Cho Trọn Niềm Vui Trong Mùa Vu Lan Tkn Thích Nữ Chân Liễu

19 Tháng Tám 201200:00(Xem: 60938)

tuyentapvulan-03

CHO TRỌN NIỀM VUI TRONG MÙA VU LAN
TKN Thích Nữ Chân Liễu

hoahongdoƯớc rằng đóa hoa màu hồng thắm đều cùng được cài lên áo tất cả các bạn, không phân biệt, vì Cha Mẹ của tôi và Cha Mẹ của bạn luôn luôn hiện hữu. Đó là ý nghĩa: “Cho Trọn Niềm Vui Trong Mùa Vu Lan”.

Đại Lễ Vu Lan hằng năm được tổ chức trang nghiêm trong các Tự Viện khắp nơi nơi. Những tà áo đủ màu, vàng, nâu, lam, hân hoan rộn ràng sánh vai cùng lo trang hoàng cho ngày lễ báo hiếu thiêng liêng. Một sự kiện quan trọng hơn hết của buổi lễ, là nhắc nhở con người ý thức sâu sắc trong tình Cha nghĩa Mẹ bảy đời, không phải chỉ Cha Mẹ một đời hiện tiền mà thôi. 

Ý nghĩa hướng về tâm từ bi của đạo Phật, sau giây phút trang trọng của Lễ Vu Lan, phần cài hoa hồng trên áo, cùng nghĩa với sự tôn vinh hai đấng sanh thành, còn là “Ngày Cha Mẹ”. Sâu thẳm trong tâm của mỗi người con chí hiếu, như có tiếng gọi thâm tình và lòng báo ân, báo hiếu kỳ diệu, nhiệm mầu.

Văn hóa Phật giáo luôn chú trọng đến đời sống tâm linh. Đạo đi vào đời bằng những việc thiện lành đơn giản, như hoa hồng cài trên áo, nhưng có năng lượng hữu ích thiết thực vô cùng. Những người con Phật thấm nhuần giáo lý từ bi của Đức Phật, thì tất cả đều nên được, có quyền được cài đóa “Hoa Màu Hồng”. Tại sao? - Vì ai cũng có bảy đời Cha Mẹ, dù còn sống hay đã mất, Cha Mẹ là những đóa hoa màu hồng, tươi thắm đẹp vô ngần, và luôn được trân quí trong suốt phần đời bên các con.

Con người trên thế gian, tuy khác nhau về màu da, dân tộc, quốc tịch, tôn giáo, sang hèn hay đẳng cấp cao thấp, nhưng đều từ Cha Mẹ sanh ra. Ngày qua, năm tháng trôi đi, có người còn đủ hai đấng sanh thành, có người mất Cha, người thì mất Mẹ, cũng có những mãnh đời bất hạnh mồ côi cả Cha lẫn Mẹ. Tuy sống trong hoàn cảnh khác nhau, nhưng không ai vui được khi nhận hoa màu trắng, ngậm ngùi, buồn tủi, tiếc thương, hối hận. Đã là hoa hồng, thì hãy luôn là màu hồng tươi thắm. Ý nghĩa nầy chính là tình thương Cha Mẹ trong các con, mãi mãi không bao giờ mất.

Đạo hiếu trong Phật giáo là một nền đạo đức chân thật, tự trong thâm tâm, không phải ở hình tướng bên ngoài. Tùy theo hoàn cảnh và trình độ hiểu biết mà thực hiện sự hiếu dưỡng cha mẹ đúng hay sai. Người tu theo lời Phật dạy, tin vào nhân quả, nghiệp báo, luân hồi và sự tái sanh, hiểu rằng những người sống xung quanh, nhiều đời kiếp đã từng là Cha, là Mẹ, là anh chị em của mình.

Khi tâm phân biệt, đố kỵ, thù oán, hơn thua, tham vọng, ích kỷ, riêng tư, không còn nữa, con người sẽ có tình yêu thương bao la không có giới hạn, suy nghĩ cho người nhiều hơn cho mình, thì tâm đã gần giống Tâm Chư Phật lắm rồi.

Trong kinh Vu Lan Bồn, với cử chỉ hành động đầy lòng từ bi khiêm tốn và đức độ bình đẳng, tình thương cảm rất tế nhị của Đức Phật được diễn tả trong đoạn kinh sau đây:

 Đáo bán lộ rành rành mắt thấy
 Núi xương khô bỏ đấy lâu đời
 Thế Tôn bèn vội đến nơi
 Lạy liền ba lạy rồi rơi giọt hồng
 Đức A Nan tủi lòng ái ngại
 Chẳng hiểu sao Phật lạy đống xương
 Vội vàng xin Phật dạy tường
 Thầy là Từ phụ ba phương bốn loài
 Ai ai cũng kính Thầy dường ấy
 Cớ sao Thầy lại lạy xương khô?
 Phật rằng: Trong các môn đồ
 Ông là đệ tử đứng đầu dày công
 Bởi chưa biết đục trong cho rõ
 Nên vì ngươi ta tỏ đuôi đầu
 Đống xương dồn dập bấy lâu
 Cho nên trong đó biết bao cốt hài
 Chắc cũng có ông bà cha mẹ
 Hoặc thân ta hoặc kẻ sanh ta
 Luân hồi sanh tử, tử sanh
 Lục thân đời trước thi hài còn đây.

Khi đọc tụng đoạn kinh trên, lắng tâm suy ngẫm cho thấy một hình ảnh chân thật, cao quí trong tâm lý hoằng pháp. Đức Phật đã chỉ dạy chúng sinh phá đi tâm ích kỷ, tâm chấp tướng, tâm phân biệt nặng nề, nên trải lòng thương tất cả chúng sanh với tâm bình đẳng tuyệt đối, không có nhân ngã. Dù còn sống hay đã thành xương trắng, những người sống trong luân hồi lục đạo nhiều đời kiếp, từng là thân bằng quyến thuộc với nhau.

Thông thường, con người dễ cảm nhận niềm vui riêng, bất chợt, vội cảm ơn hoa màu hồng trên áo, vì nhìn thấy có người phải tủi phận nhận hoa màu trắng. Tuy đó là niềm vui vi tế, không đáng trách, nhưng tâm từ bi chưa vẹn toàn. Tâm vị tha rộng rãi hơn, nên tự nhủ lòng rằng: “Ước rằng hoa màu hồng cùng cài lên áo tôi, và áo bạn, vì Cha Mẹ của chúng ta luôn luôn hiện hữu, cho niềm vui được trọn vẹn trong ngày Lễ Cha Mẹ thiêng liêng nhiều ý nghĩa”.

Có phải sau đó, niềm vui sẽ tăng lên gấp bội, một bông màu hồng cho anh, một bông màu hồng cho chị, một bông màu hồng cho em và một bông màu hồng cho tất cả những ai cũng có Cha Mẹ.

Bất luận người tu - xuất gia hay tại gia - đều có ý thức trách nhiệm, trong sự đền đáp ơn sanh thành dưỡng dục của Cha Mẹ, không chỉ một ngày Lễ Vu Lan mà thôi, mà ở mọi thời khắc, mọi hoàn cảnh đều thấy được cơ hội để báo hiếu. Sự an lạc của Cha Mẹ khi còn hiện tiền, hay đã khuất, đều có sự chiêu cảm cần thiết từ các con. Phẩm hạnh đạo đức các con càng cao, là niềm hạnh phúc, là quà tặng tâm linh cho Cha Mẹ, không vật chất nào có thể sánh bằng.

Đạo hiếu hạnh sáng suốt của người tu học Phật Pháp, có thể cảm hóa được Cha Mẹ hướng về Tam Bảo, học hiểu từ giáo lý Đức Phật sẽ giúp Cha Mẹ bỏ ác làm lành. Tâm chánh tín, chánh kiến và phước đức ngày càng thăng tiến, kết quả đem đến an lạc hạnh phúc hiện tiền, khi xả báo thân được giải thoát về cảnh giới an lành tốt đẹp. Cũng vậy, đối với người xung quanh, kính trên nhường dưới, hướng dẫn qui y Tam Bảo, khuyên làm lành hướng thiện, là cách đền ơn Cha Mẹ tốt nhất.

Đức Phật dạy: “Những ai đền ơn Cha Mẹ bằng cách nuôi dưỡng, dâng cúng của cải vật chất, tiền bạc, thì không bao giờ đủ để đáp đền ơn Cha Mẹ. Nhưng này các Tỳ Kheo, những ai đối với Cha Mẹ chưa sống trong thiện lành, thì hướng dẫn qui y trong chánh pháp, trau dồi đức hạnh chánh trực; đối với Cha Mẹ sinh khởi tham, thì khuyến khích bố thí; đối với cha mẹ còn tà kiến, thì khuyến khích vào chánh kiến. Cho đến như vậy, này các Tỳ Kheo, là làm đủ và đáp ơn đủ cho Mẹ và Cha”. 
(Tăng Chi bộ Kinh I. 75)

 Đối với Cha Mẹ, món ăn tinh thần dâng lên, cũng không thể không lựa chọn cẩn thận. Người có tuổi, sức khỏe thường nay đau mai yếu, hay buồn giận, dễ hờn tủi, nguồn vui chỉ mong sự săn sóc nuông chìu và hiểu biết của các con, đừng để sự cô đơn, nhớ con cháu giết lần mòn hai đấng sanh thành.

Cơ hội săn sóc Cha Mẹ là lúc tu thực hành nhiều nhất. Kiên nhẫn, bao dung, vị tha đem lại nguồn vui thanh thản cho hai đấng sanh thành. Khi chúng ta còn nhỏ Cha Mẹ lúc nào cũng hy sinh, bảo bọc, che chở và mong muốn tạo hạnh phúc cho các con. Nên dụng tâm, dành nhiều thì giờ thăm hỏi, chăm sóc, viếng thăm thường xuyên, đó mới chính là liều thuốc bổ giúp Cha Mẹ sống thọ, một cách báo hiếu hữu hiệu và công dụng nhất.

Ân Cha Mẹ ví như núi cao, biển rộng, sông sâu, vì có Cha Mẹ mới có thân ta. Phận làm con, tu tập có được chút phước đức, công đức nào, nên hồi hướng cho Cha Mẹ. Sau đó, tạo duyên cho Cha Mẹ biết qui y Tam Bảo, đó là đền ân Cha Mẹ. Vì vậy, thương và quí kính Cha Mẹ nhiều chừng nào, chúng ta phải ráng tu nhiều chừng ấy. Nhờ phước đức cộng nghiệp của những người con chí hiếu mà Cha Mẹ mất đi, đời sau sanh ra gặp Phật pháp, biết sự tu hành. Cha Mẹ còn hiện tiền thì gặp được minh sư khai ngộ, hiểu đạo, tiến tu.

Mong ước rằng Lễ Vu Lan từ nay về sau, sẽ là một ngày vui thật trọn vẹn, vì tất cả người con hướng về bảy đời Cha Mẹ, cùng một lòng hiếu hạnh báo ân. Cài trên áo một bông hoa màu hồng, giống y như nhau, không phân biệt, vì ai ai cũng có Cha, có Mẹ, để thương yêu và đền ơn. Tiềm năng vô tận của lòng từ bi ai cũng có, chỉ cần xử dụng phù hợp, khéo léo một chút thôi, thì đã có “Trọn Niềm Vui Trong Mùa Vu Lan” đầy đủ ý nghĩa nhất.

Nguyện cho bảy kiếp
Cha Mẹ chúng con,
đượm nhuần mưa pháp.
Khi còn tại thế,
thân tâm an ổn,
phát nguyện tu trì.
Khi đã qua đời,
xa lìa ác đạo,
chóng thành Phật quả.

 

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

TKN. Thích Nữ Chân Liễu

(thichnuchanlieu@gmail.com)



Xem thêm:
TÂM SỰ NGƯỜI CÀI HOA TRẮNG Tâm Linh


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Tám 2016(Xem: 5876)
16 Tháng Tám 2016(Xem: 5834)
Nói đến nữ nhân người ta thường nghĩ đến cái đẹp về hình thức và sự nhỏ nhen ích kỷ về tâm tánh. Đó là sự nhận định một cách chung nhất từ xưa đến nay. Dù là như thế nào đi nữa thì không thể phủ nhận rằng trong bất cứ một xã hội nào thì người nữ vẫn chịu nhiều đau khổ về tinh thần và thể xác hơn người nam. Là một bậc đại trí tuệ Đức Phật đã nhìn thấu tâm can của nữ nhân không vì thế mà Ngài chán ghét họ mà ngược lại Ngài còn thương họ hơn bất cứ ai trên đời này, bởi vì rằng Ngài có một tấm lòng độ lượng vô biên có thể dung chứa hết thảy mọi chúng sanh, mọi tập tính khó ưa, khó kham nhẫn nhất.
16 Tháng Tám 2016(Xem: 6851)
16 Tháng Tám 2016(Xem: 6507)
Kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta, đến thế kỷ II thì Phật giáo đã định hình và phát triển khá mạnh mẽ, nhất là đã có sự thể nhập vào đời sống thực tiễn tại Giao Châu. Đây cũng là lý do tại sao giới trí thức Nho giáo và Lão giáo đặt vấn đề đạo Phật là đạo gì? Mâu Tử đã thẳng thắn trả lời: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài đường giúp nước hộ dân, khi ngồi một mình thì biết tu thân” được ghi trong tác phẩm Lý hoặc luận của Mâu Tử 1.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 5506)
Đức Phật hay Đạo Phật tự ngàn xưa không những giới thiệu cho chúng ta có nhận thức được về sự KHỔ và con đường tu tập để đưa đến chấm dứt mọi sự khổ đau ngay trong hiện tại, mà còn giúp cho chúng ta có một tầm nhìn trong sáng để trang bị hoàn thiện về đạo lý “Nhân bản” của con người trên mọi sinh lộ của cuộc đời.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 4547)
(Rằm tháng 7 - đại lễ Vu Lan, tưởng niệm gương đại hiếu của tôn giả Moggallāna (Mục Kiền Liên) đối với mẹ trong cảnh khổ ngạ quỷ; nên phật tử theo truyền thống Đại Thừa xem ngày chư tăng ra hạ (rằm tháng 7) là ngày báo hiếu mẹ. Đấy là cả một tình cảm cao cả, trân trọng và thiêng liêng. Nhưng theo truyền thống Theravāda thì không có từ Vu Lan, không có đại lễ Vu Lan. Nếu là nội dung và ý nghĩa tương tự – thì phải là sau ngày chư tăng Nam tông ra hạ, nghĩa là sau ngày 16 Tháng 9 ÂL, đúng mùa đại lễ Dâng Y Kaṭhina)
20 Tháng Mười Một 2015(Xem: 10104)
Mong sao chớ hóa thành mây, / Lang thang mấy nẻo đường bay cuối trời. / Chỉ mơ hóa kiếp con người, / Ngả vào tay mẹ thuở ngày ấu thơ.