Cuộc Đời Thiền Sư Chân Đạo Chánh Thống

02 Tháng Sáu 201100:00(Xem: 8464)


Lê Mạnh Thát 

TOÀN TẬP CHÂN ĐẠO CHÁNH THỐNG
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam


CUỘC ĐỜI 
THIỀN SƯ CHÂN ĐẠO CHÁNH THỐNG

Cuộc đời của thiền sư Chân Đạo Chánh Thống chúng tôi trình bày chủ yếu dựa vào lời tựa do chính thiền sư viết ra vào tháng giêng năm Quý Tỵ (1953), mà cả hai truyền bản hai tập và ba tập đều có. Tuy nhiên, giữa bản chép của hai tập này có một số xuất nhập về thời điểm và sự kiện. Cho nên, chúng tôi phải dựa vào một số cứ liệu khác, cơ bản là những cứ liệu lấy từ tạp chí Viên Âm có đăng tác phẩm của thiền sư và những tác phẩm có trong Thủy nguyệt tòng sao 

Thiền sư Chân Đạo Chánh Thống họ Nguyễn, người làng Trung Kiên huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị, sinh ngày 30 tháng chạp năm Canh Tý, tức 18 tháng 2 năm 1901. Thân phụ là cụ Nguyễn Thuyên và mẹ là bà Nguyễn Thị Chợ. Theo chính lời của thiền sư thì đây là một gia đình Phật giáo thuần thành nhiều đời, nhưng coi Nho giáo như một bộ phận thiết yếu của đạo lý sống Phật giáo. Quan hệ giữa Phật giáo và Nho giáo được chính thiền sư ghi lại như sau: “Tôi người Trung Kiên tỉnh Quảng Trị, gia thế theo thiền, mà ông nội cùng với cha đều rất hiểu sâu Nho học. Phép giữ nhà lại rất nghiêm túc. Con cũng như cháu, nếu ai có chút bê trễ về lễ giáo, liền bị la mắng tới chốn (…) May mắn là nhà ta năm đời truyền cho nhau, đều lấy Khổng học làm nền móng, lấy Phật pháp làm lâu đài. Bọn các con nếu không kịp sớm nghiên cứu, thì ngày kia e khó thoát khỏi lời trách về xe vàng bạc, về con hạc nước già...”

Rõ ràng quan điểm về vị trí của Nho học và Phật học trong đời sống người Phật giáo được nhận thức như thế, xuất phát từ chủ trương của những người Phật giáo thời đại Nguyễn Phúc Chu. Họ đưa ra quan niệm người Phật giáo sống với Nho giáo nhưng tôn thờ Đức Phật, chủ trương cư Nho mộ Thích. Nằm trong xu thế chung của thời đại mình, thiền sư, tuy tuổi nhỏ “nhiều bệnh, yếu không mặc nổi áo”, nhưng lớn lên cắp sách đến trường học Nho. Tới năm Giáp Dần (1914), do thấy “trào lưu mới ồ ạt dâng lên, trường Nho hoang vu”, thiền sư được cha mình đưa đi xuất gia với thiền sư Ngộ Tánh Phước Huệ (1875-1963) tại chùa Kim Quang, Huế, để “hầu không phụ lòng khăn khắng, tha thiết của cha ông”.

Năm Kỷ Mùi (1919) thiền sư thọ giới sa di, được đặt pháp danh là Chân Đạo, pháp tự là Chánh Thống, thuộc đời thứ 40 của dòng thiền Thập Tháp phái Lâm Tế. Hai năm sau, thọ cụ túc giới (1921) rồi hầu thầy ở Huế một thời gian và nhận kệ phú pháp với pháp hiệu Bích Phong. Năm Giáp Tý (1924) trong thời gian đang hầu thầy để học tập, thiền sư đã đọc Chinh phụ ngâm và làm hai bài hò Mái nhì theo điệu Nam ai và Nam bình. Đây có thể nói là những tác phẩm đầu tay của thiền sư còn giữ được trong Thủy nguyệt tòng sao.

Tới năm 25 tuổi (1927), thiền sư vào học với thiền sư Phước Huệ (1869-1945) của chùa Thập Tháp tỉnh Bình Định, đến năm Kỷ Tỵ (1929) thì trở về Huế. Sau đó tham gia phong trào chấn hưng Phật giáo, để đến năm 1932 An Nam Phật học hội ra đời, thiền sư trở thành giảng sư của hội Phật học, đồng thời là “Phật học cao đẳng học sanh” của lớp đại học Phật học đầu tiên của thế kỷ XX do thiền sư Giác Tiên (1880-1936) cùng với bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám (1897 – 1969) tổ chức tại chùa Tây Thiên.

 Chúng ta biết thiền sư phải trở thành giảng sư của An Nam Phật học hội vào khoảng những năm 1932-1933, vì năm 1935 báo Viên Âm 18 (1935) 26-39 đã đăng “bài giảng hôm rằm tháng mười (10 Novembre 1935) tại Hội Phật học chùa Từ Quang, Huế” với nhan đề Tứ niệm xứ. Mở đầu bài giảng, Phật học cao đẳng học sanh Thích Chánh Thống đã nói: “Năm trước giảng về Đạo đế đã nói có 37 phép trợ Bồ Đề phần là:

o Tứ niệm xứ

o Tứ chánh cần

o Tứ như ý túc

o Ngũ căn

o Ngũ lực

o Thất giác chi

o Bát chánh đạo”

Khi nói thế, rõ ràng năm 1934 thiền sư đã từng được An Nam Phật học hội mời giảng tại chùa Từ Quang và chủ đề bài giảng là Đạo đế. Do vậy, thiền sư phải có mặt ở Huế vào đầu năm 1934 nếu không phải là năm 1929. Thời điểm năm 1929 này chúng tôi rút ra từ chính bài tựa do thiền sư viết ở đầu Thủy nguyệt tòng sao của truyền bản hai tập: “Mùa thu năm Kỷ Tỵ (1929) lại trở về thủ đô mở dựng Phật học đường tại chùa Tây Thiên, bốn phương đến học ngày càng thêm đông.” Chữ kỷ của Kỷ Tỵ trong truyền bản vừa kể viết tương đối mờ, nên dễ đọc thành chữ ất của Ất Tỵ.

Ất Tỵ dĩ nhiên không phù hợp với công việc thành lập trường vừa nêu, vì nó chỉ năm 1905 hay năm 1965 của thế kỷ XX. Do thế, truyền bản ba quyển về sau đã sửa lại thành Ất Hợi, tức năm 1935. Thế nhưng, nếu đúng là Ất Hợi (1935) mới trở về Huế, thì làm sao có việc bài giảng năm 1935 đã nhắc tới bài giảng của năm trước, tức năm 1934? Vì vậy, chúng tôi chấp nhận thời điểm Kỷ Tỵ do truyền bản hai tập ghi lại.

Nói cách khác, sau khi thọ đại giới 5 năm, vào năm 1927 thiền sư Chân Đạo Chánh Thống đã đến học với thiền sư Phước Huệ tại chùa Thập Tháp. Hai năm sau lại trở về Huế để cùng với thiền sư Giác Tiên tổ chức các lớp học, trong đó có lớp Trung học Phật giáo tại chùa Tây Thiên, đúng như lời tựa đã ghi. Đây chính là tiền đề để khi An Nam Phật học hội ra đời, thiền sư Chân Đạo Chánh Thống trở thành “Phật học cao đẳng học sanh” của lớp đại học Phật giáo đầu tiên cũng do thiền sư Giác Tiên tổ chức tại Tây Thiên, đồng thời là giảng sư của Phật học hội và thực hiện những buổi giảng tại chùa Từ Quang, Huế, mà một trong các bài giảng đã đăng lên báo Viên Âm từ năm 1935. 

Đây cũng là thời điểm, mà lời tựa của Thủy nguyệt tòng sao ghi thiền sư làm giảng viên của Phật học đường lúc 36 tuổi. Đến năm Đinh Sửu (1937) tính theo tuổi ta, thiền sư đã 38 tuổi, bèn kể tiếp: “Mùa đông năm đó, hội chủ chùa Quy Thiện là Đông các đại học sĩ nam tước Thái tướng công cùng phu nhân vâng ý chỉ của Khôn Nghi thái hoàng thái hậu, thỉnh ta làm toạ chủ chùa ấy, sắc trao chức tăng cang cấp bổng hàng tháng, để lãnh đạo trụ trì tự trưởng các chùa”

Với những bổng lộc và chức tước như thế, thiền sư nhận xét: “Tuy gội được một chút hơi ấm ngày xuân, nhưng cũng không bằng cây tùng chịu lạnh, bèn riêng dựng một ngôi nhà bên phía trái của chùa, đặt tên Thuỷ nguyệt hiên, để tiện kê cứu giáo điển nội và ngoại. Thêm nữa, các mặc khách tao nhân thích chí của ta, nên gặp những ngày rỗi, mang rượu đi chơi núi, không chê chỗ cỏ nội hoa non, có lúc lại đến thăm viếng”. 

Chính nơi hiên Thủy nguyệt này, bao nhiêu cuộc đàm luận về thơ văn và tư tưởng đã diễn ra, cũng như bao nhiêu tác phẩm đã được viết nên. Từ đó, bộ sưu tập các tác phẩm ấy đã mang tên Thủy nguyệt tòng sao. Căn cứ vào những bài thơ và văn có ghi thời điểm ra đời chép trong bộ sưu tập đó, ta có thể bước đầu thiết lập một niên biểu sáng tác của thiền sư Chân Đạo Chánh Thống:

Năm Tác phẩm

- Giáp Tý (1924) Trung thu dạ độc Chinh phụ ngâm

- Giáp Tuất (1934) Đạo đế (đã mất)

- Ất Hợi (1935) Tứ niệm xứ 

- Đinh Sửu (1937) Tống Chánh Tín thiền huynh quy bắc
Tặng Tố Liên thiền huynh quy bắc

- Mậu Dần (1938) Trí Thủ pháp khế nhậm Ba La tự chủ 

- Tân Tỵ (1941) Trung thu dạ đồng Ngô Trạch Chi 

- Bính Tuất (1946) Phỏng Đôn Hậu sư tân nhiệm Thiên Mụ Đào nguyên mộng ký

- Đinh Hợi (1947) Thứ Thúc Giạ thị tỵ binh hỏa vận
Lạp nguyệt trấp ngũ ký Giác Bổn đại đức

- Mậu Tý (1948) Yết Từ Hiếu tổ đình phú
Đông nhật vịnh mai 
Nhân nhật yết Quốc Ân tổ đình 
Họa Thảo Đình tiên sinh Trung thu vận

- Kỷ Sửu (1949) Thất tịch điệp khứ niên Thúc Giạ thị vận
Sơ xuân truy điệu Giác Bổn đại đức

- Tân Mão (1951) Nhân nhật tiết phỏng Viên Thông tọa chủ Toàn quốc Phật giáo thống nhất đại hội
Tặng Bắc Việt Tố Liên pháp lữ

- Nhâm Thìn (1952) Lưu tặng Tuệ Tạng hòa thượng

- Quý Tỵ (1953) Bát nguyệt đại lạo hậu tứ tiến nạn vong ý

- Giáp Ngọ(1954) Thừa Thiên sơn môn hạ nhật an cư chi kỷ

- Bính Thân (1956) Trí Thủ đại sư tứ bạch mễ 

- Đinh Dậu (1957) Thu nguyệt Từ ân tự vãn thiếu
Hạ sơn quan triển lãm

- Mậu Tuất (1958) Thập Tháp tự khai giảng nhật huấn thị
Thập Tháp tự tây lâu ngọa bệnh

- Kỷ Hợi (1959) Trung thu nguyệt dạ lục thập tự vịnh
Thích Tôn bảo đản cung kỷ
Tặng Minh Trai Trần quân 

- Canh Tý (1960) Tự tứ nhật cung kỷ

- Nhâm Dần (1962) Thích Tôn đản nhật cung kỷ

- Tân Mão (1963) Thích Tôn đản tụng
Điếu Tiêu Diêu thiền sư 

Trong thời gian giảng dạy tại Phật học đường Tây Thiên, năm 1937 thiền sư Tố Liên đã từ Bắc vào thăm. Hai vị chắc chắn đã bàn đến vấn đề thống nhất Phật giáo cả nước, khi ba miền bắc trung nam đều có hội Phật học của mình và phê phán mạnh mẽ một quan điểm thời đó cho rằng việc bàn tới thống nhất Phật giáo cả nước là một việc làm xằng bậy, như hai câu kết của bài Đường luật do thiền sư Tố Liên viết tặng cho thiền sư Chân Đạo Chánh Thống đã nói tới và được thiền sư ghi lại:

Pháp quỷ tương lai quân đắc chí

Tam kỳ hiệp triệt vọng đàm gia

(Đạo pháp tương lai anh đắc chí

Ba kỳ thống nhất há bàn xằng)

Cũng trong thời gian này thiền sư tiếp tục giảng tại chùa Từ Quang của hội Phật học. Chùa Từ Quang thời này do thiền sư Giác Bổn trú trì, mà thiền sư có một quan hệ rất chặt chẽ, thể hiện qua một số bài thơ thiền sư viết về người bạn đạo ấy trong Thủy nguyệt tòng sao. Từ năm 1937 trở đi, thiền sư Chân Đạo Chánh Thống chắc chắn đã có một lần ra Bắc thăm viếng, trong đó có cả việc gặp thiền sư Trung Thứ và làm thơ họa lại bài thơ của vị thiền sư danh tiếng này, mà ta còn tìm thấy trong Thủy nguyệt tòng sao. 

Năm Tân Tỵ (1941) thiền sư được Tri huyện Ngô Đình Nhuận (hẳn lúc đó đã từ quan), mời nghe đánh đàn. Ta đã biết đây là thời điểm, mà trên thế giới thế chiến thứ II đã bùng nổ và tại nước ta phong trào vận động cho độc lập dân tộc đang diễn ra ào ạt. Cho nên, thiền sư đã ghi lại nỗi buồn bã và đau thương trước tình hình đó qua bốn câu thơ:

Tay nắm dìu nhau bước tới lầu

Nghe đàn vô cớ nỗi buồn đau

Trong như tiếng quốc mong quê cũ

Nhỏ tựa thuyền cô góa phụ sầu

Sau năm 1941 này, chắc nhiều bài thơ đã được thiền sư viết ra để ghi lại những xúc cảm và quan điểm của mình trước các biến cố chính trị đang xảy ra. Song, có lẽ vì liên quan đến thời cuộc chính trị, những sáng tác thơ văn trong giai đoạn này không còn tìm thấy tại Thủy nguyệt tòng sao. Chỉ đến năm Bính Tuất, khi thiền sư Đôn Hậu đến trú trì chùa Linh Mụ thì thiền sư đến thăm và ghi lại bằng bài thơ Thăm thiền sư Đôn Hậu mới nhận chức tự chủ chùa Linh Mụ. Đến ngày 19 tháng chạp năm 1946, lúc cả nước đứng lên kháng chiến, qua năm sau thiền sư đã viết về cuộc chiến tranh ấy, khi họa lại bài thơ cùng chủ đề của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, kể lại cảnh mưa đạn rừng súng rồi phiêu dạt nơi chân trời góc biển. 

Qua năm Mậu Tý (1948), trở về chùa sau đợt tản cư, thiền sư đã đến thăm một số chùa, nhưng chỉ thấy các tổ đình Quốc Ân, Từ Hiếu là được ghi lại. Đến năm Kỷ Sửu (1949), một mặt thì thiền sư Giác Bổn mất, mà ta thấy có bài thơ truy điệu, mặt khác đại giới đàn chùa Báo Quốc lại được tổ chức nhằm ổn định lại đời sống Phật giáo, thiền sư đã tham gia với tư cách người viết các văn bản cho giới đàn. Thậm chí còn viết một bài phú về giới đàn ấy để kỷ niệm. 

Tới năm Tân Mão (1951), Phật giáo cả nước họp lại để thống nhất thành Tổng hội Phật giáo Việt Nam, thiền sư đã tham gia và viết nhiều bài thơ chúc mừng đại hội thành công. Năm sau, Nhâm Thìn (1952), thiền sư ra Bắc trong phái đoàn Phật giáo miền Trung để họp thống nhất tăng già Việt Nam, nhân đó đã làm thơ mừng thiền sư Tuệ Tạng được bầu làm Thượng thủ giáo hội tăng già. Sau đó thiền sư vẫn tiếp tục dạy học. Năm Mậu Tuất (1958), lại được mời vào Bình Định dạy ở chùa Thập Tháp cho các học tăng như thiền sư Khế Châu, Mật Hạnh v.v… 

Đến ngày 22 tháng chạp năm Đinh Mùi, tức 21 tháng 1 năm 1968, thiền sư đau sơ, rồi viên tịch. Môn đồ pháp quyến nhiều người thương tiếc. Có người từng học với thiền sư đã làm câu đối khóc:

 Thầy đã đi rồi, bể Thích rừng Nho trông vắng vẻ

 Con còn ở lại, kẻ tăng người tục thấy bơ vơ.

rồi cùng nhau làm lễ tang và dựng tháp thờ thiền sư tại chùa Quy Thiện. Cuộc đời của thiền sư Chân Đạo Chánh Thống như vậy tập trung chủ yếu vào sự nghiệp giáo dục và văn nghệ để phục vụ cho đạo pháp và dân tộc. Khi thiền sư mất, thiền sư Tâm Như Đạo Giám Trí Thủ đã đến điếu bằng hai câu: 

 Tích niên pháp nhũ đồng triêm

 thệ hải giả tằng minh thiết thạch

 Kim nhật đàm hoa tiên lạc

 thiền lâm thuỳ thị nại phong sương

 (Năm xưa sữa pháp nhắp cùng 

 thề biển cũng từng nguyền sắt đá

 Ngày nay hoa đàm rơi trước

 rừng thiền ai sẽ chịu phong sương)

Nói lên không ít phẩm chất và sự nghiệp của thiền sư, mà chúng ta có thể dùng để kết thúc phần viết về cuộc đời và sự nghiệp của thiền sư Chân Đạo Chánh Thống Bích Phong ở đây. 



GIỚI THIỆU
THỦY NGUYỆT TÒNG SAO

Có thể nói toàn bộ tác phẩm của thiền sư Chân Đạo Chánh Thống Bích Phong đã được chính thiền sư tập hợp lại trong Thủy nguyệt tòng sao, trừ một số bài viết bằng tiếng Việt La Tinh hoặc chữ Hán mà thiền sư đã cho đăng trên báo Viên Âm vào những năm ba mươi của thế kỷ XX. Số bài này không nhiều. Chúng chỉ vỏn vẹn gồm một bài giảng nhan đề Tứ niệm xứ đăng ở báo Viên Âm 18 (1935) 26-39 và hai bài thơ chữ Hán. Bài thơ thứ nhất là “Đưa thầy Chánh Tín ra Bắc kỳ trong lúc cuối năm nghỉ học”, đăng vào tháng 6 và 7 năm 1937 của báo Viên Âm 25 (1937) 58 và 26 (1937) 62. Còn bài thơ thứ hai là một trong hai bài “Đưa thầy Tố Liên về Bắc” cũng đăng vào tháng 8 năm 1937 ở báo Viên Âm 27 (1937) 51-52. Chùm thơ này có hai bài đăng trên báo ấy, nhưng chỉ bài thứ nhất là được chép lại trong Thủy nguyệt tòng sao, còn bài thứ hai thì không thấy. Tất cả những bài không có trong Thủy nguyệt tòng sao đó, chúng tôi sẽ đưa vào Toàn tập này như đã nói. 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn