Tưởng Niệm Thầy Thích Trí Tịnh

09 Tháng Tư 201400:00(Xem: 5981)



thanhkinhtuongniem_daillaohaothuong_1

TƯỞNG NIỆM THẦY THÍCH TRÍ TỊNH
Nguyên Giác

thich_tri_tinh_001Trong trí nhớ mơ hồ, tôi có nhiều kỷ niệm với Thầy Thích Trí Tịnh. Nói cho chính xác, tôi chưa từng gặp Thầy, chưa từng trực tiếp diện kiến, thậm chí cũng chưa từng đứng từ xa nhìn về Thầy. Nhưng những gì Thầy viết, tôi có cơ duyên đọc nhiều, đọc từ cả những khi chưa hiểu gì về Phật Pháp, và dĩ nhiên là đã nghe tụng đọc nhiều lần bên tai. Bất kể rằng, tôi chưa bao giờ tụng kinh giỏi như nhiều người khác, và nếu không có cuốn kinh trước mặt thì cũng không thể nào nghe tụng rõ từng chữ được. Nhưng tên của Thầy vẫn luôn ở trong lòng tôi.

Ngắn gọn, do những cơ duyên cảm nhận từ rất xa xưa, tôi đã nghe kinh Phật, và khi lớn lên là đọc kinh Phật, y hệt như những dòng nhạc dị thường, những dòng nhạc ngấm vào toàn thân. Đã có nhiều thập niên tôi vẫn không hiểu trọn nghĩa kinh Phật, thực sự không hiểu – và tự thấy rằng, y như nghe những dòng nhạc hòa tấu, không thể hiểu hết tại sao phải có nét nhạc vươn cao, rồi xuống thấp. Nhưng kinh Phật tuyệt vời hơn nhạc thính phòng nhiều, đó là điều tôi nghiệm ra bằng toàn thân mình: những âm thanh từ dòng kinh Phật ngấm vào da thịt mình mát rượi, một cảm giác rất mực bình an.

*

Thầy Thích Trí Tịnh là người đã dịch ra rất nhiều kinh Phật, có lẽ là vị Thầy dịch kinh Bắc Tông ra Việt ngữ nhiều nhất, và các kinh này được các chùa Việt Nam đọc tụng nhiều nhất.

Khi nghe tin Thầy viên tịch vào ngày 28-3-2014, tôi nhớ ra những kiểng chùa Sài Gòn, một thời thơ ấu tôi đã tới thăm, tới ngồi nghỉ chân, và có nơi có rất nhiều kỷ niệm như Chùa Xá Lợi -- nơi tôi và rất nhiều cậu học trò đã vào ngồi miệt mài nhiều năm để học thi.

Trong trí nhớ của tôi vẫn còn in hình những cuốn kinh có bìa cứng màu đỏ, nằm trang trọng trên các giá gỗ và các Phật Tử ngôì mở từng trang ra tụng kinh.

Trí nhớ tôi vẫn hiển hiện nhiều hình ảnh, từ ngôi chùa rất nhỏ như Viên Thông Tự ở đường hẻm Nguyễn Thông nối dài, chánh điện trên lầu chỉ ngồi chừng mươi người là chật, cho tới ngôi chùa Quang Minh Tự ở một hẻm nhỏ Phú Nhuận, cho tới ngôi chùa thật lớn như Chùa Xá Lợi nằm nhìn qua trường Gia Long, và cho tới Tây Tạng Tự (ở Bình Dương), nơi tôi và nhiều bạn hữu Nhóm Triết đã gặp một vị Thầy rất mực dị thường.

Tôi nhớ màu đỏ bìa kinh, nằm hàng dãy trên các giá gỗ, lặng im – tôi thích giây phút lặng im trước khi tụng kinh, khi chưa ai ngồi vào chỗ. Sau này nghiệm ra, tôi hiểu vì sao thời nhỏ mình ưa thích lắng nghe giây phút trước khi âm thanh khởi lên. Giây phút trước khi kinh Phật được tụng đọc... Giây phút trước khi lời của Đức Phật được xương minh... Đó là những giây phút tự chiêm nghiệm tâm mình, trước khi chữ được tụng đọc, trước khi cảnh hiện ra – và dù trước hay sau gì, cũng là tự nhìn vào tâm mình. Có những lúc hạnh phúc vô ngần, khi nghe tụng đọc kinh và thấy lòng mình vắng bặt như không hề có âm thanh nào khởi lên quanh mình.

Tên của Thầy Thích Trí Tịnh hiện lên ở hầu hết các kinh sách trong chùa. Và do vậy, gắn liền với trí nhớ của tôi.

*

Sau này, lên bậc Đại học, tôi đọc nhiều bản dịch Kinh Nam Tông do Thầy Thích Minh Châu dịch. Thỉnh thoảng, được biết có những cuộc thảo luận về vấn đề Kinh Nam Tông, Kinh Bắc Tông. Dĩ nhiên là hai Thầy – Thích Minh Châu và Thích Trí Tịnh – như dường là hai thế giới khác nhau. Nói theo kiểu truyện xưa, hai Thầy là hai đỉnh núi khác nhau, hai cõi khác nhau. Có thể nào kinh Phật được diễn ra bằng chữ nghĩa hệt như ở hai phương trời cách biệt như thế?

Hay phải chăng, Đức Phật đã từng nói, ta chưa hề nói một lời nào trong 49 năm? Hay nói như thế chỉ như một ẩn dụ, vì thực sự Đức Phật tuy vẫn đang đi đứng nằm ngồi nhưng vẫn chưa bao giờ rời khỏi chánh định?

Như thế, vào nhà Phật, nên vào cửa Bắc, hay cửa Nam? Tôi có cơ duyên với Bắc Tông từ nhỏ.

Để nhắc lại một kỷ niệm. Tôi vẫn còn nhớ rằng đó là lần đầu, và cũng là lần duy nhất cho tới giờ, bước vào ngôi Chùa Từ Ân ở Chợ Lớn. Lúc đó là một ngày cuối tuần, có thể là Chủ Nhật. Phật Tử đi lại đông đảo trong chùa. Họ hầu hết là người Hoa; tôi nhận thấy điều này qua khuôn mặt, qua cách cầm nhang đốt rồi đưa vào các tháp giữa sân. Tôi tới Chùa Từ Ân lúc đó là khoảng năm 1979 hay 1980, để tìm mua một bản Việt dịch của Trung Phong Bổn Thiền Sư, hay là Trung Phong Bổn Ngữ Lục chi đó. Tôi cũng không nhớ ai đã bảo tôi tới Chùa này tìm một cuốn sách, mà người đó đã nói là rất quan trọng cho người muốn học Thiền. Đó cũng là lần đầu tiên tôi nghe đến tên Thiền Sư Trung Phong Bổn.

Tôi hỏi và được chỉ lên lầu ba. Và nơi đó, tôi được trao cho một ấn bản photocopy. Hành lang lầu ba rất hẹp, người đi lại cũng đông. Cầm sách xong, tôi về ngay. Tôi về đọc ngấu nghiến ngay trong ngày, và chỉ hiểu mơ mơ màng màng, nghĩa là không hiểu nổi. Rồi cũng quên ngay, bây giờ không nhớ nổi người dịch ra Việt Ngữ là ai; nhưng cảm giác ngây ngất vẫn tin rằng ngôn ngữ đó là sự thật, là pháp nhà Phật, là pháp Thiền Tông tuyệt vời. Lúc đó, cả nước đang một thời kỳ cực kỳ căng thẳng và đói kém. Nhiều năm sau, mới biết người dịch là Thầy Thích Duy Lực; và rồi tôi cũng có nhiều cơ duyên gần vị Thầy này, những khi Thầy về ở Quận Cam.

*

Bây giờ, cả ba vị Thầy – Thích Minh Châu, Thích Trí Tịnh, Thích Duy Lực -- đều đã viên tịch.

Sang Hoa Kỳ, tôi đọc lại nhiều kinh luận -- cả Nam Tông, Bắc Tông và Thiền Tông -- bằng Anh ngữ. Nhìn lại mới thấy tuyệt vời. Và cả ba vị Thầy đều tuyệt vời trong cách riêng của họ.

Có nhiều bản văn tưởng rất là khó, nhưng khi đọc bản Anh văn mới thấy dễ dàng, in hình tương hợp như chữ của Kinh, của chư Tổ là lưu xuất tự tâm của tôi. Cũng có thể, vì mình cũng đã trải qua nhiều năm tu học, hay cũng có thể vì nghiệp của mình đã nhẹ bớt chăng...

Còn như tất cả quý Thầy, những dị biệt cũng có thể xem như chỉ là vì tùy sở thích, tủy cơ duyên...

Căn bản, thực sự quý Thầy nhìn về Phật pháp không hể khác nhau gì hết. Quý Thầy chỉ làm ra vẻ là khác nhau thôi. Bởi vì, tất cả các pháp đều được quý Thầy quy về tâm.

*

Thí dụ, Thầy Thích Minh Châu trong bản dịch Kinh Pháp Cú, khởi đầu là 2 đoạn:

1. Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; Nếu với ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe, chân vật kéo .

2. Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; Nếu với ý thanh tịnh, nói lên hay hành động, an lạc bước theo sau, như bóng, không rời hình . 

Đó là tuyệt vời: tâm mở ra khắp cả các pháp, khắp cả thế giới.

Nhưng làm thế nào để tâm ý, lời nói, hành động đều thanh tịnh?

Thầy Thích Minh Châu, trong Kinh Phật Tự Thuyết (link: http://dieungu.org/D_1-2_2-69_4-1191/kinh-phat-tu-thuyet-udana-muc-luc.html) đã ghi lời Đức Phật dạy cho ngài

Bàhiya Darucìriya tu tập:

“Vậy này Bàhiya, ngươi cần phải học tập như sau: “Trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri... Như vậy, này Bàhiya, nhà ngươi cần phải học tập. Vì rằng, này Bàhiya, như với ngươi, trong thấy chỉ là cái thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe, trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng, trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bàhiya, ngươi không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bàhiya ngươi không là chỗ ấy. Do vậy, này Bàhiya, ngươi không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.” (Kinh I, 10)...” (hết trích)

Nghĩa là, đừng chấp vào các pháp ở thế gian, chĩ nên quán sát rằng tất cả các pháp chỉ là hiển lộ của cái thấy, cái nghe, cái thọ tưởng, cái thức tri... Và không hề có cái ngã nào thực sự hết, vì thế gian biến hiện vô thường hệt như cuốn phim hiện ra cho tâm chúng ta thấy nghe, thọ tưởng, thức tri... Và cái “ngươi” đó không ở chặng nào hết, vì đều là vô ngã.

Tôi không thấy lời dạy trên có cái gì gọi là Nam hay Bắc Tông, hay Thiền Tông... vì pháp này xuyên suốt tất cả các pháp.

*

Trong khi đó, Thầy Thích Trí Tịnh dạy những gì? Căn bản cũng hướng về tâm: Thầy dạy quán vô thường, đừng khởi tâm tham luyến cảnh, đừng để phiền não tham sân khởi, tỉnh biết như thế si mê sẽ giảm, căn bản là Giới Định Huệ... Đúng vậy, Thầy Thích Trí Tịnh đã dạy như thế.

Trong cuốn Hương Sen Vạn Đức (Phần 1 -- link: http://dieungu.org/D_1-2_2-44_4-5481_5-50_6-1_17-43_14-2_15-2/#nl_detail_bookmark), Thầy Thích Trí Tịnh dạy:

“...Đức Phật dạy phải luôn quán vô thường: “Thân này vô thường, cảnh vật vô thường”. Biết được thân vô thường phải ráng lo tinh tấn tu hành, chớ bỏ ngày tháng trôi qua. Nhờ thấy cảnh vật vô thường, không nên có sự tham luyến, cũng không nên khởi những vọng niệm phiền não. Tất cả đều nhớ quán vô thường, từ chỗ thân vô thường thì cố gắng tinh tấn tu hành, đối với cảnh thì không có tham luyến và trái ý, nhờ vậy tham sân cũng không khởi. Biết được mấy điều đó, si mê cũng lần lần ít đi, thiện căn công đức mỗi ngày mỗi tăng, đó là mình mỗi ngày mỗi bước tiến trên con đường giác ngộ giải thoát.” (Ngày Khánh Tuế 17/07 năm Ất Dậu, 21/08/2005)

Hay là:

“...Căn bản của sụ tu hành là Giới, Định, Huệ. Từ nơi Giới hạnh được tinh nghiêm mà tâm tĩnh lặng. Tâm được tĩnh lặng thì trần lao phiền não không chi phối được. Do được tĩnh lặng đó mà phát sanh ra Định. Và từ nơi Định mới sanh ra Huệ. Huệ này do có Định mới phát, chớ không phải do tạo tác mà thành. Nếu do tạo tác thì đó chỉ là phân biệt hơn thua, phải quấy, hay dở. Và đó chỉ là ở trong vòng sanh tử mà thôi. Huệ từ nơi Định sanh, Huệ đó mới là giác, là giải thoát. Người đời không biết quý trọng nơi sự giải thoát mà chỉ lo làm cho mạnh thêm cái phân biệt hay dở nên không quan tâm gì đến Giới Định Huệ. Tu pháp môn Trì danh niệm Phật cũng là cách đạt được Định và Huệ.” (Mùng 01 Tết năm Bính Tuất, 2006)

*

Trong khi đó, Thầy Thích Duy Lực trong Duy Lực Ngữ Lục quyển Thượng (link: http://dieungu.org/D_1-2_2-44_4-17617_5-50_6-1_17-24_14-2_15-2/#nl_detail_bookmark) nói rằng:

"Tổ sư có bốn câu kệ nói về vấn đề huyễn:

Nhược nhơn kiến huyễn bổn lai chơn,

Thị tắc danh vi kiến Phật nhơn.

Viên thông pháp pháp vô sanh diệt,

Vô diệt vô sanh thị Phật thân.

- Ý nói nếu người nào thấy huyễn vốn là chơn, thì người ấy gọi là thấy Phật. Theo viên thông tự tánh thì pháp vô sanh diệt, vô diệt vô sanh là pháp thân của Phật, của mình. Còn theo ngài Khuê Phong thì còn sanh diệt, diệt sanh diệt rồi mới hết sanh diệt. Về thiền môn thì chẳng có sanh diệt để diệt, như tôi thường thí dụ, do vọng tâm của mình hoạt động ngày đêm không ngừng nên thấy có sanh tử luân hồi, đến khi vọng tâm ngưng rồi thì sanh tử ngưng và thấy cứu cánh Niết bàn."(hết trích)

Bốn câu kệ này không khác gì bài Kinh Bàhiya được Thầy Thích Minh Châu dẫn trên.

Quý thầy Thiền Tông nói, hễ thấy huyễn vốn là chơn thì là thấy Phật.

Trong bài Kinh Bàhiya chỉ rằng, các pháp biến hiện trước mắt, bên tai, trong thọ tưởng, hiển lộ qua thức tri... y hệt như ciné, như phim ảnh, như kịch diễn... nhưng cái thấy nghe thọ tưởng thức tri vẫn bất động, vẫn không sanh diệt... 

Cái thấy, cái nghe vốn vô hình, vô tướng. Chúng ta chỉ có thể thấy cái được thấy, chỉ có thể nghe cái được nghe. Nghĩa là, thấy cảnh mới biết là có tâm, vì tâm vốn vô tướng, không hình dạng. Tâm biến hiện ra khắp cảnh, ra khắp âm thanh... y hệt như tấm gương trong trẻo, hiện ra khắp cảnh, nhưng không cảnh nào lưu ở tâm này, ở tấm gương này. Hễ có hình ảnh nào, hay có âm thanh nào dính vào tấm gương trong trẻo đó, tức là tâm tham luyến khởi lên, là lại sinh tử luân hồi.

Cho nên, bài kệ dẫn trong Duy Lực Ngữ Lục nói, hễ thấy huyễn vốn là chơn, tức là thấy vô tướng, tức là giảỉ thoát.

Và pháp tu Đức Phật dạy cho ngài Bàhiya là:

“Thế này, Bahiya, ông nên tu tập thế này: Trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy; trong cái được nghe sẽ chỉ là cái được nghe; trong cái được thọ tưởng sẽ chỉ là cái được thọ tưởng; trong cái được thức tri sẽ chỉ là cái được thức tri.’ Cứ thế mà tu tập đi, Bahiya.

“Khi với ông, này Bahiya, trong cái được thấy chỉ là cái được thấy… [nhẫn tới]… trong cái được thức tri chỉ là cái được thức tri, thì rồi Bahiya, ông sẽ không là ‘với đó.’ Này Bahiya, khi ông không là ‘với đó,’ thì rồi Bahiya, ông sẽ không là ‘trong đó.’ Này Bahiya, khi ông không ‘trong đó,’ thì rồi Bahiya, ông sẽ không ở nơi này, cũng không ở nơi kia, cũng không ở chặng giữa. Thế này, chỉ thế này, là đoạn tận khổ đau.” (Bài Pháp Khẩn Cấp: http://dieungu.org/D_1-2_2-108_4-15168/bai-phap-khan-cap-bahiya-sutta.html)

*

Đức Phật chỉ dạy một pháp là Giới Định Huệ, để trừ tham sân si. Nhưng khi tiếp cận khắp các thành phần dân chúng, từ già trẻ nam nữ, từ người trí thức uyên bác cho tới người ít chữ... Đức Phật có cách giảỉ thích nhiều khi khác nhau. Nhưng tất cả đều quy về tâm. Tất cả các vị Thầy cũng thế.

Tôi mang ơn Thầy Thích Trí Tịnh quá nhiều. Thầy là hình ảnh những cuốn kinh bìa đỏ, đặt trên giá gỗ chờ đọc tụng.Những cuốn kinh lặng lẽ, chờ Phật Tử mở ra từng trang.

Vài năm sau 1975, tôi đã nhìn thấy một bà cụ ngồi nơi chính điện một ngôi chùa nhỏ, mở một cuốn kinh ra, tụng đọc một mình. Lúc đó, vị sư trụ trì nói là đi vắng một chút, và dặn sẽ về ngay. Tôi ngồi ở một góc chùa, chờ bà cụ. Và chờ vị sư.

Bà cụ tụng đọc, rồi có lúc, giọng nghẹn lại, và rồi nước mắt ràn rụa chảy – trên một quyển kinh do Thầy Thích Trí Tịnh dịch.

Hình ảnh đó tôi không bao giờ quên được.



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn