Nghi Thức Tụng Niệm Hằng Ngày

21 Tháng Mười Hai 201608:28(Xem: 6085)

Phật Lịch 2557

NGHI THỨC TỤNG NIỆM HẰNG NGÀY
Hòa Thượng THÍCH THIỆN THANH Soạn và Dịch

của hai giới
XUẤT GIATẠI GIA

Chùa Phật Tổ
905 Orange Avenue Long Beach, California 90813
http://www.chuaphatto.com

 
blank
MỤC LỤC

Lời Dẫn Nhập
Lợi Ích Của Sự Tụng Kinh Niệm Phật
Nghi Thức Công Phu Khuya
Nghi Thức Cầu An
Nghi Thức Cầu Siêu hay Tịnh Độ
Nghi Thức Sám Hối
Nghi Thức Thí Thực Cô Hồn
Nghi Thức Cúng Ngọ
Nghi Thức Lễ An Vị Phật
Nghi Thức Quá Đường
Nghi Thức Cúng Vong
Nghi Thức Lễ Phóng Sanh
Nghi Thức Lễ Thành Hôn
Nghi Thức Lễ Phật Đản
Nghi Thức Lễ Vu Lan
Nghi Thức Tụng Kinh Dược Sư
Nghi Thức Cúng Sao Giải Hạn
• 12 Đại Nguyện Của Đức Quán Thế Âm
• 48 Lời Nguyện Của Đức Phật A Di Đà
• Bài Tống Táng
• Khuyến Tu
• Các Ngày Vía
• Những Ngày Trai
Phương Danh Quý Vị Ấn Tống Kinh

 

Kinh này có 494 trang, dung lượng trên 5MB, dạng Pdf, khổ nhỏ tiện dụng cho điện thoại di động (cellular phone) và máy tính bảng (tablet). (Sau khi đối chiếu với bản gốc, một số chi tiết đã được Chùa Phật Tổ cập nhật và bổ sung - 2013)

 

LỜI DẪN NHẬP

Phật tử Trung Hoa sáng tác cái gì, trong vườn văn học Phật giáo Việt Nam có cái nấy. Ngoài phần nhập cảng tư tưởng, kinh sách từ Trung Quốc, nhiều học giảthiền sư Việt Nam sáng tác nhiều bài văn xuôivăn vần rất hay, như Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông (1225-1258), Phật Tâm Ca của Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230- 1291) và nhiều kệ và thơ như bài Mộc Trung Nguyên Hữu Hỏa của Khuông Việt Thái Sư (933-1011), hay Vạn Hạnh Thiền Sư (?-1018) với bài kệ Thân Như Điện Ảnh Hữu Hoàn Vô vân vân, bài nào cũng văn hay ý đẹp, nói lên được ý đạo nhiệm mầu. Một điều được nhấn mạnh nơi đây, lời thơ đẹp văn hay, nhưng không được phổ biến rộng rãi, có lẽ các bậc tiền bối của chúng ta bị trở ngại về văn tự, cách viết, nói một nơi viết một ngả và thiếu phương tiện ấn loát. Tư tưởng Việt, âm điệu Việt, nhưng phải viết bằng chữ Hán. Hán học hay Nho học thuộc văn bác học, của giới trí thức, giới bình dân hay người học ít làm sao hiểu cho nổi. Thành thử Tàng Kim Các của Phật giáo rất lớn, nhiều sách quý, nhưng người học Phật càng ngày càng vơi đi. Lời dạy của Phật, lẽ ra, là món ăn bổ ích cho tâm thần, nhưng vì thiếu sự hiểu biết cho đúng mức, lời dạy đó trở thành “bùa hộ mạng.” Thật vậy, lời hay ý đẹp của Phật dạy để minh tâm kiến tánh, không mấy ai để ý đến, nhưng Kinh Cứu Khổ được in và ấn tống quá nhiều, nhiều đến nỗi không có chỗ để. Nói như thế để quý vị thấy rằng, càng ngày người hiểu Đạo càng ít, nhưng người cầu lợi quá nhiều, dù cái lợi đó dựa vào những lời đồn đãi vu vơ.

Từ hậu bán thế kỷ thứ XIX đến nay, chữ viết của người Việt được thay hình đổi dạng, từ gốc Hán, đổi thành gốc Hy La (North semetic + Geek + Latin). Ngày xưa, Trung Hoa có tư tưởng hay danh từ nào, thì Việt Nam có danh từ đó; ngày nay Tây phương có sáng chế máy chữ, máy in, computer, thì Việt Nam sẽ dùng được máy đó, nếu cần thay đổi, chỉ cần thay đổi một bộ phận nhỏ, vì cùng một nguồn gốc chữ viết. Trong khi đó, các dân tộc không cùng một nguồn gốc chữ viết, dù có tiến bộ nhiều nhưng vẫn bị trở ngại. Hay nói một cách khác, người Việt Nam, nhất là những người ở hải ngoại có nhiều phương tiện ấn loát. Vậy thì, nhân dân Việt Nam nói chung, hay Phật tử nói riêng không nên đắm mình trong “hủ nho nhập cảng” bị rỉ sét lâu đời, từ thời Hán tộc xa xưa, thiếu dinh dưỡng để vun vén cây Bồ Đề Việt Nam. Nói cho dễ hiểu, Phật tử nên tụng kinh tiếng Việt để hiểu rõ ý nghĩa kinh mình đang tụng. Lấy lời dạy quý báu đó để sửa tâm tánh cho được thanh tịnh. Muốn hiểu rõ ý kinh, không ngôn ngữ nào hơn là tiếng mẹ đẻ, là tiếng Việt. Chữ Hán khó lắm, nên cất kỹ trong viện bảo tàng.

Tử thuở Phật giáo du nhập vào Việt Nam đến nay, các tu sĩ cũng như cư sĩ đều tụng kinh bằng tiếng Hán Việt (1). Dĩ nhiên, trong những thời Phật giáo thịnh hành, các tăng sĩ sáng tác nhiều bài sám nguyện thật hay, nhưng bằng chữ Nôm, một thứ chữ khó hơn chữ Hán, nên không thể phổ biến sâu rộng được trong giới bình dân. Tình trạng này kéo dài cho đến đầu thế kỷ XX, có ba tờ báo Phật giáo rất có giá trị ra đời - tờ Đuốc Tuệ ở Bắc, tờ Hải Triều Âm ở Trung, và tờ Từ Bi Âm ở Nam - được viết bằng Việt ngữ. Trong những số báo đó, có nhiều bài bình luận về giáo lý của Phật, thơ đạo, dĩ nhiên có nhiều đoạn kinh được dịch từ Hán văn cũng được đăng tải. Cách diễn dịch, miêu tả hay chấm phết theo tinh thần Tây phương, người đọc cảm thấy thoải máidễ hiểu. Đến đây được xem như khúc quanh lớn trong văn học Phật giáo Việt Nam. Từ Trung, Nam, Bắc có nhiều kinh, sách, báo ra đời, viết bằng Việt ngữ. Đặc biệt về kinh tụng, chúng ta thấy Khóa Tụng Bồ Đề do Chùa Bà Đá, Hà Nội ấn hành năm 1950, Nghi Thức Tụng Niệm Việt ngữ do Hòa thượng Thích Trí Hải biên soạn, ấn hành tại Hà Nội năm 1950. Tại miền Nam, quyển Tam Bảo, do Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch âm và nghĩa. Liên Hải Phật Học Đường xuất bản năm 1949. Sau đó vài tháng, quyển Tam Bảo Thường Thức, ai soạn không đề tên, Hòa thượng Trường Thạnh chứng minh. Quyển này, chỉ có dịch âm, không có dịch nghĩa, và có nhiều bài sám nguyện bằng Việt ngữ phụ đính ở sau. Hai quyển này là căn bản kinh tụng cho các chùa ở miền Nam sau này. Đến năm 1960, Kinh Nhật Tụng do Phật Học Đường Nam Việt ấn hành, không đề tên ai soạn, có lẽ do Hòa thượng Thiện Hòa, Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Trí Quang, Hòa thượng Phước Huệ, và Thượng tọa Nhất Hạnh chủ trương. Các nghi thức được trình bày trong quyển nầy ngắn gọn, có phần canh tân, phần cúng hương, kỳ nguyện, và quán tưởng Phật bằng Việt ngữ, phần kinh tụng vẫn là tiếng Hán Việt, nhưng thỉnh thoảng xen vào một vài bài sám nguyện bằng Việt ngữ rất hay, như bài Sám Vu Lan, sám Phát Nguyện, và bài Sám Hối Phát Nguyện… không đề tên ai sáng tác, và bài Khuyến Tu của Thầy Trí Hiền, văn hết sức hay. Đọc xong, chả muốn làm gì cả.

Nghi thức tụng niệm của Phật Giáo Việt Nam tuy có chuyển mình từ tiếng Hán Việt ra Việt ngữ, có tiến bộ, nhưng chỉ trong phạm vi nhỏ hẹp, trong một vài Phật Học đường, hay những chùa ở tỉnh thành, còn các chùa ở miền quê, hay những chùa thuộc các tông phái khác đều có nghi thức tụng niệm riêng. Nhưng nội dung kinh tụng, cầu siêu vẫn là Kinh Di Đà, cầu an vẫn là Kinh Phổ Môn, vân vân, bằng tiếng Hán Việt. Từ năm 1975, Phật tử di cư ra nước ngoài tụng niệm theo nghi thức nào, và như thế nào?

Cũng giống như trong nước vậy, mỗi chùa có mỗi nghi thức khác nhau. Nhưng có hai quyển nghi thức được nhiều chùa ở ngoại quốc dùng nhiều nhất đó là quyển Nghi Thức Tụng Niệm của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, do Hội Phật Học Nam Việt ấn hành. Nay, được Tự Viện Linh Sơn ở Pháp và Phật Học Viện Quốc Tế ở Los Angeles tái bản. Quyển thứ hai là Chư Kinh Nhật Tụngnghi thức thông dụng, xuất xứ từ Kinh Nhật Tụng đã nói trên, được Hòa thượng Thiên Ân thêm hay bớt những phần không cần thiết, phóng lớn ra và tái bản, để đáp ứng nhu cầu cho nhiều chùa Việt Nam trên thế giới, sau năm 1975. Đến năm 1983, vì nhu cầu quá nhiều, quyển Chư Kinh Nhật Tụng được Chùa Phật Tổ tái bản, và thêm Kinh Kim Cang, Kinh Báo Hiếu, Kinh Vu Lan và nhiều bài Sám. Kỹ thuật in tốt, rõ ràng, nên được đa số Phật tử chiếu cố. Hiện nay, Chùa không còn một quyển để tụng. Cũng quyển Chư Kinh Nhật Tụng nầy, nay được Phật Học Viện Quốc Tế in lại. Nội dung cũng giống như Chùa Phật Tổ in trước đây, không có gì mới lạ (2).

Qua lời phi lộ trên đây, độc giả biết sơ qua Nghi Thức Tụng Niệm của Phật Giáo Việt Nam đã chuyển biến qua từng giai đoạn. Thành thật mà nói, có một sự hình thành đổi mới qua từng giai đoạn, nhưng đà tiến triển quá chậm chạp, không theo kịp nhịp tiến hóa của xã hội văn minh hiện nay. Trước nhu cầu thiết yếu của giới Phật tử hải ngoại, ngôn ngữ phải được rõ ràng, không có thì giờ để chơi chữ. Trước sức lớn mạnh của dân tộc, không thể nào khép mình trong cái “kẹt” của văn tự. Do đó, tôi cố gắng hết sức mình, trong khả năng học vấn thô thiển, mạo muội dịch và soạn tất cả 16 NGHI THỨC TỤNG NIỆM HẰNG NGÀY của hai giới Xuất GiaTại Gia. Đây là quyển Nghi Thức Tụng Niệm đầu tiên đầy đủ nhất bằng Việt ngữ của Phật Giáo Việt Nam. Về nội dung quyển NGHI THỨC TỤNG NIỆM HẰNG NGÀY nầy giống như quyển Chư Kinh Nhật Tụng và Các Nghi Thức Thông Dụng mà quý vị đã trì tụng từ trước đến nay. Có khác là quyển NGHI THỨC TỤNG NIỆM HẰNG NGÀY hoàn toàn bằng Việt ngữ, là tiếng của mẹ Việt Nam, từ đầu quyển kinh cho đến hết, từ bài Nguyện Hương cho đến Tự Quy Y, trong suốt 17 Nghi Thức, và những bài phụ đính như 12 câu nguyện của Đức Quán Thế Âm, 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà, và nhiều bài Sám Nguyện của Chư Tổ đều được dịch ra Việt ngữ. Cú pháp rõ ràng, lời văn bình dị, âm điệu nhẹ nhàng thanh thoát để tất cả mọi người tụng niệm lãnh hội được ý nghĩa một cách dễ dàng. Hoàn toàn không có đoạn Hán Việt, chen vào một đoạn Việt ngữ như trong một vài quyển Nghi Thức Tụng Niệm vào buổi giao thời. Dĩ nhiên trong lãnh vực nào cũng có một số danh từ đặc biệt của lãnh vực đó. Muốn hiểu tường tận, độc giả phải làm quen một thời gian mới hiểu rõ được. Đặc biệt về Phật học, môn học có trước kỷ nguyên Dương Lịch, đồng thời với tiếng Hán Việt, đã thấm nhuần vào tư tưởngngôn ngữ Việt Nam. Tuy quyển Kinh nầy hoàn toàn bằng Việt ngữ, nhưng một số danh từ Hán Việt đã được Việt hóa lâu đời, nên dịch giả vẫn để nguyên như là tiếng mẹ Việt Nam nguyên chất vậy. Nếu dịch ra, khi tụng niệm, âm thanh nghe không được chỉnh.

Tôi cũng xin thưa cùng chư Tôn Đức Tăng, Ni và Phật tử bốn phương rõ, về phương pháp dịch thuật và sắp xếp. Thoạt tiên tôi nghĩ là dịch ra văn vần hết, Phật tử tụng dễ nhớ; nhưng nghĩ lại có một vài điều không hay. Những kinh nghĩa lý sâu xa như Bát Nhã, Kim Cang, khi dịch dùng thể văn xuôi diễn đạt chưa lột hết ý nghĩa kinh, nếu dùng văn vần e khó diễn đạt hết ý nghĩa sâu xa của Phật. Do đó, kinh văn vần tôi dịch ra văn vần, văn xuôi, tôi dịch ra văn xuôi. Vả lại, nếu dịch ra văn vần hết cả, e rằng không tránh khỏi mùi vị cải lương.

Khi dịch tôi nhớ lời dạy của chư Tổ: “y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan, ly kinh nhứt tự, tức đồng ma thuyết.” Qua bao năm trở ngại, tôi cố gắng hết sức, đôi khi muốn bỏ cuộc chỉ vì một vài câu mất cả tháng trời, dịch thì được, nhưng chả có khí văn; không phải không hiểu ý kinh, nhưng không tìm ra từ để diễn đạt. Nếu căn cứ vào nghĩa của từng câu từng chữ để dịch, như câu: “thân phi nhứt lủ” trong nghi thức Quá Đường, nếu dịch “thân mang 1 sợi chỉ”, khi phục nguyện, quý thầy chắc không khỏi bụm miệng. Có nhiều câu trong Hán văn, tác giả đi quá trớn, như đoạn: “hồi hướng Tam Bảo chúng long thiên, thủ hộ Già Lam chư Thánh chúng” – thiên là trời, trời có thể gìn giữ đất chùa, rồng là con vật của tiền sử, có ai thấy đâu, rồng được giữ đất chùa (già lam), được người tụng kinh hồi hướng công đức để đền ơn.

Ngày xưa, động đất (earthquake), các cụ không biết, cho là cù dậy. Cũng như quan niệm xưa, tu chưa thành thì làm cù nằm trong lòng đất, khi thành rồng thì được bay lên trời. Đây không phải là bài bình luật văn chương, hay phê bình trúng trật, dịch giả chỉ đưa ra một vài điều khó khăn trong khi dịch cho có chút xíu ánh sáng khoa học. Còn nhiều chỗ nữa, không dám nói nhiều, sợ tội.

Còn về các thần chú thì sao? - Cả sự huyền bí và phức tạp. Phức tạp ở chỗ, khi Phật tử Việt Nam tụng, người Ấn Độ, Trung Hoa, ngay cả người Việt Nam có học chữ Nho, không biết quý vị tụng tiếng gì, chỉ có quý Thầy thuộc lòng chú, mới biết quý vị tụng chú mà thôi. Từ trước đến nay, Phật tử tụng chú, không theo nghĩa (đã là chú không ai dịch nghĩa, vì là mật ngôn), lại không theo âm vận của tiếng Sanskrit, mặc dầu tất cả chú đều được sáng tác bằng tiếng Sanskrit. Người Trung Hoa dịch âm ra tiếng của họ (đồng với chữ Hán hay chữ Nho của chúng ta). Họ tụng, âm vận gần tiếng Sanskrit hơn người Việt, vì người Việt tụng theo âm tiếng Hán Việt. Ngay người Trung Hoa, một chữ viết giống nhau, như chữ, nhưng phát âm lại khác nhau. Người Quảng Đông phát âm “Sực” không giống người Hải Nam phát âm “chía”, lại khác với tiếng Phổ Thông (Mandarin) là “sư” và Việt Nam là “thực” vân vân (3). Vả lại, chúng ta không biết những vị dịch ra như Ngài Nghĩa Tịnh, Ngài Huyền Trang vân vân, thuở xưa phát âm theo miền nào, chỉ biết các ngài ở Trường An mà thôi. Người Việt đọc tiếng Hán Việt có nhiều âm na ná với tiếng Trung Quốc. Do đó, sự tụng niệm kinh chú của Phật Giáo đồ Việt Nam là một vấn đề nan giải cho những người có trách nhiệm.

Sau đây tôi xin nêu chú Chuẩn Đề, về cách phát âm giữa Phật tử Việt NamPhật tử Trung Quốc, và cách phát âm mới bằng Việt ngữ, được viết trực tiếp từ tiếng Sanskrit, không phiên âm qua tiếng Hán Việt, để quý vị có cái nhìn trung trực, đâu là trúng và đâu là sai:

Nguyên văn chũu Sanskrit: “Namo bhagavate bhaisajyaguru-vaidurya prabhàràjàya tathàgatàya arhate samyaksambuddhàya tadyathà. Om bhaisajye bhaisajye bhaisajya-samudgate svàhà.”

Âm của người Trung Hoa: “Na mwo bwo chye fa di, bi sha she, jyu lu bi lyou li, bwo la pwo, he la she ye, da two jye dwo ye, e la he di, san myau san pu two ye, da jr two. Nan, bi sha shr, bi sha shr, bi sha she, san mwo jye di swo he.”

Đọc theo âm tiếng Hán Việt: “Nam mô Bạt dà phạt đế, bệ sát xả lu lô thích lưu ly, bát lặt bà hắt ra xà dã, đát tha yết đa da, a ra ha đế, tam miệu tam bột đà da, đát điệt tha. Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ, bệ sát xã, tam một yết đế tá ha.”

Đọc theo âm Việt ngữ, dịch thẳng từ tiếng Sanskrit, không qua tiếng Hán Việt: “Nam mô bha ga va tê, bhai sát gia gu ru- vai đu ri da, pra bha ra gia da, ta tha ga ta da, a ra ha tê, sam dát sam bút đa da, ta dy da tha, Um, bhai sát giê, bhai sát giê, bhai sát gia, sam mu ga tê soa ha” (4).

Nghĩa của Chú Chuẩn Đề: (chỉ tạm dịch thôi, đã là chơn ngôn, mật ngữ không nên dịch, để vậy tụng có nhiều công năng hơn.) “Con xin tỏ lòng tôn kính Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, bậc A La Hán, bậc Giác Ngộ Tối Thượng, xin cầu nguyện cho sự trị bệnh, xin cầu nguyện cho sự trị bệnh, và xin được sự trị bệnh tối thắng của Đức Dược Sư.” Qua sự so sánh trên, độc giả thấy cách đọc theo âm Việt ngữ thật xác với âm vận của tiếng Sanskrit. Người có học Sanskrit, nghe Phật tử tụng là biết Sanskrit ngay. Tôi có tụng thử cho Thầy Lokananda, người Ấn Độ nghe. Sau khi nghe, Thầy ấy khen tiếng Việt Nam thật đầy đủ âm vận, một ngôn ngữ âm thanh uyển chuyển dễ truyền cảm. Qua những thắng điểm vừa nêu trên, cẩn phải có sự sửa đổi cách phát âm các Thần Chú.

Tôi xin mạnh dạn đề nghị nên có một đại hội Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam toàn thế giới để chư Tôn Đức, chư thức giả Phật giáo đồng thanh phiên âm các thần chú từ tiếng Sanskrit ra thẳng âm Việt ngữ, không phải qua tiếng Hán Việt như từ trước đến giờ, và để sửa đổi một vài chỗ không nhất thống trong kinh tụng hằng ngày, khi thì Quán Tự Tại Bồ Tát, khi thì Quán Thế Âm Bồ Tát vân vân, để đánh dấu một bước tiến mạnh, tiến đúng mức của Phật Giáo Đồ Việt Nam. Mong thay!

Còn cách tụng niệm các thần chú trong quyển NGHI THỨC TỤNG NIỆM HẰNG NGÀY nầy thì sao? – Xin thưa, biết sở trườngsở đoản vừa nêu trên, nhưng dịch giả không dám làm, vì những lý do như sau:

1. Không có sự đồng ý của đại đa số chư Tôn Giáo Phẩm, và Phật tử bốn phương, e rằng khổ công làm ra chỉ gây xáo trộn đức tin thiêng liêng của toàn thể quý vị.

2. Chờ sự tán đồng của đại đa số quý vị.

Tuy chưa thực hiện được trong quyển NGHI THỨC TỤNG NIỆM HẰNG NGÀY nầy, nhưng dịch giả vẫn thao thức. Đây không phải là một tác phẩm vĩ đại, chỉ là sự sưu tập, dịch thuật, nhưng là NGHI THỨC CĂN BẢN, sự tiến bộ phi thường để đánh dấu khúc quanh quan trọng trong giai đoạn chuyển tiếp - từ cách tụng niệm bằng âm tiếng Hán Việt ra cách tụng niệm bằng tiếng Việt nguyên chất – Dĩ nhiên, ở giai đoạn đầu, chắc quý vị cũng như chúng tôi cảm thấy bỡ ngỡ khi tụng niệm bằng tiếng Việt, nhưng về lâu về dài cảm thấy thích hợp hơn. Vả lại, con em của chúng ta ở hải ngoại nói tiếng Việt không rành, làm sao chúng hiểu được ý nghĩa kinh, khi vào Chùa tụng niệm.

Trên cương vị dịch giả, soạn giả, tác tạo văn hóa, để đóng góp vào vườn văn học Việt Nam, nên tôi nêu lên một vài điểm có thể đúng, và có thể sai. Ngưỡng mong các vị thức giả chỉ giáo cho, để khi tái bản được hoàn hảo hơn. Nhưng trên đường giác ngộ giải thoát, như lời Phật dạy: “Nếu dùng sắc thấy ta Dùng âm thinh cầu ta Người ấy tu đạo tà Chắc là không thấy ta.” Hay là : « Tất cả các pháp hữu vi Như là mộng huyển, khác chi bóng hình Như sấm chớp, như âm thinh Quán xem các pháp như hình không hoa ». Có gì đâu…

Trước khi dứt lời, xin dâng lên chư Tôn Đức, Tăng Ni đã chỉ dạy, đã dịch thuật, đã sáng tác, hay các Phật tử xa gần, hoặc trực tiếp hay gián tiếp giúp tôi hoàn thành quyển NGHI THỨC TỤNG NIỆM HẰNG NGÀY nầy. Kính dâng công đức lên quý vị hiện tiền được vạn sự an lành, và vạn duyên thắng ý. Cầu nguyện hương linh Nguyễn Văn Xướng, Huỳnh Thị Thâu, và toàn thể chúng sanh, một thời đồng giác ngộ, giải thoát.

Mùa Vu Lan 2332 – 1998

Sa Môn THÍCH THIỆN THANH

Ghi Chú : (1) Trong quyển The Hindu Colonies of the Far East, theo giáo sư R.C. Majumdar (Ramesh Chandra Majumdar), vào đầu thế ký I, trước kỷ nguyên Tây lịch, có một số tu sĩ Ấn Độ giáoPhật giáo sang Champa, miền Trung Việt Nam, dạy người Việt tụng Kinh bằng tiếng Sanskrit. Và vào đầu thế kỷ thứ VIII, quân Hồi giáo tràn ngập xứ Ấn, có một số giáo sĩ lánh nạn sang Na Khom Ba Thủm (Thái Lan), Camponsom (Cambodia), và Chân Lạp (nay là các tỉnh miền Tây Nam Phần), có dạy tiếng Sanskrit cho người địa phương. Cả hai lần đó đều không thành công, vì ngôn ngữ cũng như văn hóa của người Việt đã ảnh hưởng văn hóa người Trung Hoa rất nhiều. (2) Đây không phải là bài phê bình văn học Phật giáo vào thời chuyển tiếp, chỉ là lời dẫn nhập dón gọn, nguyên lũy, một vài quyển Nghi Thức Tụng Niệm có trực tiếp hoặc gián tiếp đến quyển NGHI THỨC TỤNG NIỆM HẰNG NGÀY nầy mà thôi. Vả lại, thư viện di cư nghèo nàn của Chùa Phật Tổ không cho phép tôi viết gì đầy đủ hơn. (3) Xin đọc theo tiếng Việt cho dễ phát âm. (4) Xin đọc chữ « v » theo giọng của người miền Bắc. Những phụ âm ghép, như bh, pr, xin đọc liền nhau, nếu có nguyên âm ghép vào, xin đọc như Việt ngữ. 



pdf_download_2
nghi-thuc-tung-niem-hang-ngay
Ý kiến bạn đọc
11 Tháng Tư 202406:23
Khách
dog arthritis remedies <a href=""> https://forums.dieviete.lv/profils/127605/forum/ </a> m357 pill
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Một 2016(Xem: 3642)
25 Tháng Bảy 2016(Xem: 3924)
Đến mùa an cư, chư Tăng Ni khắp nơi phải thu xếp mọi công việc ở chùa mình, cùng vân tập về địa điểm qui định để nhập chúng an cư. Pháp chế An Cư tu học, nếu được đại chúng thực hành đúng mức, dưới sự lãnh đạo của các bậc đạo cao đức trọng với tinh thần lục hòa hợp thanh tịnh của Tăng già, giúp cho mỗi hành giả an lạc, hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại.
11 Tháng Mười 2015(Xem: 11080)
07 Tháng Chín 2014(Xem: 8248)
Đức Phật từng dạy: “Trên đời có hai hạng người đáng quý. Thứ nhất, người chưa hề phạm tội và thứ hai là người lỡ phạm tội nhưng hết lòng sám hối, nguyện không tái phạm.” Kinh sách ghi lại nhiều bài sám với những hình thức ngắn, dài, đại cương hoặc chi tiết, để mỗi hành giả tùy căn cơ, nhu cầu và phương tiện mà phát nguyện sám hối.
01 Tháng Tám 2014(Xem: 16409)
Phàm là người sanh trong cõi Dục này, trừ các bực đã hoàn toàn giác ngộ, thì không một ai tránh khỏi lỗi lầm, bởi ba nghiệp gây nên. Các tội lỗi dã từ ba nghiệp phát sanh, nên người muốn dứt trừ hết tội lỗi, tất nhiên phải đem ba nghiệp ấy để sám hối, thì tội lỗi mới được thanh tịnh. Phật dạy: “Nếu không có phương pháp sám hối thì, tất cả các Phật tử không một ai mà được giải thoát”. Cũng như, nếu không nhờ bộ Lương Hoàng Sám nầy thì, bà Hy Thị là Hoàng hậu của vua Lương không làm sao thoát khỏi khổ nạn được.
17 Tháng Sáu 2014(Xem: 20632)
Đây là quyển Kinh Tụng Pāḷi-Việt dành cho Phật tử Nguyên thủy, được dịch và biên soạn bằng văn vần dựa theo Pāḷi. Khá nhiều bài ở đây, đã được tụng đọc trong suốt nhiều năm qua tại một số chùa Phật giáo Nguyên thủy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do sao qua chép lại, và do nơi này nơi kia đã tự ý sửa chữ, đổi lời - nên nhiều câu, nhiều từ bị “biến dạng” đi!
05 Tháng Sáu 2014(Xem: 7779)
Đã từ năm mươi năm nay, Phật tử Việt Nam, nhất là giới xuất gia, chờ đợi một cuốn Thiền Môn Nhật Tụng bằng quốc ngữ. Trong quá trình thực tập và hoằng pháp, tôi cũng đã từng nhiều lần cảm thấy nhu yếu cấp thiết này. Nay sách Nhật Tụng Thiền Môn của Đạo Tràng Mai Thôn được ấn hành, tôi hết sức vui mừng và xin trân trọng giới thiệu với các giới hành giả khắp nơi trong toàn quốc.