Giai tầng chính trị và xã hội trong tư tưởng Phật giáo

21 Tháng Chín 201608:22(Xem: 5769)

GIAI TẦNG CHÍNH TRỊ VÀ XÃ HỘI
TRONG TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO
Tác giả: SAMDHONG RINPOCHE | Nguyên Hạnh dịch

Samdhong RinpocheĐức Phật quả thực là người đầu tiên vạch ra những khái niệm căn bản về đời sống xã hội và các mối liên hệ nhân sinh. Tư tưởng của Ngài bao hàm ý tưởng cách mạng năng động độc đáo. Do đó, không có gì phải ngạc nhiên khi những học thuyết chủ nghĩa xã hội và dân chủ sau này dường như có dòng sinh lực từ những tư tưởng của Đức Phật. Có thể nói, mọi nguyên tắc dân chủ và xã hội chủ nghĩa trong lãnh vực chính trị và kinh tế xã hội đều bắt nguồn trong kinh Phật mặc dù sự khác biệt của nó ở đây là thuyết xã hội căn bản trong Phật giáo tương đối rộng hơn và có mục đích rõ ràng hơn những triết lý xã hội được các nhà xã hội học hiện đại áp dụng.

Triết học xã hội Phật giáo trội hơn những hệ thống tư tưởng khác ở chỗ cung cấp những phương pháp và nguyên tắc chỉ đạo tốt nhất cho sự thành tựu con người xã hội tốt đẹp. Thật đáng tiếc rằng những nhà tư tưởng hiện đại hầu như không bao giờ nhận ra và nắm bắt ý nghĩa sâu xa vốn có trong những tư tưởng của Đức Phật về các vấn đề kinh tế-xã hội, những tư tưởng vốn cao siêu như những lời dạy về tâm thức con người.

Trong thánh điển Phật giáo, thuật ngữ “xã hội” có nghĩa rộng hơn ý nghĩa thường chỉ gắn cho cõi người. Trong ý nghĩa Phật giáo, “Xã hội” được bao gồm sáu cõi và bốn sinh loại, như thế lãnh vực xã hội mở rộng đến toàn khối hữu tình chúng sinh.

Một điểm nữa, những nhà tư tưởng chính trị có thể chỉ nghĩ đến cuộc sống tốt đẹp hoặc hạnh phúc tạm thời, trong khi Đức Phật chỉ bày những phương pháp để đạt đến kết quả lâu dài. Ngài đã trao cho thế giới một phương pháp để mãi mãi thoát khỏi cội nguồn khổ đau.

Tam Thừa

Vì sự phát triển đạo đức của nhân loại, Đức Phật khai mở Tam thừa mà tôi xem như là những giai đoạn liên tiếp của sự phát triển xã hội. Theo Thinh văn thừa, các pháp hành thuộc xã hội có thể được phân thành hai nhóm: một nhóm là những pháp tu tập chung cho người tại gia và một nhóm khác dành cho người xuất gia. Giới căn bản (sila) phổ thông cho người tại gia liên quan tới quy luật đạo đức cấm ngăn mười ác nghiệp và nhấn mạnh về bất bạo động đối với chúng sinh hữu tình. Trong Giới Luật, bạo động đối với bất kỳ chúng hữu tình nào đều bị nghiêm cấm để mọi loài sống không tổn hại nhau, không xâm phạm các quyền lợi lẫn nhau và cùng nhau tồn tại tốt đẹp. Bạo động là căn nguyên gây ra khốn khổ và xáo trộn xã hội, và việc loại bỏ bạo động nơi mỗi cá nhân (sẽ) một cách tự nhiên xây dựng nên sự lớn mạnh của kết cấu xã hội.

Trong Bồ tát hạnh của Đại thừa, bạo động hoàn toàn bị cấm, nhưng có trường hợp Đức Phật cho phép những vị bồ tát có thể có bảy bất thiện nghiệp về thân và khẩu. Tự thân những hành động này rõ ràng là bạo động đối với kẻ khác, nhưng ở những tình huống đặc biệt Đức Phật cho phép các vị bồ tát thực hiện chúng vì phúc lợi của tất cả hữu tình. Nó bao gồm sự hy sinh để gánh chịu hậu quả của các ác nghiệp nhằm cứu nguy một nhóm người khỏi rơi vào khốn khổ. Truyện tiền thân Sarthavaha Sattavana nổi tiếng gây sự chú ý của chúng ta về điểm này.

Trên chiếc thuyền chở hàng, tên ác nhân với gươm bén trong tay định giết những hành khách và cướp tài sản đã bị Sarthavaha Sattvavana giết vì tâm đại bi với cả tên cướp và những hành khách trên thuyền. Ngài có tâm đại bi đối với tên ác nhân để cứu anh ta khỏi hành động đại ác mà anh ta định thực hiện bởi với hành vi đó, anh ta sẽ gánh chịu hậu quả của ác nghiệp, và đối với những hành khách khác (là) để cứu tánh mạng và tài sản của họ.

Như đã nêu trên trong Bồ Tát thừa, Đức Phật chỉ cho phép ác hành chứ không bắt buộc; trong Kim Cang thừa, nó trở thành một phần trách nhiệm của các vị bồ tát thực hiện hành động hung tợn vì để loại bỏ những yếu tố phản xã hội, những yếu tố mà phương pháp bất bạo động không ngăn chặn được.

Ý nghĩa hy sinh dần dần đã mang chiều kích rộng hơn từ các thừa khác nhau này.

Cá Nhân và Xã Hội

Đức Phật nhằm vào sự duy trì và tăng trưởng cái nhân chính cho sự hài hòa xã hội. Với ý định chung cuộc này, Ngài đã ban hành các phép tắc cân bằng tốt và y cứ rộng. Vì những lợi ích và phúc lợi xã hội lớn hơn của đất nước, Ngài đã chú trọng nhiều đến quyền và lợi ích cá nhân. Những pháp phương tiện được mở ra nhưng không bắt buộc (tuân hành) mà do tự nguyện. Cách này là biện pháp duy nhất làm cho ôn hòa cân đối xã hội và có thể thực hiện mà không tổn thương bất cứ ai. Khi liên quan đến các quyền cá nhân, việc ngăn cấm 10 ác nghiệp chủ yếu được căn cứ vào sự bảo vệ quyền của mọi người trong xã hội.

Trong tổ chức giáo hội, nơi quyền hạn của một tăng-thân nào đó, nếu là một tăng sĩ đơn lẻ thì không quyết đoán bất cứ vấn đề gì một cách cá nhân hoặc tướt quyền biểu quyết của vị ấy, không có yết-ma tăng nào được tiến hành ngay cả hàng nghìn tăng sĩ đã tập hợp vì mục đích đó. Hành động như vậy được gọi là “sự phủ quyết” theo cách nói hiện đại. Nó vẫn còn sinh động cho thực tiễn xã hội và để tránh phương pháp thay thế thiểu số bởi đa số. Dạng tổ chức giáo hội này có thể trao quyền đại điện đến mỗi cá nhân và đến mọi người. Do vậy, nó là một đặc quyền vô song của Phật giáo vì nó không thể được so sánh với bất kỳ ‘chủ nghĩa’ hoặc giáo điều nào lấy đi quyền cá nhân của con người. Khuyết điểm lớn nhất của các hệ thống dân chủ và xã hội ngày nay là sự đại diện của con người là đường một chiều, và các ý kiến và quyền của thiểu số luôn luôn bị thay thế bởi đa số.

Trong Bồ Tát hạnh của Đại thừa, mọi cá nhân có vị trí và quyền thích hợp trên nền tảng hỗ tương lẫn nhau. Theo cách này, sự hài hòa xã hội thực sự được thực hiện trong Phật giáo trong khi nó bị phớt lờ trong tư tưởng chính trị ở thời đại chúng ta.

Trong Luật của Hữu Bộ, từ 10 giới của người tại gia đến 253 giới của người xuất gia, tầm quan trọng của sự bảo vệ các quyền cá nhân và sự duy trì hài hòa xã hội là sự tập trung vào việc tránh bạo lực. Bồ Tát giới của Đại Thừa không chỉ cấm ngăn bất bạo động mà bao gồm cả bổn phận ban phát niềm vui và làm lợi lạc cho tha nhân. Trong Kim Cang thừa, ý nghĩa của sự quên mình và sự bình đẳng của con người nhất là bình đẳng giới rất được nhấn mạnh. Những viễn cảnh xã hội, như thế, có thể được tóm tắt vào sáu ba-la-mật:
1. “Bố thí ba-la-mật” có thể được lấy làm phương tiện phân bố của cải đồng đều.
2. “Giới ba-la-mật” nghĩa là hòa hợp con người xã hội qua sự thực hành tránh bạo lực.
3. “Nhẫn nhục ba-la-mật” nghĩa là bao dung với bạo động và phê phán. Nếu hành động hung bạo bắt đầu từ một bên, nó chắn chắc được chinh phục từ phía bên kia và không khiến cho nghiêm trọng thêm.
4. “Tinh tấn ba-la-mật” nghĩa là làm việc không ngừng vì phúc lợi xã hội.
5. “Thiền định ba-la-mật” nghĩa là thanh tịnh tâm, làm cho tâm phù hợp để mang lại sự hài hòa xã hội.
6. “Trí tuệ ba-la-mật” nghĩa là thành tựu trí tuệ để khiến một người có được khả năng hiểu những điều đúng - sai và làm lợi ích cho xã hội.

Học Thuyết Nhà Nước

Những nỗ lực của cá nhân vì phúc lợi xã hội được gia cố bởi các mối ràng buộc thông thường của nhà nước. Đức Phật đã phác thảo trong những thuật ngữ rõ ràng về học thuyết nhà nước – nguyên tắc và tổ chức của nó (là) vì duy trì phúc lợi, luật pháp và trật tự xã hội.

Trong thánh điển Đại thừa như Địa Tạng Thập Luân Đại Thừa Kinh (Dasa-Cakra-ksti- garbhanama-Mahayana sutra) dạy về “thập luân” liên hệ đến việc Chuyển pháp luân của Đức Phật trong suốt năm giai đoạn của kỷ nguyên Ca Lợi (kali).

Pháp Thập Luân tuyệt hảo của Phật được so với việc cai quản quốc gia. Những ví dụ bánh xe (luân) cung cấp sự thúc đẩy lớn cho việc điều hành tốt đẹp của nhà nước.

Luân thứ nhất nói về phương pháp chọn người lãnh đạo đất nước hoặc nhà cầm quyền. Đức Phật dạy rằng sự thiếu vắng nhà nước tương đương với sự mất trật tự xã hội và vì vậy, phận sự của người dân là chọn người lãnh đạo. Kinh diễn tả thời gian chọn những tiêu chuẩn của người dân cho việc bầu người lãnh đạo. Nó nhấn mạnh về tuổi tác, học vấn, trí tuệ và tính vô tư của cử tri. Đức Phật gợi ý thêm rằng ai là một công nhân chuyên cần với nền công nghiệp đồ sộ, phán xét công bằng, thể tạng tốt, có học vấn, trí tuệ, có nhân cách và lòng bi mẫn thì nên được bầu làm người lãnh đạo đất nước.

Luân thứ hai hướng tới nhiệm vụ của người lãnh đạo. Vị ấy nên suy ngẫm thấu đáo về những yếu kiện đã qua, yếu kiện hiện tại lẫn tương lai, và đề ra chính sách để xây dựng và phát triển đất nước. Kinh trình bày tỉ mỉ rằng chính sách chính phủ phải thu hút tất cả người dân trong nước vào nhiều loại ngành nghề. Đức Phật dạy, những người dũng cảm nên dấn thân vào ngành nông nghiệp, cầu đường và dấn thân vào các đề án xây dựng để cung cấp thực phẩm và phương tiện truyền tin, và nhóm thứ ba nên được bao gồm vào thương mại và có kiến thức về nghệ thuật và thủ công chuyên môn để bổ dụng vào phúc lợi công nghiệp. Trong những thuật ngữ rõ ràng, Kinh cũng chỉ rõ về cách loại trừ thất nghiệp và phát triển đất nước.

Về luân thứ ba, Đức Phật đề cập đến sự chuẩn bị những rường cột và tước hiệu thích hợp cho những người có học thức, thông thạo và khéo léo, hoặc những người can đảm với sự rèn luyện đúng mực trong quân sự (kỹ thuật tác chiến) bất kể người đó là Bà-la-môn, Sát- đế-lợi, Phệ-xá hay Thủ-đà-la. Về việc làm, các tiêu chuẩn giáo dục và tài năng được nhấn mạnh. Điểm đáng chú ý nữa, Kinh cũng nhắc đến việc giao việc làm thích hợp với nhu cầu và năng lực cho những người ít hiểu biết, thất học hoặc kém thông minh. Kinh này đặc biệt vì bao gồm phương sách dự trù sinh kế cho người thiểu năng để họ không mất quyền lợi vì bị gò ép tùy tiện với việc làm chỉ dành cho người có học thức và năng lực. Tuy nhiên, những người lười nhác, trốn việc, và bản tính ác; những kẻ làm ác và đi vào những hoạt động phản xã hội thì nên bị trừng phạt theo mức phạm tội của họ. Đấy là vì quyền lợi của đất nước, giữ gìn kỷ cương và hòa bình.

Về luân thứ tư, Đức Phật nói rằng nếu vì tín ngưỡng vào thần linh và nữ thần hoặc tôn giáo và triết lý sống khác nhau mà người dân trong nước bị phân chia thì nhà nước cố gắng mang tất cả lại cùng nhau và đặt họ vào sự hợp tác thực sự để tránh xung đột và chia rẽ. Nhà lãnh đạo đất nước phải luôn luôn tham khảo ý kiến các bậc trưởng bối hoặc những người cố vấn và quyết định mọi việc với sự hội ý đầy đủ nhất; đây là theo tính chất nghị viện trong đời sống chính trị hiện đại.

Về luân thứ năm và sáu, Đức Phật đề nghị rằng nhà nước nên bảo vệ các thành phố, thị trấn, và làng mạc bằng các hành rào kiên cố, được trông coi bởi các lực lượng hùng hậu bao gồm cả người chăn gia súc cũng có thể tham gia vì mục đích đó. Các phương pháp phòng vệ được tiến hành để tránh những thế lực thù địch của quốc gia đáng nói vì tính khôn ngoan và sự sắc sảo chính trị. Điều khác biệt của luân thứ năm và sáu là luân thứ năm nhấn mạnh phương sách bảo vệ hộ tài sản của người dân và du khách, trong khi luân thứ sáu nói về cách bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Về luân thứ bảy, Đức Phật nhắc nhở rằng nhà nước nên thường xuyên trông nom các phong trào của dân chúng trong các thành phố, thị trấn, làng mạc, núi non, thung lũng, đồng bằng, nơi các khu vườn, rừng, nơi các con đường và sông rạch và những nơi khác của lãnh thổ. Trong trường hợp có bất cứ nguy cơ ngoại xâm hay thiên tai họa hoạn nào, trách nhiệm của nhà nước càng nặng nề hơn. Kinh chỉ ra phương pháp phòng bị thiên tai và ngoại xâm qua việc cung cấp phương pháp đối trị và các sở tình báo.

Trong luân thứ tám, Đức Phật nói rằng người lãnh đạo đất nước luôn phải nhớ lại vị trí của mình, thời niên thiếu, bối cảnh chào đời, thuở ấu thơ và sự học vấn của mình trong sự đồng cảm với trải nghiệm về con người và những sự kiện trong nước. Vị ấy không được rơi vào cái bẫy của cám dỗ tội lỗi hay bị mù quáng bởi quyền lực; nói cách khác, ông ta phải nhận thức đầy đủ rằng mình hàm ơn to lớn về mọi thứ từ đất nước.

Về luân thứ chín, Phật dạy rằng nhà cầm quyền phải trông nom tất cả người dân trong nước và nên có sự hiểu biết về vị trí, tài năng, đẳng cấp, nghề nghiệp, mối liên lạc xã hội, tín ngưỡng và phong tục của họ cũng như lối suy nghĩ của họ về đất nước. Kinh chỉ ra các phương pháp giáo dục giới trẻ và xem xét kỹ về đạo đức và vật chất mang lại phúc lợi toàn thể dân chúng.

Luân cuối cùng nói rằng một nhà nước đi theo các luân trên thì sẽ được toàn nhân loại kính trọng. Quyền lực pháp lý của nhà nước đó sẽ được mở rộng mà không cần đấu tranh hay bạo lực. Các chính khách hiện đại có thể tìm thấy ý tưởng về một chính thể toàn cầu dựa trên những nguyên tắc đạo đức trong trí tuệ cổ xưa này.

Sự ghi chép về các luân còn được thảo tỉ mỉ hơn trong nhiều tài liệu Đại thừa khác. Bồ Tát Cảnh Giới Phấn Tấn Pháp Môn Đại Thừa Kinh (Arya bodhisattvacarya -gocaropaya- visaya- vikurvana-nirdesanama- mahayana sutra) cung cấp lời luận bàn chi tiết về ‘praja’ (người dân), về “prajapala” (người bảo hộ) của một đất nước và về những trường hợp nên ban hành các điều luật nhà nước. Kinh trình bày chi tiết về cơ cấu tổ chức xã hội, về sự lãnh đạo, về tòa án, về tám lãnh vực mà vị nguyên thủ quốc gia và chính phủ phải lưu tâm, về phòng thủ chiến tranh và về các vấn đề liên minh.

Cơ Cấu Tổ Chức, Sự Lãnh Đạo và Bộ Máy Tư Pháp

Bài Kinh trích dẫn trên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phân bổ đồng đều lợi ích và của cải. Trong trường hợp rủi ro do xét xử sai lầm mà một cá nhân bị tịch biên toàn bộ tài sản, nhà nước chỉ nên tiếp quản một phần tài sản của cá nhân hoặc gia đình đó, kết hợp với tài sản quốc gia để sử dụng nhằm tạo ra lợi tức thương mại dưới sự giám sát của nhà nước. Bằng cách này tài sản của mỗi cá nhân và gia đình được bảo vệ và tăng lên trên nền tảng hợp tác đúng đắn. Theo tôi, nó có vẻ là tiền thân của tất cả hệ thống hợp tác, hợp đồng lâu dài và hiệu quả rộng lớn.

Kinh dạy, vị nguyên thủ quốc gia phải có hai đức tính cho việc điều hành thích hợp. Đó là tính thận trọng và tình thương. Có tính thận trọng để không bị quyền lực dẫn dắt mà luôn ghi nhớ rằng quyền lực, địa vị và ngay cả bản thân là nhất thời và vì vậy chỉ dùng quyền hành một cách thích hợp. Tình thương hướng đến tất cả người dân trong nước, nhất là những người đang gặp khó khăn do bệnh dịch và mất mùa hoặc các thiên tai nạn họa khác.

Với những người biển thủ, Kinh có những chỉ dẫn về cách trị phạt bằng tình thương chứ không bằng giận dữ hay với thái độ báo thù. Theo đó, có năm điều cơ bản cho sự trừng phạt. Chúng được gọi là ‘đúng tội,’ ‘đúng thời,’ ‘có mục đích,’ ‘mềm dẻo’ và ‘nhã nhặn.’ “Đúng tội” nghĩa là sự trừng phạt nên được giáng cho người phạm tội thực sự. “Đúng thời” nghĩa là thời gian hoặc hoàn cảnh thích hợp để quan tòa có thể phán quyết hình phạt, và bị cáo có thể lãnh án. “Có mục đích” nghĩa là sự hối cải rõ ràng trong những hành động của phạm nhân qua việc lãnh án. “Mềm dẻo” phải là tính chất của sự trừng phạt: không nên dựa trên sự quy kết cứng nhắc. Tốt nhất là giúp phạm nhân hối cải bằng cách răn nhắc. Mặt khác, quan tòa phải cố gắng áp dụng hình phạt ở mức thấp nhất có thể. Sự hành hình và đóng cọc xuyên qua người bị nghiêm cấm trong nguyên tắc trừng phạt này. “Sự công bằng nhã nhặn” nghĩa là sự đối xử có lòng trắc ẩn đối với phạm nhân. Như thế, đó phải là phương pháp trừng phạt như cách cha mẹ phạt con của mình.

Kinh nói rằng vị nguyên thủ quốc gia hoặc chính phủ luôn cần có tám việc suy ngẫm trong tâm. Tám việc đó là:

1) Suy ngẫm để xem công dân trong nước như những người con trai và con gái của ông ta;
2) Suy ngẫm để xem những kẻ vô lại như bệnh nhân;
3) Suy ngẫm để nhìn những người khốn khổ như đối tượng cần tình thương và lòng nhân ái;
4) Suy ngẫm để vui mừng khi thấy những ai được khá giả thành đạt.
5) Suy ngẫm để tìm cách xóa bỏ nguyên nhân hận thù đối với kẻ thù địch.
6) Suy ngẫm để làm tăng thêm quyền lợi chính đáng của bạn bè.
7) Suy ngẫm để sử dụng tài sản như phương thuốc của đời sống; và
8) Suy ngẫm để bản thân sống không vị kỷ.

Đấu Tranh Vì Phòng Vệ

Bản kinh chiếu ánh sáng quan trọng về cách hành động thế nào trong chiến tranh. Đức Phật khuyên rằng tình huống chiến tranh nên được giải quyết qua ba giai đoạn và ba nỗ lực sáng suốt.

Ở giai đoạn thứ nhất nỗ lực trước tiên là nhắm vào việc mang lại sự thỏa hiệp giữa hai bên hoặc giữa các đảng phái tham chiến mà không đổ máu, dù là cả hai bên có thể phải từ bỏ vài quyền lợi. Nếu chiến tranh vẫn không thể vãn hồi bằng cách ngồi lại để thương thuyết thân mật, đền bù bằng phẩm vật hay thỏa thuận theo tối hậu thư, chỉ khi đó chính quyền mới bắt đầu cho cuộc chiến.

Ở giai đoạn thứ hai, nỗ lực tiếp theo là đối phó cuộc chiến, hy sinh thân mình. Điều này được giải thích: người dân trong nước ở thế nguy hiểm của ngoại xâm, vì thế bản thân buộc phải chiến đấu và, với ý định cứu nguy cho dân tộc, vài người sẽ sẵn sàng gánh chịu hậu quả của ác nghiệp.

Trong cuộc chiến, nên xem mình mạnh hơn địch, và phải nuôi dưỡng niềm tin chiến thắng. Tuy nhiên, với một cuộc chiến đang hồi gay go, nên tìm cách nào đó để giảm thiểu hậu quả chém giết và giảm thiểu tổn thất nhân mạng của cả hai bên.

Ở giai đoạn thứ ba, nỗ lực ứng dụng tất cả những nguyên tắc kể trên một cách khéo léo và quả cảm trong các hoạt động đấu tranh với mục đích phòng ngự.

Như chúng ta biết, mục đích của chiến tranh chưa bao giờ được cho là phá hoại hoặc vì danh tiếng của bên thắng trận; nó được trù định nhằm vào việc bảo vệ quyền và quyền ích của dân tộc. Điều này làm nhẹ bớt kết quả của tội ác theo ý nghĩa đạo đức. Hơn nữa, không chỉ trong kinh Đại thừa mà trong các kinh của Hữu Bộ, Đức Phật cũng không phản đối cuộc chiến vì chủ quyền quốc gia. Có nhiều thí dụ như lần nọ vua Ba-tư-nặc của Kiều-tát-la giao chiến một thời gian dài. Theo yêu cầu của nhà vua, Đức Phật đã cho vài vị tỳ kheo đến doanh trại của vua để giảng pháp cho vua và quân lính. Điều này cho thấy rằng nếu Đức Phật phản đối cuộc chiến thì Ngài sẽ không phái bất cứ tăng sĩ nào đến doanh trại của vua làm chỗ nương tựa tinh thần cho họ. Đức Phật rất có ảnh hưởng đến vị vua này, Ngài có thể ngăn vua khỏi cuộc chiến một cách dễ dàng. Nhưng không nên hiểu lầm điều này là khuyến khích bạo lực vì mục đích vị kỷ. Nếu vì mục đích vị kỷ, Đức Phật không bao giờ cho phép bạo hành giáng xuống những sinh vật nhỏ nhất dù để bảo vệ mạng sống của ai đó. Tương tự, các tăng sĩ bị nghiêm cấm tất cả hành động bạo lực dù bất cứ hoàn cảnh nào.

Hy Sinh Vì Sự Hòa Hợp Xã Hội.

Một kinh khác có tựa đề Cổ Âm Long Vương Kệ Kinh (Nagaraja-Bheri-Gatha). Kinh nói rằng vì lợi ích của gia đình nên hy sinh bản thân, vì lợi ích của đất nước, (nếu cần) nên hy sinh thành phố. Nguyên tắc này về sau được nhiều chính khách và nhà cải cách xã hội tán thành, Mahatma Gandhi là một trong những người có quan điểm như thế.

Tóm lại, ở mọi góc độ, Đức Phật đều chạm đến các lãnh vực triết học về kinh tế xã hội và chính trị. Những tư tưởng của Ngài hoàn toàn mới trong thời Ngài tại thế nhưng lại đứng khá vững trong thời đại ngày nay. Hiện giờ, những lời Ngài dạy về sự bình đẳng dựa trên những nguyên tắc xóa bỏ giai cấp, xóa bỏ những thành kiến sắc tộc và phân biệt giới tính đang là những mục tiêu hướng đến của nhiều quốc gia trên thế giới. Đức Phật đã biết về những khó khăn theo sau nếu có sự xuất hiện của Ni giới trong Tăng đoàn, nhưng Ngài vẫn cho phép thành lập giáo đoàn Tỳ kheo ni vì lợi ích của người nữ và vì sự bình đẳng giới (nam và nữ giới).

Trong một thế giới mà các khái niệm đạo đức luôn thay đổi, tôi muốn bác những quan niệm sai lầm của vài học giả cho rằng nguyên tắc bất bạo động là nguyên nhân suy tàn của lực lượng quân đội quốc gia, và xem giáo đoàn Tỳ kheo, Tỳ kheo ni như là mối tổn thất cho nền kinh tế đất nước, là gánh nặng đối với xã hội. Sự thực rằng những quan điểm sai lầm này dựa vào những niềm tin thành kiến và nghiên cứu gièm pha Phật giáo.

Phật giáo và sức mạnh quân sự phát triển nhanh trong thời đại của vua A Dục ở Ấn Độ. Ở Tây Tạng, quyền lực thế tục lớn mạnh bên cạnh Phật giáo vào thời đại của Tùng-cán-can-bố (Srong-tsen Gampo), Ngật-lật-song-đề-tán (Tri -song Deu-tsen) và Xích-tổ-đức-tán (Ralpachen), ba vị vua vĩ đại đã mở rộng vương quốc của họ và cũng đã phát triển kinh tế và xã hội nhanh chóng. Sự kết hợp chặt chẽ với Phật giáo đã đặt cơ cấu xã hội Tây Tạng trên nền tảng vững vàng. Từ khi Phật giáo được truyền đến Tây Tạng, không có sự bất hòa xã hội hay thống khổ nào được tìm thấy cho đến khi đất nước bị Trung Cộng thôn tính vào những thập niên gần đây.

Do ảnh hưởng Phật giáo nên giữa người giàu và người nghèo, đẳng cấp cao và đẳng cấp thấp không có khoảng cách lớn nào tồn tại trong lịch sử Tây Tạng. Ngay cả dưới chế độ quân chủ, người dân vẫn hưởng đầy đủ những đặc quyền dân chủ. Công dân có cơ hội ngang nhau. Giáo đoàn Tỳ kheo và Tỳ kheo ni là nguồn cảm hứng bất tuyệt và là niềm hạnh phúc đối với xã hội. Hơn nữa, ngay khi bất kỳ người con trai hoặc con gái nào trong gia đình xuất gia, vị ấy đã từ bỏ tất cả của cải và tài sản mà một thành viên trong gia đình được sở hữu. Như thế tất cả thành viên còn lại trong gia đình được hưởng phần của vị đó. Hầu hết công tác phục vụ xã hội như nghi lễ tôn giáo, đứng lớp ở các trường học và cung cấp trợ tá y khoa đều được các vị tăng và ni đảm trách tận tình mà không trông đợi thù lao. Truyền thống sống chung với nhau trong các cơ sở tu viện của tu sĩ đã là một trong những nguồn thuận lợi lớn nhất của lực cố kết xã hội.

Lại có lời chỉ trích khác rằng Phật tử Tây Tạng nói riêng và hàng Phật tử nói chung e ngại đón nhận lối sống hiện đại, hoặc cho rằng niềm tin Phật giáo cản trở sự phát triển xã hội. Đây là quan điểm sai lầm về một giáo đoàn lớn nhất. Người Tạng không ngại áp dụng hoặc tiêu hóa lối sống mới, đối với người Tạng; chừng như có những dây neo cố định họ trong các nguyên tắc lâu đời của Phật giáo.

Cho đến bây giờ, tự do ý chí hoạch định xã hội và tiếp nhận niềm tin là điểm quan trọng nhất trong Phật giáo làm cho chúng ta chỉ cảm thấy tự hào và khác biệt với các xã hội khác. Đức Phật nhấn mạnh lợi ích của tự do tư tưởng và tự do lý luận nơi tự thân mỗi người và nhấn mạnh rằng không nên đơn thuần tin vào bất cứ điều gì, ngay chính những lời dạy của Ngài. Đây là một khía cạnh tuyệt vời của Phật giáo – khía cạnh tôn trọng tự do tôn giáo của cá nhân. Trong các thừa khác nhau, hầu hết kinh điển đầy các cuộc thảo luận và tranh biện về giới luật. Đại Bát Niết Bàn Đại Thừa Kinh (Arya Mahaparinirvana-nama sutra) đặc biệt lặp lại lý lẽ mạnh mẽ nhất của chúng đệ tử với Đức Phật, điều mà tôi cảm thấy tác động mạnh mẽ hơn những cuộc tranh biện nghị viện thời nay. Nó chứng tỏ rằng Đức Phật hoàn toàn khuyến khích chánh ngữ và thảo luận về mọi lãnh vực và cho phép phê bình với tâm hòa ái chứ không phải với cảm giác khó chịu.

Thường được biết đến với Tạng ngữ “Denpa-shi”, Pháp Tứ thánh đế do Đức Phật thuyết giảng đã mở ra đường lối hành động vững chắc nhất vượt thoát khổ đau. Đó là Trung đạo. Thực tập theo pháp này tất loại trừ tất cả sự nghèo nàn, thất nghiệp, nổi loạn và chiến tranh vốn dĩ là những nỗi bất hạnh của xã hội. Căn nguyên của những bất hạnh này là vô minh và sân hận. Chúng phải được nhổ tận gốc rễ bởi giáo lý từ bi, bao dung và trí tuệ của Phật. Sự công nhận về sự thật này có ý nghĩa rất nhiều đối với thế giới, trong quá khứ, hiện tại và cả trong tương lai.

Samdhong Rinpoche
Nguyên Hạnh dịch

Nguồn: http://samdhongrinpoche.com/en/the-social-and-popitical-strata-in-buddhist-thought/ 

blankSamdhong Rinpoche, 64 tuổi, là một vị sư tái sanh và là một giáo sư đại học, cũng là vị lãnh tụ được bầu cử một cách dân chủ đầu tiên của dân tộc Tây Tạng. Cần ghi chú chữ “Rinpoche” nơi đây: nghĩa này là Viên Ngọc, hay là Đấng Tôn Quý, một danh hiệu giành cho rất ít vị lạt ma Tây Tạng. Ngài Samdhong chưa từng về thăm Tây Tạng kể từ năm 1959, khi Đức Đạt Lai Lạt Ma và các sư bỏ trốn ra tới Ấn Độ vì bị Quân Đội Trung Quốc tràn vào truy bắt.

Bây giờ thì, sau một đời hoạt động cho chính nghĩa đòi độc lập và rồi đòi tự trị cho Tây Tạng, ngài nói rằng đã quá già để có thể trở về. Ngài nói, “Nhưng không quan trọng gì. Tôi không có khát vọng lớn muốn nhìn lại Tây Tạng trong kiếp này. Nếu vấn đề được giải quyết xuyên qua thương thuyết, thì tôi cũng không nghĩ là mình về lại Tây Tạng, và tôi sẽ chọn lựa để về hưu ở Ấn Độ và sống một cuộc đời tự do. Tôi luôn luôn tìm cách sống đơn giản lặng lẽ như một tăng sĩ Phật Giáo ở nơi nào đó. Nếu người ta yêu cầu tôi tới, tôi có thể rồi phải nhượng bộ theo ý họ, nhưng nếu tôi tự do lựa chọn thì tôi sẽ không về nước lại.”

Đi bên cạnh Đức Đạt Lai Lạt Ma khi viếng thăm Anh Quốc, ngài Samdhong có vẻ như không có đoàn tùy tùng riêng cho chức vụ Thủ Tướng lưu vong của một đất nước hiện nay chỉ còn trong tâm tưởng hơn là hiện thực.

Là con trai của 1 nông dân, sư ra đời trong 1 ngôi làng xa xôi ở miền Đông Tây Tạng. Một trong những ký ức sớm nhất của sư là khi được yêu cầu tới tu viện cùng với người chú của sư, cũng là một vị sư, khi mới 4 tuổi. Một năm sau, sư được công nhận là một vị sư lớn tái sinh, và phong vào ngôi Samdhong Rinpoche kiếp thứ 5 và giữ chức Viện Trưởng Tu Viện Gaden Dechenling. Sư được đưa lên tu học ở Lhasa, thủ đô Tây Tạng, và chính nơi đây trong cuộc nổi dậy năm 1959, thì Đức Đạt Lai Lạt Ma đào thoát cùng với 80,000 người tị nạn vì bị quân Trung Quốc truy bắt sau khi cuộc nổi dậy thảm bại.
Cái gọi là “cuộc điều tra” của Trung Quốc về cuộc “nội phản” dẫn tới tình hình hàng trăm ngàn người Tây Tạng bị giam, tra tấn hay sát hại. Ngài Samdhong nói, “Từ 1959 tới 1976, có 2.1 triệu người, mà chúng tôi có hồ sơ chi tiết, bị giết trực tiếp do việc Trung Quốc chiếm đóng. Có hơn 60,000 tu viện, chùa, thư viện, tượng đài lịch sử đã bị san bằng.”

Vào thập niên 1980s, người Hoa đổi chiến thuật, đưa vào “thứ tệ hại nhất của hệ thống tiêu thụ theo định hướng thị trường” và đưa dân gốc Hán ào ạt di dân vào đất Tây Tạng để làm suy yếu di sản văn hóa Tây Tạng. Bây giờ, Tạng dân trở thành thiểu số trên đất của chính họ.

Thủ Tướng Tây Tạng lưu vong nói, “Nếu không có thay đổi tích cực xảy ra trong 5 hay 10 năm tới, tôi không nghĩ là sẽ còn gì đó để phải cứu nữa. Văn hóa sẽ bị xóa sồå, ngôn ngữ sẽ biến mất và dân chúng hoàn toàn bị đồng hóa thành Trung Hoa. Dân tộc Tây Tạng đã đau khổ thiệt hại. Chúng tôi không dùng đủ lời để nói lên. Chỉ có người Tây Tạng mới kinh nghiệm và nhớ tới nó.”

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn