Chương 7 Tư Tưởng Trung Quốc

30 Tháng Tám 201000:00(Xem: 16965)
Chương 7
Tư Tưởng Trung Quốc

Khi Phật giáo đến Trung Quốc trong khoảng thế kỷ thứ nhất thì gặp nơi đó một nền văn hóa hơn hai ngàn năm. Trong nền văn hóa này, các tư tưởng triết học đạt đỉnh cao trong những thời đại sau của nhà Chu (khoảng 500-221 trước Công nguyên) thời đại hoàng kim của triết học Trung Quốc, được sự tôn trọng cao nhất của thời bấy giờ.

Từ xưa nền triết học đó có hai khía cạnh bổ túc cho nhau. Vì người Trung Quốc vốn thực tiễn với một ý thức xã hội cao độ nên mọi trường phái triết học không ít thì nhiều đều có tính nhập thế, đều nói về quan hệ giữa người với người, về những vấn đề luân lý và trị nước. Thế nhưng đó chỉ là một mặt của tư tưởng Trung Quốc. Nó được bổ sung bằng mặt siêu hình của tính chất Trung Quốc, tính chất đó cho rằng mục đích cao nhất của triết lý là vượt qua đời sống hàng ngày của xã hội và đạt một bình diện của chân nhân, là hình ảnh lý tưởng của tư tưởng Trung Quốc về con người giác ngộ, đó là người đã đạt sự thống nhất huyền bí với vũ trụ.

Tuy thế chân nhân của Trung Quốc không chỉ sống trên bình diện tinh thần cao siêu, mà cũng còn quan hệ với các vấn đề thế gian. Đó là người dung hợp trong mình hai mặt của tự tính con người - tuệ giác trực tiếp và suy luận cụ thể, tâm tư hướng nội và tác động ngoại cảnh - hai điều mà người Trung Quốc gắn với đặc trưng của chân nhân và hoàng đế. Theo lời của Trang Tử thì con người chứng thực là người “qua tĩnh lặng mà thành chân nhân, qua hoạt động mà ra hoàng đế". Vào thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên, hai mặt của triết học Trung Quốc biến thành hai trường phái triết học, đó là Khổng giáo và Lão giáo. Khổng giáo là triết lý của sự tổ chức xã hội, của đầu có suy luận trước sau, của tri kiến thực tiễn. Nó cho phép xã hội Trung Quốc có một hệ thống giáo dục và qui tắc nghiêm ngặt về lễ nghĩa. Một mục đích chính của Khổng giáo là hình thành một nền tảng đạo đức cho hệ thống gia đình truyền thống với những quan hệ phức tạp và lễ nghi thờ cúng tổ tiên. Còn Lão giáo, trước hết quan tâm đến những quan sát thiên nhiên và tìm hiểu đường đi của chúng, đó là “Đạo”. Theo Lão giáo thì con người chỉ hạnh phúc khi nó đi đúng qui luật tự nhiên, hành động hồn nhiên và dựa trên trực giác.

Hai hướng tư duy này đại biểu cho hai cực trong nền triết lý Trung Quốc, nhưng tại xứ này chúng luôn luôn được xem là hai cực của một tự tính con người duy nhất, chúng bổ túc lẫn nhau. Khổng giáo thường được sử dụng để giáo dục cho trẻ con, để chúng học những phép tắc cần thiết trong đời sống xã hội, trong lúc người già cả hướng về Lão giáo để tìm kiếm và phát huy lại sự hồn nhiên đã bị qui định của xã hội phá hủy. Vào thế kỷ 11 và 12 có nhiều nhà Khổng học hậu thế cố hình thành một sự dung hợp từ Khổng giáo, Phật giáo và Lão giáo, nó trở thành đỉnh cao trong triết học của Chu Hi, một trong những tư tưởng gia lớn nhất của Trung Quốc. Chu Hi là nhà triết học xuất sắc, người đã nối kết giáo lý Khổng tử với chiều sâu tư tưởng Phật giáo, Lão giáo và xây dựng những yếu tố của ba dòng truyền thừa vào trong hệ thống triết học của mình.

Danh từ “Khổng giáo” xuất phất từ Khổng Phu Tử, vị “vạn thế sư biểu” xuất chúng, là vị thầy xem trách nhiệm của mình là truyền lại gia tài văn hóa cho học trò.

Ngài vượt lên phương pháp truyền đạt kiến thức đơn giản bằng cách dùng những khái niệm đạo đức của chính mình để lý giải những ý niệm ngàn xưa truyền lại.

Đạo lý của Ngài đặt nền tảng trên năm bộ sách cổ điển mang ten Kinh Dịch, Kinh Lễ, Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Xuân Thu; đây là tài sản văn hóa và tâm linh của “thánh hiền” trong qua khứ của Trung quốc để lại. Truyền sử Trung Quốc coi Khổng tử như gắn liền với tất cả mọi tác phẩm đó, với tính chất là tác giả, nhà luận giải hay người phổ biến. Thế nhưng những khảo cứu gần đây cho thấy Ngài không phải là người viết hay luận các tác phẩm đó, cũng không phải là người phổ biến. Tư tưởng của Ngài được nêu rõ trong Luận Ngữ, một tuyển tập do học trò của Ngài ghi lại.

Người sáng lập Lão giáo là Lão Tử, mà tên của Ngài có nguyên nghĩa là vị thầy già cả và theo tương truyền là người cùng thời nhưng già hơn Khổng Tử. Người ta cho rằng Ngài là tác giả của một tập sách, tập này được xem là tác phẩm then chốt trong Lão giáo. Tại Trung quốc người ta gọi tập này đơn giản là Lão Tử, tại phương Tây là Đạo Đức Kinh, một cái tên người ta gán cho sau này. Tôi đã nhắc tới văn phong nghịch lý và ngôn ngữ mạnh mẽ, nên thơ của tập này mà Joseph Needham đã gọi là “không ai chối cãi là tác phẩm sâu sắc và tuyệt diệu nhất trong ngôn ngữ Trung quốc”.

Tác phẩm quan trọng đứng thứ hai trong Lão giáo là bộ Trang Tử, một tác phẩm có qui mô lớn hơn Đạo Đức Kinh mà tác giả là Trang Tử, sống sau Lão Tử khoảng hai trăm năm. Theo những phát hiện sau này thì tập Trang Tử, và cả tập Lão Tử không phải là tác phẩm của một người duy nhất, mà có lẽ là tập hợp những luận giải về Lão giáo, do nhiều tác giả trong nhiều thời kỳ khác nhau họp lại.

Cả luận ngữ cũng như Đạo Đức Kinh được viết với một văn phong gọn gàng, có tính chất gợi mở, nó là đặc trưng của tư duy Trung Quốc. Tinh thần người Trung Quốc không thích những loại tư duy logic trừu tượng và nó sản sinh một thứ ngôn ngữ khác xa ngôn ngữ phương Tây. Nhiều từ của họ dùng làm danh từ, tính từ hay cả động từ và thứ tự của chúng không do ngữ pháp qui định mà do nội dung cảm tính của câu văn hình thành. Từ cổ điển của ngôn ngữ Trung Quốc khác hẳn với một nhóm chữ trừu tượng, mang một khái niệm nhất định. Từ Trung Quốc thường là một âm thanh có một sức kích thích tưởng tượng, nó mang một hình ảnh có phạm vi nhất định, mang lại một số cảm xúc nào đó. Người nói không chủ tâm trình bày một ý niệm có tính suy luận mà là nói với người nghe hầu như để tạo một ảnh hưởng lên họ. Cũng vì thế mà các nét chữ của ngôn ngữ này không phải là những hình, dấu trừu tượng mà là một cấu trúc có liên hệ với nhau, đó là dạng hình chứa đựng toàn bộ hình dung và sự kích thích của một từ.

Vì các triết gia có thể diễn tả tư duy của mình bằng một ngôn ngữ phù hợp như thế, nên các luận giải và quan niệm của họ một mặt được trình bày rất ngắn, không chính xác, một mặt lại đầy hình ảnh gợi mở. Rõ ràng là những hình ảnh này bị mất đi trong các bản dịch ra ngoại ngữ khác. Thí dụ bản dịch của một câu trong Đạo Đức Kinh chỉ phản ánh được một phần của nội dung phong phú đầy ý tưởng của nguyên bản. Vì thế mà các bản dịch khác nhau của tác phẩm này thường mang câu chữ hoàn toàn khác, nội dung có lúc mâu thuẫn lẫn nhau. Phùng Hữu Lan nói: “Người ta cần phải phối hợp nhiều bản dịch đã có cũng như nhiều bản cần có, để khám phá được sự phong phú của nguyên tác Đạo Đức Kinh và luận ngữ…”.

Cũng như người Ấn Độ, người Trung Quốc tin rằng có một thực tại cuối cùng, nó là nền tảng của mọi hiện tượng và biến cố, là nơi chúng thống nhất với nhau:

Có ba cách nói - “cái toàn triệt”, “cái bao trùm tất cả”, “cái tổng thể”. Những từ này khác nhau, nhưng tự tính nằm trong những chữ đó thì giống nhau: đó là một cái duy nhất.

Họ gọi cái tự tính này là “Đạo”, nguyên nghĩa của nó là “đường đi”. Đó là đường đi hay tiến trình của vũ trụ, là trật tự của tự nhiên. Về sau môn đệ của Khổng Tử cho nó một nghĩa khác. Họ nói về Đạo của con người hay Đạo của xã hội loài người và xem như là cách sống đúng đắn trong nghĩa đạo đức.

Trong nghĩa nguyên thủy, nói về vũ trụ thì Đạo có thể là cuối cùng, không thể định nghĩa và như thế nó được đặt ngang tầm Brahman của Ấn Độ giáo và pháp thân của Phật giáo. Thế nhưng nó khác với các khái niệm Ấn Độ là đạo mang tính năng động nội tại, mà theo quan điểm Trung Quốc thì đó là tính chất then chốt của vũ trụ. Đạo là tiến trình vũ trụ trong đó mọi sự vật đều tham dự và thế giới là một sự trôi chảy liên tục và biến đổi không bao giờ ngừng.

Quan điểm của Phật giáo Ấn Độ với thuyết vô thường cũng có cái nhìn tương tự, tuy thế chủ yếu nói về tình trạng con người và hướng về những hệ quả có tính tâm lý. Còn người Trung Quốc tin rằng, tính biến đổi trôi chảy không phải chỉ là tự tính của tự nhiên, mà còn cho rằng cũng có những cấu trúc bất dịch trong sự biến đổi mà con người biết được. Thánh nhân là người biết nhận ra những cơ cấu này và hành động phù hợp với chúng. Được như thế thì con người “là một với Đạo”, sống tùy thuận với tự nhiên và làm gì cũng thành cả. Sau đây là câu nói của Hoài Nam Tử, triết gia sống vào thế kỷ thứ hai trước Công nguyên:

Ai cùng tùy thuận với đạo, cùng thuận theo biến chuyển của trời đất, người đó làm cho chủ thiên hạ.

Thế thì những gì là cơ cấu của Đạo vũ trụ mà con người cần biết? Đặc điểm chính của đạo là tính chất chu kỳ trong quá trình vận động và biến đổi liên tục. Lão Tử nói: Quy căn viết Tịnh (trở về cội rễ, gọi là Tịnh) và Thệ viết viễn, viễn viết phản (mỗi vật đi đến cực độ phải biến, biến trở về cái đối địch). Đó là quan niệm mọi sự trong trời đất, trong thế giới vật lý, trong đời con người, có một cơ cấu “phản phục”, có sự lên xuống chu kỳ, cơ cấu của đến và đi, của giãn nở và co thắt.

Quan niệm này hiển nhiên bắt nguồn từ vận động của mặt trời, mặt trăng và các mùa trong năm, nhưng cũng được lấy từ qui luật của đời sống. Người Trung Quốc cho rằng, một tình hình khi đã đi tới cùng cực sẽ quay lùi và biến thành dạng ngược lại. Niềm tin cơ bản làm cho họ thêm dũng cảm và sức chịu đựng trong thời kỳ khó khăn cũng như làm cho họ thận trọng và khiêm tốn trong lúc thành công. Nó dẫn đến chủ trương trung dung mà cả Lão giáo hay Khổng giáo đều tin tưởng. Lão tử nói: “Thị dĩ thánh nhân; khứ thậm, khứ xa, khứ thái” (ấy nên thánh nhân, lánh bỏ những gì thái quá).

Theo quan niệm Trung Quốc thì có ít tốt hơn có nhiều; thà không làm còn hơn làm quá, vì dù ta không đi được xa với cách này thì ít nhất cũng đi đúng hướng. Ai cứ đi mãi về hướng đông sẽ thấy mình ở hướng tây và ai cứ dành dụm tiền bạc để làm giàu, kẻ ấy sẽ thấy cuối cùng mình trắng tay. Xã hội công nghiệp văn minh ngày nay với cố gắng liên tục nâng cao mức sống, thực tế đã vô tình giảm thiểu chất lượng đời sống của con người, là một thí dụ cụ thể và thuyết phục cho một minh triết cổ xưa này của người Trung Quốc.

Hình dung về cơ cấu vận hành có tính chu kỳ này của đạo có thêm một then chốt cụ thể là hai cực Âm, Dương. Đó là hai cực làm biên độ cho chu trình vận hành.

Khi Dương đạt đến cực điểm thì nó rút lui nhường chỗ cho Âm, khi Âm đạt đến cực điểm thì nó rút lui, nhường chỗ cho Dương.

Dương, đại diện cái cứng mạnh, dương tính, sự sáng tạo được liên hệ với trời; Âm, đại diện cái tối, cái tiếp nhận thụ động, yếu tố nữ, liên hệ với đất...

Theo quan niệm Trung Quốc thì mọi hiện tượng đều là biến hóa của Đạo qua sự chuyển hóa năng động của hai lực đối cực âm - dương. Quan niệm này rất cổ và nhiều thế hệ đã suy tư lý luận rất nhiều về cặp phạm trù cơ bản Âm - Dương, cho đến lúc nó trở thành khái niệm cơ sở của tư tưởng Trung Quốc. Nguyên ngữ của hai chữ Âm - Dương này là phía tối và phía sáng của một ngọn núi dưới ánh mặt trời, là một ý nghĩa cho ta thấy rõ tính tương đối của hai khái niệm đó:

Cái đã sinh ra sáng ra tối, cái đó là đạo.

Từ xưa tới nay hai cực đối lập cơ bản đó của thiên nhiên không chỉ tượng trưng cho sáng - tối., mà cho đực - cái, cứng - mềm, trên - dưới. Dương, đại diện cái cứng mạnh, dương tính, sự sáng tạo được liên hệ với trời; Âm, đại diện cái tối, cái tiếp nhận thụ động, yếu tố nữ, liên hệ với đất. Trời ở phía trên và đầy chuyển động, đất - theo nghĩa trung tâm địa lý - phía dưới và tĩnh tại, và như thế Dương đại diện cho vận động, Âm đại diện cho tĩnh tại. Trong lĩnh vực của tư tưởng thì Âm là tư duy phức tạp, nữ tính, trực giác; còn óc suy luận rõ ràng, khúc triết, duy lý là thuộc dương tính. Âm là cái yên tĩnh quan sát của thánh nhân, Dương là sự hoạt động mạnh mẽ sáng tạo của vị hoàng đế. Tính chất động của Âm - Dương được đồ hình thái cực trình bày như sau:

Thái cực đồ có một trật tự đối xứng của cái Âm tối và cái Dương sáng, nhưng sự đối xứng này không có tính tĩnh tại. Nó là một dạng đối xứng điểm, nó gợi ta nhớ đến một sự vận động liên tục và có chu kỳ:

Theo chu kỳ trở lại chỗ ban đầu; Âm đạt Thái âm và nhường chỗ cho Dương.

Hai chấm trong đồ hình biểu diễn ý niệm, mỗi khi một trong hai lực đã lên tới cực điểm, chúng đã mang mầm mống của cái đối lập ngay trong mình.

Cặp Âm - Dương là bó đuốc dẫn đường xuyên suốt nền văn minh Trung Quốc và quyết định tất cả nét đặc thù của lối sống truyền thống của Trung Quốc. Trang Tử nói: “Đời sống là sự tổng hòa ăn khớp lẫn nhau của Âm - Dương”. Là một dân tộc sống bằng nghề nông, người Trung Quốc đã quen thuộc với vận hành của trời trăng và sự thay đổi bốn mùa. Sự thay đổi thời tiết và các hiện tượng liên hệ về sinh diệt trong thế giới tự nhiên được họ xem như sự phát biểu của tác động qua lại Âm - Dương, giữa mùa đông tối lạnh và mùa hè tối ấm. Hai cực của thời tiết đó cũng phản ánh cả trong thức ăn của chúng ta, vốn chứa hai nguyên tố Âm - Dương. Đối với người Trung Quốc thì thức ăn phải chứa đựng Âm - Dương phù hợp với nhau.

Nền y học cổ truyền của Trung Quốc cũng đặt cơ sở trên sự điều hòa của Âm - Dương trong thân thể con người, và mỗi căn bệnh có nghĩa là thể cân bằng đó bị lung lay. Thân người gồm có các phần thuộc âm và dương. Nhìn chung thì các phần nội tạng thuộc dương, phần bên ngoài thuộc âm; lưng là dương, ngực là âm. Thế cân bằng giữa các phần đó được một luồng khí chạy luân lưu giữ vững, khí đó chạy dọc theo một hệ thống kinh lạc, trên đó là các huyệt. Mỗi đường kinh liên hệ với một cơ quan thân thể nhất định theo nguyên lý kinh dương thì nối với cơ quan âm và ngược lại. Mỗi khi mối luân lưu giữa âm dương bị gián đoạn thì thân thể bị đau ốm. Bệnh tật sẽ được chữa khỏi khi ta dùng kim chích vào các huyệt và nhờ thế mà đưa dòng khí đi vào vận hành.

Mối liên hệ Âm - Dương, sự tác động qua lại giữa cặp đối nghịch xuất hiện như một nguyên lý rút ra từ sự vận hành của Đạo, nhưng người Trung Quốc không dừng lại ở đó. Họ nghiên cứu tiếp các mối hỗ tương giữa Âm - Dương và thiết lập một hệ thống của mẫu hình vũ trụ. Hệ thống này được Kinh Dịch trình bày.

Kinh Dịch là Kinh đầu tiên trong hệ thống năm bộ kinh của Nho giáo và phải được xem là tác phẩm đưa thẳng vào trung tâm của nền văn hóa và tư tưởng Trung Quốc. Kinh này đã được tôn sùng hàng ngàn năm tại Trung Quốc, chỉ có thể so sánh với các tác phẩm kinh điển thiêng liêng của các nền văn hóa khác, như Vệ - đà hay Kinh thánh.

Nhà nghiên cứu tư tưởng Trung Quốc nổi tiếng Richard Wilhelm bắt đầu lời dẫn của ông trong bản dịch tác phẩm này bằng những câu:

Kinh Dịch, không ai chối cãi được là một trong những cuốn sách quan trọng nhất của văn học thế giới. Nó manh nha từ thời cổ đại huyền bí. Cho đến ngày hôm nay các nhà thông thái quan trọng nhất của Trung Quốc vẫn còn tìm hiểu về nó. Hầu như tất cả các tư tưởng lớn và quan trọng nhất của một lịch sử 3000 năm ở Trung Quốc, một phần là do cuốn sách này gợi mở, phần khác là muốn lý giải nó, để ta có thể yên tâm nói rằng, trong Kinh Dịch một nền văn minh triết già dặn nhất của ngàn năm đã được trình bày.

Như thế Kinh Dịch là một tác phẩm lớn đã lớn lên từ hàng ngàn năm qua. Kinh Dịch gồm có nhiều tầng nhiều lớp, mà những tầng lớp này xuất hiện từ những thời đại sáng tạo tâm linh quan trọng nhất của Trung Quốc. Điểm xuất phát của sách này là một hệ thống gồm 64 quẻ, chúng dựa trên hoạt động của Âm - Dương và được dùng để bói toán. Mỗi quẻ gồm có 6 vạch, hoặc là vạch đứt (âm) hoặc là vạch liền (dương) và 64 quẻ chính là tất cả tỏ hợp toán học của 6 vạch đó.

Các quẻ này, trong các chương sau sẽ trình bày rõ hơn, được xem là những mẫu hình cơ bản của vũ trụ. Chúng trình bày các cơ cấu của Đạo trong thế giới tự nhiên và của tình trạng con người. Mỗi quẻ mang một cái tên được bổ túc bằng một vài lời ngắn, được gọi là truyện, nêu lên tình hình vận động, nói lên được cơ cấu tương quan của vũ trụ. Sau đó là một số dòng khác, mang tên lời kinh, được đời sau thêm vào, nói thêm ý nghĩa của quẻ, thường được viết dưới dạng hết sức văn thơ. Một đoạn văn thứ ba nói lên ý nghĩa của từng vạch trong quẻ, với một ngôn ngữ đầy huyền bí, thường hết sức khó hiểu.

Ba đoạn văn lý giải này của mỗi quẻ tạo nên phần chính của cuốn sách, chúng được áp dụng để tiên đoán sự vật. Người ta áp dụng một nghi lễ phức tạp với cỏ thi để bói toán, nói về tình trạng cụ thể của một người bằng cách xác định quẻ của người đó. Người ta cho rằng có thể biến cơ cấu vũ trụ trong thời điểm đó thành một đồ hình có thể thấy được và từ đó xem ra hành động nào là nên làm hay nên tránh.

Trong sự biến dịch có những hình ảnh có thể thấy được; có những đánh giá để lý giải; có xác định lợi hại, để quyết định.

Mục đích khi hỏi ý kiến của Kinh Dịch không phải chỉ để nhằm xem tương lai, mà chủ yếu là để khám phá tình hình của hiện tại để hành đông cho đúng. Tinh thần này làm cho Kinh Dịch khác hẳn một cuốn sách bói toán và biến nó thành một cuốn sách đầy minh triết.

Sự sử dụng Kinh Dịch như là một cuốn sách minh triết thực tế quan trọng hơn nhiều để làm chuyện bói toán. Nó là nguồn cảm hứng cho những đầu óc bậc nhất của Trung Quốc, trong đó có Lão Tử, người đã rút ra vài lời kệ từ nguồn suối này. Khổng Tử nghiên cứu sách này kỹ lưỡng và phần lớn những lời lý giải cho sách bắt nguồn từ môn phái của Ngài. Những lý giải này của Khổng Tử, được gọi là Thập Dực, phối hợp cách lý giải cơ cấu các quẻ với các quan niệm triết học.

Hạt nhân của Thập Dực, cũng như toàn bộ Kinh Dịch, là sự nhấn mạnh về tính chất năng động của mọi hiện tượng. Sự chuyển hóa không bao giờ ngừng của mọi sự và mọi trạng là nội dung trọng tâm của Kinh Dịch:

 Dịch là một cuốn sách

 Ta phải biết đến có

 Đạo biến dịch vĩnh viễn

 Vận hành không ngừng nghỉ,

 Chảy qua sáu khoảng trống;

 Xuống lên không nhất định

 Mềm cứng chuyển lẫn nhau

 Không theo khuôn khổ nào,

 Chi "Dịch" đang vận hành. 
 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn