Tinh Thần Bình Đẳng Trong Giáo Dục Phật Giáo - Nguyên Hồng

22 Tháng Mười Hai 201000:00(Xem: 21406)

TINH THẦN BÌNH ĐẲNG
TRONG GIÁO DỤC PHẬT GIÁO

Nguyên Hồng

Tư tưởng nhất thừa là cứu cánh của giáo dục Phật giáo nên nó bao trùm mọi tư duy và hành động của giáo dục Phật giáo, trong đó có tư tưởng bình đẳng trong xã hội. Chư Phật thế tôn vì một nhân duyên trọng đại mà xuất hiện ở đời. Câu này nói lên nguyên nhân chủ quan cho sự hiện hữu của đức Phật và giáo lý của ngài. Nguyên nhân chủ quan là lòng từ bi vô hạn của chư Phật. Vì lòng từ bi mà xuất hiện ở đời độ thoát chúng sinh trở về với bản thể thanh tịnh bình đẳng. Còn xuất hiện ở đâu và khi nào, đó là nguyên nhân khách quan, là bối cảnh xã hội mà thuật ngữ Phật học gọi là thời và cơ.

Xã hội Ấn Độ thời Thích Ca Mâu Ni ra đời là mảnh đất phì nhiêu cho tư tưởng bình đẳng phát sinh và nảy nở. Nói theo ngôn từ của nhà nghiên cứu văn hoá và xã hội thì Thích Ca Mâu Ni là người đã làm một cuộc cách mạng văn hóa và xã hội thời bấy giờ. Bởi vì Thích Ca Mâu Ni đã làm đổ nhào mọi tư duy tư tưởng cũng như thang giá trị xã hội đương thời. Nếu thử làm một so sánh nhỏ cũng thấy không kém phần thú vị. Thí dụ đạo Bà la môn chủ trương thần Brahma sáng tạo ra vũ trụ. Phật dạy vạn sự vạn vật đều do duyên sinh. Đạo Bà la môn chủ trương sát tế đẫm máu. Đạo Phật chủ trương từ bi không giết hại sinh mệnh. Đạo Bà la môn nặng tế lễ cầu thần linh cứu giúp. Đạo Phật thì tu tập thiền quán để tự giác ngộ và giải thoát. Để trở thành thầy Bà la môn, người đó phải xuất thân từ giai cấp Bà la môn. Còn để trở thành tu sĩ Phật giáo thì bình đẳng không phân chia giai cấp. Thầy Bà la môn ở tại gia, phải có vợ con và bắt buộc phải có kinh tế gia đình sung túc. Tu sĩ Phật giáo thì xuất gia từ thân cát ái và không nắm cầm tiền bạc. Thầy Bà la môn để tóc dài quấn quanh đầu, bịt khăn trắng để bảo vệ khối tư tưởng. Tu sĩ Phật giáo cạo bỏ râu tóc. Thầy Bà la môn ăn mặc toàn trắng tượng trưng cho sự thanh khiết. Tu sĩ Phật giáo mặc áo phấn tảo màu đất vàng biểu tượng cùng đồng hành với những người lầm than trong xã hội. Theo luật Manu, phụ nữ là tài sản của nam giới. Theo Phật giáo thì nam nữ bình đẳng, được xuất gia tu học, độ đệ tử và chứng quả vị như nam giới v.v...

Phật dạy: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính tất hữu.” cho nên đối với quan hệ giữa người và người là một quan hệ tuyệt đối bình đẳng, không có người cao thượng hay hèn hạ vì phân biệt giai cấp, không có tôn ti vì phân biệt nam nữ, cũng không có hạng giáo dục được và hạng người nào là không giáo dục được. Theo Phật dạy thì cao thượng hay hèn hạ là do hành vi con người chứ không do giai cấp. Không thể nói trong giới quí tộc không có người hèn hạ, cũng như không thể nói trong giới bình dân không có người cao thượng. Tư tưởng bình đẳng trong đạo Phật dạy con người phá bỏ sự phân chia giai cấp. Điều này Phật dạy trong nhiều kinh, và chính tự thân đức Phật tự thân thực hiện trong việc độ người xuất gia và sinh hoạt bình đẳng trong tăng đoàn. Rõ nét nhất, trong Kinh Tiện Dân (Nipata) câu 136 Phật dạy: “Không ai sinh ra là tiện dân, không ai sinh ra là Bà la môn. Do hành vi mà con người thành tiện dân, do hành vi mà con người thành Bà la môn.” Đường lối giáo dục bình đẳng không phân biệt, Phật dạy: “Giáo pháp của ta như nước trong, rửa sạch mọi ô uế, không phân biệt giàu nghèo, giai cấp, nam nữ. Chỉ cần tu tập theo đường lối của ta thì đều được cứu độ. Ta quyết không vì nể những hạng tôn quí mà chọn lấy kẻ giàu sang vương giả. Ta đã độ cho Upali, người sinh ra trong giai cấp tiện dân và Shurata nghèo khổ. Ta cũng dùng cách thích ứng với năng lực những hạng ngu si tham dục. Giáo pháp ta không thiên vị một đảng phái nào mà là con đường chân chính bình đẳng an ổn cho tất cả dân chúng.” Đây là một đoạn dẫn của Hữu Tùng Viên Đế để kết luận bộ “PHẬT GIÁO THÁNH ĐIỂN” do ông biên dịch. (Trích dẫn lại của Ōno Shinzō trong tác phẩm NGHIÊN CỨU HỌC THUYẾT KINH TẾ XÃ HỘI PHẬT GIÁO, 1956, Tokyo)

Việc Phật độ cho người nữ xuất gia là một đặc điểm ưu việt trong giáo dục Phật giáo nhất là ở thời điểm Phật tại thế. Hơn thế nữa không những được độ cho xuất gia mà còn được đầy đủ các quyền hành xử vai trò “ đại Phật tuyên dương” tức thay Phật thuyết giảng độ chúng, tổ chức và điều hành ni bộ để tu học. Về điểm nam nữ bình quyền bình đẳng, ở thế kỷ 21 này còn là niềm ước mơ ở nhiều nơi trên hành tinh chúng ta nhưng vẫn còn tồn tại nhiều điều phi lý như đạo luật xử ném đá cho đến chết những phụ nữ ngoại tình mà trong khi đó thì nam giới không bị áp dụng điều luật đó, hoặc nữ tu không được làm phép thánh cho tín đồ v.v...

Hơn thế nữa tinh thần bình đẳng đến triệt để không những nữ nhân mà cực ác xiển đề cũng thành Phật. Nghĩa là không một hạng người nào không được độ thành Phật. Tất cả đều có Phật tính thì tại sao không thành Phật được. Có phải do ta không đủ năng lực giúp họ khơi dậy cái Phật tính tất hữu trong họ hay không? Đứng về ý nghĩa giáo dục mà nói, đó là do người thầy không đủ kiến thức, phương pháp sư phạm cũng như nhiệt tâm nên đã nói một cách thiếu trách nhiệm rằng đó là một đứa trẻ không giáo dục được.

Nếu đem đối chiếu tư tưởng nhất thừa và tư tưởng bình đẳng trong giáo dục Phật giáo mà đức Phật đã dạy trên 2500 năm với tư tưởng bình đẳng trong giáo dục của thế giới thời hiện tại có thể nói là không thể làm một so sánh được. Vì tư tưởng bình đẳng trong giáo dục mới được quan niệm và triển khai trong thế kỷ 20 nhưng còn rất nhiều chỗ bất cập và bất khả thi. Với ý tưởng bình đẳng trong giáo dục thì mọi trẻ em đến tuổi đi học đều có quyền hưởng quyền được giáo dục một cách đồng đều. Giai đoạn trẻ em được hưởng quyền lợi giáo dục đồng đều đó ngắn dài khác nhau và hưởng những gì hưởng như thế nào khác nhau tuỳ theo mỗi quốc gia. Nhưng nói chung quốc gia nào cũng có giai đoạn giáo dục đó. Nước ta gọi là giai đoạn giáo dục phổ cập, Trung Quốc, Nhật Bản gọi là nghĩa vụ giáo dục, các nước Âu Mỹ gọi là giáo dục cưỡng bách (Education obligatoire, hay Compulsory education). Cho dù bằng ngôn từ gì, phổ cập hay nghĩa vụ hay cưỡng bách khắp thế giới không thiếu trẻ con đi ăn xin, bán rong, đánh giày hay bị bóc lột lao động trong những nhà máy mà Ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần lên tiếng.

Về mặt lý thuyết và phương pháp, tâm lý giáo dục cũng từ thế kỷ 20 được phát triển đa dạng và phương pháp trắc nghiệm tâm lý được áp dụng khá phổ biến trong học đường. Phương pháp trắc nghiệm trí thông minh gọi là IQ Test được dùng để phân loại trẻ. Theo lý thuyết người ta cho rằng trẻ em có chỉ số thông minh IQ dưới 70 là trẻ không giáo dục được (uneducable). Với tinh thần giáo dục Phật giáo thì đây là quan điểm không thể chấp nhận. May thay quan niệm này ngày nay vừa được xét lại.

Phật giáo là giáo thuyết lấy con người làm trung tâm, giải quyết mọi sinh hoạt thực tế của con người trong hoàn cảnh nó đang sống để từ đó thăng tiến hơn lên. Đạo Nguyên thiền sư khai tổ của dòng thiền Tào Động Nhật Bản đã nói “thế pháp tức Phật pháp” và chân như pháp thân không có nghĩa là trạng thái của một thế giới thanh tịnh nào khác hoàn toàn không liên quan đến sinh hoạt thực tế của con người. Cho nên vai trò của giáo dục Phật giáo là quan sát cái xã hội đang liên tục biến đổi để cải thiện con người và xã hội. Người tu Phật hành Phật sự phải đứng trên lập trường lấy hiện tượng sinh hoạt thực tế của xã hội làm cơ sở giải đáp nguyện vọng về tinh thần cũng như vật chất của dân chúng. Nói vắn tắt là Phật giáo phải hiện đại hóa thực tế hóa và động thái hóa. Nói hiện đại hóa, thực tế hóa, động thái hóa tức đương nhiên bao hàm vấn đề xã hội hóa và dân chủ hóa. Phật giáo vốn không xa rời lập trường xúc tiến lợi ích cho dân chúng. Và “bồ tát” trụ tâm nơi từ bi hỉ xả vì tất cả dân chúng mà nỗ lực theo đuổi lợi ích thế gian và xuất thế gian.

Khi xuất hiện Phật giáo đại chúng bộ thì tên Phật giáo Đại thừa cũng mang ý nghĩa Phật giáo thế tục hóa, nhưng đồng thời cũng mang ý nghĩa xã hội hóa. Nói như một nhà nghiên cứu tôn giáo triết học người Đức Leopold Zielger trong Der ewige Buddho, 1922: “Tôn giáo của đức Phật xưa nay vốn là tôn giáo lấy dân chúng làm bản vị, một tôn giáo vô cùng dân chủ, một tôn giáo luôn luôn đổi mới”. Vì vậy Phật giáo thời hiện tại phải xác minh lại tính xã hội và vì dân. Nói xác minh lại bởi vì trong quá khứ việc thế tục hóa Phật giáo ở Trung Quốc cũng như ở Nhật Bản và Việt Nam đã nhiều thời trở thành một thứ tôn giáo gia tộc hóa, triều đại hóa. Và khi quyền thế chi phối thì Phật giáo trở thành một thứ công cụ xa rời lớp dân chúng bình dân, mất đi tính xã hội vốn có. Từ đó Phật giáo trở thành một thứ đồ cổ mỗi khi được nhắc đến, còn trong thực tế chỉ còn lại như một thứ nghi lễ trong tang tế mà thôi.

Điều mà người tu Phật, hành Phật sự ngày nay là triển khai nguyên lý, giáo thuyết của đức Phật, vận dụng làm sống lại tính xã hội hóa của đạo Phật. Trong kinh giáo nguyên thủy cũng như kinh giáo thời Đại thừa phát triển đức Phật đã từng dạy phải làm thế nào.

(Trích từ Tiểu Luận Giáo Dục Học Phật Giáo - Nguyên Hồng)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 7875)
Người tu chứng không phải do học cao hiểu rộng mà được, mà chỉ thấy rõ thân này là một tổ hợp vật chất, do nhiều yếu tố thành hình, không có cái ngã thực thể cố định. Biết được như thế, chúng ta làm tất cả việc mà không thấy mình làm. Người học cao hiểu rộng, nếu không có sự tu tập thì sự chấp ngã càng lớn. Do đó dễ làm tổn hại cho nhiều người, khi họ lợi dụng quyền hành thế lực.
04 Tháng Mười Một 2015(Xem: 10300)
Có lẽ để phù hợp hơn cho bài pháp luận hôm nay trong buổi thuyết trình đoàn này, chúng ta nên đặt lại câu hỏi, “Tại Sao Tuổi Trẻ Việt Nam tại Bắc Mỹ Ít Đến Chùa / Phật Giáo?” hay câu hỏi tích cực hơn là “Làm thế nào để giúp Tuổi Trẻ Việt Nam đến với Phật Giáo?”
29 Tháng Mười 2015(Xem: 7335)
Thật tế, nhìn khái quát, Phật giáo Việt nam đang đi vào một khúc quanh mà ở đó, những thực trạng nhức nhối đáng quan ngại không còn là chuyện cá biệt mà chúng đang phổ biến hóa với mật độ trải rộng mang tính áp đảo, và tất nhiên không ít người Tăng cũng như tục đã bắt đầu hình thành ý niệm rằng đó là những hình thái đương nhiên.
09 Tháng Mười 2015(Xem: 9288)
Nhân bài viết “Chùa Chết” và “Ai Giết Chùa” nói về thực trạng một số chùa hiện nay tại Việt Nam của tác giả Cư sĩ Tiến sĩ Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng, chúng tôi sao lục bài tham luận của Đại đức Thích Tâm Đức - Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Thanh Hóa ..
25 Tháng Chín 2015(Xem: 7929)
Tôi rất trăn trở cho Phật giáo nước nhà của hiện tại và tương lai. Bao năm nay tôi luôn theo dõi và ủng hộ các trung tâm hoằng pháp lớn của Việt Nam mà nơi làm tốt nhất, lớn nhất, hiệu quả nhất, thay đổi tâm của nhiều người nhất có lẽ là chùa Hoằng Pháp TP HCM.
31 Tháng Tám 2015(Xem: 6535)
Viện đại học là cơ sở giáo dục đại học đa cấp, đa ngành, đa lĩnh vực, và thường có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao trong hệ thống giáo dục. Viện đại học xuất phát từ danh từ University, nhưng có nguồn gốc từ tiếng Latinh: Universitas; có nghĩa là cộng đồng của giáo viên và các học giả,
25 Tháng Tám 2015(Xem: 5516)
“Đề tài truyền đạt là “Một Thoáng Nhìn về Phật Giáo Thế Kỷ 21,” một đề tài đáp ứng những thắc mắc của cộng đồng chúng ta trong việc hội nhập vào nền văn hóa và xã hội Hoa Kỳ. Mong rằng qua trình bày của Giáo sư, các thính giả thấy được cái nhìn rộng sâu của vị khoa bảng Khoa Phật học Đại học UC Berkeley.”
05 Tháng Tám 2015(Xem: 14745)
Trong thời gian qua, chúng tôi nhận được nhiều email của các bạn trẻ ngỏ ý muốn được xuất gia và hỏi về các điều kiện xuất gia. Bài viết này nhằm mục đích trả lời chung các bạn. Trước hết chúng tôi tán thán tâm nguyện xuất gia của các bạn và sau nữa, chúng tôi khuyên các bạn
23 Tháng Sáu 2015(Xem: 8456)
Đại học Harvard vừa tổ chức một cuộc hội thảo nội dung nhìn vào những thách thức phải trải qua khi đào tạo những người giảng Phật pháp để đáp ứng các nhu cầu hiện nay.
21 Tháng Sáu 2015(Xem: 6783)
Trong đạo Phật có câu nói rất phổ biến là “Nhất niệm thông tam giới,” một niệm biến khắp ba cõi – cõi dục, sắc, và vô sắc. Một niệm tức là một móng tâm, một ý nghĩ khởi sinh từ tâm. Điều này cho thấy hai ý nghĩa: làn sóng vi ba khởi sinh từ tâm dù vô hình vô tướng vẫn có thể lan xa khắp ba cõi, và qua đó, ảnh hưởng của một niệm có thể bao trùm cả cõi không gian rộng lớn vô cùng.