TAI BAY VẠ GIÓ
Một hồi trống vừa dứt, trên chiếc chòi canh ở cổng huyện, một tên lính tay cầm loa, dạng hai chân chõ xuống đất ậm oẹ gọi :
- Truyền các xã trưởng, trại chủ ba huyện An Phong, Đông Ngàn, Tiên Du được vào hầu…ầu…ầu… Hơn hai trăm lính nai nịt gọn ghẽ, cung, giáo sắc, kéo nhau xếp hàng tề chỉnh, trên một thửa đất rộng trước dinh huyện.
Hai cánh cổng lớn rít lên một tiếng rồi mở rộng. Các xã trưởng, trại chủ, chia ra làm hai hàng tiến vào, dưới một dẫy cờ bay phất phới, trông uy nghiêm như một đám rước thần. Đợi cho dân sự vào hết rồi toán lính mới từ từ kéo vào sau.
Dinh thự của viên Huyện Lệnh gồm có hai căn nhà gỗ năm gian, một làm công đường, một làm tư thất. Liền ngay công đường là một gian lợp ra, rộng, lúc nào cũng có lính canh gác cẩn thận, vì là nơi chứa lương thực của ba huyện. Giữa công đường kê một tấm sập để Huyện Lệnh ngồi xử kiện. Hai bên chạy dài hai dãy phản khổ hẹp hơn, trên bầy nghiên, mực, bút, giấy. Bên cạnh, một gian để xếp những hình cụ tra tấn :
túi roi, hèo, trượng, kìm, và xích sắt, làm cho người can đảm đến đâu khi bước chân vào cũng phải rùng mình kinh sợ. Nhưng có lẽ rùng rợn hơn hết là chiếc bảo kiếm đặt ngay trên cái giá bằng gỗ sơn son, kê ở trước tấm sập. Vỏ kiếm nạm vàng, chỗ tay cầm, chạm hình con rắn cuộc khúc, miệng ngậm một hạt minh châu sáng loé… Chung quanh dinh là một hàng cọc tre nhọn hoắt, cao độ một trượng, cắm chi chít. Cứ cách 10 bước lại lập một chòi canh. Ngoài hàng rào, trại lính lập san sát như hình cánh cung ôm lấy huyện. Ngoài ra, lại còn những đoàn hương dũng ở các làng, lớn thì dăm chục, nhỏ vài chục, luôn luôn sẵn sàng cung, nỏ, giáo, mác, để tiếp ứng cho toán quân ở huyện. Tại sao lại có sự canh phòng cẩn mật như vậy? Là vì, đức Tiên Hoàng tuy dẹp được 12 sứ quân, nhưng trong nước hãy còn ít nhiều thảo khấu ẩn nấp ở rừng núi, thỉnh thoảng lại quấy rối dân sự. Hạt Đông Ngàn tuy không bị nạn giặc cướp phá, nhưng hai hạt Tiên Du và An Phong thì luôn luôn xảy ra chuyện đốt nhà, giết người rất kinh khủng. Mấy vị văn quan về trấn nhậm hai nơi đó, đều bị giặc bắt mang đi mất tích. Các nha lại trốn hết, huyện đường bỏ vắng, những kẻ vong mạng thừa cơ nổi lên, ngang nhiên hoành hành coi thường cả pháp luật của triều đình.
Từ khi viên Huyện lệnh Đào Cam Mộc về đóng ở Đông Ngàn, kiêm cả hai huyện kia, thì nạn giặt cướp đã thấy bớt nhiều. Cam Mộc vốn là võ tướng xuất thân nhưng chính trị rất giỏi, coi quân lính như ruột thịt, thương dân như con, nên được mọi người kính phục. Những phạm nhân nặng thì mười phần cũng giảm cho ba, bốn, nhẹ thì tha bổng hay phạt roi, ít khi dùng đến trượng, lúc xử án không dùng đến hình cụ tra tấn mà chỉ lấy lời lẽ khuyên bảo bắt phải thú tội.
Dân sự ba huyện có một vị minh quan, trọng nghĩa, khinh tài, nên cũng được an cư, lạc nghiệp.
Mấy hôm trước, Cam Mộc sắc lệnh cho các xã trưởng phải cấp tốc tuyển thanh niên khoẻ mạnh để bổ sung vào số quân già yếu, đã bị thải về, và để tăng cường sự phòng thủ ở biên giới và nội địa. Vì hình luật hồi bấy giờ rất nghiêm khắc, nên sắc chỉ của nhà vua ban ra đều được mọi người tuân theo răm rắp. Hôm ấy, Cam Mộc muốn vời các xã trưởng, trại chủ đến để hiểu dụ và thu danh sách các tân binh làm cho quang cảnh huyện lại một phen rộn rịp.
Một hồi trống dõng dạc điểm, tiếp theo một tiếng pháo lệnh nổ vang trời. Dân sự đứng xếp hàng dưới sân hướng mặt về công đường, quân lính chia nhau đứng quây tròn chung quanh.
Huyện Lệnh ngồi trên sập, nha lệ đứng hầu hai bên, uy nghiêm và tề chỉnh. Một tên lính bưng chồng giấy khom lưng, tiến gần sập, nói nhỏ mấy câu, rồi lùi ra.
Cam Mộc cất tiếng sang sảng nói :
- Hôm mồng hai, bản chức có sắc lệnh cho ba huyện phải tuyển mỗi huyện một ngàn lính, và hẹn đến hai mươi thì phải đệ trình danh sách. Hôm nay đã hai mươi lăm rồi mà chỉ có hạt Đông Ngàn đệ, còn hai hạt Tiên Du và An Phong thì chưa có là tại làm sao?
Có tiếng dưới thềm, thưa :
- Trình quan !… Hạt Tiên Du đã đủ rồi, nhưng danh sách thì chưa làm kịp, xin đệ sau… - Còn An Phong?
Một người trạc ngoài bốn mươi tuổi, rẽ đám đông người, tiến lên thềm, cúi mình chào huyện quan, rồi nói :
- Dạ! …Trình quan…Hạt chúng con đất hẹp, dân thưa lại không may bị mất mùa hai năm liền, nhiều gia đình phải di cư đi nơi khác, xin thượng quan thương lại… Huyện Lệnh cau mặt đáp :
- Rõ ràng các ngươi coi thường lệnh trên, nên cố tình viện cớ che đậy cho nhau… Các ngươi tưởng lưỡi gươm của ta không sắc hay sao?
- Dạ!…Thượng quan trọng nhậm hạt này, uy đức vang dội khắp vùng, lòng nhân thấm nhuần dân chúng, trên hoàng đế mến yêu, dưới hài tâm xích tử. Việc tuyển lính là lệnh của triều đình, Thượng quan chỉ biết thừa hành công vụ, chúng con đâu dám vì tình riêng mà bỏ mất ích công. Hiềm vì hạt An Phong đói, kém, mất mùa, trai tráng cầm nổi cây đao thì lưu lạc phương xa để mưu đưòong sinh kế, còn lại những người trói gà không chặt, đem ra chỉ sợ đắc tội với Thượng quan và làm trò cười cho thiên hạ.
- Hiện nay số tân binh hạt An Phong đã được bao nhiêu ?
- Dạ! Cố lắm chỉ được năm trăm là nhiều.
- Bản chức ra hạn cho nửa tháng nữa phải tìm cho đủ số. Nếu trái lệnh, chớ trách bản chức là khắc nghiệt.
- Chúng con thiển nghĩ, nước Đại Cồ Việt ta trên mười năm huynh đệ tương tàn, cái cảnh xương phơi ngập đất, máu loang đỏ sông, nghĩ đến mà rùng mình kinh sợ. May được đức Tiên Hoàng dấy binh ở Hoa Lư, oai thần vũ dẹp loạn sứ quân, trong vỗ yên trăm họ, ngoài giao hiếu Tống triều, gây dựng nên giang sơn gấm vóc này. Hiện giờ bốn phương thảo khấu đã tan, dân chúng mừng tránh được mũi tên, hòn đạn. Quân lính mừng được cởi giáp, hạ yên. Nào ngờ lại được tin lệnh trên bắt buộc trai tráng phải nhập ngũ để đủ số một triệu quân, thì không biết số quân đó dùng để làm gì ? Đối với Tống triều, đức Tiên Hoàng đã chịu thụ phong tước Giao Chỉ Quận Vương; nạn ngoại xâm chắc cũng không đáng lo ngại lắm. Còn trong nước, ở một vài nơi, bọn lưu manh côn đồ, vẫn tác oai thật, nhưng sức đom đóm chống sao nổi vầng Thái dương, chỉ cần một ít quân ở địa phương cũng đủ phá tan giặc cỏ. Xét tình trạng dân ta thì thật là thương tâm ái ngại, nhà cửa bị đốt phá, vườn ruộng bỏ hoang, từ manh quần, tấm áo đến bát gạo, củ khoai, thảy đều khó kiếm; còn lương thực đâu mà đóng góp cho triều đình để cấp dưỡng sĩ tốt. Thượng quan là cha mẹ dân, tai mắt của triều đình, cũng nên vì dân vì nước giải tỏ điều phải, thì thật là phúc cho chúng con lắm… Cam Mộc đỏ mặt quát to :
- Nhà người đã trái lệnh hoàng thượng lại đem ba tấc lưỡi định lung lạc ta. Bây đâu!…Giam cổ nó lại.
Quân lính dạ ran, xông vào trói nghiến và dắt đi. Mọi người đứng sợ xanh mặt, run lập cập.
Cam Mộc vẫn chưa nguôi giận, đập tay xuống sập nói :
- Bản chức trọng nhậm hạt này, hết lòng thương yêu, không hề tơ hào một lá rau, một hạt gạo, hết lòng thương dân, bản chức không dùng đến hình phạt, có ý khinh nhờn. Bắt đầu từ nay, đối với phạm nhân, bản chức cứ chiếu theo sắc chỉ của Thánh Hoàng và tùy theo nặng nhẹ mà bắt tù tội, dùng trượng hay xử giảo. Nghe!
Dân sự đứng dưới thềm ngơ ngác nhìn nhau, im lặng. Họ thầm oán trách kẻ không biết vô tình hay hữu ý đã xúc phạm đến vị ân nhân của mọi người.
Chờ cho cơn sấm sét đã qua, một cụ già ra đứng khom lưng trước công đường :
- Dạ!…trình Thượng quan! Con xã trưởng Phù Đổng xin thưa mấy lời :
hiện nay kỳ hạn đã hết, mà số tân binh vẫn chưa đủ, nếu cứ trùng trình sợ triều đình bắt tội. Hạt Đông Ngàn chúng con xin lấy thêm năm trăm, là nghìn rưỡi để bù vào số thiếu của hạt An Phong.
Huyện Lệnh gật đầu tỏ vẻ hài lòng.
- Bản chức y lời thỉnh cầu của các ngươi.
Mọi người đều thở dài khoan khoái.
Bỗng viên đề lại, rón rén đến, cúi đầu nói nhỏ mấy câu. Huyện Lệnh mỉm cười, nói :
- Cho gọi lên.
Viên đề lại tiến ra trước thềm gọi to :
- Trại chủ Trang Liệt lên hầu.
Tư Chiềng "dạ" một tiếng thật to, bước vội vàng lên thềm, quỳ xuống làm lễ.
Huyện Lệnh vẫy tay nói :
- Ta miễn lễ cho trại chủ.
Tư Chiềng chắp tay đứng dẹp sang một bên.
Huyện Lệnh nhìn Tư Chiềng từ đầu đến chân, tỏ vẻ rất bằng lòng.
- Tráng sĩ niên canh bao nhiêu ?
Tư Chiềng ngơ ngác nhìn không hiểu.
Viên đề lại nhắc :
"Bao nhiêu tuổi?" - Dạ, …23 tuổi… - Song thân còn tại đường chứ!
Tư Chiềng đực mặt không biết thế nào mà trả lời.
Viên đề lại nhắc :
"Bố mẹ còn không?" - Dạ!…Chết hết rồi… Mọi người bấm bụng cười thầm. Cam Mộc nói :
- Bản chức thấy nói tráng sĩ có tài hàng long, phục hổ, xứng đáng là một dũng tướng của nước nhà. Hiện nay, bản chức cần một viên đoàn trưởng để luyện tập quân lính ở Huyện. Xét ra chỉ có tráng sĩ là đáng tài. Tráng sĩ nghĩ thế nào?
Tư Chiềng luống cuống chưa biết nên ưng thuận hay từ chối, thì Huyện Lệnh nói tiếp :
- Vì quyền lợi chung của dân chúng, nên bản chức muốn thu nạp các anh hùng nghĩa sĩ để cộng tác với bản chức trong công cuộc phòng thủ địa phương. Bản chức kêu gọi lòng ái quốc của các tầng lớp nhân dân, hãy vì sự hưng vong của nước Đại Cồ Việt đem hết sở năng phục vụ đức Tiên Hoàng. Trong thời đại thập nhị sứ quân, dân chúng nhầm lẫn đã làm hậu thuẫn cho bọn người ích kỷ tham tàn, vụ lợi, rồi bị thúc đẩy ra sa trường chém giết lẫn nhau. Cùng là dân đất Việt, cùng dòng máu chảy trong huyết quản, mà họ lại coi nhau như thù địch, như ngoại bang, khác nào như đời chiến quốc bên Tàu, Tề, Hán, Nguỵ, tuy cùng một màu da, cùng một lịch sử, chỉ vì quyền lợi nhỏ nhen, mà thù nhau thâm căn, cố đế, tìm cách khuynh loát nhau.
Ngày nay giang sơn đã thu về một mối toàn dân không thể sống chia rẻ như trước nữa; phải biết thương xót bênh vực nhau, để bảo tồn lấy nòi giống. Bản chức sẵn sàng hưởng ứng những lời chỉ trích chánh đáng về hành chính cũng như về quân sự để sửa đổi cách cai trị, cho hợp với nguyện vọng của dân chúng. Nhưng bản chức sẽ không tha một hành vi nào xét ra có hại cho an ninh của đất nưóoc và phản lại quyền lợi của cá nhân. Các ngươi chớ có khinh suất trong công việc làm, và phải dè dặt trong lời ăn, tiếng nói, đừng có nhố nhăng, khinh mạn người trên, đàn áp kẻ dưới, trước là mang tội với pháp luật, sau để di luỵ cho gia đình.
Mọi người đều cảm động vì lời thành thực của quan phụ mẫu.
Một hồi trống dõng dạc điểm. Huyện Lệnh truyền :
- Thôi, cho các ngươi về.
Tư Chiềng đứng tần ngần ngẫm nghĩ một lát rồi quỳ xuống.
Huyện Lệnh dơ tay đỡ dậy rồi nói :
- Thế nào, tráng sĩ đã quyết định chưa ?
- Thưa vâng.
- Thật là may mắn cho hạt Đông Ngàn, bản chức rất vui lòng. Tráng sĩ hãy tạm về nhà, sáng mai lên huyện nhận nhiệm vụ.
° ° °
Đào Cam Mộc quê ở Đằng Châu, cha mất sớm, mẹ là Từ Thị có tiếng là hiền thục, lại am hiểu nghề võ, và tinh thông lý số. Thuở bé, Cam Mộc rất thông minh, đĩnh ngộ, học một biết mười, lớn lên được truyền thụ võ nghệ, rồi theo giúp sứ quân Phạm Bạch Hổ được vài tháng thì Đằng Châu thất thủ. Bạch Hổ tự tử chết. Cam Mộc trở về nhà thì vợ là Hoàng Lê Vân đã nở một trai vừa đầy tuổi tôi. Cam Mộc nhìn con, mừng rỡ hỏi vợ :
- Đã đặt tên chưa ?
- Thân mẫu đặt tên cho con là Đào Tiến Thành.
- Thằng bé này ngày sau có thể nối được nghiệp của cha… Vợ cười đáp :
- Tưởng nối được nghiệp của ai thì khó, chứ nối được nghiệp của phu quân thì cần gì phải mong.
Cam Mộc ngạc nhiên hỏi :
- Sao lại thế?
- Phu quân tài học năm xe, đem thân thờ kẻ dũng phu, rút cuộc lại chỉ gây tai hoa. cho dân chúng, chẳng nên cơm cháo gì. Sự nghiệp của cha đã như thế, lại mong cho con theo vết cũ thì mong làm gì?
Cam Mộc cũng cười đáp :
- Thân mẫu thường bảo tôi sau này giúp một vị đế vương khai sáng cơ nghiệp lâu dài; hiện nay, đức đương kim hoàng đế đối với mình là cựu thủ, mình ra hàng khỏi tội là may, mà có giỏi ra thì đóng được cai đội dưới cờ quan Thập Đạo tướng quân, chứ thú vị gì mà được tước khai quốc nguyên huân.
- Sự đời biến chuyển đương vũng thành đồi biết thế nào mà nói trước được.
- Thân mẫu ốm yếu luôn luôn, tuổi già như ngọn đèn trước gió. Sách có chữ :
"Phụ mẫu tại bất viễn du, du tất hữu phương". Tôi phải ở nhà phụng dưỡng người cho phải đạo.
Từ đó Cam Mộc chỉ quanh quẩn với gia đình dường như không còn nghĩ đến công danh nữa.
Một năm sau Từ Thị mỗi ngày thân thể suy nhược biết mình khó sống, gọi dâu con đến đầu giường nói :
- Mẹ năm nay đã ngoài sáu mươi, kể như thế cũng là thọ rồi, dẫu có chết cũng đáng đời. Khi mẹ mất, các con làm ma phải hết sức giản tiện. Con đến Hoa Lư tìm quan Thập Đạo tướng quân là Lê Hoàn thì sẽ được thu dụng. Sau này, con trọng nhậm ở miền Bắc, nên để ý kết nạp anh tài, chiêu mộ hiền sĩ, đến khi giàu sang tột bực, thì nên quay về, đừng có tham quyền cố vị mà mang hoạ…con… Từ Thị nói đến đây thì bỗng nấc lên mấy tiếng rồi lịm đi. Cam Mộc sở đến tay mẹ thì đã lạnh rồi, oà lên khóc. Vợ chồng lo liệu ma chay xong, bán hết nhà cửa đất cát rồi mang con đến Hoa Lư tìm nhà Lê Hoàn.
Hoàn cho lính gọi vào hỏi :
- Nhà ngươi ở đâu ? đến hầu ta có việc gì ?
- Bẩm tướng quân, chúng tôi quê ở Đằng Châu.
- Người ở Đằng Châu có biết Từ lão mẫu không?
- Bẩm tướng quân chính là thân mẫu của chúng tôi.
Lê Hoàn giật mình nói :
- Ủa, thế ra người là con ân nhân của ta. Chẳng hay lão mẫu có được khoẻ mạnh không?
Cam Mộc ứa nước mắt đáp :
- Bẩm thân mẫu chúng tôi đã từ trần.
Lê Hoàn ngậm ngùi, sa lệ :
- Đáng tiếc thay! Ta trước kia, nếu không gặp lão mẫu nuôi nấng ít lâu thì đâu đã được đến ngày nay? Ta hằng vẫn nhớ mong nhưng việc nước bận quá, nên chưa có dịp về hỏi thăm. May gặp lại ngươi đến đây, âu cũng là một dịp để ta trả nghĩa. Nhà ngươi đã có vợ con chưa?
- Bẩm đã.
- Nhà ngươi là con trai Từ lão mẫu thì võ nghệ chắc giỏi.
- Bẩm chúng tôi biết qua loa đôi chút.
- Hôm nay người hãy tạm ra ngoài nghỉ ngơi, đến mai ta vào tâu Hoàng thượng phong quan chức cho.
Nói xong, Lê Hoàn sai lính đưa ra khỏi dinh.
Năm hôm sau, Cam Mộc được đi bổ làm huyện lệnh ở Đông Ngàn. Năm ấy chàng vừa đúng 20 tuổi.
° ° °
Cam Mộc lùi vào tư thất, Lê Vân bế con ra đón tươi cười hỏi :
- Hôm nay phu quân làm gì mà giận dữ thế?
Cam Mộc kể chuyện cho vợ nghe rồi nói :
- Đất Bắc cũng nhiều tay cứng cổ và lý sự.
- Ở đời, kẻ có tài thường hay khinh mạn người trên, ta cũng nên nhẹ tay đôi chút để khỏi mang tiếng là bạc đãi kẻ hiền sĩ.
- Phu nhân nói cũng phải, ta sẽ có cách xử trí.
Cái tin một người ở An Phong bị tống giam phút chốc đã loan truyền đi khắp ba huyện. Họ xì xào bàn tán đến thái độ cứng cỏi của người đó, đã cả gan phản kháng mệnh lệnh của triều đình.
Vậy người ấy là ai mà dám ngang nhiên đùa giỡn với cái chết như thế? Người đó họ Phạm tên là Kim Chung tự là Kiến Minh, quê ở Liễu Trang, huyện An Phong, cha là Phạm Kim Song, tự Kiến Long, nguyên bộ tướng của Dương Diên Nghệ. Lúc bé, Kim Chung không thích nghề võ, chỉ ham đọc sách, cha thường bảo :
- Thời đại nhiễu nhương, mạnh được yếu thua, mày không chịu luyện tập võ nghệ để phòng thân, chỉ suốt ngày nghêu ngao "chi hồ, dã giả". Liệu giặc đến mày có thể đem "Khổng Tử Viết" ra mà đuổi giặc được không?
Kim Chung thản nhiên trả lời :
- Thưa cha, thế nhân, kẻ luyện võ, người học văn, nếu ai cũng thích cưỡi ngựa múa gươm, thì sách vở Thánh Hiền có lẽ thành vô dụng cả. Ông tướng cầm trăm vạn quân ra chiến trường, bầy binh bố trận, vào sinh ra tử, trải bao nhiêu gian hiểm mới đoạt được thắng lợi. Công lao hãn mã, kể cũng là giỏi nhưng không bằng chàng "bạch diện thư sinh" ngồi trong màn tính việc ngoài nghìn dặm, hạ ngọn bút, giặc phải lùi, dùng văn chương mà bình được thiên hạ.
Kiến Long phì cười nói :
- Mày chỉ được cái bẻm mép. Tao chỉ sợ mày sau này lại ăn hại vợ con, dài lưng tốn vải, chớ chẳng làm nên trò trống gì đâu.
Kim Chung có ý không bằng lòng, đáp :
- Rồi cha xem.
Nói xong vùng vằng đi ra ngoài.
Người cha nhìn theo lắc đầu than rằng :
- Thằng này ăn nói viễn vông, tính tình ngang ngạnh, không khéo mang hoa. sau này.
Khi Kiến Long khuất núi. Kim Chung thừa hưởng gia sản của cha để lại, trở nên một phú hộ Ở hương thôn. Năm 21 tuổi, Kim Chung lấy vợ, và năm sau sinh một gái đầu lòng, đặt tên là Phạm Hồng Thanh, rồi từ đấy cũng không sinh nở gì nữa. Hồng Thanh lớn lên nhan sắc xinh đẹp, học giỏi, trong làng cũng nhiều anh ngấp nghé muốn bắn sẻ.
Kim Chung có một gái tài cao, nên kén rễ kỹ lắm. Năm Hồng Thanh 19 tuổi, Kim Chung nhận lời gã cho môt anh học trò họ Lê, định để cuối năm thì cho cưới. Vì cuộc nhân duyên này mà sinh ra sự hiềm khích giữa Kim Chung với một số đông "chàng rễ hụt" ở làng, trong số đó có Hoàng Phủ Nhâm.
Nguyên làng Liễu Trang xưa nay vẫn có tiếng là trù phú nhất trong huyện. Trong làng có bốn họ to nhất :
Hoàng, Phạm, Trần, Lưu. Họ Hoàng ba đời làm quan to, quyền thế hách dịch, đến đời Hoàng Phủ Cân, vì không thích ra làm quan, ở nhà thừa hưởng cái gia sản bách vạn của ông cha để lại. Hoàng Phủ Cân muộn mằn, đến năm 40 tuổi mới sinh hạ được một trai là Hoàng Phủ Nhâm, yêu quý như hòn ngọc trên tay.
Hoàng Phủ Nhâm tuy mặt mũi khôi ngô, nhưng tính tình hung hãn, thường ỷ thế cha áp bức kẻ dưới, nên mọi người đều kinh sợ như hổ lang, lại cậy mình là con nhà giàu nên chơi bời phóng túng, hàng ngày đàn đúm với mấy tay "công tử bột".
Một hôm, Phủ Nhâm bày một tiệc rượu cho vời hai người bạn chi thiết là Trần Hoà và Lưu Tấn Đường đến chè chén. Rượu đến nửa chừng, Hoàng Phủ Nhâm buông chén thở dài. Trần Hoà ngạc nhiên hỏi :
- Hoàng huynh có điều gì phiền muộn thế?
Phủ Nhâm chỉ ngồi lặng yên không nói.
Lưu Tấn Đường buông đũa, đứng phắt dậy, sắc mặt hầm hầm :
- Chúng ta coi nhau như ruột thịt, lại còn dùng lối khách sáo, nửa kín, nửa hở, thì còn ngồi đây làm quái gì nữa.
Nói xong, toan bước đi, Phủ Nhâm vội giữ lại xin lỗi :
- Đại huynh hãy bớt giận, đệ có một chút khổ tâm chưa biết thổ lộ với ai, nên chỉ âm thầm một mình. Nhân tiện hôm nay, đệ xin thành thực dốc hết bầu tâm sự để đại huynh hiểu rõ trạng huống của kẻ bị lửa tình đốt cháy ruột gan.
Tấn Đường cười khà tiếp lời :
- Trời ơi! Tưởng chuyện gì to tát, té ra vì chuyện con "tườu" ấy mà đại huynh phải rào trước đón sau mãi. Đệ xin cam đoan với huynh rằng, nếu phải lên rừng trói cọp hay xuống bể bắt rồng thì đệ đành chịu, còn ngoài ra công việc dù khó khăn, can hệ đến đâu, đệ cũng chỉ gãy móng tay là xong hết. Nào nào nếu đại huynh muốn sang Giang Đông cầu hôn thì phải cần đến cẩm nang của Gia Cát này mới được.
Trần Hoà gật gù nói tiếp :
- Phải! Kể bày mưu lập mẹo thì Lưu huynh chẳng chịu nhường tài Gia Cát… Nhưng này, Hoàng huynh được trời phú cho bộ mặt khả ái, nỏn nà như thế kia, lại thêm cái gia sản "phú gia địch quốc" thì tưởng trên bước thang tình ái, Hoàng huynh cứ đều bước còn vấp gì nữa mà thở vắn than dài? Thật là khó hiểu, thật là lạ lùng quá.
Phủ Nhâm lắc đầu đáp :
- Món này thì khó xong lắm. Tiền tài danh vọng cũng chả làm gì? Nếu có lấy thế lực đức Đương Kim Hoàng Đế thì may ra mới có hy vọng.
Phủ Nhâm nói xong, nhìn ngang nhìn ngửa, như sợ có người nghe trộm, rồi se sẽ hất đầu, nháy mắt, tay chỉ chỏ huyên thuyên.
- Phạm…Phạm ấy mà.
- A, con gái Phạm Kim Chung - Còn ai nữa.
Trần Hoà vỗ đùi đánh đét một cái, sằng sặc cười :
- Lão đồ gàn ấy thì khó nói lắm.
- Khốn nạn, đệ biết thế, nên mới chán như cơm nếp nát. Nào Lưu huynh, có thu xếp xong món này, thì đệ mới phục là giỏi.
Lưu Tấn Đường ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi, tay mân mê chén rượu một lúc rồi hỏi :
- Đại huynh đã thưa chuyện với cụ chưa ?
- Cái đó không lo lắm, vì đệ được toàn quyền kén chọn. Chỉ sợ đằng kia thôi!
Tấn Đường quả quyết nói :
- Được, đệ sẽ trổ tài ngôn luận, thuyết phục bằng được Kim Chung mới nghe. Hễ sau này, đại huynh được đẹp duyên cùng người ngọc thì chớ có quên ơn đệ nhé!!
- Vâng, đệ xin cảm tạ trước.
Xong câu chuyện, ba người lại chén chú chén anh, ba hoa khoác lác hết chuyện văn chương lại đến chuyện võ nghệ, giọng cười câu nói tỏ ý khinh đời, tự cho mình có cốt cách hơn người, tài ba lỗi lạc.
Hôm nay Lưu Tấn Đường sang chơi bên nhà Kim Chung, vênh vang tự đắc, ngỏ ý muốn làm mai cho Hồng Thanh lấy Phủ Nhâm, thì bị Kim Chung cực lực cự tuyệt…mắng cho một trận kịch liệt. Tấn Đường xấu hổ lủi mất, không dám vác mặt đến nữa.
Hoàng Phủ Nhâm thấy việc hôn nhân không thành, đem lòng tức giận; sau lại nghe thấy Kim Chung gả con cho người khác thì phẫn uất, ghen tức, chỉ mong có dịp trả thù. Kịp đến khi có lệnh tuyển lính, dân xã An Phong chỉ gọi được hơn 500 người, có đủ điều kiện tòng quân, còn phần nhiều là rách rưới ốm yếu cả. Mọi người lo lắng bàn tính cách cử đại biểu lên huyện để phân trần. Phạm Kim Chung khẳng khái nhận trách nhiệm. Mấy lời cương trực đã xúc phạm đến uy quyền của Huyện Lệnh, và đem lại cái kết quả không hay cho một người chỉ vì muốn tranh đấu cho hạnh phúc và quyền lợi của dân mà mang hoạ.