Khám Phá Bản Chất Của Thực Tại

08 Tháng Hai 201300:00(Xem: 11773)

KHÁM PHÁ BẢN CHẤT CỦA THỰC TẠI
Các quan điểm Phật giáo và khoa học
Phúc Cường dịch

Khóa Hội đàm Tâm thức và Đời sống lần thứ 26 tại Drepung ngày thứ nhất. Drepung Lachi, Mundgod, Karnataka, Ấn Độ, ngày 17 tháng một năm 2013 – tại sảnh chính của ngôi tự viên Drepung Lachi với khoảng 1000 các nhà khoa học, các Lạt ma, tăng sĩ, sinh viên và khách mời cung đón Đức Đạt Lai Lạt Ma Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Ngay sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma an tọa, Geshe Lhakdor, Giám đốc Thư viện Tibetan Works & Archives, Dharamsala, đã thay lời cung đón tất cả quý thính chúng và bày tỏ niềm tri ân tới tâm nguyện ​​của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khuyến khích các đối thoại giữa khoa học hiện đại và khoa học, triết học Phật giáo. Ông cũng lưu ý tầm quan trọng của khóa hội đàm này diễn ra trong một khung cảnh tự viện.

Chủ đề buổi sáng là Khám phá Bản chất của Thực tại: Các quan điểm Phật giáo và khoa học. Đây là phần dẫn nhập cho toàn khóa hội đàm. Giáo sư vật lý học Arthur Zajonc, Chủ tịch của Viện Tâm thức & Đời sống, nhắc lại rằng những buổi hội đàm đầu tiên đã diễn ra 25 năm trước và hiện nay khoa học đã được đưa vào chương trình giảng dạy tại tự viện. Đây là một bước chuyển can đảm, ông nói, nhưng cũng làm rõ rằng khoa học không phải là một nhánh của chủ nghĩa vật chất, mà là một nỗ lực để thâm nhập thực tại.

"Chúng ta dựa vào sự chứng thực của giác quan sử dụng năng lực của tâm thức. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của chúng ta với mong nguyện đem lại lợi ích cho nhân loại. "

 

blank

Đức Đạt Lai Lạt Ma tại phiên thảo luận đầu tiên khóa hội đàm Tâm thức và Đời sống lần thứ 26 tổ chức tại Tự viện Drepung ở Mundgod, Ấn Độ, ngày 17 Tháng 1 năm 2013. Ned Dunn

Giáo sư Tâm lý và tâm thần học Richie Davidson nhận xét:

"Những khám phá của chúng ta đã dẫn đến những lợi ích to lớn trong việc chăm sóc sức khỏe và giáo dục, cả hai lĩnh vực này hiện nay đều lĩnh hội sự thực hành tỉnh thức".

Đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ rằng bởi phần lớn thính chúng là người Tạng nên ngài sẽ trao đổi bằng ngôn ngữ Tạng. Ngài nhắc lại với các nhà khoa học những chia sẻ của mình tại buổi gặp gỡ ngày hôm trước ở tự viện Drepung rằng, các phẩm chất như tính khách quan, trí thông minh và sự nhiệt huyết nơi các nhà khoa học mà một số trong đó ngài từng gặp gỡ, hội đàm trong nhiều năm qua, hội đủ các tiêu chuẩn mà nhà hiền triết Ấn Độ Aryadeva đòi hỏi ở những người lĩnh hội tri thức.

"Hiện nay trong việc tu học tại các tự viện, chúng tôi phần lớn dựa vào trích dẫn nguồn kinh điển, nhưng chúng tôi cũng cần phải sử dụng tới biện luận. Trong tìm hiểu thực tại của Phật giáo, về truyền thống chúng tôi sử dụng bốn nguyên tắc biện luận: tính phụ thuộc, chức năng, bản chất và sự chứng thực."

Ngài chia sẻ rằng trong các khảo cứu của mình, dường như các nhà khoa học cũng tìm kiếm sự xác thực, và để đạt được mục đích, họ dựa vào các thuộc tính như phụ thuộc, chức năng và bản chất. Cả hai cách tiếp cận có thể giống nhau. Ngài đề cập đến bốn trụ cột dẫn đường cho những truy tầm trong Phật giáo: Y pháp bất y nhân, y nghĩa bất y ngữ, y trí bất y thức, y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa. Ngài cũng nhắc tới sự phân loại cấp độ hiện tượng trong Phật giáo: cấp độ rõ ràng, cấp độ khá vi tế và cấp độ vô cùng vi tế.

Trong khi truyền thống Phật giáo phát triển các phương tiện để đạt hạnh phúc thông qua điều phục những cảm xúc phiền não, thì khoa học đã tập trung vào sự phát triển vật chất, hướng trọng tâm kiếm tìm chân lý và thực tại. Phật giáo và khoa học hiện đại đòi hỏi những cách tiếp cận chung để mở rộng tri ​​thức phục vụ lợi ích cho nhân loại.

"Cùng với việc trì giữ truyền thống văn, tư, tu đạo Phật, tôi mong nguyện rằng chư tăng tại đây sẽ có những hiểu biết về các khảo cứu sâu sắc của khoa học.”

"Khi tôi đặt vấn đề với các giáo thọ về sự quan tâm của mình trong lĩnh vực khoa học, các ngài đã trả lời rằng điều đó mang lại ý nghĩa. Tuy nhiên, mặc dù chúng tôi có quan tâm đến khoa học, nhưng không có nghĩa là chúng tôi dành tất cả năng lượng của mình cho khoa học. Tôi dành phần lớn thời gian của mình để thiền định về tình yêu thương, lòng bi mẫn, và trí tuệ, đó là nguồn cội cho sự quan tâm của tôi tới khoa học. Cũng chính sự rèn luyện về biện luận và triết học Trung đạo đã mang lại cho tôi một cách thức tư duy, một phẩm chất rất hữu ích đối với các nhà khoa học. "

Trong bài thuyết trình về các viễn cảnh Phật giáo và triển vọng, Giáo sư vật lý học Arthur Zajonc nhắc lại về sự tương đồng giữa đức Đạt lai Lạt ma khi còn trẻ, đã chiêm ngưỡng mặt trăng trên nóc cung điện Potala qua kính viễn vọng của hóa thân đời trước của ngài và khám phá vĩ đại của Galileo vài thế kỷ trước đó.

"Ngài đã chiêm ngưỡng và suy luận. Ngài đã thấy rằng ánh sáng từ mặt trời chiếu bóng tối lên mặt trăng. Năm 1607, Galileo, đã sử dụng một kính viễn vọng do ông chế tạo, và đã nhìn thấy những ngọn núi trên mặt trăng. Ông đã thay đổi chiều hướng của nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, vào năm 1633 Nhà thờ Công Giáo đã kết tội ông là dị giáo và ông đã bị quản thúc tại nhà".

blank

Arthur Zajonc thuyết trình trong buổi đầu tiên khóa hội đàm Tâm thức và Đời sống lần thứ 26 tổ chức tại Tu viện Drepung ở Mundgod, Ấn Độ, ngày 18 tháng 1 năm 2013. Photo / Jeremy Russell / OHHDL

Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp lại:

"Khi đó không phải là tôi đang tìm "chú thỏ trên cung trăng ", mà tìm phương hướng của các bóng tối ở đó, tôi suy luận rằng nguồn gốc của ánh sáng là từ mặt trời. Tôi đã chỉ cho các thầy giáo thọ và các ngài cũng đồng ý với những điều đó. "

"Tôi tin rằng tiến trình lịch sử đã được thay đổi một lần nữa," Giáo sư Arthur nói thêm, "bằng cách đưa tôn giáo và khoa học lại cùng nhau, những cống hiến của quý ngài là vô cùng to lớn. Và Viện Tâm thức và Đời sống đã thực hiện nhiệm vụ đưa hai lĩnh vực lại cùng nhau.”

Giáo sư Richie Davidson đặt câu hỏi:

"Tại sao Khoa thần kinh học lại rất phong phú và tại sao kết quả lại có hiệu quả như vậy? Bởi vì nhiều vấn đề của chúng ta cũng là trung tâm trong Phật giáo – bản ngã là gì và ở đâu? Về hoạt động của bộ não, đâu là sự khác biệt giữa tư tưởng khái niệm và vô niệm, và sự khác biệt giữa cảm xúc phiền não và tích cực là gì? "

Ông đã đưa ra những thuyết minh ngắn bằng hình ảnh về sự chớp mắt chú tâm, thay đổi trong trạng thái nhắm mắt và nhận ra các biểu hiện trên khuôn mặt, qua đó cho thấy không phải lúc nào bộ não cũng chính xác khi đánh giá hiện tượng.

"Bộ não người có lẽ là phần vật chất phức tạp nhất trong thế giới," ông nói, "mặc dù vậy các nhà khoa học có rất ít ý niệm về cách thức hoạt động của nó. Mặc dù chúng ta biết rằng nó là nguồn gốc mang lại cả sự ảo tưởng lẫn sự sáng suốt."

Trong khóa hội đàm buổi chiều, liên quan đến Khả năng của Khoa học: Tri thức và Bản chất Thực tại, Tiến sĩ Thupten Jinpa luận giải rằng ông đã quyết định trình bày tiếng Tây Tạng. Ông cho rằng sự vô thường, một chủ đề quan trọng trong triết học Phật giáo được giải thích hoàn toàn khác biệt trong truyền thống khoa học. Ông lưu ý rằng năm ngoái, quyết định đưa nội dung khoa học vào chương trình tự viện, nhưng để thực hiện như thế nào vẫn cần phải được thảo luận. Bởi vì việc giới thiệu khoa học cho chư tăng sẽ không thể giống như trong trong các trường học thế tục.

"Nếu khoa học là một phương pháp điều tra, vậy đặc điểm nổi bật của nó là gì? Như Chủ tịch của Viện Tâm thức và Đời sống cho biết sáng nay khi ông chia sẻ về mối quan tâm và sự quan sát mặt trăng của đức Đạt Lai lạt ma, khoa học đòi hỏi phải quan sát, đưa ra giả thuyết về cơ sở dữ liệu thực nghiệm và phân tích, kiểm tra các giả thuyết đó. Cả Phật giáo và khoa học đều phải dựa trên những tiến trình chân thực."

Đức Đạt Lai Lạt Ma chăm chú lắng nghe Giáo sư Lịch sử và triết học khoa học John Durant thuyết trình thay mặt cho vợ ông là Giáo sư lịch sử khoa học Anne Harrington. Giáo sư khoa thần kinh học Wendy Hasenkamp đã đưa ra một giới thiệu ngắn về chức năng của bộ não với những hình ảnh minh họa về các hoạt động của tế bào thần kinh.

Đức Đạt Lai Lạt Ma cho rằng sẽ rất hữu ích khi khoa học thần kinh có thể phân biệt giữa các quá trình khái niệm và phi khái niệm, ngài gợi ý rằng một trong những trường hợp đó là trạng thái giấc mơ, khi đó rõ ràng tâm thức vận hành ở một mức độ vi tế và những tác động bên ngoài tới giác quan đã bị đóng lại.

Phúc Cường trích dịch
Nguồn: Dalailama.com/news

 



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn