Nghĩ Về Đại Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2014

06 Tháng Mười Một 201300:00(Xem: 8009)




vesak_2014_banner_final

NGHĨ VỀ ĐẠI LỄ VESAK LIÊN HIỆP QUỐC 2014 
Nguyên Giác

412dd8cc-068f-4581-95f3-31fc1ebbe98e-contentTheo các thông tin được phổ biến, Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ 11 sẽ tổ chức tại Chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam, từ ngày 7 tới ngày 12-5-2014. Ủy ban Điều hành Quốc tế Ngày Vesak LHQ tại Thái Lan (ICDV) đã trao quyền đăng cai tổ chức trong năm 2014 cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN).

Như thế, đây là lần đầu tiên GHPGVN đứng ra tổ chức một sự kiện có tầm vóc quốc tế. Việc tổ chức như thế sẽ theo một trình tự thế nào, và diễn biến có sẽ thành công tới mức độ nào sẽ còn tùy thuộc sự đóng góp của tứ chúng.

*

Theo tin trên báo Giác Ngộ ngày 7-10-2013, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức tại Việt Nam là HT.Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, đương vị trú trì chùa Bái Đính (Ninh Bình).

Bản tin báo Giác Ngộ viết:

"Chủ đề chính của Đại lễ đã được xác định là: “Phật giáo góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc”. Được biết, ngoài 5 diễn đàn Anh ngữ triển khai nội dung của chủ đề chính, sẽ có thêm diễn đàn tiếng Việt dành cho các học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam.

Địa điểm là chùa Bái Đính (Ninh Bình), thời gian từ 9 đến 12-5-2014.

TT.Thích Đức Thiện, Phó Tổng Thư ký HĐTS kiêm Chánh Văn phòng I TƯGH đã trình bày khảo sát sơ bộ về cơ sở vật chất là chùa Bái Đính và dự kiến về tài chánh cho công tác tổ chức sự kiện này. Với điều kiện cũng như mong muốn của Chính phủ và của tỉnh Ninh Bình là vận động UNESCO công nhận quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Thiên nhiên thế giới, và tính đặc thù của quần thể danh thắng Tràng An, việc tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2014 tại chùa Bái Đính tin tưởng sẽ hoành tráng và phong phú - Thượng tọa cho biết.

Tại phiên họp, đại diện doanh nghiệp tài trợ cho sự kiện này, ông Nguyễn Xuân Trường (Tập đoàn Xuân Trường) trình bày về tiến độ thi công các công trình phục vụ cho Đại lễ, ông cũng cam đoan doanh nghiệp Xuân Trường sẽ cúng dường toàn bộ chi phí tổ chức (ước chừng 40 tỷ đồng)." (hết trích)

*

Như thế, thời gian không còn nhiều nữa. Công việc tất nhiên đòi hỏi một nguồn nhân lực khổng lồ. 

Về diễn đàn tiếng Việt cho các học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam thì không có gì phức tạp, vì các hội nghị tiếng Việt từ lâu đã tổ chức tại Việt Nam.

Nhưng còn “5 diễn đàn Anh ngữ triển khai nội dung của chủ đề chính” thì cực kỳ phức tạp. Chỉ nói tới viết bài bằng Anh ngữ cũng là cả vấn đề, huống gì là nói, thuyết trình, thảo luận bằng Anh ngữ cho cả 5 diễn đàn...

Nếu không mời gọi tham dự từ các tăng ni hải ngoại, tất nhiên 5 diễn đàn thảo luận bằng Anh ngữ này sẽ trở ngại. Vì ngay cả một giáo sư Phật Tử dạy Anh ngữ ở một trường đại học VN cũng không chắc đã có trình độ Phật học, và giả sử vị này có trình độ Phật học cũng không chắc đã viết được và nói bằng Anh ngữ vấn đề cực kỳ phức tạp như “Phật giáo góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc.” Vì chủ đề naỳ, viết và nói bằng Việt ngữ cũng phải mất nhiều công sức.

Thực tế, tăng ni hải ngoại có khả năng viết và thuyết trình bằng Anh ngữ ở trình độ thảo luận quốc tế cũng không nhiều, và những vị có khả năng chưa chắc đã có thể thu xếp thời gian về tham dự.

*

Trong khi đó, tiến trình tổ chức Đại Lễ Vesak 2014 cũng không thâý nhiều chi tiết được phổ biến.

Một bài viết trên báo Giác Ngộ ngày 14-10-2013 tựa đề “Hướng về Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2014” của Thầy Thích Giác Toàn chủ yếu là lời kêu gọi, trong đó đoạn cuối là khuyến tấn:

“... Hướng đến Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ 11 và lần thứ hai được tổ chức tại Việt Nam tháng 5-2014, mỗi Tăng Ni, Phật tử Việt Nam chúng ta, mỗi cơ sở Phật giáo hãy tinh tấn nỗ lực làm thêm nhiều thiện sự, nhiều hoạt động hơn nữa nhằm xây dựng cuộc đời hiền đẹp hơn, ứng dụng Phật pháp cuộc sống nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình, cho cộng đồng, để cúng dường lên Đức Thế Tôn nhân Ngày Vesak Liên Hiệp Quốc - Ngày thế giới ngợi ca và tôn vinh Ngài.” (hết trích)

Độc giả không thấy và không biết gì về hoạt động tổ chức tới đâu. Cũng không rõ Phật Tử từ các tỉnh thành sẽ góp sức như thế nào cho Đại Lễ Vesak. Có vẻ như đây là chuyện của cấp cao nhất trong GHPGVN và Chùa Bái Đính – như dường không liên hệ gì tới các cấp tỉnh thành, dĩ nhiên trừ tỉnh Ninh Bình.

*

Một bản tin ngày 4-11-2013 trên trang Phật Tử VN có tựa đề “Thông báo: Kêu gọi đóng góp bài viết tham luận cho “Hội thảo Khoa học và Đại lễ Phật Đản 2014”...” ghi lại Thông Báo của Ban Hướng Dẫn Phật Tử Trung Ương, ký tên Thượng Tọa Thích Chơn Không.

Nội dung là lời mời gọi “Đóng góp bài viết tham luận cho Hội thảo khoa học và Đại Lễ Phật Đản LHQ lần thứ 11 – 2014.”

Thắc mắc đầu tiên là cách dùng chữ “khoa học” trong nhóm chữ “Hội thảo khoa học.” Có gì bí ẩn trong cách dùng chữ “khoa học” ở đây không? Hay chỉ là cách dùng chữ theo thói quen đời thường và thực sự không liên hệ gì tới toán học, vật lý, hóa học, y khoa, thiên văn, vân vân? Hay là ám chỉ có những cuộc “hội thảo phi khoa học” nào (thí dụ, hội thảo ngoại cảm...)? Hay chữ “khoa học” là muốn nói cụ thể về nghĩa gì đó của “phát triển thiên niên kỷ” trong chủ đề? Bản văn không giảỉ thích cụ thể.

Thông Báo này viết, trích phần nội dung chính:

“...Hướng đến Đại lễ Phật đản LHQ lần thứ 11 – 2014, hòa chung niềm vui với Tăng Ni và Phật tử trên toàn thế giới, lần thứ hai Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam lại được vinh dự đăng cai tổ chức “Hội thảo khoa học và Đại Lễ Phật Đản LHQ 2014” tại Chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình với chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ”. Đây là niềm danh dự lớn lao cho Phật giáo nước nhà.

Với tinh thần tất cả dành cho ngày Đại lễ Phật đản, thực hiện lời kêu gọi của HĐTS GHPGVN và Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Phật đản LHQ lần thứ 11 – 2014 về việc tổ chức “Hội thảo khoa học và Đại Lễ Phật Đản LHQ lần thứ 11 – 2014”

Nay Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương thông báo đến các thành viên Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương để tham gia đóng góp bài viết tham luận cho “Hội thảo Khoa học và Đại lễ Phật Đản 2014” tại Việt Nam, nhằm để xiển dương thông điệp từ bi, trí tuệ, hòa bình và các giá trị nhân văn cao quý mà Đức Thế tôn đã dạy.” (hết trích)

*

Khi đọc kỹ các thông tin trên, chúng ta cũng không thấy được tiến trình tổ chức đã phân công và đang thực hiện Đại Lễ Vesak 2014 tới đâu. 

Có một bản văn Anh ngữ phổ biến trên Thư Viện Hoa Sen (http://dieungu.org/D_1-2_2-64_4-19342_15-2/11th-united-nations-day-of-vesak-2014-call-for-academic-articles.html) tựa đề là “11th UNITED NATIONS DAY OF VESAK 2014 -- Call for Academic Articles” -- hiểu là, Đại Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ 11 vào năm 2014 mời góp bài viết có tính học thuật, nghiên cứu.

Bản Thư Mời Anh ngữ này ký tên hai vị đại tăng.

Đó là Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Bái Đính (Ninh Bình).

Và Hòa thượng Giáo sư Tiến sĩ Brahmapundit, Viện trưởng Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya University (ở Thái Lan), Chủ tịch Hội đồng Quốc tế Đại Lễ Vesak và là Chủ tịch Hội Quốc Tế Các Đại Học Phật Giáo (International Association of Buddhist Universities -- viết tắt IABU).

Bản văn Anh ngữ này cho biết dự kiến Đại Lễ Vesak 2014 sẽ có tham dự khoảng 10.000 người – trong đó có 1.500 lãnh đạo Phật giáo, học giả và hành giả Phật giáo từ nhiều truyền thống khắp thế giới, và khoảng 8.500 người từ Việt Nam.

Về tổ chức sẽ là phối hợp giữa IABU và Giáo Hội Phật Giáo VN.

Lời mời bằng Anh ngữ, nên sẽ được hiểu là cần bài viết bằng Anh ngữ, trong đó có 5 chủ đề hội thảo:

  1. Giải pháp Phật giáo đối với Phát triển Bền vững và Chuyển biến Xã hội;
  2. Giải pháp Phật giáo đối với Hâm nóng Toàn cầu và Bảo vệ Môi trường;
  3. Đóng góp của Phật giáo cho Đời sống Lành mạnh;
  4. Xây dựng Hòa bình và Hồi phục Hậu chiến;
  5. Giáo dục Phật giáo và Học khóa Bậc Đại học.

Thông Báo mời góp bài này cũng nói rằng các bài tiểu luận nhận được sẽ quyết định bởi một ủy ban lượng định học thuật (the academic peer-review committee) – nghĩa là, sẽ có các học giả trong ngành đọc và đánh giá bài tiểu luận trước khi quyết định cho in vào Kỷ yếu hay không, và cho trình bày trước Hội thảo (hiểu là: Hội thảo Khoa học) hay không.

Các bài viết được chọn in vào Kỷ yếu sẽ là các bài có các đặc tính sau:

- Liên hệ tới chủ đề;

- Tiếp cận với Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ LHQ;

- Nghiên cứu quan trọng trong nguồn tài liệu chính;

- Có đưa ra viễn kiến mới;

- Bố cục bài trong sáng;

- Văn phong dễ hiểu.

Như thế, có thể thấy rằng, viết bài bằng Anh ngữ cho Đại Lễ Vesak 2014 không dễ tí nào. Không chỉ có trình độ Phật học, mà còn cần văn phong sáng tỏ. Chỉ nêu một câu hỏi cũng thấy được tính cách bác học: có bao nhiêu vị tăng, ni, cư sĩ hiểu rõ về Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ LHQ? Khó là như thế. Nhưng sẽ rất là tuyệt vời, nếu hoàn tất được các mục tiêu như ý.

*

Đây là nan đề: thời giờ không còn nhiều. Bây giờ là tuần lễ đầu của tháng 11-2013, trong khi thời hạn nhận bài lại khá cận kề.

Trước tiên, người viết phải gửi về một trang tiểu sử, dài khoảng 250 từ. Dĩ nhiên, hiểu là viết bằng Anh ngữ. Tất cả đều viết trong Microsoft Word Files (.doc hay .docx).

Thứ nhì, phải gửi Bản Tóm Lược Nội Dung Tiểu Luận hạn chót là ngày 15-11-2013. Nghĩa là, chỉ còn chưa tới mười ngày nữa.

Bản Tóm Lược đó sẽ được duyệt bởi một Ủy Ban Lượng Định Học Thuật. Ủy Ban sẽ trả lời người viết hạn chót là ngày 30-11-2013.

Như thế, lịch trình gửi bài như sau:

- Thư Mời viết bài phổ biến ngày: 30-9-2013;

- Hạn chót nhận Bản Tóm Lược: 15-11-2013;

- Thông báo về chấp thuận nội dung bài viết hay không: 30-11-2013;

- Hạn chót nhận bài viết (dài khoảng 8-12 trang): 28-2-2014;

- Thư mời dự Hội nghị, gửi hạn chót là 7-3-2014.

*

Dĩ nhiên, chấp nhận Bản Tóm Lược không có nghĩa là sẽ chấp nhận bài viết để in Kỷ yếu hay bài để thuyết trình. 

Bản Tóm Lược và bài viết chính thức nên gửi về Thượng Tọa Thích Nhật Từ, Tổng Thư Ký Ủy Ban Biên Tập, ở điạ chỉ:icdv2014conference@gmail.com

Cũng cần nhắc rằng, Thầy Thích Nhật Từ cũng có kinh nghiệm tổ chức, vì từng là Tổng thư ký Ủy ban Tổ chức quốc tế của Đại lễ Phật đản LHQ 2008. Lúc đó, Bản Tổ Chức đã thỉnh mời được trên 550 phái đoàn Phật giáo quốc tế đến từ 78 quốc gia và khu vực tham dự, một trong mười sự kiện lớn nhất của quốc gia, đồng thời một hiện tượng lịch sử chưa từng có đối lễ Việt Nam, vượt xa Thái Lan về số quốc gia tham dự (năm 2007, Thái Lan chỉ mời được 64 nước).

Điều cần suy nghĩ: năm 2008 có góp sức từ phái đoàn của Thiền Sư Nhất Hạnh, trong đó gồm tăng ni cư sĩ nhiều quốc tịch. Nhiều người từ Làng Mai đã về Việt Nam từ nhiều tháng, mở trang web, trang blog để làm nơi liên lạc, phổ biến thông tin, sắp xếp các khóa tu... Trong khi Đại Lễ Vesak 2014 có lẽ sẽ không có sự hỗ trợ này. Thực tế, nhiều phái đoàn Phật giáo quốc tế từ nhiều nước tới dự Vesak 2008 chính là các tăng thân địa phương trong hệ thống Làng Mai.

Thêm nữa, năm 2008 là chính thức nhà nước VN đăng cai tổ chức, với sự hỗ trợ của Uỷ ban Tổ chức Quốc tế (IOC) và GHPGVN. Nghĩa là, có hỗ trợ từ các Bộ, Sở...

Trong khi Đại Lễ Vesak 2014 có lẽ các cấp địa phương tích cực nhất sẽ là tỉnh Ninh Bình và Sở Du Lịch Ninh Bình. Vì hưởng lợi nhiều nhất sẽ là cư dân địa phương, với hy vọng mưa tiền quốc tế sẽ đổ vào khu vực Chùa Bái Đính và các nơi gần đó -- đặc biệt là các cơ sở kinh doanh như tiệm ăn, khách sạn, vận chuyển, vân vân...

*

Điều để suy nghĩ bây giờ là, hiện nay chưa thấy trang web riêng cho Đại Lễ Vesak 2014. Hay có thể, đang thiết kế trang web này chưa xong, nên chưa thông báo?

Đaị Lễ Vesak 2008 có trang web riêng ở địa chỉ http://www.vesakday2008.com -- và trang này đã “viên tịch” từ lâu rồi, sau khi hoàn thành nhiệm vụ cực kỳ xuất sắc.

Làm trang web cho Đại Lễ Vesak 2014 sẽ đòi hỏi nhiều công sức -- kể cả trình độ Phật học và Anh ngữ. Vì trang web tất nhiên phải có hai ngôn ngữ: Việt ngữ và Anh ngữ.

Nếu công việc dồn dập, tràn ngập, chúng ta có thể đoán là sẽ có đề nghị làm trang phụ từ các trang web Giáo hội đã có sẵn. Nhưng cũng sẽ bất tiện trăm bề, vì công việc biên tập phần Anh ngữ cho trang web Đại Lễ Vesak sẽ đòi hỏi một nhóm nhân sự khác.

Thí dụ, để nói về khối lượng công việc, chúng ta có thể hình dung riêng về việc nhận và gửi email. Người nhận email cho trang web của Đại Lễ Vesak 2014 sẽ cần có trình độ đa ngôn ngữ, vì email gửi tới có thể sẽ viết bằng tiếng Việt, thế này là dễ; nhưng rồi sẽ có nhiều email viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Hoa... Các vị sư có trình độ có hể đọc email đa ngôn ngữ dễ dàng, nhưng viết trả lời sẽ rất là khó và mất thì giờ.

Đó là chưa nói chuyện tiếp đón, hướng dẫn, trả lời điện thoại bằng tiếng Anh, tiếng Pháp...

Đại Lễ Vesak 2008 làm được chuyện này dễ dàng vì có nhiều người Việt, Pháp, Mỹ... từ Làng Mai về giúp. Và Vesak 2008 ở Hà Nội còn được chính phủ kêu gọi các sinh viên Đại Học Ngoại Ngữ Hà Nội hỗ trợ. Nhưng Vesak 2014 có thể chỉ được giúp từ cấp tỉnh Ninh Bình...

Như thế, sẽ cần nhiều người có khả năng và trình độ để tổ chức Vesak 2014.

*

Vấn đề tổ chức và vận chuyển cũng là vấn đề. Nếu không khéo, sẽ làm hỏng mục tiêu “phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.” Hãy hình dung, nhiều ngàn người bước qua những bãi cỏ ở Ninh Bình. Nếu hạ tầng không cung ứng đầy đủ, sẽ là thảm họa cho môi trường.

Do vậy, cần sự tham dự của rất nhiều người dân.

Câu hỏi nữa, chúng ta không thấy Giáo hội gửi lời mời các giới trí thức Việt Nam góp bài?

Vì bản văn Anh ngữ (ký tên HT Thích Thanh Nhiễu) được hiểu là lời mời viết bài bằng Anh ngữ.

Trong khi Thông Báo của Ban Hướng Dẫn Phật Tử Trung Ướng (ký tên TT Thích Chơn Không) được hiểu là chỉ gửi cho một số rất ít người. Bản Thông Báo Số: 177 /TB-BHDPT, ký tên TT Thích Chơn Không chỉ đề: “Kính gửi: Chư Tôn đức và Cư sĩ thành viên Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương”...

Như thế, chỉ mời các vị đó thôi sao? Ban Hướng dẫn có bao nhiêu người, và bao nhiêu vị sẵn lòng viết bài? Có thể hiểu, Thông Báo đó thuần túy nội bộ cho Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương.

Tại sao không có Thư Mời từ GHPGVN gửi chung khắp tất cả các giới trí thức, văn nghệ sĩ... để xin viết bài cho Vesak 2014?

*

Xin đề nghị các việc sau để dễ thực hiện Đại Lễ Vesak 2014.

- nên lập trang web song ngữ Anh-Việt cho Vesak 2014, với ban biên tập có đủ trình độ tin học và ngoại ngữ; Ban biên tập sẽ giúp làm Kỷ yếu tiếng Anh, tiếng Việt và tuyển tập văn học nghệ thuật, nếu có;

- nên có một ban liên lạc, có thể cần vài vị sư có trình độ đa ngôn ngữ, đọc và trả lời các email bằng Anh ngữ, Pháp ngữ... Đặc biệt, trình độ Phật học rất cần khi trả lời email vì sẽ đọc và viết nhiều từ ngữ chuyên môn nhà Phật. Có thể sẽ phải nghe điện thoại và trả lời điện thoại bằng ngoại ngữ;

- nên mời nhiều thành phần trí thức, nhà văn, nhà báo, sinh viên... viết bài, chủ đề đa dạng về Phật học, về dân tộc, về mục tiêu thiên niên kỷ, về hoằng pháp, về tu học, vân vân. Có thể đón nhận thêm bài viết của học sinh trung học, cả tiểu học để đăng lên trang web. Các cuốn Kỷ yếu bằng Việt ngữ, nếu có thể in, nên chia các bài viết theo lứa tuổi, trình độ...

- nên thực hiện vài khóa tu trong các ngày Vesak 2014 tại Chùa Bái Đính. Mỗi khóa tu chỉ cần kéo dài 3 hay 4 tiếng đồng hồ, tức là trong một buổi, chủ yếu hướng dẫn thiền toạ (ngồi) và thiền hành (đi bộ). Mục đích, để giới thiệu về Thiền Tông Việt Nam (vị sư hướng dẫn, nên nói cả tiếng Anh).

- nên thực hiện một khóa tu 3 tiếng đồng hồ về Tịnh Độ cho Phật Tử nào quan tâm, vì đây là pháp môn thích hợp với mọi lứa tuổi.

- nên mời tất cả các địa phương cùng tổ chức Vesak 2014 vừa tại điạ phương, trong khi thỉnh mời các viên chức du lịch và doanh nghiệp du lịch soạn chương trình đón Phật tử hành hương về Ninh Bình;

- nên tổ chức việc vận chuyển, đón người từ phi trường Hà Nội -- việc này, có lẽ các viên chức Ninh Bình có thể giúp, vì đây là cơ hội đưa ngôi chùa Bái Đính và hình ảnh tỉnh Ninh Bình lên trước tầm mắt quốc tế;

- nên tổ chức triển lãm văn hóa Việt, cả song ngữ Anh-Việt...

Nói chung, việc cần làm thì nhiều, nhưng thì giờ khẩn cấp, có lẽ không còn bao nhiêu.

Những dòng chữ này được viết để xin góp ý với lời chúc lành, xin cầu nguyện cho Đại Lễ Vesak 2014 thành tựu viên mãn.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
24 Tháng Mười 202113:34
Khách
https://bit.ly/films-dyuna-2021-goda-smotret-onlaine
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Sáu 2015(Xem: 9419)
12 Tháng Sáu 2015(Xem: 11889)
Đây là bài Diễn văn của Giáo sư Tiến sĩ Damien Keown trong Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc – lần thứ 12, tổ chức tại Thái Lan từ ngày 28 – 30 tháng 5 năm 2015 với chủ đề hội thảo “Phật giáo và Khủng hoảng Thế giới”
24 Tháng Năm 2015(Xem: 12059)
Bốn biển, năm châu thơm ngát hương trầm- Mừng Đản Sanh, bậc Xuất Trần Vô Thượng Sĩ- NGƯỜI đến từ huyền nhiệm, linh thiêng- Phúc lành vô khả tỷ- Rồi Xuất Gia, Đắc Đạo, Niết Bàn!
23 Tháng Sáu 2014(Xem: 10389)
Hiện tình Việt Nam là nguy cơ hơn bao giờ hết, vì về mặt nội trị có quá nhiều bất ổn và về mặt đối ngoại có quá nhiều tổn thương. Lý do chính là vì lãnh đạo đất nước đặt quyền lợi Trung Quốc và quyền lợi riêng lên trên quyền lợi của dân tộc. Mọi vấn đề hiện nay có thể sẽ được giải quyết được một phần nào khi có sự hiểu biết của toàn dân, đồng thuận chính trị, và quyết tâm chuyển hướng...
18 Tháng Sáu 2014(Xem: 12098)
Một trong những vị cao tăng của Úc, ngài Ajahn Brahm, được Việt Nam mời đọc tham luận về “ Bình Đẳng Giới và Trao Quyền cho Nữ Giới ” tại đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam vào tháng 5 , 2014. Thật không may là Ajahn Brahm đã không được phép trình bày bài tham luận này do một lệnh cấm từ Ban Tổ Chức UN Vesak áp đặt chỉ một ngày trước khi hội nghị bắt đầu.
16 Tháng Sáu 2014(Xem: 11802)
Tham luận “The Way to World Peace via an Integrated Kantian and Buddhist Perspective” được tác già trình bày tại Diễn Đàn Phật Giáo và Xây Dựng Hoà Bình Thế Giới, Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế Bái Đính, Ninh Bình ngày 9.5.2014 và in trong Buddhist Contribution to Global Peace Building,
25 Tháng Năm 2014(Xem: 7968)
Sau thành công của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2008, Ủy ban Tổ chức quốc tế (IOC) bao gồm đại diện của các truyền thống Phật giáo ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ...