SÁNG NGỜI ĐỨC VÔ UÝ Trưa ngày 11-6-1963, tức giờ Ngọ ngày 20 tháng Tư năm Quý Mão, tại ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng, Sài Gòn (nay là Cách Mạng Tháng Tám – Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM), Hòa thượng Thích Quảng Đức đã vị pháp thiêu thân, phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo, đàn áp Tăng Ni Phật tử, phá hoại và ngăn trở sự phát triển của Phật giáo… Vị Bồ-tát đoan tọa, tự tay châm lửa đốt cháy nhục thân mình. Ánh lửa bừng lên như ánh hào quang rực sáng trong khi ngài vẫn an nhiên ngồi kiết già. Hàng trăm Tăng Ni, Phật tử vây quanh ngài, khấn nguyền, sụp lạy. Các phóng viên ngỡ ngàng, hoảng hốt, xúc động và vô cùng thán phục. Nhà báo David Halberstam của tờ New York Times (được giải Pulitzer và là tác giả tập sách nổi tiếng The Making of A Quagmire, Tạo Một Bãi Lầy) đã viết, “Lửa từ thân người bùng lên; thân thể ngài khô cứng lại, đầu ngài ngã ra sau và cháy đen. Không khí có mùi thịt người cháy; thân thể con người bốc cháy thật nhanh một cách đáng ngạc nhiên. Tôi có thể nghe tiếng khóc nức nở của những người Việt đang tụ tập đằng sau tôi. Tôi quá bị sốc để la lên, quá bối rối để ghi chép và để đặt các câu hỏi, quá lúng túng để cả suy nghĩ nữa… Khi lửa cháy, ngài không hề nhúc nhích một thớ thịt nào, không hề phát ra một âm thanh nào. Vẻ bên ngoài của ngài thật trái hẳn với những người đang kêu khóc quanh ngài.” (Sđd, 1965, trang 211). Khoảng mười phút sau, nhục thân ngài đã cháy thành than. Cảnh sát, mật vụ, lực lượng đặc biệt của Ngô Đình Diệm tìm cách phá vòng rào Tăng Ni, Phật tử đang vây quanh ngài nhưng không thể được. Một nhân viên cảnh sát xúc động, kính cẩn sụp lạy nhục thân ngài. Ngày hôm sau, 12-6-1963, tờ New York Times đăng bài tường thuật của David Halberstam. Liên tiếp những ngày sau đó, tờ báo này cũng như nhiều báo khác cùng đa phần các đài truyền thanh, truyền hình, như Sunday Edition, Life Magazine… tiếp tục đăng tin tức; nhất là tờ Life Magazine trong các số tháng 6, tháng 8, tháng 9, tháng 11… Thật khó có thể kể hết những lời ca ngợi, thán phục sự hy sinh cao cả của ngài Thích Quảng Đức và lên án chính quyền Ngô Đình Diệm. Rồi các nhà tôn giáo, chính khách, văn nghệ sĩ… cũng nêu lên tiếng nói cảm phục tinh thần dũng cảm của Bồ-tát Quảng Đức và của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam. Các bức ảnh ghi lại hình ảnh tự thiêu của Bồ-tát Quảng Đức do Malcolm Browne, chánh văn phòng Associated Press, được giải Pulitzer năm 1964, được nhanh chóng phổ biến khắp thế giới. Ngọn lửa Quảng Đức đã thức tỉnh cả nhân loại, ánh sáng dũng liệt này đã ảnh hưởng đến bao nhiêu lương tâm con người trên hành tinh. Ngọn lửa của Bi, Trí, Dũng (Từ Bi, Trí Tuệ, và Vô Úy trong tinh thần bất bạo động). Di bút của Bồ-tát tràn đầy từ bi, cầu Phật gia hộ cho ông Ngô Đình Diệm sáng suốt, cho Phật giáo Việt Nam trường tồn, cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tránh được sự khủng bố, bắt bớ, giam cầm… Và hai câu thơ sau đây của ngài thấm đậm từ bi: Thân nầy cháy nát ra tro trắng Trí tuệ cao vời của ngài thể hiện ở chỗ ngài biết sự nguy cơ làm hại Phật giáo và nhân dân của chế độ độc tài, chọn phương pháp bất bạo động, dùng ngọn lửa thiêng từ nhục thân để cúng dường đạo pháp, dân tộc và tranh đấu với chính quyền Sài Gòn, tạo được sự đoàn kết, tinh thần tranh đấu của quần chúng Tăng Ni, Phật tử, biết chắc sự thành công tối hậu. Và như trên đã nêu, sự uy dũng, đức vô úy của ngài trong việc hy sinh thân mạng, chịu đựng đau đớn, nóng bỏng, vẫn an nhiên đoan tọa trong ngọn lửa bừng bừng cho đến khi nhục thân cháy thành tro than. Sáng ngời đức Vô úy của Phật giáo Đức vô úy sáng ngời của Bồ-tát Quảng Đức chính là sự thể hiện đức vô úy của Phật giáo bao gồm Bi, Trí, Dũng như đã nói. Qua hình ảnh tự thiêu của Bồ-tát, đông đảo người trên thế giới cảm nhận sự dũng cảm tức đức Vô úy của ngài, mà vì số đông không phải là tín đồ Phật giáo nên họ không nghĩ tới Từ bi và Trí tuệ vốn bao gồm trong Vô úy. Đức Phật còn được gọi là Đấng Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi. Đại hùng là Vô úy, Đại lực là Trí tuệ (Đức Phật, đấng mười lực, chủ yếu là các sức mạnh trí tuệ), Đại từ bi là thương yêu cứu vớt muôn loài. Ta có thể nhận thấy sự vô úy của Ngài qua sự việc Ngài từ bỏ ngai vàng, cuộc sống vương giả, vợ con… để trở thành vị tu sĩ lang thang không nhà, chống chỏi với mọi khó khăn nguy hiểm trên đường tìm đạo. Khi sắp thành Đạo, Ngài đã uy dũng nhiếp phục ma quân. Ngài độ cho quỷ Alavaka (Kinh Kim quang minh Tối thắng vương, Kinh Quán Phật Tam muội hải), độ cho tướng cướp Angulimala (Trung bộ 86), nhiếp phục voi dữ (Culavagga 7 – Tiểu phẩm). Kinh Bổn sanh đã kể về tiền kiếp của Đức Phật: khi thì là người trưởng đoàn thương gia, lúc là nai, chim… đầu đàn, đã can đảm đứng ra chống kẻ mạnh để cứu đồng loại… Vô úy là không sợ hãi. Kinh Không sợ hãi và khiếp đảm (Trung bộ 4) ví việc tu trong rừng thẳm với việc đối trị sự sợ hãi, và nêu ra các nguyên nhân khiến sợ hãi, đại khái như sau: không kham nhẫn khổ nhọc; không thanh tịnh thân khẩu ý; thiếu từ tâm; tâm dao động, bất an, tham lam, biếng nhác, ngu tối… Biết những nguyên nhân ấy tức là biết cách có được sự vô úy. Cũng trong kinh này, Đức Phật còn dạy, “Một số Sa-môn, Bà- la-môn nghĩ ngày giống đêm, đêm giống ngày; ta nghĩ rằng ngày là ngày, đêm là đêm.” Lời dạy này có nghĩa là phải đối mặt với thực tế, dũng cảm, vô úy, chứ không sợ hãi, né tránh. Kinh Phật nói Bốn Vô sở úy (Tăng nhất A-hàm) nêu bốn điều sau đây về sự vô úy của Đức Phật: 1. Như Lai rõ biết tất cả các pháp nên không sợ điều gì cả; 2. Như Lai dứt hết phiền não nên không sợ chướng ngại bên ngoài; 3. Như Lai tuyên bố mọi chướng ngại tiêu diệt thì Thánh đạo tự hiện mà không sợ bị ai bắt bẻ; và 4. Như Lai không sợ các chúng sinh ở các cõi nghi ngờ về sự sâu xa khó hiểu của pháp tướng, đạo xuất thế. Việc truyền bá Chánh pháp như trên cũng được chư Bồ-tát thực hiện với tinh thần vô úy; gọi là bốn điều vô sở úy cùa Bồ-tát mà kinh Đại thừa Bảo vũ 4 và Đại Trí độ luận 5 nêu: 1. Tự tin khi thuyết pháp, không sợ bị sai nghĩa; 2. Biết rõ căn tính của chúng sinh mà thuyết pháp nên không sợ hãi gì; 3. Giải đáp khéo léo rõ ràng nên không sợ bị gạn hỏi; và 4. Nghe hỏi thì giải thích và đoạn trừ nghi cho người hỏi nên không sợ hãi gì. Đức Vô úy bao gồm Trí tuệ và Từ bi, không sợ hãi vì biết rõ các pháp, biết tất cả đều là không, không người, không ta, không của ta, không phân biệt, không sở hữu, vô ngại, bình đẳng. Từ đó thể hiện từ bi rộng lớn, phát đại nguyện cứu độ hết thảy chúng sinh, bố thí tất cả sở hữu khi cần thiết. Kinh Phạm võng Bồ-tát giới ghi: “Nhẫn đến xả thịt nơi thân mình cùng tay chân mà bố thí” . Kế thừa tinh thần Vô úy của Phật giáo, Phật giáo Việt Nam đã là một thực thể vững mạnh, góp công xây dựng và bảo vệ đất nước trong suốt hai ngàn năm qua. Phật giáo hiền hòa nhưng tiềm ẩn sức mạnh, có thể bảo vệ mình và bảo vệ chúng sanh. Lịch sử cho thấy mối liên hệ thịnh suy giữa đất nước và Phật giáo. Nước thịnh thì Phật giáo thịnh, nước suy thì Phật giáo suy và ngược lại. Nhân kỷ niệm 50 năm công cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam chống chế độ độc tài gia đình trị, kỳ thị tôn giáo, đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm tại miền Nam Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1963, đồng thời cũng là kỷ niệm 50 năm Bồ-tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng sức mạnh vô úy đã là thể tính tạo thành “quả tim bất diệt”. Chính Bi, Trí, Dũng là hào quang được tỏa ra từ tinh thần vô úy, là tính chất của giáo lý Không, Vô ngã, Vô phân biệt; tức là con đường Trung đạo tinh yếu của giáo lý Đức Phật. Sức vô úy đã tạo thành sự đoàn kết, đoàn kết lại làm mạnh sức vô úy. Hãy thắp sáng tinh thần Vô úy nơi tự thân trong sinh hoạt thường nhật Trong vô lượng kiếp sanh tử luân hồi, phần nhiều do chấp thủ và ái kiến mà con người cứ ôm ấp ảo tưởng trong tham sân si và thất tình, lục dục… cứ ngỡ nó là mình và của mình; nên khi được thì vui, không được thì buồn và mất thì lại càng tức tối, đau khổ. Đến khi quy ngưỡng Phật pháp kịp nhận ra tất cả chỉ là phù du; càng tích chứa tham sân si, càng vui buồn mừng giận thương ghét muốn bao nhiêu thì lòng càng vướng bận, nặng nề, khổ sở bấy nhiêu. Chính tham sân si và vui buồn mừng giận là ngòi nổ của mọi bi thương. Khi ấy, con người tự tỉnh thức, biết dừng lại nơi chính mình nhen nhúm tu tập các đức tính “Từ, bi, hỷ, xả” mà Đức Phật đã giáo huấn, biết thương chính mình và dần dần nẩy nở biết thương yêu chúng sanh và vạn vật xung quanh mình. Khi biết thương người thì cũng là lúc ta biết “quên mình”. Nếu đã “quên mình “ được rồi thì ngay lúc đó tinh thần vô úy phát khởi và nó dần dần tăng trưởng. Đến khi tinh thần vô úy tăng trưởng và hiện hữu rồi thì trong danh vị cũng không tham hưởng thụ, trong sinh tử khổ nguy cũng không sợ hãi. Hãy luôn luôn thắp sáng ngọn lửa thiêng trong lòng, thắp sáng trong hành động, thắp sáng trong ngôn ngữ, thắp sáng từ trong tâm tưởng: xấu ác quấy không làm, xấu ác quấy không nói, xấu ác quấy không suy nghĩ. Dù ở đâu, đi đâu, trong chùa hay ngoài chùa, trong nhà hay ngoài đường hay nơi làm việc, buôn bán… là Tăng Ni, Phật tử đệ tử của Đức Phật chúng ta hãy luôn thắp sáng ánh lửa trí tuệ, ánh lửa từ bi, ánh lửa vô úy trong lòng. Gặp nghịch cảnh chúng ta hãy thắp sáng ánh lửa thiêng từ bi, quán chiếu nhân quả nhiều đời, vui lòng trang trải gỡ mối oan gia… làm cho dòng suối thương yêu, dòng suối vô úy mát mẻ muôn đời. Gặp thuận cảnh chúng ta hãy thắp sáng ánh lửa thiêng trí tuệ bừng lên, tỏ rõ… không ỷ lại, không dễ duôi, không tự mãn, không thụ hưởng, không mê hoặc đong đưa chuyền níu mê vọng. Chẳng những lúc nào cũng gìn giữ, thắp sáng ánh lửa thiêng tri túc tự lòng mà còn đem những phước lực sẵn có chia sẻ với cuộc đời, với những mảnh đời bất hạnh. Chính Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni cũng đã từng giáo huấn cho hàng đệ tử xuất gia và tại gia rằng “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Bồ-tát Quảng Đức “vị pháp thiêu thân” để bảo vệ Chánh pháp trường tồn, chúng ta những người con Phật luôn luôn nương bóng mát chư Phật, chư Thánh Hiền Tăng, Bồ-tát Quảng Đức, luôn thắp sáng ngọn đuốc tuệ giác nơi tự thân để soi sáng mọi nơi, mọi chỗ trong cuộc sống đời thường. Đây chính là chúng ta biểu thị một cách chân chánh biết ơn, nhớ ơn Tam bảo; biết ơn, nhớ ơn chư vị Bồ-tát và Bồ-tát Quảng Đức… Đồng thời, noi gương Bồ-tát kiên định nung nấu “quả tim bất diệt” nơi chính lòng mình, góp phần phụng sự Đạo pháp – Dân tộc và Chúng sinh. (TC. Văn Hóa Phật Giáo) |