Lời Cuối

31 Tháng Tám 201000:00(Xem: 12059)
Lời Cuối

Triết học tôn giáo phương Đông quan tâm đến những nhận thức đạo học vượt thời gian, chúng nằm ngoài suy luận và không thể diễn đạt tới nơi bằng chữ nghĩa. Mối liên hệ của những nhận thức này với vật lý hiện đại chỉ là một trong nhiều khía cạnh và, cũng như cái khác, không thể trình bày tới cùng, mà phải chứng nghiệm bằng con đường trực giác. Thế nhưng, điều mà tôi muốn đạt tới, trong chừng mực nhất định, không phải là một sự trình bày cứng nhắc, mà tạo cho độc giả cơ hội tự nếm trải một kinh nghiệm, đối với tôi nó đã thành suối nguồn của niềm vui và cảm khái liên tục; đó là những lý thuyết và mô hình chính yếu của vật lý hiện đại dẫn tới một thế giới quan, chúng tương thích từ trong bản chất và hòa hợp toàn hảo với quan điểm của đạo học phương Đông.

Ai đã thực chứng mối hòa hợp này, thì sự quan trọng của tính song hành nổi bật giữa thế giới quan của nhà vật lý và nhà đạo học, đối với người đó không còn đáng nghi ngờ gì. Thế thì câu hỏi thú vị cho bây giờ không phải là liệu chúng song hành hay không, mà tại sao, và hơn nữa, chúng gợi cho ta điều gì.

Nhằm hiểu ngộ cái bí ẩn của đời sống, mọi người có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Trong những cách đó, có cách thế của khoa học và đạo học, nhưng còn nhiều cách khác nữa; cách của nhà thơ, của trẻ con, của chú hề, của nhà phù thủy... nếu ta muốn kể thêm vài cách. Những cách này dẫn đến những mô tả khác nhau về thế giới, với ngôn ngữ hay phi ngôn ngữ, chúng nhấn mạnh đến nhiều khía cạnh khác nhau. Tất cả đều có giá trị và hữu ích trong phạm vi mà chúng xuất hiện. Tuy nhiên, tất cả những cách đó, chỉ là sự mô tả hay biểu tượng của thực tại và vì thế có giới hạn. Không cách nào có thể cho một hình ảnh toàn triệt về thế giới.

Quan điểm về thế giới cơ học của vật lý cổ điển là hữu ích cho sự mô tả các loại hiện tượng vật lý mà chúng ta gặp trong đời sống hàng ngày, và vì thế mà phù hợp để giải quyết những vấn đề của môi trường sống hàng ngày. Nó cũng chứng minh sự thành công xuất sắc, với tính cách là cơ sở của kỹ thuật. Tuy thế nó không phù hợp khi mô tả các hiện tượng vật lý trong lĩnh vực vi mô. Ngược lại với quan điểm cơ giới về thế giới là cái nhìn của nhà đạo học, đó là cái nhìn hữu cơ, vì nó nhìn mọi hiện tượng trong vũ trụ là những thành phần tổng hòa của một cái toàn thể hòa hợp không thể chia cắt. Thế giới quan này xuất phát trong truyền thống đạo học, từ những dạng thiên định của ý thức. Khi mô tả thế giới, nhà đạo học dùng những khái niệm xuất phát từ những thực chứng phi thường đó và, nói chung là không phù hợp cho một sự mô tả khoa học về hiện tượng vĩ mô. Thế giới quan sinh cơ cũng không thuận lợi để chế tạo máy móc, cũng chẳng giải quyết được những vấn đề kỹ thuật của một thế giới nhân mãn.

Trong đời sống hàng ngày, cả hai cách nhìn cơ học và hữu cơ của vũ trụ đều có giá trị và đều hữu ích; một cái thì cho khoa học và kỹ thuật, cái kia thì cho sự thăng bằng và thỏa ứng đời sống tinh thần. Thế nhưng, bên kia môi trường hàng ngày của chúng ta, quan niệm cơ học mất giá trị và cần được thay thế bởi quan điểm hữu cơ, mà chúng rất giống với quan điểm sử dụng bởi nhà đạo học. Đây chính là kinh nghiệm cốt tủy của vật lý hiện đại, nó là đề tài của những thảo luận này của chúng ta. Vật lý của thế kỷ 20 đã chỉ ra rằng, phương thức của thế giới quan hữu cơ, mặc dù nó có giá trị đối với khoa học và kỹ thuật ở mức độ con người, đã trở nên hết sức hữu ích trong phạm vi nguyên tử và hạ nguyên tử. Quan điểm hữu cơ vì thế có lẽ là cơ bản hơn cái nhìn cơ học. Vật lý cổ điển, vốn đặt trên tính cơ giới, có thể suy luận từ thuyết lượng tử mà ra, thuyết lượng tử bao trùm thuyết cổ điển, nhưng không ngược lại. Điều này cho ta câu trả lời đầu tiên, tại sao có thể tin được thế giới quan của vật lý hiện đại và của đạo học phương Đông tương đồng với nhau. Cả hai xuất phát từ chỗ khi tìm hiểu tự tính cốt tủy của sự vật - khi đi vào lĩnh vực sâu xa của vật chất trong vật lý; khi đi vào lĩnh vực sâu xa của ý thức trong đạo học - thì ta khám phá một thực tại nằm sau bộ mặt cơ giới nông cạn của đời sống hàng ngày.

Sự tương đồng giữa cái nhìn của nhà vật lý và đạo học trở nên dễ hiểu hơn khi ta nhớ lại những tương đồng khác đã có, mặc dù hai bên có hai cách khác nhau để tiếp cận thực tại. Trước hết, phương pháp của cả hai đều là thực nghiệm. Nhà vật lý suy luận ra nhận thức của họ thông qua thí nghiệm; nhà đạo học suy ra nhận thức của họ từ chứng thực thiền quán. Cả hai đều là sự quan sát, và trong cả hai bên, quan sát được xem là nguồn suối duy nhất của nhận thức. Tất nhiên là đối tượng quan sát rất khác nhau cho hai trường hợp. Nhà đạo học nhìn về phía trong và khám phá ra ý thức của mình trong nhiều tầng mức khác nhau, kể cả tầng mức thấy thân thể chính là hiện thân của tâm thức. Thực chứng về thân người này, thực ra là được coi trọng trong nhiều truyền thống phương Đông và thường được xem là chìa khóa mở cánh cửa chứng nghiệm huyền bí về thế giới. Khi chúng ta mạnh khỏe, ta không thấy có phần thân thể nào tách rời thân ta mà ý thức chúng là một cái toàn thể và ý thức này sinh ra một cảm giác dễ chịu và an lạc. Tương tự thế, nhà đạo học ý thức về một cái toàn thể của toàn bộ vũ trụ, nó được chứng thực như thân thể được mở rộng. Sau đây là những dòng của Lama Govinda:

Đối với người giác ngộ... ý thức của họ bao trùm vũ trụ, vũ trụ trở thành “thân” của người đó, còn ứng thân (Thân) của người đó thành một biểu hiện của tâm thức vũ trụ, quán sát nội tại ( Ý) của người đó trở thành thực tại cao tột và ngôn ngữ (Khẩu) của người đó trở thành sự thực vĩnh hằng và có sức mạnh thần diệu.

Ngược với đạo học, nhà vật lý bắt đầu tìm tòi về tự tính sự vật bằng cách nghiên cứu thế giới vật chất. Xuyên suốt vào các tầng sâu kín của sự vật, anh ta đã ý thức tính nhất thể cốt tủy của sự vật và biến cố. Hơn thế nữa, anh ta đã biết rằng chính bản thân và ý thức của mình cũng là phần bất khả phân của cái toàn thể đó. Thế nên nhà đạo học và nhà vật lý đã tới một kết luận chung; người thì bắt đầu bằng nội tâm, kẻ bắt đầu từ ngoại giới. Sự hòa điệu giữa những cái nhìn của họ xác định minh triết cổ xưa của Ấn Độ rằng Brahman, thực tại ngoại giới cuối cùng, là đồng thể với Atman, thực tại nội tâm.

Một sự tương đồng nữa giữa phương pháp của nhà vật lý và nhà đạo học là những quan sát của họ nằm trong những lĩnh vực mà giác quan bình thường không với tới được. Trong vật lý hiện đại, đó là lĩnh vực của nguyên tử và hạ nguyên tử; trong đạo học, đó là tình trạng phi thường của ý thức; trong đó thế giới giác quan được chuyển hóa. Nhà đạo học hay nói về những thực chứng ở một mức độ cao, nơi đó ấn tượng của các trung tâm ý thức khác nhau hòa hợp vào một cái chung. Một tình trạng tương tự cũng có trong vật lý hiện đại, nơi mà không gian - thời gian bốn chiều được sử dụng, nhờ đó mà thống nhất được các khái niệm và quan sát thuộc những chủng loại khác nhau của một thế giới ba chiều thông thường. Trong cả hai trường hợp, những kinh nghiệm nhiều chiều đã chuyển hóa thế giới cảm quan và vì thế mà hầu như không diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường được.

Ta thấy rằng phương pháp của nhà vật lý hiện đại và của nhà đạo học phương Đông, mới đầu thì thấy hoàn toàn không liên quan gì đến nhau, nhưng thực tế lại rất trùng hợp.

Bởi vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng có những tương đồng to lớn trong mọi mô tả thế giới. Một khi những tương đồng đó giữa khoa học phương Tây và đạo học phương Đông đã được thừa nhận, một loạt câu hỏi sẽ được đặt ra về hệ quả của chúng. Phải chăng khoa học hiện đại, với tất cả những máy móc tinh xảo của nó, chỉ đang phát hiện lại những minh triết cổ xưa, đã được các thánh nhân phương Đông biết đến từ cả ngàn năm trước? Vì thế mà phải chăng nhà vật lý hãy từ bỏ phương pháp khoa học và bắt đầu thiền định? Hay là có một sự ảnh hưởng qua lại giữa khoa học và đạo học, thậm chí một sự tổng hợp?

Tôi nghĩ rằng phải trả lời những câu hỏi đó bằng cách nói “không”. Tôi thấy khoa học và đạo học là hai biểu hiện bổ túc lẫn nhau của tư duy con người, của khả năng suy luận và khả năng trực giác. Nhà vật lý hiện đại chứng nghiệm thế giới thông qua sự chuyên môn tột cùng của tư duy trừu tượng; nhà đạo học thông qua sự chuyên môn tột cùng của trực giác. Hai cách tiếp cận này hoàn toàn khác nhau và chứa đựng nhiều hơn hẳn một cái nhìn về thế giới vật lý thuần túy. Thế nhưng, chúng bổ túc lẫn nhau, như chúng ta thường nói trong vật lý. Không cái nào chứa đựng cái kia, cũng không cái nào suy ra được cái kia, nhưng cả hai chúng đều cần thiết, chúng bổ túc lẫn nhau để có thể hiểu thế giới một cách hoàn toàn. Hãy nhắc lại một tục ngữ Trung Quốc, nhà đạo học biết gốc rễ của Đạo nhưng không biết cành ngọn; nhà khoa học hiểu cành ngọn nhưng không biết gốc rễ. Khoa học không cần biết tới đạo học, đạo học không cần biết tới khoa học, nhưng con người cần cả hai. Những kinh nghiệm đạo học là cần thiết để hiểu tự tính sâu kín của mọi vật và khoa học cần cho đời sống hiện đại. Vì thế điều ta cần, không phải là một sự tổng hợp mà là một sự tương tác động giữa trực giác đạo học và phân tích khoa học.

Đến nay, điều này vẫn chưa thực hiện được trong xã hội chúng ta. Hiện nay thái độ của ta là quá dương - nói theo cách nói Trung Quốc - quá nặng suy luận, quá nam tính và hiếu thắng. Bản thân các nhà khoa học là những thí dụ tiêu biểu. Mặc dù các lý thuyết của họ đang dẫn đến thế giới quan tương tự như của đạo học, điều nổi bật là, thực tế này không ảnh hưởng bao nhiêu lên thái độ sống của phần lớn nhà khoa học. Trong đạo học, nhận thức không tách rời một lối sống nhất định, đó là sự biểu hiện sống động của nhận thức. Đạt tới những tri thức huyền bí có nghĩa là phải qua một sự chuyển hóa. Còn nhận thức khoa học, mặt khác, thường vẫn giữ tính chất trừu tượng và lý thuyết. Thế nên phần lớn các nhà khoa học ngày nay xem ra không hiểu ngộ được những gì do lý thuyết của chính họ đem lại về triết học, văn hóa và tâm linh. Nhiều người trong họ vẫn tiếp tục ủng hộ một xã hội xây dựng trên một thế giới quan cơ học, phiến diện, mà không thấy rằng khoa học đã bỏ qua cái nhìn đó, hướng về một cái nhất thể của vũ trụ, nó không những chỉ bao hàm đời sống chung quanh ta mà còn những con người khác nữa. Tôi nghĩ rằng thế giới quan của vật lý hiện đại là không tương thích với xã hội hiện nay của chúng ta, xã hội đó không phản ánh gì mối tương quan hòa hợp mà ta quan sát được trong thiên nhiên. Nhằm đạt được một tình trạng thăng bằng động như thế, ta cần một cấu trúc xã hội và kinh tế hoàn toàn khác: một cuộc cách mạng văn hóa trong cảm quan đích thực về thế giới. Cuối cùng, toàn bộ nền văn minh của chúng ta có sống được hay không, có lẽ phụ thuộc vào điều là liệu chúng ta có đủ khả năng tiếp nhận thái độ âm của đạo học phương Đông; để chứng thực tính toàn thể của thiên nhiên va cách sống trong đó một cách hòa hợp. 
 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn