Tường Thuật Tham Dự Hội Thảo Tại Đại Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2014

23 Tháng Sáu 201409:45(Xem: 11128)
TƯỜNG THUẬT THAM DỰ HỘI THẢO
TẠI ĐẠI LỄ VESAK LIÊN HIỆP QUỐC 2014
Đỗ kim Thêm

blankThành công của Đại lễ VESAK Liên Hiệp Quốc 2014 tại Việt Nam được các cơ quan truyền thông tường thuật khá đầy đủ, nhưng có một đề tài ít được nhắc tới là các buổi hội thảo khoa học của đại lễ này. Là người Việt duy nhất thuyết trình tại diễn đàn Phật giáo xây dựng hoà bình thế giới, là biên tập viên Anh ngữ cho các ấn phẩm khoa học và Bản Tuyên Bố Ninh Bình, tôi muốn nhân dịp này tường thuật những gì mà tôi tham gia với hy vọng sẽ là một đóng góp nhỏ và dĩ nhiên trong cái nhìn của một cộng tác viên đến từ bên ngoài.

Hội Thảo Tại Diễn Đàn Phật Giáo Xây Dựng Hoà Bình Thế Giới

Đề tài chính của hội thảo là Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc và gồm có năm đề tài phụ:

1) Hồi ứng của Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội

2) Hồi ứng của Phật giáo đối với hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường

3) Đóng góp của Phật giáo về lối sống lành mạnh

4) Xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu mâu thuẫn

5) Giáo dục Phật giáo và chương trình cấp đại học

Các đóng góp của các học giả được Ủy Ban Hội Thảo tuyển lựa và in thành sách phát hành ngay trong đại lễ. Đây là một điểm son nếu so với thông lệ, vì thường thì tài liệu được in sau khi hội thảo kết thúc và cần thời gian để biên tập các proceedings và đúc kết thành những khuyến cáo của Ban Tổ chức. Ủy Ban Hội Thảo làm việc khác hơn là mời các tác giả đến để báo cáo thành quả và năm diễn đàn sẽ thảo luận chung các chuyên đề.

Diễn đàn 4 Xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu mâu thuẫn có 22 tác giả trình bày các chuyên đề mà các chi tiết đặc sắc của từng đề tài không thể nêu lên trong bài này, nhưng có thể phân loại chung thành hai lĩnh vực là khảo hướng lý thuyết về hoà bình theo quan điểm của Phật giáo và kinh nghiệm thực tế và phân tích theo từng quốc gia. Tựu chung, mỗi tác giả theo một chuyên đề và không có cách tiếp cận trùng lắp. Trước khi tham dự hội luận, tôi phải đọc hết tất cả tham luận để hy vọng nắm bắt những gì sẽ được tác giả trình bày. Tôi hình dung các tham dự viên sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi chưa đọc trước các tham luận, mà trong một ngày làm việc khẩn trương thì không ai có thể nắm bắt được các vấn đề, dù với kỹ thuật slides hỗ trợ, và trong 15 phút thuyết trình viên cũng khó trình bày đầy đủ.

Con đường dẫn đến hoà bình thế giới qua sự kết hợp hai quan điểm của Immanuel Kant và Phật giáo là tiểu luận Anh ngữ của tôi với 13.700 chữ được Ủy Ban Hội Thảo tuyển chọn và xếp loại thuộc diễn đàn 4 và được phép trình bày toát yếu trong buổi chiều ngày 9.5.2014.

Diễn đàn 4 thu hút đông đảo cử toạ, vì hội thảo xãy diễn trong bối cảnh Trung Quốc vi phạm lãnh hải Việt Nam mà sự kiện HD 981 ảnh hưởng trực tiếp đến hoà bình khu vực. Các đề tài lý thuyết về hoà bình theo quan điểm Phật giáo được các tác giả trình bày buổi sáng thành công. Bước sang phần thảo luận chung thì không khí trở nên sôi động hơn, khi vấn đề vi phạm của Trung Quốc được một sư cô người Việt đặt ra và một vị sư cũng yêu cầu hội thảo phải có hướng đi thay vì nói chuyện lý thuyết mà cụ thể vấn đề là PGVN phải bày tỏ thái độ trong cơn nguy biến.

Ban Chủ toạ phản bác với lập luận là diễn đàn bàn về học thuật với chuyên đề chọn truớc, không có thẩm quyền giải quyết vấn đề chính trị với Trung Quốc. Sự thoái thác gây bất mãn cho các tham dự viên người Việt trong khi người ngoại quốc không lộ một băn khoăn nào đặc biệt. Một câu trả lời của Ban Chủ toạ mà tôi cho là không phù hợp là yêu cầu đừng hỏi chúng tôi vấn đề này mà hãy tìm hỏi người Trung Quốc.

Bản tham luận của tôi được bắt đầu vào buổi chiều. Mục đích của tôi là đề xuất một cuộc đối thoại giữa chuyên gia nghiên cứu về hoà bình giữa lĩnh vực Phật học và Luật học nhằm đạt đến một sự hợp tác có ý nghĩa hơn. Trong khi hợp tác thể chế đem lại nhiều lợi điểm cho việc tăng cường hiệu năng của luật pháp, thì hiểu biết về nhân tính theo quan điểm của Phật giáo lại càng thiết yếu hơn trong lĩnh vực giáo dục hoà bình. Muốn đạt thành quả này, một khảo hướng liên ngành hoà bình theo triết học của Kant và Phật giáo là một ý kiến mới của tôi. Tôi trình bày lý tưởng này và dùng phương cách tiếp cận tổng hợp làm định hình cho các nhu cầu nghiên cứu trong tương lai.

IMG_5826_964278295Phần khởi đầu, tôi trình bày về ý nghĩa của hoà bình. Phần hai giới thiệu khái quát về nội dung tác phẩm “Hướng Về Một Nền Hoà Bình Vĩnh Cữu - Một Sơ Thảo Triết Học“ của Kant. Phần ba tóm lược quan điểm của Phật giáo về hòa bình, đặc biệt nhất là nguyên nhân sử dụng bạo lực và phương cách Lục Hoà để giải quyết. Để kết thúc, tôi kết hợp hai khảo hướng và định hình một khuôn mẫu giá trị mới cho việc nghiên cứu hòa bình thế giới. Nếu hai lĩnh vực kết hợp được nhau, thì khảo hướng này sẽ mang đến những biện pháp bất bạo động và tinh thần trọng pháp để giải quyết các tranh chấp, bất kể bắt nguồn từ đâu, giữa các cá nhân, đoàn thể xã hội hay các chính quyền.

Về nội dung, Kant đã giới thiệu những nguyên tắc thuộc về luật học, triết học, chính trị học và quan hệ quốc tế để giải quyết các tranh chấp quốc nội và hợp tác quốc tế. Kant đặt lại mối quan hệ giữa luật hiến pháp và luật quốc tế, quy định phạm vi áp dụng luật ngoại kiều, giải giới quân đội, tránh nợ công, xác định sự hoà hợp giữa đạo đức và chính trị, phân biệt tính cưỡng chế của thiên nhiên và luật pháp, nâng cao vai trò tư vấn của giới trí thức và cổ vũ tinh thần thượng tôn luật pháp. Áng văn kinh điển này không những có giá trị khai sáng học thuật trong hoàn cảnh châu Âu trước đây mà còn là cẩm nang cho các chính khách hậu thế vì tính thời sự. Viễn kiến của Kant đã là khởi điểm cho các cải cách như thành lập Hội Quốc Liên và gia tăng hiệu năng Liên Hiệp Quốc. Hiện nay khảo luận này trở thành chủ đề cho nhiều sách luận giải và nghiên cứu hậu đại học khắp nơi trên thế giới.

Đối với trường hợp Việt Nam, Kant đề ra một khảo hướng thực tiễn để đem lại hoà bình và thịnh vượng cho đất nước. Thay đổi hiến pháp dân chủ, nâng cao đạo đức, tôn trọng trí thức và pháp luật, thực thi nhân quyền và dân quyền và bảo vệ thiên nhiên là định hướng của Kant. Với nỗ lực của nhiều thế hệ chúng ta sẽ đạt được một phần nào những mục tiêu cao cả mà Kant soi sáng. Đối với người Việt, luận đề này là mơ ước hoang tưởng, nên tôi không hy vọng là sẽ thu hút, nhất là trong tình hình nguy kịch hiện nay.

Trước khi tôi phát biểu, Thầy Nhật Từ có đến ân cần dặn tôi là nên đề cao vai trò luật pháp trong việc tranh chấp hiện nay với Trung Quốc và chính luật pháp mới đem lại hoà bình cho khu vực. Vì là thuyết trình viên người Việt duy nhất trong diễn đàn này tôi nên nhấn mạnh vai trò luật quốc tế.

Tôi trả lời là sẽ nói thật cô động là Phật giáo sẽ là nguồn lực quan trọng đóng góp cho hoà bình khu vực, nhưng vấn đề chính là PGVN phải tích cực hơn trong việc nhận chân các vấn đề sôi bỏng của thời cuộc và cần bày tỏ lập trường. Kinh nghiệm của cuộc thảo luận buổi sáng cho biết là tôi không thể nào chờ đợi một quan điểm chính trị đột phá nào của Ban Tổ chức trong hiện tình này.

Trong 10 phút đầu tôi nói về ý nghiã hoà bình trong bối cảnh chính trị thế giới hiện nay và điều kiện tái lập hoà bình theo quan điểm luật pháp của Kant. Tôi tóm tắt các điều kiện sơ bộ và chung quyết cho một hoà ước. Tôi nhấn mạnh vai trò luật quốc tế trong hoà giải tranh chấp, tinh thần thượng tôn luật pháp theo luật hiến pháp sẽ là nền tảng cho hoà bình. Đúng như tôi suy đoán, cử toạ không quan tâm đặt biệt về luật quốc tế và triết học Kant, vì nội dung vừa cô động và xa lạ trong tư duy của các học giả Phật học, mà thực ra tôi không có khả năng diễn đạt dễ hiểu hơn.

Ban Chủ toạ cho tôi biết là chỉ còn 5 phút và không thể kéo dài. Tôi buộc phải bỏ phần lý thuyết về sử dụng bạo lực và giải pháp hoà bình theo nguyên tắc Lục Hoà của Phật giáo mà đi vào kết luận về tinh thần nhập thế của Phật giáo trước hiện tình bất ổn của thế giới. Tôi kêu gọi Tăng giới nên ý thức vai trò luật pháp để giải quyết tranh chấp quốc gia và quốc tế. Nguyên tắc Lục Hoà chỉ có thể áp dụng trong một phạm vi nhỏ của tu viện hay một Tăng đoàn, không cho quy mô xã hội hiện đại. Ý thức thượng tôn luật pháp của Kant là khởi điểm để giải quyết và Tăng giới sẽ đem lại hiệu ứng khi tác động hơn trong các phương cách giáo dục hoà bình cho Phật tử. Nghĩ gì và làm gì trong hoàn cảnh hiện nay như tại Việt Nam tôi không thể suy đoán, mà cần thiết nhất có sự hợp tác của Luật giới và Tăng giới. Khi tôi kết luận với cổ vũ này, thì không khí cử toạ sôi động hơn so với trước.

Tiếp theo là phần trình bày của các thuyết trình viên khác. Hai đề tài Chủ nghiả khủng bố không phải là tội ác toàn cầu của Dr. Jacon W. Buganga và Kinh nghiệm của Sri Lanka về vai trò giáo dục về hoà bình của Dr. Mahina Deengalo gây nhiều thu hút. Tôi quan tâm đến chuyên đề Sri Lanka hơn vì dù bối cảnh xung đột dị biệt, nhưng PGVN có thể học tinh thần nhập thế và phong trào cải cách xã hội của PG Sri Lanka. Tôi đã dịch đề tài này của Peter Harvey. Vì thời lượng không cho phép mà kinh nghiệm Sri Lanka không thảo luận nhiều như đề tài khủng bố tại châu Phi.

Sau khi các chuyên đề đã được trình bày xong là đến giờ thảo luận chung, không khí trở lại căng thẳng hơn buổi sáng. Khởi đầu có một tham dự viên người Việt phát biểu bằng tiếng Việt trước sự ngạc nhiên của cử toạ, vì đây là diễn đàn Anh ngữ. Tôi không thể xác định là vị này không có khả năng Anh ngữ hay vì quá bức xúc mà dùng tiếng Việt cho an toàn. Tôi xúc động trước lời phát biểu chân tình này dù khá dài dòng, nhưng không gì khác hơn là kêu gọi người Việt và Phật giáo phải ý thức sự an nguy của đất nước và phải có hành động cụ thể. Một vị sư khác dịch lại cho cử toạ ngoại quốc hiểu. Lối dịch hoả tốc này dù không đạt chuẩn mực nhưng làm xoa dịu không khí buổi hội thảo. Trong khi người Việt đang nôn nóng tìm hiểu về quan điểm thì Ban Tổ chức trả lời là PGVN sẽ tìm cách liên lạc và đối thoại với PG Trung Quốc để giải quyết vấn đề, và không có cách nào khác hơn.

Tôi tự nhủ là chính quyền VN còn chưa tìm ra một đối sách nào cho thích hợp, thì làm sao PGVN có thể đối thoại với PGTQ, vốn dĩ không có nguồn lực giúp cho VN. Trong khi chính quyền TQ biết rõ những gì họ làm trong việc xâm lăng VN, từ thị trường lao động, thực phẩm, biên giới và biển đảo, chính quyền VN không hề có một đối sách nào để thu phục dân chúng và tìm lại chính danh. PGVN đâu có nguồn lực nào giải quyết vấn đề, mà chủ yếu là cũng chưa bày tỏ một thái độ chính trị kiên quyết.

Trước không khí căng thẳng của buổi hội thảo, Ban Tổ chức long trọng tuyên bố là ở đây chúng ta không có quyền nói chuyện chính trị TQ và phải tuân thủ theo chương trình hội thảo đã quy định. Với lời lẽ khá cương quyết của vị này làm cho cử toạ người Việt không thoải mái trong khi cử toạ ngoại quốc phản ứng khá dè dặt.

Tham luận của tôi được một vị sư người Campuchea đưa ra thảo luận. Ông đồng tình lời cổ vũ của tôi nhưng không hy vọng sẽ gây tác động nào trong thực tế. Tôi trả lời là không đem lại một giải pháp cụ thể nào, chỉ đề ra một phương cách định hình cho các nhu cầu nghiên cứu khác trong tương lai. Điều tôi hy vọng duy nhất là Tăng giới tác động nhiều hơn trong vai trò giáo dục hoà bình và hoà bình là do tinh thần thượng tôn luật pháp. Sự hợp tác của Luật giới và Tăng giới là bước đầu. Tinh thần khai sáng của Kant và tinh thần tự đốt đuốc soi đường và bất bạo động của Đức Phật thì đã rõ, vấn đề kết hợp trong hoàn cảnh cụ thể là chuyện tôi không thể thảo luận sâu rộng hơn.

Lời giải thích của tôi được cử toạ tán đồng gây ngạc nhiên cho Ban Chủ toạ. Tôi đoán là để tránh kéo dài, Ban Chủ toạ đột nhiên cho tôi 3 phút bình luận cuối cùng và ba phút làm một statement. Tôi chuyển sang hai chủ đề quan trọng của đất nuớc mà tôi quan tâm là tu chỉnh Hiến pháp và xung đột với Trung Quốc.

Tôi nói là hoàn toàn thất vọng về Hiến pháp hiện nay của Việt Nam. Điều này tôi đã viết trên các tạp chí Anh ngữ rồi nên không thể lập lại ở đây, nhưng sai lầm lớn nhất của PGVN là hoàn im lặng trước một vấn đề luật pháp quan trọng cho đất nước và chính cho PGVN. Nhưng trước hiện tình nguy cơ của đất nước, PGVN nên nhập thế hơn và có lập trường riêng của mình.

Trong phần statement tôi lập lại một đoạn liên hệ đến Việt Nam trong tham luận của tôi. Xin trích lại nguyên văn ở đây:

Hiện tình Việt Nam là nguy cơ hơn bao giờ hết, vì về mặt nội trị có quá nhiều bất ổn và về mặt đối ngoại có quá nhiều tổn thương. Lý do chính là vì lãnh đạo đất nước đặt quyền lợi Trung Quốc và quyền lợi riêng lên trên quyền lợi của dân tộc. Mọi vấn đề hiện nay có thể sẽ được giải quyết được một phần nào khi có sự hiểu biết của toàn dân, đồng thuận chính trị, và quyết tâm chuyển hướng. Bang giao Trung-Việt ổn định sẽ hỗ trợ cho hoà bình và thịnh vượng. Nhưng sự hợp tác về một chính sách ngoại giao tương kính là bất khả thi, trừ khi nào Trung Quốc công nhận Việt Nam là một người bạn đối tác đích thực bình đẳng, và dĩ nhiên không phải chỉ bằng ngôn ngữ ngoại giao bóng bẩy như hiện nay.

Phật giáo làm được gì trong tiến trình này tôi không biết được. Chủ yếu là Phật giáo sẽ nhập thế hơn để giúp người dân tìm lại nguyện vọng trung thực, khởi động một trào lưu nhận thức chung về tinh thần bất bạo động và giúp lãnh đạo chuyển hóa chính trị trong an hoà.

Khi cử toạ tán thưởng tôi thở phào vì đã chấm dứt nhiệm vụ của một thuyết trình viên và đã nói hết những suy nghĩ của mình. Khi giờ thảo luận chung chấm dứt có một số tham dự viên trao đổi với tôi các vấn đề mà thời lượng trên diễn đàn không cho phép. Tôi xin tóm tắt một số ý chính.

Một vị sư nói PGVN không có chuyên gia hiểu luật quốc tế và luật quốc nội, họ làm việc trong tinh thần hợp tác với Ban Tôn giáo chính phủ và theo Nghị Quyết chính trị nên không có vấn đề như tôi đề ra. Tôi trả lời đó chính là đặc thù mà PGVN cần cải thiện nếu muốn theo kịp trình độ tổ chức và phát triển thể chế trong thời kỳ mới. Tôi không rõ hoạt động và điều hành cơ chế của PGVN, nhất là hoạt động của Tiểu Ban Pháp Chế, nên không có ý kiến. Tôi không hề chờ đợi PGVN hay các nước chậm tiến có thể có nhiều chuyên gia hiểu về Luật Quốc tế và trực tiếp can thiệp các xung đột và giúp việc thương thuyết hay ký hoà ước. Nhiệm vụ chính của Tăng giới là hoằng pháp, giúp cho Phật tử hiểu nhiều hơn về giá trị của luật pháp trong việc giải quyết tranh chấp xã hội.

Tôi nói khi đề cử chư tôn đức làm Đại biểu Quốc hội là một nghịch lý và cần phải cải tổ. Nhiệm vụ chính của ĐBQH là lập pháp và đó không phải là khả năng của Tăng giới. Tại sao chư tôn đức chứng minh tiến trình lập pháp, phải nghe một dự thảo luật liên quan đến luật WTO hay môi sinh hay luật bồi thường, thì rõ là không có tác dụng. Một vị sư trả lời đó là vấn đề cơ chế, ĐBQH là một chức danh có tính cách chứng minh theo nghi lễ và có nhiều quyền lợi vật chất hơn là đòi hỏi kỹ năng lập pháp và lập quy.

Còn chuyện làm việc theo Nghị Quyết, tôi giải thích Nghị Quyết không phải là một cơ sơ pháp lý có hiệu lực ràng buộc bất cứ ai, vì lẽ Nghị Quyết nằm trên và ngoài hệ thống pháp luật. Sống và làm việc theo ánh sáng của Nghị Quyết là một khẩu hiệu vô nghĩa và không thể gọi là tuân thủ theo tinh thần thượng tôn pháp luật của trào lưu hiện nay. Đó là vấn đề pháp chế mà PGVN cần can đảm hơn để đặt ra thảo luận và tìm giải pháp.

Một vị trong Mặt Trận Tổ Quốc cho tôi biết là hiện nay không là thời điểm thích hợp để nói chuyện hoà bình quốc tế mà PGVN đóng góp cụ thể trước hành vi xâm lăng của Trung Quốc. Một cư sĩ trẻ có yêu cầu là tôi nên nghiên cứu vấn đề giúp cho Giáo hội trong tiến trình này. Tôi trả lời cụ thể nhất là các luật sư Phật tử tại Việt Nam nên làm một mạng lưới nghiệp vụ thiện nguyện để theo dõi tiến trình lập pháp và tham mưu cho chư tôn đức trong vấn đề pháp chế và chính trị. Hy vọng trong sự hợp tác này mà PGVN sẽ tìm ra một cơ chế pháp lý thích hợp. Tôi chợt nhớ đến vụ Tu Viện Bát Nhã của Thiền Sư Nhất Hạnh mà hỏi lại là có cơ chế thiện nguyện nào đứng ra bảo vệ khi quyền tự do tín nguỡng Phật tử hay Tăng Đoàn bị vi phạm không. Vị này trả lời là không rõ.

Sau đó tôi thảo luận với các tăng sĩ ngoại quốc về các vấn đề sự suy tàn của PG tại các nước châu Á. Họ cho tôi biết cảm nghĩ về hiện tình PGVN. Tôi rất ngạc nhiên là cả các vị này, dù mới đến Việt Nam lần đầu, nhưng có nhiều nhận xét tinh tế. Câu chuyện kéo dài trong chi tiết, nên tôi xin hẹn thảo luận tiếp ở khách sạn.

Tóm lại, hội luận tại diễn đàn 4 thành công tốt đẹp. 22 chuyên đề được các tác giả đúc kết khá ngắn gọn nên cũng gây thích thú cho cử toạ. Thành công của diễn đàn có hạn chế nhất định, vì trong một ngày làm việc khẩn truơng, tham dự viên không thể đào sâu hơn các nội dung vì lẽ thời lượng phát biểu quá ít và tình hình tranh chấp với Trung Quốc đang là vấn đề thời sự. Ban Chủ toạ làm việc rất chuyên nghiệp dù có phải ứng phó với những tình huống không thoải mái.

Tuyên Bố Ninh Bình 2014

Tuyên Bố Ninh Bình 2014 của Đại lễ là một một thành công vượt bực của Ban Tổ Chức và có nhiều lý do giải thích.

Trước hết là về mặt hình thức và ngôn ngữ. So với tất cả các Tuyên cáo của tất các Đại lễ VESAK trước đây, kể cả tại Việt Nam 2008, Tuyên Bố Ninh Bình dánh dấu một sự khác biệt. Theo thông lệ, Tuyên bố không gì khác hơn là một thông cáo báo chí giúp cho các cơ quan truyền thông hiểu rõ diễn tiến hội nghị và kết quả. Các Tuyên bố trước đây không gây một tiếng vang nào đáng kể, vì không nêu lên đặc điểm về những thành tựu của từng hội nghị. Các quyết tâm kết uớc tuân thủ (commitments) phát huy giáo pháp không thu hút công luận vì lập đi lập lại theo sáo ngữ ngoại giao và tôn giáo. Bằng một văn phong kết hợp theo hai cách executive summary và recommendation của từng chuyên đề của các hội thảo khoa học, Tuyên bố Ninh Bình 2014 đã biểu lộ một sinh khí tác động mới đến nội dung kết ước mà Ban Tổ chức muốn truyền đạt cho công luận thế giới.

Về mặt nội dung, Ban Tổ chức đã dựa trên kết quả của hội thảo khoa học để chứng minh Phật giáo sẽ là nguồn lực phụ thuộc cho tiến trình thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ. Trong thời kỳ cực biến động do hậu quả của toàn cầu hoá mang lại nên BTC thiết tha kêu gọi LHQ và các định chế quốc tế tìm cách đưa nguồn lực PG vào trong các chương trình nghị sự tương lai để giải quyết các vấn đề cải thiện xã hội, thay đổi môi sinh, tăng cường giáo dục, xây dựng hòa bình và nâng cao các biện pháp y tế công cộng. Đây là một thái độ nhập thế với nội dung cụ thể và tích cực mà tất cả các Tuyên bố VESAK trước đây chưa hề đạt được. Nhưng nổi bật nhất trong lần này là PG công khai trình bày quan điểm chính trị về vấn đề tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.

Điều 3.2 của Tuyên bố ghi rõ quan điểm chính trị mà Phật tử đang mong đợi. So với thái độ kiên quyết của Ban Chủ toạ trong ngày hội luận thì đối với tôi, đây là một chuyển biến đột phá, vì tôi không biết lập trường này mà chấp bút, và vào giờ chót do một cộng tác viên khác biên soạn.

Dù không ai có thể tiên đoán được ảnh hưởng của Tuyên bố Ninh Bình trong tầm vóc quốc tế, nhưng ít nhất qua phản ảnh của các cơ quan truyền thông quốc nội, thì đây là lần đầu tiên Tuyên bố diễn đạt thái độ chính trị hiếu hoà và tôn trọng luật pháp của PGVN, lòng mong mỏi sống chung hoà bình dù trong tinh thế đang bị xâm lăng. Tất cả Phật tử tỏ ra hài lòng với Tuyên bố Ninh Bình 2014 này, đó chính là điểm thành công cho Đại lễ VESAK.

Ấn Phẩm Khoa Học

Phật tử người Việt không quan tâm đến các ấn phẩm khoa học bằng Anh ngữ của Đại lễ VESAK 2014 là chuyện dể hiểu. Có nhiều lý do giải thích cho vấn đề này, một là ngôn ngữ, hai là thành phần tham dự và ba là nội dung chuyên đề thiếu tác dụng thiết thực cho hoàn cảnh quốc nội.

Dù không ai có thể đi sâu vào phê phán các nội dung chuyên đề, nhưng nếu nhìn trên quan điểm về nghiên cứu học thuật, thì đây là lần đầu tiên Việt Nam có những ấn phẩm khoa học mang tầm vóc quốc tế, ít nhất về phong cách nghiên cứu và trình bày.

Hình thức trình bày các ấn phẩm khoa học của Đại lễ VESAK không thua một Handbook của bất cứ một đại học danh tiếng nào trên thế giới như Oxford University Press hay Yale University Press. Đây là một nỗ lực to lớn mà Hội Đồng Hội Thảo vì đã làm việc trong thời gian kỷ lục tối thiểu, đặc biệt nỗ lực chăm sóc các ấn phẩm này của hai vị Tổng Biên Tập là Tiến Sĩ Thích Đức Thiện và Tiến Sĩ Thích Nhật Từ. Dĩ nhiên đây cũng là một hãnh diện chung cho tất cả các cộng sự viên cho các tuyển tập này.

Sự thành công này cũng có những giới hạn nhất định, vì hầu hết các đóng góp cho các ấn phẩm này do các học giả ngoại quốc, tỷ lệ người Việt tham gia còn quá khiêm tốn. Điểm qua nội dung từng diễn dàn một thì thấy điểm yếu kém này. Diễn đàn 1 không có người Việt nào trong 26 đề tài, diễn đàn 2 chiếm tỷ lệ 4/17, diễn đàn 3 có tỷ lệ 6/27, diễn đàn 4 là 1/23 và diễn đàn 5 là 2/22. Về nội dung, cũng phải công nhận là thành qủa khoa học cũng không liên hệ đến bối cảnh xã hội Việt Nam, nên cũng không rút ra nhiều kinh nghiệm bổ ích.

Tựu chung, trong hoàn cảnh tụt hậu về nghiên cứu hàn lâm tại Việt Nam hiện nay, các ấn phẩm khoa học của Đại lễ VESAK 2014 mang lại là một chuẩn mực mới mà các cơ quan nghiên cứu khác, dù mục tiêu theo đuổi có dị biệt, cũng nên quan tâm đến các hình thức của các ấn phẩm này, để định hình cho các công trình trong tương lai.

Đề Nghị

Trước những thành công vượt bực mà Đại lễ VESAK 2014 đem lại, tôi muốn đề nghị Ban Tổ Chức nên phát huy thành quả và tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo những vấn đề thuộc phạm vi quốc nội để bổ sung cho thành quả quốc tế của VESAK.

Đề tài chính của hội thảo tương lai là Vai trò Phật giáo trong việc thực hiện mục tiêu chuyển hoá an hoà cho Việt Nam. Hội thảo này gồm có một số các đề tài phụ, tạm thời chia ra như sau

1) Phật giáo và phát triển bền vững để thay đổi xã hội

2) Phật giáo và bảo vệ môi trường

3) Phật giáo và lối sống lành mạnh

4) Phật giáo và tiến trình hoà giải dân tộc

5) Cải cách giáo dục Phật giáo trong khuôn khổ giáo dục quốc gia

6) Thống nhất tổ chức và cải cách pháp chế cho Phật giáo

Đây là những chuyên đề thuần Việt dành cho các học giả và chư tôn đức đóng góp tham luận, thủ tục làm việc sẽ giống như VESAK. Riêng đối với các học giả quốc tế, nên tổ chức một hội luận Anh ngữ với chuyên đề kinh nghiệm quốc tế. Họ sẽ được mời trình bày các nghiên cứu đối chiếu theo các chuyên đề nêu trên.

Tôi tin là đề tài 4 và 6 sẽ cực kỳ thu hút vì đã đến lúc hoà giải chính trị và thống nhất PG tại Việt Nam là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Dù giáo lý từ bi hỷ xả đã có sằn và tinh thần Phật Pháp còn tiềm tàng trong lòng dân tộc, nhưng Phật giáo còn quá nhiều khó khăn trong việc phát huy nguồn lực này để phục vụ đạo pháp và dân tộc. Những dị biệt quan điểm của các tổ chức Phật giáo quốc doanh, không quốc doanh, trong nước và hải ngoại là những trở lực chính. Đến nay những nỗ lực hoà giải đều thất bại. Nếu phân hoá này còn tiếp tục kéo dài thì Phật giáo sẽ không thể đóng góp vào sự nghiệp hoà giải chính trị.

Khác với kinh nghiệm quốc tế về hòa giải hậu xung đột, Việt Nam khởi đầu tiến trình hoà giải chính trị bằng Nghị Quyết, một quyết định chính trị một chiều để nhằm thu hút tài năng trí tuệ và đóng góp tài chánh và không có sư tương thuận của người thua cuộc. Nghị Quyết không có một khuôn khổ pháp luật làm nền tảng và tinh thần đạo đức dân tộc làm nội dung. Thành tựu của hoà giải loại này không đem lại niềm tin cho các thế hệ trực tiếp tham chiến. Với thời gian họ sẽ lần lượt ra đi, nhu cầu hoà giải vẫn còn, nhưng tác hại nhất các thế hệ nối tiếp sẽ không thể đảm nhận và đủ khả năng giải quyết. Đã đến lúc vấn đề này cần đặt ra và mà hoà giải theo tinh thần PG là lý thuyết cơ bản và luật pháp là phương tiện.

Lời Tri Ân

Chuyến đi để lại trong tôi một ký ức sâu đậm và đạt thành ước nguyện. Tôi xin nhân dịp này cảm tạ Ban Tổ Chức và Uỷ Ban Hội Thảo đã cho phép tôi có cơ hội thuyết trình và học hỏi thêm về lĩnh vực nghiên cứu hoà bình. Tôi cũng xin tri ân Thượng tọa Tiến Sĩ Thích Nhật Từ, Phó Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ 2014, đã tín nhiệm giao phó cho tôi phần biên tập Anh ngữ các ấn phẩm khoa học và soạn thảo Tuyên Bố Ninh Bình để tôi có một cơ hội đóng góp khiêm tốn cho Đại lễ.

Đặc biệt nhất là gia đình anh Đỗ Xuân Khương, trưởng tộc họ Đỗ, Gia Viễn, Ninh Bình, gia đình em Đinh Văn Đáng (Hà Nội) và Đinh Văn Viết (Ninh Bình) tạo điều kiện cho tôi thăm viếng từ đường họ Đỗ, mộ phần tổ tiên và gặp được tất cả thân nhân. Gia đình em Nguyễn Thanh Bạch (An Giang), nhiệt tình giúp tôi trong việc thăm viếng mộ phần song thân và tất cả thân nhân. Cuối cùng là Đỗ Tuyết Mai và Đỗ Xuân Mai đã hỗ trợ tinh thần và giúp tôi mọi thứ cần thiết cho chuyến đi. Xin tất cả nhận nơi đây lòng biết ơn của tôi về sự giúp đở chân tình này.

Bài liên quan

Con Đường Dẫn Đến Hoà Bình Thế Giới Qua Sự Kết Hợp Hai Quan Điểm Của Immanuel Kant và Phật giáo

Kinh Nghiệm Quốc Tế Về Vai Trò Của Luật Pháp Trong Tiến Trình Hoà Giải Dân Tộc- Neil J. Kritz

Lý Thuyết Đạo Đức Cho Hoà Giải Chính trị - Colleen Murphy

Trở về mục lục
Đại Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2014

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Năm 2014(Xem: 6489)
Vượt hàng trăm km để tới sự kiện khai mạc Đại lễ Vesak LHQ 2014 nhưng nhiều PV không được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan, lại phải tác nghiệp qua màn hình ở trung tâm báo chí của Đại lễ - đặt cách hội trường chính, nơi diễn ra buổi lễ đến 200m, trong điều kiện đi lại khó khăn, lên xuống các bậc thang cao ngất và không sơ đồ hướng dẫn. Đây là một ấn tượng không đẹp - theo nhận định của tất cả phóng viên đồng nghiệp - Ảnh: CTV
19 Tháng Năm 2014(Xem: 8614)
17 Tháng Năm 2014(Xem: 9024)
Từ quan điểm chủ quan hay khách quan,sự an lạc của con người là nhu cầu cơ bản của xã hội loài người .Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, các tổ chức và thể chế xã hội khác nhau đã xuất hiện với mục tiêu duy trì sự sống của nhân loại trong tinh thần hòa hợp. Nhiều đóng góp đã được thực hiện nhằmcủng cố và phát triển them phúc lợi cho xã hội loài người.
14 Tháng Năm 2014(Xem: 6488)