Kính Viếng Giác Linh Ht. Thích Minh Châu: Nhớ Lắm Ngày Xưa Ấy - Dương Kinh Thành

03 Tháng Chín 201200:00(Xem: 10188)

KÍNH VIẾNG GIÁC LINH HT. THÍCH MINH CHÂU

Nhớ lắm ngày xưa ấy
Dương Kinh Thành

htthichminhchau-011Nhớ lắm nụ cười hiền lành của Hòa thượng đối với anh em chúng con, những người mà bây giờ lại đang lận đận trong màu áo lam, luôn muốn giữ gìn nó không nhạt nhòa theo năm tháng mà khi xưa những lời nguyện dành cho GDPT Hòa Thượng chính là người soạn ra những điều luật ấy.

Buổi sáng ngày 1/9/2012, khi tôi dang ngồi tiếp chuyện anh Hai Vàm Tắc, một người bạn vong niên, thì thầy Thích Vân Phong gọi điện báo tin Hòa Thượng Thích Minh Châu vừa ra đi!

Hai chúng tôi xua đi tất cả những chuyện vui buồn sau bao nhiêu tháng ngày vừa gặp lại, để chỉ xoay quanh hung tin về một người thầy khả kính, tuy chưa có dịp tiếp xúc trực tiếp nhưng trong quá trình sinh hoạt trong màu áo Gia Đình Phật Tử và Học Sinh Phật tử, hai anh em chúng tôi từng gần gũi thầy trong rất nhiều nhiệm vụ.

Anh Hai Vàm Tắc thì luôn nhắc về một lỗi lầm mà anh cho là rất nghiêm trọng trong quá trình nghe giảng pháp ở chùa Ấn Quang hàng tuần, khi đó hai anh em chúng tôi hãy còn rất trẻ, sôi nổi, hăng hái nhưng cũng lắm bồng bột lỗi lầm.

Anh nói: “Tui nghĩ thiệt hết sức buồn và ân hận gì đâu á. Hồi đó, mình có nhiều diễm phúc được nghe các chư tăng thạc đức lớn giảng pháp thường xuyên. Vậy mà khi lịch giảng tới phiên Hòa Thượng Thích Minh Châu là Hai tui luôn có lý do để vắng mặt. Bây giờ nghĩ lại thiệt hổng còn gì tội lỗi cho bằng. Nói thiệt, nếu bây giờ mà cho tui trở lợi cái thời đầy diễm phúc đó nghen, muốn Hai tui mần cái gì tui cũng chịu…. Nhưng mà bây giờ thì Hòa Thượng đi rồi, còn cái gì nữa mà mong…”

Tính tình anh Hai Vàm Tắc là vậy, luôn nói thật lòng mình, đôi khi gây mích lòng nhiều bận. Vậy đó mà lúc ấy anh lại là một huynh trưởng mẫu mực, luôn ở đầu sóng ngọn gió, trở thành gương soi cho huynh trưởng, đoàn sinh của mình.

Lời tự vấn lương tâm của anh Hai Vàm Tắc khiến tôi nhớ lại thuở ấy, từ năm 1975 trở về trước, chiều chủ nhật hàng tuần đều có giảng pháp tại hội trường chùa Ấn Quang do Viện Hóa Đạo và Tổng Vụ Hoằng Pháp phân bố lịch giảng. “Cái diễm phúc” mà anh Hai Vàm Tắc nói tới, đó chính là ngoài chư tôn Hòa Thượng trong Viện Tăng Thống và Hòa Thượng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo ra, tất cả chư tôn lãnh đạo trong Hội đồng Viện, từ Tổng Vụ Trưởng trở xuống đều có nhiệm vụ đến giảng theo lịch đã xếp.

Cho đến bây giờ, thế hệ chúng tôi ngày ấy vẫn không sao quên được âm thanh và giọng nói của từng vị như HT Thích Huyền Vi, HT Thích Thiền Định, HT Thích Quảng Độ, HT Thích Minh Châu, HT Thích Thuyền Ấn, HT Thích Tắc Phước, HT Thích Hộ Giác, HT Thích Pháp Tri, HT Thích Mãn Giác, HT Thích Giác Đức..v…v…

Mỗi vị có một phong thái và và lối thuyết giảng khác nhau. Thí dụ như HT Thích Hộ Giác thì luôn xã hội hóa chủ đề mình giảng và kéo xuống thấp nhất để trình độ, căn cơ mỗi người dễ tiếp thu; HT Thích Giác Đức (khi ấy là Đại đức - Quyền Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên) thì mạnh mẽ từng chi tiết một và tạo ra được cao trào cảm xúc,v…v…

HT Thích Minh Châu thì điềm đạm, chú tâm vào kinh tạng do chính Ngài dịch thuật để giảng giải. Đây chính là cơ duyên thuận lợi rất lớn cho những ai muốn chuyên sâu vào lãnh vực này. Do đó các buổi giảng của Ngài có rất đông giới nghiên cứu dự thính, ngoại trừ anh Hai Vàm Tắc, bạn của tôi như vừa kể trên!

Vậy đó mà trong những lần làm nhiệm vụ, dàn hàng chào danh dự và bảo vệ các ngày lễ lớn, nhất là lễ Phật Đản tại lễ đài trung uơng, anh Hai Vàm Tắc từng khoe đã nhiều lần dìu tay HT Thích Châu lên lễ đài và được HT tặng… cây quạt!

Có một lần tôi đứng sát bên anh, khi dìu và hướng dẫn HT vào văn phòng Viện theo ngõ đi riêng, HT nói lời “Cảm ơn con” mà anh Hai nhà tui lại quay sang hỏi lại tôi “Thầy nói cái gì tui nghe hỏng rõ?”

Tôi gỉ đó bực bội nói “Thôi! Làm nhiệm vụ đi..” . Nhưng anh ta vẫm chưa hài lòng vì nghĩ rằng đời nào mà được một vị lãnh đạo nói riêng như vậy nên hỏi nữa, tôi nói “Thầy nói CÁM ƠN MẦY “.

Anh ta há hốc mồm. Có lẽ anh Hai Vàm Tắc hiểu nhầm ý tôi là tại sao thầy lại nói như vậy, thật ra HT nói rõ ràng “Cảm ơn con”. Hai anh em giận nhau… ba tháng, nếu lúc ấy tôi không nằm bệnh viện, anh đến thăm.

Anh Hai Vàm Tắc không tự hào sao được khi mà bàn tay từng nhận bằng Tiến sĩ từ Tổng Thống Ấn Độ ở Đại học Bihar; từng bắt tay giáo hoàng; từng bắt tay những nhân vật mà tuy trong 12 năm du học ở đất Phật, từng nắm tay và trao gởi niềm tin, vận mệnh PGVN vào tay những vị có uy tín thế giới, nhằm tìm giải pháp cứu nguy trong cơn Pháp nạn vô tiền khoáng hậu. Đọc hồi ký BS Erich Wulff (Minh Nguyên dịch) chúng ta thấy ngay điều này…v…v…

Khi anh Hai Vàm Tắc nói đến những niềm tự hào như thế khiến lòng tôi như chùng lại, và chính bản thân mình mới là người kém diễm phúc hơn anh.

Đời cư sĩ Phật tử chúng mình chỉ có thế, nhất là thế hệ Phật tử của Gia đình Phật Tử, của Học sinh Phật tử như chúng tôi. Có những niềm tự hào thoáng chợt, nhưng cũng có những niềm tự hào mà không phải bất kỳ một Phậ tử cư sĩ chúng mình có được. Thế cũng đủ an ủi lắm rồi với cháu con hiện tại.

Ngày mai anh Hai Vàm Tắc lại dong ghe bầu trở lại vùng sông nước Hậu giang, tiếp tục tháng ngày của một lão nông mà mình mẩy đầy vết xâm của ký ức Phật sự.

Thương anh quá! Anh bảo rằng không có điều kiện cùng tôi lên Vạn Hạnh đỉnh lễ giác linh HT, nhờ tôi mang theo tấm chân tình này của anh, đỉnh lễ Ngài cho anh nhẹ lòng nơi xứ sở sông nước miệt vàm.

Vâng! Cảm ơn anh Hai Vàm Tắc đã giúp tôi trở lại những tháng ngày đầy vẹn tự hào mà cả một quảng đời thanh xuân của chúng mình đã sống, đã cống hiến không uổng cho đạo pháp. Tôi sẽ mang tất cả những điều này, đứng trước linh đài HT dâng lên Ngài những lời thật ấy.

Ở đời, có những điều mình nghĩ nó không dính dấp gì đến chúng ta hóa ra không phải như vậy. Có những khi chính những điều ấy lại có sức tác động rất lớn trong con người, trong đời sống của chính mình. Trường hợp của anh Hai Vàm tắc và tôi, và có lẽ còn nhiều anh chị đạo hữu khác nữa, là một chứng minh.

Hòa Thượng Thích Minh Châu không còn với chúng ta nữa, dù rằng với những công trình dịch thuật có bề dày cao hơn nhiều lần tuổi đời của Ngài, hay những công trình, thành quả giáo dục Phật giáo hiện nay đều là điểm son cho nhiều thế hệ phát huy.

Nhưng mà mất mát vẫn muôn đời là mất mát! Nói như anh Hai Vàm Tắc là:

“Hai tui biết, Đây là thứ ái-biệt-ly-khổ, nhưng mà thử hỏi với anh, tui có là Bồ Tát đâu, mà Bồ tát còn phải mắc cái vòng này. Thôi thì tui buồn, tui khóc, anh cứ để cho tui buồn, tui khóc…”

Tôi rất hiểu anh Hai Vàm Tắc, hành động quày quả bỏ ra về miền quê sông nước cũng chính là câu trả lời cho sự lìa đoạn của anh dù rằng ngôi thiền viện Vạn Hạnh bây giờ anh chưa bao giờ thấy qua, dù là trong hình ảnh. Như sau năm 1975, anh xa lìa chúng tôi chấp nhận trrở thành một lão nông dân chơn chất.

Anh yên tâm. Giác linh Hòa Thượng sẽ hiểu cho anh. Nhưng còn phần mình, tôi hiện vẫn còn giận anh lắm, anh Hai Vàm Tắc à! Vì sao? Là vì tại sao lúc còn ngồi cạnh tôi anh không muốn hỏi rằng sự đau buồn về tin HT Thích Minh Châu ra đi của tôi như thế nào?

Ngưỡng bạch giác linh Hòa Thượng!

Anh em chúng con là như vậy đó, lớn hết rồi mà vẫn còn nhốn nháo, hờn giận vu vơ. Cho nên nhớ lắm nụ cười hiền lành của Hòa thượng đối với anh em chúng con, những người mà bây giờ lại đang lận đận trong màu áo lam, luôn muốn giữ gìn nó không nhạt nhòa theo năm tháng mà khi xưa những lời nguyện dành cho GDPT Hòa Thượng chính là người soạn ra những điều luật ấy.

Làm sao chúng con có thể thờ ơ đây!

Mong giác linh Hòa Thượng luôn gia hộ cho chúng con.

Dương Kinh Thành

(Phật Tử Việt Nam)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Tư 2016(Xem: 5026)
Thông thường thì trải qua bao nhiêu thời gian để được gọi là Một thời? Có thể là một tháng, vài ba tháng, nửa năm, một năm hay nhiều hơn nữa? Hầu như tất cả những thời lượng vừa nêu đều đúng, nhưng chủ yếu là trong những quãng thời gian ấy phải có, đã có một điều gì đấy rất nổi bật: hoặc là một sự việc, hoặc là một hình ảnh, hoặc là một chuyển đổi, một bước ngoặt, một cuộc gặp gỡ… đã tác động đến đời sống khiến tâm tư của chúng ta luôn nhớ đến, nhớ mãi, trở thành một gắn liền với hành trang tri thức của cả đời mình mới được gọi là Một thời.
12 Tháng Mười 2014(Xem: 13732)
Tôi lặng người nhìn bức hình Tuệ Sỹ, vẫn gương mặt xương xẩu, vẫn đôi má lỏm sâu, vẫn cặp mắt rực sáng, vẫn gầy còm, chỉ là tóc đã bạc màu, y vàng nghiêm trang, kính cẩn cầm ba nén hương to, quì trước bàn thờ với bức ảnh hiền từ với nụ cười an lạc của Ôn.
13 Tháng Tám 2014(Xem: 6108)
Mãi đến tận giờ, có lẽ ít người ngờ rằng Hòa thượng Thích Minh Châu ngoài phong cách một học giả có văn phong cổ kính, nghiêm túc và khô khan nhất trong làng Phật giáo Việt Nam, còn là một ngòi bút tân kỳ và thơ mộng đáng bậc thầy của không riêng Phật giáo. Tác phẩm Trước Sự Nô Lệ Của Con Người, xuất bản giữa thập niên 1960 đã chứng minh điều đó.
13 Tháng Tám 2014(Xem: 5937)
Tưởng niệm giác linh Người,/ Hỡi ôi! / Kính quý thay! / Bi xót thay! / Sinh diệt tợ đốm hoa / Sắc không như ánh chớp / Đám mây trắng ngàn năm ly hợp / Cõi bụi hồng muôn kiếp tụ tan / Hậu học sa-môn thương tiếc, bàng hoàng / Tứ chúng đoanh vây, trái tim lệ chảy / Lẽ vô thường xót đau ba cõi / Luật hữu vi băng giá một trời
12 Tháng Tám 2014(Xem: 9920)
Nhưng Thầy ơi, như Thầy đã biết, con thích nhất cây chuối khi nó luôn mọc thẳng , và khá vững vàng nên người đời cứ cưởng chuối có thân cây thật, trong khi "thân" chuối là một "thân giả". Thân giả này là bài học cho con quý giá vô cùng về tính không, nhất là mỗi khi con tụng kinh Bát nhã. Ôi chuối vi diệu quá Thầy nhỉ.
15 Tháng Năm 2014(Xem: 9092)
Chiến tranh càng ngày càng trở nên ác liệt, tất cả những đau khổ lớn nhất của nhân loại đã xảy ra tại quê hương của chúng ta, và hôm nay, giữa lòng đau đớn khôn cùng của đất nước, đấng Thế Tôn lại ra đời, như một vì sao Mai vụt hiện trên vùng tối đen của mặt đất thê lương này.
01 Tháng Giêng 2014(Xem: 8084)
Từ 13/3 đến 28/3/1994, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã tổ chức một đoàn chiêm bái các Phật tích tại Ấn Độ, gồm 19 người, do cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu làm Trưởng đoàn, cố Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu làm Phó đoàn, với Ban Thư ký gồm Hòa thượng Thích Giác Toàn và Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn. Chuyến đi được Hòa thượng Thích Chơn Thiện lúc ấy đang chuẩn bị trình luận án tiến sĩ Phật học tại Ấn Độ giúp sắp xếp các việc cần thiết và đề xuất kế hoạch, lộ trình chi tiết.