Cư Sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha - Thích Tuệ Nhật

09 Tháng Sáu 201100:00(Xem: 9784)

CƯ SĨ 
THIỀU CHỬU NGUYỄN HỮU KHA



blankCách đây mấy tháng, tôi có dịp được học và tìm hiểu về Các Cư Sĩ Tiêu Biểu của Phật Giáo Việt Nam, trong đó có Thiều Chửu – Nguyễn Hữu Kha. Nhân đọc bài viết về Ông trên www.hoalinhthoai.com, tôi xin mạn phép đóng góp thêm một vài nhận xét của mình về vị Cư Sĩ tiền bối này. 

Tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp Thiều Chửu – Nguyễn Hữu kha, ta rút ra nhiều bài học quý báu từ cách sống cho đến tư tưởng của vị Cư Sĩ mẫu mực. Đứng trên phương diện Phật giáo, Ông là một nhà Phật học uyên bác; đứng trên phương diện Văn hóa, Ông nhà báo có bút lực dồi dào, sâu sắc; đứng trên phương diện Nho gia, Ông là một nhà nho yêu nước; đứng trên phương diện Y học, Ông là một thầy thuốc tận tụy; đứng trên phương diện Giáo dục, Ông là một nhà giáo mẫu mực, lời nói đi đôi với việc làm.

1. THIỀU CHỬU – NHÀ PHẬT HỌC TÂM HUYẾT VÀ UYÊN BÁC: 

Nhờ cần cù tự học, lại sẵn tư chất thông minh, Nguyễn Hữu Kha tìm hiểu Phật học từ rất sớm, và thấm nhuần tư tưởng Phật giáo. Ông học thêm Chữ Hán, Tiếng Anh, Pháp, Hoa, Nhật, và viết nhiều tác phẩm, dịch phẩm Phật giáo có giá trị. Ngay từ những năm 1926, khi mới 25 tuổi, Ông đã bắt đầu xuất bản sách, những năm sau lại dịch nhiều kinh điển Phật giáo, viết nhiều bài báo nổi tiếng, với bút hiệu Lạc Khổ và Thiều Chửu.

Đầu thập niên 30, Ông lại tham gia vào phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ, tiếp tục tìm hiểu kiến thức nhiều mặt, cả Phật giáo lẫn thế học, do đó Ông có một vốn tri thức uyên bác. Ông luôn nghiên cứu triết lý đạo Phật một cách khách quan, từ nhiều góc độ, lại thường xuyên tham gia diễn giảng tại chùa Quán Sứ, chùa Bồ Đề. 

Ông cũng góp sức truyền bá trào lưu học Phật bằng chữ quốc ngữ ở thời kỳ mà sự mù chữ còn phổ cập khắp nhân dân, việc tụng niệm còn bằng phiên âm từ chữ Hán. Với gần 100 tác phẩm đã được đề cập, ta đủ thấy sự uyên thâm của Ông không chỉ về Phật học mà còn thông hiểu nhiều lĩnh vực khác. Những sách và báo do Ông quản lý, mang đậm tính giáo dục và cải cách, làm giàu thêm cho vốn thư tịch nước nhà. 

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn từng coi “Thiều Chửu là nhân vật Phật giáo xuất chúng thế kỷ XX.” Còn Thượng Tọa Thích Đồng Bổn thì cho rằng “Thiều Chửu là một Phật tử xứng đáng tiêu biểu cho hàng cư sĩ trong đạo Phật có công lớn trong lịch sử chấn hưng Phật giáo miền Bắc.” Qua đó ta thấy, trên phương diện Phật học, Thiều Chửu thật uyên bác, đầy tâm huyết, xứng đáng với lời nhận xét hùng hồn của Giáo sư Lê Mạnh Thát khi gọi Ông là một vị “Đại Bồ Tát bằng xương bằng thịt hiện thực giữa cõi đời.” Thiều Chửu đã ra đi hơn 50 năm, nhưng hàng trăm tác phẩm của Ông vẫn còn, và tên tuổi ấy sẽ sống mãi với Phật Giáo Việt Nam.

2. THIỀU CHỬU – NHÀ BÁO CÓ BÚT LỰC VỮNG CHẮC

Ngay từ khi tờ Báo Đuốc tuệ, cơ quan ngôn luận của Hội Phật Giáo Bắc Kỳ ra đời, Thiều Chửu đã là cây bút thủy chung với tờ báo này từ số đầu tiên với tư cách cộng tác viên cho tới số cuối cùng trong vai trò Trưởng ban biên tập. Ông viết và dịch rất nhiều bài báo cho Đuốc Tuệ, quảng bá về Phật giáo nhân gian, về tu Tịnh độ, Thiền – Tịnh song tu và cao hơn là về duy tính, duy thức. Suốt đời học, lao động chân tay và trí óc, lời nói đi đôi với việc làm cho nên Ông viết rất thực, rất sâu sắc.

Nhận xét về Thiều Chửu, Nguyễn Lang đã viết: “Thiều Chửu là một cây bút rất vững chãi và sâu sắc; căn bản Hán văn của ông rất vững; văn Khóa Hư là văn biền ngẫu rất khó dịch nhưng bản dịch của ông rất đặc sắc, đọc êm tai, nghĩa lý khá rõ ràng.” Năng lực viết lách của Thiều Chửu thật đáng khâm phục. Ông là tác giả, dịch giả của hơn 90 tác phẩm trong đó có các tác phẩm nổi tiếng như Giải Thích Truyện Quan Âm Thị Kính, Hán Việt Tự Điển, Phật Học Vấn Đáp, Con Đường Học Phật Ở Thế Kỷ Thứ XX. Thiều Chửu xứng đáng là nhà báo có bút lực dồi dào, vững chắc.

3. THIỀU CHỬU – NHÀ NHO YÊU NƯỚC 

Vốn được thừa hưởng căn bản Nho Học của truyền thống gia đình, Nguyễn Hữu Kha thấm nhuần tư tưởng kháng chiến sâu sắc và nhanh chóng, căm thù giặc ngoại xâm: “Thù chung trên trán đưa lên, Nghĩa vụ canh cánh không quên trong lòng”. Ông sống theo lý tưởng ích nước lợi dân, “đem hết tất cả trí tuệ và tâm hồn của mình để phục vụ nhân dân, phục vụ cho tổ quốc”

Sự yêu nước của Ông trước hết thể hiện qua tinh thần dân tộc, đề cao việc truyền bá và sử dụng chữ Quốc Ngữ, hạn chế tối đa việc sử dụng chữ nước ngoài trong cuộc sống. Đích thân Ông dịch rất nhiều tác phẩm chữ Hán, Anh, Pháp ra tiếng việt, dịch nhiều bộ Kinh Phật sang chữ quốc ngữ để truyền bá. 

Kháng chiến bùng nổ, Thiều Chửu đã chọn vị trí chiến đấu ở hậu phương qua sứ mệnh giáo dục trẻ em và tăng gia sản xuất, đem tri thức của mình giúp ích dân cho địa phương ở vùng kháng chiến để góp phần vào sự nghiệp cách mạng giải phóng quê hương khỏi ách thống trị của giặc Pháp. Niềm tin cách mạng tất thắng cộng với tín ngưỡng đạo Phật nơi tâm hồn được ông thể hiện qua thơ văn của mình: “Cầu cho ích quốc lợi dân mới là/ Cầu cho nước Việt Nam ta/ Khắp Trung Nam Bắc một nhà vui chung,…”

Có thể nói Thiều Chửu là một người yêu nước triệt để. Khi Pháp trở lại chiếm Hà Nội, ông dứt khoát không chịu sống ở những vùng nào đã rơi vào tay người Pháp. Chính Ông dẫn học trò của mình lên tận Phúc Yên, nơi vẫn thuộc quyền quản lý của cách mạng. Năm 1951, nghe biết ông gặp nhiều khó khăn ở Phúc Yên, Hòa thượng Tố Liên có cho người đem giúp ông 6 lượng vàng. Ông dứt khoát từ chối không nhận trợ giúp nào từ nơi vùng bị chiếm đóng.

Cũng bởi thế, khi tìm hiểu về Nguyễn Hữu Kha, Giáo sư Vũ Khiêu đánh giá “Thiều Chửu là một con người chân chính, một nhà trí thức lớn của dân tộc” và đã tặng Ông cặp câu đối “Nửa kiếp trầm luân, bác cổ thông kim, lòng bốn bể; Trăm năm phù thế, cứu dân báo quốc, phép muôn đời.” Cuộc đời Ông thật thanh cao, sống hoàn toàn vì cộng đồng, thật là một nhà nho Việt Nam yêu nước. 

4. THIỀU CHỬU – VỊ THẦY THUỐC TẬN TỤY 

Nhờ thấm nhuần tư tưởng nhà Phật từ thuở nhỏ, Thiều Chửu sớm bộc lộ lòng mẫn cảm thương người khó khăn hơn mình. Ông phát thệ rằng: hễ ai thiếu thốn cái gì muốn nhờ, nếu có thì giúp, không có thì vay giúp, nếu không giúp được thì lòng không yên, dẫu còn một bát gạo, ai đói hơn sẽ nhường, thà tôi chịu nhịn hai ba bữa cũng chẳng quản. Từ tấm lòng bi cảm đó, Ông cùng cha mở hiệu thuốc Lợi Nhân Đường ở Ngã Tư Sở và quyết tâm đi học nghề thuốc Nam để cứu giúp đồng bào. 

Từ khi biết nghề thuốc, Thiều Chửu chưa bao giờ từ chối lời mời đi chữa bệnh cho bất kỳ ai. Năm 1936, ông cùng bà Cả Mọc (tức Hoàng Thị Uyển, chị ông Hoàng Đạo Thúy) đồng sáng lập Hội Tế Sinh và làm tổng thư ký của hội. Năm 1937 (Đinh Sửu), Ông hoạt động quên mình cứu người khi đi cứu giúp nạn nhân trận lụt ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Ông lại lập trại nuôi trẻ mồ côi, trại nuôi người già nghèo, nhất là chữa bệnh, phát chẩn trong nạn đói 1945,… việc làm này đã mang lại cho ông uy tín rất cao trong xã hội.

Ông dùng thuốc Nam chữa khỏi bệnh cho nhiều người, và viết loạt bài Bà Lang Nhà rất lí thú đăng nhiều kỳ trên báo Đuốc Tuệ. Ông còn dạy người làm thuốc Đông Y, tự tay chữa bệnh cho bất cứ ai cần đến không nề hà công sức. Ni Trưởng Đàm Ánh thường khen thầy mình: “Chẳng ai giỏi bằng thầy tôi” và hay kể: Ông đỡ đẻ mát tay đến mức nhiều gia đình đến nhờ trước hàng tháng. 

Với tấm lòng tận tụy vì người bệnh, chẳng quản đường xa, mệt nhọc, Thiều Chửu có mặt ở khắp nơi để chữa bệnh cho dân. Tấm lòng của Ông quả là tấm lòng của một vị Bồ tát hóa thân giữa đời thường và hoàn toàn xứng đáng với câu châm ngôn của nghề y: lương y như từ mẫu. 

5. THIỀU CHỬU – NGƯỜI THẦY MẪU MỰC 

Thiều Chửu sớm có nguyện vọng truyền bá tri thức thế gian cũng như Phật học đến với các tầng lớp trong xã hội. Từ thuở 19 tuổi, Ông đã bắt đầu dạy chữ Hán cho các sư. Sau này khi làm ở trụ sở Báo Đuốc Tuệ, Ông lại tranh thủ tối đa thời gian vào việc dạy kèm các đồng nghiệp về Ngoại ngữ, khoa học, sử ký,… Ông cùng quý Hòa Thượng mở Trường Phổ Quang đào tạo nhân tài cho Hội Phật Giáo Bắc Kỳ. Ông giảng dạy nhiệt tình, tận tụy với từng học trò. 

Với đạo hạnh chuẩn mực của mình, Thiều Chửu cảm hóa được rất nhiều người, giúp họ vượt qua khó khăn thử thách, duy trì được cuộc sống tập thể có nề nếp kỷ luật, nội bộ đoàn kết, luôn học tập và đẩy mạnh tăng gia sản xuất để tự nuôi sống tập thể. Ở đâu, trong mọi hoàn cảnh khó khăn nào, ông cũng kiên trì mở lớp Phật học để giảng dạy cho Tăng ni, đồng thời tổ chức các lớp bình dân học vụ góp phần xóa nạn mù chữ cho nhiều người dân địa phương. 

Là nhà sư phạm của quần chúng, Ông thể hiện nhân cách và đạo đức của mình qua nếp sống giản dị, đạm bạc. Ông ăn trường chay, ngày một bữa, y phục đơn giản như những người chân quê, ngủ 3-4 giờ đồng hồ mỗi ngày, 2 giờ sáng thức dậy ngồi thiền, trì chú, rồi tập thể dục, uống trà, đôi lúc ngâm thơ. Ông rất quí thời giờ nên sự phân chia thời khóa rành mạch, phần lớn Ông để tâm vào việc dịch kinh, viết sách, tu học và dành rất nhiều thời giờ để gần gũi, chăm sóc các trẻ em mồ côi. 

Ông cũng mở một số trường vừa học vừa làm, giúp đỡ các thanh thiếu niên nghèo. Ông nghiêm khắc với bản thân cho nên đồ chúng ông rất kính phục. Ông tạo được sự nghiêm minh triệt để, kỷ luật gắt gao khi học trò sai phạm. Riêng đối với Tăng Ni, mặc dầu là học trò, nhưng ông luôn kính lễ, sách tấn họ tu học và tận tâm chỉ dạy sở học của mình. Qua đó ta thấy, dù ở vai trò nào, Thiều Chửu – Nguyễn Hữu Kha vẫn là một Phật tử mộ đạo, một nhà sư phạm mẫu mực với học trò và với Tăng Ni thời ấy.

Đọc những bài viết về Thiều Chửu – Nguyễn Hữu Kha, chúng ta hiểu rõ hơn về một con người cống hiến đã cả đời mình cho xã hội và Phật giáo. Người ta tôn kính Ông, thậm chí xem Ông như “một vị bồ tát bằng xương bằng thịt hiện thực giữa cõi đời này” (GS. Lê Mạnh Thát), hay nói như TT. Thích Đồng Bổn thì “Cư sĩ Thiều Chửu – Nguyễn Hữu Kha là một Phật Tử xứng đáng tiêu biểu cho hàng cư sĩ trong tứ chúng môn đồ của Phật. Bàn tay đóng góp của người ghi đậm trong lịch sử chấn hưng Phật giáo Miền Bắc Việt Nam.” Học giả Vũ Khiêu cũng đánh giá Thiều Chửu là một con người chân chính, một nhà trí thức lớn của dân tộc. 

Thiều Chửu, một nhà Phật học tâm huyết và uyên bác, một nhà báo có bút lực dồi dào vững chắc, một nhà Nho yêu nước, một thầy thuốc tận tụy, một người thầy mẫu mực,… vẫn biết Ông không bao giờ tự cho mình là như thế, nhưng tấm lòng hậu thế sẽ mãi ghi tên tuổi Ông vào trang sử Phật giáo nước nhà. Với đạo hạnh của một Phật tử mẫu mực, nhân cách cao thượng, sự ra đi như một “Khuất Nguyên Việt Nam” của ông đã để lại những nỗi mến tiếc không cùng trong lòng thức giả đương thời và lớp người kế tiếp. Tình cảm ông dành cho PGVN sẽ luôn được các thế hệ ghi nhận và tri ân. 

THÍCH TUỆ NHẬT
(hoalinhthoai.com)
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Đại Đồng (thực hiện), Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2008. 
2. Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX. Thành Hội Phật Giáo TPHCM, Ấn hành 1995.
3. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận I,II,III. Hà Nội: NXB Văn Học, 2000. 
4. Tài liệu giảng dạy của ĐĐ. Thích Đức Trường ở Học Viện PGVN tại TPHCM, 2008.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn