Không Có Gì Bảo Đảm, Ngoài Giây Phút Hiện Tại Michael Carroll Dịch Việt: Diệu Liên Lý Thu Linh &…

02 Tháng Mười 201200:00(Xem: 28530)

KHÔNG CÓ GÌ BẢO ĐẢM, 
NGOÀI GIÂY PHÚT HIỆN TẠI 

MICHAEL CARROLL
Dịch Việt: Diệu Liên Lý Thu linh &…

tinhthuctrongcongviec3smTỉnh thức trong công việc không phải là một trạng thái tinh thần an định hay sáng suốt mà chúng ta đạt được ở một thời điểm nào đó, lúc ta cuối cùng thành công, đạt được sự tỉnh thức, một lần cho tất cả. Không có kết quả cuối cùng nào để ta hướng đến, không có trạng thái tinh thần hay vật chất nào mà ta có thể đạt được, thí dụ như được thăng chức thành giám đốc. Đúng hơn, tỉnh thức trong công việc là giải quyết công việc một cách chính xác, chân thật, trực tiếp khi công việc liên tục phát triển, trong từng giây từng phút, mà không có sự phân biệt hay thành kiến. Phút này điện thoại yên lặng, phút tới nó reo lên. Hôm nay chúng ta có việc làm; các bổn phận và trách nhiệm đặt trước mặt ta. Hôm sau ta mất việc – không còn trách nhiệm, bổn phận gì. Lúc ta bán được hàng, lúc ta ế ẩm. Tỉnh thức trong công việc là tham gia vào từng tình huống ngay trước mắt, khi nó đang còn tinh khôi, mới mẻ và đầy bất trắc. Khi tham gia một cách tỉnh thức trong công việc từng giây phút, chúng ta luôn tự vấn tôi là ai. Cũng giống như các tình huống trong công việc, chúng ta thay đổi và chuyển hóa. Chúng ta là ai và chúng ta muốn trở thành ai là những điều không chắc chắn giống như những tình huống mà chúng ta phải đối mặt. Dầu cố gắng đến mấy, chúng ta cũng khó có được một tánh cách cố định nơi làm việc. Hôm nay chúng ta được đánh giá là biết giúp đỡ, hỗ trợ đồng nghiệp; ngày mai người khác xem ta là kẻ gây rối. Vừa được đề bạt lên chức thì phấn khởi được phút trước, kế đó là gánh nặng, trách nhiệm, và nhiều khi chức vị đó cũng chẳng có ý nghĩa gì cả. Hôm nay chúng ta có thể là người lãnh đạo, trưởng nhóm, hoặc một nhà giao dịch giỏi. Ngày mai chúng ta thất nghiệp, không còn uy tín, mà lông bông, loay hoay kiếm tìm. Tỉnh thức trong công việc là xác nhận rằng tất cả mọi thứ – công việc làm và hình ảnh của ta ở nơi làm việc - đều luân lưu, không ngừng thay đổi. Tóm lại: Không có gì vững chắc, bảo đảm, ngoài giây phút hiện tại, ngay bây giờ.

Dĩ nhiên, chúng ta có thể xem quan niệm này là khó chấp nhận. Công việc làm của chúng ta không đến nỗi bấp bênh, không bảo đảm đến thế. Chúng ta biết mình là ai. Chúng ta biết công việc làm của mình là gì - không có gì thắc mắc, hoài nghi cả. Tình huống có thể thay đổi, khó khăn có thể phát sinh nhưng chúng ta vẫn có thể thích ứng - chúng ta sẽ “kiên trì tiến lên”. Và ở một mức độ nào đó, tất cả chúng ta đều làm thế, đều cố gắng hết sức mình.

Tỉnh thức trong công việc hoàn toàn ủng hộ lập trường đó. Chúng ta làm việc, cố gắng hết sức mình để cuộc sống phần nào được ổn định, đó là mục tiêu cao cả, đáng hướng tới. Nhưng tỉnh thức trong công việc cũng có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận việc những bất trắc trong công việc xảy ra đúng như chúng phải xảy ra, trong từng giây phút. Chúng ta bằng lòng đón nhận mọi yếu tố rủi ro, khó khăn trong công việc mà không có sự bào chữa trong đau đớn, oán hận, sợ hãi hay kiêu mạn. Chúng ta không cần phải che giấu sự thật rằng không có gì bảo đảm. Cũng không cần đánh bóng những điều kiện kinh doanh khó khăn, bọc lụa các kết quả để tô điểm chúng, hay giả vờ kiểu “hoàng đế có y phục mới” trong khi chúng ta biết sự thực không phải thế. Tỉnh thức trong công việc là hoàn toàn ý thức rằng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra ở nơi làm việc, và chúng ta không cần phải che giấu điều đó.

Thông thường, trong kinh doanh ta xem những điều không lường trước, những bất ngờ là bất tiện, phiền phức, khiến ta tạm thời phải nhìn lại mình trên đường tiến tới sự chế ngự hoàn hảo và lâu bền. Ta làm như thể nếu công việc được xúc tiến một cách tốt đẹp thì sẽ loại bỏ được bất trắc, đảm bảo thành công, mà không có những bất ngờ, sai phạm, những rủi ro ngoài dự tính. Nhưng thái độ tỉnh thức trong công việc hoàn toàn trái ngược lại. Không nên xem những bất trắc không lường là những rủi ro cần loại trừ, mà nên xem đó là nền tảng hay bản chất cơ bản của tất cả những gì chúng ta có thể trải nghiệm – là một khía cạnh cơ bản và không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Nhận thức rằng tất cả vạn vật liên tục thay đổi kích thích, khêu gợi sự chú tâm vì chúng ta thực sự không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra sau đó. Chúng ta có thể tỉnh thức trong công việc chính là vì mọi thứ đều không chắc chắn. Mọi việc mà ta làm, mọi thứ mà ta mong muốn, tất cả trên cơ bản đều không chắc chắn, trong từng phút giây. Thực tế phũ phàng, oái oăm này đòi hỏi chúng ta phải tỉnh thức.

Có người nói: “Vì không có gì chắc chắn, bảo đảm, tôi không biết việc gì sẽ xảy ra, vậy tôi cứ thư giãn, thoải mái ngồi uống cà phê, và chờ đợi xem việc gì sẽ xảy ra”. Câu “C’est la vie!” (Đời là thế!) của người Pháp, cũng trở thành phương châm của chúng ta: “Đời là thế. Có lúc tốt, có lúc xấu. Không cần phải quá lo lắng. C’est la vie!” Quan niệm đó xem những trải nghiệm về sự không chắc chắn là cái cớ để ta buông bỏ không đào sâu, quán chiếu về sự trải nghiệm ngay lúc đó của ta. Thực tại khắc nghiệt của “Việc không có gì chắc chắn, bảo đảm, ngoài giây phút hiện tại” trở thành lý do để chúng ta buông xuôi. Chúng ta nhún vai, quay lưng buồn bả vì không thể kiểm soát thế giới. Chúng ta đốt thêm điếu thuốc, đeo kính đen, để nhìn giây phút hiện tại qua đi trong khói thuốc.

Nhưng tánh chất không chắc chắn của công việc không phải là cái cớ để chúng ta nhắm mắt đưa chân hay chịu bó tay. Mà nó là lời kêu gọi “Hãy tỉnh thức – Hãy chú tâm –Hãy trân quý thế giới quanh bạn!” Sự không chắc chắn trở thành phương tiện nhằm nhắc nhở, lay động, và đánh thức để chúng ta biết mình là ai, đang làm gì. Dầu ta là ai, một bác sĩ nổi tiếng trên thế giới hoặc một thợ sửa xe ở góc phố, chúng ta biết rằng các danh hiệu đều là phù du. Dầu đang chữa một van tim hay thay một động cơ xe, chúng ta biết rằng trên cơ bản ta không biết việc gì sẽ xảy ra trong giây phút tới.

Khi chúng ta thừa nhận rằng không có gì chắc chắn, bảo đảm, ngoại trừ giây phút hiện tại, chúng ta trở nên những người tiên phong: Ngay giây phút này, ngay đây và bây giờ, trở thành một lãnh địa xa lạ cần được khám phá. Công việc làm của chúng ta có thể quá quen thuộc, bổn phận của chúng ta có thể quá rõ ràng, cụ thể, nhưng luôn luôn - luôn luôn - có cái gì đó mới lạ, không lường trước sẽ xảy ra. “Không có gì chắc chắn, bảo đảm, ngoại trừ giây phút hiện tại” nhắc nhở chúng ta trở nên những người tiên phong của thời khắc ngay trong hiện tại, trong tất cả mọi việc ta làm ở nơi làm việc. Là người tiên phong, chúng ta không có gánh nặng của bao thành kiến, thói quen cứng nhắc; hành trang của chúng ta nhẹ nhàng, chỉ có những gì hữu dụng, bỏ lại những thứ vô ích. Là người tiên phong, chúng ta trở nên là những lữ hành kinh nghiệm, biết rất rõ rằng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Một cơn bão có thể đổ ập đến bất cứ lúc nào hoặc công ty của ta có thể đang bị đối thủ cạnh tranh mua lại.

Trước mắt, chúng ta có thể tìm thấy một con suối để tắm mát hoặc ý tưởng cho một sản phẩm mới, giúp phục hồi chiến thuật kinh doanh của ta. Là người tiên phong, chúng ta biết cảnh giác, luôn ở tư thế phòng bị vì luôn luôn, luôn luôn có điều mới lạ và bất ngờ xảy ra.

Nhưng quan trọng hơn cả, tính chất “Không có gì bảo đảm, ngoại trừ giây phút hiện tại” nhắc nhở rằng chúng ta tự do. Do chấp nhận rằng việc chúng ta là ai, công việc chúng ta đang làm ở nơi làm việc không bao giờ cố định, ta khám phá ra một sự tự do căn bản, vì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra sau đó. Luôn cởi mở với một thế giới có bao điều khó dự đoán, đòi hỏi chúng ta phải cực kỳ dũng cảm và phải tin tưởng rằng chúng ta đã được trang bị đầy đủ để ứng phó với những bất trắc đó. Để được tự do như thế chúng ta phải hoàn toàn tỉnh thức trong cuộc sống – phải tin tưởng rằng chúng ta đang sở hữu tâm chân thật, vui tánh, và hiếu kỳ để thích ứng và phát triển mạnh mẽ, bất kể trong tình huống nào.

 Trích từ:

MICHAEL CARROLL
TỈNH THỨC TRONG CÔNG VIỆC
ĐỐI MẶT VỚI NHỮNG THỬ THÁCH
TRONG CUỘC ĐỜI, TRONG CÔNG VIỆC

Awake At Work Facing The Challenges of Life On The Job
Chuyển ngữ
Diệu Liên Lý Thu Linh
Diệu Ngộ Mỹ Thanh
Giác Nghiêm Nguyễn Tấn Nam
NHÀ XUẤT BẢN PHƯƠNG ĐÔNG - 2012


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Tám 2016(Xem: 6236)
"Tự do" là một thuật ngữ ngày nay thường nghe nói đến trong mọi lãnh vực: xã hội, chính trị, luật pháp, tín ngưỡng, ngôn luận, truyền thông và cả nghệ thuật. Thế nhưng đôi khi chúng ta cũng có thể tự hỏi tự do là gì, ý niệm về sự tự do phát sinh từ lúc nào trong lịch sử tiến hóa của nhân loại? Dường như trong các xã hội ngày nay ngày càng có khuynh hướng biến nó trở thành một lý tưởng, một quyền hạn thiêng liêng, như vậy thì tự do thật sự là gì, phải chăng là một thứ gì có thật?
08 Tháng Tám 2016(Xem: 6106)
Đạo Phật ra đời cách nay hơn 2500 năm khi đời sống con người không quá tách biệt với thiên nhiên như ngày nay. Con người thời đó, không thể nghi ngờ rằng, mê tín nhiều hơn chúng ta, nhưng lại ít thiên trọng về quá nhiều gánh nặng của việc thúc đẩy nền văn minh và với quá nhiều những hiểu biết nhập nhằng về thế giới tự nhiên và xã hội. Tâm trí của họ cũng hướng đến “một thế giới khác” nhiều hơn.
08 Tháng Tư 2016(Xem: 5657)
Inamori Kazuo, nguyên Chủ tịch Japan Airlines, người sáng lập Công ty Kyocera, trong tác phẩm Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế - Vương đạo cuộc đời (bản dịch của Nguyễn Đỗ An Nhiên, NXB.Trẻ, 2016.), đã viết: “Sáu mươi năm sau chiến tranh, người Nhật đã vươn lên từ đống đổ nát, tạo nên sự phát triển kinh tế thần kỳ… Tôi cho rằng các công ty, xí nghiệp Nhật bản được những con người cao quý tạo nên mà nhờ vậy kinh tế Nhật bản phát triển được như ngày hôm nay…”.
02 Tháng Tư 2016(Xem: 4754)
Kinh doanh là một trong những nghề được nhiều người cho rằng dễ làm giàu. Kinh doanh đã có từ ngàn xưa với hình thức trao đổi vật dụng. Khi xã hội phát triển, nhu cầu tiêu dùng càng nhiều thì hình thức buôn bán càng đa dạng và mở rộng ra nhiều quốc gia.