Vu Lan Tha Hương

26 Tháng Bảy 201100:00(Xem: 10895)

NHỮNG MÙA VU LAN
Thích Đức Niệm
Phật Học Viện Quốc Tế

Vu Lan Tha Hương

Mỗi năm cứ vào tiết thu, trời cao xanh ngắt, cỏ cây đổi màu, lá vàng lìa cành lác đác nhẹ rơi. Người con thảo cháu hiền không thốt nên lời xúc cảm nỗi nhớ niềm thương, chạnh lòng tưởng nhớ đến bậc thương thân cha mẹ. Tiếng chuông chùa chiều thu ngân nga từ xa vang vọng, hình bóng cha già mẹ yếu, hình ảnh người con hiếu hạnh muôn thuở Mục-Kiền-Liên lại rạng rỡ hiện về trong mùa Vu-Lan. Đó đây phảng phất khói trầm hương nghi ngút quyện lấy lời cầu nguyện của chư Tăng, âm vang lan dần cao ngất tỏa khắp mười phương thấm nhập vào các cõi hư không pháp giới.
Vu-Lan năm nay đã là mười ba mùa Vu-Lan tha hương đầy đau thương và nước mắt. Nhìn vào thực trạng kiếp người Việt-Nam đó đây vẫn còn dẫy đầy ngập trời đau thương khổ nhục dưới chế độ được tung hô là giải phóng, là độc lập, là xã hội chủ nghĩa!

Thật là mỉa mai, tung hô cách mạng giải phóng, độc lập, thế mà tài sản người dân một sớm một chiều tan nát, bị tịch thâu, bị tù đày tập thể. Nhà tù nhiều người chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc! Người dân bỏ nước vượt biển cả thập tử nhất sanh để tìm cuộc sống tự do mà phải đành đoạn lòng đau ruột thắt cho thân phận mang kiếp sống tha hương!

Xót thương cho nghiệp dân vận nước quá đỗi điêu linh thống khổ, bởi do mê hoặc danh từ hoa mỹ giải phóng, cách mạng, tự do, hạnh phúc! Chẳng khác nào cô bé ngây thơ mê lời đường mật của tên sở khanh để phải tan tành kiếp trinh nữ! Tiếng than khóc của trinh nữ vụng dại nào có khác tiếng khóc thương tủi hận của người Việt khắp nơi từ biển cả cho đến rừng sâu!? Nghiệp dân vẫn mãi đeo đuổi những chuỗi ngày tủi nhục cực khổ lầm than. Tiếng rên xiết của trên năm mươi triệu người con dân nước Việt da vàng máu đỏ hoạn nạn khổ nhất trần gian mà chẳng có mấy ai màng đến. Những kẻ đã từng giành giựt lên ngai ngự trị muôn dân, dành độc quyền lèo lái con thuyền quốc gia đã sớm vơ vét tiền của lén bỏ nước ra đi từ trước, giờ đây họ hưởng dục lạc trên đống vàng bạc đã được bí mật chuyển sang nước ngoài từ trước, để mặc cho sinh dân thống khổ ngày sống cũng như đêm, lủi thủi dẫy dụa trong kềm kẹp của chủ nghĩa vô thần phi nhân lửa đỏ, chủ nghĩa cằn cỗi sắt máu ác nghiệt theo chỉ thị của ngoại lai, như những con trâu già gầy ốm mệt mỏi nằm nhơi giữa trời nắng hạ đồng khô cỏ cháy.

Đó đây trên khắp các nước tự do lân bang dựng nên những trại tỵ nạn ngày đêm khắc khoải. Khắp non sông đất Việt, thay vì kiến thiết cơ sở văn hóa kinh tế xã hội từ thiện để phát triển quốc gia, cứu tế dân chúng bệnh tật đói nghèo thời hậu chiến, thì trái lại nhan nhản những trại tâp trung cải tạo ngày đêm bị hành hạ đọa đày khắp cả đất nước, dân chúng dẫy dụa trong cảnh lầm than cơ cực. Đất nước tiếp tục lụn bại suy tàn, chẳng khác con thuyền nan mục gỗ, lủng khoang không sửa chữa, đang bồng bềnh giữa biển cả đầy sóng gió, mà kẻ có trách nhiệm lèo lái ngồi trên đó tay không có địa bàn, lại vênh váo tự hào tự mãn chẳng biết ngước nhìn ánh sáng trăng sao của thế giới để tìm phương định hướng. Do vậy mà con thuyền nan đất nước càng thêm mục riệu vô định bềnh bồng giữa biển cả mêng mông của cộng đồng nhân loại tiến bộ không biết chừng nào tìm ra bến đỗ, để cho con thuyền Việt-Nam thoát khỏi cảnh đổ nát lạc hậu, người dân thoát khỏi cảnh ngộp thở cơ cực đọa đày.

Đã mười ba mùa Vu-Lan ly hương rồi, mà ngày ngày người dân lành vẫn phải tức tưởi lìa bỏ đất mẹ ra đi, , vẫn phải chấp nhận “thà chết trên biển cả, trong rừng sâu” để tìm đời sống tự do chứ không có cách nào sống được trên đất mẹ! Đất mẹ dẫy đầy các ngục tù trại giam trá hình là trại cải tạo vẫn ngày ngày tiếp tục đày đọa bao kiếp người vì lý tưởng dân chủ tự do. Trong lúc đó, người được cái may mắn ra nước ngoài có hoàn cảnh tự do, cơm no áo ấm lại không lo đùm bọc lấy nhau mà cứ lo mưu mô quỷ kế lợi đường riêng tư, gây thù tạo oán dấy bùn phun bọt làm phiền khổ cho nhau, khiến cho người bản xứ khinh chê. Điều này làm đau lòng người đã nằm xuống vì đại nghĩa, làm hư hỏng đại cuộc đoàn kết khôi phục quê hương.

Hôm nay nhân mùa Vu-Lan, trong kiếp sống tha hương đau lòng tủi phận thương than trên đất khách quê người, con hồi tưởng lại những mùa Vu-Lan khi còn ở quê hương, nó chan chứa tình thương, nồng hậu tình tự dân tộc đầm ấm làm sao!

Dòng tâm thức con miên man hướng về dĩ vãng hai ngàn năm trước đây: Cũng trong dịp Vu-Lan này, vua Ba-Tư-Nặc thỉnh đức Phật và chư Tăng vào cung để cúng dường trai tăng cầu siêu độ cho phụ hoàng. Nơi đó, con học được bài học quý giá qua sự bị nạn nghiệp tình của tôn giả A-Nan được đức Phật cứu thoát ra khỏi vòng ái nghiệp. Nhân dịp này, đức Phật đã bảy lần khai thị và A-Nan cũng đã bảy lần hồi quang phản chiếu trở về bản tánh tự tâm. Nhờ đức Phật bảy lần khai thị, A-Nan mới hồi quy trực diện thể nhập chơn tâm của mình. Bảy lần Phật khai thị cho A-Nan giá trị như bảy hạt ngọc kim cương kết thành xâu chuỗi tràng kinh Thủ-Lăng-Nghiêm vô giá, có hiệu năng phá tan màn vô minh nghiệp thức từ bao đời. Tràng chuỗi ngọc Thủ-Lăng-Nghiêm có hiệu năng khai thị chỉ thẳng vào tâm thức, khơi đèn trí tuệ cho những chúng sanh có chí hướng vượt thoát sông mê bể khổ luân hồi tử sanh. Ngay đó, kinh Thủ-Lăng-Nghiêm đã trở thành bộ triết lý của đạo Phật, bí quyết giải triệt lộ tuyến vô minh, để thể nhập chân tâm tuệ giác cho những hành giả thiết tha trực diện Phật tánh, tránh nẻo luân hồi.

Rằm tháng bảy là ngày lễ Vu-Lan báo hiếu, ngày chư Phật mười phương hoan hỷ, khi các Ngài thấy chư Tăng, hàng trưởng tử Như-Lai đã tròn đầy ba tháng an cư chuyên ròng tịnh tu thân tâm thanh tịnh. Ngày rằm tháng Bảy cũng là ngày chư Tăng tự tứ, nghĩa là các thầy một dạ chí thành giải bày tâm can phát lồ sám hối tất cả lỗi lầm của mình, đồng thời thỉnh cầu thầy bạn mở lòng từ bi hoan hỷ chỉ cho những lỗi lầm của mình giùm để được sám hối, và nguyện không bao giờ tái phạm, để cho thân tâm được thanh tịnh, ngõ hầu tiến gần đến đạo quả giác ngộ giải thoát. Rằm tháng bảy, ngày lễ Vu-Lan, chư Tăng mãn hạ, cũng là ngày chư Tăng được thêm một tuổi đạo của đời người xuất gia tu hành.

Trong đạo Phật mỗi năm từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy, thời gian này các thầy tỳ-kheo an cư kiết hạ, chuyên ròng tu tập, tròn đầy ba tháng thì được một tuổi đạo. Trong cửa Phật, đời sống tăng đoàn mỗi năm có an cư kiết hạ nghiêm chỉnh tịnh tu tròn mãn, thường gọi là hạ lạp. Hạ lạp càng nhiều, tuổi đạo càng cao, đức hạnh càng sâu dày, thì ngày tiến đến quả vị giác ngộ càng mau chóng. Ngược với người thế gian, mỗi năm đến ngày mùng một Tết là ngày tăng thêm tuổi thọ. Tuổi đời càng cao mà không biết đạo đức tu hành thì cuộc sống lâu dài chỉ đào sâu thêm hố tội lỗi đọa lạc, càng xa với cảnh giới Niết-Bàn giải thoát. Đức Phật nói: “Người sống một trăm năm mà không có đạo đức, không biết tỉnh thức tu tâm dưỡng tánh cải thiện đời sống, thì chẳng bằng người sống một ngày mà có tu hành đạo đức”. Ngạn ngữ có câu: “Đa thọ đa nhục”. Có nghĩa là, kẻ sống không đạo đức, chỉ thêm tội lỗi khổ nhục chứ chẳng lợi ích gì. Do vậy mà bậc cổ đức đã từng dạy: “Triêu văn đạo tịch tử khả hỷ”. Nghĩa là, sáng được nghe đạo, chiều chết cũng cảm thấy an vui. Hiền nhân quý đạo đức hơn tiền bạc. Ác nhân quý tiền bạc hơn đạo đức.

Trong đạo Phật nhất là hàng xuất gia, không đặt trọng về tuổi đời mà tôn trọng về tuổi đạo. Dù vị đó tuổi đời có lớn bao nhiêu đi nữa, nhưng khi xuất gia nhập đạo mới là bắt đầu cuộc sống đạo hạnh, mới cất bước trên đường giải thoát, mới tập sự hành đạo giác ngộ, mới bước lên quang lộ Niết-Bàn, nên phải hết sức khiêm cung kiên nhẫn, dẹp bỏ tự ái danh vị thế gian để đem lòng kính nhường những vị có tuổi đạo cao, dù cho vị nầy còn trẻ. Cũng trong tinh thần đạo đức đó, đức Phật có dạy rằng: “Dù cho người có tuổi lớn, hoặc xuất gia thọ giới trước, nhưng một khi đã phá trai phạm giới hoặc sống đời đắm nhiễm thế tục mà không biết khởi tâm tàm quý, thành tâm sám hối ăn năn cầu tiến, thì chẳng khác nào như cây dừa chặt đọt, như trái dừa thúi mọng không sao còn sống được. Người phạm giới cũng giống như thế, không còn giới thể, không được kể là tỳ-kheo. Đã phạm trai phá giới sống như người thế tục thì không còn tư cách theo sống trong hàng tăng đoàn trưởng tử Như-Lai, trừ phi biết ăn năn cầu sám hối phục giới. Nếu ai còn tin theo, cúng dường giúp đỡ hạng tỳ-kheo thất hạnh phá giới này, thì chẳng khác nào bón phân tưới nước vào cỏ gai, làm hư hại vườn hoa đạo pháp, đắc tội không khác tỳ-kheo phá giới kia. Như kinh Hoa-Nghiêm phẩm Phổ-Hiền sớ giải nói: “Hoặc mình làm, hoặc bảo người làm, hoặc thấy người làm mà vui mừng theo; hoặc biết người phạm mà vẫn tin theo thì đắc phải tội như nhau”.

Trong kinh điển Phật giáo còn ghi đậm nét rằng, người tu học theo hạnh Phật, ngoài sự đền đáp ân nghĩa sanh thành của cha mẹ còn phải đem lòng báo đền ân nghĩa khắp cả chúng sanh, bằng hữu, sư trưởng và chư Phật. Bởi tất cả chúng sanh đều là ân nhân quyến thuộc của ta hoặc đời nầy hoặc nhiều đời trước. Bởi thế cho nên kinh Đại-Báo- Ân dạy rằng: “Cứu giúp chúng sanh tức là cúng dường chư Phật”. Hiếu hạnh có nghĩa là làm cho người khác được an vui và tiến bộ trong chiều hướng thánh thiện hóa, thăng hoa đời sống. Như thế mới là chân thật hiếu hạnh, chơn chánh hành đạo và hộ đạo.
Sau khi Mục-Kiền-Liên tôn-giả tu chứng được đạo quả, Ngài dùng huệ nhãn quán sát khắp pháp giới chúng sanh, thấy mẹ là bà Thanh- Đề đang đọa trong loài ngạ quỷ đói khát, bụng to như trống, cổ nhỏ như kim, da bọc lấy xương, ngày đêm lửa nghiệp thiêu đốt khổ sở vô ngần. Tôn-giả Mục-Kiền-Liên rất đỗi xót thương không cầm lòng được, liền dùng thần thông đem bát cơm đến dâng cho mẹ. Nhưng khi bà Thanh- Đề vừa thấy cơm lòng tham bộc phát, nên cơm vừa để vào miệng thì hóa thành lửa cháy cả miệng, mặt, tay, khiến cho bà đau đớn không lời tả xiết. Mục-Kiền-Liên thấy cảnh bi ai như vậy điếng trân cả người, cổ họng nghẹn ngào không thốt nên lời, lệ rơi như suối, cúi đầu chào mẹ, liền vội trở về ra mắt Phật đảnh lễ, bày tỏ đầu đuôi tự sự, mong Phật từ bi chỉ bày phương pháp cứu độ.

Nghe xong, đức Phật nói với Mục-Kiền-Liên rằng: “Mẹ ông do lòng tham sân, bỏn sẻn, ích kỷ, đố kỵ, khinh khi Tam-Bảo, hủy báng các bậc chân Tăng, chẳng tin nhân quả luân hồi nghiệp báo, gây nên tội ác nặng nề, phước đức một mình ông không thể cứu độ được, dù lòng hiếu thảo của ông cảm động đến đất trời, thiên thần địa quỷ. Vậy, nhân ngày rằm tháng Bảy, ngày chư Tăng tròn đầy ba tháng an cư chuyên rằm thúc liễm thân tâm thanh tịnh, giới thể châu viên, ngày chư Tăng tự tứ, ngày chư Phật mười phương hoan hỷ, ông nên nhân ngày ấy thiết lập trai đàn, cung thỉnh các bậc chân Tăng tu nơi rừng núi, am chùa, tịnh thất, vân tập về mà thành tâm thiết lễ trai đàn để cúng dường. Hy vọng nhờ công đức cúng dường, nhờ giới hạnh thanh tịnh đạo đức của các vị chân Tăng đạo cao đức trọng đồng tâm nhất niệm nguyện cầu, chắc sẽ cảm hóa được tâm tánh mẹ ông, cảm thông đến mười phương pháp giới chư Phật hộ niệm, như thế mới mong giải thoát được tội khổ. Đức Phật nói tiếp: “Mẹ ông tội căn sâu nặng như tảng đá to lớn, mà công đức tu hành của ông chỉ mới như thuyền nan không thể nào chở nổi, mà phải cần nhiều chiếc thuyền kết lại thành bè mới có thể nhẹ nhàng đưa tảng đá to nặng kia qua sông ngạ quỷ, thoát vòng trầm luân”.

Mục-Kiền-Liên tôn-giả tuân lời Phật dạy, đem hết tất cả gia sản của bà Thanh- Đề để lại bán đi, để tập trung tài lực lo việc đàn chay trai tăng cúng dường. Khi việc cúng dường trai tăng vừa xong, bà Thanh- Đề liền thoát khỏi cảnh ngạ quỷ sanh lên cõi trời hưởng phước. Thấy mẹ được sanh lên cõi trời, Mục-Kiền-Liên rất đỗi vui mừng liền đảnh lễ Phật, quỳ thưa: “Bạch đức Thế-Tôn, trong đời sau, nếu có những người con hiếu thảo muốn siêu độ mẹ cha, ông bà có thể thiết lễ trai tăng cúng dường như con được không?”

Đức Phật đáp: “Hay thay! Hay thay! Mục-Kiền-Liên, ông đúng là đệ tử lớn của ta. Ông quả là người con hiếu thảo nêu cao gương sáng hiếu hạnh muôn đời. Lời hỏi của ông đích thực khai mở kỷ nguyên hiếu hạnh cho chúng sanh đời sau. Nầy Mục-Kiền-Liên, sau khi Như-Lai nhập Niết-Bàn, nếu có những chúng sanh nào muốn làm tròn hiếu hạnh người con thảo cháu hiền báo đền ân sâu nghĩa nặng, siêu độ mẹ cha ông bà thân quyến, mà khéo biết theo khả năng hoàn cảnh của mình, thành tâm thiết lễ cúng dường trai tăng, thì cũng được công đức thù thắng chẳng khác gì ông làm ngày hôm nay”. Từ độ ấy đến nay, mỗi năm đến ngày rằm tháng bảy, những người con thảo cháu hiền làm sống lại ý nghĩa Vu-Lan từ thế hệ nầy đến thế hệ khác, trải qua bao ngàn năm vẫn chưa phai mờ.

Nhưng tại sao ơn nghĩa cha mẹ lại sâu nặng mà hầu hết tất cả mọi người, mọi chủng tộc, mọi tôn giáo của thế giới nhân loại, ngoại trừ người cộng sản phi nhân, kẻ cuồng tín thần linh thượng đế, thì đều tôn trọng thuận hành? Từ ngàn xưa cho đến ngày nay, qua sách sử nhân loại, qua kinh điển thánh hiền đã diễn tả thuyết minh về tình mẫu tử, ơn nghĩa sanh thành dưỡng dục của mẹ cha, đạo làm con hiếu kính, tính ra đến vạn triệu quyển, văn từ về lòng mẹ, ngôn ngữ về hiếu thảo của con vẫn bất tuyệt. Kinh Thi của Trung-Hoa, ca dao của Việt-Nam v.v… bàn bạc về tình mẹ, về lòng hiếu thảo đã chiếm hết một phần tư kho tàng văn hóa tư tưởng của dân tộc mỗi xứ. Văn từ nói về tình mẹ, ngữ ngôn diễn tả về lòng hiếu thảo của con hết sức đơn giản nhẹ nhàng như áng mây trôi, như bức tranh thủy mặc, như bóng trăng non rung rinh trong làn gió nhẹ thoảng qua cửa sổ, như mặt nước hồ thu gợn sóng, nhưng lại cũng rất sâu sắc thâm thúy như những pho triết lý cổ mà bao bộ óc thông minh xuất chúng của nhân loại đã phải dày công trải bao thế hệ khô mực cùn bút cũng vẫn chưa diễn tả giải thích hết tình mẫu tử.

Tình thương của mẹ là suối nguồn hạnh phúc của con, là chất liệu mát dịu ngọt ngào cho lẽ sống còn của nhân loại. Cũng như mặt trời là nguồn sáng của vạn vật, là hơi ấm khởi sắc cho muôn loài chúng sanh. Mặt trời và không khí cần thiết cho sự sống loài người bao nhiêu, thì tình mẹ lại cần thiết cho sự sống vui lớn khôn hạnh phúc của con cái gấp trăm ngàn lần hơn:

Mẹ là cả một trời thương
Mẹ là cả một thiên đường trần gian
Tiếng ru mẹ ấm vô vàn
Nuôi con trong tiếng tơ đàn văn chương
Ngày còn cắp sách đến trường
Chắt chiu cặp sách khăn choàng mẹ lo

Mẹ đã dùng hết năng lực, thời gian quãng đời son trẻ để lo cho con. Mẹ hy sinh cho con không còn biển trời nào mà không thấm mát tình thương, không có nẻo đường nào trên cõi đời in vết chân của con mà mẹ không trải tình thương đến, không có chân trời góc bể nào mà mẹ không ngóng trông bónh hình của con:

Mẹ hy sinh tất cả
Hết quãng đời tuổi xanh
Cả thương yêu dịu ngọt
Rộng hơn biển trời thanh
Mẹ là gió mát tinh anh
Là cây tiên dịu, là cành thùy dương
Mẹ là hoa, mẹ là hương
Mẹ là nguồn cội tình thương nhiệm mầu
Bây giờ bóng mẹ còn đâu
Chỉ còn non nước một màu xanh xanh

Ngay từ buổi đầu khi con mới gá vào thai mẹ, thì kể từ giờ phút đó trở đi, mẹ đã vì con mà kiêng cữ từ sự nói năng ăn ngủ cho đến việc đứng đi nằm ngồi suốt mười tháng trời đằng đẵng. Đến ngày con ra chào đời thì mẹ đau đớn banh da xé thịt, như dao cắt, ruột thắt, đau thốn đến tủy xương. Tiếng khóc chào đời của con vừa ré lên thì cùng lúc đó mẹ mới thoát khỏi sự mang nặng như đá trì hông bụng, còn phải đớn đau hao mòn thân thể, có lúc mẹ tưởng chừng như chết theo hơi thở nhau rún của con. Khi được nghe tiếng khóc chào đời của con, mẹ mừng như được thoát qua một lần chết. Tiếng khóc chào đời của con kết chặt với tâm trí suy tư và đồng thời dính liền với sự vui khổ thăng trầm vinh nhục suốt cuộc đời của mẹ. Mỗi tiếng khóc của con làm cho lòng mẹ xót xa, đau nhức như dao cắt tim, như ruột thắt thành từng đoạn. Mỗi nụ cười của con là nguồn an ủi vơi nhẹ đi não phiền của mẹ.

Vì con mà mẹ phải buôn tảo bán tần. Vì con mà mẹ phải bao lần chịu cha rầy la đánh mắng. Vì con mà mẹ phải bị nội ngoại miệt thị khinh chê v.v… nhưng mẹ vẫn cam lòng nhẫn chịu không biết thở than bày tỏ cùng ai, miễn sao cho con được an vui mạnh khỏe. Vì con mà mẹ phải dãi nắng dầm mưa, đi sớm về trưa, một nắng hai sương. Vì con mà mẹ phải chịu nhục luồn cúi để cho con được công ăn việc làm, no cơm ấm áo, học thi đỗ đạt, thăng quan tiến chức. Mẹ đã suốt đời tần tảo đắng cay cực khổ vì con:

Ôi! Chiếc lưng của mẹ
Đã còm bởi thương đau
Ôi! Cuộc đời của mẹ
Trăm năm nối chuyện sầu

Tất cả những gì tươi đẹp nhất cuộc đời, tất cả những gì ngọt bùi của trần thế, tất cả những gì quý giá nhất của đời mẹ, mẹ đều dành dụm trao trọn cho con:

Một đời vốn liếng mẹ trao
Mẹ cho tất cả mẹ nào giữ riêng
Mẹ hiền như một bà tiên
Mẹ theo con suốt hành trình con đi.

Bởi tình thương của mẹ bao la không biên giới, tình thương của cha rộng lớn không bến bờ, nên cha mẹ không những là trụ cột yên vui gia đình, mà còn là suối nguồn sinh động duy trì dòng tộc và phát triển giống nòi của nhân loại từ thế hệ này đến thế hệ khác. Tình mẹ là nước nguồn trong mát xúc tác gây nên cảm hứng bất tuyệt cho biết bao thi nhân, văn sĩ, triết gia viết ra thành văn, sáng tác thành thơ, nói nên thành lời, tạo cho đời những cung đàn, điệu nhạc êm đềm thâm thúy, tươi mát ngát thơm, hình thành những kiệt tác sáng giá muôn đời. Bởi ý nghĩa thiêng liêng nhiệm mầu như vậy, nên xưa nay tình mẹ được ví như hương hoa của đất trời, như bình minh xuân mát, như lời nhạc muôn điệu:

Ai bảo em cuộc đời không đẹp
Khi nhân gian còn phiếm xuân cầm
Ai bảo em cuộc đời không đẹp
Khi em còn có mẹ trong tâm

Bởi cái tính chất thiêng liêng huyền diệu đó, nên cho dù người có được quyền uy, chức trọng, danh vọng, giàu sang trong xã hội, mà không có lòng hiếu kính mẹ cha, thì cũng chỉ là kẻ vong ơn bội nghĩa bị đời mỉa mai chê cười ngao ngán! Hạng người này chỉ gây tai họa cho đời, làm bia xấu miệng đời, làm cho làng nước nhân loại khổ đau, và họ chẳng khác nào loài trùng giòi, củi mục, đất đá, gai sỏi ở xó cầu đầu ngõ:

Những người bất hiếu tử
Nhung nhúc sống bằng thừa
Không nghĩ ơn cha mẹ
Khác nào thân cây khô…

Nên cho dù ở đâu, hoàn cảnh nào, thời đại chuyển biến ra sao đi nữa, thì hiếu hạnh vẫn làm đầu. Cổ đức nói: “Hiếu vi vạn hạnh vi tiên”. Nghĩa là, hiếu đứng đầu trong muôn hạnh lành. Khi Thi nói: “Vô phụ hà hổ, vô mẫu hà thị”. Nghĩa là, không cha thì ta cậy ai, không mẹ thì ta nhờ ai.

Trên đường luân lạc, vào một chiều thu, gió thu hiu hắt, lá thu úa vàng lác đác nhẹ rơi. Thúy-Kiều lòng bâng khuâng miên man nhớ đến cha mẹ:

Duyên hội ngô, đức cù lao
Bên tình, bên hiếu, bên nào nặng hơn?
Để lời thệ hải minh sơn
Làm con trước phải đền ơn sanh thành.

Ngọc-Hân công chúa, con vua Lê-Thánh-Tôn, vợ của vua Quang-Trung Nguyễn-Huệ, sau khi nhà Tây-Sơn bị Gia-Long tiêu diệt, Ngọc-Hân công chúa cảm thấy bơ vơ chạnh lòng thương nhớ đến mẹ cha và chồng:

Chữ tình nghĩa trời cao đất rộng
Nỗi đoạn trường còn sống còn đau
Mấy lời tâm sự trước sau
Đôi vầng nhựt nguyệt trên đầu chứng cho.

Ơn cha mẹ đối với con như trời cao bể rộng. Con mà không biết hiếu thảo báo đền thì đắc phải tội to lớn, quả báo không lường. Cho nên dù tuổi đời có cao, có cháu có chắt đi nữa, hễ mỗi lần nhắc đến mẹ cha là chạnh lòng thương nhớ. Tình mẹ nghĩa cha thâm sâu lạ lùng. Người có nhân đạo dù ở hoàn cảnh nào, ở tuổi tác nào rồi cũng tưởng nhớ mẹ cha. Ân đức mẹ cha rộng sâu vô tận như vậy. Nên kinh Nhẫn-Nhục nói: “Thiện chi cực mạc đại ư hiếu, ác chi cực bất hiếu giả”. Nghĩa là, không điều lành thiện to lớn bằng hiếu, không điều ác nào to lớn bằng bất hiếu. Hiếu quan trọng như vậy, nên kinh Đại-Tập nói: “Thế nhược vô Phật thiện sự phụ mẫu, sự phụ mẫu tức thị sự Phật”. Nghĩa là, sanh ra đời nếu không gặp Phật mà chúng ta khéo phụng dưỡng kính thờ cha mẹ thì cũng như kính thờ Phật.

Muốn thoát nợ ân nghĩa trả vay, muốn thoát kiếp đọa đày trong sáu nẻo luân hồi, muốn chóng đạt thành đạo quả Vô-thượng Bồ-đề Chánh-giác, thì trước phải hiếu đạo phải tròn đầy. Nhưng muốn hiếu hạnh được trọn vẹn thì không phải chỉ cung cấp vật chất cho cha mẹ là đủ, mà điều quan trọng hơn hết là khuyến khích cha mẹ phát tâm quy y Tam-Bảo, tu tâm dưỡng tánh, tin sâu nhân quả luân hồi, nghiệp báo tinh tấn làm việc từ thiện. Như thế là cung dưỡng cha mẹ vật chất đầy đủ, tinh thần an vui, hiếu đạo mới vẹn toàn. Cổ đức nói: “Phụ mẫu đắc ly trần, hiếu đạo phương thành tựu”. Nghĩa là, cha mẹ được siêu thoát phàm trần an vui trong cảnh tĩnh, thì hiếu đạo của người con mới trọn thành.

Hôm nay nhân ngày Vu-Lan báo hiếu, với nỗi u hoài khắc khoải thâm sâu nơi lòng, hướng vọng quê hương nguyện cầu hồn thiêng đất nước, anh linh tử sĩ phò trì cho quê hương dân tộc Việt-Nam sớm thoát khỏi cảnh điêu linh đổ nát lạc hậu đọa đày, để cho dân Việt sớm có ngày được sống thanh bình tự do trên đất mẹ thân yêu. Đồng thời, nơi đất khách quê người, nguyện đem quãng đời còn lại noi gương hiếu hạnh Mục-Kiền-Liên tôn-giả, theo gót chân Phật Đà Từ-Phụ Thích-Ca, học theo đời sống vị tha để báo đền ơn nghĩa sanh thành dưỡng dục của cha mẹ và nguyện đền đáp bốn ân sâu nặng, để hồi hướng khắp cùng pháp giới chúng sanh đồng tu chánh giác, sớm thành đạo quả giải thoát Vô-thượng Bồ-đề.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Tám 2016(Xem: 5838)
16 Tháng Tám 2016(Xem: 5789)
Nói đến nữ nhân người ta thường nghĩ đến cái đẹp về hình thức và sự nhỏ nhen ích kỷ về tâm tánh. Đó là sự nhận định một cách chung nhất từ xưa đến nay. Dù là như thế nào đi nữa thì không thể phủ nhận rằng trong bất cứ một xã hội nào thì người nữ vẫn chịu nhiều đau khổ về tinh thần và thể xác hơn người nam. Là một bậc đại trí tuệ Đức Phật đã nhìn thấu tâm can của nữ nhân không vì thế mà Ngài chán ghét họ mà ngược lại Ngài còn thương họ hơn bất cứ ai trên đời này, bởi vì rằng Ngài có một tấm lòng độ lượng vô biên có thể dung chứa hết thảy mọi chúng sanh, mọi tập tính khó ưa, khó kham nhẫn nhất.
16 Tháng Tám 2016(Xem: 6818)
16 Tháng Tám 2016(Xem: 6452)
Kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta, đến thế kỷ II thì Phật giáo đã định hình và phát triển khá mạnh mẽ, nhất là đã có sự thể nhập vào đời sống thực tiễn tại Giao Châu. Đây cũng là lý do tại sao giới trí thức Nho giáo và Lão giáo đặt vấn đề đạo Phật là đạo gì? Mâu Tử đã thẳng thắn trả lời: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài đường giúp nước hộ dân, khi ngồi một mình thì biết tu thân” được ghi trong tác phẩm Lý hoặc luận của Mâu Tử 1.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 5474)
Đức Phật hay Đạo Phật tự ngàn xưa không những giới thiệu cho chúng ta có nhận thức được về sự KHỔ và con đường tu tập để đưa đến chấm dứt mọi sự khổ đau ngay trong hiện tại, mà còn giúp cho chúng ta có một tầm nhìn trong sáng để trang bị hoàn thiện về đạo lý “Nhân bản” của con người trên mọi sinh lộ của cuộc đời.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 4504)
(Rằm tháng 7 - đại lễ Vu Lan, tưởng niệm gương đại hiếu của tôn giả Moggallāna (Mục Kiền Liên) đối với mẹ trong cảnh khổ ngạ quỷ; nên phật tử theo truyền thống Đại Thừa xem ngày chư tăng ra hạ (rằm tháng 7) là ngày báo hiếu mẹ. Đấy là cả một tình cảm cao cả, trân trọng và thiêng liêng. Nhưng theo truyền thống Theravāda thì không có từ Vu Lan, không có đại lễ Vu Lan. Nếu là nội dung và ý nghĩa tương tự – thì phải là sau ngày chư tăng Nam tông ra hạ, nghĩa là sau ngày 16 Tháng 9 ÂL, đúng mùa đại lễ Dâng Y Kaṭhina)
20 Tháng Mười Một 2015(Xem: 10053)
Mong sao chớ hóa thành mây, / Lang thang mấy nẻo đường bay cuối trời. / Chỉ mơ hóa kiếp con người, / Ngả vào tay mẹ thuở ngày ấu thơ.