Trả Lại Mùa Xuân Cho Muôn Loài Trần Văn Chánh

05 Tháng Hai 201300:00(Xem: 21169)
tuyentapmungxuan3

TRẢ LẠI MÙA XUÂN CHO MUÔN LOÀI
Trần Văn Chánh

Về chuyện ăn chay, theo Bader-Saye, một người Kitô giáo, ăn chay phản ảnh một thái độ lành mạnh hơn về đạo đức đối với động vật so với việc ăn thịt. “Chúng ta cũng sẽ bắt đầu việc hình dung lại tập quán ăn thịt và việc chăm sóc những loài vật khác của chúng ta” (tr. 181). Còn theo Singer, một học giả khác ngoài Kitô giáo thì “Tập quán của chúng ta nuôi và giết các động vật khác để ăn là một ví dụ rõ ràng về sự hi sinh những lợi ích quan trọng nhất của những sinh vật khác để thỏa mãn những lợi ích tầm thường của chúng ta” (tr. 181).

 Muôn loài đây là nói luôn cả loài người và các loài động-thực vật trong một chỉnh thể toàn hảo do công trình sáng tạo vĩ đại của Tạo Hóa. Mùa xuân biểu thị niềm vui và hạnh phúc, sự sinh sôi nảy nở và đổi mới của muôn loài sinh vật, nhưng loài người xưa nay dường như chỉ chú ý đến việc kiến tạo hạnh phúc và sự thoải mái cho mình, còn các loài động-thực vật, nhất là động vật cao cấp có máu thịt-tình cảm thì bị rẻ rúng, bỏ rơi, mặc cho chúng phải đau đớn khổ sở vì bị giết hại hằng ngày làm thức ăn, thuốc uống… phục vụ cho cái bao tử, sự ngon miệng và sức khỏe của loài người “linh ư vạn vật” (khôn, thiêng hơn muôn vật)…

 Càng đến các ngày lễ tết bao nhiêu, các loài động vật càng đau khổ bấy nhiêu. Biểu hiện cụ thể là việc tàn sát các loài động vật hoang dã, làm mất cân bằng sinh thái dẫn đến những hệ quả nguy hại cho chính sự sống loài người, và việc giết mổ các thú vật nuôi để ăn thịt…

 Trong loài vật, có những loài rất tinh khôn như khỉ, chó, thỏ, mèo… Những loài khác tạm gọi kém hơn như heo, dê, bò, gà vịt… đều biết sợ hãi khi thấy sắp nguy đến tính mạng, và chúng cũng đau đớn, la hét thảm thiết giống như loài người khi bị giết mổ, nhất là những cách xử lý dã man như đập đầu, trấn nước, xẻo thịt, móc mật… con vật sống.

 Thời xưa Khổng Tử (551-479 TCN) từng nói “Nhân cập cầm thú” (lòng nhân đạt đến cả loài chim thú), nhưng Khổng Tử có chỗ mâu thuẫn, vì ông cũng ăn thịt do người khác giết mổ. Thậm chí sách vở còn kể rõ ông hơi khó tính trong chuyện ăn uống, như “Cá ươn mà thịt đã nhão thì không ăn…. Rượu bán ở cửa hàng không uống, thịt mua ở chợ không ăn” (Ngư nỗi nhi nhục bại bất thực…Cô tửu, thị bô bất thực- Luận ngữ, “Hương đảng”). Như vậy dường như ông chỉ thích ăn thịt tươi, mới giết mổ.

 Mạnh Tử (372-289 TCN), sống sau Khổng Tử gần 2 thế kỷ, cũng có lòng trắc ẩn khi thấy con vật bị giết mổ đau đớn, nên phát biểu còn bài bản hơn: “Người quân tử đối với loài chim thú, trông thấy nó sống không nỡ trông thấy nó chết, nghe tiếng nó kêu mà không nỡ ăn thịt nó, cho nên người quân tử phải tránh xa chuyện bếp núc” (Quân tử chi ư cầm thú dã, kiến kỳ sinh bất nhẫn kiến kỳ tử, văn kỳ thanh bất nhẫn thực kỳ nhục, thị dĩ quân tử viến bào trù dã- Mạnh Tử, “Lương Huệ Vương thượng”).

 Vì những câu nói như trên mà đám hậu sinh về sau có người cho nhà Nho đạo đức giả, lòng không nỡ thấy con vật bị đau đớn, tránh việc bếp núc, nhưng vẫn muốn ăn ngon toàn thịt tươi, do những kẻ “tiểu nhân” tức dân thường làm ra! Tương tự như bây giờ, không ít người miệng vẫn thích ăn thịt chó nhưng không nỡ thấy người ta giết chó một cách tàn nhẫn, hễ ai làm sẵn thì ăn vậy.

 Các ông “thánh hiền” thời xưa có dối lòng không? Chắc là không, nhưng họ lại vướng phải sự mâu thuẫn bản thân giữa lòng trắc ẩn với dục vọng ngon miệng, xét cho cùng cũng là sự mâu thuẫn thường tình chung của loài người từ cổ chí kim, giữa tình cảm với lý trí, và giữa lý trí với hành động.

 Về vấn đề này, dường như Phật giáo đã có cách giải quyết tạm ổn bằng chủ trương ăn chay, cấm sát sinh, một trong 5 giới cấm cơ bản của người Phật tử. Nhưng với những cộng đồng tôn giáo và xã hội khác, vấn đề xem ra còn khá rắc rối, đơn giản chỉ vì người ta gần như không thể không ăn thịt những loài vật khác, dưới hình thức động vật hoang dã (sơn hào hải vị) hoặc thú nuôi (gia súc).

 Tại một số quốc gia tiền tiến, mà giai đoạn đói đã qua rồi, nền giáo dục phát triển cao, các nhà cầm quyền đã giải quyết được phần lớn vấn đề bằng cách đưa ra những đạo luật cấm hành hạ súc vật, và không được giết mổ đại đa số loại con vật theo cách có thể làm cho chúng bị đau đớn. Ngoài ra, tại những quốc gia này (như Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan…), súc vật nuôi nhà hoặc nuôi trong chuồng trại còn được bảo vệ ở mức tối đa có thể, cấm người nuôi không được làm cho chúng phải ở trong tình trạng chật chội, thời tiết nóng nực, kém thoải mái, và phải có sự chăm sóc y tế thích hợp…

 Theo một cách nhìn nào đó thì như vậy “phú quý mới sinh lễ nghĩa”, mới tạo được lòng nhân, nhưng ít ai để ý rằng để có được thứ lễ nghĩa đó, những cộng đồng ăn nhiều thịt tươi sống phải đi con đường vòng “tội ác”, bằng cách tom góp thật nhiều thịt ngon do những cộng đồng khác nghèo hơn cung ứng. Tại những cộng đồng xã hội nghèo khó hơn nữa, chẳng những không ai nghĩ đến chuyện bảo vệ loài vật, mà còn coi việc giết mổ là tự nhiên chẳng có gì để nghĩ ngợi lôi thôi. Thậm chí, trong một số trường hợp đặc biệt của nạn đói, người ta còn dám ăn cả thịt… người nữa! (Thơ Đỗ Phủ thời Đường chứng tỏ: “Thị tuế Giang Nam hạn, Cồ Châu nhân thực nhân”, năm đó Giang Nam hạn, Cồ Châu người ăn người).

 Tuy nhiên, cuộc sống càng văn minh, loài người càng có nhận thức mới hơn trong sự xác định mối tương quan giữa mình với những loài động vật khác đồng hành trên Địa Cầu, từ đó nảy sinh những vấn đề phức tạp cần nghiên cứu, và đó cũng là lý do sự xuất hiện một ngành đạo đức học mới gọi là Đạo đức sinh học (Bioethics), với phạm vi không chỉ giới hạn trong đạo đức về sự sống của người ở giai đoạn khởi đầu (thụ tinh, mang thai, sinh sản) và cuối (bệnh nan y, hôn mê sâu, chết êm dịu…), các vấn đề về sinh sản vô tính, cấy ghép nội tạng…, mà còn mở rộng ra đến chuyện đối xử ra sao với các loài động vật không phải người.

 Theo định nghĩa (từ điển mở Wikipedia tiếng Anh), “Đạo đức sinh học một cách điển hình là sự nghiên cứu đạo đức có thể gây ra tranh luận được tạo nên bởi những bước tiến trong sinh học và y học… Nó liên quan tới những vấn đề đạo đức nảy sinh trong mối quan hệ giữa các khoa học sự sống (life sciences, bao gồm cả sinh học), kỹ thuật sinh học, y học, chính trị học, luật học và triết học…”.

 Từ Đạo đức sinh học (Bioethics) do Fritz Jahr đặt ra năm 1927, đến năm 1970 được nhà sinh hóa học người Mỹ Van Rensselaer Potter dùng lại trong tác phẩm Đạo đức sinh học: Nhịp cầu dẫn đến Tương lai (Bioethics: Bridge to the Future) với ý nghĩa mở rộng hơn bao gồm “Sự liên kết đối với sinh quyển, vì thế đẻ ra một “đạo đức toàn cầu” ("global ethics"), một môn học miêu tả mối liên hệ giữa sinh học, sinh thái học, y học và những giá trị nhân văn nhằm đạt tới sự sống sót của cả loài người lẫn các loài động vật khác”.

 Tại Việt Nam, khái niệm Đạo đức sinh học liên quan vấn đề đối xử với động vật dường như rất ít được biết đến, ngoại trừ một vài bài viết hiếm hoi bằng tiếng Việt đăng trên mạng Internet, phần lớn do các linh mục thực hiện.

 Cũng may, gần đây chúng tôi rất mừng khi thấy quyển Đạo đức sinh học Kitô giáo của bà Agneta Sutton do Lm. Giuse Phạm Ngọc Thành và Biển Đức Tạ Quang Hùng dịch (NXB Thanh Niên, tháng 11.2012), trong đó chương “Đối xử và không đối xử với động vật như thế nào?”, đề cập đến quyền động vật, sự giải phóng động vật, đại khái cho rằng vấn đề đạo đức khi xem xét đến những người khác, gồm cả động vật không phải người, là chúng có đau khổ hay không, và khả năng đau khổ cũng như vui sướng như là những đặc điểm tạo cho một sinh vật quyền để được xem xét bình đẳng (tr. 176).

 Theo cách hiểu của Thánh Phanxicô thì các động vật được xem như đồng hành của chúng ta, những bạn đồng hành mà chúng ta có trách nhiệm đối với chúng trước Đấng Sáng Tạo của chúng ta (tr. 176).

 Còn theo nhà thần học Carl Barth, người Thụy Sĩ thuộc trường phái Cải cách, thì con người vốn đã được Thiên Chúa ban cho một sự miễn trừ, thì cũng có nghĩa là con người không thể giết chết động vật chỉ vì muốn giết, vì làm như vậy sẽ giống như giết người. Theo ông, con người chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa về cách thức mà mình sử dụng và giết chết các động vật. Con người phải thể hiện sự thương xót và gây ra càng ít đau đớn càng tốt (tr. 179).

 Về chuyện ăn chay, theo Bader-Saye, một người Kitô giáo, ăn chay phản ảnh một thái độ lành mạnh hơn về đạo đức đối với động vật so với việc ăn thịt. “Chúng ta cũng sẽ bắt đầu việc hình dung lại tập quán ăn thịt và việc chăm sóc những loài vật khác của chúng ta” (tr. 181). Còn theo Singer, một học giả khác ngoài Kitô giáo thì “Tập quán của chúng ta nuôi và giết các động vật khác để ăn là một ví dụ rõ ràng về sự hi sinh những lợi ích quan trọng nhất của những sinh vật khác để thỏa mãn những lợi ích tầm thường của chúng ta” (tr. 181).

 Theo tác giả Agneta Sutton, luật pháp của Vương quốc Anh và EU cho phép giết động vật để sản xuất thịt, nhưng nói rõ động vật phải được giết mổ càng nhân đạo càng tốt. Tại Vương quốc Anh, người ta coi là vi phạm khi gây ra cho một con vật sự kích động, đau đớn và đau khổ có thể tránh được.

 Đối với động vật trang trại (nuôi để giết mổ), cũng tại Vương quốc Anh, theo các đạo luật bảo vệ động vật từ năm 1911 đến năm 2000, sẽ coi là vi phạm khi gây ra sự đau khổ không cần thiết cho bất cứ con vật nuôi hay con vật bắt được nào bằng các biện pháp như đánh đập, vận chuyển trong những điều kiện quá tải hay không nhân đạo. Luật còn cấm việc đấu chọi động vật để tiêu khiển (như Luật đá gà năm 1952), hay dùng động vật làm mồi cho bất kỳ động vật nào khác…

 Những việc khác như săn thú, từ lâu dĩ nhiên đã bị hạn chế tối đa bằng luật pháp nghiêm nhặt. Thậm chí, dùng con vật để thí nghiệm chữa bệnh cho người mà làm cho chúng đau đớn, cũng đang được nhiều nước xem xét trong vòng tranh cãi chưa ngã ngũ, nhưng theo cách hiểu của người Kitô giáo là không được phép.

 Ở đoạn kết thúc chương sách dẫn trên, tác giả cho rằng “…Hầu hết, nếu không phải là tất cả, các xã hội con người đều cho phép sử dụng các động vật… làm thực phẩm. Chúng ta được cho phép để làm như vậy, nhưng phải tránh những biện pháp tàn ác của việc giết mổ và những tập quán chăn nuôi tàn ác… Sự tàn ác một cách bừa bãi và việc hủy hoại không cần thiết đời sống động vật không bao giờ có thể lý giải được” (tr. 193).

 Trên đây chỉ là một số điều tóm thuật từ nội dung của chương sách đã dẫn, chưa đưa ra được ý kiến riêng gì mới, như một cách để giới thiệu một đề tài đáng đọc và đáng suy gẫm. Chắc chắn, sẽ có người cho rằng trong lúc người Việt Nam chưa được ăn no mặc đủ, việc giết mổ thủ công gây đau đớn cho con vật đã bị số đông coi là tự nhiên, mà đem việc này ra bàn thì quả nếu không lãng mạn cũng là vu khoát, không thiết thực, sẽ chẳng được ai nghe. Song nghĩ kỹ, bảo vệ loài vật cũng chính là cách tốt nhất chăm lo đời sống loài người một cách lý tưởng hơn, và dường như tội phạm giết người một phần cũng có thể được dẫn dắt từ thói quen giết hại động vật một cách dã man không thương tiếc. Từ rất lâu, nhiều quốc gia khác đã thực hiện được việc bảo vệ động vật thông qua nền giáo dục tiên tiến và các văn bản quy phạm pháp luật, thì việc hướng dần tới những giá trị nhân đạo như thế, khởi đầu từ bây giờ, cũng không phải là điều hoàn toàn phi hiện thực.

 Thực tế ở nước ta, ngay cả những tập quán lâu đời như sử dụng cầu tiêu sông, đốt pháo, chôn xác người chết… còn điều chỉnh/hạn chế/ cấm được, thì việc thể chế hóa bằng luật pháp nhằm tránh gây đau đớn cho con vật bị giết mổ, cũng có thể làm được. Thiết tưởng, đây không phải đạo đức giả, mà nên hiểu là cách đơn giản thực tế thiện chí nhất để giải quyết mối mâu thuẫn lâu đời giữa nhu cầu ăn uống và lương tâm con người, một trong những trách nhiệm lớn mà các giáo hội, các tổ chức nhân đạo nên bắt đầu chú ý vận động, phối hợp với nhà cầm quyền, để trong tương lai không xa, trong chừng mực khả thi, chúng ta sẽ giải phóng, trả lại mùa xuân tươi vui cho muôn loài động vật hữu tình khác với loài người.

Trần Văn Chánh
(Tuần báo Công Giáo & Dân Tộc, Xuân Quý Tị, 1.2-8.2.2013)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Hai 2015(Xem: 6973)
Từ xưa đến nay, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam đã lưu tồn nhiều phong tục, trong đó có phong tục nói lời chúc. Thông thường, người ta chúc nhau Tam đa, đó là đa phúc, đa lộc và đa thọ.
15 Tháng Hai 2015(Xem: 6724)
Lác đác ngoài sân tuyết đã tan / Tươm tất ngũ quả bày trên bàn / Sột soạt trên tường trang lịch mới…/ Chợt hay vũ trụ chuyển xuân sang.
13 Tháng Hai 2015(Xem: 6763)
Gần một tuần nay, bắt đầu từ thứ Sáu, 30 tháng Giêng năm 2015 chợ hoa Tết trước khu Thương xá Phước Lộc Thọ trên phố Bolsa (California, Mỹ) đã nhộn nhịp hẳn lên do thời tiết đã có nắng ấm sau một tuần mưa gió lạnh lẽo. Hoa kiểng nhiều loại mới lạ và nhiều hơn năm rồi. Tết cổ truyền hiện diện rõ nhất chỉ có thể thấy ở khu Little Sài Gòn ở miền Nam Cali..
11 Tháng Hai 2015(Xem: 9475)
Tôi đã ưa thích màu nắng ở quê nhà từ những ngày thơ ấu. Nó không thực sự là màu gì nhất định. Có thể gọi màu nắng là màu trắng ngà. Không, không hẳn thế. Bạn không thể nói cho đúng, rằng màu nắng là màu gì. Vì bạn chỉ nhận ra màu nắng khi nó chiếu rọi vào một cái gì, và nó không còn là cái mà chúng ta muốn nói nữa.
10 Tháng Hai 2015(Xem: 13164)
10 Tháng Hai 2015(Xem: 8059)
Xuân là tương lai, Xuân đem đến cho nhân gian bao điều hy vọng, Xuân đem đến cho cuộc đời những ước nguyện ngày sau, Xuân là hoa, là nắng hồng ấm áp, là nụ cười, là sức sống mới vươn lên, xuân là tháng ngày bình yên và hạnh phúc, là thương yêu của vĩnh hằng gửi đến nhân gian. Cho nên thế gian khi xuân đến người người đều chào đón, vui như tết nên mở hội, nên đón Xuân.
09 Tháng Hai 2015(Xem: 6514)
Mùa Xuân đã đến Như Vậy đó! Hãy đến để mà thấy: một đóa hoa vàng đang nở trên bãi cỏ non! Sự sống đang phơi bày một cách bộc trực cho tâm thức Người Khách thưởng lãm.
08 Tháng Hai 2015(Xem: 6256)
07 Tháng Hai 2015(Xem: 9270)
Sau những cơn mưa và giá rét của mùa đông đánh dấu sự chấm dứt trạng thái già cỗi của một chu kỳ tuần hoàn của vũ trụ v à khai sinh một lộ trình mới, tươi, trẻ và đầy sức sống của mùa xuân. Ở đó, vạn vật thay đổi toàn diện từ trong ra ngoài.