Về Việc Hòa Thượng Đôn Hậu Lên Núi, Ra Bắc Trong Vụ Tết Mậu Thân 1968

22 Tháng Tư 201100:00(Xem: 13958)

VỀ VIỆC HÒA THƯỢNG ĐÔN HẬU
LÊN NÚI, RA BẮC TRONG VỤ TẾT MẬU THÂN 1968


Về việc Hòa Thượng Đôn Hậu lên núi, ra Bắc trong vụ Tết Mậu Thân
được thầy Trí Tựu, Trú Trì chùa Linh Mụ thuật lại như sau:
(lúc 12:00 giờ trưa, ngày 12-3-2009 tại chùa Linh Mụ)

Vào khoảng quá nửa đêm tối Mồng một Tết Mậu Thân, có một phái đoàn gồm quân nhân và người mặc thường phục đến thăm Ôn. Ôn đang bị bệnh, bệnh suyễn và xuất huyết dạ dày. Thầy ngồi đàng xa. Thầy Trí Lưu, thân phụ của thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát, lúc đó là Tri Sự chùa Linh Mụ, ngồi gần Ôn. Họ mời Ôn về Huế họp. Ôn từ chối nói đau không đi được. Họ nói có người đưa Ôn đi. Sau đó người ta gánh Ôn đi trên một chiếc võng, từ chùa Linh Mụ, không về Huế mà rẽ về Chợ Thông thuộc làng An Ninh Hạ, đến La Chữ. Ban ngày núp, nghỉ, ban đêm đi. Sau một tháng đến Seopon giáp giới Lào. Máy bay trực thăng bay trên đầu mà không bắn. Trên đường đi, thiếu lương thực, bị hạm đội Mỹ pháo kích. Nhiều người bị chết vì đói và sốt rét. (Được kể lại sau 1975). Rồi sau đó từ Huế ra Hà Nội mất hết 4 tháng, đi theo đường Mòn Hồ Chí Minh đến Nghệ An. Từ Nghệ An đến Hà Nội đi xe.

Kể từ hôm đó trở đi, bị ám ảnh bởi cảnh Ôn bị đưa lên núi trong lúc bệnh hoạn, thầy Trí Tựu nói: “Tôi thường nằm mộng thấy mình đi trên một cánh đồng hoang vắng vào ban đêm, không có một bóng người. Sao trên trời nhấp nhánh, gió thỉnh thoảng lùa mạnh, như muốn đẩy lũy tre xanh đến phía tôi. Tôi cảm thấy rùng mình. Cái sọ người trắng phếu, cặp mắt đen nhìn tôi sừng sững trong đêm tối yên lặng. Ngón tay chỉ vào mặt tôi. Bàn tay xương xẩu quắp lại. Tôi rùng mình thức dậy...”

Ôn ra đến Hà Nội được ở nhà Khách Chính phủ với một số nhân vật Miền Nam trong đó có Ô. Lâm Văn Tết, Nguyễn Thúc Tuân, Nguyễn Đóa, bà Chi, GS Hảo. Ôn gặp Bác Hồ 3 lần. Ôn ngồi trên ghế trường kỷ cạnh Bác Hồ, có Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, bà Chi, cụ Đóa, ông Tôn Thất Dương Tiềm. Ôn được hướng dẫn đi thăm các tỉnh miền bắc. Tại Hà Nội Ôn gặp Hòa Thượng Trí Độ, quí Hòa Thượng, Thượng Tọa khác.

Ôn đến thăm các chùa, các Phật Học Viện, nói chuyện với chư Tăng Ni sinh, khuyên họ lo tu học, đặc biệt lo hành trì giới luật.

Năm 1970-1972 Ôn đi sang Hàng Châu, rồi Bắc Kinh, gặp Thủ Tướng Chu Ân Lai và Ban Tôn Giáo Trung Hoa. Nhân dịp này Ôn đến Tây An (Trường An) chiêm bái bảo tháp của ngài Huyền Trang tại chùa Hưng Giáo, Tây An, Trung Quốc.

Trở về Hà Nội một thời gian, Ôn bị suyễn nặng nên được đưa qua Trung Quốc điều trị. Đây là lần thứ hai Ôn đi Trung Quốc và kỳ này Ôn ở lại Trung Quốc cho đến sau ngày 30-4-1975

Về chuyện Ôn lên chiến khu, ra Bắc, theo lời thuật lại của thầy Hải Tạng, Trú Trì chùa chùa Long An, tỉnh Quảng Trị. (3:00 chiều ngày 20-3-2009 tại chùa Long An). Thầy Hải Tạng nói:

Tôi nghe kể lại vào khoảng 2 giờ sáng ngày Mồng một Tết Mậu Thân, có người đến mời Ôn đi họp. Ôn từ chối không đi được vì bệnh nặng, bệnh suyễn và dạ dày xuất huyết. Ôn chỉ ống nhổ đầy máu. Người chỉ huy toán lính giải phóng nói: Đừng làm mất thì giờ, nếu đi không được thì có người gánh. Ôn gượng ngồi dậy, mặc áo dài chuẩn bị đi. Họ hỏi Ôn có cần mang gì đi theo không. Ôn nói không cần gì cả. Họ gánh Ôn trên chiếc võng. Trên đường gặp bà Chi, Ông Đóa, ông Hảo. Lên Trường Sơn một thời gian, Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ và Hòa Bình Việt Nam được thành lập ngày 31-7-1968, Ôn không có mặt nhưng được sắp làm Phó Chủ Tịch Liên Minh.

Hòa Thượng chiêm bái chùa Một Cột, Hà Nội năm 1970 (Tiểu Sử, tr. 63)
Hòa thượng Đôn Hậu đang chuyện trò với Hòa Thượng Trí Độ tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.
Hòa Thượng đến chiêm bái bảo tháp của ngài Huyền Trang tại chùa Hưng Giáo, Tây An, Trung Quốc (Tiểu Sử, tr. 61)
Hòa Thượng thăm hỏi Tăng Ni Sinh tại chùa Quán Sứ, Hà Nội năm 1970 (Tiểu Sử, tr. 57)

Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ và Hòa Bình Việt Nam, được thành lập ngày 31-7-1968 trong phiên họp tại sông Vòm Cỏ, gần căn cứ Mặt Trận trong núi rừng Tây Ninh giữa Mỏ Vẹt (Parrot’s Beak) và Fishhook (Lưỡi Câu), độ chừng 60km phía tây nam mật khu Việt Cọng.

Chủ Tịch: Trịnh Đình Thảo.
Phó Chủ Tịch: Lâm Văn Tết.
Phó Chủ Tịch: Thích Đôn Hậu.
Tổng Thư Ký: Tôn Thất Dương Kỵ.
Ủy viên: Trương Như Tảng.
Ủy viên: Dương Quỳnh Hoa.
Ủy viên: Lâm Văn Tết.
Ủy viên: Thanh Nghị.
Ủy viên: Nguyễn văn Kiệt.
Ủy viên: Cao Văn Bồn.
Ủy viên: Nguyễn hữu Khương.

Ngày 6-6-1969 Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cọng Hòa Miền Nam Việt Nam được thành lập, ông Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ Tịch, Ôn không có mặt nhưng được sắp xếp làm Ủy Viên Hội Đồng Cố Vấn Chính Phủ.

Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cọng Hòa Miền Nam Việt Nam được thành lập ngày 6-8 tháng 6, 1969 trong phiên họp tại mật khu vùng Fishhook (Lưỡi Câu), Tây Ninh, biên giới Việt-Miên.

Chủ Tịch: Kiến trúc sư Huynh Tấn Phát.
Phó Chủ Tịch: Bs Phùng Văn Cung.
Phó Chủ Tịch: Gs. Nguyễn văn Kiệt.
Phó Chủ Tịch: Nguyễn Đóa.
Bộ Trưởng Phủ Chủ Tịch: Trần Bửu Kiếm.
Bộ Trưởng Quốc Phòng: Tướng Trần Nam Trung.
Bộ Trưởng Ngoại Giao: Nguyễn Thị Bình.
Bộ Trưởng Nội Vụ: Bs Phùng Văn Cung.
Bộ Trưởng Kinh Tế Tài Chánh: Kỹ sư Cao Văn Bổn.
Bộ Trưởng Thông Tin, Văn Hóa: Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.
Bộ Trưởng Giáo Dục, Thanh Niên: Giáo sư Nguyễn Văn Kiệt.
Bộ Trưởng Y Tế, Xã Hội, Thương Phế Binh: Bs Dương Quỳnh Hoa.
Bộ trưởng Tư Pháp: Trương Như Tảng.

39Sau Ôn được đưa ra Bắc, được sắp đặt cư trú tại 29 Nguyễn Du, Hà Nội, được đưa vào Phủ Chủ Tịch thăm Bác Hồ 3 lần. Được Hồ Chủ Tích tiếp đón, tặng 1 bó hoa. Hồ Chủ Tích ca ngợi Phật Giáo Việt Nam và sự hy sinh của Hòa Thượng Thích Quảng Đức. Được đi Nga, Trung Quốc, Mông Cổ thăm viếng, dự Hội Nghị, được đến Trung Quốc chữa bệnh. Khi đến Mông Cổ, Phật tử Mông Cổ xem Ôn như Phật sống. Họ quì lạy, hôn chân Ôn, muốn được Ôn thoa đầu ban phước lành.

Ôn nói khi đi dự Đại Hội Mông Cổ có máy nghe dịch ra tiếng Việt, giống như cảnh diễn tả trong kinh Duy Ma Cật...

Khi Miền Nam giải phóng, Ôn còn ở Trung Quốc chữa bệnh, về VN vào cuối tháng 5, 1975. Thày Trí Tựu có 2 cuốn băng ghi lời Ôn kể thời lên chiến khu ra Bắc, đi nước ngoài. (Hai cuốn băng này được người em bạn dì là cô Hồng ở Đà Nẵng giao cho tôi, tôi đã sang ra 2 bản, 1 bản cho Don, 1 bản tôi giữ và trả lại bản chính cho cô Hồng)

Khi ở nhà khách tại đường Nguyễn Du, Hà Nội vào khoảng năm 1969-70, nhân khi đọc quyển sách về Nguyễn Trãi, nói Phật Giáo ru ngủ cấp nô tì. Ôn gạch đỏ những đoạn văn diễn đạt như vậy. Khi đến thăm Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, Ôn đem chuyện này trình bày với Thủ Tướng. Ôn nói ông Phan Huy Liệu, tác giả cuốn Nguyễn Trãi được gọi là một sử gia có uy tín, nhưng ông ấy thực sự có bao giờ viết một bài nghiên cứu về lịch sử Phật Giáo lần nào chưa, mà lại viết về Phật Giáo bằng những lời lẽ như vậy. Ông Phạm Văn Đồng xin Ôn bớt giận. Ôn nói Ôn không giận, nhưng không muốn người ta bóp méo sự thật. Ôn hỏi Thủ Tưởng giả sử có người viết bài bóp méo, nói xấu Đảng Cọng Sản thì Thủ Tướng nghĩ như thế nào?

Khi mới ra Bắc, Ôn phải tham gia học tập chính trị. Ôn thường nghe những lời diễu cợt về thuyết luân hồi của Phật Giáo. Họ cho con người do con vượn hóa ra theo thuyết tiến hóa. Còn Phật Giáo, họ đùa cợt hỏi Ôn, theo thuyết luân hồi của Phật Giáo thì con vượn từ đâu ra? Ôn bông đùa trả lời nói nó từ trong bụi nhảy ra. Mọi người đều cười...(Hình bên: Hòa Thượng chiêm bái chùa Một Cột, Hà Nội năm 1970 (Tiểu Sử, tr. 63)

Trong dịp tang lễ Hồ Chủ Tịch, họ sắp đặt nhân viên chính phủ Cách Mạng Lâm Thời vị trí đứng hầu quan tài. Ôn là thành viên của Chính Phủ nên được vinh dự đứng hầu quan tài. Ôn nói Ôn là một tu sĩ thật sự không có tài cán gì cả, quí vị bỏ Ôn vào danh sách thành viên chính phủ, Ôn không thể từ chối. Quí vị còn ca tụng Ôn là bậc chân tu. Nếu vậy, Ôn là một tỳ kheo không thể đứng hầu quan tài của bất kỳ người nào dầu đó là của Chủ Tịch. Họ nổi nóng nói Ôn là một công dân, phải tỏ lòng tôn kính đối với vị lãnh đạo. Ôn nói Ôn rất tôn kính Hồ Chủ Tịch, nhưng với thân phận thầy tu Ôn không thể làm như vậy được. Nếu quí vị muốn Ôn làm nhiệm vụ công dân thì phải cho phép Ôn trở về Huế xin quí Thầy, quí Ôn xả giới, sau đó Ôn sẽ trở ra làm người đứng hầu quan tài, làm bổn phận công dân danh dự. Họ bàn bạc với nhau, rồi không bắt Ôn phải hầu quan tài của Hồ Chủ Tịch nữa.

Về chuyện Hòa Thượng Đôn Hậu lên chiến khu theo lời của Gs Lê Văn Hảo.

Giáo sư Lên Văn Hảo, tiến sĩ dân tộc học, giáo sư Đại Học Văn Khoa Huế, Đà Lạt và Sài Gòn, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng Thừa Thiên Huế kỳ Tết Mậu Thân.

Trả lời những câu hỏi của biên tập viên Nguyễn An, Ban Việt Ngữ RFA ngày 21 tháng 12, 2006, giáo sư Hảo cho biết Gs không phải là thành viên của Mặt Trận mà chỉ là một cảm tình viên. Vào dịp Tết Mậu Thân, Gs được các nhà lãnh đạo Mặt Trận mời đi họp trước khi họ tấn công Huế. Suốt thời gian Huế chìm ngập trong chiến trận Gs ở trên núi không biết những gì đã xảy ra cho Huế ngoại trừ tin tức trên đài phát thanh. Chức vị Chủ Tịch chỉ trên danh nghĩa.

Giáo sư Hảo cho biết trong số những người lên núi, rồi sau đó cùng ra Bắc với Giáo sư có Hòa Thượng Đôn Hậu. Hòa Thượng phải ngồi võng cho hai anh quân nhân giải phóng khiêng. Bà Nguyễn đình Chi và cụ Nguyễn Đóa cũng ngồi võng, Gs lúc đó mới 32 tuổi, còn khỏe mạnh nên đi bộ như mọi người khác. Gs Hảo còn cho biết, tất cả mọi người đều được mời đi họp, “riêng cụ Thích Đôn Hậu thì cụ bị bắt cóc lúc quân giải phóng đã chiếm được thành phố Huế rồi thì họ mời cụ lên võng để đi họp, rồi võng cụ lên trên núi luôn. Bà Nguyễn Đình Chi cũng trường hợp như vậy... anh Tôn Thất Dương Tiềm đi theo quân giải phóng. Anh Tiềm là Việt Cọng nằm vùng...”

Cụ Nguyễn Thúc Tuân, cư ngụ tại 18/15 Lê Thánh Tôn, Huế Tel: 351-2061, nói về cụ Đôn Hậu. (Ngày 17-3-2009, 9:30 sáng)

Cụ Nguyễn Thúc Tuân, theo lời cụ kể, năm nay 97 tuổi, sinh năm 1912, cùng năm với vua Bảo Đại, tham gia Cách Mạng, vào đảng năm 1946. Cụ nói Cụ sát cánh bên cạnh Cụ Đôn Hậu suốt 10 năm, từ năm 1968 cho đến năm 1978, theo mệnh lệnh cấp trên có bổn phận bảo vệ và kiểm soát Hòa Thượng Đôn Hậu.

Tối mồng 4 Tết Mậu Thân, cụ Nguyễn Thúc Tuân kể: tôi cùng đi với bà Nguyễn Đình Chi, cụ Nguyễn văn Đóa, ông Tôn Thất Dương Tiềm (3 người) lên chiến khu cách thành phố Huế độ 4km. Tối ấy ở lại 1 đêm, ngày sau lên chiến khu gặp Gs Lê Văn Hảo đã lên trước ngày 30 tháng Chạp, gặp Cụ Đôn Hậu cũng đã lên trước vài ngày, từ Văn Xá đi lên độ 3 km đường chim bay. Chúng tôi giờ đây gồm 6 người: Bà Nguyễn đình Chi, Ô Nguyễn văn Đóa, Ô Tôn thất dương Tiềm, Gs Lê văn Hảo, cụ Đôn Hậu và tôi. Chúng tôi lên gặp ô Hoàng Phương Thảo, chủ tịch thành phố Huế. Ông này lo toàn bộ. Ở tại chiến khu Huế 15 ngày. Máy bay Mỹ từ Dương Xuân Hạ bắt đầu thả bom, pháo kích dữ dội. Một trái pháo kích nổ cách bà Chi độ chừng 10m, may mắn không ai bị thương. Chúng tôi đi sâu vào trong núi, sống trong hầm đá, ở lại 1 ngày sau bắt đầu ra Bắc theo đường mòn Hồ Chí Minh, có đoạn đi bộ, có đoạn đi xe jeep, đến Nghệ An. Từ Nghệ An ra Hà Nôi đi bằng xe. Cụ Đôn Hậu và bà Chi đi trước, bốn chúng tôi theo sau. Ra đến Hà Nội được Ủy Ban Thống Nhất đón tiếp. Tôi và cụ Đóa gặp lại cụ Đôn Hậu và bà Chi.

Liên Minh các Lực Lượng Dân Chủ và Hòa Bình được hướng dẫn thăm Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái. Thỉnh thoảng Liên Minh được đi thăm các nước ngoài.

Khi thành lập Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng Thừa Thiên Huế, Gs Lê Văn Hảo được mời làm Chủ Tịch, ông Tôn Thất Dương Tiềm và tôi làm Ủy Viên. Lúc ấy chúng tôi ở chiến khu Huế. Số là lúc đầu Gs Hảo được mời ra Phong Điền hội họp. Khi đến Văn Xá lại nói đổi lộ trình đi thẳng lên chiến khu. Đi vào trưa ngày 30 Tết. Tối đó quân Cách Mạng báo cho giáo sư biết quân đội Cách Mạng tấn công thành phố Huế. Từ đó chúng tôi không trở lại Huế nữa mãi cho đến năm 1975.

Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời được thành lập một năm sau, khi chúng tôi ở tại Hà Nội. Trong Chính Phủ Cách Mạng, cụ Đóa là chủ tịch, cụ Đôn Hậu và bà Chi được sắp làm cố vấn. Tôi và Tôn Thất Dương Tiềm không được mời tham dư.

Từ năm 1970 chúng tôi đi Trung Quốc, Liên Xô, Đông Đức. Riêng tôi có đi Ai Cập. Bà Chi và cụ Đôn Hậu có đi Mông Cổ. Cụ đi đến đâu dân chúng Mông Cổ quì lạy, xem như vị Phật sống.

Cụ Đôn Hậu từ Trung Quốc trở về Huế cuối tháng 5, 1975. Huế đã thành lập Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng trước khi Cụ về đến Huế.

Sau khi chúng tôi về Huế, Gs Lê Văn Hảo được mời làm Trưởng Ban Bảo Tồn Bảo Tàng Viện, không được vào dạy trường Đại Học. Gs Hảo rất buồn. Gs được cấp một cái nhà nhỏ trước Cao Đẳng Y Học, đường Nguyễn Huệ. Tôi được làm Trưởng Ty Thể Dục Thể Thao. Tôn Thất Dương Tiềm làm Trưởng Phòng Giáo Dục Huế. Cụ Đóa được cấp một căn nhà trong thành nội số 22 Lê Thánh Tôn, Huế. Nhà này hiện nay đã bán đi rồi. Người con gái của cụ ở Sài Gòn.

Tôi làm Trưởng Ty cho đến năm 1978, làm Đại Biểu Quốc Hội khóa 6 được vài tháng, đi họp 1 lần rồi bị bắt năm 1978, bị gán tội làm gián điệp, ở tù 8 năm 16 ngày tại trại Bình Điền. Tôi làm đơn khiếu nại nhiều lần nhưng không được xét xử. Mới đây tôi cũng làm đơn xin cứu xét lại, nhưng không được hồi âm vì Trung Ương quá bận việc. Được xóa án nhưng không được trắng án. Xóa án xem như không có phạm tội.

Cụ Đôn Hậu và bà Chi được chính phủ trọng nể. Phòng tôi ở gần phòng cụ Đôn Hậu. Cụ có một người đệ tử tên là Kiến, chừng 30 tuổi, đi theo hầu. Cụ thật sự là một vị chân tu. Tôi chưa thấy một vị sư nào đạo hạnh như Cụ. Có một lần chúng tôi được đưa tới Hắc Hải (Black Sea) bên Liên Bang Soviet để nghỉ mát. Chúng tôi ở trên lầu. Một buổi sáng thức dậy Cụ mở cửa sổ hóng nắng, thấy phụ nữ mặc đồ tắm đi trên bãi biển. Cụ đóng sập cửa sổ lại và từ đó, trong thời gian nghỉ mát ở Liên Xô, cụ không bao giờ mở cửa sổ nhìn xuống bãi biển nữa. Suốt 10 năm sống gần cụ, không thấy cụ dùng rượu, bia hay thịt, cá, ngay cả nước mắm, dầu ở trên chiến khu thiếu thốn đủ mọi thứ.

Mỗi năm vào dịp Lễ Phật Đản, cụ đọc bài tưởng niệm Đản Sanh do ông Tôn Thất Dương Tiềm viết. Ông Tiềm có dùng một số từ ngữ mà cụ không đồng ý. Cụ nói thà chết chứ không làm việc trái đạo. Cụ Nguyễn Thúc Tuân nói không nhớ rõ từ ngữ gì.

Khi bà Chi và Cụ Đôn Hậu qua đời, cụ Tuân nói cụ tránh không đến tham dự tang lễ. Gs Lê Văn Hảo sau khi nghe tin vợ đi lấy chồng khác, ông đã tái giá với một cô giáo người Hà Nội. Lễ tân hôn Gs mời nhiều người Huế tham dự nhưng không ai đến chỉ một mình cụ Tuân đến dự.

Vợ chồng cụ Tuân có 2 người con trai, 1 là liệt sĩ, 1 hiện nay ở Nha Trang và 4 người con gái, 1 người làm bác sĩ cùng chồng cũng làm bác sĩ đang cùng sống với cụ ở Huế, 1 là kỹ sư ở Pleiku, 1 là giáo viên ở Sài Gòn và 1 ở Úc. Mặc dầu 97 tuổi cụ vẫn dạy học, dạy tư, dạy Anh và Pháp văn cho 15 học sinh. Những người học suốt tuần đóng học phí mỗi tháng $150,000 (gần 10 đô la Mỹ)â, học 3 ngày đóng $70,000. Mỗi tháng kiếm được độ chừng $100US.

Theo tin tức chúng tôi thâu lượm được vào đêm mồng một Tết, một trung đội nhưng quân số chỉ vào khoảng 20 người của quân Bắc Việt, nhân danh Mặt Trận Giải Phóng, do Thiếu Úy Nguyễn Văn Khánh chỉ huy, đến chùa Linh Mụ mời Hòa Thượng Đôn Hậu đi họp. Hòa Thượng không được khỏe. Hai người lính gánh Hòa Thượng lên núi qua ngả Hương Trà. Sau một ngày đường đến địa đạo Khê Trai, Thiếu Úy Khánh giao Hòa Thượng cho Thành Ủy Huế. Hai tháng sau Hòa Thượng cùng những vị khác như bà Tuần Chi, Gs Hảo được mời ra Bắc.

Về bài “Ba Lần Được Gặp Cụ Hồ” ký tên Thích Đôn Hậu.

Ngày 31 tháng 3, 2009, 10 sáng tại chùa Linh Mụ

Chúng tôi có nhận được một tài liệu, trong đó có bài viết nhan đề là Ba Lần Được Gặp Cụ Hồ đăng trong tập Bác Hồ Trong Lòng Dân Huế. Ngày 31 tháng 3, 2009, lúc 10 giờ sáng tôi mang tài liệu này lên chùa Linh Mụ hỏi quí Thầy để xác định xem có phải do Hòa Thượng Đôn Hậu viết hay không. Tôi gặp thầy Hải Bình (thầy Trí Tựu đi vắng) thầy xem xong nói: Tất cả anh em chúng tôi trong chùa có đọc tài liệu này, chúng tôi biết bài ấy không do Ôn viết, cách diễn đạt cũng như nội dung không phải của Ôn. Điều này có thể hỏi ý kiến của thầy Trí Thành hiện ở Canada hay Trí Lực hiện ở Thụy Điển. Ba anh em chúng tôi (Hải Bình, Trí Tựu, Hải Tạng) đều nhất trí không phải văn phong của Ôn.

Thầy Hải Bình nói những người CS bình luận về Ôn nói Ôn không phải là CS, vì CS không làm sao có hai lỗ tai giống như lỗ tai Phật của Ôn. Nên liên hệ với các thầy Hải Chánh v.v... hiện nay ở Mỹ để biết thêm cung cách hành xử của Ôn vào những năm sau 1968.

Sau khi nói chuyện xong với thầy Hải Bình tôi đến gặp cụ Nguyễn Thúc Tuân tại 18/15 Lê Thánh Tôn, Huế trong Thành Nội. Cụ đang dạy học nhưng vẫn vui vẻ tiếp. Tôi chỉ xin cụ nửa giờ. Tôi đưa bài Ba Lần Gặp Được Cụ Hồ có chữ ký của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu đăng trong tập Bác Hồ Trong Lòng Dân Huế xuất bản năm 1990 và nói với cụ: Cụ suốt 10 năm sống gần Hòa Thượng Đôn Hậu, cụ biết rõ phong thái, tác phong, ngôn từ... của Hòa Thượng. Cụ đọc bài này và cho tôi biết ý kiến của cụ. Bài dài 91/2 trang giấy. Cụ chăm chỉ đọc. Sau hơn nửa giờ cụ nói: Những dữ kiện đề cập trong bài không đầy đủ chi tiết. Thí dụ trong chuyến thăm viếng Bác lần thứ ba, Bác ôm quả dưa hấu đồng bào dọc sông Hồng trồng vừa đem tặng Bác và Bác nói muốn tặng cụ Đôn Hậu, tặng phái đoàn để cùng san sẻ. Bà Chi tặng Bác không chỉ mứt gừng mà còn mứt cam quật do chính tay bà làm. Phái đoàn bất ngờ được dẫn đến thăm Bác. Cụ Đôn Hậu là người rất bình tĩnh, ăn nói chững chạc, chừng mực, không đại ngôn, không dùng từ ngữ chính trị, tác phong đứng đắn của một nhà tu. Còn Bác Hồ luôn luôn thân tình. Giọng Bác ấm áp, lời nói giản dị, ít khi nói chính trị. Tác phong bình dị, dễ mến, dễ truyền cảm.

Về quí thầy và chùa Linh Mụ sau khi Hòa Thượng Đôn Hậu ra Bắc. Dì Cân (Diệp Bích Thủy) kể ngày 10-4-2009, 8:30pm.

Dì Cân gọi Ôn Linh Mụ bằng bác ruột, hay về thăm chùa Linh Mụ sau khi Ôn lên chiến khu. Dì kể: Một hôm vào năm 1972-73 tôi về chùa gặp Thầy Sự (Thầy Trí Lưu, thân sinh của thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát), tôi thấy thầy mở đài BBC nghe tin tức xem Ôn có nói gì trên đài không. Thầy Sự thương Ôn, nhớ Ôn lắm, muốn nghe tin tức về Ôn. Lúc bấy giờ có Ô. Lê Văn Cư, pháp danh Tâm Cát, là một mật vụ, thường lui tới chùa nghe ngóng tin tức. Một hôm Thầy Sự cùng dì Cân nghe đài BBC bị ông Cư biết được. Sáng sớm ông đến chùa nói với Thầy Sự là Ôn Linh Mụ ở Bắc vừa vào, bị pháo kích, tay bị thương cần thuốc men và vải, yêu cầu thầy sự gửi thuốc, vàng (chứ không phải tiền) và một xấp vải nâu 20m. Thầy Sự cả tin, gửi thuốc trị giá $200,000, 2 cây vàng, một lon gigo muối mè, 1 lon gigo thuốc tễ, 1 xấp vải nâu 20m.

Sau năm 1975 Ôn về chùa. Thầy Sự hỏi thăm Ôn về vụ Ôn bị thương v.v... mới biết là ông Cư lường gạt, vì từ năm 1968 đến năm 1975 Ôn đâu có về Huế, làm gì có chuyện bị thương. Ba mẹ của ông Cư rất ân hận có đứa con lường gạt chùa. Ôn dạy đừng bận tâm, có khi vì thiếu thốn mà làm càng. Nên tha thứ dừng nói đi nói lại.

O Sỏ, mẹ của thầy Trí Tựu kêu Thầy Sự bằng chú. O Sỏ ở trong chùa giúp việc. Sau 1975 O Sỏ đến nhà ông Cư hỏi thăm sự việc để rõ thêm về sự lường gạt của ông Cư. Ôn nói O Sỏ đừng hỏi nữa, làm phiền lòng nhà người ta.

Ngày thứ năm ông Cư lên chùa Linh Mụ nói với Thầy Sự ông muốn gặp dì Cân để đưa mật khẩu đi lên Văn Xá gặp Ôn. Dì Cân nghe vậy tự cảnh giác. Làm sao ông Cư biết dì Cân nghe BBC với Thầy Sự? Ông Cư, theo lời Thầy Sự là đệ tử của Ôn Linh Mụ, rất thân chùa, có đường giây có thể giúp đỡ Thầy Sự và dì Cân gặp Ôn. Ông Cư muốn gặp dì Cân để đưa mật khẩu, hẹn 8 giờ sáng thứ Bảy gặp.

Dì Cân nói với Thầy Sự dì đồng ý sáng thứ 7 lúc 8 giờ gặp ông Cư tại trường Văn Xá. Dì Cân còn thưa với Thầy Sự là khi ông Cư lên chùa, thầy nên gọi O Sỏ bưng nước lên để nhận định về ông Cư. O Sỏ cho biết ông Cư không thể tin cậy được. Sáng thứ 6 dì Cân đi qua cửa Thượng Tứ thấy ông Cư, đáng lẽ phải đi dạy học (theo lời ông nói là làm nghề thầy giáo), lại thấy đi nghênh ngang giữa đường, ăn mặc chỉnh tề, quần xanh áo chemise trắng, đeo kính đen. Trưa thứ 6 dì Cân thưa vói Thầy Sự nếu ông Cư có liên lạc cho ông ấy biết dì đã đi vào Nha Trang có việc gấp nên không gặp được. Ông Cư cung cấp cho Thày Sự giấy biên nhận thuốc, đồ ăn, vải và vàng.

Dì Cân kể tiếp vào khoảng năm 1978-79, một hôm Bác sĩ Bách, người có bổn phận săn sóc sức khỏe cho Ôn, đến thăm Ôn. Ôn cho chế trà Ô Long do anh Trần Tường Châu gửi cúng. Ôn mời bác sĩ uống trà. Bác sĩ cầm tay Ôn hôn, vừa tỏ vẻ cung kính, vừa tỏ vẻ thân tình, mến chuộng. Bác sĩ nói Bác sĩ thực sự mến Ôn, trọng Ôn lắm.

Năm 1988 sau hai tháng á khẩu, nhờ dì Cân đấm bóp mà Ôn lành lại. Số là sau khi dì Cân nằm mộng thấy 2 bác sĩ, một người đứng trước, một người đứng sau nói với dì Cân dì bị gió cần phải massage. Dì xem giấc mộng ấy như lời nhắn nhủ nên đã liên tục làm massage cho Ôn, nhờ vậy Ôn bình phục lại, nói được và sống thêm được 4 năm nữa cho đến khi Ôn viên tịch năm 1992.

(Trích: NHƯ ÁNG MÂY BAY: Cuộc đời của Đại Lão Hòa Thượng THÍCH ĐÔN HẬU - Đệ tử Tâm Đức phụng sọan)
Quyển 5 Chương 13
NHƯ ÁNG MÂY BAY
Cuộc đời của Đại Lão Hòa Thượng
THÍCH ĐÔN HẬU
Đệ tử Tâm Đức phụng sọan
Thất chúng môn đồ ấn hành 2010 USA

Chú thích của BBT:

Tác giả tên thật là: Trần Quang Thuận
Sinh ngày 02 tháng 7 năm 1930 tại Huế.
Đệ tử của Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu.
Du học và tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Anh.
Cựu Bộ Trưởng Bộ Xã Hội, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.
Cựu Nghị sĩ Thượng Nghị Viện Việt Nam Cộng Hòa.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn