Hình Thức Và Biểu Tượng

30 Tháng Tám 201000:00(Xem: 13525)
HÌNH THỨC VÀ BIỂU TƯỢNG
Bài viết này đã được đăng tải trên Tuần báo V-Times (San Jose) vào ngày 14/7/06
Nguyễn Hữu Liêm
blank
blank

 Đà Nẵng - Hội thảo Thế giới về Phật Giáo với chủ đề: “Phật Giáo Trong Thời Đại Mới : Cơ Hội và Thách Thức” vừa chấm dứt hôm 17 tháng Bảy vừa qua ở tu viện Vạn Hạnh tại Phú Nhuận, Sài Gòn, sau ba ngày liên tục.

Đây là một đại hội tôn giáo thành công, xét trên nhiều mặt tương đối của vấn đề và thời đại. Lần đầu tiên ở Việt Nam có một buổi tụ họp quốc tế lớn lao của Phật Giáo như thế, kể cả trước 1975. Công lao phải nói là của rất nhiều người, dám nói, dám làm. Nhưng tôi nói đến (vì biết) ba vị chủ chốt : Mạnh Thát, Giác Toàn, và Nhật Từ.

Hơn 300 đại biểu từ hơn 10 quốc gia đã về tham dự, nhất là từ các quốc gia có truyền thống Phật Giáo lâu dài, như Thái Lan, Đài Loan, Ấn Độ, Sri Lanka, Nhật Bản. Phái đoàn Phật tử Việt kiều đến từ Mỹ là đông nhứt, sau đó là từ Đài Loan, Pháp, Đức. Có hơn 200 bài tham luận được gởi về hội thảo. Đại hội kéo dài hai ngày rưỡi. Ngày thứ ba thì có phần lễ trồng cây Bồ Đề trên khu đất 32 mẫu nói sẽ là khuôn viên của đại học Phật Giáo mới và quy mô ở quận Bình Chánh, ngoại ô Sài Gòn.

Các chương trình thảo luận tràn ngập thuyết trình viên. Phần nói về Phật Giáo Việt Nam hiện nay và phần bàn về Phật Giáo và chính trị đã diễn ra thật là sôi nổi. Phòng hội nghị chứa được 200 người, nhưng luôn luôn có khoảng 300 người đứng chen chúc để tham dự. Các lối đi, hành lang thì tràn ngập các ống kính và phóng viên, ký giả. Nhìn đâu cũng thấy phỏng vấn, quay hình, thu thanh. Hội trường nằm trên lầu chót của tòa nhà lớn 5 tầng, được xây dựng bởi sự tài trợ của một tu sĩ người Đài Loan. Hệ thống máy lạnh, âm thanh, phiên dịch từ Việt ngữ ra Hoa ngữ và Anh ngữ, và ngược lại, đã được điều động tốt đẹp. Mỗi đại biểu tham dự được trang bị một wireless headphone để nghe phiên dịch. Cơm sáng, trưa chiều, giải khát, được cung cấp liên tục. Các đại biểu từ xa về được ở khách sạn với giá thấp tại Sài Gòn trên đường Đông Du ở quận Nhất và có xe đưa rước.

Sở dĩ tôi phải dài dòng về hình thức tổ chức là để cho quý vị hình dung ra cái không khí và khung cảnh của hội thảo này, trước khi tôi đi vào nội dung của các phần thảo luận. Ở Việt Nam hiện nay, phần hình thức đôi khi nói lên được nhiều điều hơn là nội dung.

Từ những ngày tiền hội nghị mà tôi đã có dịp tham dự, các thầy trẻ tuổi muốn giảm thiểu tối đa phần nghi thức vốn rất là dài dòng trong truyền thống Phật Giáo. Cho nên, phần nghi lễ đã diễn ra nhanh chóng và giản dị đến bất ngờ. Vì có nhiều đại biểu ngoại quốc nên phần tụng kinh đã không có. Trong phòng hội không treo cờ; phần nghi thức không có đạo ca hay quốc ca. Chức danh các thuyết trình viên thì cũng không nói đến. Nhưng cũng như ở Việt Nam bây giờ, hình như ai cũng được giới thiệu là “giáo sư tiến sĩ” cả. Chương trình bằng Anh ngữ, Hoa ngữ và Việt ngữ đi thẳng vào vấn đề. Tập kỷ yếu hội thảo (dày hơn 500 trang) với tất cả các bài tham luận gởi về đã được in ra và phát ngay trong khi hội thảo đang xẩy ra. Có bị kiểm duyệt không ? Tôi không biết. Nhưng bài của tôi, “Thoái trào Phật Giáo ở Việt Nam,” chỉ được đăng phần tóm lược. Các thầy cho biết là vì bài tôi “có nhiều ý kiến gây tranh cãi quá, thôi để khi khác.”

Phần khai mạc thì có tuyên đọc bài chào mừng của Hòa Thượng Thích Minh Châu, Viện Trưởng Viện Phật Học Vạn Hạnh (hậu thân của Đại hoc Vạn Hạnh). Thầy Minh Châu vì vấn đề sức khỏe nên đã không đến tham dự. Cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt được mời, cũng đã không đến dự (quyết định vào phút chót) và đã gởi đến thư chúc mừng và cũng đã được tuyên đọc. Các bài diễn văn bằng Anh ngữ của các học giả Phật Giáo Nhật và Ấn Độ rất khó hiểu vì tiếng Anh của họ tôi không theo kịp.

Hầu hết các bài thuyết trình đều nói về những điều quá quen thuộc, đến độ nhàm chán. Các khách thuyết trình viên tham dự dùng ngôn ngữ khách sáo và ngoại giao. Các học giả trong nước thì trình bày vấn đề như là đọc kinh Bát Nhã : nghe lời thì nó quen thuộc, còn ý tưởng thì hoặc là trống rỗng, hoặc là quá sâu xa, hay chỉ là làm cho có theo hình thức.

Trong ngày thứ hai có một phần thuyết trình của các quan chức nhà nước, bày tỏ quan điểm của đảng Cộng Sản về các vấn đề tôn giáo. Phần này thì quý vị đã từng ở Việt Nam rồi thì cứ ngủ một giấc đến khi tỉnh dậy cũng đoán ra là các ông bà này muốn nói gì và đã nói chi. Có sử gia của đảng Lê Cung từ Huế bàn về cuộc tranh đấu Phật Giáo năm 1963 và xem đó như là một phần đấu tranh của đảng Cộng Sản chống Mỹ đã bị phản đối mạnh bởi các đại biểu Việt kiều. Không khí tranh luận nổi lên như cồn. Thượng Tọa chất vấn phái đoàn nhà nước về việc nhân sự giáo hội bị xếp đặt bởi Mặt Trận Tổ Quốc. Trả lời : Đảng và nhà nước tôn trọng chủ quyền và tự do sinh hoạt nội bộ của giáo hội – “ngoại trừ một vài chức vụ quan trọng.” Tôi bắt gặp ánh mắt và nụ cười mĩa mai của các thầy quanh tôi. Ha, ha ! Thầy Phước Trí tung ra “quả bom” : Thế còn khẩu hiệu “Dân Tộc, Đạo Pháp và Xã Hội Chủ Nghĩa” ? Đạo Pháp và Dân Tộc là chuyện đương nhiên và quen thuộc. Còn “Xã Hội Chũ Nghĩa” ? Phần này đã không được trả lời. Sự tránh né không trả lời là câu trả lời. Hoặc nhà nước không có câu trả lời; hay là ai cũng biết câu khẩu hiệu đó là chuyện sai lầm nhưng không (chưa) ai dám đụng đến.

Phần hội thảo về Phật Giáo và Kinh tế thì có bài diễn văn mở đầu của thầy Tuệ Sĩ. Vì đang ở trong mùa “kiết hạ an cư” nên thầy Tuệ Sĩ không đến dự, mà chỉ gởi bài đến, đề tài “Nền tảng Phật Giáo của Kinh tế”. Bài viết bằng Anh ngữ, được đọc tại đại hội cũng bằng Anh ngữ bởi một tu sĩ có giọng Anh mà tôi nghe không kịp. Bài của Tuệ Sĩ cũng có phần dịch ra Việt ngữ bằng audio trực tiếp qua headphone, có thêm phần chiếu lên màn ảnh trong phòng hội. Tuệ Sĩ đến với hội thảo này như là bằng một nửa con người của ông. “Dùng giằng, nửa muốn, nửa không.” Tuệ Sĩ tuy có bài viết nhưng không đến dự trực tiếp; ông có ngôn ngữ tham gia, nhưng không phải là tiếng Việt, bài nói chuyện có nội dung, nhưng mà chỉ bàn đến chuyện tổng quan qua các lời dạy của Phật về kinh tế chung chung. Tuệ Sĩ đến với hội thảo này, tôi nghĩ, là vì thầy Lê Mạnh Thát, tức Thượng Tọa Trí Siêu, một người bạn tu đã cùng nhau nhận bản án tử hình vì chống đối nhà nước sau năm 1975. Tuệ Sĩ và Mạnh Thát, hai ngôi sao sáng trên bầu trời Phật Giáo Việt Nam, đang dần dần xích lại gần nhau, sau bao nhiêu năm “tuy gần mà xa, tuy xa mà gần.”

Trong phần hội thảo cuối cùng, “Phật Giáo và Chính Trị” có bài thuyết trình của Đỗ Hữu Tài, Tạ Văn tài, Thái Kim Lan (Việt kiều) và Đỗ Hữu Tuấn (Viện Tôn Giáo Hà Nội). Đến phần thảo luận, có lúc không ai muốn nói gì cả. Thầy Mạnh Thát và thầy Nhật Từ, một ngôi sao khác đang lên của Phật Giáo Việt Nam, hỏi, “Còn ai có ý kiến gì không ?” Cả hội trường không ai đưa tay. Lạ lùng ! Mới trong giờ trước thì giành nhau nói, nhưng đến khi đụng đến chính trị thì ai cũng im lặng. Tôi cũng muốn nói. Có thầy nhắc tôi, “Ông Liêm nói đi chứ !” Nhưng tôi cũng im lặng. Phần chính trị và Phật Giáo ở Việt Nam bây giờ cũng như là chuyện kinh Bát Nhã, chúng ta nên “bước qua trong im lặng.” Tôi quay qua nhìn nhà văn Nguyên Ngọc sát bên, và chúng tôi cùng mĩm cười. Ai cũng có quá nhiều điều để nói đến nỗi không biết là chúng ta nên bắt đầu từ đâu ?

Trong các phần thảo luận, về phần giáo lý, các sư Thái Lan đã phát biểu rất hay. Nhìn các sư đến từ Đài Loan, Nhật Bản và Ấn Độ, các ngài đều có nét dung dị, giải thoát, sáng hiền. Các thầy, các ni Việt Nam cũng có vóc dáng như vậy. Tôi vui mừng thầm vì tôi rất lo ngại về hiện tượng thoái hóa của hàng ngũ tăng ni Phật Giáo Việt Nam hiện nay, nhất là trên phương diện giới luật, trì chú, và tu học có quy củ, kỹ luật. Các chùa, các thầy đã không còn là điểm tựa cho đạo pháp, mà đã biến thành các thầy cúng, các nhà sư làm kinh doanh qua cơ sở chùa chiền. Không có ai rao bán Phật và giáo lý nhà Phật nhiều như các sư bây giờ. Nhưng ở trong hội thảo này, tôi nhìn các thầy, các ni và tôi cảm nhận ra một cái gì rất là thoáng đạt từ nơi họ. Hầu hết các tăng sĩ đều tích cực ngồi yên, im lặng, chăm chú lắng nghe. Giữa cái không khí sinh động, đầy ngôn ngữ của hội thảo với hơn 300 người tham dự, các thầy, các ni hiện ra như các vì sao. Các ngôi sao yên lặng, nhưng không an nghỉ -và cũng đang đi tìm như tất cả mọi người, có lẽ ở trên một bình diện khác. Vì ở trong loại hội thảo như vậy, chắc chắn không ai sẽ học hỏi được gì nhiều. Mà sự có mặt, gián tiếp hay chính bản thân, im lặng hay phát biểu, tất cả đều mang một ý nghĩa của Chánh Pháp. Nói như Thái Kim Lan, đây là cơ hội cho một “ngôn ngữ hòa bình.” Một “hòa bình” không phải là sự từ bỏ, quy phục, yếu đuối, hay là thụ động. Mà là một thứ hòa bình trong tích cực, chủ động, từ bi, trí tuệ và dũng khí.

Người gửi: Tâm Minh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Ba 2016(Xem: 5381)
Jürgen Habermas sinh năm 1929 là giáo sư Triết học tại Đại học Frankfurt (Đức) mà tên tuổi cuả ông gắn liền với Trường phái Triết học Frankfurt. Ông nổi danh với các luận thuyết về các Thay đổi Cấu trúc của Công luận (Strukturwandel der Öffentlichkeit, 1962) và Lý thuyết về Hành vi Thông đạt (Theorie des kommunikativen Handeln, 1981). Với nhiệt tình tham gia tranh luận trong các vấn đề chính trị sôi bỏng, ông được nể trọng là một trí thức can đảm dấn thân và nhận nhiều giải thưởng cao quý. Hiện nay, ông là một trong những triết gia hàng đầu tại châu Âu.
30 Tháng Tám 2015(Xem: 7689)
Tôn giáo là một hiện tượng xã hội, Phật giáo cũng không ngoại lệ. Mặc dù trải qua hơn 2500, sau khi đức Phật nhập niết-bàn, Phật giáo vẫn còn đóng một vai trò quan trọng trong xã hội nhân loại. Chúng ta có thể nói ngày nay và tương lai nhân loại ngày càng cần trí tuệ và phương pháp của Phật giáo để giải quyết những vấn đề xã hội.
29 Tháng Tám 2015(Xem: 9117)
Xin Sư cho con hỏi: người tu hành xuất gia có được tham dự chuyện thế sự và chính trị đời thường không? Con nghe nói người tu hành không được xen vào chuyện chính trị, chỉ lo thuyết pháp độ chúng, tu hành cho mình, nhưng con thấy rất nhiều các bài viết từ những người tu hành bàn luận chính trị, các chính sách của nhà nước, của nước ngoài, bàn chuyện đời nhiều hơn chuyện đạo như vậy là có đúng không?
29 Tháng Tám 2015(Xem: 9133)
Tăng đòan cần phải lên tiếng một cách độc lập, với óc phê phán và có đạo đức. Chúng ta nên ủng hộ chính phủ, khi họ làm những điều tốt, chẳng hạn như khuyến khích sự hòa đồng giữa các tôn giáo. Chúng ta nên phản đối, khi họ làm những điều sai, chẳng hạn như gây chiến tranh và phá hoại môi trường. Tăng đòan không nên tham gia quốc hội hay cấu kết với chính quyền nhưng cần phải thẳng thắn lên tiếng về những vấn đề đạo đức quan trọng.
19 Tháng Sáu 2015(Xem: 6105)
Nơi nào sự bất công áp bức, mầm bất thiện còn tồn tại thì sự bất ổn vẫn tiềm tàng như mạch nước ngầm đang tuôn chảy nhưng nếu không hòa nhập vào nhánh sông ra biển mà thành lũ dữ sóng thần đe dọa phá vỡ con đê quyền lực.
12 Tháng Sáu 2015(Xem: 5575)
Tiểu luận này bắt đầu với sự định rõ điểm đặc thù của “chủ nghĩa tiêu thụ” và khái niệm “người tiêu dùng”. Kế đó khảo sát tỉ mỉ quan điểm của đạo Phật về của cải tài sản và “kinh tế Phật giáo” trước khi dựa trên những điều này để đi đến phác họa cho việc đánh giá định mức về chủ nghĩa tiêu thụ, đây được xem như cách không gây ảnh hưởng và hoang phí đối với hạnh phúc nhân loại.
12 Tháng Sáu 2015(Xem: 11949)
Đây là bài Diễn văn của Giáo sư Tiến sĩ Damien Keown trong Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc – lần thứ 12, tổ chức tại Thái Lan từ ngày 28 – 30 tháng 5 năm 2015 với chủ đề hội thảo “Phật giáo và Khủng hoảng Thế giới”
02 Tháng Sáu 2015(Xem: 7127)
Chúng ta biết rằng cõi này không phải lúc nào cũng thuận thảo với những ước muốn của chúng ta. Chúng ta bước ra phố vào một ngày nắng đẹp, và đột nhiên một trận mưa rào ào xuống, làm chúng ta ướt mem. Dĩ nhiên, cõi này là bất như ý, Đức Phật đã dạy như thế.
30 Tháng Ba 2015(Xem: 5384)
Có một tiêu chuẩn được mọi người chấp nhận rằng sự sống của tất cả chúng sanh đều phụ thuộc vào ăn uống. Thực phẩm là yếu tố cần thiết nhất cho con người (chúng sanh), vì thế nó đã trở thành một yếu tố chủ yếu trong các nhu cầu của con người như là thức ăn, áo mặc, chỗ ở và thuốc trị bệnh.