Giới Thiệu 23 Bài Thơ Tiếng Việt

02 Tháng Sáu 201100:00(Xem: 9042)


Lê Mạnh Thát 

TOÀN TẬP CHÂN ĐẠO CHÁNH THỐNG
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam


GIỚI THIỆU 23 BÀI THƠ TIẾNG VIỆT

Như đã thấy, tác phẩm của thiền sư Chân Đạo Chánh Thống chủ yếu là viết bằng chữ Hán, mà bộ Thủy nguyệt tòng sao là một thí dụ tiêu biểu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa thiền sư đã không biết làm thơ và viết văn bằng tiếng Việt. Về văn, ta có thể thấy qua bài giảng Tứ niệm xứ đăng trên báo Viên Âm 18 (1935) 26 – 39. Về thơ may mắn chúng tôi đã tìm được 6 trang tập học sinh do chữ viết của chính thiền sư ghi lại 23 bài thơ tứ tuyệt.

Những bài thơ tứ tuyệt này, chắc chắn không phải được dịch ra từ những nguyên bản Hán văn, như trường hợp một số các bản dịch thơ chữ Hán khác, mà thiền sư đã thực hiện trong Thủy nguyệt tòng sao. Bản thân chúng tôi cũng từng được thiền sư đọc cho nghe một số bài thơ ấy trong những năm từ 1959 đến 1962, tức thời gian chúng tôi theo thiền sư học chữ Hán tại chùa Quy Thiện. Cơ hội để nghe đọc những bài thơ ấy là vào những ngày cuối năm khi chúng tôi đến thăm và tặng quà Tết cho thiền sư. Trong không khí vui tươi chuẩn bị đón xuân, thiền sư có vẻ hoan hỷ, nên thường nói chuyện nhiều và kể cho chúng tôi nghe những kinh nghiệm sống mà thiền sư đã trải qua. Nhân đó, thiền sư đọc cho chúng tôi nghe một ít trong số 23 bài thơ tứ tuyệt vừa nói.

Nội dung những bài thơ tứ tuyệt này phản ảnh ít nhiều thái độ của thiền sư đối với hoạt động Phật giáo, mà ta đã thấy thiền sư bày tỏ trong Thủy nguyệt tòng sao. Chẳng hạn, vấn đề ứng phó đạo tràng trong Thủy nguyệt tòng sao đã bị phê phán mạnh mẽ qua bài Lạm xí (số 154), thì ở đây thiền sư lại lên án một cách khác mạnh mẽ không kém: 

Cửa Phật vào ra để kiếm ăn
Mang chuông cắp mõ chạy lăng xăng
Tam thân Tứ trí đành không biết
Thợ tụng Thầy tu cũng một thằng

Đọc những bài thơ loại này, ta phải hiểu bối cảnh xuất hiện của chúng vào những năm 20 và 30 của thế kỷ XX, khi Phật giáo Việt Nam chuyển mình để đi vào thời hiện đại. Những người Phật tử Việt Nam thời ấy cảm thấy bức xúc không chỉ trước tình trạng trì trệ của đất nước, mà còn của chính Phật giáo Việt Nam. Do thế, họ đòi hỏi một sự cách tân Phật giáo mà đối tượng trước tiên cần xử lý không ai khác hơn là những người sử dụng Phật giáo như một nghề để kiếm sống, mà ở đây thiền sư Chân Đạo Chánh Thống gọi là thợ tụng. Ta đã thấy khi Hội An Nam Phật học ra đời dưới sự lãnh đạo của Bác sỹ Tâm Minh Lê Đình Thám, một nhiệm vụ tiên quyết được đề ra cho Hội là kiên quyết xử lý các thợ tụng vừa nói. Cho nên, thiền sư Chân Đạo Chánh Thống, với tư cách là một giảng sư của Hội, tất không thể nào không lên án các đối tượng thợ tụng ấy.

Chính nhờ sự lên án mạnh mẽ các đối tượng này, đồng thời với việc thiết lập các trường đào tạo Phật giáo, mà Phật giáo Việt Nam đã chuyển mình đi vào hiện đại một cách thắng lợi, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giữ đạo giữ nước còn vang vọng cho tới hôm nay. Vì thế, khi đọc những bài thơ trên, ta phải trông vào bối cảnh thời đại và hiểu được tâm huyết của những người đang giữ vai trò xoay chuyển thời thế để đưa đất nước và đạo pháp đi lên. Làm thế, ta mới thấy được ý nghĩa và vị trí của những bài thơ loại ấy.

Phần lớn các bài của chùm thơ 23 bài này đều ít nhiều mang âm hưởng của loại thơ có tính phê phán vừa nêu. Tuy nhiên, không phải cả chùm thơ đều có âm hưởng như vậy. Mỗi độ xuân về, lòng người như trút bỏ bớt bao âu lo toan tính của đời thường, để tự mình hòa nhập và tận hưởng những vẻ đẹp của hoa tươi quả ngọt, và thấy mình như sống lại một cuộc sống mới với nhiều sắc màu thiên nhiên như bài thơ xuân sau:

Xuân về thử hái một cành mai
Thành kính đem dâng trước Phật đài
Nhụy trắng hoa vàng sương vẫn đượm
Hiện trăm ngàn vạn bóng Như Lai

Chùm thơ 23 bài này, dù số lượng không bao nhiêu khi so với Thủy nguyệt tòng sao, nhưng thật đáng để ta trân trọng, vì chúng giúp ta hiểu thêm con người và tư tưởng thiền sư Chân Đạo Chánh Thống.

23 BÀI THƠ TỨ TUYỆT 

1

Vượt thành leo núi quá gay go
Để lại gia tài biết mấy kho
Con cháu nào ngờ đồ khốn kiếp
Đứa giành xe nhỏ đứa xe to

2

Công ơn của Phật nói không rồi
Mà kẻ tu hành bạc quá vôi
Nợ chúng còn nhiều đồ khó tưởng
Đài sen chín phẩm phóc lên ngồi

3

Chơi leo muốn hỏi bác Văn Thù
Tu luyện làm sao mới thiệt tu
Biết cảnh Nhứt chơn không kém Phật
Mắc vòng Tam giới cực hơn tù

4

Cái sự tu hành cũng muốn thu
Đi đâu họ cũng bảo thầy tu
Đã tu âu hẳn đành tu trót
Cuộc thế mà chi béo lại bù


5

Phật la Tổ mắng đã ê chề
Trăm kiếp ngàn đời vẫn cứ mê
Giở bộ Tòan thư mà ngó thử
Thái Hư ngài lại bảo a lê

6

Kiếp người tính lại có bao lăm
Văn tự làm chi rút ruột tằm
Nói ngược nói xuôi trăm vạn ngả
Như như hai chữ nói không nhằm

7

Đúc mãi chưa thành một chữ tu
Bao giờ cho ngộ trí Văn Thù
Vay đi trả lại còn mang nợ
Ba cõi còn mang một kiếp tù

8

Nợ trần hết trả, trả rồi vay
Sáu đạo vào ra giạn mặt mày
Sắm sửa hương hoa lên nịnh Phật
Nào ngờ ông Phật cũng khoanh tay

9

Hôm qua ông Phật mắng tôi rằng
Chẳng biết tu hành chỉ biết ăn 
Âu phải liệu hồn chừa láu mép
Kiếp sau thiên hạ khỏi kêu thằng
 


10

Cái nghề làm Phật khó thì thôi
Mắc nợ quần sanh biết mấy rồi
Mà khối vô minh còn giữ chặt
Không thành ông Táo cũng ông Vôi

11

Họ xuân mình cũng muốn xuân chơi
Ngót sáu mươi năm xuân chán rồi
Tết đến vẫn còn xuân bận bịu
Bốn mùa thay đổi mãi không thôi

12

HỎI CÁC BÀ VÃI TRONG BAN LÀM BÁNH
Nương náu cùng nhau chốn cửa Không
Chị em nào có quản gì công
Lợi tha phải gắng nghề làm bánh
Bánh vẽ đừng làm có đặng không

13

VÔ ĐỀ

Cửa Phật vào ra để kiếm ăn
Mang chuông cắp mõ chạy lăng xăng
Tam thân Tứ trí đành không biết
Thợ tụng Thầy tu cũng một thằng

14

Trong chốn thiền môn có một ông
Đến già còn giữ tánh chơi ngông
Văn chương đã xé quăng vào giỏ
Giành lợi còn đem đổ xuống sông

15

Này ông Di Lặc chướng thì thôi
Suốt tháng quanh năm mãi cứ ngồi
Hỷ, Xả, Từ, Bi đầy một bụng
Không cho tôi với lại cười tôi

16

Xuân về thử hái một cành mai
Thành kính đem dâng trước Phật đài
Nhụy trắng hoa vàng sương vẫn đượm
Hiện trăm ngàn vạn bóng Như Lai

17

Vừa rồi chư Phật nhóm cùng nhau
Khiến đức Quan-âm mua vé tàu
Đến núi Ngũ hành đều một chuyến
Không nên kẻ trước với người sau

18

Việt Nam Phật giáo họ làm chi
Bàn bạc trong ngày đến bữa ni
Bánh, chuối, xôi, chè nhờ kẻ khác
Còn ngành văn hóa có ông Quy

19

A lô, a lô
Giáo hội tin cho Phật giáo đồ
Trong núi Ngũ hành làm Phật sự
Tăng, Ni, Đạo, Tục kéo nhau vô
 


20

Cái ông Sơ Tổ mặt đen sỳ
Đông-độ tuôn qua chẳng nói gì
Sấp mặt xây lưng trên núi Thiếu
Cho ông Nhị Tổ cụt tay đi

21

Đương ngồi thiền định lúc canh ba
Ma Phật cùng nhau đến một nhà
Kẻ nói thế này người thế nọ
Chi bằng đừng Phật cũng đừng Ma

22

Ông Phật sao mà chẳng biết suy
Giọn hàng Hỷ Xả với Từ Bi
Đã rằng vật ấy tôi không thiếu
Nhập-cảng mà Ông có lợi chi

23

Mũ len, tràng thụng cũng như ai
Phê phẩy cho ra cái giạng Ngài
Sống mấy trăm năm mà dã-dối
Cột đồng, giầng sắt khó kêu nài

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn