Chùa Hương Đêm Trừ Tịch

18 Tháng Giêng 201100:00(Xem: 54344)

blank
C
HÙA HƯƠNG ĐÊM TRỪ TỊCH
Chu Minh Khôi

Giao thừa là thời khắc khiến ta cảm nhận rõ nét nhất bước đi của thời gian, đời người thấm thoắt, hiện hữu mà vô thường. Ngày càng nhiều người chọn chùa là nơi đón giao thừa. Họ chỉ ở đó trong khoảnh khắc ngắn ngủi, rồi trở về nhà khi sang canh. Nhưng đón giao thừa tại chùa Hương, ta sẽ được trải qua những cảm xúc riêng biệt, vô cùng thú vị.

Ngày nay du hội Hương Sơn, du khách thường than phiền nhiều điều: hiện tượng chèo kéo khách, nạn “chặt chém” thực khách, tắc đường… Nhưng với những Phật tử hành hương về đất Phật lại có một tâm thế rất khác biệt, ấy là chùa Hương bình yên lặng lẽ đến lạ lùng trong những giờ phút dường như chỉ của riêng Phật tử.

Ấy là khi hoàng hôn buông xuống, những Phật tử tự giác cầm lấy cây chổi quét hết mọi thứ rác mà du khách vứt vương vãi ban ngày, như quét đi mọi cấu uế trần thế. Tất cả mọi người ở chùa Hương trong những thời khắc ấy, dù lạ dù quen, dù mới đến đây lần đầu, bỗng nhiên như những con người ruột thịt trở về với mái nhà chung.

Phật tử tất bật tham gia nấu cơm trong bếp của nhà chùa, người nhặt rau, người đun bếp, không khí đầm ấm vô cùng. Muốn cần một chỗ nghỉ lại qua đêm chỉ cần báo với bà mế già, nhà chùa có đủ chỗ nghỉ lại cho hàng trăm Phật tử. Cơm ăn, chỗ nghỉ đều miễn phí cho tất thảy mọi người con Phật.

Dạo quanh các hàng quán ở bên ngoài cổng chùa Thiên Trù để tìm hiểu Hương Sơn về đêm, dù đã ăn cơm chay trong chùa lúc chập tối, nhưng tôi vẫn gọi bát mì để ăn thêm. Khi trả tiền, cô chủ quán chỉ đòi 10 ngàn một bát, thầm so sánh cũng bát mì ấy, cũng quán ấy ban ngày mình phải trả 20 ngàn.

Thấy lạ, tôi thắc mắc, cô chủ quán vui vẻ: bán cho khách du lịch giá đắt, vào những lúc này chỉ Phật tử mới ở lại qua đêm, nên giá bán cũng phải khác, không thể bán đắt như với khách du lịch thông thường. Để ý quan sát, thấy dường như quán nào ở đây cũng theo thông lệ như vậy, 5 giờ sáng bát mì vẫn 10 ngàn, nhưng từ 7 giờ trở đi giá bán lại nhảy lên gấp đôi. Nếu bạn muốn trải nghiệm không khí thuần khiết như vậy, hãy hành hương về Hương Sơn vào chiều 30 Tết, hoặc chiều Khánh đản Bồ tát Quan Âm, 19 tháng 2 âm lịch.

tuyentapxuan-131-01_jpg
ĐĐ Thích Minh Hiền cho chữ đêm giao thừa tại chùa Hương

Mùa xuân đến như thông điệp chuyển hóa nội tâm, trở về chính mình, sống với thực tại Chân như. Ngày cuối năm, những con đường vọng niệm đưa hàng trăm Phật tử từ nơi phố thị vân tập tới chốn núi rừng Hương Sơn.

Tuy không xa thế giới thị thành, nhưng Hương Sơn cách biệt bởi núi non bát ngát, quanh co suối Yến, chập chùng hang động. Suối Yến chiều tất niên huyền phiêu trong sương khói, lãng đãng đâu đây những bông súng lững lờ trôi, như thể mùa xuân đang phấp phỏng đến từ chiêm bao, đem cả một tòa Hương tới sát bên mình.

Hai bên bờ suối là những vạt lúa chạy dài theo dòng nước, tiếp giáp với những dãy núi đá xanh mờ trong sương, khiến cảnh vật thêm huyền ảo. Khó mà phân định rõ đâu là đường ranh giới giữa trời và nước, chỉ nghe lao xao tiếng niệm Phật trên những con đò đang xuôi dòng. Không biết người ta niệm Phật để cầu xin sự cứu khổ hay chỉ nhớ Phật. Mỗi người có cách niệm Phật của riêng mình, nhưng ai có thể cất lên tiếng niệm Phật như niệm tâm. Khỏa tâm hồn mình xuống nước, nhờ suối Yến rửa trôi mọi vọng lầm mê chấp, ta vào Hương Sơn.

Sẽ khó có nơi nào cho ta những phút giây thư thái tâm hồn, quẳng hết ưu phiền, để ngồi giữa khung cảnh thảnh thơi, thưởng thức bữa cơm chay như ở chùa Hương chiều 30 Tết. Vô vàn xúc cảm đan xen. Chiếc chiếu trải trên nền đất ấm lấp lánh ánh rêu xanh, dưới những gốc cây cổ thụ ngàn năm tuổi.

Đó đây, tiếng mõ vang lên, đều đều chầm chậm. Mùi hương trầm kín đáo thoang thoảng qua làn gió, khiến mỗi con người như lạc vào nơi thời gian ngưng đọng. Những món ăn chỉ là tương, dưa, rau, đậu, chuối xanh… Mâm cơm ngày Tết giản dị nhưng ngon vô cùng, khiến bất cứ ai đã quen thuộc với sự ồn ào nơi phố thị, cũng phải nghiêng mình trước sự thanh đạm của vật chất mà cao sang về tâm hồn. Tinh thần tự phục vụ được đề cao.

Phật tử được hướng dẫn niệm Tam đề, Ngũ quán trước khi bưng bát cơm lên. Miếng thứ nhất, nguyện đoạn trừ hết thảy việc ác. Miếng thứ hai, nguyện tu học hết thảy việc thiện. Miếng thứ ba nguyện cầu giúp hết thảy mọi người, mọi loài. Chuyện ăn uống giản tiện mà trở nên nghiêm túc vô cùng.

tuyentapxuan-131-02_jpg

Suốt đêm 30 Tết, chư Tăng chùa Hương tất bật đón tiếp, hướng dẫn Phật tử vào lễ Phật. Trước giao thừa, chùa tụng kinh Phổ Môn cho đến 12 giờ kém thì chấm dứt. Đúng thời khắc giao thừa, nổi ba hồi chuông trống Bát nhã, tứ chúng vân tập tại chính điện chùa để lễ Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng). Lần lượt tụng niệm kinh kệ, tán thán công đức vô lượng của chư Phật. Sám chủ xướng thỉnh mười phương chư Phật, niệm Nam mô Long Hoa Giáo chủ Di Lặc tôn Phật. Nguyên đán là Tết cổ truyền của dân tộc, đồng thời ngày mồng một Tết là ngày Đức Phật Di Lặc đản sinh, tượng trưng cho sự hoan hỷ, an lạc.

Sau khóa lễ Tam bảo và giao thừa, chư Tăng và Phật tử đi lễ tháp, nhiễu khắp lượt các ban, các tháp để lễ Tổ. Sau đó các Phật tử cùng về nhà khách của chùa. Nhà chùa tặng quà, chúc Tết Phật tử năm mới an lạc. Tận 2 giờ sáng mới xong việc chúc tụng, bước vào tục lệ được mọi người mong đợi nhất: khai bút thư pháp.

Đại đức Thích Minh Hiền (Động chủ đời thứ XII tông phong Hương Tích) viết tặng cho mỗi người một tấm thiếp thư pháp, tặng cho các Phật tử xin chữ đầu năm. Chữ được người ta xin nhiều nhất là chữ “Phúc” và chữ “Cát tường”, có người xin chữ “Lộc”, chữ “Thành”... Chữ “Nhẫn” là chữ mà nhiều bậc cao niên thường xin để treo trong nhà như một lời răn dạy con cháu.

tuyentapxuan-131-03_jpg

Động Hương Tích

Sau một đêm đón giao thừa chốn núi rừng Hương Sơn, tinh mơ Nguyên đán Phật tử lại xuống đò trở về nơi thị thành. Những ai được trải qua một đêm trừ tịch chốn Hương Sơn, mới thẩm thấu được sự ngọt ngào và sâu thẳm của không gian. Vượt lên những cảm nhận bình thường của âm thanh-màu sắc, đường nét của biến kế sở chấp, để đi vào thế giới chân như, liễu ngộ sắc xuân miên viễn.

Mỗi Phật tử được mở đôi mắt tuệ giác vô biên để soi đời, tâm hồn vút lên cao, bay vào xa thẳm chân trời vô tận. Trong không gian tâm linh vời vợi, tiếng chuông chùa đổ vào thung lặng lẽ. Tựa thân vào chốn Hương Sơn đêm trừ tịch, lắng nghe những tiếng niệm Phật, để học cách đi chậm lại, lắng hồn theo những kẽ rêu bậc đá, tiếng mõ câu kinh, tìm cho mình vài thoáng tâm linh trước khi trở về cõi tục.

Chu Minh Khôi

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 5500)
Xuân Di Lặc, Cụm từ trên không biết có tự bao giờ…? Thế nhưng từ lâu cho đến tận ngày hôm nay, thật sự đã đi sâu thẳm vào dòng tâm tưởng của tuyệt đại đa số những người đệ tử Phật, và cả những con người trong nhân gian một khi mưu cầu hạnh phúc, sự bình yên an lành trong cuộc sống giữa đời thường nầy.
01 Tháng Ba 2015(Xem: 7696)
26 Tháng Hai 2015(Xem: 7165)
Trời cuối năm se lạnh, một năm cũ sắp hết, nhường chỗ cho một năm mới… Mới hay cũ thì việc chắc cũng chừng đó.Với người học đạo và hành đạo thì có gì ngoài việc học đạo và hành đạo? Cũng chỉ loanh quanh trong Phật sự và công phu.
24 Tháng Hai 2015(Xem: 13448)
Vào dịp cuối năm Giáp Ngọ 2014, một đài truyền hình Mỹ đã phỏng vấn thầy Thích Vĩnh Hóa về cuộc triển lãm bộ sưu tập 10 ngàn Xá Lợi Phật cùng chư Thánh Tăng và hai viên ngọc Xá Lợi Bồ Tát Thích Quảng Đức ...
23 Tháng Hai 2015(Xem: 7023)
Tết là dịp để con người vui chơi thoải mái sau một năm làm việc, Tết cũng là thời điểm để người Phật tử hướng về Phật, về tổ tiên để thành kính tri ân. Nhang là phẩm vật không thể thiếu khi thực hiện ý nghĩa ấy.
21 Tháng Hai 2015(Xem: 11373)
Làm thế nào để hiểu đúng về Chùa chiền, Đạo Phật và chuẩn bị đúng tâm thế khi đi lễ chùa cũng là một câu chuyện đáng bàn trong những ngày đầu năm mới này.
21 Tháng Hai 2015(Xem: 7766)
Giờ khắc Giao Thừa thiêng liêng (năm nay nhằm Thứ Tư, ngày 18 và sáng Thứ Năm, ngày 19 tháng 2 năm 2015) không chỉ dành riêng cho người Việt trong nước mà cho cả người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Trong đó, người Việt ở Quận Cam được xem là nơi có không khí đón Giao Thừa vui nhất và tưng bừng nhất ở Mỹ.
20 Tháng Hai 2015(Xem: 12651)
Trần Nhân Tông (chữ Hán: 陳仁宗; 7 tháng 12 năm 1258 – 16 tháng 12 năm 1308,) là vị vua thứ 3 của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông trị vì 15 năm (1278 – 1293) và làm Thái Thượng hoàng 15 năm. Trần Nhân Tông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông có vai trò lãnh đạo quan trọng trong Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần 2 và lần 3.
19 Tháng Hai 2015(Xem: 10215)
Sống trọn vẹn, sống hết mình, sống không nhìn lui, sống không nhìn tới, ta với khoảnh khắc là một, ta với vấn đề phải giải quyết là một.