Khởi nguyên của Đạo Bụt Việt Nam

17 Tháng Bảy 201409:56(Xem: 4177)
THIỀN SƯ KHƯƠNG TĂNG HỘI
Thích Nhất Hạnh
Nhà xuất bản Phương Đông

2.
Khởi nguyên của Đạo Bụt Việt Nam

Đạo Bụt Đi Vào Việt Nam

Hồi đó ở miền bờ biển Nam Ấn Độ, có hai trung tâm nổi tiếng của đạo Bụt đại thừa. Một trung tâm gọi là Amaravati. Một trung tâm gọi là Nagarjunakonda. Từ những trung tâm đạo Bụt đại thừa ở miền duyên hải Ấn Độ, đạo Bụt được truyền sang Việt Nam bằng đường biển. Việc này đã xảy ra từ thế kỷ thứ I trước Thiên Chúa giáng sinh. Trong thế kỷ đi theo, tức là thế kỷ thứ I sau Thiên Chúa giáng sinh, đạo Bụt đã tiếp tục đi vào Việt Nam. Đạo Bụt đã đi vào Việt Nam bằng đường hàng hải do các nhà buôn đem tới. Hồi đó đế quốc La Mã rất cần những hàng hóa, những hương liệu như quế, tiêu, lụa... Các thương gia Ấn Độ đã không có đủ những thứ ấy để cung cấp cho đế quốc La Mã. Vì vậy cứ đợi mùa có gió đông nam thì họ thả thuyền đi về hướng Việt Nam. Mỗi khi đi tới rồi thì họ ở lại để buôn bán. Và phải đợi cho đến năm sau, khi có gió mùa thì họ mới xuống thuyền về nước. Trong thời gian cư trú ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam, cố nhiên là họ phải thực tập tôn giáo của họ. Do chính nguyên cớ đó mà người Việt thời đó mới biết đến đạo Bụt. Thường thường khi đi buôn, các thương gia Ấn Độ đem theo những cái tháp Bụt tượng trưng cho xá lợi của Bụt. Họ đốt nhang, đốt trầm, đọc kinh, tụng tam quy và ngũ giới. Vì vậy cho nên qua thời gian họ lưu lại Việt Nam, người Việt đã biết tới đạo Bụt. Và cùng với đạo Bụt các thương gia Ấn cũng đem theo những cái khác nữa. Ví dụ như niên lịch, cách thức canh tác, thuốc men, phương pháp trị liệu, và cách quan sát tinh tú của Ấn Độ. Vì vậy về thiên văn, y khoa, niên lịch, cũng như phương pháp canh tác, người Việt chúng ta đã học được của Ấn Độ rất nhiều.
Giao Chỉ : Vùng Giao Lưu Của Hai Nền Văn Hóa

Nước ta hồi đó chưa có tên là Việt Nam. Việt Nam hồi đó có tên là Giao Chỉ. Giao, đúng ra có nghĩa là giao tiếp. Tại vì địa bàn Việt Nam hồi đó là môi giới giữa hai nền văn hóa. Văn hóa Ấn Độ và văn hóa Trung Hoa. Có những nước nằm dưới ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, trong đó có Giao Chỉ. Hồi đó ta theo văn hóa Ấn Độ. Từ thần thoại, cho đến canh nông, cho đến chiêm tinh, cho đến niên lịch, chúng ta đều áp dụng của Ấn Độ cả. Sau này, khi nước ta bị nhà Hán xâm chiếm, dân ta mới bắt đầu thu nhập những yếu tố của văn hóa Trung hoa. Nước ta trước đó đã có tên là Nam Việt. Rồi từ Nam Việt đổi thành Giao Chỉ, sau đó được đổi thành Giao Châu. Giao có nghĩa là giao tiếp. Hiện giờ, người ta còn gọi chung các nước Lào, Cam-pu-chia và Việt Nam là Ấn Độ Chi Na (Indo-China). Cái tên này cũng có cùng một ý niệm đó, nghĩa là vùng đất nằm giữa hai nền văn hóa Ấn Độ và Trung hoa. Có người nói chữ giao có nghĩa là giao long. Vì thấy người Việt ngày xưa xâm mình và tự nhận mình là con cháu của rồng, họ nghĩ đất đai của con cháu rồng phải gọi là Giao Chỉ. Nhưng thật sự chữ giao ở đây có nghĩa là giao tiếp. Chỉ có nghĩa là địa chỉ, địa bàn, nghĩa là vùng đất. Vùng đất nằm ở khoảng giao tiếp giữa hai nền văn hóa. Giao Chỉ sau đổi thành Giao Châu khi chúng ta bị nội thuộc nhà Hán. Hồi đó nước ta là một thuộc địa của nhà Hán. Chúng ta bắt đầu bị nhà Hán cai trị vào năm 111 trước Thiên Chúa giáng sinh. Bị đô hộ gần một ngàn năm mà ta không bị đồng hóa. Trong thời gian đó có nhiều cuộc nổi dậy dành độc lập. Nhưng những cuộc nổi dậy ấy chỉ thành công trong một thời gian thôi rồi bị đàn áp. Một lần có hai chị em tên là Trưng Trắc và Trưng Nhị đứng dậy, làm cách mạng, và chiêu tập binh mã đánh lại nhà Hán. Đó là từ năm 40 đến năm 43. Hai chị em đánh thắng được quân đô hộ và lập được nền độc lập tự chủ trong vòng ba năm.

Trước đó Giao Chỉ có tên là Nam Việt. Dòng dõi cai trị nước Nam Việt hồi đó là nhà Triệu. Có nhiều đời vua: Triệu Vũ Vương, Triệu Văn Vương, Triệu Minh Vương, Triệu Ai Vương và Triệu Dương Vương. Đến năm 111, Nam Việt bị nhà Hán xâm chiếm. Lúc đó ta mất tên Nam Việt, và trở thành một bộ của nhà Hán gọi là bộ Giao Chỉ. Bộ Giao Chỉ hồi đó đất rất lớn. Tỉnh Quảng Đông và tỉnh Quảng Tây bây giờ cũng thuộc về bộ Giao Chỉ. Đảo Hải Nam cũng thuộc về bộ Giao Chỉ. Và cố nhiên là miền Bắc và phần Bắc của miền Trung bây giờ cũng thuộc về bộ Giao Chỉ. Trong lịch sử, ta thấy có nhiều khi ta đã muốn qua đòi lại những đất đó. Trước khi có nước Nam Việt thì đã có nước Âu Lạc. Nước Âu Lạc là do hai nước Thục và Văn Lang nhập lại mà thành. Văn Lang là tên đầu của nước Việt Nam. Văn tức là văn vẻ, đẹp. Còn Lang nghĩa là hiền lành, như là ông thầy thuốc. Thời Văn Lang, có nhà Hồng Bàng. Hồng Bàng là con chim lớn, con chim vĩ đại. Và thời nước Âu Lạc thì ta có nhà Thục. Có nhiều truyền thuyết xảy ra trong thời Hồng Bàng: bánh chưng, bánh dày, trầu cau... Có những chuyện xảy ra trong thời Âu Lạc như Trọng Thủy Mỵ Nương...

Nhà Thục là một nước ở gần Văn Lang. Hồi đó, nước Văn Lang yếu nên mới bị nhà Thục qua chiếm. Họ gom Thục và Văn Lang lại làm thành một nước gọi là nước Âu Lạc. Văn hóa hồi đó cũng còn rất đặc thù, và nằm dưới ảnh hưởng văn minh Ấn Độ. Âu có thể là Âu Cơ, người đàn bà tượng trưng cho chim. Lạc là con chim lạc. Có những tài liệu trong Hậu Hán Thư chứng tỏ là trong thời đại nhà Triệu, khi quốc hiệu còn là Nam Việt, ta thường đi qua mua những dụng cụ canh nông bên nhà Hán. Bắt đầu sang nhà Triệu thì văn minh ta đã có yếu tố Trung quốc. Từ khi nước ta bị nhà Hán đô hộ thì văn hóa Trung quốc mới bắt đầu được đưa qua nhiều. Trong thời đó có hai nhà văn hóa Trung quốc là Tích Quang và Nhâm Diên. Hai nhà văn hóa này nỗ lực dạy chữ Hán cho người Giao Chỉ. Hai người cũng khá dễ thương. Lúc đó là thế kỷ thứ I sau Thiên Chúa giáng sinh. Tích Quang và Nhâm Diên bắt đầu đưa phương pháp canh tác của Trung Hoa áp dụng vào Giao Châu. Những nghi lễ như đi cưới, giạm ngõ, đi hỏi, đám ma... bắt đầu được học từ người Hán. Trước đó thì ta sử dụng các tập tục của Ấn Độ. Chính ngay trong thế kỷ đầu đã có cuộc nổi dậy của hai chị em bà Trưng. Trong hai trăm năm trước Thiên Chúa giáng sinh, Trung Quốc được gọi là nhà Tây Hán. Sau Chúa giáng sinh thì là nhà Đông Hán. Và chính trong thời đại nhà Hán, đạo Bụt từ Ấn Độ được truyền sang Việt Nam, và truyền trực tiếp chớ không phải truyền sang ngõ Trung quốc. Có rất nhiều người nghĩ rằng đạo Bụt ở Việt Nam lúc bắt đầu là từ Trung quốc đưa xuống, nhưng sự thực thì ngược lại. Đạo Bụt được truyền sang Việt Nam trước. Rồi trong những thế kỷ đầu của Tây Lịch, đạo Bụt từ Việt Nam lại được truyền sang Trung quốc.

Ba Trung Tâm Phật Giáo Đời Hán

Trong thế kỷ đầu sau Thiên Chúa giáng sinh, ở Hán có hai trung tâm Phật giáo, và ở Giao Châu thì có một trung tâm. Nhưng chỉ ở trung tâm Giao Châu thì mới có người xuất gia bản xứ. Còn ở hai trung tâm kia thì người bản xứ không được xuất gia. Hai trung tâm bên Hán là trung tâm Lạc Dương và Bành Thành. Trung tâm ở Giao Châu là trung tâm Luy Lâu. Tác phẩm Hậu Hán Thư là một tác phẩm ghi chép những gì xảy ra ở thời nhà Hán. Tác phẩm đó không nói gì về Giao Chỉ cả, tại vì Giao Chỉ ở quá xa. Và ở Giao Chỉ người ta nói một ngôn ngữ rất khác. Văn hóa cũng rất khác. Văn hóa Hán cũng có đi tới, nhưng văn hóa Ấn Độ còn rất mạnh. Vì vậy, tuy Giao Chỉ thống thuộc nhà Hán, nhưng về Giao Chỉ, Hậu Hán Thư hầu như không ghi chép gì. Trong khi ở trên miền Bắc, chính quyền cấm người trẻ tuổi không được trở thành sư cô, sư chú, thì ở trung tâm Luy Lâu vì xa chính quyền trung ương, người bản xứ được phép xuất gia. Vào thế kỷ thứ I sau Thiên Chúa giáng sinh và vào đầu thế kỷ thứ II thì tại trung tâm Luy Lâu này ít nhất đã có năm trăm người bản xứ xuất gia. Cố nhiên là cũng có mặt của nhiều vị xuất gia người ngoại quốc. Những vị xuất gia người ngoại quốc đã tới từ Ấn Độ. Tất nhiên là họ đi theo những thuyền buôn. Dân đi buôn muốn được bình an, có Bụt gia hộ, cho nên thường thỉnh một vị xuất gia đi theo. Cũng như thuyền nhân vượt biên, trước khi vượt biên muốn cho chuyến đi an ổn, thường mời một thầy hay một sư cô đi theo. Hồi xưa cũng vậy, sở dĩ có một số các thầy ở Ấn Độ qua Việt Nam hành đạo và dạy đạo là nhờ các thương thuyền mời họ đi theo. Đó là lý do thứ nhất. Lý do thứ hai là đạo Bụt đại thừa có tinh thần phải đem giáo pháp đến tận các phương trời xa. Hai yếu tố đó đã khiến cho các thầy ngồi trên thương thuyền để đi tới những miền rất xa như Giao Châu.

Ở Giao Châu hồi đó, yếu tố văn hóa Ấn Độ còn mạnh cho nên khi các thầy đổ bộ lên, họ cũng có cảm tưởng thoải mái. Có thầy cư trú ở trung tâm Luy Lâu này một năm rồi trở về Ấn Độ lại. Có thầy thấy dân chúng ở đây dễ thương nên ở lại thêm. Không những các thầy ở lại thêm mà các thương gia đôi khi thấy đất mới, dễ ở, đất lành chim đậu, cũng muốn ở lại thêm. Như trường hợp của ông thân sinh thầy Tăng Hội. Đó là những thương gia Ấn Độ. Ông thân sinh thầy Tăng Hội mà tổ tiên từng cư trú nhiều đời ở nước Khương Cư miền bắc Ấn độ, đã qua buôn bán theo đường hàng hải, đã đổ bộ lên Luy Lâu. Ông không muốn trở về Ấn Độ nữa nên đã ở lại Giao Châu, đã cưới một người phụ nữ Việt và đã sinh ra thầy Tăng Hội. Khi thầy Tăng Hội được mười tuổi thì hai ông bà mất và thầy đã đi tu. Nhờ đó mà ta có một vị cao tăng dạy về thiền học.Việc này xảy ra vào đầu thế kỷ thứ IIỊ Chúng ta nên biết rằng thầy Tăng Hội sinh ra ở Giao châu và cố nhiên là đã học Phật ở Giao châu. Thầy đã dịch kinh tiếng Sanskrit ra tiếng Hán. Thầy có hai nền văn hóa. Vì lý do này ta biết là hồi đó ở tại trung tâm Luy Lâu các vị xuất gia đều được học tiếng Sanskrit, và đồng thời cũng được học tiếng Hán. Đất Giao Châu hồi đó là đất giao tiếp giữa hai nền văn hóa như ta đã biết. Có một số thầy sau một năm cư trú ở Giao Châu thì trở về Ấn độ theo các thương thuyền. Vì nhớ nhà, nhớ tu viện, nhớ tăng thân. Nhưng cũng có một số thầy nghĩ rằng: nơi này cũng dễ chịu lắm, sao mình không ở lại đây để hành đạo. Vì vậy cho nên họ đã ở lại Luy Lâu, đã xây dựng một cộng đồng tu học rất quan trọng ở tại Luy Lâu.

Luy Lâu là thủ phủ của Giao Chỉ hồi đó, ở tại tỉnh Bắc Ninh, phủ Thuận Thành. Bắc Ninh tức là cái nôi của nền văn hóa Việt Nam. Luy Lâu hồi đó là một trung tâm Phật giáo rất phồn thịnh. Chúng ta biết rằng trung tâm này còn phồn thịnh hơn các trung tâm Bành Thành và Lạc Dương bên Hán. Ở tại trung tâm Lạc Dương hồi đó chỉ có một vài thầy, và những thầy đó đều là người Ấn Độ. Trong khi đó thì ở Luy Lâu, ta có ít nhất là năm trăm thầy người Giao Châu. Các nhà học giả nghiên cứu về ba trung tâm Phật giáo đời Hán đã đồng ý với nhau vì những lý do nào mà trung tâm Luy Lâu ở Bắc Ninh đã được thành lập. Còn hai trung tâm kia không ai quyết chắc được, họ không đồng ý với nhau là tại sao các trung tâm đó đã được thành lập. Khi nghiên cứu, ta thấy rất nhiều dữ kiện chứng tỏ rằng trung tâm Luy Lâu là bàn đạp để thành lập trung tâm Bành Thành. Và trung tâm Bành Thành lại là bàn đạp để thành lập trung tâm Lạc Dương.

Hồi đó kinh đô của nhà Hán là Lạc Dương. Từ Lạc Dương đi qua Ấn Độ bằng đường bộ rất khó khăn, khó khăn gấp cả trăm lần đường biển, tuy xa hơn nhưng an ninh hơn nhiều. Có những chi tiết trong Hậu Hán Thư, trong sách Ngô Chí, chứng tỏ rằng trung tâm Lạc Dương là do trung tâm Bành Thành mà được tạo dựng. Trong sử có ghi chép lại là vua Hán Hoàng Đế đã thờ Lão Tử ở trong cung cùng với Bụt. Truyền thuyết nói rằng vua Hán Minh Đế một hôm nằm mộng thấy một người bằng vàng bay ở trước cung điện. Tỉnh dậy vua hỏi các quần thần. Quần thần nói là ở Tây phương có một vị giáo chủ tên Buddha. Người vàng mà vua thấy trong cơn mộng đó là Bụt. Do đó vua đã cử một phái đoàn đi đường bộ sang Ấn Độ để thỉnh kinh. Sau nhiều năm, phái đoàn mới thỉnh được kinh Tứ Thập Nhị Chương, đem về để tại một ngôi chùa gọi là chùa Bạch Mã. Ở thời đó, tại Lạc Dương chỉ có hai ngôi chùa thôi, chùa Bạch Mã và chùa Hứa Xương. Nhưng truyền thuyết về nguồn gốc đạo Bụt ở trung tâm Lạc Dương căn cứ trên giấc mộng của vua Hán thì hiện giờ các nhà học giả không công nhận. Không thể vì một giấc mộng mà người ta đã cử một phái đoàn đi một chuyến đi gian khổ như vậy. Đó là lý do thứ nhất. Lý do thứ hai là nếu ông quan kia mà biết rằng người vàng bay trước điện trong giấc mộng là Bụt, là vị giáo chủ một tôn giáo tại Ấn Độ, thì đó có nghĩa là trước khi phái đoàn đi Ấn Độ, người ta đã biết tới Bụt rồi. Những lý do đó chứng tỏ rằng câu chuyện trên chỉ là một truyền thuyết.

Ngôi chùa thứ hai tên là Hứa Xương cho chúng ta thêm một lý do để tin tưởng rằng trung tâm Phật giáo thứ hai, trung tâm Lạc Dương, là do trung tâm Bành Thành mà được thành lập. Vào năm 65, tức là trong thế kỷ đầu, vua Hán Minh Đế có xuống một tờ chiếu để nói rằng nếu người nào thấy mình có tội với đất nước thì có thể dâng vàng bạc hay là gấm lụa để chuộc tội. Lúc đó có một người tên là Sở Vương Anh, không có tội gì hết nhưng cũng có mặc cảm là mình không xứng đáng, cho nên đã dâng lên vài chục cuốn lụa. Vua có nói rằng: " Khanh có tội gì đâu. Trái lại khanh là người rất đáng tin tưởng. Một mặt thì khanh biết học hỏi giáo lý của Lão Tử. Một mặt thì khanh biết tôn trọng đức từ bi của Bụt. (Thượng Hoàng Lão chi vi ngôn, thượng Phù Đồ chi nhân từ). Sở Vương Anh, tức là một vị vương hầu, được vua ban những lời như vậy thì rất thích, mới tổ chức một lễ sám hối, ăn chay ba tháng và tổ chức cúng dường cho các vị tăng sĩ và cư sĩ. Tăng sĩ đây cố nhiên là tăng sĩ Ấn Độ. Có những tài liệu cho chúng ta biết rằng hồi đó, người Hán chưa được phép xuất gia. Sở Vương Anh cư trú tại Bành Thành. Khi Sở Vương Anh đi về Lạc Dương, ông cư trú nơi một người em họ bên mẹ. Người đó tên là Hứa Xương. Sau đó thì họ mới cúng dường ngôi nhà, và ngôi nhà biến thành một ngôi chùa. Chùa đó mang tên là Hứa Xương. Điều này là một chi tiết chứng tỏ rằng trung tâm đạo Bụt ở Lạc Dương được thành lập từ những yếu tố của trung tâm Bành Thành. Bây giờ chúng ta hỏi: Trung tâm Bành Thành do đâu mà được thành lập ? Chúng ta đã nói rằng nếu trung tâm Lạc Dương đã do trung tâm Bành Thành mà được thành lập thì chúng ta không thể nói rằng trung tâm Bành Thành là do các thầy từ bên Ấn Độ đi đường bộ qua mà thành lập. Phải loại giả thuyết đó ra. Trung tâm Lạc Dương gần Ấn độ hơn mà đạo Bụt còn không do đường bộ Ấn Độ đưa tới, vậy thì trung tâm Bành Thành cách xa hơn nhiều cũng không thể được thành lập theo kiểu ấy .

Đạo Bụt Có Cơ Sở Ở Giao Châu Trước

Trong Hán Thư cũng như theo sự nghiên cứu của các học giả Trung quốc thì từ Luy Lâu đến Bành Thành người ta có thể đi bằng đường thuyền, cũng có thể đi bằng đường bộ. Từ Luy Lâu ở Bắc Ninh, ta đi đến Quảng Tây. Từ Quảng Tây, ta đi tới Quảng Đông rồi đi lên miền Bắc, tới Bành Thành ; đó là con đường thiền sư Tăng Hội đã đi. Thiền sư Tăng Hội xuất phát từ Giao Châu, vào đầu thế kỷ thứ III đã đi qua nước Ngô để hành đạo, và đi bằng con đường ấy. Trước thiền sư đã có những vị xuất gia người Ấn Độ cũng từng đi trên con đường đó. Sau khi các vị tới Luy Lâu bằng đường biển, các vị ở lại và tạo dựng một trung tâm Phật giáo rất phồn thịnh. Rồi những người xuất gia địa phương, người Giao Chỉ, cũng được học tiếng Phạn do các thầy trực tiếp chỉ dạy. Vì tiếng Hán đã được thông dụng tại Giao Châu nên người ta đã bắt đầu dịch kinh chữ Phạn ra chữ Hán ngay tại Giao Châu. Và trong thời đại đó, chúng ta đã có khoảng năm trăm vị xuất gia người địa phương và ít nhất là 15 bộ kinh đã được phiên dịch ra chữ Hán.

Cuối đời nhà Hán tức là vào thế kỷ thứ II, giặc giã đánh phá lung tung. Vì vậy có rất nhiều người Hán chạy xuống Giao Chỉ để lánh nạn. Quan thái thú cai trị Giao Châu hồi đó tên là Sĩ Nhiếp. Ông là một nhà học giả có tài. Ông đã đem Hán học và văn hóa Hán để làm giàu cho văn hóa của người Giao Chỉ. Mấy anh em của Sĩ Nhiếp đã khéo léo giữ cho vùng Giao Châu được hòa bình. Cho nên trong lúc nhà Hán giặc giã lung tung, thì nhiều người trong giới trí thức và giới chính trị vì muốn tìm nơi yên ổn đã chạy về miền Nam và tỵ nạn ở Giao Châu. Trong số những người Hán xuống tỵ nạn đó có một người tên là Mâu Bác, theo đạo Lão. Lúc đó ông chỉ mới có hai mươi mấy tuổi. Ông chưa biết gì về đạo Bụt, bởi vì ở bên nhà Hán, ông chưa được nghe gì về đạo Bụt. Ông đem mẹ đi về tỵ nạn ở Giao Châu. Tại Giao Châu, Mâu Bác được tiếp xúc với đạo Bụt. Trung tâm Luy Lâu là một trung tâm Phật giáo phồn thịnh. Với cái căn bản Nho học và Lão học, ông học Phật rất mau. Sau đó, ông mới đối thoại với các nhà trí thức người Hán đang có mặt tại Giao Châu. Căn cứ trên lập trường Phật học, ông hỏi những câu hỏi về tứ thư và ngũ kinh, về đạo Khổng và đạo Lão. Những nhà trí thức kia trả lời không được, nhưng vẫn nghĩ rằng đạo Lão và đạo Khổng là đạo cao, còn đạo Phật là đạo của những dân tộc kém văn minh, như Ấn Độ chẳng hạn. Hồi đó người Hán cũng đã có cái mặc cảm tự tôn của Trung Quốc, nước ở chính giữa, còn những nước chung quanh là những nước biên địa. Lúc ấy Mâu Tử mới nói : " Đừng nói như thế. Đạo Bụt là một đạo siêu tuyệt." Vì vậy ông đã viết một cuốn sách để trả lời lại những câu chất vấn của giới trí thức nhà Hán. Đó là cuốn sách đầu tiên về Phật học viết bằng tiếng Hán. Cuốn sách đó tên là Mâu Tử Lý Hoặc Luận. Luận tức là một thiên khảo luận. Hoặc tức là những điều nghi ngờ. Lý tức là giải đáp. Giải đáp những nghi ngờ về đạo Bụt. Cuốn sách đầu tiên về đạo Bụt bằng chữ Hán này được viết tại Giao Châu. Cuốn sách này đến nay, vẫn còn lại trong Đại tạng kinh. Sách đã được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Anh. Sách Mâu Tử Lý Hoặc Luận được sáng tác vào thế kỷ thứ IỊ Sách nói rằng người xuất gia bây giờ đông quá và có những người không giữ giới, có người ăn thịt, có người uống rượu. Chúng ta biết rằng khi số lượng người xuất gia quá đông đảo thì mới sinh ra những tệ hại như vậy. Sự kiện Mâu Tử học Phật và viết sách ở tại Giao Châu chứng tỏ Giao Châu là một trung tâm đạo Bụt rất phồn thịnh. Tới thế kỷ tiếp, tức là thế kỷ thứ III, thì thiền sư Tăng Hội lớn lên. Ông xuất gia tại Giao Châu, học Bụt tại Giao Châu, học tiếng Phạn tại Giao Châu và dịch kinh ở tại Giao Châu, rồi sau đó đi sang nước Đông Ngô truyền đạo. Điều đó cũng chứng tỏ rằng trung tâm Luy Lâu là một trung tâm đạo Bụt phồn thịnh.

Cao Tăng Truyện, một cuốn sách nói về các vị cao tăng xuất hiện ở Trung quốc có nói rằng khi thiền sư Tăng Hội tới Kiến Nghiệp, tức là kinh đô của nước Ngô, thì chưa có một vị tăng sĩ nào tới đó hết. Lần đầu tiên người Ngô thấy hình dáng của một vị tu sĩ Phật giáo. Trong thời loạn lạc ấy, nước Tàu được chia ra làm ba nước, gọi là thời tam quốc. Nước ở miền Bắc được gọi là Bắc Ngụy. Nước ở miền Nam gọi là Đông Ngô. Nước ở miền Tây gọi là Tây Thục. Giao Châu nằm ở miền Nam, vì vậy phải thần phục Đông Ngô. Và cố nhiên không thể theo Bắc Ngụy. Ngày xưa thì kinh đô mẫu quốc là Lạc Dương và bây giờ thì kinh đô mẫu quốc là Kiến Nghiệp ở Bành Thành. Chúng ta có hai văn kiện cần phải đọc. Một là bài tựa kinh An Ban Thủ Ý. Hai là một bài viết về thiền gọi là Phương Pháp Đạt Thiền. Cả hai đều do thầy Tăng Hội viết. Thầy Tăng Hội là tổ sư của thiền học tại Việt Nam, sống vào thế kỷ thứ IIỊ Sau khi đã dạy thiền tại Giao Chỉ, thầy mới đi sang nước Ngô để giảng dạy. Phương Pháp Đạt Thiền được trích trong một tác phẩm gọi là Lục Độ Tập Kinh. Ở đây thầy giảng giải về phương pháp tu thiền. Bài tựa kinh An Ban Thủ Ý cũng được viết tại Giao Châu. Khi đọc hai tác phẩm này, chúng ta biết được vào thế kỷ thứ II và thứ III ở Việt Nam, Phật tử đã thực tập thiền như thế nào. Chúng ta sẽ khám phá ra rằng hồi đó chúng ta đã sử dụng các kinh điển thiền có tính cách nguyên thỉ nhưng tinh thần và phương pháp thực tập lại có tính chất đại thừa.

Sự Nghiệp Thiền Tổ Tăng Hội

Ở Trung Quốc, vị tổ sư đầu tiên dạy thiền là Bồ Đề Đạt Ma. Tới thế kỷ thứ VI tổ mới từ Ấn Độ qua Trung Hoa. Tổ Bồ Đề Đạt Ma không trực tiếp viết xuống những điều tổ dạy. Các tác phẩm như Tuyệt Quán Luận hay Thiếu Thất Lục Môn đều là do những người khác viết và gán cho tổ. Trong khi đó ở Giao Châu, vào thế kỷ thứ III, tổ Tăng Hội đã trực tiếp viết xuống những điều tổ đã dạy. Ta không có lý do gì để nghi ngờ rằng đó không phải là những điều chính tổ đã dạy. Tổ dạy như vậy ở tại Giao Châu mà đến khi sang bên nước Ngô, tổ cũng đã dạy như vậy. Có nhiều chứng cớ cho chúng ta biết rằng kinh Lục Độ Tập, trong đó có bài Phương Pháp Đạt Thiền đã được sáng tác trước khi tổ viết bài tựa kinh An Ban Thủ Ý. Trong bài tựa kinh An Ban Thủ Ý, tư tưởng đại thừa còn thấm sâu hơn và rõ ràng hơn trong bài Phương Pháp Đạt Thiền. Và chúng ta có những chứng cớ hùng hồn để biết rằng bài tựa kinh An Ban Thủ Ý này đã viết tại Giao Châu, chớ không phải là qua tới đất Ngô tổ mới viết. Khi tổ Tăng Hội đi sang kinh đô của nước Ngô, người ta rất lấy làm ngạc nhiên, vì đây là lần đầu dân chúng thấy hình dáng của một vị xuất gia. Đó là lời Cao Tăng Truyện ghi lại. Rồi tổ dựng ra một cái am nhỏ để tu tập. Người ta đồn đãi với nhau về sự có mặt của tổ, và cuối cùng vua Ngô Tôn Quyền đã cho mời tổ tới. Cả vua cả tôi đều làm khó khăn ngài, vì ngài đại diện cho một tôn giáo chưa có mặt ở tại đất nước họ. Hồi đó, ở tại kinh đô nước Ngô chỉ có một người cư sĩ Ấn Độ đang dịch kinh, không có một người tu sĩ nào cả. Người cư sĩ đó tên là Chi Khiêm. Ông là một nhà trí thức, giỏi kinh Phật, giỏi cả chữ Hán và chữ Phạn. Ông đến miền Bắc đất Hán nhiều năm trước, sau vì loạn lạc di tản xuống Đông Ngô. Vua Tôn Quyền nghe ông là nhà trí thức, đã mời ông tới giúp dạy học cho thái tử Tôn Hạo. Ông đã bắt đầu dịch kinh từ năm 222 ở miền Bắc, nay xuống đây ông lại tiếp tục dịch. Vì là cư sĩ nên ông không bị kỳ thị. Nhưng thầy Tăng Hội rất giỏi. Thầy đã thuyết phục được vua Ngô Tôn Quyền. Vua Ngô Tôn Quyền đã làm cho thầy một ngôi chùa. Người ta gọi trung tâm hành đạo của ngài là Phật Đà Lý, trung tâm của Bụt. Ngôi chùa đó sau được đặt tên là Kiến Sơ. Sơ là lần đầu tiên. Kiến là thành lập. Đó là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên trên nước Ngô. Đến khi vua Ngô Tôn Quyền tịch rồi thì con là Tôn Hạo lên thay. Tôn Hạo khó chịu hơn cha. Tôn Hạo làm đủ cách để chống đối thiền sư Tăng Hội. Tôn Hạo sai những nhà trí thức nổi tiếng đến chất vấn thầy Tăng Hội để bác bỏ giáo lý của thầy. Thầy Tăng Hội không những giỏi về Phật học mà giỏi luôn về Lão học và Nho học. Và thầy đã dùng những lý luận trong Tứ thư và Ngũ kinh để đối đáp lại. Cuối cùng thì Tôn Hạo phải chịu phục. Hơn nữa Tôn Hạo đã xin quy y và thọ năm giới với thầy Tăng Hội. Những điều đó đã được ghi lại trong sách Cao Tăng Truyện. Cao Tăng Truyện cũng có ghi chép lại rằng thầy Tăng Hội đã tổ chức được giới đàn truyền giới cho các vị xuất gia đầu tiên của Đông Ngô. Chính thầy là người đầu tiên đã vận động cho những người dân nước Ngô được xuất gia. Phương pháp truyền giới mà ngài áp dụng là phương pháp mà chúng ta đang áp dụng. Phải có hội đồng truyền giới mười người. Có tam sư: hòa thượng, yết ma và giáo thọ, ba vị a-xà-lê (acarya) và bảy vị tôn chứng. Chính thầy Tăng Hội cũng đã được xuất gia theo phương thức đó. Trong bài tựa An Ban Thủ Ý, thầy nói rằng: " Tôi không có phước, mới hơn mười tuổi thì cha mẹ qua đời. Rồi đến khi đi tu chẳng được bao lâu, thì các bậc tam sư cũng nối tiếp nhau qua đời. " Tam sư tức là hòa thượng, yết ma và giáo thọ. Điều này chứng tỏ rằng thầy Tăng Hội đã được xuất gia theo thể thức hội đồng thập sư truyền giới như chúng ta. Và cố nhiên là để có đủ được mười thầy thì thầy Tăng Hội đã phải gởi người về Giao Châu để xin thỉnh một số các thầy tới. Những điều đó, chúng ta biết được là nhờ những chi tiết trong bài tựa kinh An Ban Thủ Ý. Vì vậy chúng ta có thể nói một cách rõ ràng rằng: đạo Bụt ở Trung Hoa, nhất là ở miền giang tả, sở dĩ đã được thành lập một cách có hệ thống đó là nhờ thiền sư Tăng Hội từ Giao Châu đi qua. Cố nhiên thiền sư Tăng Hội sinh ở Giao Châu, phải nói tiếng Giao Châu rất giỏi. Ngài học tiếng Phạn, tiếng Hán ở tại Giao Châu. Mẹ của thiền sư chắc hẳn là người Giao Châu, bởi vì sách Cao Tăng Truyện nói rằng thân sinh của thầy đã qua Giao Châu với tư cách một nhà buôn và đã định cư tại đây (kỳ phụ nhân thương mại di vu Giao Chỉ: cha của ông nhân buôn bán đã di cư về Giao Chỉ). Tại vì Giao Châu hồi đó vẫn còn là vùng đất của sự giao tiếp giữa hai nền văn hóa. Vì vậy nếu chúng ta thấy được vai trò của Giao Châu ngày xưa, thì chúng ta biết rằng đất Việt Nam bây giờ cũng còn có thể đóng vai trò đó, nghĩa là phải làm vùng đất giao lưu của nhiều nền văn hóa. Cái biết này một phần giúp cho chúng ta tiếp tục được cơ nghiệp của tổ tiên, một phần nó đóng góp được cho văn hóa của cả hai miền.

Liên Hệ Giữa Thầy Tăng Hội Và Thầy Thế Cao

Thầy Tăng Hội là sơ tổ thiền tông Việt Nam. Chúng ta không có tài liệu để biết được thầy của thầy Tăng Hội là ai. Thầy có nói đến tam sư, nhưng không nói đến tên và tuổi các vị. Sách sử chỉ còn ghi lại tên của một người trước thầy Tăng Hội. Đó chính là Mâu Tử, tác giả của sách Lý Hoặc Luận. Có một câu chót của sách Lý Hoặc Luận cho chúng ta thấy rằng Mâu Tử cũng đã là người xuất gia. Mâu Tử là người Hán cùng với mẹ qua Giao Châu tỵ nạn. Chính ở đất Giao Châu mà Mâu Tử được học Phật và đã viết ra cuốn sách đầu tiên về Phật học bằng chữ Hán. Chúng ta biết rằng sách Mâu Tử Lý Hoặc Luận là để giải đáp những nghi ngờ của giới trí thức người Hán về đạo Bụt. Tại vì bên nước Hán hồi đó chỉ mới có đạo Nho và đạo Lão. Câu chót có ghi rằng sau khi được nghe Mâu Tử giải thích, người chất vấn đã cám ơn Mâu Tử và xin thọ năm giới. Câu đó chứng tỏ rằng Mâu Tử là một người xuất gia. Một người cư sĩ không có quyền trao truyền năm giới. Ta có thể gọi thầy là Thích Mâu Tử. Thầy Mâu Tử có thể là một trong ba vị thầy của tổ Tăng Hội. Chúng ta sẽ có dịp đọc bài tựa của Lý Hoặc Luận. Bài tựa của Lý Hoặc Luận cũng cho chúng ta một số dữ kiện về Phật giáo Việt Nam vào thế kỷ thứ IỊ Khi học về thầy Tăng Hội, chúng ta sẽ biết tư tưởng và sự hành trì của đạo Bụt Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ IIỊ Khi thầy Khương Tăng Hội xuất gia, cha mẹ thầy đã mất hết. Tại Lạc Dương kinh đô của nhà Hán có một thầy tên là Thế Cao, từ một nước bắc Ấn, nước An Tức, cũng đang dịch kinh. Trong số những kinh mà thầy Thế Cao dịch, có những cuốn kinh về thiền tập như kinh An Ban Thủ Ý và kinh Ấm Trì Nhập. Trong sách Cao Tăng Truyện, chúng ta biết rằng thầy An Thế Cao cũng đã từng ở Quảng Đông và Quảng Tây, tức là miền Giao Châu lúc bấy giờ. Chúng ta có nhiều dữ kiện để nghĩ rằng thầy An Thế Cao cũng đã đi qua theo đường biển và cũng đã đặt chân lên Giao Châu trước khi đi về miền Bắc rồi tới Lạc Dương kinh đô của nước Hán. Như ta đã biết, thầy An Thế Cao không có đệ tử xuất gia, vì tại Lạc Dương người Hán hồi đó chưa được phép xuất gia. Nhưng thầy đã có mấy người đệ tử cư sĩ giúp thầy trong công việc dịch thuật. Cố nhiên là thầy An Thế Cao giỏi về tiếng Phạn và thầy có thể trông cậy vào các đệ tử người Hán đứng về phương diện Hán văn. Ba người trong số đó đã chạy giặc, xuống tỵ nạn ở Giao Châu và đã được gặp thầy Tăng Hội. Người thứ nhất tên là Trần Tuệ, gốc ở Hội Khể. Người thứ hai tên là Hàn Lâm, gốc Nam Dương. Người thứ ba tên là Bì Nghiệp, gốc ở Dĩnh Xuyên. Khi xuống Giao Châu, họ có mang theo một số bản dịch của thầy An Thế Cao, trong đó có bản dịch kinh An Ban Thủ Ý. Thầy Tăng Hội gặp họ rất mừng. Thầy tổ chức một nhóm làm việc để chú thích những kinh điển về thiền. Kinh An Ban Thủ Ý, theo lời tựa của thầy Tăng Hội, là do cư sĩ Trần Tuệ chú giải và sau đó đã được thầy Tăng Hội đọc lại, sửa chữa và thêm bớt. Trong bài tựa có câu: " Trần Tuệ chú giải, dư trợ châm chước ", nghĩa là cư sĩ Trần Tuệ lo việc chú giải, còn tôi lo việc giúp đỡ thêm chỗ này, bớt chỗ kia, sửa chỗ nọ. Bài tựa kinh An Ban Thủ Ý đã được dịch và in lại trong sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, kỳ in thứ tư của nhà xuất bản Văn Học Hà Nội. Chúng ta đọc : " Cư Sĩ Trần Tuệ làm việc chú giải và thích nghĩa. Còn tôi thì giúp đỡ bằng cách gạn lọc, thêm chỗ này, bớt chỗ kia. " Trong Cao Tăng Truyện có một câu cho chúng ta biết rằng thầy Thế Cao ở Lạc Dương cũng đã biết tới thầy Tăng Hội. Trong những văn kiện mà thầy Thế Cao để lại có câu: " Người làm phát triển đạo học của tôi là cư sĩ Trần Tuệ. Còn người truyền bá và giảng dạy về kinh thiền là thầy tỳ kheo Tăng Hội. " (Tôn ngô đạo giả, cư sĩ Trần Tuệ. Truyền thiền kinh giả, tỳ kheo Tăng Hội). Câu đó chứng tỏ rằng hai người mà thầy Thế Cao tin cậy nhất là cư sĩ Trần Tuệ và thiền sư Tăng Hội. Thầy Thế Cao không có đệ tử xuất gia. Chúng ta hãy đọc tiếp: " Có vị bồ tát tên là An Thanh, hiệu là Thế Cao, con đích của vua nước An Tức. Sau khi nhường ngôi cho chú, ông đã lánh sang nước này. Sau khi chu du nhiều nơi, ông về tới kinh sư. ". Chữ quan trọng nhất trong câu là chữ "kinh sư". Kinh sư tức là kinh đô.Tại sao chữ "kinh sư" quan trọng ? Tại vì chữ ấy chứng tỏ rằng bài tựa này đã được viết trước khi nhà Hán sụp đổ. Chúng ta biết rằng trước khi nhà Hán tan rã thì loạn lạc rất nhiều. Đó là lý do khiến cho nhiều nhà trí thức ở bên Hán chạy về tỵ nạn ở Giao Châu. Giao Châu hồi đó là vùng đất rất có an ninh. Chính các đệ tử của thầy Thế Cao như Trần Tuệ cũng đã về tỵ nạn tại Giao Châu. Tuy là loạn lạc nhưng nhà Hán chưa sụp đổ. Vì vậy cho nên kinh đô của nhà Hán vẫn là Lạc Dương. Sau khi nhà Hán sụp đổ rồi thì nước Hán chia ra làm ba nước: Bắc Ngụy, Tây Thục và Đông Ngô. Lúc đó Giao Chỉ thống thuộc về Đông Ngô. Lúc đó kinh sư không là Lạc Dương nữa mà là Kiến Nghiệp. Khi thầy Tăng Hội viết chữ "kinh sư" vào đây, thầy muốn nói tới Lạc Dương, trước khi có sự sụp đổ của nhà Hán. Đó là một chứng cớ cho chúng ta thấy rằng bài tựa này viết trước khi nhà Hán sụp đổ, nghĩa là trước năm 229. Trước năm 229 thì thầy còn ở Giao Châu.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Tám 2015(Xem: 9764)
Đức Ngài Pháp chủ - Pháp sư Thích Giác Nhiên sau khi Cung tống Kim quan trà tỳ thì lưu lại Xá lợi. Hiện tại, Chư tôn Thiền Đức đang tiến hành thanh lọc tro cốt và lựa chọn Xá lợi để tôn trí, nhập Bảo tháp thờ và sẽ tổ chức Lễ Đảnh lễ thăm viếng chiêm ngưỡng Xá lợi của Đức Ngài Pháp chủ
19 Tháng Tám 2015(Xem: 7048)
Năm hăm-ba, tại Ô Môn sông nước / Thiện sĩ chào đời, lễ giáo thuần lương / Vừa tám tuổi thơ, cha về cõi Phật / Mẹ dẫn quy y, giác ngộ con đường.