Vu Lan - Chất Liệu Của Yêu Thương Phước Viên - Quảng Tánh

23 Tháng Tám 201200:00(Xem: 15646)

tuyentapvulan-03

VU LAN - CHẤT LIỆU CỦA YÊU THƯƠNG 
Phước Viên - Quảng Tánh

muckienlien1Nói đến Vu lan, bất kỳ người con hiếu thảo nào cũng chợt se lòng. Vì lẽ, trong ngày ấy, niềm hiếu hạnh vốn dĩ trong lòng người con Phật lại thêm một lần được hâm nóng. Tuy nhiên, Vu lan không đơn thuần chỉ là ngày báo hiếu mà còn hàm chứa nhiều lễ tiết quan trọng của chư Tăng, trở thành một ngày hội lớn nên được gọi là Vu lan thắng hội.

Vu lan là tên gọi tắt của Vu lan bồn, được phiên âm từ Phạn ngữ Ulambana, dịch nghĩa là Cứu đảo huyền, tức cứu người bị tội treo ngược. Lễ Vu lan có duyên khởi từ gương hiếu thảo cứu mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên. Nhờ thần lực của chư Tăng sau ba tháng tu tập an cư cấm túc nhất tâm chú nguyện trong ngày tự tứ, nên đã tác động và chuyển hóa tâm thức của bà Thanh Đề - mẹ Ngài, giúp bà thoát khỏi cảnh khổ ngạ quỷ, sanh vào thiên giới. Xuất phát từ nhân duyên ấy, thắng hội Vu lan bao hàm nhiều lễ tiết với ý nghĩa: ngày Tăng tự tứ, ngày Phật hoan hỷ, ngày Tăng thọ tuế, ngày Vu lan - Báo hiếu, ngày Xá tội vong nhân và là ngày của Mẹ.

Ngày Tăng tự tứ là ngày có ý nghĩa quan trọng đối với chư Tăng, sau ba tháng an cư kiết hạ. Tự tứ có nghĩa là tự mình bày tỏ những thiếu sót, lầm lỗi của tự thân đồng thời thỉnh cầu chư Tăng chỉ cho mình những lỗi lầm nếu có mà mình không thấy để sám hối làm cho thân tâm thanh tịnh. Chính sự hợp lực chú nguyện của chúng Tăng sau khi tự tứ đã tạo ra sức mạnh tâm linh, mới đủ sức chuyển hóa mê lầm, khiến cho chúng sanh trong đường ác tỉnh thức nên được thoát khổ.

Cũng ngày ấy, đức Thế Tôn rất vui và hài lòng với hàng đệ tử của mình khi thấy kết quả tu học tiến bộ cuả đại chúng nên được gọi là ngày Phật hoan hỷ. Nhiều vị Tỷ kheo đã thành tựu giải thoát, đoạn tận phiền não và đa phần các Tỷ kheo tân học đều có sự thăng hoa, thanh tịnh vượt bậc sau mỗi kỳ an cư.

Sau ngày tự tứ, chư Tăng được thêm một tuổi hạ, nên gọi là ngày Tăng thọ tuế. Đối với chúng Tăng thì tuổi đời nhiều ít không mấy quan trọng, chỉ căn cứ vào tuổi hạ để phân chia thứ bậc cao thấp. Vì hạ lạp phản ánh sự thành tựu giới đức, thăng hoa tâm linh của mỗi Tỷ kheo. Thêm một tuổi hạ là niềm hạnh phúc của chư Tăng vì từng bước họ đã trưởng thành hơn trong Chánh pháp.

Lễ tiết quan trọng nhất và để lại dấu ấn hiếu hạnh sâu đậm làm rung động hàng triệu con tim của những người con Phật trong thắng hội Vu lan là lễ Báo hiếu. Noi gương hiếu hạnh cuả Bồ tát Mục Kiền Liên, mùa Vu lan về, lòng những người con Phật vốn dĩ chí hiếu lại dào dạt, trào dâng niềm hiếu kính. Hiếu thảo với cha mẹ, kính thờ ông bà tổ tiên là một nét đẹp rất nhân văn và nhân bản mà những người con Phật đã góp phần để hình thành nên bản sắc văn hoá độc đáo về tinh thần hiếu để của dân tộc Việt Nam. Một trong những biểu hiện cụ thể của người Phật tử trong mùa Vu lan - Báo hiếu là quán niệm về ân nghĩa sinh thành, sám hối những lỗi lầm thất kính, phát thệ nguyện tận hiếu với song thân và tu dưỡng tự thân đồng thời phát tâm cúng dường Tam bảo, bố thí, phóng sinh để hồi hướng công đức cho cha mẹ hiện tiền được phước thọ tăng long, ông bà tổ tiên quá vãng được sanh về tịnh cảnh.

Nhờ nguyện lực, gia trì và chú nguyện của chúng Tăng sau ba tháng an cư thanh tịnh nên các chúng sanh trong ba đường ác được tiếp nhận thêm một sức mạnh mới về tỉnh thức. Nhờ sự tỉnh thức ấy, tự thân giải tỏa được những tà kiến, chấp thủ, có niềm tin nơi Chánh pháp nên tâm họ được khai phóng, thăng hoa và được thoát khổ. Vì thế, ngày này được gọi là ngày Xá tội vong nhân. Ngày xưa, vào thời Lý - Trần, vua quan và nhân dân thấm nhuần tinh thần Vu lan nên ngày Xá tội vong nhân thường là dịp ân xá, đặc xá và cải thiện đời sống cho các tù nhân.

Ngày nay, Vu lan - Báo hiếu đã vượt ra ngoài lễ nghi Phật giáo, có khuynh hướng phổ biến cho toàn thể dân tộc. Bởi lẽ, hiếu hạnh là một nét đẹp đặc thù đáng tự hào của dân tộc Việt Nam. Cho nên, không ai lấy làm lạ khi người dân Việt hân hoan đến chùa dự lễ Vu lan - Báo hiếu đông như trẩy hội. Không phân biệt tôn giáo, dân tộc, nghề nghiệp và địa vị xã hội, hễ là người Việt thì đều có chung một điểm, lòng hiếu thảo. Đây là một lợi điểm, một thế mạnh của Phật giáo. Thế nhưng các chùa viện hiện nay chưa vận dụng hết và khai thác triệt để lợi điểm này, đa phần đều nghiêng nặng vào nghi lễ như: Tạ pháp, cúng dường, chẩn tế âm linh... Tất nhiên, những lễ tiết ấy rất quan trọng nhưng Thắng hội Vu lan sẽ viên mãn hơn khi Phật giáo chuyển tải và trao truyền được chất liệu hiếu kính, đánh thức lòng hiếu hạnh vốn có đang ngày một lãng quên nơi mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Ngày Vu lan còn là một ngày hội của những người có diễm phúc còn cha mẹ sống ở trên đời. Cuộc sống hiện đại và nhịp sống công nghiệp tất bật, hối hả đã góp phần làm phai nhạt, rời rạc mối liên hệ thiết thân giữa các thành viên trong gia đình. Cùng với lối sống thực dụng, tôn sùng vật chất và đề cao cá nhân, sự bất đồng về quan niệm sống và tư tưởng hệ đã làm rạn nứt, băng hoại lòng hiếu thảo của một bộ phận không nhỏ trong xã hội, nhất là giới trẻ đang là những sự kiện đáng báo động. Một đoá hồng xinh xắn cài lên ngực trong ngày Vu lan sẽ thắp lên ngọn lửa kính thương. Còn cha mẹ sống ở trên đời là một hạnh phúc vô giá nhưng cuộc sống quay cuồng, chạy theo danh lợi đã khiến cho nguồn hạnh phúc vô biên ấy dễ bị nhạt nhòa và quên lãng.

Đừng để một mai quá mệt mỏi, rã rời với cuộc mưu sinh ngoảnh lại thấy tuyết sương đã phủ kín bờ vai cha mẹ. Đừng để một mai, cha mẹ giã từ cuộc đời mới chợt nhận ra mình đã mất đi một điểm tựa vĩ đại trong cuộc đời. Đừng để phải khóc thương và ân hận khi tất cả đều đã muộn. Ngay đây và bây giờ, hãy ý thức rất rõ rằng mình đang còn cha, còn mẹ để thương kính. Hãy chạy đua với thời gian nghiệt ngã và công việc dồn dập để sẻ chia, dâng hiến niềm hiếu hạnh đối với song đường thật trọn vẹn. Những người kém may mắn hơn, cha mẹ không còn hiện hữu trên đời thì hãy biến niềm đau và lòng hiếu thảo thành sự nguyện cầu.

Xin cho tôi, cho bạn một đoá hồng rạng ngời trên ngực để đánh thức và thắp sáng làm rung động hơn nữa con tim trần cháy bỏng hiếu kính trong niềm hạnh phúc ngập tràn hiếu hạnh Vu lan.

(Theo thichquangtanh.com)

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Tám 2016(Xem: 5881)
16 Tháng Tám 2016(Xem: 5837)
Nói đến nữ nhân người ta thường nghĩ đến cái đẹp về hình thức và sự nhỏ nhen ích kỷ về tâm tánh. Đó là sự nhận định một cách chung nhất từ xưa đến nay. Dù là như thế nào đi nữa thì không thể phủ nhận rằng trong bất cứ một xã hội nào thì người nữ vẫn chịu nhiều đau khổ về tinh thần và thể xác hơn người nam. Là một bậc đại trí tuệ Đức Phật đã nhìn thấu tâm can của nữ nhân không vì thế mà Ngài chán ghét họ mà ngược lại Ngài còn thương họ hơn bất cứ ai trên đời này, bởi vì rằng Ngài có một tấm lòng độ lượng vô biên có thể dung chứa hết thảy mọi chúng sanh, mọi tập tính khó ưa, khó kham nhẫn nhất.
16 Tháng Tám 2016(Xem: 6853)
16 Tháng Tám 2016(Xem: 6509)
Kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta, đến thế kỷ II thì Phật giáo đã định hình và phát triển khá mạnh mẽ, nhất là đã có sự thể nhập vào đời sống thực tiễn tại Giao Châu. Đây cũng là lý do tại sao giới trí thức Nho giáo và Lão giáo đặt vấn đề đạo Phật là đạo gì? Mâu Tử đã thẳng thắn trả lời: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài đường giúp nước hộ dân, khi ngồi một mình thì biết tu thân” được ghi trong tác phẩm Lý hoặc luận của Mâu Tử 1.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 5506)
Đức Phật hay Đạo Phật tự ngàn xưa không những giới thiệu cho chúng ta có nhận thức được về sự KHỔ và con đường tu tập để đưa đến chấm dứt mọi sự khổ đau ngay trong hiện tại, mà còn giúp cho chúng ta có một tầm nhìn trong sáng để trang bị hoàn thiện về đạo lý “Nhân bản” của con người trên mọi sinh lộ của cuộc đời.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 4552)
(Rằm tháng 7 - đại lễ Vu Lan, tưởng niệm gương đại hiếu của tôn giả Moggallāna (Mục Kiền Liên) đối với mẹ trong cảnh khổ ngạ quỷ; nên phật tử theo truyền thống Đại Thừa xem ngày chư tăng ra hạ (rằm tháng 7) là ngày báo hiếu mẹ. Đấy là cả một tình cảm cao cả, trân trọng và thiêng liêng. Nhưng theo truyền thống Theravāda thì không có từ Vu Lan, không có đại lễ Vu Lan. Nếu là nội dung và ý nghĩa tương tự – thì phải là sau ngày chư tăng Nam tông ra hạ, nghĩa là sau ngày 16 Tháng 9 ÂL, đúng mùa đại lễ Dâng Y Kaṭhina)
20 Tháng Mười Một 2015(Xem: 10106)
Mong sao chớ hóa thành mây, / Lang thang mấy nẻo đường bay cuối trời. / Chỉ mơ hóa kiếp con người, / Ngả vào tay mẹ thuở ngày ấu thơ.