Phần 4

23 Tháng Giêng 201100:00(Xem: 8733)
Thành Tỳ Xá Ly 
Câu Thi Na 
Đại Tháp Niết Bàn 
Tháp Trà Tỳ Angrachaya 
Viện Bảo Tàng Câu Thi Na 
Chùa Linh Sơn Tại Câu Thi Na 
Các Chùa Khác Tại Câu Thi Na 

Phần 4
Thành Tỳ Xá Ly

thientructieuduky-04-1thientructieuduky-04-2

(Bia tưởng niệm Thánh tích Tỳ Xá Ly)

4:30 giờ sáng ngày 4 tháng 12, đoàn chúng tôi rời Bồ Đề Đạo Tràng đi Tỳ Xá Ly (Vaishali), cách Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 253 cây xố về hướng Bắc. Sau khi qua khỏi thủ phủ Patna (ngày trước là thành Pataliputra, tức là Hoa Thị Thành) chừng 60 cây số, những mái tranh nghèo của Tỳ Xá Ly hiện ra trước mắt chúng tôi. Lòng tôi bỗng chùng xuống, mới ngày nào đây kinh thành này còn trù phú thịnh vượng. Thế mà ngày nay chỉ còn trơ lại những mài tranh nghèo, có lẽ còn nghèo nàn hơn miền quê nước Việt nữa là khác. Tuy nhiên, có đến đây mới thấy được hết những nét đạo đức của người dân miền quê Ấn Độ. Họ sống trong cảnh nghèo nàn cơ cực và thiếu thốn đủ mọi bề, nhưng họ hiền hậu và dễ thương. Lúc nào trên mặt họ cũng điểm sẵn một nụ cười thân thiện với mọi người. Họ nghèo khổ về mặt vật chất, nhưng tinh thần đạo đức của họ thật thâm thúy. Dù đồng ruộng bao la, nhưng sông ngòi hiếm hoi, cả xứ Ấn Độ chỉ có hai con sông lớn là Hằng Hà và Ấn Hà, nên đất đai cằn cỗi và con người cũng khô cằn như mảnh đất nơi họ sinh ra và lớn lên. Tỳ Xá Ly ngày trước đã từng là một kinh thành trù phú, một trong những nước Cộng Hòa thịnh vượng nhất trong vùng Bắc Ấn thời đó, dân cư đông đúc, sinh hoạt sung túc, dân chúng vừa hiền lành vừa đạo đức, nhưng hiện nay nó chỉ là một thị trấn nhỏ bé nghèo nàn. Tuy khoảng cách không xa lắm, nhưng đường sá vừa hẹp vừa xấu với rất nhiều ổ gà lởm chởm trong suốt đoạn đường đi làm cho khoảng cách tưởng như bất tận. Chính vì vậy mà trong khoảng giữa thế kỷ 20, rất nhiều người muốn đi Tỳ Xá Ly mà không đi được. Tỳ Xá Ly còn là nơi có nhiều sự kiện lịch sử liên quan đến Đức Phật và công cuộc hoằng pháp của Ngài. Theo lịch sử Phật giáo, 5 năm sau ngày thành đạo, Đức Phật đã du hóa đến vùng này. Đây là thủ đô của một trong những nước Cộng Hòa đầu tiên trên thế giới. Phía Nam Tỳ Xá Ly là dòng sông Hằng thiêng liêng, phía Bắc về phía Népal thấp thoáng chân núi Hy Mã Lạp Sơn, phía Tây là dòng sông Dangdak. Khi rời Tỳ Xá Ly, Đức Phật đã ngoái đầu nhìn lại và tán thán: “Ôi xinh đẹp thay thành phố Tỳ Xá Ly! Ôi xinh đẹp thay những điện thờ và những khu lâm viên của Tỳ Xá Ly.” Thành phố Tỳ Xá Ly còn là quê hương của Ngài Duy Ma Cật, một vị cư sĩ nổi tiếng mà Đức Phật đã đề cập như một nhân vật giác ngộ chính trong Kinh Duy Ma Cật. Thành phố này còn là nơi nhận một phần tám xá lợi của Đức Phật ngay sau lễ Trà Tỳ của Ngài. Những năm trước khi nhập diệt, Đức Phật thường hay trú ngụ tại thành Tỳ Xá Ly này. Và đây cũng chính là nơi ngài A Nan nhập diệt. Tại Tỳ Xá Ly, đoàn thăm viếng nơi cất giữ xá lợi của Đức Phật, Giảng Đường, hương thất của Kiều Đàm Di Mẫu và các thánh tích gần đó. Sau khi khai quật Tỳ Xá Ly, người ta tìm thấy trụ đá do vua A Dục dựng lên vào thế kỷ thứ 3 trước Tây Lịch vẫn còn nguyên vẹn với tượng sư tử trên đầu trụ. 

thientructieuduky-04-3
(Ngọn tháp và trụ đá do vua A Dục dựng lên
 vào thế kỷ thứ hai trước Tây Lịch tại Tỳ Xá Ly)

Cách trụ đá A Dục chừng 2 cây số là ngọn tháp kỷ niệm nơi Đức Phật an trụ hằng ngày và được voi dâng mật và trái cây. Tháp đã bị hư hại gần hết, chỉ còn trơ lại nền tháp nên người ta cho xây dựng mái che bên trên để bảo vệ phần còn lại của ngôi phế tháp này. Chính nơi này Đức Phật đã dạy Tăng đoàn về pháp Lục Hòa (6 điều sống chung tu học) và Thất Diệt Tránh Pháp (bảy pháp không tranh cãi). Đây cũng chính là nơi đánh dấu Đức Phật lần đầu tiên cho phép người nữ xuất gia. 

Còn một sự kiện lịch sử quan trọng khác xảy ra tại thành Tỳ Xá Ly vào thời Đức Phật còn tại thế. Chính tại nơi đây một bà hoàng trong thành Ca Tỳ La Vệ là bà di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề đã được Đức Phật cho phép xuất gia và thành lập Ni đoàn đầu tiên. Và cũng chính tại đây, Đức Phật đã cho phép Ni đoàn thu nhận nàng Amrapali, một ca nữ bị xã hội khinh khi nhất vào thời đó. Theo truyền thuyết Phật giáo thì khi Đức Phật đang ở tại thành Tỳ Xá Ly (Vaishali) thì di mẫu của Ngài là bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Mahapajapati) và 500 cung nữ thuộc dòng họ Sakya đã kiên nhẫn đi bộ từ thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) đến thành Tỳ Xá Ly, thỉnh cầu Ngài cho phép nữ giới xuất gia. Dù trước đó đã bao lần Đức Phật từ chối. Khi đến Tỳ Xá Ly, bà di mẫu nhờ A Nan bẩm Phật với lời thỉnh cầu chấp nhận bất cứ điều kiện gì mà Phật sẽ đặt ra. Khi ra mắt Đức Phật, Đại Đức A Nan thưa: “Bẩm Đức Thế Tôn, đệ tử vừa gặp lệnh bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề và khoảng 500 cung nữ đến từ thành Ca Tỳ La Vệ, họ đang đứng phía ngoài cách tịnh xá của Thế Tôn không xa lắm. Ai nấy đều đã xuống tóc và khoát y vàng, mặt mày đầy bụi và chân cẳng sưng vù, trông rất thảm não. Xin Đức Thế Tôn hứa khả cho họ!” Đức Phật im lặng không nói, vì Ngài đã biết rất rõ câu chuyện xảy ra như thế nào, và chính Ngài đang tìm phương cách giải quyết cho vấn đề. Khi đó Đại Đức A Nan thắc mắc hỏi Ngài: “Bẩm Đức Thế Tôn, người nữ xuất gia tu hành có thể nào đắc được những Thánh quả hay không?” Đức Phật trả lời ngay là ‘được’. Vì không hiểu ý của Đức Thế Tôn nên Đại Đức A Nan hỏi tiếp: “Như vậy thì tại sao Đức Thế Tôn không bằng lòng cho người nữ xuất gia?” Thấy Đức Phật vẫn im lặng không nói gì, nên A Nan thưa tiếp: “Bẩm Thế Tôn, lệnh bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề là người đã nuôi nấng Đức Thế Tôn ngay từ khi Ngài mới sanh ra có 7 ngày và thương yêu Ngài không khác chi Mẫu Hậu Maya. Hôm nay vua cha không còn nữa nên lệnh bà chán cảnh đời tan hợp hợp tan và quyết chí xuất gia tu hành. Lệnh bà đã cởi bỏ tất cả những trang sức, tất cả quần là áo lụa và đi chân đất từ kinh thành Ca Tỳ La Vệ đến đây chỉ để cầu xin Thế Tôn hứa khả cho lệnh bà và các cung nữ xuất gia. Xin Thế Tôn từ bi hứa khả cho lệnh bà được xuất gia tu hành theo giáo pháp của Ngài.” Đại Đức A Nan cứ tiếp tục khẩn khoản, trong khi Đức Phật vẫn lặng yên suy nghĩ. Sau đó Ngài cho thị giả sang mời các vị đại đệ tử khác như Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Nậu Lâu Đà, Phú Lâu Na... đến hội ý với Ngài. Thời Đức Phật, chuyện Ngài san bằng giai cấp đã làm cho ngoại đạo vô cùng bất mãn rồi, huống là chuyện giải phóng phụ nữ và cho phép họ xuất gia là khất sĩ như nam giới! Ngoài những khó khăn đó thì lệnh bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề còn từng là một hoàng hậu tiền hô hậu ủng, cả đời chỉ biết ra lệnh chứ chưa từng nhận sự chỉ giáo từ bất cứ một ai. Còn nữa, cả đời bà đã sống trong cung vàng điện ngọc, bây giờ nếu gia nhập giáo đoàn, liệu lệnh bà có thể vượt qua những khó khăn cực kỳ đang chờ trước mắt bà hay không? Vân vân và vân vân. Còn nữa! phụ nữ từ ngàn xưa chưa bao giờ được phép sống chung với nam giới nơi công cộng, bây giờ nếu được cho phép, chắc chắn sẽ có những xáo trộn không tránh khỏi cho cả hai bên. Sau khi tôn giả Xá Lợi Phất đề nghị một số giới luật đặt thêm cho người nữ nếu Thế Tôn muốn hứa khả cho người nữ xuất gia. Đức Phật cũng gật đầu đồng ý với Ngài Xá Lợi Phất Như vậy sau khi hội ý với các đại đệ tử, Đức Phật chấp nhận lời thỉnh cầu của ngài A Nan, bằng lòng cho nữ giới xuất gia, tuy nhiên, Ngài đặt ra Bát Kính Giới và dạy rằng mãi mãi nữ giới xuất gia phải tuân theo luật này. Như vậy thành Tỳ Xá Ly là nơi chứng kiến cảnh xuất gia đầu tiên của nữ giới để gia nhập vào giáo đoàn. Đại Đức Xá Lợi Phất được Đức Phật ủy thác cho việc hướng dẫn và giảng dạy cho các vị tân nữ tu này. Và kể từ đó, giáo đoàn của Đức Phật bao gồm tứ chúng: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, cư sĩ nam và cư sĩ nữ. Sau khi cho phép người nữ xuất gia, Đức Phật lại bị một làn sóng chống đối mạnh mẽ khác từ khắp nơi trong xứ, ngay cả việc vu khống bậy bạ cho Ngài. Từ đó người ta mới thấy được lòng từ bi bao la của Đức Phật khi Ngài cân nhắc trong việc cho phép người nữ xuất gia. Khu hương thất của Kiều Đàm Di Mẫu đã được làm bằng gạch, nhưng đã bị thời gian tàn phá nên chỉ còn trơ lại một nền gạch vụn. Theo truyền thuyết Phật giáo thì về sau này bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề cũng chứng quả A La Hán. Đó là những sự kiện lịch sử cực kỳ quan trọng, chẳng những cho Phật giáo, mà còn cho lịch sử tiến bộ của nhân loại, vì nó đánh dấu sự kiện san bằng sự kỳ thị giữa nam và nữ, một sự kiện chứng tỏ cho thế giới thấy rõ tư tưởng Phật giáo chẳng những san bằng giai cấp trong thời cổ Ấn Độ, mà nó còn san bằng mọi cách biệt nghèo giàu, nam nữ, gốc gác... Phải nói Phật giáo đã làm một cuộc cách mạng vô tiền khoáng hậu ngay trên cái nôi sanh ra nó, vì trong xã hội Ấn Độ theo Ấn giáo từ ngàn xưa, người phụ nữ chỉ bị xem như là nô lệ, họ không được phép làm bất cứ chuyện gì ngay cả chuyện giao dịch thương mại hằng ngày. Chính Phật giáo đã mở ra cho họ một quang lộ thênh thang. Tuy nhiên, lịch sử không may đã tạo ra đạo quân Hồi giáo oan nghiệt, triệt tiêu Phật giáo ngay trên quê hương của chính nó. 

Ngoài ra, truyền thuyết dân gian tại đây còn ghi lại, vào thời Đức Phật còn tại thế, thành Tỳ Xá Ly đã có lần bị hạn hán và bệnh dịch lan tràn khắp nơi, giết hại vô số sanh linh. Đức Phật đã đáp lời vua xứ này làm lễ cầu nguyện và dân trong thành thoát nạn. Lần sau cùng Đức Phật về Tỳ Xá Ly năm đó Ngài đã 80 tuổi. Ngài đã ghé lại khu vườn xoài của nàng Amrapali. Tại đây Ngài đã ôn lại với tôn giả A Nan về cuộc đời của Ngài: “Cuộc đời của một kiếp qua đi thật nhanh, mới ngày nào đây chàng thiếu niên Tất Đạt Đa còn trai trẻ, tham dự các cuộc tranh tài, rồi xuất gia, rồi 6 năm khổ hạnh... Tất cả như mới xảy ra hôm qua. Sau bốn mươi lăm năm hoằng hóa, đã đến hồi ta phải bỏ lại xác thân vô thường. Đời người trôi qua như một giấc mơ. Với ta nhân duyên nay đã đủ, người đáng được độ ta đã độ xong. Thật chẳng còn gì để luyến tiếc. Ta cảm thấy hài lòng mãn nguyện.” Sau khi rời khỏi Tỳ Xá Ly và khu vườn xoài của nàng Amrapali, Đức Phật đã tuyên bố với chúng Tăng: “Ở nơi đây ta đã thực hiện xong hành động tôn giáo sau cùng và chẳng bao lâu sau ta sẽ nhập Niết Bàn.” Sau đó Ngài cùng A Nan và Tăng chúng đi về hướng thành Câu Thi Na. 

Một sự kiện lịch sử quan trọng nổi bậc tại đây là 100 năm sau ngày Đức Phật nhập Niết Bàn, cuộc kết tập kinh điển lần thứ hai đã diễn ra, do trưởng lão Da Xá (Yassa) triệu tập 700 chư Tăng từ khắp nơi về đây. Từ đó mới bắt đầu phân ra Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ. Thượng Tọa Bộ chủ trương bảo thủ, giữ lấy những nguyên tắc giới luật thời Đức Phật còn tại thế. Trong khi Đại Chúng Bộ có phần phóng khoáng và du di hơn. Họ chủ trương tùy duyên hóa độ, những nguyên tắc của Giáo đoàn có thể thay đổi nhằm thích ứng với hoàn cảnh sống của thời đại đó, miễn không đi ngược lại những lời Phật dạy là được. 

thientructieuduky-04-5
(Đại Tháp tại thành Tỳ Xá Ly,
 nơi xảy ra cuộc kết tập kinh điển lần thứ hai, 
100 năm sau ngày Phật nhập Niết Bàn)

Trong các cuộc đào xới vào những thế kỷ 18, 19 và 20, các nhà khảo cổ đã tìm thấy ngôi tháp do vua A Dục xây dựng vào thế kỷ thứ 2 trước Tây Lịch, có đường kính trên mười chín thước và chiều cao bốn thước, được xây kế bên trụ đá có tượng sư tử trên đầu. Người ta tin rằng đây là ngôi tháp được xây trên nền tháp nguyên thủy, nơi những người Lichavi đã thờ xá lợi của Đức Phật. Cách ngôi tháp thờ xá lợi không xa có ngọn tháp được dựng lên nhằm đánh dấu ngôi nhà của nàng kỷ nữ Amrapali ngày trước. Đặc biệt trụ đá vua A Dục xây dựng tại đây có hình con sư tử trên đỉnh, và đến nay trụ vẫn còn nguyên vẹn. Trụ cao khoảng bảy thước, đứng sừng sững giữa trời mây bao la, quanh đó là một hàng cổ thụ già nua với những nền phế tháp như thách thức với thời gian. Theo truyền thuyết Phật giáo, 300 năm sau ngày Đức Phật nhập Niết Bàn, vua A Dục đã đến chiêm bái Tỳ Xá Ly. Để tưởng nhớ đến ân đức của Đức Thế Tôn, nhà vua đã cho dựng lên một trụ đá trắng, trên đỉnh có hình sư tử và một tháp thờ xá lợi của Đức Phật. 

Vào thế kỷ thứ 5, khi đến Tỳ Xá Ly chiêm bái, ngài Pháp Hiển có ghi lại rằng: “Về phía Bắc thành phố Tỳ Xá Ly có ngôi tháp hai tầng. Đức Phật khi đến Tỳ Xá Ly đã từng lưu lại nơi này. Tại đây cũng có một ngôi tháp tưởng niệm ngài A Nan. Bên trong thành phố, nàng Amrapali cũng có xây một tháp cúng dường Đức Phật, và ngày nay nền tháp ấy vẫn còn đó. Khoảng 3 lý về phía Nam thành phố, mặt Tây của con đường là một khu vườn nơi nàng Amrapali cúng dường cho Đức Phật. Khi Đức Phật sắp sửa nhập diệt, Ngài và Tăng chúng đã rời Tỳ Xá Ly nơi cổng thành phía Tây.” Đến thế kỷ thứ bảy (629), Ngài Huyền Trang đã ghi lại trong Đại Đường Tây Vực Ký như sau: “Vương quốc Tỳ Xá Ly có chu vi rộng khoảng 5.000 lý. Đất đai ở đây phì nhiêu màu mỡ; hoa trái đủ loại rất phong phú. Xoài và chuối đầy dẫy ở khắp mọi nơi và giá cả rất rẻ. Người dân ở đây rất trong sạch và thành thật. Họ thích triết lý tôn giáo và hiếu học. Ngoại đạo và Phật giáo sống chung rất hài hòa. Có hàng trăm ngôi chùa nằm rải rác khắp nơi, nhưng đa số đã bị hư hoại. Chỉ có ba hoặc năm ngôi tịnh xá là còn nguyên vẹn, nhưng có rất ít Tăng sĩ tu tập tại những nơi đó. Tại đây cũng có rất nhiều đền đài ngoại đạo, phần nhiều thuộc phái Ni Kiền Tử. Kinh thành Tỳ Xá Ly đã bị hư hại nhiều. Những nền móng xưa có chu vi từ 60 đến 70 lý. Khu nội cung dành cho hoàng gia rộng khoảng 4 hoặc 5 lý. Có rất ít người sống tại đây. Về hướng Tây Bắc, cách hoàng thành chừng 5 hay 6 lý, có một ngôi chùa với một số Tăng sĩ tại đây. Họ theo truyền thống nguyên thủy, thuộc Chánh Lượng Bộ. Cạnh đó là một ngôi tháp. Chính ở nơi đây Đức Phật đã thuyết kinh Duy Ma Cật, và có một vị trưởng giả tên Ranakara cùng bạn hữu của ông đã cúng dường lên Đức Phật những chiếc lọng báu để che nắng mưa cho Ngài. Về hướng Đông là ngôi tháp, nơi ngài Xá Lợi Phất đã chứng quả A La Hán. Về hướng Đông Nam, có một ngôi tháp do tổng thống của xứ Cộng Hòa Tỳ Xá Ly xây dựng vì sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, vua nước này đã nhận một phần xá lợi của Ngài.” 

Ngày nay phế tích của cả hai nơi này đã được ghi dấu và được cơ quan UNESCO công nhận. Trụ đá thì còn gần như nguyên vẹn. Tuy nhiên, ngôi tháp thờ xá lợi chỉ còn trơ lại nền và hầm tháp, vì thế người ta phải cất lên một mái tôle để bảo vệ cho Thánh tích thiêng liêng này. Theo bảng ghi chú bên ngoài tháp, thì ban đầu ngôi tháp này chứa đựng một số xá lợi rất lớn (một phần tám tổng số xá lợi của Đức Phật), đến thời vua A Dục, ngài cho lấy chín mươi phần trăm số xá lợi tại đây để chia cho tám mươi bốn ngàn tháp nhỏ khác trong khắp xứ Ấn Độ. Về sau có một vị vua khác cũng muốn mở lại ngôi tháp, nhưng khi vừa bắt đầu đào đất lên, thì khắp nơi chấn động khiến nhà vua ngưng ngay công việc chứ không dám tiến hành đào thêm nữa. 

thientructieuduky-04-6
(Phế tích ngôi tháp thờ xá lợi của Đức Phật đã đổ nát. 
Ngày nay người ta phải cất lên một mái tôle để bảo vệ 
phần phế tích còn lại bên dưới)

thientructieuduky-04-7
(Phần còn lại phía bên dưới của phế tích ngôi tháp thờ 
xá lợi của Đức Phật tại Tỳ Xá Ly)

Về hướng Nam trụ đá A Dục có một hồ nước khá lớn. Tương truyền đây là cái hồ do 500 con khỉ đào cúng dường cho Đức Phật để Ngài tắm giặt hằng ngày trong thời gian Ngài lưu lại thành Tỳ Xá Ly, và cũng chính tại đây ngày ngày đàn khỉ đều mang mật ngọt đến cúng dường cho Đức Phật. Theo tài liệu đích xác của các nhà khảo cổ thời cận đại thì tất cả những phế tích tại làng Pesa ngày nay, cách thủ phủ Patna (Pataliputra) khoảng 60 cây số là phế tích của thành Tỳ Xá Ly, và những ngôi phế tháp rải rác được bộ tộc Lichavi xây dựng để thờ xá lợi của Đức Phật mà họ nhận được từ bộ tộc Mallas. 

Gần khu phế tích Phật giáo ở Tỳ Xá Ly có một ngôi chùa và một tháp Hòa Bình (Darjeeling Peace) cũng giống như Tháp Hòa Bình trên núi Linh Thứu, cũng do phái Nhật Liên của người Nhật Bản xây dựng. Đoàn chúng tôi cũng ghé thăm chùa Tích Lan bên cạnh ngôi chùa Nhật Bản.

Riêng tại Viện Bảo Tàng Tỳ Xá Ly vẫn còn lưu giữ rất nhiều cổ vật đào được qua các cuộc khảo cổ tại thành Tỳ Xá Ly. Tại đó dưới nhiều tầng đất sâu hơn, người ta tìm thấy một pho tượng Phật đang tu khổ hạnh có kích thước như hình người thật. Đây là những chứng tích xác thực về cuộc đời tu hành của Đức Phật. 
 
 

(Trụ đá do vua A Dục dựng trong thành Tỳ Xá Ly
 -Trên đầu trụ hãy còn nguyên hình tượng sư tử—
Vaishali-Asoka’s stone pillar)

thientructieuduky-04-9
(HT Thích Giác Nhiên chụp hình kỷ niệm tại trụ đá A Dục-Tỳ Xá Ly)

 

Câu Thi Na

 

thientructieuduky-04-10
(
Đường vào Câu Thi Na buổi bình minh)

3:00 giờ chiều cùng ngày, đoàn rời Tỳ Xá Ly đi Câu Thi Na (Kushinagar), đi trên con đường mà Đức Phật đã cùng tôn giả A Nan đã đi trên đường về chỗ Ngài đã nhập Niết Bàn tại khu rừng Ta La song thọ. Do một tình cờ của thiên nhiên hay do chính sự lựa chọn của Đức Phật mà Câu Thi Na gần như nằm ngay giữa những Thánh địa khác như Lâm Tỳ Ni, thành Xá Vệ, Tỳ Xá Ly, và vườn Lộc Uyển... Hiện nay thành Câu Thi Na tên là Kasia, thuộc bang Uttar Pradesh, cách Vườn Lâm Tỳ Ni khoảng 180 cây số, và cách thành Ca Tỳ La Vệ bên phía Ấn Độ khoảng 150 cây số. Đây là một thị trấn yên tĩnh nằm cách Bồ Đề Đạo Tràng trên 300 cây số đường chim bay về hướng Tây Bắc, nhưng vì đường sá gồ ghề xấu xí nên từ Tỳ Xá Ly chúng tôi phải mất trên 6 giờ mới đến được Câu Thi Na. Dù khoa học kỹ thuật hôm nay có những tiến bộ đáng kể, dù khắp nơi trên xứ Ấn bụi bay đầy trời, Câu Thi Na vẫn còn giữ được vẻ thanh u tịch tĩnh, nơi mà gần 26 thế kỷ về trước Đức Phật đã chọn làm nơi nhập Niết Bàn. Tôi đã đến Đề Li để thấy không khí choáng ngộp tại đó, rồi về Bồ Đề Đạo Tràng cũng với không khí không hơn gì Đề Li. Tôi không dám chê khen gì Ấn Độ vì ngày xưa nơi quê tôi ở có giàu chi hơn Ấn Độ đâu! Nhưng tôi phải thật tình thương cảm cho người dân ở đây, trong thế kỷ 21 này mà họ vẫn sống trong thiếu thốn đủ mọi bề. Có người cho rằng văn minh vật chất Tây phương làm hư con người. Riêng tôi, tôi không nghĩ như vậy. Tôi là người con Phật nên quyết chí đi theo con đường “Trung Đạo” của Ngài, không thái quá mà cũng không bất cập. Tôi không làm nô lệ cho phương tiện vật chất, nhưng tôi thọ hưởng những phương tiện ấy để giữ cho thân này được khang kiện, từ đó có thể làm được những điều lợi lạc cho người khác. Con người hư hay không là do nơi mình, chứ đừng đổ thừa cho cuộc sống vật chất làm mình hư. Thử hỏi những người dân Ấn nghèo khổ cùng cực ở các nơi mà tôi đã đến tận nơi, thấy tận mắt, nếu không muốn mánh mung để tìm phương sống hằng ngày cũng không được. Theo tôi, không nói không rằng gì cả, không ai chối cãi là Ấn Độ là một xứ sở của tâm linh sâu thẳm, nhưng cũng không ai chối cãi được thảm trạng xã hội hiện tại tại Ấn Độ là hệ quả tất yếu của một xã hội mà trong đó đầu óc người ta còn phân định giai cấp quá nặng nề. Cái không may cho Ấn Độ là những đạo quân ngoại xâm đã tiêu diệt một chơn lý “xóa bỏ giai cấp” đáng lý phải được trân trọng và phát triển tại đất nước này. 

Sau khi đến Câu Thi Na, đoàn chúng tôi nghỉ đêm tại Japan-Srilanka Buddhist Center, ở Kushinagar, thuộc bang Uttar Pradesh. Đây là một trung tâm Phật giáo Tích Lan do chính phủ Nhật Bản tài trợ. Cảnh trí tại đây thật yên tĩnh và trầm mặc. Không khí thanh u ở đây làm cho tôi liên tưởng đến cũng không khí này trên 25 thế kỷ về trước, Đấng Cha Lành đã về đây trong cuộc hành trình cuối cùng để khởi đầu cho một cuộc yên nghỉ. Trí óc tôi hồi này lan man hình ảnh Đấng Từ Phụ trong xác thân tứ đại già nua nhưng lúc nào cũng bước đi những bước rắn chắc và quyết định bên cạnh ngài A Nan với nét ủ rũ như con sắp xa mẹ. Lại nữa, hồi này thì hai vị đại đệ tử của Đức Phật là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đều đã nhập diệt trước đây ba tháng, và các vị đại đệ tử khác thì đang hoằng hóa phương xa. Nên dù A Nan là một bậc tu hành, lại được theo Thầy trong suốt gần 25 năm thì làm gì ngài không biết được tình thương nào rồi cũng đến hồi mai một chia ly, cuộc hợp nào rồi cũng tan theo định luật vô thường tất yếu, nhưng trong cảnh đó, lại không có các sư huynh sư đệ bên cạnh, ai có thể cầm lòng cho được? Liên tưởng đến phút đó, cảnh đó, lòng tôi bỗng lâng lâng một nỗi buồn man mác, chưa đi đến Đại Tháp Niết Bàn mà lòng mình đã xót xa, một nỗi xót xa khó tả. 

thientructieuduky-04-11
(Vùng biên giới Bắc Ấn và Népal-Nơi có Vườn Lâm Tỳ Ni,
 thành Ca Tỳ La Vệ, thành Xá Vệ, và thành Câu Thi Na)

6:00 giờ sáng ngày 5 tháng 12, 2005, đoàn thăm viếng khu thánh tích Câu Thi Na, tháp Đức Phật nhập Niết Bàn, tháp trà tỳ, các phế tháp chung quanh khu Đại Tháp Niết Bàn và các chùa Phật giáo tại đây. Câu Thi Na, một trong những Thánh địa quan trọng của Phật giáo, một trong tứ động tâm mà trước khi nhập diệt, Đức Phật đã nhắc nhở ngài A Nan: “Sau khi ta nhập diệt, nếu các thiện nam tín nữ có đạo tâm nghĩ tưởng đến Như Lai, cách hay nhất là đến chiêm bái bốn động tâm quan trọng nhất, những nơi có liên quan trực tiếp đến cuộc đời và sự nghiệp hoằng hóa của Như Lai. Đó là vườn Lâm Tỳ Ni, Bồ Đề Đạo Tràng, vườn Lộc Uyển và thành Câu Thi Na. Nếu vị thiện tâm nào đến bốn nơi này thành tâm chiêm bái và đảnh lễ sẽ được nhiều phước báu và duyên lành như được gặp lại chính Như Lai vậy! Lại nữa, nếu có vị thiện tâm nào có duyên được trút hơi thở cuối cùng tại một trong những Thánh địa này, chắc chắn người ấy sẽ được tái sanh vào cảnh giới thanh nhàn để tiếp tục tu tập giải thoát.” Hôm nay chúng tôi về đến tận nơi để chính mắt thấy được những di tích ngàn xưa vẫn còn hiện hữu, dù trong hoang tàn đổ nát, hay dù đã được người đời sau phục hoạt, trùng tu... chúng tôi vẫn cảm thấy lòng mình lâng lâng một niềm hạnh phúc khó tả. Đây chính là nơi mà hơn 25 thế kỷ về trước, một bậc đạo sư của người và trời sau khi mang giáo lý giác ngộ tối thượng mà mình đã chứng ngộ ra ban rải hết cho chúng sanh, đã về đây an nhiên thị tịch. Hôm nay chúng ta đến đây, tính ra đã gần 26 thế kỷ, thế mà nhìn cảnh, rồi nhìn những phế tích còn sót lại lòng chúng ta cũng cảm thấy lâng lâng nỗi niềm cảm xúc như chính mình đang được gần gũi với Đức Thế Tôn, nhưng bên cạnh đó niềm xúc cảm xót xa cũng trào dâng khi nghĩ đến phận mình phước kém duyên mỏng, không được sanh ra vào thời có Phật. 

 

Đại Tháp Niết Bàn

 

thientructieuduky-04-12
(
Đại Tháp Niết Bàn và chùa Niết Bàn tại thành Câu Thi Na)

thientructieuduky-04-13
(Tượng Phật Nhập Niết Bàn bên trong Đại Tháp Niết Bàn tại thành Câu Thi Na)

Đường vào Đại Tháp Niết Bàn không còn thanh u tĩnh mịch như được diễn tả trong các kinh điển thời Đức Phật nhập diệt nữa, không còn là khu rừng Sa La ngày ấy với toàn rừng là rừng. Tuy nhiên, hai bên đường cây cối vẫn còn xanh tươi mát mẻ. Ngày nay người ta đã trải đá đỏ trên con đường đi vào Đại Tháp Niết Bàn. Đây là ngôi Đại Tháp Niết Bàn (Mahaparinirvana), là một ngôi tháp lớn, trên nóc có hình vòm cũng giống như nhiều tháp khác tại Ấn Độ. Tuy nhiên, quanh tháp kín mích, không có cửa, cũng không có cửa sổ. Ngôi tháp cao hơn chùa Niết Bàn nhiều, có lẽ cao đến gấp đôi. Đây mới chính là nơi Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn, đây mới chính là một trong những nơi thiêng liêng nhất của Phật giáo. Theo lịch sử các Thánh tích Phật giáo, thì ngôi Đại Tháp này đã được những người ngưỡng mộ Phật giáo thuộc sắc dân Mallas xây lên để thờ xá lợi của Đức Phật, có lẽ họ xây kín vì sợ quân Hồi giáo đến đánh phá để cướp xá lợi của Đức Phật, nhưng rồi sau đó tháp cũng bị những thế lực tàn bạo muốn tiêu diệt Phật giáo tàn phá, cứ như vậy không biết đến bao nhiêu lần. 

thientructieuduky-04-14
(Bảng đặt trước khu phế tích Câu Thi Na)

Trước khi vào đến Đại Tháp, về phía bên trái có hai tấm bảng, một bằng tiếng Anh, và một bằng chữ Ấn Độ (có lẽ là chữ Bhrami ngày nay), nội dung nói về phế tích thành Câu Thi Na đã được đào lên: “Câu Thi Na đã từng là kinh đô của người Mallas. Theo văn học Phật giáo, thì Câu Thi Na là một trong tứ động tâm, được chính Đức Phật tuyên thuyết như vậy. Chính tại nơi đây Đức Phật đã thở hơi cuối cùng và nhập Niết Bàn vào ngày trăng tròn tháng Vaishakha, khoảng tháng tư hay tháng năm dương lịch. Người ta tin rằng kim thân của Ngài đã được hỏa táng với đủ nghi cách vinh dự của một Đấng Thế Tôn. Thành Câu Thi Na gần Makutabandhana Chaitya sau gần hai thế kỷ bị lãng quên đã được các vị vua dưới triều Maurya xây dựng lại và đạt đến tuyệt đỉnh huy hoàng của nghệ thuật dưới thời Gupta. Nhiều chùa tháp và tự viện đã được xây dựng trong thời kỳ này. Các nhà hành hương người Trung Hoa như Pháp Hiển, Huyền Trang và Nghĩa Tịnh đã chiêm bái nơi này vào những thế kỷ thứ 5, 7 và 8. Các vị đã ghi lại trong các bút ký rất nhiều về dấu tích của những ngôi phế tháp. Những phế tích đào lên được tại đây là do thành quả của những cuộc khai quật rộng lớn bởi nhà khảo cổ Carlleyle vào năm 1876, và về sau này do các nhà khảo cổ Ấn Độ từ năm 1904 đến năm 1912. Quần thể này bao gồm một ngôi tháp chính, ngôi chùa Niết Bàn trên một cấu trúc cao, được bao bọc bởi một nhóm phế tích các tự viện về phía Tây, một nhóm các nền tháp nhỏ với những viên gạch có chạm trỗ và những cột trụ được trang trí về phía Nam. Nền Đại Tháp nằm về phía Đông với những nền tháp nhỏ nằm về phía Bắc. Tất cả đều có niên đại từ thời Khổng Tước (Mauryan) đến thế kỷ thứ 10 sau Tây Lịch. Có rất nhiều những bảng khắc chữ trên đất sét nung được tìm thấy trong các cuộc đào xới này.”

thientructieuduky-04-15
(Nhà tưởng niệm ngài Huyền Trang-Câu Thi Na)

Chùa thờ tượng Phật nhập Niết Bàn được xây trên một nền gạch cũ cao khoảng trên 2 thước. Chùa có lối kiến trúc hết sức đặc biệt, không giống bất cứ ngôi chùa nào cả. Từ xa nhìn trên nóc, nó giống như là hai khối lăng trụ màu vàng lợt giao nhau, phía trước hành lang là bốn cây cột lớn, sơn màu đỏ. Càng nhìn chúng ta càng thấy nét là lạ của ngôi chùa. Trước mặt và phía sau chùa là những rừng cây cao bóng mát cùng với nhiều hồ sen bao bọc chung quanh. Tuy nhiên, có lẽ lúc này là mùa đông, trời quá lạnh nên không thấy có sen nở. Ngay bên trong chùa Niết Bàn là một pho tượng Phật nằm nghiêng, mặt hướng ra cửa chánh phía Nam, đầu quay về hướng Bắc, tay phải của Ngài lót gò má phải, còn cánh tay trái được đặt xuôi trên hông, còn hai chân của Ngài chồng lên nhau rất ngay thẳng. Tượng có chiều dài khoảng trên 6 mét, được đặt trên một cái bệ chữ nhật cao trên nửa mét. Theo truyền thuyết Phật giáo thì tượng Phật Niết Bàn được Hòa Thượng Haribhadra tạc từ một tảng đá nguyên thủy có tên là Chunar dưới triều Kumargupta (413-455). Dù đã bị đập nát và chỉ được ráp nối lại về sau này, nhưng pho tượng Phật Niết Bàn quả là một tuyệt tác nghệ thuật từ thời đó và cho mãi đến bây giờ. Tượng chẳng những là một tuyệt tác mỹ thuật, mà nó còn có vẻ uy nghiêm mà từ bi của một Đấng Từ Phụ, và đầy đủ hảo tướng của Đức Phật. Khi đến tận đây chiêm ngưỡng tôn tượng Phật Niết Bàn, hình như ai trong chúng ta cũng đều có cảm giác như là chúng ta đang đứng trước Đức Thế Tôn trong những giây phút sắp nhập diệt của Ngài. Phía sau chùa Niết Bàn là ngôi Đại Tháp Niết Bàn là nơi Đức Phật nhập diệt 25 thế kỷ về trước. Chùa Niết Bàn được nhà khảo cổ Carlleyle phát hiện lần đầu tiên vào năm 1876. Theo các nhà khảo cổ thì nền móng của ngôi chùa Niết Bàn không phải là nền móng chùa nguyên thủy mà ngài Huyền Trang đã mô tả trong Đại Đường Tây Vực Ký. Đây có thể là nền móng thứ hai được được xây trên nền cũ vào khoảng thế kỷ thứ 11 hay 12. Còn ngôi tháp được xây ngay trên gò đất chính nơi Đức Phật nhập Niết Bàn, giữa hai cây Sa La song thọ. Giống như các phế tích khác, khu Đại Tháp Niết Bàn gồm nhiều ngôi tháp khác nhau, cái này xây chồng lên cái kia. Ngôi tháp bên trong cùng hãy còn nguyên vẹn. Có những hàng gạch bị cháy đen, chứng tỏ nơi đây đã từng là nơi được dùng để hỏa táng. Khi nhà khảo cổ Carlleylé khai quật được ngôi tháp này lên thì nó đang trong tình trạng sắp sụp đổ. Ngôi tháp cao khoảng 45,72 mét. Tháp có cùng chung nền với chùa Niết Bàn, cao khoảng 2,74 mét. Trên đỉnh tròn của tháp là một hình trụ cao khoảng 5,50 mét, có một hàng hoa văn và một tấm bia bằng đồng khắc kinh Nhân Duyên (Nidana) bằng tiếng Phạn (Sanskrit) và có những dòng chữ ghi lại lịch sử pho tượng Niết Bàn của Đức Phật: “Hòa Thượng Haribadhra đã đúc tuợng Đức Phật Nhập Niết Bàn nổi tiếng ở Câu Thi Na. Đại Tháp Niết Bàn cũng được Hòa Thượng Haribadhra xây ra lớn hơn trên gò nền nguyên thủy của nó. Sau khi tạc xong bức tượng, Hòa Thượng Haribhadra đã cho an vị vào trong ngôi đại tháp. Trong thời Đức Phật thì Câu Thi Na là một thị trấn nhỏ nằm trong xứ Cộng Hòa Malla, một trong những xứ Cộng Hòa trong vùng Bắc Ấn thời đó. Dân cư đông đúc, phồn thịnh, và đa số dân chúng trong vùng này thời Đức Phật còn tại thế đều rất mộ đạo, dù họ tín ngưỡng Bà La Môn hay Phật giáo. Sau khi Đức Phật nhập diệt thì Cộng Hòa Malla bị sáp nhập vào vương quốc Ma Kiệt Đà, và đến thế kỷ thứ 2 trước Tây Lịch, nó thuộc vương triều Khổng Tước (Maurya) của hoàng đế A Dục. Chính vì vậy mà sau khi trở thành một quân vương Phật tử, vua A Dục đã thân hành đi chiêm bái hầu hết các Thánh tích Phật giáo để tưởng niệm Đức Thế Tôn. Ngài đến Câu Thi Na, cho xây tháp và trụ đá để đánh dấu và tưởng niệm Thánh địa nơi Đức Phật nhập Niết Bàn. 

Năm 409, ngài Pháp Hiển đến chiêm bái Câu Thi Na và đã ghi lại trong Tây Vực Ký của ngài như sau: “Câu Thi Na có nhiều tháp và tự viện. Bấy giờ Câu Thi Na là một trung tâm tu học rất phồn thịnh.” Trong các triều vua dưới triều đại Gupta, Câu Thi Na phát triển mạnh, nhất là về mặt mỹ thuật Phật giáo. Thời Kumargupta (413-455), một nhà sư tên Haribhadra đã tạc tượng Phật Niết Bàn. Khi ngài Huyền Trang đến chiêm bái Câu Thi Na vào thế kỷ thứ 7 thì nơi đây đã hoang phế điêu tàn. Ngài đã ghi lại về câu Thi Na trong Đại Đường Tây Vực Ký như sau: “Thủ đô nước này đã bị tàn phá và xóm làng đều hoang tàn đổ nát. Những nền gạch của dãy tường thành xưa có chu vi khoảng 10 lý. Đường phố ở đây hư nát và có rất ít dân cư. Về phía Bắc, có một trụ đá do vua A Dục dựng lên ngay trên nền nhà cũ của ông Thuần Đà (Chunda). Giữa khu vực có một giếng nước được đào lên vào thời gian ông cúng dường đến Đức Phật. Mặc dù đã trải qua bao thế kỷ, nước trong giếng vẫn còn trong và còn rất ngọt. Về phía Bắc kinh thành khoảng ba bốn dặm, ngang qua dòng sông Ajivati, không xa phía tây ngạn dòng sông này, chúng tôi đến khu rừng Sala. Nơi đây còn bốn cây có chiều cao lạ thường, đánh dấu nơi Đức Phật nhập diệt. Nơi đây có một ngôi tịnh xá lớn, được xây bằng gạch, bên trong có một tượng Phật trong tư thế nhập Niết Bàn. Ngài nằm trong tư thế đầu hướng về phương Bắc. Cạnh bên tịnh xá có một trụ đá do vua A Dục dựng lên, mặc dù đang trong tình trạng nghiêng đổ, nó vẫn còn có chiều cao trên 50 mét. Trước đó là một trụ đá ghi khắc những dữ kiện nhập diệt của Đức Phật, nhưng không đề cập đến ngày tháng năm. Đây đó quanh Câu Thi Na có nhiều đền tháp đánh dấu những sự tích xa xưa thời Đức Phật cũng như đánh dấu tiền thân của Ngài khi còn là một vị Bồ Tát. Đây là tháp đánh dấu lúc Bồ Tát còn mang thân chim, còn kia là tháp đánh dấu thời Bồ Tát còn mang thân nai. Rồi những ngôi tháp khác đánh dấu nơi nhập diệt của Tu Bạt Đà La, người đệ tử già nhất (120 tuổi), xuất gia với Đức Phật trước khi Ngài nhập Niết Bàn.” Tuy nhiên, sau thời kỳ chiêm bái của ngài Huyền Trang thì Phật giáo tại thành Câu Thi Na ngày càng mất dần ảnh hưởng. Vua chúa không còn ủng hộ và nơi này trở lại tiêu điều vắng vẻ. Từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 12, sử liệu Ấn Độ không hề đề cập gì đến nơi này nữa. Rồi đến thế kỷ thứ 13, sau cuộc xâm lăng của đạo quân Hồi giáo, loạn lạc khắp nơi, Câu Thi Na hoàn toàn đi vào quên lãng. Bên cạnh đó quân Hồi sẵn sàng đập phá bất cứ hình tượng phật nào mà họ khám phá được trên bước đường viễn chinh của họ. Như vậy, số phận Thánh tích Câu Thi Na cũng như các Thánh tích khác, bị tàn phá tan tành trong khoảng thế kỷ 12 và 13. Mãi đến thế kỷ thứ 19, nhà khảo cổ người Anh tên Wilson (1854) tình cờ khám phá được dấu tích thành Câu Thi Na. Sau đó các nhà khảo cổ Cunningham và Carlleyle dựa vào tài liệu trong ký sự của Ngài Huyền Trang, tiến hành những cuộc khai quật chính thức và sau đó người ta mới khai quật được chùa và tháp Niết Bàn trên cùng một nền gạch. Ngoài ra, có rất nhiều xương người và đồ vật cả bên trong lẫn bên ngoài khu Đại Tháp. Năm 1856 người ta hoàn thành việc tái thiết chùa Niết Bàn. Năm 1956 Phật giáo Nhật Bản lại hợp cùng các hội Phật giáo khác tài trợ trùng tu toàn bộ ngôi chùa Niết Bàn, và kiến trúc ấy vẫn được giữ cho đến ngày nay. Ngày trước đường kinh hành quanh chùa chỉ rộng khoảng trên 0.5 mét, nhưng ngày nay nó được mở rộng hơn nhiều. Đến những năm đầu thế kỷ 20 (1904, 1907, 1910 và 1912), nhà khảo cổ Vogell đã tìm thêm được một số di tích khác tại làng Câu Thi Na. Hiện nay, Thánh tích Câu Thi Na được Liên Hiệp Quốc công nhận và được Phật tử cũng như các nhà nghiên cứu đổ xô về đây chiêm bái và nghiên cứu. Gần đây nhất, trong các cuộc khai quật vào năm 1976 người ta đã tìm ra nhiều mảnh xương vụn, mẫu than củi và những miếng sọ người, cho thấy nơi này đã từng bị người Hồi giáo đốt phá và bách hại nhiều lần trước khi toàn vùng rơi vào quên lãng trong suốt 6 thế kỷ sau đó.

Ngày nay Kushinagar là một thị trấn nhỏ, cách khu vực Kasia chừng 3 cây số về hướng Tây Nam, và cách thành phố Gorakhpur chừng 50 cây số, trong bang Uttar Pradesh, thuộc vùng Bắc Ấn Độ. Dân cư ở đây rất thưa thớt, nên cảnh trí vẫn còn thanh u, yên tĩnh như ngày nào. 

Dù chúng tôi đến nơi rất sớm, nhưng khi chúng tôi đến nơi thì đã có các đoàn Đại Hàn và Tây Tạng tại đây. Tuy nhiên, vì đoàn Việt Nam quá đông nên hai đoàn kia nhường cho chúng tôi làm lễ trước. Sau khi chúng tôi khoác chiếc áo cà sa mới lên kim thân tôn tượng Phật Niết Bàn thì Hòa Thượng bắt đầu hướng dẫn đoàn tụng một thời kinh, sau đó chúng tôi theo chân Hòa Thượng Thích Giác Nhiên cũng như những tu sĩ khác của hai phái đoàn Đại Hàn và Tây Tạng, đi nhiễu một vòng quanh tượng Phật. Không khí lúc chúng tôi đi nhiễu quanh tôn tượng Phật Niết Bàn thật là cảm động. Ở đây mọi ý tưởng về chánh tín, thờ phượng và mê tín đều không có ngằn mé. Người ta vừa đi vừa niệm hồng danh Đức Bổn Sư theo ngôn ngữ của mình, khi đi ngang qua chân Phật, thấy ai cũng ráng quỳ xuống phủ phục đầu mình dưới chân Ngài, rồi anh Thiện Minh và Thiện Tài cũng quỳ, rồi tôi cũng quỳ phủ phục dưới chân Ngài, chỉ với một ước nguyện duy nhất là cho chúng con được theo gót chân giải thoát của Ngài. Vì số người đi vào chùa ngày càng đông nên chúng tôi phải đi ra bên ngoài đi nhiễu quanh tháp. Trong khi đi nhiễu quanh tháp thì sư Minh Thành thuyết minh về sự kiện lịch sử trong ngày Đức Phật nhập Niết Bàn. Năm ấy Đức Phật đã 80 tuổi. Dù là một bậc đại giác, một bậc chí Thánh, nhưng thân tứ đại của Ngài cũng đã mòn mỏi với thời gian. Ngài từng ví thân mình như một cỗ xe cũ kỷ. Tại thành Tỳ Xá Ly Đức Phật tuyên bố trong một thời pháp là Ngài sẽ nhập Niết Bàn và nơi Ngài thị tịch sẽ là thành Câu Thi Na yên tĩnh. Ngài bắt đầu cuộc hành trình cuối cùng từ núi Linh Thứu trong thành Vương Xá, kinh đô của xứ Ma Kiệt Đà, đi đến Na Lan Đà, rồi vượt qua sông Hằng để đi đến thành Tỳ Xá Ly. Tại đây Đức Phật nhập mùa an cư kiết hạ sau cùng cùng chư Thánh Tăng. Sau gần ba tháng du hành, hôm ấy Đức Phật cùng tôn giả A Nan đang trên đường tiến về thành Câu Thi Na, đến làng Pava Đức Phật được ông Thuần Đà thỉnh về nhà để cúng dường. Sau khi ăn bát cháo nấm, Đức Phật biết mình không còn hiện hữu bao lâu nữa nên Ngài bảo A Nan cùng Ngài gấp rút đi bộ từ Pava về Kushinagar. Theo truyền thuyết Phật giáo, sau khi thọ dụng bát cháo nấm của ông Thuần Đà thì bệnh tình của Đức Thế Tôn ngày càng nặng, nên trên đoạn đường ngắn tới Câu Thi Na mà Ngài phải nghỉ lại tới hai mươi lăm nơi. Tại một nơi nọ, Đức Phật đến ngồi dưới một gốc cây to và bảo A Nan đi xuống dòng nước trước mặt lấy nước uống cho Ngài. A Nan bẩm Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, đây là một dòng nước nhỏ, lại có khoảng 500 cỗ xe vừa đi qua, làm nước nổi cặn không thể uống được. Bạch Đức Thế Tôn, sông Kakuttha cách đây không xa, nước trong trẻo và mát mẻ. Ngài có thể uống nước ở đó được.” A Nan cứ bẩm Phật như vậy đến lần thứ ba, mà Đức Phật vẫn bảo A Nan xuống dòng sông này lấy nước cho Ngài uống. A Nan đành phải vâng lời, lấy bát đi xuống lấy nước. Nước trong dòng sông hiện giờ đang bị quấy lên đục ngầu, nhưng ngay khi Đại Đức A Nan vừa đến, nước liền trở nên trong vắt. A Nan tự nghĩ: Thật là kỳ diệu, hy hữu quá! Thần túc và oai lực của Đức Thế Tôn! Dòng sông mới vừa bị khuấy đục đó mà tức thì trở nên trong trẻo.”

Đêm đó có một người tên Pushkasa, thuộc dòng Mallas, một trong những đệ tử của Ngài Alara Kalama, đang đi từ Câu Thi Na đến Pava, biết Phật đang ở đây ông bèn đến xin quy-y Tam Bảo và cúng dường Đức Phật một tấm y vàng. Khi A Nan khoác tấm y lên kim thân Đức Phật thì màu da của Ngài sáng chói thanh tịnh lạ thường. A Nan liền thưa hỏi nguyên do. Đức Phật bảo A Nan có hai trường hợp làm cho màu da của Như Lai sáng chói, đó là đêm Như Lai chứng quả vô thượng và đêm Ngài nhập diệt. Nhân đó Đức Phật cũng nhắc nhở A Nan và Thánh chúng rằng vào lúc canh ba Ngài sẽ nhập diệt trong khu rừng Ta La của sắc dân Mallas. Đức Phật cùng đại chúng tỳ kheo đi đến sông Kakuttha, tắm lần sau cuối tại con sông này, sau đó qua sông, lên ngự tại khu vườn xoài và khi nghỉ ngơi, Đức Phật đã dạy đại đức A Nan như sau: “Chuyện sau đây có thể xảy ra, này A Nan. Có người sẽ làm cho ông Thuần Đà bứt rứt khó chịu vì họ cho rằng chính vì Thế Tôn thọ thực lần cuối cùng với các món của ông dâng cúng. Này A Nan, mỗi lần Thuần Đà bứt rứt khó chịu hay hối hậnnhư thế, con phải giải thíhc như vầy: ‘Này Thuần Đà, ông có rất nhiều phước báu. Ông sẽ hưởng nhiều lợi lộc vì Đức Phật đã thọ thực lần cuối cùng với các vật thực do ông dâng cúng. Này Thuần Đà, bần Tăng có nghe chính Đức Phật dạy rằng có hai vật thực cúng dường đem lại phước báu như nhau, tạo quả bằng nhau, và vô cùng quý báu hơn tất cả. Hai vật ấy là gì? Đó là vật thực cúng dường mà vị Bồ Tát thọ dụng lần cuối cùng trước khi chứng ngộ Đạo Quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, và vật thực cúng dường mà Đức Phật thọ dụng lần cuối cùng trước khi Ngài nhập diệt..’Này A Nan, con hãy an ủi khuyên lơn Thuần Đà như thế ấy!” Sau đó Ngài dạy A Nan chọn một nơi giữa hai cây Ta La để Ngài nằm yên nghỉ. Và đó cũng chính là nơi Ngài nhập Niết Bàn. Ngay trước lúc Đức Phật sắp nhập Niết Bàn thì có một ông già tên Tu Bạt Đà La (Subhdda), đã 120 tuổi, đệ tử của phái Ni Kiền Tử, đến thỉnh cầu Đức Phật giảng giải cho một nghi nan mà ngoại trừ đấng Đại Giác ra không ai khác có thể giải thích nổi. Tuy nhiên, cả ba lần thỉnh cầu đều bị ngài A Nan từ chối vì sợ làm quấy động Thế Tôn. Nhưng Thế Tôn biết được cơ duyên chuyển hóa nên Ngài bảo A Nan cho phép Tu Bạt Đà La vào. Sau khi nghe vi diệu pháp Bát Chánh Đạo, Tu Bạt Đà La đắc được pháp nhãn và xin quy-y Phật ngay trước khi Phật nhập Niết Bàn. Sau đó bộ tộc Mallas đem nhục thân của Như Lai đến làm lễ trà tỳ tại một nơi gần đó (bây giờ là phế tháp trà tỳ). Ngay khi nghe tin Đức Thế Tôn nhập diệt, vua A Xà Thế của xứ Ma Kiệt Đà, vì tôn kính Thế Tôn nên cử người đến Câu Thi Na để thỉnh một phần xá lợi về thờ. Rồi sau đó sứ giả của các bộ tộc Licchavi ở thành Tỳ Xá Ly, bộ tộc Sakya ở thành Ca Tỳ La Vệ, người Buli ở Allakappa, người Koli ở Ramagama, người Vethadipaka, và người Malla ở Pava. Tất cả bảy bộ tộc đều tranh giành phần xá lợi. Trong khi đó thì bộ tộc Mallas ở Câu Thi Na nhất quyết không chịu chia xá lợi cho ai cả. Họ nói Đức Phật nhập diệt trong phần đất của họ, xá lợi thuộc về họ, chứ không ai có quyền dành cả. Trong lúc đang tranh cãi ấy, có một vị Bà La Môn tên Dona đưa ra đề nghiï: “Đức Phật vừa mới nhập diệt, chúng ta nên học lấy hạnh nhẫn nhục hy sinh của Ngài, chứ tranh giành như thế này quả là không tốt. Chúng ta hãy hoan hỷ chia xá lợi ra làm tàm phần rồi cùng nhau đem về dựng tháp thờ xá lợi của Ngài khắp mọi nơi.” Mọi người đều hoan hỷ đồng ý với đề nghị ấy, và xá lợi của Ngài được chia ra làm tám phần đồng đều. Có đến tận nơi, có thấy tận mắt mới cảm nhận được cái không khí hết sức tĩnh mịch của thành Câu Thi Na. Riêng tôi, tìm đến quỳ trong một góc trong tháp để lắng nghe sự xúc động thật mạnh của lòng mình, môi tôi thấm mặn tự lúc nào với những dòng cảm xúc và phảng phất đâu đây những lời di huấn cuối cùng của Ngài: “Các pháp hữu vi là vô thường, các con hãy mau tinh tấn, chớ nên phóng dật. Các con nên nhớ rằng giới luật còn thì đạo pháp còn.” Đại Tháp Niết Bàn, nơi thờ tượng Phật nhập Niết Bàn. Tượng Phật đã được một vị Tăng tên Hari Badhra tạc vào khoảng giữa thế kỷ thứ 5 (khoảng từ năm 415 đến năm 456) theo nghệ thuật dưới triều đại Gupta. Trong cuộc đào xới năm 1876 chính nhà khảo cổ Carlleyle đã tìm thấy những mảnh vụn của một pho tượng Phật, ông phát tâm cho người ráp lại mới biết đây là pho tượng Phật Nhập Niết Bàn. Sau khi phục hoạt xong pho tượng Phật Niết Bàn, ông Carlleyle đã cho an vị trở về vị trí cũ. Theo các nhà khảo cổ thì sự tàn phá các Thánh tích tại Câu Thi Na cũng như tại các nơi khác có lẽ do vào cuối thế kỷ thứ 11, khi Hồi giáo bách hại Phật giáo thì tượng này cũng bị đập nát ra từng mảnh vụn. Sau đó năm 1927, tháp được trùng tu toàn bộ với sự đóng góp của hai vị Phật tử người Miến tên Upokya và Upihliang. Đến năm 1972, Phật tử Miến Điện lại đóng góp tài vật trùng tu ngôi tháp này lần nữa. Ngày nay khách hành hương đến đây lúc nào cũng thấy pho tượng được choàng lên những tấm y màu vàng rực rỡ do các Phật tử từ khắp nơi cúng dường. 

Trước khi rời khu Đại Tháp và chùa Niết Bàn để tiếp tục đi chiêm bái những nơi khác, chúng tôi quay lại nhìn những cây Sa La đang vi vu trong tiếng gió, có lẽ mới được trồng về sau này nên toàn là cây non. Nhìn con đường dẫn vào Đại Tháp Niết Bàn, và nhìn những phế tháp quanh vùng. Dù đây chỉ là những cây lá, gạch ngói và sỏi đá vô tình, nhưng đối với chúng tôi kể từ giờ phút này chúng đã trở thành những người bạn hữu cảm. Tôi cứ nhìn, nhìn mãi những cây sa la cũng như hết thảy cây cối và những phế tháp trong vùng Đại Tháp Câu Thi Na như muốn nhắn gởi với chúng “Kể từ giờ phút này chúng tôi xin kết Bồ Đề quyến thuộc với quý vị, xin quý vị hãy ngàn đời che chở cho đại tháp. Dù ở nơi xa xôi, chúng tôi luôn nghĩ đến quý vị với tất cả lòng thành.” 

 

Nền Tháp Matha-kuar 
Nơi Đức Phật Ban Lời Di Huấn Cuối Cùng 

 

Chúng tôi ghé lại nền Matha-Kuar mà theo truyền thuyết Phật giáo thì chính tại nơi này Đức Thế Tôn đã ban lời di huấn cuối cùng trước khi nhập diệt. Nền Matha-Kuar cách Đại Tháp Niết Bàn chừng 200 mét về phía Tây Nam. Đây là một khu vực hiện đang được các nhà khảo cổ tiếp tục khai quật. Từ Đại Tháp Niết Bàn đi về phía Nam, xuống con lộ chính là nền tháp Matha-kuar, nơi thờ tượng Phật ngồi kiết già bằng đá đen, cao khoảng 3 mét, có niên đại vào thế kỷ thứ 5 sau Tây Lịch. Dân địa phương gọi tượng Phật này là Matha-kuar, có nghĩa là ‘Hoàng tử mất.’ Theo truyền thuyết Phật giáo, có lẽ người trong dòng họ Thích Ca vẫn xem Đức Phật là một vị hoàng tử của dòng họ, nên họ đã lập tháp kỷ niệm với tên ‘Hoàng Tử Mất.’ Tượng trong tư thế địa xúc ấn (Bhumisparsha mudra) diễn tả giây phút Thái tử kêu vị thần đất lên chứng kiến sự thể hiện thần thông của Ngài sau khi Ngài giác ngộ. Lúc nhà khảo cổ Carlleyle khai quật được thì pho tượng đã bị gãy đôi, nhưng sau đó người ta cho ráp tượng lại và đem về thờ tại tháp Matha-kuar do Phật tử hành hương Miến Điện xây vào năm 1927. 

thientructieuduky-04-16
(Nền tháp Matha-kuar tại Câu Thi Na)

Tháp Trà Tỳ Angrachaya 
Nơi Hỏa Táng Kim Thân Của Đức Phật

 

Sau khi rời Đại Tháp Niết Bàn, Hòa Thượng hướng dẫn đoàn qua thăm tháp Trà Tỳ Angrachaya, nơi hỏa táng kim thân của Đức Phật. Tháp Trà Tỳ nằm về hướng Đông của Đại Tháp Niết Bàn khoảng 1,6 cây số, nằm trên con đường đi từ Kasia đến Deoria. 

thientructieuduky-04-17
(Tháp Trà Tỳ Angrachaya tại thành Câu Thi Na)

Sau lễ trà tỳ, để tránh sự xung đột trong việc tranh giành xá lợi của Đức Phật, bộ tộc Malla đã thu nhặt hết xá lợi và đem chia đều cho tám vương quốc ấy đem về xây tháp thờ. Dân địa phương còn gọi đó là tháp Ramabhar vì nó tọa lạc kế bên hồ Ramabhar. Theo truyền thuyết Phật giáo tháp trà tỳ là một ngôi tháp thật to, nhưng trải qua một khoảng thời gian dài, ngày nay tháp chỉ còn là một ụ đá thật lớn, nhìn như một cái trống thật lớn, có đường kính khoảng 34,24 mét. Ụ đá cao khoảng 15,40 mét. Tuy tháp tọa lạc trong một khuôn viên đầy hoa xinh đẹp, nhưng ai đến đây cũng phải ngậm ngùi nhớ lại hình ảnh của gần 26 thế kỷ về trước. Nhìn ngôi Đại Tháp mà lòng chúng tôi bỗng chùng xuống. Hòa Thượng Pháp Chủ thật sự xúc động, ngài tự bẩm: “Kính bạch Đức Thế Tôn, gần 26 thế kỷ về trước, Ngài đã vì thương xót chúng sanh mà từ bỏ cung vàng điện ngọc, xuất gia tầm đạo giải thoát. Ngài đã thành đạo và trao truyền hết cho chúng sanh những gì Ngài liễu ngộ. Và cuối cùng Ngài đã từ bỏ thân tứ đại tại chính nơi này. Tuy xác thân tứ đại của Ngài đã không còn, nhưng pháp thân Ngài vẫn hằng hữu với chúng con. Những lời kim ngôn ngọc ngữ của Ngài vẫn còn đây. Hôm nay chúng con có duyên may đến tận đây chiêm bái và ôn lại những lời dạy vàng ngọc của Ngài. Nhưng vì nghiệp chướng sâu dày nên mãi chìm đắm trong bể khổ. Xin Ngài gia hộ cho chúng con dứt bỏ ràng buộc để sớm được giải thoát.” Chung quanh Tháp và chùa Niết Bàn cũng như tháp Trà Tỳ hãy còn rất nhiều nền móng của tu viện và chùa tháp cổ đang được khai quật. Đa số nền móng của những phế tháp này đều có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ nhất sau Tây Lịch. Trong khi có một số nền tháp tương đối mới là do sự trùng tu kiến tạo của khách hành hương về sau này. 

thientructieuduky-04-18
(Những ông Đạo Sĩ Rắn vẫn còn nhan nhản 
bên trong Thành Câu Thi Na)


Viện Bảo Tàng Câu Thi Na

Nửa đường từ Nền Matha-kuar và Tháp Trà Tỳ, nằm về phía Bắc con đường chính là Viện Bảo Tàng Câu Thi Na. Bên kia phía Nam con đường là ngôi chùa Nhật Bản-Tích Lan (Japan-Srilanka Monastery). Viện Bảo Tàng Câu Thi Na là một trong những viện bảo tàng lớn, nằm giữa những hàng cây kiểng xanh mát. Bên trong viện Bảo Tàng trưng bày rất nhiều cổ vật quý giá do các nhà khảo cổ khai quật được trong khu vực Câu Thi Na. Tuy nhiên, vì thì giờ eo hẹp nên chúng tôi không thể ghé lại thăm được. 

Chùa Linh Sơn Tại Câu Thi Na

 

thientructieuduky-04-19
(
Các học sinh nghèo trong thành Câu Thi Na đang ngồi sắp hàng
chờ nhận tặng phẩm của đoàn hành hương)

Sau khi rời Tháp Trà Tỳ, đoàn đến thăm chùa Linh Sơn và thăm viếng ủy lạo các học sinh nghèo trong vùng Kushinagar. Chùa Linh Sơn nằm trên con đường đi đến Thánh địa Câu Thi Na. Chùa này được xây vào khoảng những năm 1948-1950, trước kia tên là Song Lâm Tự do một Ni sư người Hoa trụ trì. Sau khi Ni sư viên tịch, chùa được giao lại cho Hòa Thượng Huyền Vi, Viện chủ chùa Linh Sơn ở Pháp. Hòa Thượng đã phái Sư Cô Trí Thuận về đây trụ trì. Từ ngày Sư Cô Trí Thuận về đây, chùa được liên tục trùng tu. Hiện trước sân chùa có một tôn tượng của Đức Quán Thế Âm, cao khoảng 2 mét. Chung quanh chùa là những mô hình được xây dựng phỏng theo “Tứ Động Tâm” đầy mỹ thuật. Chùa cũng xây nhiều khách xá dành cho khách hành hương. Bên cạnh đó chùa cũng tham gia hoạt động từ thiện trong vùng rất tích cực. Đoàn hành hương chúng tôi đến đây vào lúc giữa trưa nên chúng tôi có rất nhiều thì giờ phối hợp với chùa Linh Sơn ủy lạo và phát quà cho học sinh và dân nghèo trong vùng. 

thientructieuduky-04-20
(Anh chị em trong đoàn hành hương đang phân phối tặng vật đến 
các học sinh nghèo tại chùa Linh Sơn tại Câu Thi Na. 
Phía sau là những mô hình phỏng theo tứ động tâm)

Chúng tôi đã từng sống trong cảnh nghèo, nghèo lắm ở Việt Nam, nhưng không bao giờ chúng tôi có thể tưởng tượng được sự nghèo khó của người dân vùng Bắc Ấn nếu không đến tận nơi, thấy tận mắt sự nghèo nàn cơ cực quá sức tưởng tượng này. Có một điều mà chúng tôi muốn chia sẻ cùng quí vị là dù nghèo nàn cơ cực thế mấy, người dân xứ Phật thà đi xin chứ không tham lam giựt dọc hay cướp bóc bất cứ thứ gì của ai. Ngay cả khi họ thấy tiền trên túi áo của mình sắp sữa rớt ra, họ chỉ cho chúng ta nhét vào chứ họ không bao giờ có ý lấy bất cứ thứ gì không phải là của người ta cho mình. Chúng tôi phát quà và tiền mặt cho gần 200 học sinh và 8 thầy cô. Các em học sinh nhỏ nhận những quyển vở và những cây bút với lòng lâng lâng mừng rỡ của tuổi thơ. Chúng tôi rời chùa Linh Sơn mà lòng ngậm ngùi thương cảm cho những người dân trong vùng đất đã một thời là cái nôi của Phật Giáo. 

Các Chùa Khác Tại Câu Thi Na

 

Tại Câu Thi Na, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đến đây xây chùa như Miến Điện, Tây Tạng, Tích Lan, Nhật Bản, vân vân. Trong khu vực Đại Tháp Niết Bàn đi tới một chút là chùa Tây Tạng. Đây là một ngôi chùa nhỏ, nằm trong một khuôn viên khiêm tốn. Chánh điện chia làm hai tầng, tầng dưới là giảng đường, còn tầng trên làm nơi thờ Phật. Cũng như các chùa khác, chùa Tây Tạng cũng có nhiều khách xá dành cho khách hành hương. Sân chùa trông vắng vẻ, đượm nét tiêu điều vì cỏ dại mọc lên đầy sân trước và sân sau chùa. Sát chùa Linh Sơn là một ngôi chùa do người Miến Điện xây cất vào năm 1945, với những mái cong vút theo kiểu các chùa Thái Lan. Chùa có một hồ sen hình chữ nhật rất lớn, chính giữa là tháp một cột, trên tháp có thờ Phật. Dọ theo bức tường rào bằng gạch có các bức bích họa sắc màu rực rỡ mô tả những biến cố quan trọng trong cuộc đời Đức Phật. Kế bên chùa Miến Điện là một ngôi chùa Thái Lan đang xây cất. Đối diện với Viện Bảo Tàng Câu Thi Na là chùa Nhật-Sri-Lanka do chánh phủ Nhật Bản tài trợ và chư Tăng Tích Lan quản lý. Chùa có lối kiến trúc hình vòm tròn, lấy từ kiểu Đại Tháp Niết Bàn trông rất lạ mắt. Bên trong chánh điện có một tượng Phật tạc theo nghệ thuật Nhật Bản. Quanh tường là những bức họa hình Đức Phật và chư Bồ Tát, chư Tổ, cũng được họa theo lối Nhật Bản. Trong chùa còn có một trung tâm thiền quán, một trạm y tế và một guest house cho khách hành hương. Đoàn hành hương chúng tôi đã lưu lại Guest House của chùa Nhật-Sri Lanka này trong những ngày chiêm bái Thánh tích Câu Thi Na. Từ chùa Nhật-Sri-Lanka đi về hướng Tây (về hướng Tháp Niết Bàn) là ngôi chùa Thái, do chánh phủ Thái tài trợ xây cất. Chu vi chùa rất lớn. Đây là một trong những khu khang trang nhất tại Câu Thi Na. Chánh điện trên lầu hai, rộng lớn và thoáng mát. Mái chùa cong vút với những đường nét kiến trúc Thái Lan thật đặc sắc. Trong khuôn viên chùa người ta trồng thật nhiều hoa với muôn màu muôn sắc trông thật đẹp. Bên hông chùa được xây nhiều khách xá và phòng học cho chư Tăng và Phật tử.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Giêng 2018(Xem: 5581)
16 Tháng Mười 2015(Xem: 7465)
Đất nước Indonesia nổi tiếng với ngôi đền thờ Phật giáo độc đáo nhất thế giới, Borobudur (hay còn gọi là Candi Borobudur theo tiếng địa phương), nhưng đất nước này hiện vẫn còn ẩn giấu một ngôi đền thờ Phật tuyệt đẹp khác đang chìm dưới đáy biển. Vẻ nguy nga tráng lệ và trang nghiêm của di tích đền thờ Phật này không hề thua kém gì so với Borobudur, đủ để làm rung động cả thế giới.
10 Tháng Tám 2015(Xem: 5927)
Một bài phóng sự của nữ ký giả Nathalie Lamoureux về Lâm-tì-ni (Lumbini), khu vườn nơi đản sinh của Đức Phật, đã được đăng tải và đưa lên trang mạng của tạp chí hàng tuần Le Point của Pháp số ngày 21 tháng 7 năm 2015.
09 Tháng Mười Một 2014(Xem: 11826)
Một kế hoạch cuối cùng để biến khu vực ở miền nam Nepal thành một trung tâm toàn cầu cho hòa bình và một trung tâm tu học Phật giáo đã được công bố gần đây. Theo đề nghị của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hàn Quốc dự kiến vốn đầu tư gần 800 triệu USD. Phát triển mới nhất từ khi các nhà khảo cổ phát hiện ra di tích của những gì được cho là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên nằm trong ngôi đền Maya Devi chính này.
21 Tháng Mười 2014(Xem: 8063)
Trong lịch sử tôn giáo của nhân loại rất hiếm có bậc lãnh đạo tinh thần - qua lời nói, hành động và khả năng thiện xảo - làm tăng động lực và tạo một chuyển hướng mới cho tôn giáo, Đức Phật là một khuôn mặt hiếm hoi trong các bậc này. Đó là điểm mà nhà thần học Thiên Chúa giáo Romano Guardini đã mô tả Ngài với lòng tôn kinh: "Ngài tạo nên điều kỳ bí.
01 Tháng Chín 2013(Xem: 132482)
Ngồi dưới gốc cây Bồ đề mà trước kia là cây Vô ưu, tôi tin mãnh liệt rằng Ngài đã được hạ sinh tại nơi đây như một con người bình thường, không có gì là thần bí như huyền thoại trong một số kinh sách từng mô tả. Điều này cũng có thể hiểu rằng việc sinh ra bình thường nhằm bác bỏ quan điểm truyền thống sai lầm đã ăn sâu trong tín ngưỡng người Ấn Độ bấy giờ là mọi chúng sinh đều do Phạm thiên, thần chủ của Bà La Môn sinh ra.