý, phần lớn đều thuộc truyền thuyết, tức do người khác kể lại, thì con người, tiểu sử và giáo lý của thầy Tăng Hội hoàn toàn là những sự thật, được ghi chép lại trong các sử liệu. Những phương pháp của thầy Tăng Hội dạy, những giáo lý thầy Tăng Hội giảng, vẫn còn được truyền lại cho đến ngày nay, trên giấy trắng mực đen.

 

THIỀN SƯ KHƯƠNG TĂNG HỘI

thien su khuong tang hoiThân phụ của Thiền sư Khương Tăng Hội là một thương gia người Khương Cư (Sogdiana) thuộc miền Bắc Ấn Độ, đã theo đường biển sang Giao Châu buôn bán. và ở lại kết duyên với một cô gái Giao Châu. Hai ông bà sinh hạ được một người con trai vào thập niên đầu của thế kỷ thứ 3.

Khi con được 10 tuổi thì cả hai ông bà đều qua đời, cho nên người con được nhận vào trung tâm Luy Lâu để làm chú tiểu, và đã trở thành một thiền sư danh tiếng, sơ tổ của Thiền tông Việt Nam.

Chúng ta không biết ai đã nuôi dạy ngài Tăng Hội sau khi cha mẹ ngài mất. Ta cũng không biết bổn sư của ngài là ai, và trong số mười vị tăng sĩ truyền giới cho ngài, có vị nào là người ngoại quốc hay không. Ngày nay có người nói Mâu Tử là thầy của Sơ Tổ Tăng Hội, nhưng chuyện đó là một nghi vấn, chưa được kiểm chứng.

Chúng ta chỉ biết rằng Thiền sư Tăng Hội sinh trưởng ở Việt Nam, học Phật ở Việt Nam, dịch kinh tiếng Phạn ra tiếng Hán cũng tại Việt Nam, nghĩa là thầy là người Việt mang hai nền văn hóa Hoa, Ấn, thông thạo cả tiếng Phạn lẫn tiếng Hán. Ngài tinh thông về Phật học, Nho học, và cả Lão học.

Ngài đã thành lập đạo tràng, huấn luyện đồ chúng và phiên dịch kinh điển tại chùa Diên Ứng, còn gọi là Chùa Dâu hay Chùa Pháp Vân, thủ phủ Luy Lâu, tức phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh của Việt Nam ngày nay.

Có những bằng chứng cho chúng ta thấy rằng kinh Lục Độ Tập, trong đó có bài Phương Pháp Đạt Thiền[1], đã được tổ Tăng Hội sáng tác trước khi viết Bài Tựa kinh An Ban Thủ Ý[1]. Lý do là trong Bài Tựa kinh An Ban Thủ Ý, tư tưởng Đại thừa của ngài thâm sâu hơn, rõ ràng hơn.

Những tác phẩm có dính líu đến Sơ tổ Tăng Hội mà ngày nay ta biết được, gồm có: Kinh An Ban Thủ Ý; Kinh Pháp Cảnh;Đạo Thọ Kinh; Lục Độ Yếu Mục; Nê Hoàn Phạm Bối; Ngó Phẩm (Đạo Hành Bát Nhả); Lục Độ Tập Kinh.

Truyền thống do ngài thành lập đã trở nên một thiền phái vững mạnh tồn tại mãi cho đến đời nhà Lý, và sau đó, vào đời nhà Trần thì hòa nhập cùng các thiền phái khác, vào thiền phái Trúc Lâm.

Năm 247 ngài tới Kiến Nghiệp, kinh đô nước Ngô, xây dựng trung tâm hoằng pháp Kiến Sơ, tổ chức giới đàn, độ người xuất gia. Đây là lần đầu tiên tại Trung Quốc, người bản xứ được phép xuất gia để thành sa môn.

Sự nghiệp của thiền sư Khương Tăng Hội rất lớn lao. Tư tưởng thiền của ngài là thiền Đại thừa, trước cả tư tưởng Hoa Nghiêm và Duy Thức. Căn bản thiền tập của ngài là sự thực tập An Ban Thủ Ý (tức là thực tập hơi thở có ý thức) và quán chiếu về Tứ Niệm Xứ (tức là bốn lãnh vực hiện hữu).

Chúng ta có sử liệu ghi năm thị tịch của ngài là 280.

 

Tham khảo thêm về Sơ Tổ Tăng Hội, có thể dùng những tài liệu sau đây:

(i) Nguyễn Lang - Việt Nam Phật Giáo Sử Luận I, Lá Bối Paris, 1977, Chương III, Tr. 73-92;
(ii) Nhất Hạnh - Thiền Sư Khương Tăng Hội, An Tiêm Paris, 1998;
(iii) Thích Nhất Hạnh - Master Tăng Hội, First Zen Teacher in Vietnam and China, Parallax Press, Berkeley, CA, 2001

(Trích từ: "Truyền thống sinh động thiền tập" do Làng Mai xuất bản)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Tám 2015(Xem: 10450)
Trưa hôm nay, 16-8, chư tôn đức Hệ phái Khất sĩ có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất cung đón kim quan cố Đại lão Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên trong chuyến bay từ Hoa Kỳ xuất phát từ ngày 14-8 trở về Việt Nam, an trí tại Pháp viện Minh Đăng Quang, số 505, xa lộ Hà Nội, quận 2, TP.HCM
13 Tháng Tám 2015(Xem: 14280)
Tổng hợp tất cả các tin tức về Lễ Tang cố Đại lão Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên tại Hoa Kỳ và Việt Nam
12 Tháng Tám 2015(Xem: 5505)
Vĩnh biệt Thầy, “Người mang Khất sĩ sang trời Tây”. Từ nay, phía trời Tây đã mất đi người Thầy hướng đạo, điểm tựa tinh thần cho biết bao thế hệ đang ngày đêm mang giáo pháp Khất sĩ được lan truyền ở phương trời hải ngoại.