06-về Giáo Dục Và Thi Cử

21 Tháng Sáu 201100:00(Xem: 6338)


NHỮNG ĐÓNG GÓP TO LỚN CỦA ĐẠO PHẬT

CHO DÂN TỘC, DƯỚI TRIỀU LÝ (1010 - 1225)
Hòa Thượng. Thích Đức Nhuận




Về Giáo Dục và Thi Cử. Theo sách Văn Học Đời Lý thì nước ta theo học chữ Hán kể đã lâu lắm:


- Từ đời Sĩ Nhiếp,

- Từ đời Tích Quan,

- Từ đời Triệu Đà (207 - 111 T tl)

Tuy vậy không cần biết từ đời nào, nhưng vẫn có thể quả quyết rằng: "Cái học từ đời Bắc thuộc trở đi đến đời nhà Ngô, chỉ là học để giao thiệp với người Tàu, không phải học để thâu thái văn hóa của họ. Sự học hãy còn lỗ mỗ, sơ lược, cho nên trong hơn ngàn năm nó không để lại một dấu vết gì.

"Xuống đời nhà Đinh, đại khái cũng vẫn mực ấy - Nếu không thế thì sao Tiên Hoàng lại đặt cho nước mình cái tên nửa chữ, nửa nôm? - Quốc hiệu nước ta lúc ấy mang tên Đại Cồ Việt.

Đến nhà Tiền Lê, hình như đã vượt được qua bậc đó" (Sđd trang 19, 20).

Phải chờ đến đời nhà Lý, chế độ giáo dụcthi cử mới bắt đầu. Nho giáo được nâng đỡ triệt để và có địa vị trong xã hội. Tuy nhiên, trong xã hội buổi ấy, Phật giáo vẫn giữ ưu thế. Các vị thiền sư vẫn giữ địa vị quan trọng.1

Nước Đại Việt được hùng cường là do sự kết hợp giữa hai dòng Thiền Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi và Vô-Ngôn-Thông mà các vị quốc sư, thiền sư là những người đã hiến dâng trọn cuộc đời mình để phụng sự quốc gia dân tộc và đạo pháp, như các ngài: Pháp Bảo, Sùng Phạm, Vạn Hạnh, Sùng Nghiêm, Huệ Sinh, Minh Không, Bảo Tịnh, Khánh Hỷ, Viên Thông (Phái Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi) .; và dòng Thiền Vô-Ngôn-Thông có các ngài: Định Hương, Đa Bảo, Viên Chiếu, Cứu Chỉ, Thông Biện, Mãn Giác, Ngộ Ấn, Thường Chiếu, Không Lộ, Giác Hải, Quảng nghiêm v.v...2 đồng thời về mặt tư tưởng,các ngài đã sáng tác và dịch thuật rất nhiều kinh sách làm vẻ vang cho Đạo Phật Việt.

Phải nói rằng bao nhiêu khó khăn xảy ra trong quốc gia buổi ấy đều do nhà vua và các vị quốc sư, thiền sư hứng chịu, giải quyết êm đẹp.

Do đấy có nhiều người lầm tưởng rằng nhà Lý đã thiên vị nâng đỡ Phật giáo và không trọng dụng Nho giáo. Thật là sai lầm. Triều Lý khi đã nhận nhiệm vụ đặt lại nền móng quốc gia cho vững bền lâu dài, thì không bao giờ lại có ý gây hiềm khích chia rẽ giữa các tập đoàn văn hóa hay các nhóm có khả năng tạo áp lực đối với chính quyền. Không ai cấm đạo Nho hoạt động. Chính thực tế thì Nho giáo hãy còn ảnh hưởng phần nào đối với chính quyền. Như đã thấy, buổi đầu khai nguyên nhà Lý, dù lúc ấy đã có ngài Vạn Hạnh và các vị thiền sư khác đã nhận làm cố vấn cho Lý Thái Tổ, và chính hoàng đế Lý Thái Tổ là một Phật tử được giáo hóa từ cửa Thiền; thế mà, trong bài Chiếu Thiên Đô do chính tay vua thảo và công bố vào năm canh tuất, niên hiệu Thuận Thiên năm đầu (1010), lại không hề có lấy một chút nào gọi là văn hóa cửa Thiền cả. Như vậy thì biết rõ môn đệ của Khổng giáo đã tự cảm thấy bất lực trước thời thế, nên không hoạt động một cách tích cực nữa.

Xem tờ "Chiếu Thiên Đô", thấy rõ các môn sinh cửa Khổng sân Trình đã quá mang nặng mặc cảm bất lực, sinh ra bỏ mặc văn hóa đạo lý Khổng Mạnh, không lo chấn hưng gì cả. Vì nhu cầu đoàn kết quốc gia, kiến lập sự bền vững cho giang sơn xã ắc, và sau một thời gian chờ đợi mà không thấy ai chú tâm đến giáo lý đức Thánh Khổng, nên năm 1070 (tháng tám năm canh tuất, niên hiệu Thần Vũ thứ II), vị vua thứ III dòng họ Lý, là Thánh Tông (1054 - 1072), mới trực tiếp xúc tiến chấn hưng Nho giáo, bằng cách cho xây Văn Miếu thờ đức Khổng Tử, tại hướng Nam thành Thăng Long, cho tô tượng Chu Công, Khổng Tử và tượng Tứ Phối (4 vị phối hưởng là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), rồi vẽ tượng Thất Thập Nhị Hiền và cho xây Văn Chỉ tại các tỉnh, xã.

Không phải hoàng đế Thánh Tông làm công việc này với tính cách chiếu lệ an dân, để lấy lòng nho sĩ. Vua còn tích cực biến Văn Miếu thành nơi học tập của các hoàng tử. Vua cũng chủ trương và thực hành dâng cúng tế lễ đức Thánh Khổng và chư hiền, xuân thu nhị kỳ. Vua lấy ngày thượng đình để tế ở Văn Miếu, còn ngày trung đình thì tế ở Văn Chỉ hàng tỉnh, và hạ đình tế ở Văn Chỉ hàng xã. Triều Lý luôn luôn nâng đỡ và tìm cách thúc đẩy nho sĩ tích cực ý thức vai trò của mình, trong sự đóng góp cho nền cường thịnh của quốc gia. Vị hoàng đế thứ IV của dòng họ Lý, là Lý Nhân Tông (1072-1127), lại còn hăng hái mở các khoa thi giúp đỡ các sĩ tử của Nho giáo có cơ hộitham chính công khai không bị mặc cảm gì hết.

- Năm 1075 (ất mão, niên hiệu Thái Ninh thứ IV), vua cho mở Khoa Thi Tam Trường để tuyển nhân tài. " Nền Đại Học Việt Nam bắt đâù hình thành từ đó".1

- Năm 1076 (tháng tư năm Bính Thìn, niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng thứ I), vua sắc lập Quốc Tử Giám để chọn nhân tài cho hai ngành văn võ.

- Năm 1077 (tháng hai năm Đinh Tî, niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng thứ II), vua lại mở kỳ thi lại viên hình luật để lấy người làm quan.

- Năm 1086 (tháng tám năm Bính Dần, niên hiệu Quảng Hựu thứ II), vua cho tuyển nhân tài vào Hàn Lâm Viện.

- Năm 1152 (Nhâm Thân, niên hiệu Đại Định thứ XIII), thi học sinh.

- Năm 1185 (ất tî, niên hiệu Trinh Phù thứ X) và khoa Quí Sửu, niên hiệu Thiên Tư Gia Thụy thứ VIII (1193), thi học sinh trong nước lấy người trúng tuyển vào chầu vua học tập.

Sử chép: Các vua nhà Lý sau này còn mở các kỳ thi vào những năm 1153, 1165, 1185, 1193. Năm 1195, Lý Cao Tông mở Khoa Thi Tam Giáo. Phải nói ngay rằng: Chính buổi đầu chấn hưng Nho giáo, các thiền sư đã là những người tiên phong đem tư tưởng Nho giáo quảng bá trong nhân gian; vì muốn cho các hệ tư tưởng, đạo giáo khác cũng được phát triển như đạo Phật. Chứ không như một thiểu số nhà Nho sau này, nhờ vào thi cử đỗ đạt, được cất nhắc ra làm quan, và vì bản tính hẹp hòi, quay sang bài xích Đạo Phật. Trong số nhà Nho kỳ thị Phật giáo cuối thời nhà Lý có Đàm Dĩ Mông; nhà Trần có Trương Hán Siêu, Lê Báù Quát; thời Hậu Lê có Ngô Sỹ Liên.2

Từ khi Nho Giáo chiếm địa vị độc tôn, về phương diện tư tưởng cũng như trên cương vị lãnh đạo quốc gia, cũng chính là lúc đất nước dân tộc ta rơi vào tình trạng phân hóa, khốn cùng" Sự suy đồi diễn ra ở cuối đời Trần Hồ (1400 - 1407) qua Bắc thuộc nhà Minh (1414 - 1427), tiếp theo là thời Nam Bắc triều Lê - Mạc (1527 - 1592) và Trịnh - Nguyễn phân tranh (1570 - 1799). Rồi tới thời Pháp thuộc (1862 - 1945).

Chúng tôi không cố ý khơi lại đống tro tàn. nhưng sự thật lịch sử đã phơi bày. Vậy, nếu ở đây có đề cập đến vấn đề là cốt nhằm "cảnh giác" - chứ tuyệt đối không mang một chút mặc cảm nào hết - để từ đó, chúng ta rút tỉa lấy những kinh nghiệm đắt giá do tiền nhân đã mắc phải mà đừng bao giờ đi theo vết xe cũ nữa.

.Dưới nhãn quan Phật giáo, khi nhìn cuộc đời (vốn dĩ) phiền tạp, rối rắm, và đấy những bất trắc, khổ đau, người Phật tử chân chính vì saün có một tinh thần ẩn nhẫn, bao dung và tha thứ, nên đã đứng ngoài vòng danh lợi tranh chấp của thế nhân, nhưng tâm hồn lúc nào cũng hướng đến hạnh nguyện "giác tha" nên đã dấn thân vào đời, làm mọi việc, nhất là về phương diện tinh thần, giáo dục quần chúng.

Muốn hiểu trình độ văn minh một người nào người ta chỉ cần quan sát, thẩm định dân tình, dân trí - tác phong, cách sống của từng cá nhân cũng như điều kiện sinh hoạt chung của xã hội - mà có thể đo được mức giá trị văn minh của nước ấy, hoặc cao hay thấp. Do đấy, công việc giáo dục quần chúng được coi là nhiệm vụ hàng đầu của các thiền sư đời Lý. Các ngài đã tạo nên những con người biết sống cho mình đồng thời cũng biết sống hữu ích cho tha nhân và cho xã hội nữa.

Con người là chủ động của mọi vấn đề. Con người tốt (đã) là nhân tố để xây dựng một xã hội tốt lành. Con người xấu (sẽ) làm cho xã hội xấu lây. Xã hội đời Lý là một xã hội văn minh, vì có những con người tốt được đào tạo bởi một nền giáo dục "nhân bản", lấy con người làm mực thước cho tất cả.

Như trên cho thấy, dưới triều đại nhà Lý, không chỉ riêng Đạo Phật được tôn sùng và phát triển mạnh, mà Nho giáo, Lão giáo cũng được triều đình đặc biệt lưu tâm nâng đỡ. Nền đại học và việc thi cử nước ta bắt đầu được tiến phát, đồng thời còn là cơ duyên thuận lợi dẫn đến sự hình thành một nền văn học dân tộc - Văn học Lý - Trần.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn