Vu Lan - Chất Liệu Của Yêu Thương Phước Viên - Quảng Tánh

23 Tháng Tám 201200:00(Xem: 15647)

tuyentapvulan-03

VU LAN - CHẤT LIỆU CỦA YÊU THƯƠNG 
Phước Viên - Quảng Tánh

muckienlien1Nói đến Vu lan, bất kỳ người con hiếu thảo nào cũng chợt se lòng. Vì lẽ, trong ngày ấy, niềm hiếu hạnh vốn dĩ trong lòng người con Phật lại thêm một lần được hâm nóng. Tuy nhiên, Vu lan không đơn thuần chỉ là ngày báo hiếu mà còn hàm chứa nhiều lễ tiết quan trọng của chư Tăng, trở thành một ngày hội lớn nên được gọi là Vu lan thắng hội.

Vu lan là tên gọi tắt của Vu lan bồn, được phiên âm từ Phạn ngữ Ulambana, dịch nghĩa là Cứu đảo huyền, tức cứu người bị tội treo ngược. Lễ Vu lan có duyên khởi từ gương hiếu thảo cứu mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên. Nhờ thần lực của chư Tăng sau ba tháng tu tập an cư cấm túc nhất tâm chú nguyện trong ngày tự tứ, nên đã tác động và chuyển hóa tâm thức của bà Thanh Đề - mẹ Ngài, giúp bà thoát khỏi cảnh khổ ngạ quỷ, sanh vào thiên giới. Xuất phát từ nhân duyên ấy, thắng hội Vu lan bao hàm nhiều lễ tiết với ý nghĩa: ngày Tăng tự tứ, ngày Phật hoan hỷ, ngày Tăng thọ tuế, ngày Vu lan - Báo hiếu, ngày Xá tội vong nhân và là ngày của Mẹ.

Ngày Tăng tự tứ là ngày có ý nghĩa quan trọng đối với chư Tăng, sau ba tháng an cư kiết hạ. Tự tứ có nghĩa là tự mình bày tỏ những thiếu sót, lầm lỗi của tự thân đồng thời thỉnh cầu chư Tăng chỉ cho mình những lỗi lầm nếu có mà mình không thấy để sám hối làm cho thân tâm thanh tịnh. Chính sự hợp lực chú nguyện của chúng Tăng sau khi tự tứ đã tạo ra sức mạnh tâm linh, mới đủ sức chuyển hóa mê lầm, khiến cho chúng sanh trong đường ác tỉnh thức nên được thoát khổ.

Cũng ngày ấy, đức Thế Tôn rất vui và hài lòng với hàng đệ tử của mình khi thấy kết quả tu học tiến bộ cuả đại chúng nên được gọi là ngày Phật hoan hỷ. Nhiều vị Tỷ kheo đã thành tựu giải thoát, đoạn tận phiền não và đa phần các Tỷ kheo tân học đều có sự thăng hoa, thanh tịnh vượt bậc sau mỗi kỳ an cư.

Sau ngày tự tứ, chư Tăng được thêm một tuổi hạ, nên gọi là ngày Tăng thọ tuế. Đối với chúng Tăng thì tuổi đời nhiều ít không mấy quan trọng, chỉ căn cứ vào tuổi hạ để phân chia thứ bậc cao thấp. Vì hạ lạp phản ánh sự thành tựu giới đức, thăng hoa tâm linh của mỗi Tỷ kheo. Thêm một tuổi hạ là niềm hạnh phúc của chư Tăng vì từng bước họ đã trưởng thành hơn trong Chánh pháp.

Lễ tiết quan trọng nhất và để lại dấu ấn hiếu hạnh sâu đậm làm rung động hàng triệu con tim của những người con Phật trong thắng hội Vu lan là lễ Báo hiếu. Noi gương hiếu hạnh cuả Bồ tát Mục Kiền Liên, mùa Vu lan về, lòng những người con Phật vốn dĩ chí hiếu lại dào dạt, trào dâng niềm hiếu kính. Hiếu thảo với cha mẹ, kính thờ ông bà tổ tiên là một nét đẹp rất nhân văn và nhân bản mà những người con Phật đã góp phần để hình thành nên bản sắc văn hoá độc đáo về tinh thần hiếu để của dân tộc Việt Nam. Một trong những biểu hiện cụ thể của người Phật tử trong mùa Vu lan - Báo hiếu là quán niệm về ân nghĩa sinh thành, sám hối những lỗi lầm thất kính, phát thệ nguyện tận hiếu với song thân và tu dưỡng tự thân đồng thời phát tâm cúng dường Tam bảo, bố thí, phóng sinh để hồi hướng công đức cho cha mẹ hiện tiền được phước thọ tăng long, ông bà tổ tiên quá vãng được sanh về tịnh cảnh.

Nhờ nguyện lực, gia trì và chú nguyện của chúng Tăng sau ba tháng an cư thanh tịnh nên các chúng sanh trong ba đường ác được tiếp nhận thêm một sức mạnh mới về tỉnh thức. Nhờ sự tỉnh thức ấy, tự thân giải tỏa được những tà kiến, chấp thủ, có niềm tin nơi Chánh pháp nên tâm họ được khai phóng, thăng hoa và được thoát khổ. Vì thế, ngày này được gọi là ngày Xá tội vong nhân. Ngày xưa, vào thời Lý - Trần, vua quan và nhân dân thấm nhuần tinh thần Vu lan nên ngày Xá tội vong nhân thường là dịp ân xá, đặc xá và cải thiện đời sống cho các tù nhân.

Ngày nay, Vu lan - Báo hiếu đã vượt ra ngoài lễ nghi Phật giáo, có khuynh hướng phổ biến cho toàn thể dân tộc. Bởi lẽ, hiếu hạnh là một nét đẹp đặc thù đáng tự hào của dân tộc Việt Nam. Cho nên, không ai lấy làm lạ khi người dân Việt hân hoan đến chùa dự lễ Vu lan - Báo hiếu đông như trẩy hội. Không phân biệt tôn giáo, dân tộc, nghề nghiệp và địa vị xã hội, hễ là người Việt thì đều có chung một điểm, lòng hiếu thảo. Đây là một lợi điểm, một thế mạnh của Phật giáo. Thế nhưng các chùa viện hiện nay chưa vận dụng hết và khai thác triệt để lợi điểm này, đa phần đều nghiêng nặng vào nghi lễ như: Tạ pháp, cúng dường, chẩn tế âm linh... Tất nhiên, những lễ tiết ấy rất quan trọng nhưng Thắng hội Vu lan sẽ viên mãn hơn khi Phật giáo chuyển tải và trao truyền được chất liệu hiếu kính, đánh thức lòng hiếu hạnh vốn có đang ngày một lãng quên nơi mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Ngày Vu lan còn là một ngày hội của những người có diễm phúc còn cha mẹ sống ở trên đời. Cuộc sống hiện đại và nhịp sống công nghiệp tất bật, hối hả đã góp phần làm phai nhạt, rời rạc mối liên hệ thiết thân giữa các thành viên trong gia đình. Cùng với lối sống thực dụng, tôn sùng vật chất và đề cao cá nhân, sự bất đồng về quan niệm sống và tư tưởng hệ đã làm rạn nứt, băng hoại lòng hiếu thảo của một bộ phận không nhỏ trong xã hội, nhất là giới trẻ đang là những sự kiện đáng báo động. Một đoá hồng xinh xắn cài lên ngực trong ngày Vu lan sẽ thắp lên ngọn lửa kính thương. Còn cha mẹ sống ở trên đời là một hạnh phúc vô giá nhưng cuộc sống quay cuồng, chạy theo danh lợi đã khiến cho nguồn hạnh phúc vô biên ấy dễ bị nhạt nhòa và quên lãng.

Đừng để một mai quá mệt mỏi, rã rời với cuộc mưu sinh ngoảnh lại thấy tuyết sương đã phủ kín bờ vai cha mẹ. Đừng để một mai, cha mẹ giã từ cuộc đời mới chợt nhận ra mình đã mất đi một điểm tựa vĩ đại trong cuộc đời. Đừng để phải khóc thương và ân hận khi tất cả đều đã muộn. Ngay đây và bây giờ, hãy ý thức rất rõ rằng mình đang còn cha, còn mẹ để thương kính. Hãy chạy đua với thời gian nghiệt ngã và công việc dồn dập để sẻ chia, dâng hiến niềm hiếu hạnh đối với song đường thật trọn vẹn. Những người kém may mắn hơn, cha mẹ không còn hiện hữu trên đời thì hãy biến niềm đau và lòng hiếu thảo thành sự nguyện cầu.

Xin cho tôi, cho bạn một đoá hồng rạng ngời trên ngực để đánh thức và thắp sáng làm rung động hơn nữa con tim trần cháy bỏng hiếu kính trong niềm hạnh phúc ngập tràn hiếu hạnh Vu lan.

(Theo thichquangtanh.com)

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Mười 2015(Xem: 10117)
kinh Tăng Chi dạy “Nơi nào có chư Tăng tu tập thanh tịnh thì trú xứ đó được thanh tịnh, hội chúng Phật tử nương theo đó mà tu tập, nhất định được an lạc, thanh tịnh”.
02 Tháng Chín 2015(Xem: 5944)
Bố tôi vừa mới mất. Cuối cùng, rồi chứng nghiện rượu của bố cũng phải đi đến hồi kết thúc. Bố là người đã nghiện rượu hơn 20 năm, nhưng tôi không nghĩ rằng, tôi đã hiểu được điều nầy nghiêm trọng như thế nào, khi bố còn sống.
01 Tháng Chín 2015(Xem: 6550)
Năm nay, Vu Lan khởi sắc một cách khác thường. Từ ngày 14 âm lịch đến rằm, lượng số người đi lễ như trẩy hội. Một số con đường chính đều bị tắt nghẽn giao thông. Những chùa lớn như Vĩnh Nghiêm, Hoằng Pháp, khách thập phương dập dìu ngay cả về đêm. Không những tại Sài Gòn, cả Hà Nội, các tỉnh miền Trung và Cao nguyên đều như thế.
30 Tháng Tám 2015(Xem: 5923)
Đạo Phật dạy về tầm quan trọng của sự kính trọng bố mẹ, và sự báo đáp công ơn bố mẹ. Tuy nhiên, người sáng lập ra đạo Phật, Thái Tử Sĩ Đạt Ta Cồ Đàm (Siddhartha Gautama), chính ngài đã từ bỏ cuộc sống gia đình, chống lại ý của cha ngài, rồi từ bỏ vợ và con trai của ngài để theo đuổi sự giác ngộ.
30 Tháng Tám 2015(Xem: 6009)
Vu lan lại đến.Hiếu hạnh của con trẻ lại được nhắc đến. Nhưng đâu đó cũng thấy hiện lên các tiêu đề nói về việc con giết cha, hãm hiếp mẹ, những nghịch hạnh không ai có thể chấp nhận.
28 Tháng Tám 2015(Xem: 6253)
Nhân mùa Vu Lan 2015, nhạc sĩ Trần Chí Phúc đã thu âm ca khúc “Rồi Mẹ Như Sương” tại phòng phát thanh Hương Sen, Santa Ana, để tưởng nhớ tới mẹ hiền. Bài thơ được giữ nguyên văn, lồng vào câu nhạc đằm thắm tình mẫu tử, bàng bạc gió mây, vang vọng lời kinh Phật dạy.
27 Tháng Tám 2015(Xem: 5784)
Truyện tôn giả Mahā Moggallāna báo hiếu mẹ của tôi đăng trên Thư Viện Hoa Sen vừa rồi, nó chỉ là truyện chứ không phải là một bài nghiên cứu hàn lâm; trong đó có những tình tiết hư cấu chứ không có trong kinh tạng Nikāya. Nếu việc báo hiếu mẹ như kinh Vu Lan bồn là có thật – thì có thể xẩy ra như vậy, chứ không có đoạn ngài là một vị thánh lậu tận lại khóc lóc bi luỵ như kẻ phàm phu (Mục Liên – Thanh Đề - La Bốc và chuyện đức Phật lạy đống xương trắng là hoàn toàn nguỵ tạo).
25 Tháng Tám 2015(Xem: 5408)
mẹ đến như rừng thông / vi vu trời gió hát / mẹ đến như vầng trăng / lung linh đầu bọt sóng.
24 Tháng Tám 2015(Xem: 7448)
Trong phòng cách ly dành cho người sắp từ giã cõi đời, người phụ nữ tuổi gần 60 nằm bất động. Điều duy nhất cho biết bà còn sống là màn hình máy y khoa biểu hiện nhịp tim đập rất chậm. Bà nằm đó, biết đứa con trai duy nhất từ tiểu bang xa đang bay về, bà muốn dồn hết nguồn sinh lực còn lại mỉm cười với nó lần cuối trước khi vĩnh viễn rời xa thế giới này.