Lịch Sử Bồ Đề Đạo Tràng (bodhgayà) - Nơi Đức Phật Thành Đạo

13 Tháng Giêng 201616:39(Xem: 8200)
blank

LỊCH SỬ BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG (BODHGAYÀ) -
NƠI ĐỨC PHẬT THÀNH ĐẠO

Hajime Nakamura - Trần Phương Lan dịch

bo de dao trang  dai thap
Ngôi đại tháp tại Bồ Đề Đạo Tràng về đêm

Ngôi Đại tháp ở Bồ đề đạo tràng (Bodhgayà) mà ta thấy ngày nay hình như vào thời đại Maurya (317 - khoảng 180 trước TL) đã được gọi là “vương tháp” (ràjapàsàdàcetika = ràjapràsàdàcaityaka).

1. Bodhgayà trong các du ký của tu sĩ Trung Hoa

Các nguồn tài liệu tốt nhất mà ta có được về lịch sử của Bồ đề đạo tràng (Bodhgayà) là các du ký của tu sĩ Trung Hoa. Pháp Hiển (340-420?) miêu tả nó như sau:

Từ đây (một hang núi ở phía bắc cổ thành Ràjagrha) đi về phía tây bốn do tuần (yojana), ta đến thành Gayà. Tại đây mọi vật trong thành cũng điêu tàn. Đi tiếp về nam độ hai mươi dặm (li=400m), ta đến nơi mà xưa kia Bồ tát tu tập khổ hạnh trong sáu năm. Đây là một khu rừng. Đi ba lý về tây, ta đến nơi mà xưa kia đức Phật đã tắm và rời cái ao bằng cách nắm một cành cây do một vị thiên thần (deva) bẻ cong xuống. Cách hai lý về phía bắc là nơi mà xưa kia các cô gái nhà Gràmika dâng đức Phật món cháo sữa.

Cách hai lý nữa về phía bắc là nơi mà xưa kia đức Phật an tọa trên phiến đá dưới một cây lớn, nhìn hướng đông, và ăn món cháo sữa. Cây ấy và phiến đá ngày nay vẫn còn đó. Phiến đá hơi thấp ở phía dưới dài rộng độ 2 mét và cao độ 0,6 m. Ở Trung Ẩn không có khí hậu cực nóng và cực lạnh, và vì vậy tương truyền một số cây sống vài ngàn năm cho đến mười ngàn năm.

Đi nửa do tuần (yojana) về đông bắc, ta đến một hang đá, trong đó Bồ tát đã đi vào và ngồi trong tư thế hoa sen, mặt hướng về tây, tự bảo mình rằng nêu ngài chứng đắc Giác ngộ (bodhi) thì phải có một dấu hiệu siêu phàm. Sau đó trên vách hang đá tự nhiên không nghi ngờ gì nữa đã xuất hiện hình bóng một vị Phật dài độ 0,9 m đến nay vẫn còn rõ ràng.

Ngay lúc ấy trời đất chuyển động mạnh, và các thiên thần (deva) nói:

- Đây không phải là nơi chứng đắc Giác ngộ của các đức Phật quả khứ và vị lai. Dưới gốc cây asvattha chỉ cách đây độ nửa do tuần (yojana) là nơi chứng đắc Giác ngộ của các đức Phật quá khứ và vị lai.

Khi các vị vừa nói xong, các vị dẫn đường và ca hát. Vì vậy Bồ tát đứng dậy và đi theo. Cách cây ấy độ ba mươi bước, một thiên thần (deva) dâng ngài một ít cỏ cát tường (kusa). Ngài nhận cỏ ấy. Xa hơn độ mười lăm bước, năm trăm con chim xanh bay vụt lên, vòng quanh ngài ba vòng rồi bay mấtdạng. Bồ tát tiến đến góc cây asvattha, trải cỏ kusa và ngồi xuống, mặt hướng về đông. Sau đó Ma vương đưa ba Ma nữ diễm lệ đến từ hướng bắc, để cám đỗ ngài. Còn chính Ma vương đến từ hướng nam để cám dỗ ngài. Bồ tát dùng ngón chân chạm mặt đất, Ma quân liền rút lui và tan biên khắp nơi. Cả ba Ma nữ diêm lệ ấy bị hóa thành các mụ già xấu xí.

Tại nơi vừa nói là nơi Bồ tát đã tu tập khổ hạnh trong sáu năm và tất cả mọi nơi khác, dân chúng thời sau đã xây nhiều ngôi tháp và dựng tượng thờ. Các di tích này đến nay vẫn tồn tại.

Các ngôi tháp cũng được dựng ở nơi đức Phật, sau khi đã đắc Giác ngộ, ngồi suốt bảy ngày nhìn cây này và hưởng lạc giải thoát; nơi đức Phật bước đi suốt bảy ngày từ phía đông sang tây của cây asvattha; nơi các thiên thần (deva) làm một sảnh đường bằng bảy báu vật và thờ cúng đức Phật suốt bảy ngày; nơi con rồng mù Mucilinda cuộn quanh đức Phật suốt bảy ngày, nơi đức Phật ngồi nhìn hướng đông trên một tảng đá vuông dưới gốc cây nyagrogha và Phạm Thiên đến thỉnh cầu ngài; nơi bốn vị Thiên vương dâng bát cúng ngài; nơi năm trăm thương nhân cúng ngài bột mì và mật ong; và nơi đức Phật giáo hóa các anh em Kasyapa (Ca diếp) và cả ngàn đệ tử.

Tại nơi đức Phật chứng đắc Giác ngộ có ba Tăng xá (Samghàràma) dành cho Tăng chúng cư trú. Cả tu sĩ và giới tại gia đều có lương thực cung cấp dổi dào, không thiếu món gì. Các giới điều và quy tắc được tuân thủ nghiêm túc. Các luật lệ điều khiển mọi cung cách cư xử, thức dậy, vào ra của họ đều giống như các giới luật mà các thánh tăng thời đức Phật thực hành và duy trì cho đến ngày nay.

Từ thời đức Phật nhập Niết bàn, bốn ngôi đại tháp vẫn được lưu truyền và không có gì thay đổi. Bốn ngôi đại tháp ở nơi đức Phật đản sinh, nơi đức Phật chứng đắc Giác ngộ, nơi ngài thuyết Pháp lần đầu và nơi ngài nhập Đại bát Niết bàn.

Pháp Hiển ghi lại rằng khi “Bồ tát tiến đến cây asvattha, trải cỏ kusa và ngồi xuống, mặt hướng về đông.” Ma vương đưa ba Ma nữ đến cám dỗ ngài nhưng Bồ tát đã hàng phục chúng. Dù ông không nói đến tòa kim cương (yajràsana), chắc hẳn cũng đã có vật gì đó đánh dấu nơi đức Phật chứng đắc Giác ngộ. Trong chương tám của Đại Đường tây vực ký, Huyền Trang viết:

Độ mười bốn hay mười lăm dặm về phía tây nam của núi Pràgbodhi, chúng tôi đã đến cây bồ đề. Bức tường bao quanh được xây bằng gạch, cao, dốc thẳng và vững chắc. Tường dài từ đông sang tây và hẹp từ nam ra bắc. Chu vi tường độ hom năm trăm bộ. Các loại câv quý hiếm có hoa rực rỡ đổ bóng chung quanh và trên bãi cát mịn, các loài cỏ lạ mà chúng tôi chưa từng thấy nơi nào khác mọc sum suê bao phủ mặt đất.

Cổng chỉnh mở về phía đông và hướng ra sông Neranjarà. Cổng nam nối liền với một cái hồ đầy hoa lớn và phía tây được chận bằng một dốc đá cao. Cổng bắc dẫn đến đại Tăng xá (Samghàràma). Các địa phận trong các bức tường chứa rất nhiều thánh tích. Có nhiều ngôi tháp và một tinh xá (vihàra), tất cả đều được vua chúa, đại thần và giới trưởng giả của mọi nước ở cõi Diêm phù đề (Jambudvipa: Ấn Độ) xây làm đài kỷ niệm để tôn thờ giáo pháp của đức Phật.

Những gì Huyền Trang miêu tả vẫn còn có thể được thấy mãi cho đến nay. Trong cùng chương ấy, Huyền Trang nói đến tòa kim cương, vẫn tồn tại khi ông đến tham quan, dù nó có thể đã được phục chế:

Ở giữa khuôn viên chung quanh cây bồ đề là tòa kim cương. Nó đã được dựng lên cách đây lâu lắm, từ khởi thủy của Hiền Kiếp này và xuất hiện cùng quả đất. Nó ở trong tam thiên đại thiên thế giới, trải dài đến tận lớp đất vàng ròng (Skt., kàncana-mandala) và xuất hiện trên mặt đất. Nó được làm bằng kim cương và chu vi khoảng hơn một trăm bộ. Nó được gọi là tòa kim cương vì cả ngàn đức Phật trong Hiền Kiếp này đã an tọa ở đó và nhập kim cương tam muội (samàdhi: Định). Nó còn được gọi là nơi Giác ngộ (bodhimanda) vì đây chính là nơi sự kiện Giác ngộ được viên thành.

Ngay cả khỉ quả đất rung chuyển và chấn động, chỉ duy nhât nơi này không rung chuyển cũng không chấn động. Khi đức Như Lai (Tathàgata) sắp chứng đắc Giác ngộ, ngài đi liên tiếp cả bốn phía, thì quả đất rung chuyển và chấn động. Nhưng khi ngài đến nơi này, tất cả đều yên tĩnh và lắng dịu. Khithời đại cuối cùng đến gần và Chánh Pháp bắt đầu hủy hoại dần, thì đất cát che phủ nơi này và sẽ khó trông thấy nó nữa.

Sau khi đức Phật nhập diệt (nirvana), các vua chúa khắp mọi lãnh thổ, nghe nói về tầm cỡ của tòa kim cương, đã dựng hai bức tượng Quan Ầm (Avalokitesvara) nhìn về hướng đông để đảnh dấu các biên giới bắc và nam. Khi tôi hỏi một ông già về việc này, ông nói: “Khi các bức tượng chìm xuống đất và không còn trông thấy được nữa, thì Phật pháp sẽ biến mất”. Bức tượng Bồ tát Quan Ầm (Avalokitesvara) ở phía nam bấy giờ đã bị chôn vùi đến gằn phần trên ngực.

Cây bồ đề ở trên tòa kim cương là cây pìpal. Xưa kia, khi đức Phật còn trụ thế, cây cao hàng chục mét. Mặc dù từ đó nó đã bị phá hại và chặt bỏ, nó vẫn còn cao độ bốn mét rưỡi. Đức Phật ngồi dưới cây ấy và chứng đắc Chánh đẳng giác, vì vậy nó được gọi là cây bồ đề (giác ngộ). Thân nó màu trăng ngà, cành và lá xanh đậm. Lá cây không tàn úa về mùa hạ hay đông, mà vẫn rậm rạp quanh năm không thay đổi.

Phía đông cây bồ đề là một ngôi tinh xả (vihàra), thông thường gọi là Đại tháp. Tháp cao độ 48 hay 51 m, tường trên nền tháp thấp hơn có chu vi độ hai mươi bộ. Tháp được xây bằng gạch xanh và phủ hồ. Trong mỗi bệ xây thụt vào ở các tầng đều có một bức tượng màu vàng. Bốn bức tường đều được điêu khăc thật cầu kỳ; có các bức tượng như chuỗi ngọc kết liền nhau và các bức tượng thánh nhân ẩn sĩ. Trên đỉnh tháp là một cái bình (àmalaka) mạ vàng, còn được gọi là bình nạm ngọc hay hũ nạm ngọc.

Nối liền phía đông tinh xá (vihàra) là một cái đình có nhiều tầng. Các đầu hổi vươn ra từ tầng thứ ba, và các kèo, cột, đòn tay, cửa lóm, cửa sổ đều được chạm trổ với các hình phù điêu bang vàng hay bạc và cẩn đủ loại ngọc trai, ngọc quý. Các phòng óc đều rộng rãi và có cửa lớn ba cánh. Vềhaiphía tả hữu của cổng ngoài đều có các bệ xây thụt vào, bên trái là bức tượng Bồ tát Quan Ấm (Avalokitesvara), và bên phải là bức tượng Bồ tát Di Lặc hay Từ Thị (Maitreỵa). Các bức tượng được đúc bằng vàng hay bạc và cao hơn ba mét.

Tòa kiến trúc này là một ngôi đại tháp, không phải là một tháp nhỏ thờ xá lợi (sarìràni). Từ bên ngoài, nó có vẻ là một ngôi đại tháp chín tầng, nhưng thật ra nó chỉ có hai tầng.

Phía bắc cây bồ đề là nơi đức Phật đã đi kinh hành. Ngay cả sau khi đức Như Lai (Tathàgata) chứng đắc Giác ngộ, ngài cũng không rời bảo tọa, mà vẫn ngồi nhập định suốt bảy ngày, giải thoát khỏi các tư tưởng si mê. Khi ngài xuất định, ngài tiến về phía bắc cây bồ để và kinh hành từ đông sang tây suốt bảy ngày. Khi ngài đã đi độ mười bước, thì mười tám đóa kỳ hoa xuất hiện ngay tại nơi ngài vừa bước qua. Người đời sau chất gạch lên ở đây và làm một bệ cao 0,9 m. Theo các bậc tiên bối, bệ này bao phủ các dâu chân Phật chỉ định thọ mạng của một đời người. Trước tiên người ấy phát nguyện chân thành, rồi đo cái bệ, cái bệ sẽ lớn hay nhỏ từy theo đời người ấy sẽ dài hay ngắn.

Tiểu sử Huyền Trang, Đại Đường Đại từ ân tự Tam tạng Pháp sư truyện, do Huệ Lập sáng tác, tóm tắt phần Huyền Trang miêu tả Bồ đề đạo tràng (Bodhgayà) và thêm nhiều thông tin khác:

Ở giữa là tòa kim cương (vajràsana... Nó được gọi là kim cương (vajrà) vì nó vững mạnh, không bị hủy hoại và có khả năng hủy hoại mọi vật. Nếu ngài (đức Phật) không tin tưởng nơi này, ngài đã không thể tồn tại trên quả đất. Nếu bảo tọa này không được làm băng kim cương (vajrà), thì quả đất đã không thể chịu đựng nổi sự nhập định (samàdhi) cương quyết này.

Như vậy khi các đức Phật muốn hàng phục Ma vương và chứng đắc Giác ngộ, các ngài chắc chắn phải ở đây; nếu các ngài ở nơi nào khác, quả đất sẽ chuyển động và tan tành. Và vìvậy cả ngàn đức Phật đều đã an tọa trên tòa kim cương (vajràsana) từ khởi thủy của trời đất. Nó còn được gọi là bodhimanda (địa điếm chứng đắc Giác ngộ). Tương truyền ngay cả khi thế giới di chuyển và chấn động, chỉ duy nhất nơi này không chuyển động.

Trong khoảng một hai trăm năm cuối cùng, vận mạng của chúng sinh đã suy tàn dần, và ngay cả khi họ đứng dưới cây bồ đề cũng không thể nhìn thấy tòa kim cương (vajràsana)...

Lá cây bồ đề không rụng về mùa hạ hay đông; tuy thế, vào ngày lễ kỷ niệm đức Phật nhập diệt hằng năm, lá bỗng nhiên rụng xuống, và rồi trong suốt ngày ấy lại mọc lên xanh tươi rậm rạp như cũ. Vào ngày ấy vua chúa từ nhiều nước tụ tập dưới cây bồ đề cũng đám tùy tùng, tưới cây bằng sữa, dâng đèn, trải hoa, lượm lá rụng và sau đó trở về nhà.

Pháp sư Huyền Trang kính lễ cây bồ đề và tượng đức Phật chứng đắc Giác ngộ do Bồ tát Di Lặc hay Từ Thị (Maitreya) tôn tạo. Ông quỳ trên mặt đất và than khóc rất sầu thảm, những dòng lệ đau xót tuôn như suôi trên mặt ông:

Đệ tử không có ý niệm gì vể nơi mình đã hiện hữu và đã tái sinh vào loài gì khi đức Phật chứng đắc Giác ngộ. Bây giờ trong thời Tượng Pháp, cuối cùng đệ tử cũng đã đến nơi đây. Tại sao nghiệp chướng của đệ tử sâu dày như vậy?

Ngày hôm ấy là ngày cuối cùng của mùa an cư kiết hạ, và hàng ngàn Tỷ kheo xa gần đã tụ tập tại đó, nhưng mọi người đều khóc khi thấy Pháp sư than khóc. Trong khoảng một do tuần (yojana) của nơi ấy có rất nhiều thánh tích. Huyền Trang ở lại đó độ tám chín ngày và đi lễ bái khắp mọi nơi ấy.

 

2. Lịch sử Bồ đề đạo tràng (Bodhgayà)

Giữa thời vua Asoka và triều đại Sunga do vua Pusvamitra thiết lập khoảng 185 trước TL, tất cả hiện vật tại Bồ đề đạo tràng (Bodhgayà) là cây bồ đề, tòa kim cương và một ao sen. Điều này có thể được xác nhận bằng cách tham khảo một bức phù điêu ở Bhàrhut vào TK thứ II trước TL về long vương (nàgarậịa)Elàpattra lễ bái đức Phật. Long vương (nàgaràja) Elàpattra cũng xuất hiện trong các sử thi anh hùng caMahàbhàrata và Ràmàyana; còn trong các kinh điển Phật giáo, vua rồng này quy y vào giáo pháp của đức Phật. Tác phẩm hình chữ nhật này trình bày cây bồ đề ở bên trái với cái bệ phía dưới (tòa kim cương). Trên bệ có thể thấy di tích của hoa tàn rải rác, điều ấy chứng tỏ rải hoa đã là một tập tục. (Ở Ấn Độ ngày nay, dân chúng cũng ném hoa để chúc phúc lành). Bên dưới là một hình người chấp tay lễ bái, có bức họa một con rồng năm đầu ở trên đầu người ấy (một đề tài thường thấy trong mỹ thuật Ấn giáo). Đây là long vương Elàpattra mang hình người.

Ở bên trái thấp hơn là một ao sen và các nửa phần trên của ba hình, vua rồng cùng hai cận thần. Cao hơn về phía bên phải, long vương hiện ra như một con rồng năm đầu trong ao sen vì đức Thích ca mâu ni đã ra lệnh bảo rồng xuất lộ nguyên hình. Trên cao là tượng thần hộ vệ Vajradhara (Kim cương) được thần Brahmà (Phạm thiên) đi kèm bên trái.

Ta học được hai điều từ bức phù điêu này. Thứ nhất, các tượng đức Phật không còn nữa. Thứ hai, dân bản địa thờ một thần rắn; việc này đi vào Ấn giáo thành sự thờ long thần và cũng được Phật giáo chấp nhận.

Một bia ký của vua Asoka nêu rõ là ngài đã đi chiêm bái cây bồ đề mười năm sau lễ đăng quang. Tương truyền cuộc hành hương này là nguồn gốc của điều mà vua Asoka gọi là các “cuộc du hành vì đạo pháp” (dharmayàtrà) của ngài. Các nguồn kinh điển Phật giáo đồng ý, nói rằng sau khi vua tham quan Kapilavastu, cố đô của bộ tộc Thích ca, vua đi đến cây bồ đề và ca tụng sự kiện Giác ngộ của đức Thích ca mâu ni. Vua đã cung dâng cây bồ đề một lễ vật gồm 100.000 đồng tiền vàng, truyền dựng một một ngôi tháp ở đó rồi ra đi. Các đệ tử Phật trong thời kỳ sau rất tôn trọng cuộc hành hương của vua Asoka đến chiêm bái cây bồ đề. Ngài thực hiện hai việc mà các tiên vương như Bimbisàra đã không làm được: Ngài kính lễ cây bồ đề bằng cách rảy nước hương lên cây và triệu tập một hội nghị mỗi năm năm một lần(pancavàrsika).

Các cổ tích kể rằng hoàng hậu Tisyaraksità của vua Asoka cố làm cho cây bồ đề chết đi, nhưng vua đã dùng nước cứu cây sống lại. Theo Đại Đường tây vực kỷ, hoàng hậu Tisyaraksità theo “tà giáo” và bí mật sai người chặt cây vào nửa đêm. Vua Asoka rất đau buồn và cầu nguyện hết lòng mong cây sống lại, rồi rảy sữa pha hương lên cây. Chẳng bao lâu cây sống lại và vua liền “bao quanh cây một bức tường gạch cao hơn ba mét; ngày nay vẫn còn thấy được tường này”. Tuy thế, vài thế kỷ sau, Sasànka, một vị vua của Bengal, lên ngôi vào khoảng trước năm 606, lại chặt cây để hủy diệt Phật giáo. Tương truyền vua Pumavarman, hậu duệ cuối cùng của vua Asoka, “đầy ưu phiền, đã tẩm gốc cây với sữa của ngàn con bò và trong vòng một đêm, cây lại hồi sinh”.

Theo Cao tăng Pháp Hiển truyện, hoàng hậu của vua Asoka chặt cây asvattha, và nó hồi sinh vì vua đã tắm sữa cho nó. Huyền Trang ghi lại ba văn bản về những người cố hủy diệt cây bồ đề: Đích thân vua Asoka, hoàng hậu Tisyaraksità của vua Asoka và vua Sasànka; trong mỗi trường hợp, gốc cây đều sống sót và cây mọc lại. Sự cố ý hủy diệt cây này chắc chắn là có thực, nhưng điều không rõ là bao nhiêu thế hệ cách biệt giữa cây hiện nay và cây ở thời đức Thích ca mâu ni đã an tọa.

Sau cuộc du hành của Mahinda, hoàng tử của vua Asoka đến Ceylon (Sri Lanka ngày nay) để thuyết giảng Phật giáo tại đó, các cung phi trong vương tộc Ceylon bày tỏ ước vọng sống đời tu hành và thỉnh cầu các Tỷ kheo ni đến đây để truyền giới cho họ. Công chúa Samghamitta, hoàng nữ của vua Asoka, đã dẫn phái đoàn gồm mười một Tỷ kheo ni, đem theo một nhánh ở phía nam của cây bồ đề mà vua Ceylon đã thỉnh cầu. Chính vua Asoka đã chặt cành cây một cách thần kỳ và đặt nó lên thuyền. Vua Ceylon đi đón phái đoàn tại cảng Jambukola và trồng cây ở đó. Cuối cùng tám chồi non mọc lên và các chồi này được trồng ở nhiều địa điểm.

Vào khoảng một thế kỷ sau triều đại vua Asoka, một lan can bằng sa thạch được dựng lên quanh cây bồ đề ở Bồ đề đạo tràng (Bodhgayà) và một tháp nhỏ được dựng lên. Kiểu lan can theo hình thức thông thường. Có bốn trụ đá vuông hay tám cạnh được chạm nổi hình nhiều người và vật ở mặt trước và sau, nhiều cổ tích (như Jàtaka) và hình tròn lớn chạm hoa sen. Các phần lồi ra ở mỗi bên trụ đá làm chỗ dựa cho các thanh đá nằm ngang, nối liền các trụ đá. Các thanh đá nằm ngang này cũng được chạm hình hoa sen và các hình tròn lớn chạm nổi khác. Các phiến đá ở trên đỉnh trụ được chạm nổi bên ngoài với một tràng hoa sen và bên trong với hình nhiều thú vật.

Trên các trụ đá có nhiều loại hình chạm nổi, gồm các hoa sen và thú vật thông thường. Cũng có một số hình chạm nổi cảnh quan từ cuộc đời đức Phật, nhưng theo phong tục thời ấy không phác họa đức Phật mang hình người. Cũng có các cảnh tượng từ Bộ chuyện Tiền thân (Jàtaka) và các biểu tượng của vòng chiêm tinh. Một hình vẽ thần mặt trời lái xe do bốn con ngựa kéo là bức họa nổi tiếng đầu tiên về vị thần này. Các hình chạm nồi bên ngoài lan can đều đơn giản, nhưng các hình sư tử, ngựa và voi có cánh cho thấy ảnh hưởng của Ba Tư. Cũng có một số dòng chữ ngắn, một trong đó nêu rõ là lan can được vua Indràgnimitra, trị vì ở TK thứ I trước TL, cung tặng:

Cái bệ (bodhimanda) dưới cây bồ đề được gọi là tòa kim cương và đó là vật được các đệ tử Phật tôn trọng đặc biệt. Khi Huyền Trang tham kiến vùng này, đã có niềm tin thịnh hành là không chỉ đức Phật Gotama mà còn nhiều đức Phật đã chứng đắc Giác ngộ ở đó. Ở Sri Lanka ngày nay các bệ cao dưới gốc cây bồ đềtrong các sân chùa đều được gọi là tòa kim cương (bodhimanda) theo tên tòa chứng đắc Giác ngộ ở Bồ đề đạo tràng (Bodhgayà).

Lan can bao quanh tòa kim cương đã được phục chế nhiều lần. Có lẽ sự phục chế thật cần thiết vì một phần lan can đã bị mất hay vì cần mở rộng nhiều hơn nữa.

Ngôi tháp cuối cùng đã bị hủy hoại và chôn vùi trong cát. Khi vua Miến Điện phái ba triều thần đến khai quật các nền tháp bị chôn vùi ấy vào năm 1856, chính phủ Anh ở Ấn Độ không còn xem thường địa điểm này nữa. Vào năm 1863, một cái hào đã được một Thiếu tá Meade nào đó đào quanh tháp dưới sự giám sát của Đại tướng Alexander Cunningham. Vào năm 1878 Rajendralala Mitra xuất bản một báo cáo học thuật về Bồ đề đạo tràng (Bodhgayà) và năm sau Alexander Cunningham thanh tra địa điểm này. Năm 1880 Sir Asley Eden, Phó thống đốc Bengal, truyền lệnh cho J.D.Beglar tiến hành khai quật tại đó. Vào năm sau, J.D.Beglar không chỉ phát hiện tòa kim cương mà còn phục hồi di tích xá lợi của đức Phật được cất giữ tại đó. Các chi tiết về cuộc khai quật được ghi lại trong Mahàbodhi hay Đại tháp Bồ đề của Alexander Cunningham. Các sự trùng tu tổng quát sau cùng đựơc chính phủ Anh ở Ấn Độ đảm trách vào năm 1880-81.

Ngôi Đại tháp ở Bồ đề đạo tràng (Bodhgayà) mà ta thấy ngày nay hình như vào thời đại Maurya (317 - khoảng 180 trước TL) đã được gọi là “vương tháp” (ràjapàsàdàcetika = ràjapràsàdàcaityaka). Mãi cho đến gần đây, nhiều đám đông vô gia cư đóng vai hướng dẫn viên của du khách hành hương đã tụ tập quanh bảo tháp và gây ô uế nơi ấy. Bây giờ tháp đang được một ủy ban quản lý quan tâm chăm sóc và bảo tồn. Theo huyền thoại và ký sự của Huyền Trang, vua Asoka đã dựng một bức tường đá (vàrà) quanh cây bồ đề nhưng nay bức tường đá đã biến mất.

Gần đó là một lan can bằng đá, và vì ký tự của đòng chữ khắc trên đó hầu như trùng hợp với bia ký thời vua Asoka, người ta tin rằng các bức tường hiện nay có nguồn gốc từ một bức tường được xây vào thời vua Asoka. Các tháp nhỏ màu trắng kế cận ngôi Đại Tháp theo kiến trúc hiện kim, tái tạo các đặc điểm chính của ngôi tháp lớn. Vì cả Huyền Trang và Pháp Hiển đều không bình luận gì về phiến đá in dấu chân Phật gần cây bồ đề và phía sau (nghĩa là phía tây) ngôi Đại Tháp, nên khó phỏng đoán niên đại của nó.

Khi Phật giáo suy tàn, Bồ đề đạo tràng (Bodhgayà) trở thành thánh địa của tín đồ Ấn Độ giáo, thuộc quyền sở hữu của các hàng đạo sĩ Ấn giáo cao cấp gọi là mahanta. Từ 1953 địa điểm này đã được một ủy ban của chính phủ quản lý. Gayà cách đó mười lăm cây số, từ lâu đã là thánh địa quan trọng của Ẩn Độ giáo, nhưng đối với phần đông dân Ấn Độ, Bồ đề đạo tràng (Bodhgayà) chỉ là một địa điểm du lịch. Khách hành hương tham quan Gayà để cử hành tế lễ cúng bái tổ tiên trong mười lăm ngày (pitrbhaksà).Bình thường Gayà có dân số chừng 300.000 người, nhưng vào thời tế lễ, tương truyền tăng lên đến 900.000 người. Nhiều thần linh được thờ cúng với thần Vishnu là vị thần được dân chúng ngưỡng mộ nhất. Khách hành hương lũ lượt đến Đại Tháp Vishnupada ở trung tâm thành phố và làm tế lễ. Gayà có một số hồ nước dành cho lễ tắm (rửa tội). Vài hồ hình vuông với tầng cấp ở ba phía. Không hồ nào có tầng cấp ở cả bốn phía. Các đệ tử Phật trong thời kỳ tối cổ đã phê bình lễ tắm ở Gayà không có công đức gì cả.

Trích từ sách "Đức Phật Gotama" của tác giả Hajime Nakamura do Trần Phương Lan dịch

Xem thêm:
Bồ Đề Đạo Tràng Qua Hình Ảnh


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Giêng 2017(Xem: 6851)
11 Tháng Giêng 2016(Xem: 10182)
Nhân dịp kỷ niệm Đức Thích Ca Thành Đạo, chúng tôi xin giới thiệu bộ phim tài liệu do Đài truyền hình BBC và Discovery cùng hợp tác thực hiện. Bộ phim mô tả cuộc đời của Hoàng tử Tất-Đạt-Đa, quá trình Ngài thành Phật -- Đấng Giác Ngộ. Bộ phim còn giới thiệu những di chỉ khảo cổ liên quan đến cuộc đời của Đức Phật cũng như giáo lý của Người.
11 Tháng Giêng 2016(Xem: 6630)
Thành đạo còn gọi là Đắc Đạo, chứng đạo, đạt đạo, thành tựu đạo quả. Chữ Thành Đạo đây ám chỉ về Đức Phật Đắc đạo, thành Chính Giác. Theo Phật Quang Đại Từ Điển - Thành Đạo chỉ cho việc hoàn thành Phật Đạo, 1 trong 8 tướng, tức là Bồ Tát hoàn thành việc tu hành, thành tựu quả Phật.