Chương 15 Điệu Mú Vụ Trụ

31 Tháng Tám 201000:00(Xem: 10898)
Chương 15 
ĐIỆU MÚ VỤ TRỤ

Việc nghiên cứu thế giới hạ nguyên tử trong thế kỷ 20 đã phát hiện tính chất động nội tại của vật chất. Nó cho thấy, thành phần của nguyên tử, các hạt, đều là những cơ cấu động; chúng không hiện hữu như những đơn vị độc lập, mà là phần tử không tách rời của một thể thống nhất, với nhiều mối tương quan.

Những liên hệ này biểu diễn một dòng năng lượng không ngừng nghỉ, năng lượng đó biểu hiện dưới sự trao đổi hạt; một mối liên hệ động , mà trong đó các hạt cứ được tạo thành và phân hủy vô tận qua những cấu trúc năng lượng. Các hạt tương tác sinh ra những cấu trúc ổn định, chính các cấu trúc đó xây dựng nên thế giới vật chất, rồi thế giới vật chất cũng không nằm yên, nó vận động tuần hoàn. Toàn bộ vũ trụ cứ thế mãi mãi lao vào trong hoạt động và vận hành vô tận, trong điệu múa vĩ mô của năng lượng.

Vũ điệu này bao gồm thiên hình vạn trạng những cấu trúc, nhưng lạ lùng thay chúng cho phép ta phân chia chúng dưới vài loại hình nhất định. Sự nghiên cứu các hạt hạ nguyên tử và tương tác của chúng cho phép phát hiện ra một trật tự lớn. Tất cả mọi nguyên tử, tức là tất cả mọi dạng hình của vật chất của thế giới chúng ta chỉ gồm có ba hạt mang khối lượng cấu thành: proton, neutron, electron. Một hạt hạt thứ tư, photon thì phi khối lượng và là đơn vị của các tia bức xạ điện từ. Proton, photon và electron đều là những hạt ổn định, tức là chúng có thể sống vô tận, nếu chúng không rơi vào một cuộc va chạm có thể tiêu diệt chúng. Còn neutron thì ngược lại, nó có thể thình lình tự phân hủy. Sự tự phân hủy này được gọi phân hủy beta (b) và là tiến trình cơ bản của một loại hoạt động phóng xạ nhất định. Trong tiến trình đó, neutron tự biến thành proton, đồng thời sinh ra thêm một electron và thêm một loại hạt phi khối lượng mới, mang tên neutrino. Như proton và electron,neutrino cũng ổn định. Nó thường được biểu diễn bằng chữ Hy Lạp u; cách viết của sự tự phân hủy beta này là :

N > p + e-+ v

Sự phân hủy của neutron thành proton trong nguyên tử của một chất phóng xạ làm cho nguyên tử này chuyển hóa thành một nguyên tử hoàn toàn khác. Trong quá trình này lại có thêm electron được sinh ra nên nó phát ra bức xạ mạnh, bức xạ này được áp dụng rộng rãi trong các ngành sinh vật, y khoa và công nghiệp. Còn neutrino ngược lại, mặc dù chúng cũng được sinh ra với một số lưọng như thế, nhưng rất khó phát hiện ra chúng, vì chúng không có khối lượng, chẳng có điện tích.

Như ta đã biết, cứ mỗi hạt lại có một đối hạt cùng khối lượng nhưng điện tích ngược lại. Đối hạt của photon cũng chính là nó; đối hạt của electron là positron; thế nên ta óc đối hạt antiproton; antineutron và antineutrino. Hạt neutrino sinh ra trong phân hủy beta vì không có khối lượng, nói chính xác, không phải là neutrino mà la antineutrino (`v), cho nên ta phải viết tiến trình này là:

N >p + e- + `v

Đến nay, những hạt được nhắc tới chỉ là một phần nhỏ của các hạt được biết tới. Tất cả mọi hạt khác đều bất ổn định và tự phân hủy biến thành hạt khác trong thời gian rất ngắn, trong số đó một phần lại phân hủy tiếp cho đến khi hình thành một nhóm những hạt ổn định. Việc nghiên cứu các hạt bất ổn định rất tốn công, vì mỗi hạt của chúng phải được sinh ra trong các quá trình va chạm, trong đó ta cần đến các thiết bị gia tốc hạt khổng lồ, buồng đo và các thiết bị phức tạp khác nhằm phát hiện hạt.

Phần lớn các hạt bất ổn đều tồn tại hết sức ngắn ngủi, theo khái niệm con người: nhỏ hơn một phần triệu giây đồng hồ. Thế nhưng ta cần xem đời sống đó trong mối tương quan với độ lớn của chúng, độ lớn đó cũng hết sức nhỏ bé. Nếu nhìn như thế, thì nhiều hạt đó sống tương đối lâu dài và một phần triệu giây đồng hồ trong thế giới hạt thật ra là một khoảng thời gian rất lớn. Trong một giây, con người có thể đi một đoạn dài gấp vài lần cơ thể họ. Thì đó xem như là thời gian mà một hạt đi một đoạn dài gấp vài lần độ lớn của nó: ta có thể xem đơn vị thời gian đó là giây đồng hồ hạt.

Để đi xuyên qua một nhân nguyên tử có độ lớn trung bình, một hạt phải cần khoảng mười giây đồng hồ hạt đó, trong đó hạt đi với vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng, đó là vận tốc khi hạt bị va chạm. Trong một số lượng lớn các hạt phi ổn định thì có khoảng trên hai chục hạt, những hạt này đủ sức xuyên qua nhiều nhân nguyên tử trước khi chúng tự phân hủy. Khoảng cách này như thế dài gấp vài trăm ngàn lần độ lớn của chúng và tương ứng khoảng thời gian vài trăm giờ đồng hồ hạt. Những hạt này được ghi trong bảng trang sau đây, chung với các hạt ổn định đã được nhắc đến. Phần lớn các hạt phi ổn định ghi trong bảng này đều đi được gần cả cen-ti-mét, thậm chí vài cen-ti-mét trước khi chúng tự phân hủy, và những hạt sống lâu nhất, một phần triệu giây, chúng đi cả vài trăm mét trước khi tự phân hủy, so sánh với độ lớn của chúng thì đó là một đoạn đường khổng lồ.

Tất cả những hạt được biết khác thì thuộc về loại cộng hưởng, trong chương sau sẽ được nói kỹ hơn. Đời sống của chúng ngắn hơn nhiều, chỉ vài giây hạt sau là chúng đã phân hủy, chúng chỉ đi được một đoạn dài gấp vài lần độ lớn của chúng. Điều đó có nghĩa là người ta không thể thấy chúng trong buồng đo và chỉ suy đoán gián tiếp sự hiện diện của chúng. Trong buồng đo người ta chỉ thấy vết của các hạt được ghi trong bảng sau đây.

Các hạt ổn định và hạt có đời sống tương đối dài 
Tên Ký hiệu 
 Hạt đối hạt 
 Photon g 
Lepton neutrino V 
Lepton Electron e- 
Lepton Myon m- 
Hadron Menson Pion p+ po p- 
Hadron Menson Kaon K+ Ko Ko K- 
Hadron Menson Eta h 
Hadron Baryon Proton p `p 
Hadron Baryon Neutron n `n 
Hadron Baryon Lambda 
Hadron Baryon Sigma S+ So S- 
Hadron Baryon Cascaden 
Hadron Baryon Omega 

Bảng này trình bày 13 loại hạt khác nhau, trong đó nhiều hạt xuất hiện dưới những dạng điện tích khác nhau. Thí dụ những pion có thể có điện tích dương (p+) hoặc điện tích âm (p-) hay điện tích trung hoà (p0). Có hai loại neutrino, một loại chỉ xuất hiện khi tương tác với electron (v), loại kia chỉ tương tác với myon (vm). Các đối hạt cũng được trình bày, có ba loại hạt (g, p0, h) cũng chíng là đối hạt của mình.Các hạt được xếp thứ tự theo khối lượng càng lúc càng tăng của chúng: photon và neutrino là phi khối lượng, electron có khối lượng bé nhất; các myon, pion và kaon nặng hơn electron khoảng vài trăm lần, các hạt khác nặng hơn từ một đến ba ngàn lần.

Tất cả những hạt này có thể được sinh ra hay phân huỷ trong quá trình va chạm. Mỗi hạt đều có thể được hoán đổi với tính cách là hạt giả và nhờ thế nó tham gia vào sự tương tác giữa những hạt khác. 

Điều này sinh ra một số lượng lớn tương tác giữa các hạt và may thay, mặc dù ta chưa biết nguyên do thế nào, các tương tác đó được xếp thành bốn loại có độ tương tác khác nhau rõ rệt:

-tương tác mạnh 
-tương tác điện từ 
-tương tác yếu và
-tương tác trọng trường 

Trong số bốn loại này đối với chúng ta, tương tác điện từ và trọng trường là gần gũi nhất vì chúng nghiệm được trong đời sống hàng ngày. Tương tác trọng trường tác động lên các hạt nhưng chúng quá nhỏ nên không thể chứng minh bằng thí nghiệm được. Thế nhưng trong thế giới vĩ mô thì vô số các hạt làm nên các vật thể, số lượng đó cộng tương tác trọng trường lại với nhau và sinh ra lực trọng trường, điều hành cả vũ trụ! Tương tác điện từ cũng sinh ra giữa các hạt chứa điện tích. Chúng là nguồn gốc sinh ra các tiến trình hóa học và sinh ra các cấu trúc nguyên tử cũng như phân tử. Tương tác mạnh là lực giữ chặt proton và neutron trong nhân lại với nhau.Chúng chính là lực hạt nhân, là năng lực mạnh nhất vượt xa các lực khác trong thiên nhiên. Sức hút điện từ của nhân nguyên tử lên electron chỉ bằng mười đơn vị (Electro-Volt), trong lúc đó thì lực hạt nhân buộc chặt proton và neutron với một năng lực khoảng mười triệu đơn vị đó.

Những nucleon không phải là những hạt duy nhất bị tương tác mạnh tác động. Đại đa số các hạt đều là những hạt có tương tác mạnh cả. Trong các hạt ngày nay được biết tới, chỉ có năm hạt (và những đối hạt của chúng) không tham dự vào tương tác mạnh. Đó là photon và các lepton được ghi ở đầu bảng. Vì thế, tất cả các hạt được chia thành hai nhóm: lepton và hadron, loại sau có tương tác mạnh. Các hadron lại được chia làm thành menson và baryon, chúng khác nhau nhiều cách, thí dụ tất cả baryon đều có đối hạt riêng, trong lúc menson có thể đồng nhất với đối hạt của mình.

Các lepton là những hạt tham dự vào loại tương tác thứ tư, tương tác yếu. Loại tương tác này yếu và có biên độ nhỏ đến nỗi chúng không ràng buộc gì với nhau được cả, trong lúc ba loại tương tác kia sản sinh ra lực liên kết. Tương tác mạnh thì giữ nhân nguyên tử lại với nhau, tương tác điện từ giữ phân tử và nguyên tử với nhau, tương tác trọng trường giữ hành tinh, thiên thể và thiên hà với nhau. Tương tác yếu chỉ thể hiện trong vài dạng va chạm của hạt và trong sự phân hủy của chúng, như đã nói trong sự phân hủy beta.

Tất cả tương tác giữa các hadron được sinh ra bởi sự hoán chuyển của các hadron khác. Sự chuyển hoá các hạt mang khối lượng này là nguyên nhân tại sao các tác động tương tác chỉ có một biên độ nhỏ. Chúng chỉ vươn xa khoảng được vài lần độ lớn của chúng và vì thế mà không bao giờ xây dựng được một sức mạnh vĩ mô. Vì thế mà chúng ta không chứng nghiệm được loại tương tác mạnh trong đời sống hàng ngày. Ngược lại tương tác điện từ được sinh ra từ sự hoán chuyển của các photon phi khối lượng và biên độ của chúng nhờ thế mà không bị hạn chế, đó là lý do mà ta gặp năng lực điện và từ trong thế giới thông thường. Tương tác trọng trường cũng được cho là do một loại hạt phi khối lượng sinh ra, gọi là graviton. Nhưng chúng quá yếu nên tới nay vẫn chưa quan sát được graviton, mặc dù không có lý do chính đáng nào có thể nghi ngờ được sự tồn tại của nó.

Cuối cùng loại tương tác yếu có một biên độ hết sức ngắn - ngắn hơn nhiều so với biên độ của tương tác mạnh - vì thế người ta cho rằng chúng sinh ra do sự hoán chuyển của các hạt rất nặng. Các giả định đó xem như hiện hữu dưới ba loại với tên là W+, W - và Z. Người ta đoán rằng, chúng đóng một vai trò như photon trong tương tác điện từ, chỉ khác là chúng có khối lượng lớn. Sự song hành này là cơ sở của một phát triển gần đây về một loại thuyết trường lượng tử có tên là thuyết Gauge và có khả năng mang lại một lý thuyết nhất quán về trường, nó hợp nhất được sự tương tác điện từ và tương tác yếu.

Trong nhiều quá trình va chạm của vật lý năng lượng cao thì sự tác động của tương tác điện từ, tương tác mạnh và tương tác yếu sinh ra một hậu quả phức tạp với nhiều tiến trình sau đó. Những hạt bị va chạm ban đầu thường bị phân hủy, rồi nhiều hạt mới được sinh ra, chúng lại bị va chạm hay tự phân hủy thành những hạt ổn định, có khi qua nhiều lần khác nhau. Hình sau cho thấy hình chụp trong buồng đo, trong đó có cả một loạt những tiến trình sinh thành và phân hủy. Đó là một sự minh họa đầy thuyết phục về tính biến dịch của vật chất trên bình diện hạt và cho thấy sự tuôn trào của năng lựợng, trong đó những cơ cấu hay hạt khác nhau được hình thành và phân hủy.

Hình trên: một tiến trình phức tạp của sự va chạm hạt và hủy diệt: một pion mang điện tích âm (p-) đến từ bên trái và va chạm với một proton - tức là với nhân của một nguyên tử hydrogen - đã nằm chờ sẵn trong buồng đo; hai hạt này đều bị hủy diệt và sinh ra một neutron (n) với thêm hai kaon (K và K+). Neutron bay xa mà không để lại dấu vết gì, K đụng một proton khác trong buồng đo, hai hạt này hủy diệt lẫn nhau và sinh ra một lambda (l) và một photon (g). Thế nhưng cả hai hạt này đều không thấy được, vì l sau đó đã phân hủy nhanh chóng thành một proton và một p -, cả hai hạt này để lại dấu vết. Ta có thể thấy trong hình khoảng cách ngắn từ lúc sản sinh l và lúc phân hủy. Còn K + hình thành trong sự va chạm ban đầu bay được một đoạn và phân hủy thành ba pion.

Trong tiến trình sau đây, sự hình thành của vật chất thật sự gây ấn tượng mạnh, khi một photon (g) phi khối lượng mang năng lượng cao, vô hình trong buồng đo bỗng nổ ra, biến thành một cặp hạt mang điện tích (một electron và một positron), hai hạt này bay theo hai đường cong ngày càng xa nhau. Hình sau đây cho thấy một thí dụ tuyệt đẹp của tiến trình này, trong đó hai cặp này được sinh ra.

Một loạt tiến trình, trong đó hai cặp được hình thành: một K phân hủy thành một p - và hai photon (g), rồi từ mỗi g lại sinh ra một cặp electron-positron, positron (e +) bay về phía phải, electron (e -) bay lên phía trái

Năng lượng ban đầu của tiến trình va chạm càng cao thì càng nhiều hạt được sinh ra. Hình bên cho thấy sự hình thành của tám pion trong một sự va chạm giữa một đối hạt antiproton và một proton và hình kế tiếp cho thấy một trường hợp cực hiếm: sự hình thành của mười sáu hạt chỉ trong một sự va chạm duy nhất giữa một pion và một proton.

Sự hình thành tám pion trong tiến trình va chạm giữa một đối hạt antiproton (`p) và một proton (proton nằm chờ sẵn trong buồng đo, do đó không thấy đường đi).

Tất cả những tiến trình va chạm này đều được cố ý thực hiện trong phòng thí nghiệm với những máy móc khổng lồ, trong đó hạt được gia tốc để đạt năng lượng cần thiết. Trên mặt đất, phần lớn các tiến trình tự nhiên không đủ năng lượng để sinh hạt. Thế nhưng trong không gian, tình hình hoàn toàn khác hẳn. Các hạt hạ nguyên tử xuất hiện tại trung tâm thiên thể với số lượng lớn, trong đó tiến trình va chạm tương tự như trong phòng thí nghiệm với gia tốc cao, chúng diễn ra một cách liên tục trong thiên nhiên. Trong vài thiên thể, những tiến trình này sinh ra những bức xạ điện từ cực mạnh dưới dạng sóng radio, sóng ánh sáng hay quang tuyến X, chúng giúp các nhà thiên văn học có thêm các nguồn thông tin về vũ trụ. Như thế không gian giữa các thiên hà là đầy những bức xạ điện từ có tần số khác nhau, tức là đầy những photon với cường độ năng lượng khác nhau. Thế nhưng chúng không phải là những hạt duy nhất bay trong không gian. Cùng với photon, những bức xạ vũ trụ này cũng còn chứa những hạt khối lượng các loại, nguồn gốc của chúng không được rõ. Phần lớn chúng là proton, một số trong đó mang năng lượng cực lớn, hơn xa năng lượng của những thiết bị gia tốc mạnh nhất.

Khi những bức xạ vũ trụ mang năng lượng cực mạnh này đụng khí quyển trái đất thì chúng sinh ra va chạm với nhân của các phân tử không khí và sinh ra nhiều hạt phụ, các hạt phụ này hoặc bị phân hủy hoặc va chạm tiếp, lại sinh ra các hạt khác, lại phân hủy hay va chạm, cứ thế cho tới lúc các hạt cuối cùng chạm mặt đất. Theo cách thế này mà một proton duy nhất, khi đã đến vùng khí quyển mặt đất, có thể gây nên cả một loạt tiến trình, trong đó nguồn động năng ban đầu của nó biến thành một đám mưa chứa nhiều hạt khác nhau, các hạt đó dần dần được hấp thụ khi chúng đi vào không khí với nhiều cuộc va chạm. Thế nên, hiện tượng của những tiến trình va chạm được quan sát trong phòng thí nghiệm cao năng lượng thực tế xảy ra liên tục trong tự nhiên, chỉ khác là trong bầu khí quyển, chúng xảy ra mãnh liệt hơn nhiều, đó là một dòng năng lượng liên tục, dòng đó đi suốt một quá trình nhảy múa tuần hoàn của hình thành và phân hủy của một số lớn những hạt. Dưới đây là hình ảnh hoành tráng của vũ điệu năng lượng đó, tình cờ được ghi lại trong buồng chụp của Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân của châu Âu CERN, xem như sự phát kiến bất ngờ về vũ trụ trong một cuộc thí nghiệm.

Không phải tất cả các tiến trình của hình thành và phân hủy trong thế giới hạt đều có thể ghi lại trong buồng đo. Có những sự hình thành và phân hủy của các hạt giả, chúng được hoán chuyển trong sự tương tác các hạt, nhưng chúng hiện diện quá ngắn ngủi nên không thể quan sát. Hãy giả định sự hình thành hai hạt pion trong tiến trình va chạm của một proton và đối hạt antiproton. Biểu đồ không - thời gian của biến cố này được vẽ như sau:

Người ta thấy rằng, trong biểu đồ này vạch vũ trụ của proton (p) và antiproton (`p), chúng va chạm nhau trong một điểm của không gian - thời gian, phá hủy lẫn nhau và sinh ra hai pion (p + và p -). Thế nhưng biểu đồ này chưa biểu diễn đầy đủ hình ảnh thật sự. Sự tương tác giữa proton và antiproton có thể xem là sự hoán chuyển của một neutron giả, như biểu đồ sau đây cho thấy:

Tương tự như thế, quá trình bên, trong đó một proton và antiproton va chạm sinh ra bốn pion, có thể được diễn giải là một sự hoán chuyển phức tạp của ba hạt giả, ba hạt này gồm có hai neutron và một proton.

Hình này chỉ có tính chất tượng trưng và không chỉ đúng các góc của đường đi của hạt. Ta cần chú ý proton nguyên thủy nằm đợi trong buồng đo, nó không hiện lên trong hình chụp, nhưng trong biểu đồ không - thời gian nó lại được biểu diễn vì nó vận động trong thời gian.

Thí dụ này cho thấy những hình chụp trong buồng đo thật ra chỉ là một hình ảnh thô sơ về sự tương tác giữa các hạt. Tiến trình thật sự chính là một loạt hoán chuyển phức tạp của những hạt. Tình hình thực sự phức tạp hơn, nếu người ta nhớ rằng, mỗi hạt tham gia vào quá trình tương tác bản thân đó cũng liên tục phát ra những hạt giả và hấp thụ chúng lại. Thí dụ một proton luôn luôn phát ra một pion trung hòa p 0; có khi nó lại phát ra một p + và tự biến thành neutron n, sau đó lại hấp thụ p + rồi trở thành proton. Trong trường hợp đó thì biểu đồ Feyman của poton phải được thay thế bằng những biểu đồ như hình sau.

Trong những tiến trình giả này thì một hạt nguyên thủy có thể biến mất hoàn toàn trong một thời gian ngắn, như trong tiến trình (b) cho thấy. Lấy thí dụ khác, một pion âm p-, có thể tự biến thành một neutron (n) và một đối hạt antiproton (`p), hai hạt giả này tự hủy diệt lẫn nhau để trở thành pion nguyên thủy:

Cần nhớ rằng tất cả những tiến trình này đều tuân thủ quy luật của thuyết lượng tử, tức là tuân thủ phép xác suất, nó chỉ nói lên khuynh hướng có thể xảy ra chứ không nói chúng nhất định sẽ xảy ra. Với một xác suất nhất định, mỗi một proton chỉ có khả năng hiện hữu với dạng proton và p0(a), hay neutron và p+ (b) và với những dạng khác. Những thí dụ nêu trên chỉ là những tiến trình giả đơn giản nhất. Nhiều tiến trình phức tạp hơn hẳn sẽ xảy ra khi những hạt giả sinh ra những hạt giả khác và do đó mà tạo nên cả một mạng lưới những tiến trình tương tác giả. Trong tác phẩm The World of Elementary Paticles (Thế giới các hạt cơ bản) Kenneth Ford dựng nên một thí dụ phức tạp của một mạng lưới gồm sự hình thành và phân hủy của 11 hạt giả và ghi chú thêm: “Biểu đồ cho thấy một loạt những biến cố, nhìn xem thì thấy hỗn độn, nhưng hoàn toàn thực tế. Thỉnh thoảng mỗi proton chuyển động đúng như trong vũ điệu hình thành và phân hủy này”.

Ford không phải là nhà vật lý duy nhất sử dụng cách nói như “sự nhảy múa của hình thành và phân hủy” hay nhảy múa năng lượng. Hình ảnh về nhịp điệu và nhảy múa sẽ hiện đến khi ta hình dung về dòng năng lượng chảy qua các cấu trúc, những cấu trúc sinh ra thế giới của các hạt cơ bản. Nền vật lý hiện đại đã chỉ rõ, rằng vận động và nhịp điệu là tính chất cơ bản của vật chất; rằng mọi vật chất, dù trên mặt đất hay trong không gian, đều tham gia vào một vũ điệu liên tục của vũ trụ.

Các xác suất của chúng cũng không hề tuỳ tiện, chúng bị hạn chế bởi một số qui luật mà trong chương 16 sẽ bàn tới.

Nhà đạo học phương Đông có một quan điểm động về vũ trụ, tương tự như vật lý hiện đại và vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi họ cũng dùng hình ảnh của vũ điệu. Trong tác phẩm Tibetan Journey (Thời gian sống tại Tây Tạng), Alexandra David Neel kể lại một thí dụ đẹp về hình ảnh đó của tiết điệu và nhảy múa, trong đó bà kể về một vị Lạt-ma, người tự nhận là “đạo sư âm thanh” đã kể cho bà nghe quan niệm của mình về vật chất như sau:

Mọi sự đều do nguyên tử tập hợp lại, những nguyên tử đó nhảy múa và qua sự vận động của chúng mà sinh ra âm thanh. Nếu nhịp điệu của điệu múa thay đổi thì âm thanh phát ra cũng thay đổi… mỗi một nguyên tử là một bài ca bất tận và mỗi một âm thanh hình thành trong mỗi chớp mắt bằng những dạng hình cô đọng và tinh tế. 

Sự tương đồng của quan điểm này với nền vật lý hiện đại tỏ rõ khi ta nhớ rằng, âm thanh là một sóng có tần số nhất định, tần số đó thay đổi theo âm thanh cao thấp và nhớ rằng, hạt cơ bản, khái niệm hiện đại của nguyên tử, chẳng qua cũng chỉ là sóng mà tần số tỉ lệ với năng lượng của chúng. Theo thuyết lượng tử thì quả thật mỗi hạt cơ bản ca bài ca bất tận của nó và sản sinh ra những cơ cấu năng lượng có tiết điệu (những hạt giả) trong dạng hình cô đọng và tinh tế.

Hình tượng của về vũ điệu vũ trụ được diễn tả sâu sắc và đẹp đẽ nhất trong Ấn Độ giáo với hình ảnh của thần Shiva nhảy múa. Một trong những hiện thân của Shiva - một trong những vị thần Ấn Độ xưa cũ nhất và cũng được ngưỡng mộ nhất - là vị hoàng đế vũ công. Trong niềm tin của Ấn Độ giáo thì tất cả đời sống chỉ là một phần trong tiến trình tuần hoàn của sinh thành và hoại diệt, của tử vong và tái sinh, và điệu nhảy của Shiva biểu diễn tiết điệu vô cùng này của sống chết, nó tiếp diễn trong vô tận đại kiếp. Hãy nghe lời của Anada Coomaraswamy:

Trong đêm tối của Brahman thì thế giới tự nhiên bất động và không thể nhảy múa, cho đến ngày Shiva muốn: từ báo thân của mình, ngài đứng dậy và gửi cho vật chất đang im lìm những sóng nhảy múa hầm hập gồm toàn âm thanh thức tỉnh và xem kìa! Vật chất sống dậy, nhảy múa và biến thành hào quang nằm quanh Ngài. Trong lúc nhảy múa Ngài giữ vững tính thiên hình vạn trạng của hiện tượng. Vẫn tiếp tục nhảy múa, theo thời gian, Ngài dùng lửa hủy diệt mọi sắc danh và tạo lại sự tĩnh lặng. Đây là thi ca mà cũng chính là khoa học.

Vũ điệu của Shiva không những biểu diễn sự tuần hoàn sinh diệt của vũ trụ mà cũng là nhịp điệu hàng ngày của sống chết, đối với đạo học Ấn Độ thì nhịp điệu đó là cơ sở của mọi hiện hữu. Đồng thời Shiva nhắc nhở chúng ta hiện tượng muôn vẻ đó trong thế gian chỉ là do ảnh - nó không cơ bản, nó chỉ là ảo giác và liên tục biến đổi. Ngài tạo ra nó rồi hủy diệt nó trong dòng nhảy múa bất tận của mình, như Heinrich Zimmer mô tả:

Vũ điệu ào ạt và cao quý của Ngài gia tăng thêm cho sự ảo giác về vũ trụ. Tay chân quay cuồng và cơ thể uốn lượn của Ngài kích thích sự sinh thành và hoại diệt liên tục của vũ trụ, trong đó cái tử cân bằng với cái sinh và sự hủy diệt luôn luôn chấm dứt sự sinh thành.

Nghệ sĩ Ấn Độ của thế kỷ thứ 10, thứ 12 đã diễn tả thần Shiva nhảy múa tuyệt đẹp bằng tượng đồng với hình ảnh bốn tay, với sự cân bằng tuyệt hảo nhưng lại trình bày được tính chất động của nhịp điệu và tính nhất thể của đời sống. Những ý nghĩa khác nhau của điệu múa được diễn tả bằng những chi tiết bức tượng qua một biểu tượng phức tạp. Tay phải bên trái phía trên của thần cầm trống, đại diện cho âm thanh sinh thành nguyên thủy, tay trái phía trên là ngọn lửa, yếu tố của hủy diệt. Sự cân bằng của hai tay này đại diện cho sự cân bằng động giữa sinh thành và hoại diệt trong thế giới, được khắc hoạ thêm nhờ khuôn mặt tĩnh lặng và ánh sáng ngời của vũ công giữa hai tay, trong đó có sự đối cực của thành hoại đã bị vượt lên và chuyển hóa. Tay phải thứ hai bắt ấn vô úy và biểu diễn tính bảo toàn, cứu nguy và an lạc; trong lúc tay trái kia chỉ xuống chân đang nhấc lên, tượng trưng cho sự giải thoát khỏi ảo giác. Vị thần nhảy múa trên xác quỷ, quỷ tượng tưng cho sự vô minh của con người, nó phải được đối trá để đạt sự giải thoát.

Vũ điệu Shiva, nói như Coomaraswamy, là “hình ảnh rõ nhất của hoạt động thượng đế, mà bất cứ nghệ thuất hay tôn giáo nào muốn ca tụng”. Vì Thượng đế ở đây là hóa thân của Brahman nên hoạt động của Ngài chính là muôn hình vạn trạng những xuất hiện của Brahman trong thế giới. Vũ điệu của Shiva chính là vũ trụ đang nhảy múa, là nguồn năng lượng bất xuyên chảy qua vô cùng những cấu trúc đang xen kẽ vào nhau.

Nền vật lý hiện đại đã chỉ rõ, rằng nhip điệu sinh thành và biến hoại không không những chỉ là bốn mùa xuân hạ thu đông và sự sống chết của sinh vật, mà còn trong bản chất đích thực của vật chất vô sinh. Theo thuyết trường lượng tử thì tất cả mọi tương tác của mọi nguyên tố cấu thành vật chất diễn ra thông qua sự hình thành và hấp thụ các hạt giả. Hơn thế nữa, điệu múa thành hoại chính là cơ sở hiện hữu của vật chất, vì tất cả các hạt vật chất cơ bản thông qua sự sản sinh và tái hấp thụ các hạt giả mà tự tương tác với chính mình. Thế nên, nền vật lý hiện đại đã khám phá rằng, mỗi hạt hạ nguyên tử không những chỉ có một sự nhảy múa năng lượng, mà là một sự nhảy múa, bản thân nó là một tiến trình đầy sức sống của sinh thành và hoại diệt.

Cấu trúc của vũ điệu này là khía cạnh chủ yếu và quy định tính chất mỗi hạt. Thí dụ năng lượng tham gia khi phát ra hay hấp thụ hạt giả là tương ứng với khối lượng tương tự của hạt tương tác. Vì thế những hạt khác nhau có vũ điệu khác nhau, năng lượng và khối lượng khác nhau. Cuối cùng các hạt giả không những là chủ yếu trong sự tương tác hạt và tính chất của chúng, mà còn bị không gian trống rỗng sinh ra và huỷ diệt. Cho nên không phải chỉ vật chất thôi mà cả không gian trống rỗng cũng tham gia vũ điệu, hình thành và phân huỷ các cấu trúc năng lượng, kéo dài vô tận.

Theo huyền thoại Ấn Độ giáo nói về một tiến trình liên tục của thành hoại của toàn vũ trụ, thì tiến trình này là cơ sở của mọi hiện hữu và của mọi hiện tượng tự nhiên. Cách đây hàng trăm năm, nghệ sỹ Ấn Độ đã diễn tả Shiva nhảy múa bằng tượng đồng. Ngày nay thì nhà vật lý đã dùng những phương tiện hiện đại nhất để diễn tả những cấu trúc của nhịp điệu vũ trụ đó. Những hình ảnh ghi lại sự tương tác hạt trong buồng đo, những hình minh chứng tiết điệu thành hoại liên tục của vũ trụ, là những hình ảnh thấy được của điệu múa Shiva, những hình ảnh đó có thể đặt ngang hàng với vẻ đẹp và ý nghĩa sâu kín với các tác phẩm của Ấn Độ. Như thế, những biểu tượng của điệu múa vũ trụ này đã thống nhất huyền thoại cũ xưa, nghệ thuật tôn giáo vật lý hiện đại lại vào một mối. Thực tế đó là thi ca mà cũng chính là khoa học.
 
 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn