- Lời Người Dịch
- Lời Nói Đầu
- Lời Nói Đầu (Bản In Lần Thứ Hai)
- Chương 1 Vật Lý Hiện Đại - Một Tâm Đạo
- Chương 2 Biết Và Thấy
- Chương 3 Bên Kia Ngôn Ngữ
- Chương 4 Nền Vật Lý Mới
- Chương 5 Ấn Độ Giáo
- Chương 6 Phật Giáo
- Chương 7 Tư Tưởng Trung Quốc
- Chương 8 Lão Giáo
- Chương 9 Thiền Tông
- Chương 10 Tính Nhất Thể Của Vạn Sự
- Chương 11 Vượt Trên Thế Giới Nhị Nguyên
- Chương 12 Không Gian - Thời Gian
- Chương 13 Vũ Trụ Động
- Chương 14 Không Và Sắc
- Chương 15 Điệu Mú Vụ Trụ
- Chương 16 Cấu Trúc Đối Xứng Quark- Một Công Án Mới
- Chương 17 Các Mẫu Hình Biến Dịch
- Chương 18 Sự Dung Thông
- Lời Cuối
- Điểm Lại Nền Vật Lý Mới
- Tương Lai Của Nền Vật Lý Mới
- Tác Động Của Cuốn Sách
- Sự Thay Đổi Mẫu Hình
- Ảnh Hưởng Của Heisenberg Và Chew
- Những Mẫu Hình Mới Trong Tư Duy Khoa Học
- Phê Bình Về Đạo Của Vật Lý
- Sự Phát Triển Hiện Nay Và Khả Năng Của Tương Lai
Lão Giáo
Giữa hai nền tư tưởng quan trọng nhất của Trung Quốc, Khổng giáo và Lão giáo, thì Lão giáo hướng về đạo học nhiều hơn và có tầm quan trọng hơn đối với sự so sánh của chúng ta về nền vật lý hiện đại. Cũng như Ấn Độ giáo và Phật giáo, Lão giáo quan tâm hơn đến tri thức phát kiến bằng trực giác hơn tri thức do suy luận mà có.
Nhận thức được giới hạn và tính tương đối của đầu óc suy luận, Lão giáo thực ra là con đường dẫn đến sự giải thoát ra khỏi thế gian này và trong điểm này thì Lão giáo có thể so sánh với con đường của du - già và của Vedanta trong Ấn Độ giáo hay Bát chính đạo trong Phật giáo. Với cách nhìn của văn hóa Trung Quốc thì giải thoát trong Lão giáo có nghĩa là sự giải thoát ra khỏi qui tắc nghiêm nhặt của qui ước. Thái độ nghi ngờ của Lão giáo về tri thức và về cách lý luận qui ước lớn hơn bất kỳ một trạng thái nào của triết học phương Đông. Nó được xây dựng trên niềm tin rằng, đầu óc suy luận của con người không bao giờ hiểu được Đạo. Trang Tử nói: Cái biết lớn nhất cũng chưa chắc biết, cái lý luận chẳng làm cho con người minh triết hơn. Chân nhân quyết định chống lại hai phương pháp đó.
Sách của Trang Tử chứa đầy những đoạn mang chủ trương của Lão giáo, coi nhẹ vai trò của lý luận và thảo luận, thí dụ:
Con chó sủa hay chưa phải là con chó tốt; người nói hay chưa chắc là người hiền.
Hay:
Một khi biện luận là chỉ thấy được phiến diện.
Lão giáo xem mọi thảo luận logic cũng như nhãn hiệu và đạo lý xã hội là thế giới giả tạo của người đời. Họ không quan tâm gì đến thế giới này, mà chỉ tập trung quan sát thế giới tự thiên để tìm hiểu tính chất của Đạo. Vì thế mà họ phát triển thành một thái độ khoa học và chỉ sự nghi ngờ sâu xa của họ về các phương pháp phân tích đã cản họ không thiết lập những lý thuyết khoa học đúng nghĩa. Nhưng không vì thế mà họ không quan sát thiên nhiên một cách kỹ lưỡng, phối hợp với một trực giác tâm linh mạnh mẽ và điều đó đưa các nhà đạo học Lão giáo đến những tầm nhìn sâu xa, được nhiều lý thuyết khoa học hiện đại thừa nhận.
Một trong những nhận thức quan trọng nhất của Lão giáo là sự biến thiên và thay đổi là đặc tính chủ yếu của thiên nhiên. Một câu nói của Trang Tử cho thấy rõ tầm quan trọng then chốt của sự biến đổi đã được nhận thức khi quan sát thế giới sinh cơ.
Trong sự trưởng thành và biến đổi mọi vật thì mỗi mầm mống, mỗi tính chất đều có dạng hình thích hợp với nó. Qua đó ta thấy sự sinh thành và hoại diệt từng bước của dạng hình đó, thấy dòng chảy liên tục của sự biến dịch.
Trong mọi biến dịch, Lão giáo thấy đó là hiện thân của sự tác động hai cực âm dương và như thế họ tin rằng trong mọi cặp mâu thuẫn hai đối cực tương tác lên nhau một cách năng động. Tư duy phương Tây thật khó chấp nhận tính nhất thể này của mọi cặp đối lập. Đối với chúng ta là một sự nghịch lý khi mọi kinh nghiệm và giá trị mà chúng ta xem là đối lập, cuối cùng chỉ là những mặt của một cái duy nhất. Thế nhưng tại phương Đông, muốn đạt giác ngộ, điều quan trọng là, phải biết “vượt lên những mâu thuẫn thế gian”, và tại Trung Quốc thì mối liên hệ giữa các cực của các mâu thuẫn nằm ngay trong nền tảng của tư duy Lão giáo. Trang Tử nói:
“Bên này” cũng là “Bên kia”. “Bên kia” cũng là “Bên này”. Cốt tuỷ đích thực của đạo là khi “bên này”, “bên kia” không còn mâu thuẫn nữa. Chỉ cái cốt tuỷ này, như một cái trục, là tâm điểm của vòng tròn và trả lời mọi thay đổi không ngừng.
Từ cái nhìn, mọi vận hành của Đạo là một sự tương tác liên tục giữa các cặp mâu thuẫn, Lão giáo rút ra hai qui tắc cơ bản cho thái độ con người. Muốn đạt cái gì thì người ta phải bắt đầu với cái ngược lại. Lão Tử nói:
Hòng muốn thu rút đó lại,
Là sắp mở rộng đó ra.
Hòng muốn làm yếu đó,
Là sắp làm đó mạnh lên
Hòng muốn vứt bỏ đó
Là sắp làm hưng khởi đó.
Hòng muốn cướp đoạt đó,
Là sắp ban thêm cho đó,
ấy gọi là ánh sáng huyền vi.
Ngược lại khi muốn giữ điều gì, ta nên để cho cái ngược lại được tồn tại:
Cái gì cong thì lại ngay;
Cái gì sâu thì lại đầy;
Cái gì cũ thì lại mới.
Đó là cách sống của thánh nhân, người đứng trên một bình diện cao hơn, từ đó mà tính tương đối và sự liên hệ đối cực của các cặp mâu thuẫn đã được nhận thức rõ ràng. Trước hết và trên hết, những cặp mâu thuẫn này cũng hàm chứa khái niệm của tốt - xấu, chúng cũng liên hệ với nhau như âm - dương. Khi đã nhận thức sự tương đối của tốt - xấu và như thế là cả mọi quan niệm về đạo đức, thánh nhân Lão giáo không còn hướng tới cái thiện mà chủ trương giữ một thế cân bằng năng động giữa tốt và xấu. Trang Tử nói rõ điều này:
Nghe nói: “Sao lại bỏ điều phải không làm, không tôn trọng nó, rồi lại cũng không làm điều trái” và “sao lại không theo người trị nước giỏi, không tôn thờ họ, rồi lại cũng không theo kẻ soán nghịch”, nói như thế là không hiểu gì về nguyên lý trời đất và tính chất vạn vật. Nói thế như là theo trời, thờ trời mà bỏ đất; như là theo dương thờ dương mà bỏ âm. Đường đi như thế là hỏng”.
Điều đáng ngạc nhiên là trong thời mà Lão Tử và môn đệ của Ngài phát triển thế giới quan của mình thì những đặc điểm chủ yếu của Lão giáo cũng được một người truyền dạy tại Hy Lạp, giáo lý của người đó ta chỉ biết ít ỏi và ngày nay còn bị hiểu lầm. Người Hy Lạp theo đạo Lão đó là Heraclitus.
Ông cùng quan điểm với Lão Tử là không những nhấn mạnh tính biến động khôn ngừng bằng câu nói nổi tiếng Tất cả đều trôi chảy mà cùng một cách nhìn là mọi biến động có tính tuần hoàn. Ông so sánh trật tự của thế giới với một “ngọn lửa trường cửu, cháy có định mức, tắt có định mức”, một hình ảnh tương tự như cách nhìn Lão giáo về tác động tuần hoàn của âm dương.
Người ta dễ thấy, quan niệm biến động là một tương tác giữa hai cực đối lập đã dẫn Heraclitus và Lão Tử tới sự khám phá rằng, mọi mâu thuẫn có tính hai cực và thống nhất với nhau. Người Hy Lạp này nói triều lên hay xuống cũng chỉ là một, và “Thượng đế là ngày - đêm, là đông - xuân, là hòa- chiến, là đói - no”. Như các nhà Lão giáo, ông xem mỗi cặp đối lập là nhất thể và biết rõ tính tương đối của những khái niệm này. Lời của Heraclitus: “Cái lạnh sẽ nóng dần lên, cái nóng nguội đi, cái ướt khô dần, cái khô thành ướt”, nhắc ta nhớ lời Lão Tử: “Khó và Dễ cùng thành, Cao và Thấp cùng chiều, Giọng và Tiếng cùng họa, Trước và Sau cùng theo”.
Lạ thay sự đồng qui lớn này về thế giới quan của hai nhà hiền triết sống vào thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên được ít người biết đến. Heraclitus được nhắc nhở lại trong nền vật lý hiện đại nhưng không có một ai nói về Lão Tử. Thế nhưng, theo ý kiến tôi, chính nơi đây cho thấy rõ nhất sự tương đồng giữa quan điểm của Ngài và nền vật lý hiện đại.
Khi nói về khái niệm biến dịch của Lão Tử, chúng ta cần làm rõ là sự biến dịch này không nên xem là hệ quả của một lực mà là khuynh hướng chung, bao gồm mọi vật và tình trạng. Sự vận động của đạo không phải do ai tác động mà thành, mà là khuynh hướng hồn hậu tự nhiên. Nguyên lý tác động trong Lão giáo là sự hồn nhiên và vì con người cũng phải thuận theo Đạo nên sự hồn nhiên là một đặc tính của hành động con người. Thuận theo thiên nhiên mà làm đối với Lão giáo có nghĩa là làm một cách hồn nhiên, tùy thuận tự tính. Lão giáo cho rằng cần tin theo trí tuệ trực giác nằm sẵn trong đầu óc con người, cũng như qui luật của biến dịch nằm sẵn trong mọi xung quanh chúng ta.
Hành động của thánh nhân Lão giáo như thế phát xuất từ tuệ giác trực tiếp, hồn nhiên và hòa hợp với xung quanh. Người đó không cần phải ép buộc chính mình hay bất cứ cái gì xung quanh, mà chỉ làm cho hành động phù hợp với vận động của Đạo. Hoài Nam Tử nói:
Cứ theo trật tự tự nhiên, cứ trôi theo dòng của Đạo.
Cách hành động này được triết lý Lão giáo gọi là vô vi, một từ có nguyên nghĩa là không làm gì và được Joseph Needham dịch là không có hành động gì ngược lại với tự nhiên. Ông cho rằng dịch như thế mới đúng và trích lời Trang Tử:
Vô vi không có nghĩa không làm gì và câm lặng. Tất cả đều phải làm, làm cái thiên nhiên làm, làm cho thiên nhiên vui lòng.
Khi không làm những gì ngược với tự nhiên hay nói như Needham: đừng ngược đường đi của sự vật thì người ta hòa hợp với đạo và hành động mang lại thành quả. Đó là ý nghĩa câu nói xem ra bí hiểm của Lão Tử: “không làm mà không có gì là không làm (vô vi nhi vô bất vi)". Cặp đối cực âm - dương không phải chỉ là nguyên lý nền tảng của toàn bộ văn hóa Trung quốc. Khổng giáo có tính suy luận, nam tính, hoạt động và tỏ lộ. Lão giáo ngược lại nhấn mạnh tính chất trực giác, nữ tính, huyền vi và mềm mỏng. Lão Tử nói: “Đừng biết rằng mình biết, đó là hay” và “Thánh nhân làm mà không hành động, dạy mà không dùng lời”. Lão giáo cho rằng khi trở lại tính âm, tính mềm yếu của tự tính con người thì dễ sống một cuộc đời hòa hợp với Đạo hơn. Cứu cánh đó được Trang Tử nói rõ nhất khi mô tả về một thiên đường Lão giáo:
Trước khi sự hỗn loạn xảy ra, người thời xưa có một sự yên tĩnh, sự yên tĩnh của toàn thế giới. Thời đó Âm và Dương còn hòa hợp và tĩnh lặng; sự tĩnh lặng và vận động điều hòa nhau, không chướng ngại; bốn mùa đúng giờ giấc, tuyệt không một vật xảy ra không đúng thời, tuyệt không sinh linh nào chết trước thời hạn. Thời đó con người có đủ khả năng hiểu biết mọi việc nhưng họ không hề sử dụng đến khả năng đó. Đó là điều mà ta gọi là nhất thể tuyệt đối. Thời đó không có hành động gì cả, tất cả chỉ là sự biểu hiện liên tục của tính hồn nhiên.