Mùa Xuân Nói Về Rượu Và Tác Hại Của Rượu - Minh Hạnh Đức

04 Tháng Hai 201200:00(Xem: 58115)

Mùa Xuân nói về rượu và tác hại của rượu
Minh Hạnh Đức

blankĐối với Phật giáo, trong kinh điển và giới luật của người xuất gia lẫn tại gia, đức Phật dạy không nên uống rượu, vì cái hại lớn nhất của rượu là làm mất giống trí tuệ. Trí tuệ là điều kiện cần của đời sống an lạc hạnh phúc, và là mục tiêu cứu cánh của sự nghiệp giác ngộ, giải thoát...

RƯỢU TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA – XÃ HỘI

Rượu được sử dụng rộng rãi trong đời sống văn hóa, xã hội. Từ xa xưa người ta đã xem rượu là một trong những vật phẩm dùng để tế lễ trời đất, thần thánh, tổ tiên, là phương tiện bày tỏ lòng thành kính, thể hiện lễ nghĩa đối với người trên, kẻ dưới, thể hiện tình cảm trong các mối quan hệ. Bất kỳ hội hè, đình đám, tiệc tùng nào cũng có rượu, người ta uống rượu mừng, uống rượu chia vui (trong tiệc cưới, tiệc sinh nhật, tân gia, liên hoan…), uống rượu chia buồn (trong đám tang, kỵ giỗ, tiệc chia tay…), uống rượu để xã giao, kết thân, uống rượu để bàn bạc công việc làm ăn, ký hợp đồng, uống rượu để giải sầu, uống rượu để…thưởng thức. Từ thành thị cho đến thôn quê, từ người giàu cho đến người nghèo…đâu đâu cũng có người uống rượu. Theo ước tính, ở Việt Nam cứ trung bình 10 người đàn ông thì có khoảng 7 người thường xuyên sử dụng bia rượu.

Ngày nay quán nhậu mọc lên khắp nơi. Không chỉ đàn ông uống rượu mà phụ nữ cũng uống rượu, tỷ lệ phái nữ sử dụng rượu bia trong giao tế vì công việc, vui vẻ với bạn bè, trong tiệc tùng đình đám ngày càng gia tăng. Thành phần mê rượu (kể cả nữ giới) cũng dần dần được “trẻ hóa”, nhiều thanh thiếu niên đã tập tành uống rượu khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

 

RƯỢU VÀ NHỮNG HỆ LỤY

Chưa kể đến những tác hại của bia rượu đối với sức khỏe, về mặt xã hội, khi bia rượu bị lạm dụng một cách thái quá sẽ dẫn đến những hậu quả: Làm mất trật tự xã hội (say xỉn gây gổ, đánh nhau, làm náo động thôn ấp, phố phường…), không an toàn giao thông (say xỉn mất tự chủ khi điều khiển xe cộ, dễ xảy ra tai nạn cho bản thân và người khác. Mỗi năm có khoảng 6% vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ bia rượu), gây ra hành vi bạo lực gia đình (chửi mắng, hành hạ, đánh đập cha mẹ, vợ con, phá hoại nhà cửa)…

Tại Việt Nam, theo điều tra nghiên cứu, có đến 55% bạo lực xảy ra trong những gia đình có người nghiện rượu. Ở các miền quê, hiện nay tình trạng bạo lực gia đình đang gia tăng, ngành Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội cho biết, đa số hung thủ trong các vụ án giết người đều liên quan đến rượu. Khi uống nhiều rượu người ta rất dễ bị kích động, không làm chủ được bản thân, chỉ cần những mâu thuẫn nhỏ hay vài lời cự cãi, hoặc sự nghi ngờ nào đó dù chưa có căn cứ là người ta có hành động dẫn đến những thảm kịch làm tan nát gia đình.

Nhiều nghiên cứu khoa học cho biết, những trẻ em lớn lên trong gia đình có cha hoặc mẹ nghiện rượu sẽ mang những chấn thương nặng nề về cảm xúc, cách ứng xử và tâm thần. Nguyên nhân là do chịu ảnh hưởng của rượu (nhiễm độc rượu từ cha mẹ) và bị tác động tâm lý bởi những xung đột của cha mẹ (gây gổ, chửi mắng, đánh nhau…)

Tình trạng đam mê rượu chè cờ bạc đến mức bỏ bê gia đình, gây mất an ninh trật tự, sinh tâm trộm cắp, cướp giật…là những tệ nạn mà xã hội lên án.

Hiện nay ở Mỹ và châu Âu, phụ nữ thích nhậu (đáng quan tâm nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên) đang trở thành một hiện tượng đặc biệt. Theo thống kê, ở Mỹ có đến 55% sinh viên đại học trong nhóm đối tượng lạm dụng chất cồn là phái nữ. Các chuyên viên tâm lý Đại học Stanford cho biết, tỷ lệ sinh viên nữ hối hận bởi quan hệ tình dục ngoài ý muốn khi say rượu đang tăng.

 

RƯỢU VÀ SỨC KHỎE

blankNếu uống một lượng thích hợp (đàn ông uống khoảng 2 ly nhỏ hoặc 1 lon bia, phụ nữ khoảng từ nửa ly đến 1 ly nhỏ mỗi ngày), rượu không gây hại cho sức khỏe (ngoại trừ những người có các bệnh lý phải cử rượu). Rượu trắng làm từ nếp có lợi cho tiêu hóa (nhưng phải đảm bảo chất lượng, sản xuất đúng quy trình kỹ thuật). Rượu đỏ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư. Bia hỗ trợ tiêu hóa, giúp phòng tránh một số bệnh ngoài da.

Nếu uống vừa phải, rượu kích thích hoạt động của não làm cho người uống cảm thấy sảng khoái, giải tỏa những ức chế. Nhưng nếu uống quá nhiều sẽ dẫn đến đau đầu, choáng váng, giảm khả năng nhận biết, phán đoán và xử lý tình huống. Tùy theo thể trạng của mỗi người mà uống đến mức độ nào đó có thể dẫn đến ngộ độc rượu cấp tính. Uống nhiều rượu và uống thường xuyên khiến cho gan bị phình to, chai cứng, bị viêm, dần dần gan bị biến dạng, có sẹo, chức năng các mô gan bị phá hủy dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Rượu cũng gây viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày, ung thư thực quản, ung thư phổi, lao phổi. Nếu uống nhiều rượu, trên 46 gam cồn/ngày sẽ làm tăng 48% nguy cơ tử vong do đột qụy ở nam giới và tăng 92% nguy cơ tử vong do đột qụy ở nữ giới.

Đối với phụ nữ và trẻ em, tác hại của rượu càng đáng lo ngại hơn. Theo Becky Flood, Tổng giám đốc điều hành New Directions for Women, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp cai nghiện rượu bia cho nữ giới thì hai năm uống rượu của phái nữ tương đương với 10 năm của phái nam. Phái nữ cũng dễ nghiện hơn nam, nhất là khi uống rượu ở độ tuổi đang phát triển.

Đối với phụ nữ có thai, nếu uống 2 ly rượu mỗi ngày thì thai nhi có nguy cơ bị nhiễm độc rượu. Theo các chuyên gia khoa học, nếu không kể yếu tố di truyền thì rượu là nguyên nhân hàng đầu gây chậm phát triển trí não ở trẻ em.

 

GIÁO LÝ NHÀ PHẬT VÀ RƯỢU

Nếu uống vừa phải, điều độ, rượu cũng có ích cho sức khỏe. Rượu còn có thể dùng làm thuốc trị bệnh, thuốc bổ, rượu giúp cơ thể dẫn thuốc rất tốt.

Tuy nhiên, ít người biết tiết độ trong ăn uống, biết kiềm chế mình trong những cuộc vui, từ đó mà chuốc lấy vô số tác hại từ việc uống rượu mang lại. Say xỉn nói càn nói bậy, ăn mặc lôi thôi, làm điều càn rỡ, phóng uế bừa bãi trên đường phố, lái xe không kiểm soát, bạ đâu ngủ đó, dáng vẻ trông thật khó coi trong mắt mọi người, mất hết văn hóa, lịch sự. Khi rượu vào thì lời ra, hành động lỗ mãng, gây bạo lực gia đình, bạo lực xã hội, làm mất an ninh trật tự, ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa, xã hội. Tác hại lâu dài của rượu là tác hại về sức khỏe, rượu gây ra nhiều bệnh cho hệ tiêu hóa, tim mạch, thần kinh và ảnh hưởng đến con cái sau này của người uống rượu.

Tuy rượu làm tăng thêm niềm vui và hương vị cuộc sống, nhưng so với tác hại của rượu thì lợi ích mang lại không nhiều, do đó mà các chuyên gia y tế, các nhà giáo dục, xã hội học khuyến cáo cần nên hạn chế uống rượu, tốt hơn nữa là không uống.

Đối với Phật giáo, trong kinh điển và giới luật của người xuất gia lẫn tại gia, đức Phật dạy không nên uống rượu, vì cái hại lớn nhất của rượu là làm mất giống trí tuệ. Trí tuệ là điều kiện cần của đời sống an lạc hạnh phúc, và là mục tiêu cứu cánh của sự nghiệp giác ngộ, giải thoát. Trong Sa di Luật nghi, giới không uống rượu viết: “Thà uống nước đồng nấu chảy, thận trọng không phạm vào rượu” (Ninh ẩm dương đồng, thận vô phạm tửu). Trong kinh Trung A hàm có nói: “Phàm người uống rượu có 6 điều lỗi: 1.Mất của, 2.Sinh bệnh, 3.Gây gổ, đánh nhau, 4.Mang tiếng xấu, 5.Khởi tâm sân, si, 6.Trí tuệ ngày càng lu mờ.

Trong kinh Phân Biệt Thiện Ác Sở Khởi, đức Phật chi tiết chỉ rõ nhiều tác hại do rượu mang lại cho cá nhân, gia đình và xã hội: “Với người thế gian ưa uống rượu say phạm 36 lỗi: 1.Người uống rượu say, con chẳng kính cha, tôi chẳng kính vua; vua tôi cha con không còn kẻ trên người dưới 2.Nói năng phạm nhiều lầm lỗi 3.Say rượu thường nói nhiều lời, nói lời không cân nhắc gây hiềm khích, mất lòng, mất đoàn kết 4. Nói chuyện không giữ gìn ý tứ, không tế nhị, không biết kiềm chế, đem cả những việc riêng tư cần giấu kín của mình và người khác ra mà nói. 5. Say rượu thì mắng trời chửi đất, xúc phạm thánh hiền, chẳng biết kiêng cử 6. Say rượu nằm giữa đường không thể về nhà, có cầm giữ vật gì thì quên mất 7.Say rượu đi đứng không đàng hoàng, trông thật khó coi trong mắt người khác 8. Say rượu không còn tỉnh táo dễ bị sa hầm sụp hố, hoặc ngủ bờ ngủ bụi bị nhiễm phong sương mà sinh bệnh, thậm chí chết đột ngột 9. Say rượu dễ bị té xe, té ngựa mang thương tật, có khi đi bộ cũng té ngã 10. Mua bán bị nhầm lẫn, dễ đụng chạm với mọi người 11. Say sưa bỏ phế công việc làm ăn, chẳng lo sinh sống 12. Tiêu hao tài sản của cải gia đình 13. Bỏ bê cha mẹ, vợ con 14. Chẳng biết tôn trọng ai, chẳng kể nền nếp gia đình, chẳng sợ pháp luật 15. Say rượu cởi bỏ áo quần ngoài phố chợ, đánh mất tư cách, tác phong 16. Say rươu đi bậy vào nhà người, lôi kéo vợ con người khác, nói năng bậy bạ 17. Say rượu gây sự, đánh nhau với người khác, với chòm xóm láng giềng 18. Say rượu la lối, quậy quạng làm kinh động hàng xóm 19. Say rượu giết quấy gà heo. 20. Say rượu đập phá nhà cửa, đồ đạc 21. Say rượu coi rẻ người nhà, không biết tôn trọng ai, nói năng hành xử ngang ngược 22. Làm bạn với phường ác nhơn, thích tụ tập với kẻ xấu không có tư cách, đạo đức. 23. Xa bỏ bực hiền thiện 24. Khi tỉnh rượu, thân thể như đau bệnh 25. Say rượu ói mửa làm người khác gớm ghê, vợ con phải cực nhọc 26. Say rượu không tỉnh táo gặp phải nguy hiểm cũng chẳng đề phòng, né tránh. 27. Say rượu rồi thì không còn kính kinh sách Thánh hiền, chẳng kính sa môn, đạo sĩ gì cả 28. Say rượu dễ dẫn đến hành vi dâm loạn 29. Lúc say rượu như người điên, ai thấy cũng tránh xa 30. Say như người chết chẳng còn biết gì cả 31. Bị nhiều chứng bệnh do rượu gây ra 32. Thiên thần tránh xa không phò hộ 33. Những bạn bè là hiền nhân, trí thức ngày càng xa dần 34. Say sưa nghiện ngập chẳng những đánh mất tương lai sự nghiệp mà còn dễ sinh tâm trộm cướp vì cần tiền bạc để tiêu xài, hưởng thụ 35. Sau khi chết bị đọa địa ngục khổ sở trăm bề, cầu sống chẳng yên mà cầu chết cũng không được 36. Hết thời hạn ở địa ngục thì sinh làm người ngu si ám độn”.

Hạn chế bia rượu là việc cần thiết để giảm thiểu tình trạng bất ổn xã hội do hành vi của người say rượu gây ra, đồng thời giúp Nhà nước bớt được khoản ngân sách khá lớn hàng năm phải chi cho ngành y tế.

Riêng người Phật tử, cần kiên quyết bỏ rượu. Bởi rượu là nguyên nhân dẫn đến hậu quả lu mờ tâm trí (si mê), đánh mất lòng từ bi (do sân hận). Khi uống bia rượu vào, người Phật tử không còn sáng suốt, dễ bị kích động, mất bình tĩnh, không kiểm soát được hành vi, ngôn ngữ và dễ dàng phạm giới, tạo các nghiệp bất thiện. Say rượu có thể dẫn đến phạm các giới sát (đánh đập, hành hung người, vật), dâm (tà dâm, dâm loạn với vợ người, với ruột thịt, họ hàng thân thuộc, với những phụ nữ không phải là vợ của mình), vọng ngữ (chửi bới, mắng nhiếc, nói lời hung ác, xúc phạm, làm tổn thương người khác), đánh mất tư cách đạo đức. Người Phật tử nghiện rượu sẽ không phát triển được những giá trị đạo đức và tâm linh, không thành tựu được trí tuệ đưa đến an lạc, giải thoát trong đời sống hiện tại cũng như tương lai.

("Tạp chí Đạo Phật Ngày Nay - số 13)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn