Bồ Tát Thích Quảng Đức Từ Lời Nguyện Đến Trái Tim

17 Tháng Năm 201300:00(Xem: 13144)
dailetuongniem

BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC 

TỪ LỜI NGUYỆN ĐẾN TRÁI TIM
Châu Thành
"Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc
Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi..."
Vũ Hoàng Chương

botatthichquangduc-03bmedTượng chẳng cần tạc dù tạc bằng ngọc hay đá, sắt hay đồng vì tượng ấy đã và sẽ hằng in dấu trong triệu triệu tâm khảm người, bất kể tôn giáo nào, không tính quốc gia nào. Sự kiện không cần miêu tả ghi chép bởi ghi mấy cũng không đủ, chép bao nhiêu cũng không thể chuyển tải hết được ý nghĩa của hành động. Tượng đó là tượng Bồ tát Thích Quảng Đức. Sự kiện đó là sự kiện tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức. Cả hai điều ấy, tượng và sự kiện, được khởi đầu bằng lời nguyện thiêng liêng và kết thúc với trái tim bất diệt của Ngài.

Nào khiến bút ai ghi song cứ mỗi lần đến ngày Phật đản, trái tim người Phật tử Việt Nam lại thổn thức suy tư. Thổn thức vì lịch sử Phật giáo hào hùng đã sản sinh những tấm gương kỳ vĩ. Suy tư bởi lời nguyện xưa, cách nay năm mươi năm, vẫn còn nguyên giá trị. Nguyện soi sáng cuộc đời trong tấm gương ấy và quyết tiếp nối thệ nguyện năm xưa mà câu chuyện sau đây được bắt đầu.

Từ lời nguyện....

Chúng ta hãy cùng nhau đọc lại bức thư mang trọn "ý nguyện" của Ngài, như là động cơ, mục đích tự thiêu:

qd-tuongniem-50-8_200"Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, trú trì chùa Quan Âm, Phú Nhuận, Gia Định.

Nhận thấy Phật giáo nước nhà đang lúc nghiêng ngữa, tôi là một tu sĩ mệnh danh là trưởng tử Như lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật giáo tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hối hướng công đức bảo tồn Phật giáo.

Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại Đức Tăng ni chứng minh cho tôi đạt thành ý nguyện sau đây:

1- Mong ơn Phật tổ gia hộ cho tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản Tuyên ngôn.

2- Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt.

3- Mong nhờ hồng ân đức Phật gia hộ cho chư Đại Đức, Tăng ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi nạn khủng bố bắt bớ giam cầm của kẻ ác gian.

 4- Cầu nguyện cho đất nước thanh bình quốc dân an lạc.

Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với Quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở.

Tôi thiết tha kêu gọi chư Đại Đức, Tăng ni, Phật tử nên đoàn kết nhất trí để bảo toàn Phật pháp."

 http://dieungu.org/D_1-2_2-86_4-5390_5-50_6-1_17-46_14-1_15-1/


Bồ tát Quảng Đức tự thiêu với ước mong hoàn thành bốn ý nguyện được đánh số thứ tự trong đoạn trích trên. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ càng hơn, chúng ta thấy, ngoài bốn ý nguyện ấy, toàn bộ "Lời nguyện tâm huyết" có tất cả bảy điều. Bốn ý nguyện của Ngài chúng tôi không phân tích. Bởi vì bốn điều ấy cụ thể rõ ràng và đã được nhiều người giảng giải. Chúng tôi cố gắng phân tích thêm ba tâm nguyện bổ sung sau đây, theo số thứ tự lũy tiến:

5. Vui lòng phát nguyện thiêu thân bởi ý thức trách nhiệm của một người xuất gia trước thời vận của đạo pháp.

6. Khuyên tổng thống Ngô Đình Diệm lấy lòng bác ái từ bi đối xử với nhân dân và thi hành sự bình đẳng tôn giáo để quốc gia hưng thịnh.

7. Kêu gọi Tăng ni Phật tử đoàn kết nhất trí bảo toàn Phật pháp.

Như rất nhiều người nhận xét rằng, toàn văn bức thư không chứa đựng một mảy may hận thù và tuyệt vọng nào, mà trái lại còn toát lên tình thương và hy vọng. Năm mươi năm sau ngày Ngài tự thiêu, chúng ta không những thấy rõ điều đó mà còn thấy sâu hơn.

Thấy rõ rằng: chính vì không chứa đựng một mảy may hận thù mới phù hợp với tinh thần Phật giáo, với chủ trương đấu tranh bất bạo động. Hãy đọc lại những lời Ngài để kiểm chứng điều này. Những ngôn từ Ngài dùng đều là tình thương, cảm thông và khích lệ: "vui lòng phát nguyện, thiết tha kêu gọi, trân trọng kính lời, gia hộ cho Tổng Thống sáng suốt."

Thấy rõ rằng: bất cứ ý nguyện nào cũng cao và rộng: cao hơn bản ngã và hận thù, rộng cho toàn quốc gia, không riêng chi Phật giáo. Những chữ đất nước thanh bình quốc dân an lạc, bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà thể hiện rõ điều đó.

Thấy rõ rằng: ý thức trách nhiệm của một vị tu sĩ, gọi là trưởng tử Như lai, trong tâm tư Ngài lớn mạnh và bùng nỗ. Ý thức ấy bùng nỗ dẫu bức thư thỉnh nguyện đầu tiên của Ngài bị từ chối. Trách nhiệm ấy càng bùng nỗ mạnh hơn khi nền Phật giáo Việt Nam lúc ấy (1963) đang nghiêng ngã. Ngài phải làm một cái gì đó để góp phần giúp Phật giáo Việt Nam không bị tiêu vong. Tiêu ở đây là tiêu về tay chỉnh phủ gia đình trị Ngô Đình Diệm. Vong ở đây là vong bởi chính sách đàn áp tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo.

Thấy rõ rằng: tâm nguyện của một bậc chân tu. Tâm nguyện tự thiêu của Ngài dâng hiến cho toàn thể Phật giáo Việt Nam, không riêng cho bất cứ vùng niềm nào, không đại diện cho bất cứ lãnh thổ nào. Tâm nguyện tự thiêu của Ngài dâng lên cho toàn thể quốc dân, chứ không dành riêng cho những tín đồ đạo Phật. Tâm nguyện của Ngài muốn thắp lại ngọn đuốc trí tuệ trong tâm trí chính quyền, đặc biệt là tổng thống Ngô Đình Diệm, vốn lâu nay bị bởi vô minh và ganh tỵ tôn giáo bao trùm.

Qua bảy tâm nguyện của Ngài trong bức thư "Lời nguyện tâm huyết", chúng ta cũng thấy sâu xa hơn rằng: tâm nguyện của Ngài vượt thời gian. Ngài nguyện cho Phật giáo Việt Nam trường tồn bất diệt (điều hai). Đây chắc chắn là điều tất cả chúng ta, những tín đồ Phật giáo mong muốn: Phật giáo có mặt mãi mãi trên đất nước hình chữ S. Niềm mong ước này chính đáng với mọi thể chế chính trị, xứng đáng với tất cả thế hệ Phật tử và phù hợp với tính nhân văn loài người. Chư vị Tổ sư quá khứ chắc chắn đã hằng mong ước như thế. Hiện tại, rõ ràng chúng ta đã nỗ lực duy trì niềm mong ước ấy.

Thấy sâu xa rằng: tâm nguyện của Ngài vượt không gian. Từ tận trái tim, Bồ tát Quảng Đức tự thiêu không chỉ giúp ích cho hiện trạng Phật giáo lúc bấy giờ mà còn gởi gắm một hy vọng vô cùng cao quý. Đó là cầu cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc. Không gian lời nguyện của Ngài không dừng lại trong Phật giáo mà còn lan rộng ra cả một quốc gia, một dân tộc. Thậm chí, với hành động mà Ngài tự nhận là "vui lòng phát nguyện tự thiêu" đã đánh thức những trái tim khắp nơi trên thế giới. Trước khi Ngài xuống đường thế giới chưa biết Phật giáo Việt Nam. Sau khi ngọn lửa bùng lên, thế giới biết đến Việt Nam và Phật giáo Việt Nam. Âu đó là do tâm nguyện siêu không gian của Ngài vậy.

Thấy sâu xa rằng: tâm nguyện của Ngài là một tấm lòng yêu nước chân thành. Tấm lòng ấy thể hiện trong ý nguyện thứ sáu: "thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở". Yêu nước ở đây không dừng lại ở bất cứ một chế độ chính trị nào bởi vì thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy (kinh Bát đại nhân giác). Yêu nước ở đây là yêu quê hương dân tộc và giống nòi Việt Nam. Ngài ý thức rằng, muốn nước Việt Nam bền vững mãi mãi, nhà cầm quyền phải thực hiện quyền bình đẳng tôn giáo. Đó là một lời khuyên chân thành gởi đến chính phủ họ Ngô như là thể hiện tấm lòng yêu nước của Ngài.

Thấy sâu xa rằng: lời nguyện của Ngài vẫn còn nguyên giá trị đối với các thế hệ Tăng ni Phật tử chúng ta hiện nay. Hãy đọc lại ý nguyện thứ bảy: "thiết tha kêu gọi chư Đại đức, Tăng ni, Phật tử nên đoàn kết nhất trí để bảo toàn Phật pháp". Ngài ước mong Tăng ni Phật tử Việt Nam đoàn kết và nhất trí bảo vệ và phát triển toàn diện đạo pháp trên quê hương. Điều này có nghĩa, Tăng ni Phật tử nào sống không đoàn kết, chia rẽ là đi ngược lại tâm nguyện của Ngài, là phụ bạc hoài bão của Ngài. Giáo hội chúng ta đã thực sự đoàn kết chưa, đặc biệt những giáo hội Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại? Ngay trong từng ngôi chùa đạo tràng tự viện sự nhất trí trong ngôn ngữ và hành động bao nhiêu phần trăm? Chúng ta luôn luôn ý thức rằng: chỉ có đoàn kết và nhất trí mới giúp đạo Phật ở Việt Nam mới bảo toàn, mới trường tồn bất diệt - như lời của Bồ tát Quảng Đức.

Đến trái tim.....

Phân tích tám ý nghĩa rõ ràng và sâu xa trong "Lời nguyện tâm huyết" như vậy để chúng ta đi đến một kết luận: Trái tim bất diệt là một kết quả hiển nhiên.

Trái tim ngàn độ không cháy của Ngài do đâu mà có? Do tâm nguyện lớn lao cao cả của Ngài phát ra. Tâm nguyện lớn đã sinh ra trái tim kim cương.

Trái tim ngàn thu bất diệt của Bồ tát Quảng Đức làm bằng chất liệu gì? Chất liệu ý chí hùng lực và nguyện lực của từ bi và trí giác. Lòng từ bi siêu phàm đã làm nên trái tim siêu việt.

Trái tim quốc bảo của Phật giáo Việt Nam vẫn còn sáng mãi? Sáng mãi mãi vì ý thức trách nhiệm bản thân và quyết tâm hy sinh bản ngã bé nhỏ. Hy sinh tấm thân giới hạn để đạt được tim pháp vô hạn.

Trái tim xá lợi trở thành cột mốc quan trọng: đánh dấu khởi đầu niềm hy vọng mới, một phong trào bảo vệ đạo Pháp mới, một sự thành công mới cho phong trào đấu tranh chống đàn áp Phật giáo năm 1963.

Trái tim xá lợi của Bồ tát Quảng Đức không xa lạ với tín đồ đạo Phật Việt Nam. Trái tim là bằng chứng sống động nhất cho toàn bộ tâm nguyện và hành động tự thiêu của Ngài. Trái tim là kết tinh toàn bộ sự nghiệp tu hành của một tu sĩ Phật giáo hết lòng vì đạo pháp, vì dân tộc. Trái tim là tất cả những trách nhiệm và nghĩa vụ của một vị Trưởng tử Như lai. Chính trái tim đó thức tỉnh và lay chuyển một chế độ. Chính trái tim ấy khiến toàn thế giới ngưỡng mộ. Chính trái tim ấy khiến đạo Pháp sáng tỏ. Và cuối cùng, chính trái tim ấy là mặt trời soi sáng ngàn vạn tâm hồn u tối lầm than.

Ai ai cũng biết trái tim Ngài là một khối thịt như bảy tỷ người trên hành tinh này. Nhưng rồi người nào cũng ngạc nhiên tự hỏi tại sao trái tim ấy không cháy dưới sức nóng ngàn độ. Kỳ bí chăng? Mầu nhiệm chăng? Không thể nghĩ bàn chăng? Chỉ tin và đừng nghi ngờ chăng?

Chúng tôi tin một cách chắc chắn: chính tâm nguyện của Ngài tạo ra trái tim bất diệt ấy. Không có hành động nhỏ, chỉ có tâm nguyện nhỏ. Không có hành động lớn, chỉ có tâm nguyện lớn. Với tâm nguyện đủ lớn thì dù một bước chân, một nụ cười vẫn lay chuyển thế giới. Bằng tâm nguyện nhỏ thì dầu dời núi lấp sông cũng thành dã tràng se cát biển đông. Trái tim xá lợi của Ngài cũng vậy. Trái tim là kết tinh của nguyện lực, của từ lực và của tâm lực. Sức mạnh của nguyện lực đối với những kẻ đang bị nghiệp lực bủa vây như chúng ta làm sao hiểu thấu. Chỉ cần đọc lại "Lời nguyện tâm huyết", chúng ta cũng có thể hình dung sực mạnh của sự thề nguyện của Ngài lớn như thế nào.

bangron_8

 

Đôi hàng thay lời kết.....

Năm mươi năm sau, 1963 - 2013, trái tim của Ngài vẫn đỏ rực trong tâm tư bao thế hệ Phật tử. Ngàn muôn năm tới, tâm huyết của Ngài vẫn chói sáng năm châu. Tất cả những ý nguyện của Ngài phần lớn đã thành tựu: chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm đã tan rã, Tăng ni đã được giải phóng, Phật pháp bảo toàn, quốc đã thái, dân đã an, chính sách bình đẳng tôn giáo đã và đang được thi hành dù thể chế chính trị đổi thay.

Nói phần lớn thành tựu bởi vì khi nghiền ngẫm "Lời nguyện tâm huyết" của Ngài chúng tôi vẫn thấy còn nhiều việc phải làm để tâm nguyện Bồ tát hoàn thành viên mãn. Đó là, chúng ta có điềm nhiên tọa thị trước những vấn đề bức xúc, những hạn chế bất cập phát sinh trong công cuộc duy trì và phát triển Phật giáo hay không? Bao nhiêu Tăng ni và Phật tử ý thức trách nhiệm của mình trước vận mệnh của Phật giáo Việt Nam trong tình hình hiện nay ở trong nước và nước ngoài? Giáo hội đã và sẽ làm gì để bảo tồn, bảo toàn Phật pháp trước những làn sóng mới thổi đến từ chính trị, kinh tế cho đến văn hóa hiện đại? Lời kêu gọi đoàn kết và nhất trí trong toàn thể Tăng ni Phật tử liệu có trở thành lạc lõng hay không khi nhìn lại tình hình sinh hoạt Phật giáo hiện nay? Nguyện lực và từ lực của Ngài có được các thế hệ Tăng ni Phật tử tiếp nối hay không? Cung cách tu hành và ngôn ngữ tâm huyết của Ngài có được trở thành những bài học giáo khoa cho Tăng ni sinh hay không? Ý nghĩa của sự bảo toàn Phật pháp mà Bồ tát muốn nói đến là gì? Trong thời loạn lạc, Ngài và chư vị tiền bối cung hiến xương máu để bảo toàn - bảo vệ cho thanh tịnh và trong sáng (toàn vẹn) đạo pháp. Nay thời bình, chúng ta, con cháu của Ngài, liệu đó dốc hết bi lực, trí lực và dũng lực để tiếp nối chí nguyện cha ông hay không?

Đêm khuya canh thâu, dưới ánh trăng thanh ngẫm lại lời nguyện của Bồ tát thấy lòng mình tái tê hổ thẹn. Xưa Ngài vui lòng phát nguyện còn mình nay miễn cưỡng thề nguyện. Bồ tát nguyện lời nào cũng vì lợi ích cho số đông, đạo pháp quốc gia dân tộc, còn mình nguyện ước điều chi cũng xoay về cho bản thân gia đình họ tộc. Ngài phát nguyện để siêu trần bạt tục; ta lập nguyện dường như để nhập trần hưởng lạc. Giận ai một chút thì hết kính hết nhường. Không như Ngài, dù Tổng thống trù dập Phật giáo nhưng vẫn trân trọng kính lời. Tiền bối làm gì cũng không quên trách nhiệm cho tập thể cộng đồng nhưng hậu sinh nhất cử nhất động chỉ nghĩ đến bản thân. Ôi, năm mươi năm mà thay đổi quá nhiều, nữa thế kỷ mà đất trời đảo lộn.

Cuộc đấu tranh cho đạo pháp đã lùi xa nửa thế kỷ. Chư tôn thiền đức nhân chứng của cuộc vận động bảo vệ Phật giáo ấy đã viết nhiều trang sử oai hùng. Thế hệ con cháu chúng ta đang nỗ lực tổng hợp và vận dụng từng trang sử ấy vào vận mệnh mới của Phật giáo Việt Nam. Bất kể tổng hợp như thế nào, vận dụng ra sao, chúng ta tuyệt đối không bao giờ lãng quên những lời nguyện tâm huyết của Bồ tát Quảng Đức. Bởi vì:

Lời nguyện của Ngài cũng là lời nguyện rất chung của tinh thần Phật giáo: nhập thế cứu khổ.

Lời nguyện của Ngài là toàn bộ mục đích của sự nghiệp tu thân hành đạo: xả kỷ vị tha.

Lời nguyện của Ngài cũng chính là căn bản cho tất cả công phu tu tập: tự lợi lợi tha.

Lời nguyện của Ngài là cương lĩnh của hết thảy hoạt động hoằng pháp lợi sanh: hòa hợp dân tộc và đạo pháp.

Lời nguyện của Ngài thể hiện trọn vẹn tinh hoa của đạo Phật: kết tinh từ bi vô lượng và trí tuệ vô biên.

Những lý do trên xác định rõ rằng, khi phân tích sự tự thiêu và trái tim của Bồ tát Quảng Đức, chúng ta phải đi từ những lời nguyên tâm huyết của Ngài. Những lời nguyện ấy đã gia hộ và bảo vệ chúng ta. Những lời nguyện ấy đã định hướng trách nhiệm và nghĩa vụ của chúng ta: phải làm gì cho Phật giáo Việt Nam hiện tại và tương lai. Những lời nguyện ấy chính là trái tim bất diệt của Ngài. Và cuối cùng, chỉ cần nhắc đến thôi, chứ đừng nói được chiêm ngưỡng, trái tim bất diệt của Ngài, cũng đã khiến chúng ta vạn lần cung kính cúi đầu đảnh lễ.

Nguyện cầu lời nguyện cao cả và trái tim thiêng liêng của Bồ tát Quảng Đức khơi nguồn cảm hứng tu tập cho tất cả chúng ta.

 

Boston ngày 5 tháng 5 năm 2013

Châu Thành


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
03 Tháng Sáu 2018(Xem: 5346)
15 Tháng Năm 2017(Xem: 5847)
10 Tháng Chín 2015(Xem: 7545)
Sự kiện Phật đản là tên gọi khác phổ biến của Biến cố Phật giáo năm 1963, là cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội có liên quan mật thiết đến Phật giáo Việt Nam tại miền Nam Việt Nam dưới chế độ độc tài - gia đình trị Ngô Đình Diệm(1), mà cộng đồng quốc tế hay đề cập bằng cái tên Buddhist crisis(2) of South Vietnam.
18 Tháng Sáu 2015(Xem: 7265)
Trưa ngày 11-6-1963, tức giờ Ngọ ngày 20 tháng Tư năm Quý Mão, tại ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng, Sài Gòn (nay là Cách Mạng Tháng Tám – Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM), Hòa thượng Thích Quảng Đức đã vị pháp thiêu thân, phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo, đàn áp Tăng Ni Phật tử, phá hoại và ngăn trở sự phát triển của Phật giáo…
27 Tháng Mười 2014(Xem: 10638)
Trong lịch sử cận đại, Hòa thượng Thích Quảng Đức là một nhân vật lịch sử, một vị tăng Việt Nam của thế kỷ XX được xưng tụng và ca ngợi là một vị Bồ-tát xả bỏ thân mạng để cứu nguy dân tộc và đạo pháp cũng như làm rạng rỡ cho Phật giáo Việt Nam. Sự tự thiêu của ngài ở Sài Gòn vào ngày 11 tháng 6 năm 1963 chống lại chế độ độc tài và đàn áp tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm không những đã khiến cho người Phật tử Việt kính ngưỡng, mà cả thế giới đều ngạc nhiên và kính phục trước hành động khó nghĩ bàn đó.
01 Tháng Chín 2013(Xem: 9960)