Những Chỉ Dẫn Cần Thiết

17 Tháng Sáu 201410:52(Xem: 3101)
Thích Nhất Hạnh
NHẬT TỤNG THIỀN MÔN - NĂM 2010
Nhà xuất bản Tôn Giáo

Những Chỉ Dẫn Cần Thiết

1. Các nghi thức trong đây chỉ trình bày phần thiết yếu. Vị duy na, tùy theo thời gian, có thể thêm vào các bài như Dâng Hương, Tán Lễ, Niệm Bụt, Khai Kinh và Hồi Hướng. Những bài này có đầy đủ trong phần Phụ Lục.
2. Những đạo tràng tu theo Tịnh Độ sẽ niệm Bụt A Di Đà trong thời công phu chiều thay vì niệm Bụt Thích Ca. Sau danh hiệu A Di Đà là danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí và các đức Bồ Tát Trên Hội Liên Trì. Trong giờ tĩnh tọa của công phu chiều, hành giả Tịnh Độ thực tập niệm Bụt im lặng, lần tràng hoặc quán tưởng. Nghi thức buổi Công Phu Chiều Thứ Sáu là một nghi thức công phu Tịnh Độ tiêu biểu. Các đạo tràng Tịnh Độ, nếu muốn, có thể sử dụng nghi thức này mỗi buổi chiều.

3. Bài Quán Nguyện (về danh hiệu của bốn vị Bồ Tát lớn) trong buổi công phu chiều thứ hai, thay vì được đại chúng đồng tụng nên để cho một vị trong đại chúng (hoặc bốn vị thay nhau) đọc lên. Niệm lực và định lực của những vị này phải khá vững thì trong khi đọc mới tạo ra được năng lượng quán chiếu trong đại chúng.

4. Trong khi tụng niệm, phải biết lắng nghe vị Duy na và đại chúng để có thể hòa giọng của mình vào giọng của đại chúng. Phải hết sức tránh tụng một mình một giọng riêng, tách biệt với giọng đại chúng. Tụng kinh phải biết sử dụng miệng và tai cùng một lúc.

5. Trong khi tụng niệm, đừng nên chỉ chú trọng tới âm điệu tụng niệm và kỹ thuật tán tụng. Âm điệu và kỹ thuật tuy cần thiết nhưng không thiết yếu bằng ý kinh. Tụng kinh không phải là hợp tấu hoặc hòa nhạc. Tụng kinh là để có cơ hội gieo trồng và tưới tẩm những hạt giống tuệ giác và từ bi trong chiều sâu tâm thức, vì vậy tâm ý phải duyên theo lời kinh và tiếp nhận ý kinh.
6. Niệm Bụt, dù là Bụt Thích Ca hay Bụt A Di Đà, Bồ Tát Quán Âm hay Bồ Tát Địa Tạng, ta không nên chỉ niệm bằng miệng mà không niệm bằng Tâm. Nếu chỉ niệm bằng miệng, ta sẽ mau chóng trở thành một cái máy niệm, chỉ phát được âm thanh mà không phát ra được năng lượng chính niệm. Niệm bằng Tâm, ta sẽ tiếp nhận được năng lượng của Bụt vốn có sẵn trong ta dưới hình thức hạt giống Phật tính và chính niệm; năng lượng ấy cũng có mặt trong vũ trụ. Và chỉ khi nào năng lượng trong tâm ta phát sanh thì ta mới tiếp xúc được với năng lượng trong vũ trụ. Trong khi niệm Bụt, ta không thoát ra ngoài khung cảnh bây giờ và ở đây. Trái lại, ta thực sự có mặt. Với năng lượng Bụt trong tâm ta, những gì ta đang thấy và đang nghe đều là những gì Bụt đang thấy và đang nghe đồng thời. Vì thế, niệm giúp cho ta an trú trong định, và định làm biểu hiện cõi Bụt trong khung cảnh hiện tiền. Ta sẽ tiếp xúc được với thế giới của bản môn và của tịnh độ ngay trong khi niệm Bụt, và ta có an lạc và vững chãi cũng ngay trong khi niệm Bụt. Niệm Bụt ở đây không còn là một lời cầu khẩn hay kêu gọi mà là một sự thực tập làm cho Bụt và thế giới của Bụt có mặt trong ta và quanh ta ngay trong giờ phút thực tập.
Khi thực tập kinh hành, nên chú tâm tới sự xúc chạm giữa bàn chân và sàn chính điện, đi từng bước an lạc và thảnh thơi như bước trong Tịnh Độ không khác, mỗi bước đi đều có giá trị nuôi dưỡng và trị liệu, mỗi bước đi đều đem lại thêm chất liệu chính niệm, vững chãi và thảnh thơi vào cơ thể và vào tâm thức. Bước đi như in xuống dấu vết niềm an lạc của mình trên mặt đất.

7. Thỉnh thoảng, đại chúng cũng có thể đề cử một vị đọc lên Kinh văn căn bản của thời công phu (như Kinh Kim Cương, v.v...) để tất cả mọi người khác lắng nghe, thay vì đồng tụng. Nên chọn người có giọng đọc truyền cảm và có niệm lực và định lực khá hùng hậu. Kinh nghiệm thực tập ở Đạo Tràng Mai Thôn trong 20 năm qua cho thấy cách tụng này giúp cho ý kinh có thể thấm vào lòng người nghe một cách dễ dàng và sâu đậm.

8. Các kinh dài như Niệm Xứ, Kim Cương, Người Bắt Rắn, v.v..., đã được thu gọn để có thể nằm vào khuôn khổ thời gian có giới hạn của khóa tụng. Toàn văn các kinh ấy có thể được tìm thấy trong sách Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn.
9. Tất cả các buổi công phu sáng và chiều đều được bắt đầu bằng 20 tới 30 phút tĩnh tọa và một vòng kinh hành im lặng.

10. Trong khi chuông đại hồng đang được thỉnh hay khi đại chúng đang ngồi tĩnh tọa hoặc tụng kinh, tất cả những người trong chùa vì có phận sự không tham dự được buổi công phu đều phải chấp tác trong im lặng, theo dõi hơi thở để thiền tập hoặc niệm Bụt mà không được nói chuyện hoặc gây tiếng động làm hại đến phẩm chất của buổi công phu.

11. Xuất xứ của tất cả các kinh văn sử dụng trong sách này đều được ghi chép ở cuối phần phụ lục.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Một 2016(Xem: 3335)
25 Tháng Bảy 2016(Xem: 3682)
Đến mùa an cư, chư Tăng Ni khắp nơi phải thu xếp mọi công việc ở chùa mình, cùng vân tập về địa điểm qui định để nhập chúng an cư. Pháp chế An Cư tu học, nếu được đại chúng thực hành đúng mức, dưới sự lãnh đạo của các bậc đạo cao đức trọng với tinh thần lục hòa hợp thanh tịnh của Tăng già, giúp cho mỗi hành giả an lạc, hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại.
11 Tháng Mười 2015(Xem: 10391)
07 Tháng Chín 2014(Xem: 7951)
Đức Phật từng dạy: “Trên đời có hai hạng người đáng quý. Thứ nhất, người chưa hề phạm tội và thứ hai là người lỡ phạm tội nhưng hết lòng sám hối, nguyện không tái phạm.” Kinh sách ghi lại nhiều bài sám với những hình thức ngắn, dài, đại cương hoặc chi tiết, để mỗi hành giả tùy căn cơ, nhu cầu và phương tiện mà phát nguyện sám hối.
01 Tháng Tám 2014(Xem: 16079)
Phàm là người sanh trong cõi Dục này, trừ các bực đã hoàn toàn giác ngộ, thì không một ai tránh khỏi lỗi lầm, bởi ba nghiệp gây nên. Các tội lỗi dã từ ba nghiệp phát sanh, nên người muốn dứt trừ hết tội lỗi, tất nhiên phải đem ba nghiệp ấy để sám hối, thì tội lỗi mới được thanh tịnh. Phật dạy: “Nếu không có phương pháp sám hối thì, tất cả các Phật tử không một ai mà được giải thoát”. Cũng như, nếu không nhờ bộ Lương Hoàng Sám nầy thì, bà Hy Thị là Hoàng hậu của vua Lương không làm sao thoát khỏi khổ nạn được.
17 Tháng Sáu 2014(Xem: 19699)
Đây là quyển Kinh Tụng Pāḷi-Việt dành cho Phật tử Nguyên thủy, được dịch và biên soạn bằng văn vần dựa theo Pāḷi. Khá nhiều bài ở đây, đã được tụng đọc trong suốt nhiều năm qua tại một số chùa Phật giáo Nguyên thủy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do sao qua chép lại, và do nơi này nơi kia đã tự ý sửa chữ, đổi lời - nên nhiều câu, nhiều từ bị “biến dạng” đi!