Thông Báo Kết Quả Hội Thảo Quốc Tế “Phật Giáo Thời Đại Mới - Cơ Hội Và Thách Thức”

30 Tháng Tám 201000:00(Xem: 12656)
THÔNG BÁO
 của VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM và HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM tại TPHM-VIỆT NAM về KẾT QUẢ HỘI THẢO QUỐC TẾ
“PHẬT GIÁO THỜI ĐẠI MỚI-CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
blank
blank

 Nam mô thường tinh tấn Bồ-tát ma-ha-tát!

I. Từ nửa cuối thế kỷ 20 trở đi, Phật giáo Việt Nam ngày càng có thêm thuận duyên để phát triển sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh trong nước và hội nhập, hợp tác, đóng góp cùng đạo hữu và nhân dân các châu lục; đồng thời phải khắc phục và vượt qua không ít thử thách, khó khăn trên đường đi tới. Trong vận hội ấy, nhiều vị tôn túc Tăng Ni và cư sĩ thiện trí thức trong, ngoài nước ước mong có những cuộc họp mặt để chia sẻ, trao đổi đi đến nhất trí tinh thần, nhận thức những vấn đề cơ bản, thiết yếu và cùng quan tâm về Đạo pháp gắn bó Dân tộc và hòa hợp thế giới thời hiện đại. Đó là lý do chủ yếu đã gợi ý và khuyến khích Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam cùng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp Hồ Chí Minh đề xướng và tổ chức hội thảo quốc tế “Phật giáo thời đại mới-cơ hội và thách thức”.

1. Cuộc Hội thảo nhằm mục đích:

a/ Thực hiện một cuộc họp mặt đoàn kết hòa hợp Tăng Ni cư sĩ giữa các môn phái và khuynh hướng ít nhiều khác nhau trong nước, giữa trong nước và ngoài nước, giữa người Việt Nam và người nước ngoài... trong tinh thần cùng hướng về mục tiêu chung: Đạo pháp, Dân tộc và Hiện đại.

b/ Góp phần động viên Tăng Ni Phật tử Việt Nam tinh tấn vươn lên trong tu học và phục vụ, cố gắng thích ứng với các mặt tiến bộ của thời đại về khoa học - công nghệ, nhất là điện tử - tin học, sinh học, vật liệu mới...; về dân chủ và giải phóng, hoàn thiện con người; về tiến bộ và công bằng xã hội; về phát triển Đất nước đi đôi toàn cầu hóa; về bảo vệ hòa bình và môi trường sống...

c/ Góp phần nâng cao một bước hiểu biết và kinh nghiệm hoạt động đối ngoại và quốc tế Phật giáo trong điều kiện Đất nước đang ra sức phát huy nội lực và độc lập tự chủ đồng thời mạnh mẽ hội nhập khu vực và toàn cầu. 

2. Cuộc Hội thảo “Phật giáo thời đại mới-cơ hội và thách thức” khai mạc lúc 8 giờ ngày 15/7/2007 tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh-Thiền viện Vạn Hạnh, số 750 đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, và đã làm việc trong hai ngày 15-16/7/2006, với 294 đại biểu chính thức và khách mời.

II.1. Quí vị khách mời quang lâm tham dự phiên khai mạc Hội thảo gồm có: Đại diện Hội đồng Trị sự, Văn phòng I, Văn phòng II và các Ban ngành Viện Trung ương, các Ban Trị sự Tp Hồ Chí Minh cùng một số Tỉnh, Thành GHPGVN; đại diện Ban Dân vận Trung ương (phía Nam), Ủy ban nhân dân và Ban Tôn giáo Tp Hồ Chí Minh; đại diện các Tổng lãnh sự và Lãnh sự Thái Lan, Ấn độ, Mỹ, Pháp, Úc... tại Tp Hồ Chí Minh.

+ Quí đại biểu tham dự Hội thảo có 21 vị học giả, giáo sư tiến sĩ, tiến sĩ, nhà nghiên cứu người nước ngoài (Ấn độ, Nhật, Thái Lan, Pháp, Mỹ, Úc, Sri Lanka, Đài loan...); 28 vị tăng sĩ và cư sĩ trí thức Phật giáo người Việt Nam ở nước ngoài là Thượng tọa, Đại đức, giáo sư tiến sĩ, tiến sĩ, nhà nghiên cứu... (trong đó có những vị đứng đầu một số tổ chức Phật giáo có ảnh hưởng tương đối rộng trong đồng bào Việt kiều hoặc là thành viên ban quản trị của tổ chức Liên hữu Phật giáo thế giới WFB); 25 vị giáo sư tiến sĩ, tiến sĩ thuộc các Viện, Trường trong nước (trong đó có các vị đứng đầu hoặc chủ lực của Viện Tín ngưỡng và Tôn giáo Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Chiến lược và Khoa học, Viện nghiên cứu khoa học về Tôn giáo và Viện Văn học của Trung tâm KHXH-NV quốc gia, khoa Lịch sử của các Trường ĐHKHXH-NV Tp Hồ Chí Minh và Huế) cùng một số nhà nghiên cứu tự do ở Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Huế, Quảng Ninh. Còn lại là quí vị giáo sư, tiến sĩ, giảng sư thuộc Viên nghiên cứu Phật học Việt Nam, Học viên Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh cùng một số vị cư sĩ trí thức chủ yếu đến từ Tp Hồ Chí Minh. Tp. Đà Nẳng và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Kontum... Ngoài ra, một số đại biểu nhà báo quốc tế, trung ương, Tp. Hồ Chí Minh cùng dự để theo dõi và đưa tin.

2. Ban Tổ chức Hội thảo nhiệt liệt hoan nghênh và cám ơn 103 tác giả gửi bài tham luận. Trong đó, 32 bài tiêu biểu đã được trình bày tại hội trường, phân bổ theo 4 chủ đề: a / Phật giáo và toàn cầu hóa, b / Các vấn nạn và giải pháp, c / Phật giáo và Dân tộc, d / Phật giáo với kinh tế - chính trị. Do điều kiện thời lượng không cho phép, rất tiếc còn những bài tham luận công phu, có thiện chí và giá trị chưa được phát biểu tại hội trường; vì vậy Ban tổ chức nghiêm túc cho phát hành nội bộ các bài viết đến tác giả và các đại biểu tham dự chính thức để trao đổi ý kiến theo thông lệ hội thảo khoa học. Tất cả các bài tham luận nói trên sẽ được trân trọng biên tập và sắp xếp thỏa đáng, đưa vào Kỷ yếu để xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh khi có điều kiện.

III.1. Về nội dung, Hội thảo đã đề cập các vấn đề cốt lõi: Nêu vị trí, yêu cầu cũng là khả năng của Phật giáo thích nghi với thời hiện đại trên các mặt tiến bộ khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức và thị trường, toàn cầu hóa...; đồng thời đáp ứng công cuộc Đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa - dân chủ hóa Đất nước, đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vì mục tiêu “Dân giàu Nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh”; Vai trò của Phật giáo trong quan hệ hữu nghị, bảo vệ hòa bình thế giới và môi trường sống; Nhìn nhận đạo Phật hòa nhập với tín ngưỡng thờ Tổ tiên là đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh cơ bản, truyền thống của Dân tộc; Đề xuất chiến lược liên kết Phật giáo với chính trị, kinh tế và khoa học trong đường lối trị quốc; Xác định nhiệm vụ cấp thiết và cơ bản trước mắt của Phật giáo Việt Nam là hòa hợp đoàn kết (giữa nội bộ Phật giáo trong nước, giữa Phật giáo trong nước và Phật giáo ở nước ngoài...) và tinh tấn phát triển (khế cơ khế lý với Đất nước và thời đại); coi trọng đào tạo nhân lực (trang nghiêm Tăng già, tinh cần Tứ chúng) là yêu cầu hàng đầu hiện nay; chú ý nỗ lực đóng góp trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và cứu tế, an sinh xã hội - nhất là ở vùng sâu vùng xa.

Do lượng thời gian hạn chế nên một số chủ đề thiết thân và quan trọng đã phải hoãn lại hay chỉ mới đề cập một cách sơ lược, như: Thấm nhuần và trưởng dưỡng đạo đức học Phật giáo trong xã hội và nhân sinh hiện đại; Xây dựng Giáo hội hòa hợp, tinh tấn và trang nghiêm phù hợp với tình hình và yêu cầu mới; Phát triển hàng Phật tử tại gia - nhất là cư sĩ thiện tri thức và thanh thiếu đồng niên; Phát huy vai trò và bổn phận của Ni chúng; Tăng cường sứ mạng hoằng pháp lợi sinh ở vùng sâu vùng xa, nhất là các địa bàn dân tộc - miền núi; Mở rộng hoạt động đối ngoại và quốc tế Phật giáo trong tình hình mới...

Trong các tác giả đã trình bày tại diễn đàn, có nhiều bài được cử tọa hoan nghênh, đánh giá cao như của GSTS. Noritoshi Aramaki (Nhật), GSTS. R. Clark (Mỹ), GSTS. Cao Huy Thuần (Pháp); TS. Trương Như Vưong (Việt Nam); GSTS. S.R. Bhatt (Ấn độ), TT. BS. Mettanando (Thái lan) v.v..

2. Đặc biệt, thay mặt GHPGVN, Hòa thượng Thích Hiển Pháp – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, phát biểu “tán thán Viện Nghiên cứu Phật học đã có sáng kiến tổ chức Hội thảo Phật giáo thời đại mới - cơ hội và thách thức” và kêu gọi toàn thể đại biểu “hòa hợp đóng góp ý kiến nhằm chấn hưng và phát triển Phật giáo gắn bó với Dân tộc và thích ứng với bối cảnh, điều kiện toàn cầu hóa”

Hòa thượng Tiến sĩ Thích Mãn Giác, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, nồng nhiệt chào mừng cuộc Hội thảo, đề nghị “tăng bổ nội dung thời đại của Phật giáo Việt Nam” và nêu rõ “nội dung đó phải bao gồm ít ra ba điểm sau đây:

“Một, Nêu cao tinh thần hòa hợp, hòa giải trên bình diện quốc gia cũng như trong nội bộ Phật giáo.

“Hai, Nâng cao ý thức của quần chúng Phật tử về trách nhiệm và sự đóng góp của Phật giáo đối với công cuộc tái thiết Đất nước, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng dân chủ.

“Ba, Thu hút sức ủng hộ của dư luận quốc tế, nhất là Phật giáo quốc tế đối với chính nghĩa Việt Nam, và hạnh nguyện phục vụ Đạo pháp và phục vụ Dân tộc của Phật giáo Việt Nam”.

Cụ Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ, gửi thư chúc mừng và trao đổi ý kiến với các đại biểu Hội thảo. Cụ nguyên Thủ tướng tỏ rõ tinh thần, tình cảm và thiện chí đối với Phật giáo dân tộc; động viên tăng cường đoàn kết hòa hợp, hợp tác cùng phát triển và mong rằng những cuộc gặp gỡ, thảo luận trong tinh thần tích cực hòa hợp và xây dựng sẽ được tiếp tục trong thời gian tới.

IV.1. Kết hợp với phần nội dung chính là Hội thảo khoa học trên đây, trong hai ngày làm việc, còn có một số hoạt động chào mừng và phục vụ, được các đại biểu và công chúng hoan nghênh: Một buổi tối văn nghệ “Phật giáo và Dân tộc” với sự tham gia của các nghệ sĩ Phật tử và một phòng triển lãm hội họa, thư pháp, tranh ảnh, tranh thêu Phật giáo...

2. Buổi trưa 16 /7 /2006, Ban Tổ chức đã tranh thủ trình bày sa bàn quy hoạch - mô hình xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh, ở khu đất được Nhà nước cấp tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Trong thời gian đó, lễ cầu “Quốc thái dân an” do hai vị pháp sư Mật tông, một Việt kiều và một người Mỹ, cử hành tại chính điện Thiền viện Vạn hạnh, theo nghi thức Mạn -đà-la, cùng một số Phật tử tham dự.

3. Buổi sáng 17 /7 2006, Ban Tổ chức Hội thảo đã tổ chức Lễ trồng cây lưu niệm tại khu đất đang xúc tiến xây dựng Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh nói trên. Được trồng là một cây bồ đề có nguồn cội từ chùa Trấn Quốc - Hà Nội, rước vào Nam. (Cây bồ đề mẹ ở chùa Trấn Quốc vốn từ cây gốc ở Bồ đề Đạo tràng, Ấn độ - nơi đức Phật Thích Ca đã ngồi thiền định 49 ngày đêm và thành đạo, được Tổng thống Ấn độ Prasad chuyển sang Thủ đô Hà Nội năm 1957 để làm quà tặng; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và đích thân trồng cây ấy ở chùa Trấn Quốc, bên Hồ Tây; nay đã thành cổ thụ). Quý đại biểu là các Thượng tọa, Đại đức của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh, các giáo sư tiến sĩ, tiến sĩ, nhà nghiên cứu người Việt Nam trong, ngoài nước và người nước ngoài về dự Hội thảo, đại diện UBND và Ban Tôn giáo Tp. Hồ Chí Minh, huyện Bình Chánh, xã Lê Minh Xuân và 200 Tăng Ni Phật tử đã cùng Cụ nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trồng cây bồ đề lưu niệm trong không khí vui mừng phấn khởi, cảm kích, hòa hợp và có tiếng vang khá rộng trong dư luận Phật giáo và đồng bào Thành phố.

V. Sơ bộ soát xét, ghi nhận cuộc Hội thảo quốc tế “Phật giáo thời đại mới - cơ hội và thách thức” cùng các hoạt động kết hợp:

1. Đã đạt được một số thành quả có ý nghĩa cơ bản và lâu dài sau đây:

Một là, Đánh dấu lần đầu tiên Phật giáo Việt Nam tổ chức thành công một hoạt động quốc tế về Phật học và Phật sự; có thể mở đầu và rút kinh nghiệm tốt cho những hoạt động giao lưu Phật giáo quốc tế và khu vực về sau, góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới, tăng cường công tác đối ngoại và quốc tế Phật giáo trong bối cảnh, điều kiện nước ta đang xúc tiến Hội nghị APEC và chuẩn bị tham gia WTO, công cuộc phát triển Đất nước đi đôi với hội nhập toàn cầu hóa đang có những bước chuyển biến mạnh mẽ.

Hai là, Bước đầu thực hiện được một cuộc gặp gỡ và thảo luận giữa những nhóm Tăng Ni và cư sĩ thiện trí thức trong, ngoài nước ít nhiều có quan điểm, xu hướng và thái độ khác nhau, trên tinh thần lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau, cùng hướng về mục tiêu: Đạo pháp, Dân tộc và Hiện đại. Tuy bước đầu chỉ mới ở quy mô nhỏ và mức độ thấp, nhưng chứng tỏ triển vọng tích cực, có thể mở đường và rút kinh nghiệm tốt cho những hoạt động đoàn kết và hợp tác xây dựng tiếp theo.

Ba là, Chính thức, công khai nêu rõ vai trò, khả năng, triển vọng và trách nhiệm của Phật giáo đối với Đất nước và thời đại; từ đó góp phần động viên Tăng Ni Phật tử Việt Nam đoàn kết phấn đấu trong tinh cần tu học và thiệp thế độ sinh, ra sức thực hiện ngày mỗi tốt hơn bổn phận đối với Đạo pháp, Dân tộc và nhân loại.

+ Đồng thời, bước đầu giới thiệu một số vấn đề cơ bản của Phật giáo Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Bốn là, Góp phần luyện tập, nâng cao một bước khả năng, kinh nghiệm hoạt động Phật sự đối ngoại và quốc tế của các Tăng Ni cư sĩ có trách nhiệm, từng bước làm quen và đáp ứng yêu cầu của tình hình mới trong điều kiện Đất nước đang mở rộng giao lưu quốc tế và khu vực.

2. Bên cạnh một số kết quả và ưu điểm nêu trên, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh xin nghiêm túc kiểm điểm nhận rõ và rút kinh nghiệm những tồn tại, thiếu sót chung quanh các việc: Xác định yêu cầu và chuẩn bị nội dung; Mời, đón tiếp, phục vụ đại biểu và quý khách; Bố trí hội trường, nơi ăn ở và các phương tiện kỹ thuật; Điều hành chương trình và các công việc của Hội thảo...; đồng thời thành khẩn cầu thị và xin tiếp thu ý kiến phê bình giúp đỡ của Quý Tôn túc, quý vị thức giả cùng đạo hữu xa gần, để cố gắng tổ chức thực hiện tốt hơn trong những dịp tới.

VI. Dự kiến một số công việc thời gian tới:

Được sự khuyến khích và giúp đỡ của Quý Tôn túc Tăng Ni, quý cư sĩ thiện tri thức trong, ngoài nước cùng quý cơ quan hữu trách và thiện chí xa gần, trên cơ sở phát huy những thành quả, ưu điểm và cố gắng khắc phục, rút kinh nghiệm những tồn tại, thiếu sót của công việc đã làm, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam dự kiến xúc tiến trong thời gian tới một số công việc như sau:

1. Tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế hàng năm về các chuyên đề Phật học và Phật sự phục vụ mục tiêu: Đạo pháp, Dân tộc và Hiện đại. Về quy mô, yêu cầu, nội dung đề tài và thư mời sẽ được chuyển đến đại biểu (và khách mời) chậm nhất trước 6 tháng. Các đại biểu (và khách mời) tham dự Hội thảo theo thông lệ hiện hành của các cuộc hội thảo (hay hội luận) khoa học quốc tế về nội dung, diễn đàn, đi lại, ăn ở, phục vụ... do Ban Tổ chức chịu trách nhiệm quy định cụ thể và thông báo trước.

2. Tổ chức các Hội thảo khoa học trong nước từng thời gian trong năm về các chuyên đề Phật học và văn hóa, học thuật thích hợp với tôn chỉ, chức năng của Viện. Về quy mô, yêu cầu, nội dung đề tài và thư mời sẽ được chuyển đến đại biểu (và khách mời) chậm nhất trước 4 tháng. Ban Tổ chức chịu trách nhiệm quy định thể lệ cụ thể và thông báo trước về nội dung, diễn đàn, đi lại, ăn ở, phục vụ...

+ Hai hình thức hội thảo (hay hội luận) quốc tế và trong nước nói trên do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam làm chủ lực thực hiện hoặc sẽ liên kết hợp lệ và hợp pháp với thân hữu và đối tác là các tổ chức, cơ quan khoa học trong, ngoài nước để phối hợp thực hiện.

+ Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phân công một bộ phận nhân sự chuyên trách về tổ chức, điều hành hội thảo (hoặc hội luận) và sẽ thường xuyên có chuyên mục trên trang web của Viện (vinabri.com/.org/.net).

3. Đưa vào kế hoạch nghiên cứu khoa học hàng năm của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam các chương trình và đề tài nghiên cứu về Phật pháp có liên hệ đến Dân tộc và Hiện đại trên các lĩnh vực.

Các chương trình và đề tài nghiên cứu khoa học này có thể do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đề xướng và thực hiện; hay do Viện bảo trợ; hoặc do Viện liên kết, phối hợp tiến hành.

4. Lựa chọn và tổ chức thông tin, truyền bá trong phạm vi cần thiết hoặc phổ cập rộng rãi các công trình nghiên cứu và kết quả của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam bằng những phương tiện phù hợp và có điều kiện, như: văn bản rời hoặc tập chuyên đề; xuất bản phẩm dưới các hình thức sách, băng đĩa, tập san, tạp chí, mạng thông tin điện tử internet, v.v..

Trên đường tiến lên còn phải khắc phục và vượt qua nhiều thách thức, trở ngại, nhưng trong vận hội mới, chương trình Phật sự nghiên cứu và ứng dụng Phật pháp của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam góp phần phụng sự Dân tộc và đáp ứng thời đại mới nhất định sẽ từng bước thành tựu viên mãn.

Nam mô Đại hùng đại lực Quảng Đức Bồ-tát Ma-ha-tát!

TM. VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM VÀ BAN TỔ CHỨC HỘI THẢO
Viện trưởng kiêm Trưởng ban

HT. GS.TS. Thích Minh Châu
(Theo Vinabri.org)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Giêng 2015(Xem: 5466)
Trong sách Dân quyền sơ bộ (Bước đầu dân quyền), ông Tôn Trung Sơn định nghĩa về hội nghị như sau: “Nói chung, khi nghiên cứu sự lý rồi theo đó mà giải quyết, tự một mình mình thì gọi là độc tư, hai người với nhau thì gọi là đối thoại, ba người trở lên tuân theo những nguyên tắc nhất định, thì gọi đó là hội nghị”.
24 Tháng Giêng 2015(Xem: 4908)
23 Tháng Giêng 2015(Xem: 9174)
Một vị lãnh đạo một tôn giáo lớn, tuy thờ Trời nhưng lại sợ con người, đã không dám tiếp một vị lãnh đạo tôn giáo khác trong một dịp viếng thăm Âu Châu gần đây, mặc dù một vị lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng khác từ một nước rất xa xôi tận phía nam Phi Châu đã trực tiếp can thiệp và trách cứ về hành động đáng tiếc này.
16 Tháng Giêng 2015(Xem: 6571)
Người lãnh đạo phải là gương mẫu; mà điều đòi hỏi cao nhất là đức. Đức mới là cái gốc; tất nhiên phải kèm theo cái tài phụ cho cái đức ấy. Theo Sớ giải kinh Pháp Cú (Dhammapadatthakathà), ngài Buddhaghosa ghi nhận rằng Đức Phật có lưu ý đến vấn đề tổ chức một nền hành chánh nhân đạo. Đức Thế Tôn chỉ ra rằng cả một xứ bị suy vong, đốn mạt và khốn khổ khi những người nắm vận mạng quốc gia như vua chúa, quần thần, quan lại quá đỗi tham tàn và bất công.
05 Tháng Chín 2014(Xem: 6010)
Bài viết này không đi vào tìm hiểu về cuộc chiến này mà chỉ phác thảo một vài điểm có liên quan đến Phật giáo ở trong cuộc chiến; nói cụ thể hơn là giới Phật giáo đã có những hành động gì khi đứng ở mỗi bên của cuộc chiến để thực hiện điều được gọi là “hộ quốc” của mình.
01 Tháng Chín 2014(Xem: 10360)
Trong một cuộc đối đầu, ta không nhất thiết cứ réo tên đối phương mà nguyền rủa trù ếm hay chỉ biết bắn phá, dội bom trực tiếp lên họ. Làm vậy tốn kém, om sòm và bạo lực quá, mà kết quả thì như ai cũng thấy là sẽ rất ngắn hạn. Bởi một lẽ là chiếm thành thường dễ hơn giữ thành và cái gật đầu bên ngoài không quan trọng bằng sự đồng tình bên trong.
26 Tháng Bảy 2014(Xem: 10830)
Giới luật Phật giáo cấm người xuất gia không được giữ bất cứ một thứ gì gọi là của riêng. Thế nhưng đối với người thế tục thì giới luật không cấm đoán họ làm giàu, nếu làm giàu bằng những phương tiện sinh sống đúng tức chánh mạng trong Bát chánh đạo. Giáo pháp nhà Phật cũng luôn nhắc nhở: “Phải biết sử dụng tài sản và giúp đỡ người khác”.
25 Tháng Bảy 2014(Xem: 10681)
Người giàu có được coi là có đầy đủ hay dư thừa tài sản. Có nhiều loại tài sản như tiền bạc, hay kiến thức hoặc thông tin kinh tế, tâm linh. Tuy nhiên bài viết này chỉ đặt trọng tâm vào quan điểm của Phật giáo đối với của cải vật chất và kinh tế.
13 Tháng Bảy 2014(Xem: 9498)
Mùa an cư năm thứ bốn mươi lăm, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm tịnh xá, gồm khá đông chư vị đại trưởng lão và chúng tỳ-khưu. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, đức Phật và một số ít vị tỳ-khưu lại ghé vườn xoài của thần y Jīvaka hoặc lên đỉnh núi Linh Thứu (Gijjhakūṭa), tại đây ngài thường ở lại lâu hơn.