Tín Hiệu Ngày Xuân

03 Tháng Hai 201400:00(Xem: 5653)
tuyentapmungxuan3

TÍN HIỆU NGÀY XUÂN
Huyền Phúc

tin-hieu-ngay-xuan-contentCứ mỗi độ Tết đến xuân về, người dân nước Việt lại hân hoan thể hiện một tập tục truyền thống thật hay và thật đẹp. Đó là đến chùa lễ Phật vào ngày đầu năm. Rất đẹp và rất thiêng liêng, truyền thống đến chùa lễ Phật đầu năm. Cứ nhìn cảnh mọi người tấp nập trong khuôn viên các ngôi tự viện vào những ngày đầu xuân với lòng kính cẩn dâng hương lễ Phật thì nhận ra sức sống tâm linh – cội nguồn văn hóa của dân tộc – vẫn tiềm ẩn mạnh mẽ trong tâm thức người Việt, là nhân tố căn bản cho việc nỗ lực xây dựng một xã hội hiền thiện. Bởi người Việt luôn luôn đến chùa với tâm niệm:

Lên chùa lạy Phật quy y,

Cầu cho kẻ ở người đi an lành.

Xã hội có những dấu hiệu chuyển biến theo hướng tiêu cực xấu ác là điều đáng báo động và cần có biện pháp chấn chỉnh kịp thời; tuy nhiên, cái gốc vẫn vững vàng – nghĩa là lòng dân vẫn tha thiết hướng thiện – thì việc chuyển hóa xã hội trở thành hiền lương là điều đáng cho mọi người tin tưởng và nỗ lực. Cái gốc của một xã hội hiền thiện nằm ở lòng người. Đó là đức tin về một lẽ sống đạo đức hiền thiện đi đôi với lòng khao khát thực thi lẽ sống hiền thiện ấy trong đời sống hàng ngày. Cái gốc ấy đạo Phật gọi là Tín – Nguyện – Hạnh, được thể hiện cụ thể qua việc quy y Tam bảo và phát nguyện thọ trì năm giới cấm của người Phật tử. Tín là tin tưởng ở đức năng giác ngộ hiền thiện của Tam bảo. Nguyện là phát tâm mạnh mẽ trong việc theo đuổi gương sáng giác ngộ hiền thiện của Phật-Pháp-Tăng. Hạnh là nỗ lực thực thi đường lối giác ngộ hiền thiện hay ứng dụng nếp sống giác ngộ hiền thiện mà Phật-Pháp-Tăng đã thể hiện và chỉ bày. Cố nhiên, có tin tưởng (Tín) thì có phát tâm nỗ lực học hỏi (Nguyện) và tập làm theo (Hạnh). Người Việt đến chùa dâng hương lễ Phật tức là thể hiện đức tin đối với Tam bảo và lòng mong muốn thực thi lẽ sống đạo đức hiền thiện theo lời dạy bảo của Tam bảo: Phật-Pháp- Tăng. Đây chính là nhân tố căn bản và thuận lợi cho việc nỗ lực xây dựng một xã hội hiền thiện.

Theo quan niệm của đạo Phật thì để thiết lập một xã hội hiền thiện, con người cần nuôi dưỡng đức tin về một lẽ sống chân chánh hiền thiện và cần tuân thủ các nguyên tắc đạo đức căn bản có khả năng giúp thăng tiến đời sống đạo đức cá nhân và ổn định đời sống tinh thần của cộng đồng. Vì thế, đạo Phật khuyến khích mọi người thực hiện nếp sống quy y Tam bảo gắn liền với việc tuân thủ năm giới cấm (không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói láo, không uống rượu) để tự tìm thấy hướng đi an lạc cho chính mình, đồng thời góp phần xây dựng đời sống an lạc cho cộng đồng. Trong các lời dạy căn bản của Ngài, Đức Phật đánh giá cao nếp sống quy ngưỡng Tam bảo và thực hành năm giới cấm, xem đó là nguồn nước công đức, nguồn nước thiện, có khả năng mang lại hạnh phúc an lạc cho bản thân và cho nhiều người khác ở hiện tại và tương lai mà mỗi người cần quan tâm nỗ lực thực hiện. Ngài khuyên dạy:

“Này các Tỷ-kheo, có tám nguồn nước công đức này, là nguồn nước thiện, món ăn cho an lạc, làm nhân sanh Thiên, quả dị thục an lạc, đưa đến cõi trời, dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc. Thế nào là tám?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử quy y Phật. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ nhất, là nguồn nước thiện, món ăn cho an lạc, làm nhân sanh Thiên, quả dị thục an lạc, đưa đến cõi trời, dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử quy y Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ hai, là nguồn nước thiện, món ăn cho an lạc, làm nhân sanh Thiên, quả dị thục an lạc, đưa đến cõi trời, dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử quy y Tăng. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ ba, là nguồn nước thiện, món ăn cho an lạc, làm nhân sanh Thiên, quả dị thục an lạc, đưa đến cõi trời, dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ tư, là nguồn nước thiện… dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ năm, là nguồn nước thiện … dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận tà hạnh trong các dục, từ bỏ tà hạnh trong các dục, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ sáu, là nguồn nước thiện … dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ bảy, là nguồn nước thiện … dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận đắm say rượu men, rượu nấu, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại. Này các Tỷ-kheo, đây là nguồn nước công đức thứ tám, là nguồn nước thiện … dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.

Này các Tỷ-kheo, tám nguồn nước công đức này, là nguồn nước thiện, món ăn cho an lạc, làm nhân sanh Thiên, quả dị thục an lạc, đưa đến cõi trời, dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc.”1

Bên cạnh việc gợi ý về đường lối căn bản để thiết lập một xã hội hiền thiện, Đức Phật cũng lưu tâm đến một yếu tố quan trọng khác có chức năng định hướng và khuyến khích nếp sống đạo đức hướng thiện của cộng đồng. Đó là gương sáng của các nhà lãnh đạo đất nước trong việc thực thi nền tảng đạo đức của người lãnh đạo2. Theo lời Ngài, các cấp lãnh đạo phải là người tiên phong và gương mẫu trong nếp sống thực thi đạo đức liêm chính thì lòng dân mới hân hoan hướng thiện, đất nước mới thái bình, xã hội mới tiến triển hiền hòa:

“Khi nào, này các Tỷ-kheo, các vua đúng pháp có mặt, khi ấy các vị đại thần đúng pháp có mặt. Khi nào các vị đại thần đúng pháp của vua có mặt, khi ấy các Bà-la- môn gia chủ đúng pháp có mặt. Khi nào các Bà-la-môn gia chủ đúng pháp có mặt, khi ấy dân chúng thị thành và dân chúng ở các làng trở thành đúng pháp. Khi nào dân chúng thị thành và ở các làng sống đúng pháp, khi ấy mặt trăng, mặt trời đi đúng quỹ đạo. Khi nào mặt trăng, mặt trời đi đúng quỹ đạo, khi ấy các dãy ngân hà, các loại sao đi đúng quỹ đạo. Khi nào các dãy ngân hà, các loại sao đi đúng quỹ đạo, khi ấy ngày và đêm đi đúng quỹ đạo. Khi nào ngày đêm đi đúng quỹ đạo, khi ấy tháng và nửa tháng đi đúng quỹ đạo. Khi nào tháng và nửa tháng đi đúng quỹ đạo, khi ấy thời tiết và năm đi đúng quỹ đạo. Khi nào thời tiết và năm đi đúng quỹ đạo, khi ấy gió thổi đúng mùa. Khi nào gió thổi đúng mùa, khi ấy chư Thiên hoan hỉ. Khi nào chư Thiên hoan hỉ, khi ấy trời mưa điều hòa. Khi nào trời mưa điều hòa, khi ấy lúa chín đúng mùa. Này các Tỷ-kheo, khi nào lúa chín đúng mùa, khi ấy loài người nuôi sống với loại lúa ấy, thọ mạng sẽ lâu dài, dung sắc đẹp đẽ, có sức mạnh và không có nhiều bệnh.

Khi đàn bò lội sông, Đầu đàn đi sai lạc, Cả đoàn đều đi sai,

Vì hướng dẫn sai lạc.

Cũng vậy, trong loài Người, Vị được xem tối thắng,

Nếu sở hành phi pháp, Còn nói gì người khác, Cả nước bị đau khổ,

Nếu vua sống phi pháp. Khi đàn bò lội sông,

Đầu đàn đi đúng hướng, Cả đoàn đều đúng hướng, Vì hướng dẫn đúng đường. Cũng vậy, trong loài Người, Vị được xem tối thắng,

Nếu sở hành đúng pháp, Còn nói gì người khác,

Cnước được an vui, Nếu vua sống đúng pháp” 3.

Trong không khí ấm áp của ngày xuân, vẫn còn đó những lời dạy thiết thực sáng suốt của Phật, vẫn còn đó những tâm hồn tha thiết hướng thiện, biết lo nghĩ cho hạnh phúc của người khác, chúng ta có quyền tin tưởng và hy vọng về một xã hội hiền thiện sẽ được thiết lập trên cơ sở “vua tôi đồng lòng”, “cha con gắng sức” vì tương lai một quê hương Việt Nam giàu đẹp và từ hòa, từng được ngợi ca là xứ sở “có gió bốn mùa, có trăng soi bóng, có chùa quanh năm”. „

Chú thích:

1. Kinh Nguồn nước công đức, Tăng Chi Bộ.

2. Kinh Không phóng dật, Tương Ưng Bộ.

3. Kinh Phi pháp, Tăng Chi Bộ.

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 170 &171


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn